Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Không thể lấy chuẩn Âu - Mỹ để áp đặt lên vẻ đẹp Việt

* LÊ THIẾT CƯƠNG
Sự mù quáng của các giám khảo những cuộc thi hoa hậu lớn bé đang tạo ra một vẻ đẹp giả tạo, một biểu tượng giả về vẻ đẹp Việt. Họ đang áp đặt những vẻ đẹp Âu - Mỹ vào người Việt.
Đẹp tức là khác, không nên coi mình là trung tâm, coi mình là chuẩn để đánh giá người khác. Cho nên tìm một vẻ đẹp chung về mặt con người hoặc trong nghệ thuật là điều không tưởng.
Một đất nước có đến 54 dân tộc anh em, với những vùng đất có lịch sử mấy ngàn năm, lại có những vùng chỉ mấy trăm năm.
         Về mặt địa lý, đất nước ta hẹp chiều ngang, phát triển chiều dài nên ba miền Bắc Trung Nam cũng là ba vùng văn hóa khác nhau cho nên tìm một vẻ đẹp chung về mặt con người hoặc trong nghệ thuật là điều không tưởng, nói cách khác là không nên đặt vấn đề này ra.
       Trừ khi giới hạn nó ở người Kinh là tộc người chủ yếu và đại diện cho người Việt. Điều này, trong câu chuyện "đại đoàn kết dân tộc" thì cũng không nên. 
Những bức tượng nhà mồ của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên rất đẹp, mộc mạc, giản dị và ngược lại, điêu khắc của người Chăm lại là vẻ đẹp của tinh xảo, cầu kỳ, kỹ lưỡng, cân đối. Ngay cả trong cùng một tộc người cũng vậy, chắc chắn một điều, chưa bao giờ người Thái  trắng (ở Mai Châu - Hòa Bình) nghĩ mình đẹp hơn người Thái đen (ở sông Mã - Sơn La). Nước da trắng, đen, vàng hoặc bánh mật đều đẹp. Có  lẽ đã đến lúc cho bán nhưng hạn chế quảng cáo vô tội vạ các loại xà phòng, sữa tắm để tẩy trắng da. Tại sao ở một nước nông nghiệp mà lại cổ súy cho làn da trắng! Ai cũng suy tôn da trắng thì sẽ không có ai muốn làm nghề nông.

Sự mù quáng của các giám khảo những cuộc thi hoa hậu lớn bé đang tạo ra một vẻ đẹp giả tạo, một biểu tượng giả về vẻ đẹp Việt. Họ đang áp đặt những vẻ đẹp Âu - Mỹ vào người Việt. Tôi cùng một đoàn họa sĩ Việt Nam đi triển lãm ở châu Âu, một hôm chúng tôi ngồi café vỉa hè ở Amsterdam (Hà Lan), bên kia đường là nhà ga xe lửa và một khu vực ăn chơi xanh đỏ gì đó, tất cả đều có chung nhận định: "Người châu Âu hình như không có ai xấu, ai ai cũng trắng trẻo, cao ráo, sáng sủa. Tại sao nước mình cứ tổ chức thi hoa hậu nhỉ? Người đẹp nhất Việt Nam cũng chỉ đẹp bằng người bình thường của họ". Đó là cái lỗi của hệ thống chấm thi hoa hậu Việt Nam (người Việt nhưng chấm theo tiêu chuẩn châu Âu). Nói dài thế cũng chỉ để nhắc lại: đẹp thì phải khác, mỗi quốc gia mỗi thời kỳ sẽ có một vẻ đẹp khác nhau.
Nước Pháp có cái lệ là mỗi giai đoạn họ lại tìm một người đàn bà đẹp làm biểu tượng cho mình. Ví dụ, họ đã từng chọn Catherine Deneuve, một vẻ đẹp rất Pháp, chứ ai lại chọn diễn viên người Anh, Vivien Leigh, hay Củng Lợi, diễn viên Trung Quốc, cho dù hai cô này đều đẹp. Có thể hiểu rằng quan niệm về vẻ đẹp phụ nữ ở mỗi quốc gia là khác nhau. Lào, Campuchia, Congo, Thụy Điển nếu tổ chức thi hoa hậu thì tôi đoan chắc rằng họ cũng sẽ trao vương miện cho một cô gái nào đó tiêu biểu cho vẻ đẹp của đất nước họ. Chắc là chẳng ai lại đi lấy lấy vẻ đẹp mắt xanh tóc vàng của các cô gái Bắc Âu để làm tiêu chí cho các cuộc thi sắc đẹp ở các nước Phi châu và ngược lại. Ví dụ, mang tiêu chuẩn đẹp của hoa hậu Cameroon ra để chấm thì các cô hoa hậu châu Âu và Mỹ sẽ trượt hết. Chẳng hiểu mấy vị giám khảo của các cuộc thi hoa hậu quốc tế lấy tiêu chuẩn nào để chấm? Khi mà các cuộc thi đó hội tụ đầy đủ các cô gái đến từ khắp các châu lục. Liệu có một vẻ đẹp lý tưởng chung cho tất cả không?

Chương Tề Vật luận trong Nội Thiên của Nam Hoa Kinh, ông Trang Tử chủ trương về sự ngang bằng. "Con người ngồi trên cành cây thì run sợ nhưng loài khỉ thì thích thú. Vậy chỗ nào là chỗ ở lý tưởng. Con cú mèo, con quạ thích ăn chuột còn con trâu con ngựa thích ăn cỏ. Vậy đâu là thức ăn lý tưởng? Nàng Mao Tường, nàng Lệ Cơ nhan sắc diễm lệ, ai thấy cũng ưa nhìn nhưng hươu nai thấy thì bỏ chạy, vậy đâu là cái đẹp lý tưởng?".
Các cuộc thi hoa hậu của  Việt Nam từ trước đến nay có lẽ nên đổi tên thành cuộc thi của các cô gái dài chân hoặc hoa hậu bóng chuyền thì chính  xác hơn. Tại sao lại cứ khư khư ôm cái tỷ lệ của người Âu, Mỹ về để làm thước đo cho các cô gái Việt?
Trong chữ đẹp đã hàm chứa chữ khác biệt nếu không muốn nói đẹp là phải khác biệt. Làm gì có một tiêu chuẩn chung về đẹp vừa khít cho tất cả các cô gái từ Nhật Bản cho tới Peru, từ nước Nga cho tới Bờ Biển Ngà.
Ngay cả ở Việt Nam cũng vậy, không nên so sánh vẻ đẹp của một cô gái ở Đồng bằng Sông Cửu Long với vẻ đẹp của một cô người dân tộc Thái. Cũng như không nên lấy vẻ đẹp của một cô gái Hà Nhì ở Lào Cai để làm tiêu chí chấm thi cho cuộc thi sắc đẹp của các cô gái H'mông.
Tôi đã khảo sát hầu hết các pho tượng người trong các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam, tỷ lệ thường thấy là khoảng từ 4,5 đến 5 đầu (có nghĩa là chiều cao của một người Việt là bằng 4,5 đến 5 lần khoảng cách từ cằm đến đỉnh đầu) trong khi người châu Âu là 7 đến 8 đầu. Có lẽ đã đến lúc nên bỏ quan niệm cao là đẹp, chỉ cao mới là hoa hậu. Cuộc thi sắc đẹp phụ nữ Việt và cuộc thi xem ai cao nên tách ra làm hai cuộc thi khác nhau.
Không hề có ý định tán tụng vẻ đẹp thấp bé nhưng rõ ràng người Việt và người châu Á nên có một hình mẫu riêng, không nên áp dụng tỷ lệ thân hình của các cô gái châu Âu làm tiêu chuẩn. Ngay cả vẻ đẹp của khuôn mặt cũng vậy. Không nên lấy đặc điểm mặt của người châu Âu, tóc quăn vàng hoe, mũi lõ, mắt xanh để làm khuôn mẫu.
Vẻ đẹp Việt là vẻ đẹp của vóc dáng thon thả, thanh mảnh, của mỏng mày hay hạt, ngực nhỏ, của tóc dài, của mắt một mí gần như đã hoàn toàn bị quên lãng.
Vẻ đẹp Việt nếu nhìn rộng ra trong khái niệm văn hóa thì sẽ thấy  bất luận loại hình nghệ thuật nào từ xưa đến nay đều là vẻ đẹp của nhỏ bé, nhỏ nhưng vẫn đẹp. Đẹp nhỏ.

Mỗi quốc gia có một tiêu chuẩn riêng về nét đẹp của phụ nữ. Mỗi một thời lại có một quan niệm riêng về đẹp. Từ nét đẹp của những vũ nữ trong điêu khắc Chăm thế kỷ X, XI hoặc tượng bà Dâu, bà Đậu, bà Tướng chùa Dâu thế kỷ XVIII, đến nét đẹp thời hiện đại như Thiếu nữ bên hoa huệ (Tô Ngọc Vân, sơn dầu, 1943) hoặc Thiếu nữ và hoa (Nguyễn Sáng, sơn dầu, 1972) không giống nhau.
Trên cái nền chung, khá trừu tượng và chỉ có tính chất tương đối, mỗi người lại có quyền nêu định nghĩa về vẻ đẹp phụ nữ cho riêng mình.
Ông cậu tôi chỉ thích những cô gái đậm người, tóc dài đến eo. Bạn tôi không thích những cô gái có thân hình bốc lửa, anh ta bảo đó là vẻ đẹp thiếu an toàn, người em tôi lại thích những cô miệng rộng, mắt xếch, tóc ngắn. Tôi hay đùa nó, em chở cô ta đi ngoài đường, anh nhìn tưởng hai thằng đèo nhau. Nó cãi: "Nhưng em thích". Một người bạn khác của tôi có cô bạn gái cao lớn, tôi nói: "Đứng nói chuyện với cô ta không mỏi cổ à?". Anh ấy bĩu môi: "Những cô cao cao đi  cạnh bạn trai thấp hơn mình đang là mốt đấy ông anh ạ".
Đúng là bách nhân, bách tính, Đẹp là khái niệm rất động và mở, khó chỉ ra cụ thể. Cho nên các cô người mẫu, hoa, á hậu cũng nên biết, nên hiểu mọi sự chỉ là vừa phải và mình cũng nên vừa vừa phai phải thôi.
Đẹp không định nghĩa được còn có thể hiểu trên một khía cạnh khác. Đẹp mà vô duyên mà không có tri thức, không có văn hóa thì sao đây, thì có còn đẹp nữa không? Có phải lúc nào các người đẹp cũng chỉ đứng trước ống kính để chụp hình in lịch hoặc đi đi lại lại trong các clip ca nhạc, hoặc quay chụp để quảng cáo sản phẩm đâu. Các mỹ nhân ấy còn phải sống trong đời sống (làm việc, giao tiếp, quan hệ, yêu đương...) nữa chứ. Duyên không học được, tri thức, văn hóa học được nhưng không thể trong một thời gian ngắn là có, nó là cả một quá trình tích lũy dài lâu. Nào đâu đã hết cứ giả sử rằng có những người đàn bà vừa đẹp, vừa duyên, vừa có tri thức, có văn hóa nhưng không biết là họ có hạnh phúc không nhỉ? Đẹp mà bất hạnh thì tốt hơn là ít đẹp nhưng nhiều hạnh phúc? Bởi vì đẹp nhiều khi đồng nghĩa là mất đi điều gì đó.
Tạng của người Việt là nhỏ, người Việt không nên chạy theo cái hoành tráng. Những tinh hoa trong nghệ thuật Việt đều là nhỏ.  Từ mấy con rối nước có từ đời Lý đến con tò he, đến điêu khắc trong đình chùa v.v... đều là cái đẹp của sự nhỏ nhắn. Thử hình dung những pho tượng Thị giả trong chùa Bút Tháp mà lại cao lênh khênh thì còn đẹp hay không? Không cứ to cao dài mới là đẹp. Bất kể một ngôi đình nào, bạn hãy đo cho tôi khoảng cách từ hiên đến tầu mái thì sẽ thấy rất thấp, sẽ thấy tỷ lệ của người Việt. Từ nhà cho đến đình đền chùa của người Việt đều thấp, chỉ có nhà thờ công giáo mới cao. Các cô hoa hậu, á hậu nếu đi thăm đình, không chú ý  rất dễ bị cộc đầu.
Đẹp trước tiên là phải cho mình và của mình. Hoa hậu của người Việt phải tôn vinh vẻ đẹp Việt. Hoa hậu Việt đi thi hoa hậu thế giới cũng phải cho thế giới thấy vẻ đẹp riêng biệt của người Việt. Đẹp tức là riêng là khác biệt.
L.T.C/ (Tạp chí Lifestyle) 
----------------

8 nhận xét:

  1. Có những kẻ chôm nhạc, "đạo" thơ văn mà ngồi vào Ban Giám Khảo thì biết tình hình văn hóa hiện nay nó bôi bác cỡ "vươn lên tầm cao mới"!

    Trả lờiXóa
  2. Vẻ đẹp của con người không chỉ do dòng giống mà phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường sống .

    Người vùng ôn đới thì mắt phải trũng,mũi phải cao ,râu tóc nhiều để tránh băng tuyết ,khí hậu lạnh lùng khắc nghiệt mùa đông và cũng do nắng không nhiều mà da họ trắng hơn người vùng khác.

    Cũng do lạnh lùng khắc nghiệt của môi trường nên người xứ lạnh chỉn chu , kỷ luật ,sáng tạo hơn vùng miền khác có khí hậu điều kiện sống thuận lợi và từ đó họ cũng giầu có hơn khi thế giới giao lưu hội nhập.

    Khi cuộc sống no đủ thì con người cũng sẽ đẹp đẽ hơn chứ tuyệt nhiên không phải cứ người Âu Mĩ là đẹp hơn người các châu lục khác.

    Những người châu Âu nhưng định cư nhiều đời ở vùng miền nhiệt đới còn khó khăn thì cũng đen đủi và không đẹp hơn người vùng cao ở Tây nguyên VN(Người Bồ Đào Nha định cư trong khu chài lưới ở Malaysia hay người Âu ở Phi Châu chẳng hạn) .

    Với VN,chon người phụ nữ đẹp cũng không thể mang tiêu chí cái đẹp cả trăm năm trước làm chuẩn,mà cái đẹp của người phụ nữ phải hướng tới ,khuyến khích một cái đẹp hiện đại,chọn lọc cho nòi giống ,phải cao ráo hơn,phải hồng hào trắng trẻo khỏe mạnh tinh anh hơn,phải phụ nữ hơn với ba vòng eo cân đối để dễ sinh nở ,dễ nuôi con ,nhanh nhẹ tháo vát để nuôi dạy con mạnh khỏe....

    Nghĩ như bác LTC có lẽ hơi lệ cổ.Còn đánh giá các ban giám khảo thi hoa hậu mù quáng là khiêm cưỡng hẹp hòi,không phù hợp tư cách một người khi luận bàn về cái đẹp.

    Trả lờiXóa
  3. Có lẽ không riêng cá nhân tôi có nhận xét như thế này về các cuộc thi của cái đám được gọi là " chân dài " từ cấp huyện đến cả nước hiện nay , đó là : một trò vô bổ , một cái trò làm hư hỏng con người một cách công khai nhất ( biết bao chuyện lùm xùm quanh các cuộc thi " người đẹp chân dài " ) . Có thể nói rằng các cuộc thi " người đẹp " do các nhà đầu tư , nhà đài ... tổ chức đều tạo ra " hiệu ứng ngược " , giả tạo ( giả từ lời ăn tiếng nói , từ bước đi , ứng sử , sự điệu đà của các cô gái ... ) , và nó làm bộc lộ những khiếm khuyết , hạn chế , dốt nát của hàng loạt cô gái " hữu sắc vô hương " ( khả năng ngoại ngữ , nhận thức xã hội và cả kiến thức về văn hóa ... ) . Nói tóm lại , các cuộc " tỷ thí sắc đẹp " của chúng ta hiện nay giống tên một tác phẩm văn học nước ngoài : HỘI CHỢ PHÙ HOA ! Không hơn không kém . Thật tội nghiệp cho các cô gái , con cái nhà ai đó !

    Trả lờiXóa
  4. Mỏng mày hay hạt là vẻ đẹp tướng số. Mỏng mày là tướng đoan trang, hay hạt là tướng khỏe mạnh.
    Dễ sinh nở , dễ nuôi con ,nhanh nhẹ tháo vát để nuôi dạy con mạnh khỏe... Là vẻ đẹp phong kiến, chỉ đàn ông mới cần.
    Thông minh, trí tuệ... là vẻ đẹp của trí thức. Cái này cả xã hội đều cần.
    Cao thấp, số đo 3 vòng, tỷ lệ các số đo (có người chuẩn cả chiều cao + 3 vòng nhưng vẫn không đẹp vì tỷ lệ khúc lưng với khúc chân,khúc tay)... là vẻ đẹp hình khối. Cái này là xu thế từng thời.
    Duyên dáng, thanh lịch... là vẻ đẹp tinh thần. Cái này xưa nay cả xã hội đều thích.
    Tài năng, năng khiếu... là vẻ đẹp tư chất.
    Vẻ đẹp mà người nọ khen người kia chê "nguy hiểm" đó là vẻ đẹp cảm tính và tư tâm.
    ...
    Người chấm giải cần có những tiêu chí gì thì họ quy định ra và họ chấm thôi. Cơ bản là có công tâm và cân bằng được giữa các tiêu chí hay không.

    ---

    Cái ví dụ đi vào đình chùa cộc đầu rất buồn cười. Đình chùa là kiến trúc cổ cả ngàn năm rồi, trong khi đó người VN mới cao lên trong có mấy chục năm nay. Ví vậy là khập khiễng.
    Đình chùa vẫn có lớp cửa to cao lừng lững để thánh thần vua chúa đi, vẫn có lớp cửa thấp xuống để mà hạ kiệu. Mái hiên thấp thì kể từ ngày xửa ngày xưa nó cũng vẫn là thấp rồi (Vì thế mới có câu "Đứng dưới mái hiên nhà người thì không thể không cúi đầu" ). Người ta cố tình làm thấp vì nhiều lí do trong đó có cả lí do trên.
    Nói tượng thấp người cao để kêu nó không đẹp là kém hiểu lễ. Tượng đặt thấp là để khiến người bắt buộc phải quỳ xuống khi đối diện đấy. Không quỳ thì dù kể cả trẻ em cũng vẫn cứ là cao hơn.
    ... Nói chung về vụ kiến trúc đinh chùa này thì tác giả chẳng hiểu tí gì.

    Nói vẻ đẹp phải đúng chất Việt Nam thì hơi khó. VN có 54 dân tộc, tư duy cái đẹp khác nhau, biết cái nào mới là đúng chất đây ?! Cái "chất" mà tác giả nói có lẽ chỉ là cái "chất" của người Kinh đồng bằng thôi.

    Nguyen Phuong

    Trả lờiXóa
  5. Nói như tác giả thì sẽ không có hoa hậu thế giới !?

    Trả lờiXóa
  6. Cậu Cương cũng chỉ nói vậy thôi chứ răng đen,khăn mỏ quạ,váy đụp,gội nước bồ kết...sao bằng để răng trắng đánh bằng kem Colgate,xài Diana,nội y Triumph,nước hoa Chanel hả Cương.Đừng dối lòng mình anh ạ! Thằng Tây nói vậy chứ nó làm cái gì thì ra cái đó Nhật bản ,Hàn Quốc được như bây giờ cũng là nhờ Tây đấy.

    Trả lờiXóa
  7. Mỗi thời mỗi khác, mỗi quốc gia cũng khác nhau.. cái đẹp cũng vậy. Quan trọng là bộ tiêu chí chuẩn đẹp để chấm Hoa hậu Hoa khôi..phải phù hợp văn hóa của mỗi dân tộc. Thi Hoa hậu thế giới , thấy người da đen, da màu cũng là Hoa hậu thế giới, Hoàn vũ đó thôi

    Trả lờiXóa
  8. Thôi đi Cương ơi!
    Bớt nói một chút có được không?
    Biết 10 nói 1 mới là quí. Thiên hạ nhiều người giỏi hơn mình đấy. Vẽ vài bức tranh linh tinh trong phòng ngủ nhà mình mà đã vội vã...nói nhiều như cậu Biết Tuốt của truyện nhi đồng thối tai thiên hạ họ cười cho.
    Họa sỹ Đỗ Mạnh Cương, phường Cống Vị, Hà Nội.

    Trả lờiXóa