Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Trường Sa ngân vang Tiếng nói Việt Nam


* LÊ XUÂN
Trường Sa, Hoàng Sa - lãnh thổ trên vùng lãnh hải thân yêu của Tổ quốc là mối quan tâm sâu sắc, có gì rất thiêng liêng trong lòng bao thế hệ người dân nước Việt.
Chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam vừa phát bài “Tiếng nói Việt Nam ở Trường Sa” của đại tá, nhà thơ Bùi Văn Bồng qua giọng ngâm của nghệ sĩ Vương Hà. Bài thơ trữ tình mà hào hùng say đắm để lại trong lòng người nghe một tượng khó quên:
“Đây là Tiếng nói Việt Nam…”
Biết mấy tự hào âm thanh ấy
Sóng Trường Sa, gió cát Trường Sa
Nỗi nhớ quê nhà xôn xao sóng vỗ

Loa phóng thanh trên cành phong ba
Đài bán dẫn bên công sự
Bình yên đảo xa chiều lộng gió
Lính trẻ quây quần nghe “Tiếng nói Việt Nam...”.

Ôi! Tiếng của quê hương, Tổ quốc
Bốn ngàn năm vang đến cõi bờ xa
Tiếng gươm giáo thuở nào đi giữ nước
Tiếng gió đồng dào dạt khúc dân ca

Nghe xạc xào bờ lau bãi sậy
Tiếng võng trưa kẽo kẹt dưới tre làng
Tiếng thoi đưa nhịp nhàng trong xưởng máy
Tiếng trống trường mỗi sáng mặt trời lên

Nghe tha thiết tiếng suối rừng cuộn chảy
Sáo diều ru mướt gió chiều hè
Tiếng ve ngân dìu dặt hàng me
Nhịp hò khoan xóm chài trăng bát ngát.

Nơi Trường Sa đêm ngày sóng hát
Cứ ngân vang Tiếng nói Việt Nam
Thao thức đồng quê mùa gieo hạt
Cành san hô đảo đá bỗng xanh mầm

Thiêng liêng tiếng quê hương, Tổ quốc
Hải đảo thân yêu như ngõ xóm đường làng
Mỗi buổi sáng lại vang lên thân thuộc
“Đây là Tiếng nói Việt Nam…”.
                                   Bùi Văn Bồng


Mỗi tấc đất, mỗi hải lý trên lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm từ bao đời nay. Nó luôn là máu thịt của một dân tộc: Tuốt gươm không chịu sống quỳ/ Tuổi xanh chẳng tiếc, sá chi bạc đầu...
                            >> Đoàn Nghệ thuật QK 4 hát   
                                 >> Tiếng vọng quê hương     
“Không xa đâu Trường Sa ơi!”, những chiến sĩ hải đảo như những cây phong ba luôn lạc quan yêu đời, cầm chắc tay súng, mắt dõi tầm xa quyết bảo vệ vững chắc lãnh thổ, lãnh hải của cha ông. Tiếng nói đầy niềm tự hào của Tổ quốc - Tiếng nói Việt Nam, ngày đêm vẫn vang lên thật dõng dạc từ phút chào cờ buổi sáng cho tới suốt ngày đêm làm ấm lòng người chíến sĩ. Bài thơ “Tiếng nói Việt Nam ở Trường Sa” của đại tá, nhà thơ Bùi Văn Bồng, là khúc hát ca ngợi những người lính biển, ca ngợi tiếng nói của cha ông, là sự khẳng định chủ quyền Trường Sa của dân tộc, là thông điệp từ đất liền gửi đảo xa.
Từ ngày 7-9-1945, chỉ sau 5 ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình lịch sử, ngày phát sóng đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam, “Đây là tiếng nói Việt Nam” đã khẳng định tiếng nói của một đất nước giành được độc lập.
Bài thơ mở đầu bằng một câu quen thuộc trong chương trình mở đầu ngày mới của Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ ngày đó, trong mỗi buổi phát thanh hàng sáng đều ngân vang “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”. Đó là niềm tự hào của đất nước ta, dân tộc ta, làm rung động, xốn xang lòng người chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ta đã giành thắng lợi, nay mỗi sáng mai thức dậy, ta vẫn tự hào được nghe: “Đây là tiếng nói Việt Nam”.
Trường Sa, nằm trong vùng lãnh hải từ bao đời nay của đất nước ta.Khi đài TNVN phủ sóng các chiến sĩ mới nghe được radio. Tiếng nói thân thương của Tổ quốc là nguồn động viên cổ vũ to lớn đối với các chiến sĩ:
              Sóng Trường Sa, gió cát Trường Sa
              Nỗi nhớ quê nhà xôn xao sóng vỗ
 Tiếng nói của quê hương, của Tổ quốc nơi đảo xa cứ ngân vang, tha thiết trên khắp đảo nhỏ thân yêu:           
               Bình yên đảo xa chiều lộng gió
              Lính trẻ quây quần nghe Tiếng nói Việt Nam...
Nhà thơ đã tái hiện vẻ đẹp của con người và đất nước bằng cảm xúc trữ tình dào dạt. Ở đó, ta như nghe và thấu hiểu từ trong nỗi nhớ nồng nàn kỷ niệm những âm thanh thân thuộc của nhịp sống quê nhà. Tất cả những âm thanh,màu sắc ấy có ở khắp mọi miền quê, những âm thanh của một đất nước thanh bình trong tự do, độc lập như một dàn hợp xướng nhiều bè, nhiều giai điệu vẽ nên bức tranh cuộc sống từ quá khứ oai hùng của cha ông đến cảnh thanh bình hôm nay khi đất nước trọn niềm vui:
Ôi! Tiếng của quê hương, Tổ quốc
Bốn ngàn năm vang đến cõi bờ xa
Tiếng gươm giáo thuở nào đi giữ nước
Tiếng gió đồng dào dạt khúc dân ca
Lịch sử bốn ngàn năm là niềm tự hào của cả dân tộc. Trong dòng chảy của thời gian ấy, lịch sử đã ghi biết bao dấu ấn đậm sâu, những bước ngặt thời đại cùng biết bao chiến công hiển hách. Đó là kết tụ niềm tin, sức mạnh của một dân tộc có bề dày truyền thống anh hùng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi…”, âm hưởng tráng ca ấy cứ âm vang trong lòng ta. Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam! Ta đã chiến thắng biết bao kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta gấp trăm lần, để “Tiếng gươm giáo thở nào đi giữ nước” ngân nga trong lòng bao thế hệ, trở thành hùng khí thiêng liêng.
 Những tráng ca thuở “cùng nhau đi hùng binh”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã thôi thúc bao thế hệ người lính lên đường cầm súng, đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên cõi bờ để “Tiếng gió đồng dào dạt khúc dân ca”. Cảnh sắc, âm thanh trên quê hương nghìn năm văn hiến, thật êm ả và thanh bình, với:
Nghe xạc xào bờ lau bãi sậy
Tiếng võng trưa kẽo kẹt dưới tre làng
Tiếng thoi đưa nhịp nhàng trong xưởng máy
Tiếng trống trường mỗi sáng mặt trời lên.
 Những chiến sĩ canh giữ biển trời của Tổ quốc càng xa những miền quê thân yêu, càng da diết trong lòng, khi:
Nghe tha thiết tiếng suối rừng cuộn chảy
Sáo diều ru mướt gió chiều hè
Tiếng ve ngân dìu dặt hàng me
Nhịp hò khoan xóm chài trăng bát ngát.
Ba khổ thơ rất giàu tính họa, tính nhạc này hòa cùng sóng gió Trường Sa vút lên giai điệu tình yêu quê hương, Tổ quốc thật nồng nàn say đắm. Đó chính là tình yêu thiết tha của  những chiến sĩ hải đảo bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, nơi ngày đêm “sóng hát”, rạo rực trong lòng nghe “ngân vang tiếng nói Việt Nam”. Đó cũng là niềm vui của mọi công dân nước Việt ở đất liền và hải đảo qua làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam. Tiếng nói khẳng định chủ quyền đầy niềm tự hào ấy đã thôi thúc các chiến sĩ Trường Sa vượt gian khó, mang từ quê hương ra đảo xa hàng chục tấn đất màu mỡ của đồng quê, phủ lên trên cát đá để trồng rau, trồng hoa, ươm cây, làm cho đảo ngày càng tươi xanh, bừng lên sự sống: “Cành san hô đảo đá bỗng xanh mầm”. Đúng, họ phải sống khỏe, sống vui, sống trong niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao, vững vàng nơi đảo xa để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc:
Thiêng liêng tiếng quê hương, Tổ quốc
Hải đảo thân yêu như ngõ xóm đường làng
Mỗi buổi sáng lại vang lên thân thuộc
“Đây là Tiếng nói Việt Nam…”
Bài “Tiếng nói Việt Nam ở Trường Sa” của nhà thơ Bùi Văn Bồng là những vần thơ “tươi xanh” nhưng không kém phần “lửa cháy”. Có thể xem đây là lời khẳng định bằng hình tượng thơ về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hãi Trường Sa là của Việt Nam. Nó như một “tuyên ngôn” về mảnh đất này của cha ông ta vốn có từ thế kỷ XVII, quyết không để một kẻ thù nào xâm phạm. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết trong bài “Sao chiến thắng” vào năm 1964, khi giặc Mỹ đổ quân vào xâm lược Việt Nam: “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông/ Hãy cứ đo bể ta bằng luật - điều quốc tế / Trời xanh ta xanh bao nhiêu hải lý/ Nhưng chớ  đo lòng căm giận chúng ta”.
---------------

14 nhận xét:

  1. Đào Nguyên Phươnglúc 22:08 23 tháng 12, 2014

    Thơ anh Bồng hay quá, ý nghĩa sâu xa, cảm động. Tác giả Lê Xuân bình có chiều sâu và gợi mở tâm tình, suy tư. Cảm ơn 2 anh.

    Trả lờiXóa
  2. "Ôi! Tiếng của quê hương, Tổ quốc
    Bốn ngàn năm vang đến cõi bờ xa
    Tiếng gươm giáo thuở nào đi giữ nước
    Tiếng gió đồng dào dạt khúc dân ca"...
    > Nhưng có nhiều vị 'Nãnh đạo' không thấy thiêng liêng, chỉ biết ....túi riêng!
    Giàn khoan 981 đang nằm lù lù, sang Tàu bắt tay, ôm hôn thắm thiết. !?

    Trả lờiXóa
  3. Khổ cho anh lính CSVN qua ! bây chừ anh lính của Raul Castro đang bị "diễn biến " bị " các thế lực thù địch" mua chuộc ,lơ là bỏ gác rùi . chết cha , chỉ còn lại mỗi anh lính CSVN canh gác cho hòa bình thế giới .
    Mà có lẽ giờ này anh đang uống rượu Uytki + Coca cola nhắm với đồ ăn nhanh Mc donal say sưa qua quên hết nhiệm vụ canh gác .

    Trả lờiXóa
  4. Hai bài hát phổ thơ rất tuyệt.
    Các anh bộ đội ơi, hãy đứng vững và cảnh giác cao. Nếu quân xâm lược đến cứ chiến đấu thật hăng. Nếu kẻ nào lệnh không được nổ súng thì bắn ngay vào kẻ đó, đừng để hy sinh oan uổng như 64 chiến sĩ Gạc Ma 1988.

    Trả lờiXóa
  5. "Thao thức đồng quê mùa gieo hạt
    Cành san hô đảo đá bỗng xanh mầm"
    Cho dù ai đó 'cố nhầm'
    Bạn-thù lẫn lộn, người lính súng vẫn cầm chắc tay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xếp nhầm lẫn bạn thù nên nông nỗi
      Làm bia sống máu chan hoà tủi hận
      Trường Sa ơi ! Bao giờ ta rữa sạch
      Hồn Tử sĩ giờ đây đang phiêu bạt
      Đài tiếng nói Việt Nam luôn cất tiếng
      Mười sáu vàng bốn tốt bạn Việt Trung
      Đảo mất dần người đi không trở lại
      Đảng ôm hôn hửu hảo với mặn nồng

      ĐVK

      Xóa
  6. Thơ bác BVB rất trữ tình, đậm đà tình quê, sâu sắc với người lính.

    Trả lờiXóa
  7. Thơ bạn Bùi Văn Bồng quá hay, quá sâu sắc, nó đầy đủ Ý, Tình, Hình, nhạc. Tôi luôn biết ơn những người lính đã xả thân để giữ yên bờ cõi. Nếu lần này có đứa khốn nào ra lệnh cho các anh không được nổ súng vào giặc thì các anh bắn ngay vào đầu kẻ khốn đó nhé, chính chúng là kẻ thù của nhân dân Việt Nam ta đó.

    Trả lờiXóa
  8. Ôi, Trường Sa , Hoàng Sa
    Ôi, Gạc Ma, Lin Đao
    Máu đào nhuộm đỏ biển
    Kẻ nào lệnh đứng yên
    Khi kẻ thù như điên
    Bắn ngay kẻ đó!

    Trả lờiXóa
  9. Bài thơ rất cảm động, gợi cảm nhiều suy tư. Bảo vệ biển đảo là bảo vệ cho cuộc sống bình yên cả nước. Tiếng nói VN, tiếng nói chủ quyền của Tổ quốc.

    Trả lờiXóa
  10. Mãi mãi không bao giờ quên ơn những người con đất Việt đã ngã xuống cho Tổ quốc.

    Trả lờiXóa
  11. HS, TS... Có cảm giác ngày càng trôi vào cõi vô định... Bác ơi...

    Trả lờiXóa
  12. Tôi rất thích đọc thơ bác Bồng và nghe Đài TNVN với các nghệ sĩ trước đây như Trần Thị Tuyết, Vũ Kim Dung, Lệ Thủy, nay như Vương Hà, Lài Tâm...Chúc bác Bồng và các nghệ sĩ năm mới mạnh khỏe, an khang, nhiều niềm vui thanh thản!

    Trả lờiXóa
  13. bài thơ của bác bồng là nối tiếp ý chí của thơ thần lý thường kiệt" nam quốc sơn hà nam đế cư, tuyệt nhiên định phận tại thiên thư, như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, nhữ đẳng hành khan phủ bại hư"xin cám ơn những tấm lòng trung kiên không bao giờ vắng. và mong rằng cái bộ phận không nhỏ hãy tỉnh lại nếu không muốn bị sóng trừơng sa,hoàng sa nhấn chìm.

    Trả lờiXóa