Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Luật pháp mở hay bó tự do của người dân?

* TRUNG LẬP
Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trong phiên họp Quốc hội ngày 13 tháng 11 năm 2014 đã chia sẻ suy nghĩ của ông về quyền dân sự, chính trị. Ông nói “trong lĩnh vực dân sự này luật càng ít thì khoảng không tự do của con người càng nhiều. Luật càng nhiều càng cụ thể thì càng bó sự tự do của con người”. Đây chính là triết lý sâu xa của nhà nước pháp quyền mà ngay nhiều đại biểu dân cử cũng không hiểu hết.
         Hiến pháp thể hiện ý chí của toàn dân mà quốc gia nào cũng có. Hiến pháp quy định các quyền cơ bản của công dân và kiểm soát quyền lực của nhà nước. Điều này là cần thiết vì nhà nước thường là bên lạm quyền vì nhà nước có quân đội, công an. Để bảo vệ quyền của công dân trước sự xâm hại của nhà nước, nhiều quốc gia có tòa án hiến pháp để phân xử những vụ kiện của công dân với nhà nước. Trong trường hợp quyền con người bị giới hạn thì chỉ có thể bằng luật vì về nguyên tắc chỉ có người dân mới có quyền giới hạn quyền của mình (vì Luật do quốc hội đại diện cho người dân thông qua). 
Tuy nhiên, ở Việt Nam một số quyền con người vẫn được quy định bởi pháp luật, đồng nghĩa nhiều văn bản dưới luật như nghị định (do chính phủ ban hành) và thông tư (do cấp Bộ ban hành) cũng có thể hạn chế quyền của công dân. Điều này càng bất cập khi Việt Nam chưa có một cơ quan bảo hiến độc lập để xem xét vô hiệu hóa các văn bản trong trường hợp có dấu hiệu vi hiến. 
Theo tổng hợp của Bộ tư pháp, trung bình một năm Việt Nam thông qua 20 luật, khoảng 100 nghị định, hơn 600 thông tư và hàng nghìn văn bản điều hành. Đây chính là “rừng luật” mà người dân phải tuân thủ dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm luật mà không biết. Điều đặc biệt hơn, theo báo cáo của Bộ tư pháp thì khi rà soát 8779 văn bản pháp luật trong giai đoạn 2009-2012 thì phát hiện có 2473 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 
Việc ra nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn là do vẫn còn tư duy cho rằng “có luật mới được làm, không có luật thì không được làm” của nhiều cơ quan công quyền. Gần đây, lãnh đạo của một bộ còn phát biểu ở Việt Nam chưa có pháp luật quy định mà làm thì là trái luật. Tư duy này dẫn đến việc hạn chế quyền tự do của người dân như Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ, và hạn chế hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước. 
Đã đến lúc Quốc hội cần rà soát để bỏ bớt các văn bản pháp luật không cần thiết, giảm thiểu các “hướng dẫn” của nhà nước cho người dân, hơn là phát triển thêm nhiều văn bản pháp luật để hướng dẫn người dân. Các văn bản pháp luật nếu có cần tập trung vào những điều “cấm làm” hơn là những điều “được làm”. Có như vậy, tự do của người dân mới được mở rộng, các hoạt động dân sự được thông thoáng, đồng thời tăng hiệu quả của các cơ quan công quyền. 
T.L/Diễn ngôn
----------------

3 nhận xét:

  1. XHCN không giống ai (chỉ có 3 / ~ 200 )
    nên pháp quyền XHCN .cũng phải khác người chứ ... dó chính là sự sáng tạo mà ...

    Trả lờiXóa
  2. "Luật pháp"?
    Không phải ở nước nào cũng có đâu...

    Trả lờiXóa
  3. "Luật pháp" tâm tư quá... đâm ra bịt miệng bác rồi...

    Trả lờiXóa