Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

MINH TÂM - Chùm thơ cuối năm

          
* MINH TÂM
         Hôm trước sau khi đăng chùm thơ  viết về người lính, tôi nhận được nhiều nhận xét  của  bạn đọc, đặc  biệt tôi rất tâm đắc khi đọc  những dòng nhận xét của các anh chị Nguyễn Vinh Dũng, Helenathuy, Dương Ngọc Lan- Paris, Hương Khê, Nặc danh 15.18, Nặc danh 20.55. Xin chân thành cảm ơn.
           Tôi không phải nhà thơ,  nhưng cũng như nhiều người lính khác trong chiến tranh, thường  ghi những tâm sự, trăn trở  vào sổ tay .  Nay tôi chép lại và gửi đăng trên trang Blog của nhà báo, nhà thơ đại tá Bùi Văn Bồng để chia sẻ những tâm sự , trăn trở đó  của một  người lính một thời trận mạc đã qua.

MỘT ĐÊM TRÊN BỜ SÔNG VÀM CỎ

Tôi lạc vào ấp  chiến lược  ven sông
Lúc nước lên ròng con  trăng cuối tháng
Đèn  tháp canh quét mặt sông loang loáng
Vắng tiếng chim bìm bịp báo bình yên…

Căn nhà ven sông trống trải bốn bên
Lẻ loi  một mình  người mẹ
Khuôn mặt  gầy  thân hình nhỏ bé
Giải khăn tang còn trắng trên đầu…

Giữa  trang  thờ  trên tấm vách xiêu
Hình  người lính Cộng hòa  tử trận
Anh  chạc tuổi tôi, lính sư 18
Nụ cười  ngượng ngập trên môi.

Giọng buồn người  mẹ nói với tôi:
-Má  chỉ có một mình thằng Đực
Tính nó hiền lành hiếu thảo
Mê chèo ghe giăng lưới rô đồng…

Nghe tiếng bo bo rồ máy dưới sông
Tiếng lính đi tuần gọi nhau í ới
Má bảo tôi núp vào  tấm lưới
Tấm lưới  ngày xưa
 Đực  giăng  cá rô đồng…

Tôi hỏi:
-Má ơi, sao lại cứu con
Một người lính bên kia chiến tuyến?
Má bảo:
- Tôi  đã đứt khúc ruột!
Không muốn  người mẹ  khác  như mình!

Tôi muốn gục đầu vào lòng má
Lau  nước mắt trên khuôn mặt hao gầy
Tôi biết  mẹ tôi giờ này
Vẫn thao thức  bên bờ  sông Đáy…
                              Bến Sỏi  25- 8-1968

 U MINH HẠ
Anh ở lại  Hậu Giang
Tôi xuống  U  Minh Hạ
Mảnh đất bồi hun hút cuối trời Nam
Rẽ lau lách đôi bờ sông  Đốc
Chiến khu C. sâu thẳm giữa rừng tràm .

Huyền thọai xưa liều mình cứu chúa
Lãng đãng sương,  bông  sậy trổ cờ
Hoa tràm  rụng trên  hầm chìm nổi
Mạch sống  len lỏi giữa hoang sơ.

Củi tràm đượm nướng trui cá lóc
Ly  rượu đế chuyền tay  vơi  lại  đầy
Chuyện cổ tích bác Ba Phi huyền ảo
Tiếng muỗi kêu như  tiếng  ong bay.

Tấm liếp sậy mong manh  chắn gió
Đất dưới chân như  thở  phập phồng
Chiều nghe  tiếng  hổ mây tát nước
Đêm cồn cào nghe  tiếng mễn kêu …

Cô giao liên ngực trăng mười sáu
Chèo  ghe  đánh võng trên sông
Em chở khách lên Vồ Dơi , Vòm Thấu
Hái đùm  rau đắng nấu canh chua…

Em dạy tôi cách  đặt trúm bắt lươn
Cách hun khói  ong lấy  mật…
Cách náu mình tránh trực thăng quây…
Dòng  sông Đốc xanh trong đáy mắt
Ánh trăng  nghiêng  xuống ngực em đầy…
                          U Minh Hạ , 20-12-1969

NHẬN TIN ANH HY SINH

Nhận tin anh hy sinh
Ở chiến trường Quảng Trị
Ôi người anh đồng chí
Mới ba mươi tuổi đời

            Đau xót quá anh ơi!
Mới hôm nào anh Tế
Hy sinh trên trận địa
Hai mươi sáu tuổi đời!

           Giờ này ở quê nhà
Mẹ lén chùi nước mắt
Ru đứa cháu mất cha
Chưa một lần gặp mặt

 Em đang mùa chiến dịch
Lăn lộn khắp chiến trường
Không có một nén hương
Thắp cho người nằm xuống

Thôi dưới thành Quảng Trị
Ngủ yên nghe anh ơi!
Đâu cũng là đất Mẹ
Mẹ ru anh ngàn đời…
                    Miền Đông,  16-9-1972

GHI Ở VỊ XUYÊN
Ơi Đàm,ơi Chiến,ơi Sanh,
 Bây giờ hồn cốt các anh nơi nào ?
 Na La, Thanh Thủy, điểm cao ,
 Chon von sườn Bắc hay vào Hang Dơi?
 Lão Sơn giặc chiếm mất rồi,
  Xác thù chất đống trên đồi “thịt băm” !
  Máu loang  chỗ các anh nằm,
 Hồn thiêng sông núi ngàn năm vẫn  còn !

  Mẹ nghèo mỏi mắt chờ con,
  Vợ hiền ôm gối mỏi mòn canh thâu !
  Bây giờ anh ở nơi đâu ?
  Mẹ nghèo bạc trắng mái đấu ngóng trông !

  Vợ anh giờ đã lấy chồng ,
  Hai tay con bế con bồng anh ơi!
  Những thằng ngày ấy rong chơi ,
  Bây giờ  khệnh khạng  xe hơi nhà lầu !
  Hồn thiêng  còn ở nơi đâu ?
  Về đây chứng kiến nỗi đau nhân quần!
                  Nghĩa trang Vị Xuyên 17-2-2011

            MẸ
Ngày xưa tát nước cấy cày
Phân tro cỏ nả một tay mẹ làm
Xóm làng cứ bảo mẹ tham
Mẹ cười, mẹ bảo : “ Có làm chi đâu!”
Mẹ chăn tằm, mẹ hái dâu
Xay thóc , giã gạo …đêm thâu mẹ làm
Xóm làng cứ bảo mẹ tham
Mẹ cười mẹ  bảo : “ Có làm chi đâu!”

Gánh gồng hai gối mẹ đau
Nắng mưa chiếc áo bạc  mầu nâu non
Tảo tần nuôi tám đứa con
Bốn trai bốn gái lớn khôn trưởng thành…

Bây giờ mẹ dưới cỏ xanh
Bát nhang hương khói lạnh tanh thế này.
Vách tường tre cũ gió lay
Vẫn còn dòng chữ  ghi ngày mẹ đi!
Vườn sau cỏ mọc xanh rì
Trái cau rụng xuống lối đi khô giòn
Dàn trầu xơ xác héo hon

Cái lồng gà ấp vẫn  còn mái che…
Chiếc ấm mẹ  nấu nước chè
Giờ  treo lủng lẳng bụi tre sứt vòi
Gầm bàn thờ chiếc bình vôi
Đã khô cong  hết vôi rồi còn đâu?
Cái bừa cái ách riệt trâu
Chiếc cối giã gạo canh thâu vẫn còn
Vẫn như dáng mẹ của con
Một đời vất vả vì con vì chồng
Tấm lòng mẹ rộng mênh mông
Mà sao mẹ cứ bảo “ Không có gì!”
                                        12-8-2011

              CỐ HƯƠNG
Nửa đời biền biệt xa quê
Bạc phơ mái tóc tìm về cố hương
Ngẩn ngơ đứng ở cổng làng
Nhìn dăm thợ cấy vội vàng đi qua
Vẫn quần đen áo xẻ tà
Hỏi thăm rứu rít  mặn mà như xưa
Con đường làng vẫn lưa thưa
Bụi tre gai, gió  cò  cưa thuở nào
Chợ  quê  đon đả mời chào
Mớ rau, con tép ở ao vười nhà…
             Quán  chè thuốc ở gốc đa
Tiếng điếu cày rít như là tiếng ve
Dưới sông một chiếc vó bè
Trên trời  mấy cánh diều tre lượn lờ
Bên sông tháp nhọn nhà thờ
Bên này vẳng tiếng chuông chùa nhặt thưa…
Vẫn  còn đây nét quê xưa
Để cho những đứa con xa tìm về.
                       Làng An,  29-3-1986
                             
LÀNG LÒI
Quê tôi có cái làng Lòi
Dăm chục mái lá ở doi đất bồi
Đàn bà với trẻ con thôi
Không nhà nào có bóng người đàn ông
Các chị là gái ế chồng
Rủ nhau vỡ đất mom sông lập làng
Vẹo vênh lỗ đục lỗ tràng
Lỏng leo múi lạt múi giang buộc ràng
Thương nhau duyên phận lỡ làng
Tuổi xuân gửi ở chiến trường năm xưa
Kết thành bụi dứa bụi mua
Nâng nưu kỷ niệm những mùa đã xa
Lo toan mỗi tuổi một già
Xin người một đứa con thơ bế bồng
Bỏ lời cay nghiệt trôi sông
Xa nơi nhòm ngó để lòng nhẹ vơi
Thắp lên lửa ấm tình đời
Xẻ chia thân phận con người đắng cay…
                                 Làng Lòi,  25-5-1998

          HOA BÈO
Nhà mình cách một con sông
Và chỉ qua  một quãng đồng ngắn thôi
Con sông không lở khong bồi
Hoa bèo tím, lửng lơ trôi giữa dòng

Con thuyền đậu bến nước trong
Nối đôi bờ nối nhớ mong hẹn hò
Mẹ cha đã mối mai cho
Chúng mình cũng đã hẹn hò từ lâu…

Một chiều tầm tã mưa ngâu
Cầm chùm hoa dại tím  mầu đợi em
Tạnh mưa bến đã lên đèn
Vẫn không nhìn thấy dáng quen bên bờ

Hôm sau anh lại đứng chờ
Những ngày sau vẫn thẫn thờ ngóng trông
Ngờ đâu  em đã lấy chồng
Phố xa bỏ lại dòng sông, cánh cò

Phố xa có nhớ con đò
Nhớ chùm hoa tím hẹn hò hay không?
Miếng trầu thơm vị vôi nồng!
Mối mai   còn nhớ hay  không, hỡi người ?


TAY CÓ TAY KHÔNG

Tập tầm vông
Tay không tay có
Tập tầm vó
Tay có tay không...
Có không, không có, có không
Trò chơi từ thuở mục đồng ngây thơ
Bây giờ tóc đã  bạc phơ
Vẫn trăn trở, vẫn đợi chờ  ngóng trông
Có không không có có không
Một đời không có có không một đời
Thương thay số phận con người…
                          Đêm  29-12-2014 
-------------------

14 nhận xét:

  1. Tôi đọc nhiều bài phóng sự của MD thấy có chất văn, hơi văn xuyên suốt . Gần đây các câu chuyện theo dạng ghi chép rất có hồn. Còn chùm thơ trước trên trang BVB rất thật nhưng còn đơn giản. Đến chùm thơ này thật sự có tâm hồn, tâm trạng nhất là hai bài MỘT ĐÊM TRÊN SÔNG VÀM CỎ VA U MINH HẠ. Nếu có nhà phê binh NHỚN NÀO đó quan tâm, tờ báo nào đó LĂNG XÊ là MD thành nhà thơ thôi. Ngày nay các giám đốc doanh nghiệp và các cụ lãnh đạo về hưu THÀNH NHÀ THƠ RẤT NHANH. đây là công nghệ của sự lưu manh đổ đốn.ở nhiều địa phương và nhiều tờ báo!
    Quay lại với MD do anh có vốn sống , có tâm hôn và tâm trạng nên khi có tuổi nhìn lại hoài niệm sửa chữa ghi chép nên những câu thơ, bài thơ thấm đẫm tình người , tình đời vì nó rất thật.
    chúc thành công./.

    Trả lờiXóa
  2. Đảng đã lợi dụng lòng yêu nước của dân tộc để lừa đảo và đẩy hàng triệu người lao vào cuộc chém giết,huynh đệ tương tàn.Rất nhiều trong số đó là tinh hoa của dân tộc.Những kẻ hèn nhát,đào ngũ như Trần Văn Truyền thì sống trên nhung lụa,cung điện nguy nga.Bây giờ,vì bảo vệ quyền lợi,chúng còn đội kẻ thù truyền kiếp lên đầu.Tội ác này trước sau gì củng phải trả giá

    Trả lờiXóa
  3. Xin được chia sẻ với anh Bồng và Minh Tâm một chút tân tư người lính – những ngày cuối năm
    -------------------------------------------------


    TÌNH NGƯỜI


    Tôi muốn viết lên vạn chữ yêu
    Để cô đơn không đến những chiều
    Để được yêu và yêu nhiều hơn nữa
    Quên những ngày tháng chiến tranh

    Tôi muốn viết lên vạn chữ thương
    Gửi lại tháng, năm...
    Gửi tới những chặng đường...
    Đã qua và đang chờ tôi phía trước

    Ngày đất nước thanh bình
    Ai còn về nơi mình đã ra đi
    Xin hãy nhớ - đừng quên
    Những ngày nơi chiến tuyến

    Những ngày mình sống bên nhau

    Quảng Ngãi, ngày 25-7-70



    BẾN SÔNG QUÊ

    Tôi chỉ muốn được làm cơn gió nhẹ
    Nâng cánh phượng rơi trên những trang thơ
    Tôi muốn làm con sóng nhỏ ven bờ
    Ôm bến sông quê, chiều về giăng mây tím

    Miền tây Quãng Ngãi, ngày 27-7-1970












    ĐÓI !


    Đêm đã khuya hai lần chim “tót tót”
    Giục đêm tàn rừng nặng giọt sương rơi
    Trong nhà tôi tất cả đã yên rồi
    Còn lại mình tôi - lặng nghe lá rừng xào xạc

    Không ngủ được bụng cồn cào thèm khát
    Ước gì được bát cơm ăn
    Với muối hầm thôi rất mực thường tình
    Đơn giản lắm chỉ cần ấm dạ
    Chẳng ước cao sang gà tần hay tôm cá
    Lợn quay hay chả phượng, nem công

    Cơm muối hầm thôi
    Một ước muốn thường tình
    Nhưng thật khó, biết tìm đâu thứ ấy
    Đêm cứ dài ra, mặc người nằm đói
    Mơ màng nâng chén cơm thơm
    Chan đậm mồ hôi tất tả chợ Hôm
    Gánh cá dổi bãi ngang nắng chiều cong lưng mẹ

    Đêm cứ vô tình - dài ra...
    Đêm nay!
    Đói lắm cũng không bằng đêm trước
    Cố mà ngủ ngon
    Mai chiến dịch mở rồi

    Hậu cứ sông Giang năm 70




    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất thật.Nhưng thế này mới chĩ hơi đói thôi .Các anh làm tôi nhớ những ngày đói kinh hoàng trong chiến dịch Nguyễn Huệ .
      -Đói quay quắt-Đói nôn nao-Đói lòi con mắt.Nhìn đồng đội đói lả người sau trận đánh ,anh nuôi đơn vị tôi ,mặc dủ mới cắt cơn sốt rét,cầm lòng ko đậu vác xẻng vào rừng đào củ mài để chiến sĩ cầm hơi .Chiều ko thấy anh về,sáng hôm sau cũng ko thấy,có nhiều ý kiến dị nghị .Chiều tối nhóm trinh sát quay về báo cáo đã tìm thấy anh .Anh chết cắm đầu dưới hố củ mài,hai chân chổng lên trời vì đói quá lả người ko dậy được ."Có lẽ ko ở đâu trên trái đất này-Có những sự hy sinh đớn đau đến vậy-Có lẽ ko có sự tàn nhẫn nào hơn tàn nhẫn lộn ngược hỉnh nhân "

      Xóa
    2. "4.000 năm đói!" (Nhà Khảo cổ học TQV)

      Xóa
  4. Chúng tôi là những người lính bảo vệ biên giới phía bắc . Đọc bài thơ ghi ở Vị Xuyên của tác giả Minh Tâm thật là vô cùng xúc động, lúc đó cũng chúng tôi chỉ nghĩ , là thanh niên phải có nghĩ vụ tham gia bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ Quốc chống giặc bành chướng Bắc Kinh ( TQ ) . Không ngại khó khăn gan khổ , dù phải hy sinh gian khổ , bất chấp cả tính mạng và tuổi thanh xuân của mình. Quyết chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ Quốc . Bây giờ nghĩ lại thì mọi người lính dù tham gia chiến đấu , hay phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc không có sự ghi công . Những người cầm quyền không giám tổ chức kỷ niện ngày ( 17 / 2 / 1979 ) . Mà hoàn toàn tự những chiến sỹ ở cùng đơn vị chiến hào, họp mặt , gặp nhau tự ôn lại những kỷ niệm một thời chiến tranh. Sau 35 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc lùi dần xa vào quên lãng . Thật là hổ thẹn cho những người lính , và đau xót cho đồng bào các dân tộc ở biên giới . Họ chiến đấu , và phục vụ chiến đấu để được trả công (vài triệu đồng bạc) theo nghị định 142/ cp . Đó là cái giá phải đánh đổi cho những người lính bảo vệ biên giới phía bắc Tổ Quốc . Xin mượn tác giả một đoạn kết bài thơ, để nói thay tư tưởng , tâm tư của những người lính bảo vệ biên giới . Mình hy sinh vô nghĩa.
    ( Những thằng ngày ấy rong chơi
    Bây giời khệnh khạng xe hơi nhà lầu.
    Hồn thiêng còn ở nơi đâu
    Về đây chứng khiến nỗi đau nhân quần .)



    ( Những thằng ngày ấy rong chơi
    Bây giờ khệnh khạng xe hơi nhà

    Trả lờiXóa
  5. Ngủ yên nghe anh ơi!
    Đâu cũng là đất Mẹ
    Mẹ ru anh ngàn đời…

    Thơ MT làm tôi chảy nước mắt

    Trả lờiXóa
  6. co phai nha tho minh tam la minh dien khong ?

    Trả lờiXóa
  7. Có người xưng nhà thơ mà thơ không ra thơ. Ông Minh Tâm không nhận mình là nhà thơ nhưng đọc thơ ông tôi cảm động , day dứt .Tôi cũng là một người lính từng trải qua chiến tranh như ông nên đồng cảm chăng. Muốn nói gì thì nói, thơ phải lột tả nỗi đau của con người.

    Trả lờiXóa
  8. Trương Minh Tịnhlúc 16:44 29 tháng 12, 2014

    Hay. Nhân bản.

    Trả lờiXóa
  9. Tôi rất ấn tượng với những bài thơ của bác Minh Tâm , đặc biệt là hai bài về hai người mẹ , một người sinh ra ông , và một người đã cứu ông trong hoạn nạn .
    Trước đây , ở thời mà người ta đòi hỏi rõ ràng trong lý lịch , rạch ròi cả tình cảm mẹ con , thậm chí bắt con từ mẹ , thì người lính trên sông Vàm cỏ đêm nào đã nhận ra điều vô cùng to lớn trên đời , đó là tình người sâu nặng . Ở đó không có chiến tuyến , không còn Địch – Ta . Người lính đó đã làm đúng lương tâm khi mang theo , và day dứt với hình ảnh đó đến hôm nay .

    “Tôi muốn gục đầu vào lòng má
    Lau nước mắt trên khuôn mặt hao gầy
    Tôi biết mẹ tôi giờ này
    Vẫn thao thức bên bờ sông Đáy… “

    Chỉ có tình người sẽ đi theo và ám ảnh ta suốt cuộc đời này , không có nó cuộc sống là vô nghĩa . Ở đây không có “ Chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao cả “ , cũng chẳng có bà mẹ cách mạng , hay bà mẹ “ Ngụy “ nào hết – Đó là việc làm của các nhà tuyên huấn , chính trị với các tham vọng của họ . Ở đây chỉ có nghĩa nhân và người được chở che .

    “Chiếc ấm mẹ nấu nước chè
    Giờ treo lủng lẳng bụi tre sứt vòi
    Gầm bàn thờ chiếc bình vôi
    Đã khô cong hết vôi rồi còn đâu?
    Cái bừa cái ách riệt trâu
    Chiếc cối giã gạo canh thâu vẫn còn
    Vẫn như dáng mẹ của con

    Những tình cảm chân thành và mộc mạc , những câu thơ đơn sơ nhưng ám ảnh người đọc . Mẹ là mẹ , có khác đâu xa người mẹ của Vũ Đình Liên :

    “Hình dáng Me tôi chửa xoá mờ
    Hãy còn mường tượng lúc vào ra
    Nét cười đen nhánh sau tay áo
    Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.” ( Nắng mới – Vũ Đình Liên )

    Hay người mẹ của Nguyễn Duy :

    “ Cái cò… sung chát đào chua
    Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
    Ta đi trọn kiếp con người
    Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru “ ( ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy )

    Khi đầu còn xanh , tuổi còn trẻ , người ta chỉ nhớ đến mẹ mỗi khi vòi quà , nhưng khi tóc đã ngả mầu sương , tuổi đã xế chiều , tình thương , nỗi nhớ ấy dường như kết keo , sánh lại .

    Tôi càng đọc , càng cảm nhận được những triết lý sâu xa từ những câu thơ đơn sơ nhưng chân thành của Minh Tâm – Xin cảm ơn tác giả những vần thơ ấy .

    Để gió cuốn đi



    Trả lờiXóa


  10. Đúng là cái thằng mắc dịch Lậm Văn Sai !

    http://i60.servimg.com/u/f60/15/20/27/58/lai-va10.png

    Mừng lễ Quân đội Nhân dân 70 năm :
    Lão cố quên tiệt chiến tranh biên giới Tây Nam
    Ngay cả chiến tranh Việt-Trung biên giới Bắc
    Nhắc đến Hoàng-Trường Sa hắn sợ giật mình !
    Nói tiếng Việt như thằng Chệt lệch quai hàm
    Vốn tiếng Anh gà què mổ còn thiếu chữ !

    http://1.bp.blogspot.com/-1s9CY3k2Qgo/T0HRB9VClrI/AAAAAAAAHD8/I7cw0OXmx18/s400/lang-son31.jpg

    Chắc Khựa thuê Hắn đục bỏ chữ trên bia khắc sâm ?
    Kỷ niệm giặc Tàu ô xâm lược Nước Việt
    Nhưng chắc chắn cố tình tự đục trí nhớ hắn
    Đúng là cái thằng mắc dịch Lại Văn Sâm !

    TRIỆU LƯƠNG DÂN

    Trả lờiXóa
  11. Bỏ lời dị nghị trôi sông
    Xa nơi nhòm ngó để lòng nhẹ vơi
    Thắplên lửa ấm tình đời
    sè chia thân phận con người đắng cay
    Đó là một cách nhìn rất nhân văn . Hàng vạn nữ thanh niên xung phong cần như vậy. Xin cảm ơn Minh Tâm.

    Trả lờiXóa
  12. Có không, không có ,có không
    Một đời không có, có không một đời!
    Triết lý đạo Phật " Sắc sắc không không" mà. Tất cả là thực, tất cả là mơ.
    Đời người phiêu du trong 36 cõi .

    Trả lờiXóa