Đứng trước một nền pháp luật bất công và tình trạng
hiểu biết pháp luật thấp kém trong xã hội, chúng ta thường có xu
hướng bất lực và buông xuôi, nhưng luật sư người Mỹ Kimberly Motley thì không.
Trong một bài thuyết trình được trình bày hồi cuối năm 2014 tại chương trình
nổi tiếng TED Talks, cô đã dùng những câu chuyện hành nghề của mình tại
Afghanistan để chứng minh nỗ lực bảo vệ công lý ở một đất nước lạc hậu như vậy
không phải là vô ích. Luật Khoa tạp chí trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bản
dịch bài thuyết trình của cô. (Nguyên bản
tiếng Anh được đăng tải tại đây).
Vài nét về diễn giả: Kimberly Motley, 39 tuổi, là
một luật sư tranh tụng quốc tế, luật sư phương Tây duy nhất hành nghề ở
Afghanistan và cũng là một trong những người thành công nhất, với tỷ lệ
bào chữa thắng kiện lên tới 90% số vụ cô nhận cãi. Cô có một công ty luật riêng
ở Afghanistan ,
Motley Legal Services. Mẹ của Kimberly Motley là người Bắc Hàn, cha là người Mỹ
gốc Phi, bản thân cô mang quốc tịch Mỹ. Còn một điểm thú vị nữa ở luật sư
nhân quyền tầm cỡ quốc tế này là, cô từng là hoa hậu bang Wisconsin.
‘Tôi đã bảo
vệ nền pháp trị như thế nào’
Để tôi kể bạn nghe câu chuyện về một cô bé tên là
Naghma.
Naghma
sống trong một trại tị nạn cùng cha mẹ và tám anh chị em của mình. Mỗi sáng,
cha cô bé thức dậy với hy vọng ông sẽ được nhận vào làm việc ở công trường, nếu
may mắn một tháng có thể kiếm được 50 đô-la.
Mùa đông năm đó rất khắc nghiệt, và thật không may,
anh trai Naghma qua đời còn mẹ cô bé trở bệnh nặng. Trong tuyệt vọng, cha cô
tìm đến nhà một người hàng xóm để hỏi vay 2.500 đô-la. Sau nhiều tháng trời chờ
đáo nợ, người hàng xóm bắt đầu mất kiên nhẫn và đòi trả lại tiền. Không may
rằng cha Naghma không có tiền, vì vậy hai người đàn ông đã nhờ đến biện pháp
“Jirga” để giải quyết.
Nói
một cách đơn giản, Jirga là hình thức giải quyết tranh chấp thuộc hệ thống thực
thi công lý kiểu dân dã ở Afghanistan .
Một buổi phân xử như vậy thường do các lãnh đạo tôn giáo và bô lão chủ trì.
Hình thức Jirga phổ biến ở những đất nước xa xôi hẻo lánh như Afghanistan , nơi mà nỗi nghi
ngờ nền tư pháp chính thống đã ăn sâu vào nếp nghĩ người dân.
Trong buổi phân xử đó, những người đàn ông đã ngồi lại
và quyết định cách tốt nhất để giải quyết số nợ là gả Naghma cho cậu con trai
21 tuổi của người hàng xóm. Lúc đó cô bé chỉ vừa 6 tuổi.
Thế nhưng, những mẩu chuyện như của Naghma thật chẳng
may lại quá phổ biến. Trong cuộc sống bình yên ở thế giới chúng ta, có thể
chúng ta cho rằng những câu chuyện như vậy chỉ đơn thuần là thêm một vết
cắt đau đớn vào nữ quyền. Và nếu theo dõi tin tức về Afghanistan , có thể bạn đã nhận ra
chính quyền đất nước này đã thất bại. Dẫu vậy, Afghanistan vẫn có hệ thống pháp
luật. Tuy rằng Jirga xuất phát từ các tập quán bộ tộc lâu đời, nhưng ngay trong
hình thức này luật pháp vẫn được tôn trọng. Vì vậy không cần phải nói thì việc
dùng một đứa trẻ để trả nợ không những trái luân thường đạo lý mà đó còn là hành
động phi pháp.
Năm 2008, tôi đến Afghanistan theo một chương trình
hỗ trợ tư pháp được tài trợ.
Ban đầu, tôi tham gia chương trình kéo dài 9 tháng này
để đào tạo cho các luật sư ở đây. Trong 9 tháng đó, tôi đi khắp đất nước và nói
chuyện với hàng trăm người trong tù, tôi cũng nói chuyện với nhiều doanh nghiệp
đang kinh doanh ở Afghanistan .
Trong những buổi chuyện trò như thế, tôi bắt đầu nghe
thấy những sự liên hệ giữa khối doanh nghiệp và người dân, và việc luật pháp
được đặt ra nhằm bảo vệ hai nhóm chủ thể này nhưng lại ít được sử dụng, trong
khi các biện pháp trừng phạt thô bạo và bất hợp pháp lại bị lạm dụng.
Chính điều đó đã thôi thúc tôi đi tìm lẽ phải. Lẽ
phải đối với tôi là sử dụng luật pháp đúng với mục đích được ấn định cho nó, là
bảo vệ. Vai trò của luật pháp là bảo vệ.
Vì vậy, tôi đã quyết định mở một văn phòng luật và trở
thành người ngoại quốc đầu tiên tranh tụng ở tòa án Afghanistan . Trong thời gian này,
tôi cũng tìm hiểu nhiều đạo luật, tôi nói chuyện với nhiều người và nghiên cứu
hồ sơ các vụ án. Tôi nhận ra sự thiếu vắng lẽ phải không chỉ có riêng ở Afghanistan mà
nó là một vấn đề toàn cầu. Ban đầu phải nói tôi đã tránh tham gia các vụ việc
về quyền con người, bởi tôi sợ rằng sự nghiệp và cuộc sống cá nhân mình sẽ bị
ảnh hưởng. Nhưng tiếng gọi của lẽ phải luôn giục giã, đến một lúc tôi không thể
phớt lờ được nữa. Vì vậy tôi bắt đầu nhận làm miễn phí một số trường hợp,
Naghma cũng nằm trong số đó.
Tôi từng sống ở Afghanistan và đã làm luật sư được
hơn 10 năm. Trong thời gian đó, tôi đã bảo vệ quyền lợi cho CEO của những công
ty nằm trong danh sách Fortune 500, các đại sứ, cho đến những cô bé như Naghma,
và hầu hết đều thành công. Bí quyết đằng sau thành công của tôi rất đơn giản:
Tôi truy đến cùng mọi ngóc ngách của hệ thống pháp luật và sử dụng luật pháp
theo cách mà chúng được làm ra để sử dụng.
Tôi nhận thấy việc đạt được lẽ phải ở những nơi như Afghanistan
là rất khó, bởi ba lý do.
Thứ nhất, nói đơn giản là vì người dân vô cùng mù mờ
về các quyền pháp định của họ, và tôi thấy đây là một vấn đề toàn cầu.
Với nguyên nhân thứ hai, cho dù các quy định pháp luật
có được viết ra hẳn hoi, chúng thường bị thay thế hoặc phớt lờ bởi các tập quán
của tộc người địa phương, như buổi phân xử kiểu Jirga mà kết cục là bé Naghma
bị bán đi.
Trở
ngại thứ ba ngăn cản lẽ phải được thực thi là tình trạng dẫu đã có một tập hợp
các quy định pháp luật đúng đắn thì vẫn không có bao nhiêu người hay luật sư
sẵn sàng đứng ra bảo vệ tính hiệu lực của chúng. Và đó là việc tôi làm: Tôi sử
dụng các luật sẵn có, vốn thường không được sử dụng, và dùng chúng để mang lại
quyền lợi cho thân chủ.
Chúng ta cần kiến tạo một văn hóa nhân quyền toàn cầu
và trở thành một nhà đầu tư trong nền kinh tế toàn cầu có vốn là quyền con
người. Với một tâm thế như vậy, chúng ta sẽ cải thiện đáng kể công lý trên toàn
thế giới.
Bây giờ hãy
trở lại với Naghma.
Một số người biết đến câu chuyện này, vì vậy họ đã
liên lạc với tôi để giúp trả số nợ 2.500 đô kia. Nhưng chuyện không đơn giản
vậy; bạn không thể chỉ quẳng tiền ra và nghĩ rằng vấn đề sẽ biến mất. Đó không
phải là giải pháp ở Afghanistan .
Vì vậy tôi bảo với những người muốn giúp đỡ rằng tôi sẽ phải can thiệp. Để can
thiệp, điều kiện cần có là triệu hồi một buổi phân xử Jirga thứ hai, một phiên
tòa phúc thẩm kiểu Jirga. Để làm được như vậy, chúng tôi cần tập hợp được các
bô lão, trưởng làng và các lãnh tụ tôn giáo. Chúng tôi cũng cần phải có sự đồng
ý của cha Naghma, người hàng xóm và con trai của ông ta. Tôi cũng nghĩ rằng nếu
can thiệp vào chuyện này, tôi cần có sự chấp thuận của bọn họ để tôi chủ trì
buổi phân xử.
Sau nhiều giờ nói chuyện làm quen và truy tìm nơi ở,
cùng với khoảng 30 tách trà, cuối cùng bọn họ cũng đồng ý ngồi lại cho buổi
Jirga thứ hai. Và nó đã diễn ra.
Khác
với lần trước, lần này chúng tôi lấy luật pháp làm trung tâm. Tôi có một nhiệm
vụ rất quan trọng là làm cho họ hiểu rằng Naghma có quyền được bảo vệ. Cuối
buổi Jirga này, người chủ trì phiên phân xử đã ra phán quyết hủy quyết định ở
phiên trước đó, đồng thời số nợ 2.500 đô la được thanh toán. Tất cả chúng tôi
cùng ký một biên bản ghi nhận thỏa thuận trước đó giữa hai bên là bất hợp pháp,
và nếu lặp lại việc đó bọn họ sẽ phải đi tù. Trên hết – (Vỗ tay) Xin cảm ơn.
Quan trọng hơn hết, hôn ước bị hủy bỏ và Naghma được tự do. Bảo vệ Naghma và
quyền được tự do của cô bé cũng chính là bảo vệ chúng ta.
Đi kèm với việc tôi làm là một số rủi ro trên mức
bình thường. Tôi đã từng bị giam giữ một thời gian. Tôi từng bị cáo buộc kinh
doanh nhà thổ và làm gián điệp. Đã có một quả lựu đạn được ném vào văn
phòng của tôi. May mà nó không nổ.
Thế
nhưng tôi nhận thấy với việc tôi làm, phần thưởng vượt lên trên rủi ro gấp
nhiều lần. So với tất cả những rủi ro tôi gặp, các thân chủ của tôi phải đối mặt
với rủi ro còn lớn hơn rất nhiều, bởi họ sẽ đánh mất rất nhiều thứ nếu vụ việc
của họ không được giải quyết, hoặc tệ hơn, nếu họ bị trừng phạt vì đã nhờ tôi
làm luật sư. Với mỗi vụ, tôi nhận ra rằng không chỉ có tôi đứng sau hỗ trợ thân
chủ mà chính họ cũng đứng sau tôi. Và đó là động lực giúp tôi tiếp tục.
Luật pháp với khả năng tác động lên hành vi đóng vai
trò quan trọng bảo vệ tất cả chúng ta. Nhà báo giữ trách nhiệm không thể thiếu
trong việc đảm bảo thông tin được đưa đến công chúng. Thành thói quen, chúng ta
tiếp nhận thông từ báo chí nhưng thường quên đi con đường mà thông tin đã tìm
đến chúng ta.
Đây
là một bức ảnh chụp các nhà báo Anh đang công tác tại Afghanistan .
Bức ảnh được chụp một vài năm trước bởi bạn tôi, David Gill. Theo Ủy ban
Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protecct Journalists), từ năm 2010 đến nay đã có
hàng ngàn nhà báo bị đe dọa, đả thương, bị giết và bị cầm tù.
Đã thành thói quen, khi tiếp nhận thông tin này, chúng
ta thường quên rằng nó tác động đến ai hay thông tin đó đã được đưa đến chúng
ta bằng cách nào. Những gì các nhà báo trong nước và ngoài nước làm được rất
đáng nể phục, đặc biệt ở những nơi như Afghanistan . Chúng ta không bao giờ
được quên điều đó, vì điều mà họ đang bảo vệ không chỉ là quyền được tiếp nhận
thông tin của chúng ta mà đó còn là tự do báo chí, thứ không thể thiếu ở một xã
hội dân chủ.
Matt Rosenberg là một nhà báo tác nghiệp ở Afghanistan .
Anh đang cộng tác cho tờ New York Times. Cách đây vài tháng, thật không may anh
viết một bài báo làm mất lòng các quan chức chính phủ nơi đây. Hậu quả là anh
bị tạm giam một thời gian và sau đó bị trục xuất một cách bất hợp pháp ra khỏi
đất nước. Tôi đã làm luật sư đại diện cho Matt. Sau khi làm việc với chính phủ,
tôi đã khiến họ phải thừa nhận bằng văn bản rằng Matt bị trục xuất bất hợp
pháp, rằng tự do báo chí tồn tại ở Afghanistan , và sẽ có những hậu quả
nếu nó không được thực thi. Tôi rất vui để chia sẻ rằng cách đây ít ngày, chính
phủ Afghanistan
đã chính thức mời Matt trở lại đất nước họ và lệnh trục xuất đã được bãi bỏ.
Nếu một nhà báo bị kiểm duyệt, các nhà báo khác sẽ cảm
thấy sợ hãi, và rồi các quốc gia sẽ sống trong im lặng. Việc bảo vệ các nhà báo
và nền tự do báo chí là rất quan trọng, vì nó buộc các chính phủ có trách nhiệm
hơn với chúng ta và phải minh bạch hơn. Bảo vệ nhà báo và quyền tiếp cận
thông tin của bạn và tôi cũng chính là bảo vệ chúng ta.
Thế giới
đang thay đổi.
Giờ đây chúng ta sống trong một thế giới đã rất khác,
những thứ trước đây từng là vấn đề riêng lẻ giờ đã mang tính toàn cầu. Hai tuần
trước, Afghanistan
chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực mang tính dân chủ đầu tiên và bầu ra tổng
thống Ashraf Ghani. Đây là một bước chuyển lớn, tôi rất kỳ vọng vào ông ấy và
mong rằng ông sẽ mang đến những thay đổi mà Afghanistan cần, đặc biệt trong
lĩnh vực pháp luật.
Giờ đây chúng ta sống trong một thế giới đã khác
trước. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà đứa con gái 8 tuổi của tôi chỉ
biết mỗi ông tổng thống da màu (ý nói Barack Obama – ND). Khả năng rất lớn sắp
tới chúng ta sẽ có một nữ tổng thống, và khi con gái tôi lớn lên, biết đâu nó
sẽ đặt câu hỏi, liệu một ông da trắng có thể làm tổng thống không nhỉ?
Thế giới đang thay đổi, và chúng ta cần thay đổi cùng
với nó. Những thứ trước đây từng là vấn đề cá nhân giờ đã trở thành mối bận tâm
của tất cả chúng ta. Theo tổ chức UNICEF, hiện có hơn 280 triệu trẻ vị thành
niên trai và gái kết hôn dưới 15 tuổi. 280 triệu. Nạn tảo hôn kéo dài vòng tròn
luẩn quẩn của nghèo đói, bệnh tật và thất học.
Ở tuổi 12, Sahar đã lập gia đình. Em bị ép kết hôn và
bị bán đi bởi chính anh trai của mình. Khi cô bé về sống ở nhà chồng, gia đình
chồng đã bắt em phải bán dâm. Bởi vì Sahar kháng cự, em bị họ hành hạ. Em bị
đánh rất nặng bằng gậy kim loại. Họ làm em bị bỏng. Họ trói em lại trong tầng
hầm và bỏ đói em. Họ dùng kìm bẻ móng tay của em. Đến một lúc, cô bé thoát ra
khỏi căn phòng tra tấn đó và tìm đến nhà một người hàng xóm. Nhưng khi cô bé
đến, thay vì che chở cho em, người nhà hàng xóm đã lôi em trở lại gia đình
chồng. Và em bị hành hạ còn nặng nề hơn nữa.
Lần đầu tôi gặp Sahar, thật may Hội Phụ nữ vì Nữ giới Afghanistan
(Women for Afghan Women) đã cho em một chốn nương tựa an toàn. Là một luật sư,
tôi luôn cố gắng mạnh mẽ khi tiếp xúc với các thân chủ, vì điều đó rất quan
trọng đối với tôi. Nhưng thật khó để nhìn Sahar, nhìn thấy em đã suy sụp và ốm
yếu đến nhường nào. Chúng tôi phải mất nhiều tuần lễ thuyết phục cô bé kể lại
những gì đã xảy ra trong căn nhà đó. Cuối cùng cô bé cũng chịu mở lòng với tôi,
và khi em cởi mở hơn, tôi nghiệm ra em không được biết về các quyền của mình, tuy
nhiên em có nhận thức rằng chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ em ở một mức độ nhất
định nhưng họ đã không thực hiện. Vì vậy chúng tôi đã cùng nhau trao đổi các
giải pháp pháp lý có thể theo đuổi.
Sau cùng chúng tôi đưa vụ việc ra Tòa án Tối cao. Đó
là một quyết định có ý nghĩa rất lớn, bởi đây là lần đầu tiên một nạn nhân bạo
hành gia đình ở Afghanistan
được luật sư bảo vệ cho quyền lợi vốn được thừa nhận trong một đạo luật nhưng
chưa bao giờ được áp dụng trong thực tế.
Thêm vào đó, chúng tôi còn kiện đòi bồi thường dân sự,
và cũng dùng một đạo luật chưa bao giờ được áp dụng. Chúng tôi đứng trước 12 vị
thẩm phán của Tòa Tối cao Afghanistan ,
tranh đấu cho lẽ phải. Tôi, một nữ luật sư người Mỹ, và Sahar, một cô gái trẻ
từng không thể nói thành tiếng khi chúng tôi gặp nhau. Nhưng giờ đây em đã vươn
dậy, tìm thấy tiếng nói của mình. Cô gái nhỏ của tôi yêu cầu ở họ công lý, và
em đã nhận được.
Cuối cùng tất cả thẩm phán cùng đồng thuận ra phán
quyết gia đình nhà chồng của cô bé phải bị bắt vì những gì họ đã gây ra cho em,
gã anh trai đáng kiếp của em cũng phải bị bắt vì đã bán em – (vỗ tay) – và cô
bé có quyền được nhận bồi thường dân sự. Sahar đã cho chúng ta thấy chúng
ta có thể chống lại những hủ tục, lề lối lạc hậu bằng cách sử dụng luật pháp
theo cách chúng được làm ra để sử dụng. Bằng cách bảo vệ Sahar, chúng ta cũng
bảo vệ chính bản thân mình.
Qua hơn 6 năm làm việc ở Afghanistan , bạn bè và gia đình tôi
nghĩ việc tôi làm trông như thế này (cười). Nhưng thực tế, công việc của tôi là
thế này. Chúng ta đều có thể làm được điều gì đó. Tôi không nói tất cả sẽ mua
vé máy bay và dọn đến Afghanistan ,
nhưng chúng ta đều có thể trở thành những nhà đầu tư trong một nền kinh tế nhân
quyền toàn cầu. Chúng ta có thể xây dựng một văn hóa minh bạch và có trách
nhiệm trước pháp luật, trong quá trình đó khiến chính phủ có trách nhiệm với
chúng ta, cũng như chúng ta với chính phủ.
Vài tháng trước, một luật sư Nam Phi đến thăm văn
phòng của tôi và anh ta nói: “Tôi rất muốn gặp chị. Tôi muốn thấy một người mất
trí trông như thế nào”. Luật pháp là của chúng ta. Bất kể sắc tộc, quốc tịch,
giới tính, màu da của bạn là gì, luật pháp thuộc về tất cả chúng ta, và tranh
đấu cho công lý không phải là việc điên rồ.
Khối doanh nghiệp cũng cần tham gia vào công cuộc này.
Đầu tư cho nhân quyền sẽ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp của bạn. Cho dù bạn
đến từ khu vực kinh doanh, cộng đồng phi chính phủ hay đơn thuần là một công
dân, một nền pháp trị có lợi cho tất cả chúng ta. Bằng cách chung tay
trong một tâm thế có ý thức, thông qua xã hội dân sự, khu vực tư nhân và nhà
nước, chúng ta có thể kiến tạo một nền kinh tế nhân quyền toàn cầu và cùng trở thành
những nhà đầu tư toàn cầu vào quyền con người. Bằng cách đó, chúng ta sẽ
cùng nhau đạt được lẽ phải.
Xin cảm ơn.
(Video bài thuyết trình của luật sư Kimberley Motle)
Công lý không biên giới!
Trả lờiXóaRất hiệu ứng. Một người biết Nói (Kimberly Motley, 39 tuổi, là một luật sư nữ tranh tụng quốc tế, luật sư phương Tây (Mỹ) duy nhất hành nghề ở Afghanistan) và Nhiều triệu người biết Nghe (Thủ lĩnh và người dân các bộ tộc ở Afghanistan) đã làm thay đổi căn bản tập tục lạc hâu, ràng buộc hàng ngàn đời đối với người phụ nữ, làm lay chuyển toàn bộ các thẩm phán và tạo ra một hướng hoàn toàn mới về một nền pháp trị ở đất nước Afghanistan. Nữ Luật sư Kimberly Motley là một người rất trí tuệ và bản lĩnh. Vì sự Tự do và Bình đẳng về Quyền và Phẩm giá làm người của các dân tộc trên Trái Đất. Thân gái dăm trường, đem Ánh sáng Công lý đến vùng các dân tộc, bộ lạc còn rất lạc hậu và ác tính có được một nhận thức mới về nền pháp trị ở Afghanistan. Thế là Công lý không biên giới.
Ngẫm mà hay. Người biết Nói và người biết Nghe tạo nên xã hội Đồng thuân!