Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

ĐÂU LÀ ‘CHỖ ĐỨNG’ CHO LÒNG YÊU NƯỚC ?

* Gs.Ts. NGUYỄN ĐÌNH CỐNG              Yêu nước là một tình cảm vô cùng thiêng liêng, cao cả. Trong hơn một thế kỷ qua, LÒNG YÊU NƯỚC  của người dân Việt được phát triển rất cao, được thử thách rất khắc nghiệt, được nhào nặn và biến đổi rất đa dạng, một số  bị lợi dụng và bị chà đạp từ tinh vi đến thô bạo, mang lại nhiều kết quả rất khác nhau, nhiều nhận thức rất khác nhau.
        Tôi không có tham vọng  và không đủ trình độ để nghiên cứu vấn đề này, chỉ dám trình bày một vài cảm nhận cá nhân để trao đổi với  bè bạn.
      Dưới thời bình trị trong các triều đại phong kiến, từ vua đến dân, ít nói đến yêu nước. Sau khi đất nước bị  Pháp xâm chiếm, các phong trào và cá nhân đấu tranh giành độc lập bị đàn áp thì tình yêu nước  mới thể hiện rõ ràng. 
Từ  năm 1930, Đảng Cộng sản tuyên truyền  là đã đưa tình yêu nước của nhân dân lên tầm cao mới, bằng cách kết hợp với tinh thần Quốc tế vô sản. Hồi trẻ tôi nghe, tôi  tin  và sung sướng vô cùng vì có được như vậy. Nhưng gần đây, khi đã đến mức U80, do được chiêm nghiệm nhiều, cũng do thực tế phủ phàng của xã hội tác động mà tôi cảm nhận thấy rất khác , không giống như sự tuyên truyền đã được biết mà có khi còn ngược lại.
Điểm qua các nước đã hoặc đang do Đảng Cộng sản cầm quyền , tôi cảm nhận CM vô sản ở Nga, Trung Quốc, Cu Ba chủ yếu là nội chiến, kết thúc bởi thắng lợi của phe cộng sản, sự thành lập chế độ  XHCN ở các nước Đông Âu, Mông Cổ, Bắc Triều Tiên chủ yếu là do tác động của Liên Xô.  Trong  sự thành lập tất cả các nước này rất ít khi nghe nói đến lòng yêu nước. Thỉnh thoảng ở một vài  quốc gia (Hunggari, Tiệp Khắc, Ba Lan…) có phong trào với khẩu hiệu yêu nước thì đó là việc chống lại sự độc tài cộng sản.
Tình hình Việt Nam khác  với các nước nói trên. Phần lớn những người làm CM ở VN bắt đầu bằng lòng yêu nước, chống lại sự thống trị của thực dân Pháp, đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc. Sau thất bại của phong trào Cần Vương lòng yêu nước của dân Việt  được thể hiện rõ bởi hoạt động của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học và nhiều chiến sĩ CM khác. Những  hoạt động của họ tuy chưa đạt được thắng lợi quyết định nhưng đã khơi dậy và hun đúc lòng yêu nước của hàng triệu con người. Rồi chủ nghĩa Mác được truyền vào. Thực chất của chủ nghĩa Mác là đấu tranh giai cấp để thiết lập nền chuyên chính vô sản và công hữu hóa nền kinh tế chứ không phải  đấu tranh giành độc lập. Chỉ sau khi Lênin thành lập Đệ tam Quốc tế  thì việc làm CM giải phóng dân tộc mới được nhắc đến. Vì thế  Nguyễn Ái Quốc khi đọc Luận cương của Lênin mới reo lên là đã tìm thấy con đường cứu nước và tìm cách truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin ( CNML ). Như vậy CNML vào VN  chủ yếu không phải bằng con đường đấu tranh giai cấp mà bằng lòng yêu nước của nhiều thế hệ chiến sĩ CM.
Trong mọi công việc của loài người, có hai loại động lực rất mạnh, đó là lòng thù hận và lòng mong ước. Cộng sản đã khôn khéo lợi dụng  2 động lực này. Đó là khơi dậy rất mãnh liệt lòng  thù hận giai cấp  và lòng mong ước khát khao đạt được chế độ cộng sản tươi đẹp, là thiên đường trên trần thế. Mặc dầu ngay từ đầu CNML đã được nhiều cá nhân, nhiều dân tộc (có trình độ dân trí cao) phát hiện ra những độc hại tiềm ẩn nên không những không theo mà còn chống đối, nhưng  chính nhờ cộng sản tác động, kích thích 2 động lực này  vào đại bộ phận dân chúng các nước kém phát triển, có dân trí thấp nên đã thu được thắng lợi tạm thời . Tuy vậy, do nghiên cứu rập khuôn, thiếu tính hệ thống, lý luận khô cứng, xuôi chiều, không sáng tạo; do những vận dụng giáo điều, xa thực tế, trái quy luật, dần dần những độc hại phát tác, người ta thấy cuộc đấu tranh giai cấp theo CNML là quá tàn bạo và phạm nhiều tội ác, chuyên chính vô sản có tác dụng tàn phá đạo đức xã hội, dung dưỡng tham nhũng, chế độ cộng sản chỉ là ảo tưởng, là cộng sản đã dùng cách toàn trị để đàn áp mọi người và tổ chức bất đồng tư tưởng, là CNML đối với nhân loại có công ít tội nhiều. Vì thế mà chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, nước Đức thống nhất trong hòa bình ( nhờ Đông Đức chủ động từ bỏ CNXH ).
Ở VN tình hình có khác, cộng sản còn dựa vào lòng yêu nước của nhân dân để làm mạnh lên 2 động lực  nói trên. Đó là lòng mong ước thiết tha về độc lập, thống nhất, là lòng thù hận bọn thực dân cướp nước. Đã từ lâu tôi suy nghĩ xem  ở VN trong  gần một thế kỷ vừa qua giữa lòng yêu nước và  cộng sản có quan hệ như thế nào. Tôi đưa ra 2 phán đoán : A- Cộng sản VN bắt rễ từ lòng yêu nước, dựa vào đó mà phát triển. B- Lòng yêu nước VN nhờ vào cộng sản mà đạt được thắng lợi.
Về hình thức, rõ ràng hai bên dựa vào nhau, nhưng cần phân tích sâu vào bản chất để tìm xem bên nào là gốc, bên nào là dựa. Qua nhiều năm trăn trở tôi khẳng định phán đoán  A và phủ định phán đoán  B. Tôi cho rằng nếu không dựa vào lòng yêu nước của của một số người tiên tiến thì cộng sản có vào  VN cũng chỉ tồn tại được một cách vật vờ  như ở nhiều nước khác mà thôi ( Thái Lan, Mianma, Ấn độ, Phi lip pin, Malayxia, Inđônêsia, Nhật, Srilanca…)  và nếu không có cộng sản thì những người yêu nước VN sẽ đi con đường khác nhưng chắc chắn là vẫn giành được độc lập, thống nhất  ( và ít bị thiệt hại hơn ).
Đảng cộng sản, khi mới thành lập đã phát động phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, thực chất là thực tập cuộc đấu tranh giai cấp , với các khẩu hiệu “ đánh đổ trí phú địa hào, Nước Nga xô viết muôn năm,  Xây dựng chính quyền xô viết công nông”, chứ chủ yếu không nhằm vào việc giành độc lập dân tộc.  Sau khi dựa vào lòng yêu nước của nhân dân để phát triển, để giành được quyền lãnh đạo thì CS đã nhào nặn lòng yêu nước theo con đường của mình, phục vụ cho lợi ích của mình, dẫn tới nhiều bi kịch cho những người yêu nước khác.
Đầu tiên là sau CM tháng 8, một số đông người thuộc Đệ tứ ( Trotkit ), thuộc chính phủ Trần Trọng Kim ( một chính phủ của VN độc lập, theo chế độ quân chủ lập hiến ), thuộc Quốc dân đảng bị giết hại , phần đông trong số họ là người yêu nước. Trong cải cách ruộng đất lại có hàng vạn người yêu nước bị giết sau khi chịu nhiều nhục hình, chỉ vì họ có một ít tài sản mà Đảng cần lấy để chia cho bần cố nông hoặc họ bị những phần tử bất hảo vu cáo là quốc dân đảng, là phản động ( nhiều người khi bị bắn còn hô Hồ Chủ tịch muôn năm, Việt Nam độc lập muôn năm ). Rồi khẩu hiệu : Yêu nước phải yêu chủ nghĩa xã hội , là Trung với Đảng, ( buộc phải thêm hiếu với dân cho khỏi lạc lỏng ). Trong hai khẩu hiệu trên người  ta đã đồng nhất CNXH với những chính sách, chủ trương của Đảng, qui ước trung với Đảng  là trung với  Tổng bí thư và một số chóp bu trong Bộ chính trị.
Chính vì thế mà những người thực sự yêu nước, thực sự thương dân nhưng có ý kiến khác với chủ trương của Đảng, khác với quan điểm của chóp bu thì bị qui chụp, bị vu cáo là phản động, là gián điệp, là tội phạm muốn xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và lật đổ chính quyền, muốn xóa bỏ chế độ XHCN. Họ bị đàn áp về tư tưởng và thân xác, bị đẩy vào con đường  sống dở, chết dở. Vụ “Nhân văn giai phẩm” đánh vào những văn nghệ sĩ yêu nước, thương nòi, có tiếng nói trung thực và xây dựng…Tiếp đến, những người như Kim Ngọc, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Ung Văn Khiêm,Trân Xuân Bách, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường …và hàng ngàn người khác tương tự chỉ vì muốn cho dân được thực sự no ấm, thực sự có tự do dân chủ, muốn cho đất nước và Đảng tránh sai lầm và thảm họa  mà có ý kiến khác với Bộ Chính trị . Họ là những người không những có công lớn với Đảng, với CM, mà còn là những người yêu nước chân chính, nêu cao tấm gương đạo đức, khí tiết. Thế mà bị vu oan là phần tử chống Đảng, chống chế độ, là phản động, là Việt gian, là gián điệp, họ bị tra tấn, tù đày  không xét xử , bị hủy hoại nhân cách và thể xác. Nhiều người trong số họ rất cay đắng rút ra kết luận là “chính vì lòng yêu nước của họ mà họ bị đày đọa đến chết như vậy”. 
Rồi cuộc chiến tranh 20 năm. Chúng ta gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phía bên kia gọi là cuộc chiến chống xâm lược của cộng sản, phần đông thế giới cho là cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn ( một bên nhận sự can thiệp của Mỹ, một bên nhận sự giúp đỡ của Liên xô và Trung quốc). Có người còn cho rằng đó còn là cuộc chiến giữa Mỹ và phe cộng sản mà người thực hiện trực tiếp là miền Bắc VN . Trên chiến trường Miền Nam quân đội hai bên đều nêu cao lòng yêu nước mà bắn giết nhau. Một bên cho rằng yêu nước thì phải chống xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai, bên kia cho rằng yêu nước thì phải ngăn ngừa nạn cộng sản vì chuyên chính vô sản và công hữu hóa nền kinh tế chỉ hạn chế sự phát triển của xã hội và kìm kẹp nhân dân . Mỹ lại cho rằng họ vào VN tham chiến không phải vì mục đích xâm lược mà chỉ là giúp đồng minh chống lại sự xâm lăng của cộng sản để bảo vệ thế giới tự do.
Sau khi CS giành thắng lợi trong chiến tranh, thống nhất đất nước, xây dựng hòa bình, lòng yêu nước của dân Việt lại bước vào một thử thách mới. Từ đây  lòng yêu nước có nội dung mới là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là phát triển đất nước và con người về mọi mặt. Trong việc này lại phát sinh mâu thuẩn giữa chóp bu của Đảng và một số đông những người bất đồng quan điểm. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngoài mồm vẫn nói kiên trì CNML nhưng bên trong đã dùng lý luận “ mèo trắng, mèo đen” mà thực chất là từ bỏ những nguyên lý cơ bản cúa Mác, nhờ thế mà Trung Quốc phát triển mạnh.
Trong lúc Đảng CS VN hoang mang  vì phe XHCN tan rã thì Trung quốc xui giục họp hội nghị Thành Đô, lừa cho VN kiên trì CNML để nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc theo 4 tốt và 16 chữ vàng. Thực ra TQ có ý đồ thâm hiểm là làm cho VN lâm vào tình trạng bế tắc, không thể có quan hệ thật sự thân thiết với các cường quốc, phải bị lệ thuộc hoàn toàn vào họ. Trong khi chóp bu của Đảng CSVN  mắc mưu Trung Quốc , kiên trì CNML, chủ trương toàn trị của đảng, giữ chắc độc quyền, đẩy xã hội vào cảnh như mọi người đã biết hiện nay thì những người bất đồng quan điểm muốn thoát ra khỏi CNML, thoát  khỏi sự lệ thuộc vàoTrung Quốc, mở rộng tự do, dân chủ để phát triển đất nước. Họ dựa trên thực tế và kinh nghiệm của nhiều nước văn minh, tiến bộ mà rút ra kết luận rằng : “ để phát triển đúng hướng và bền vững thì tất yếu là phải giải phóng năng lực sáng tạo trên một nền tảng tự do, dân chủ mà tự do tư tưởng, tự do thông tin là quan trọng nhất”. Họ tự cho rằng họ mới thật sự yêu nước. Nhưng rồi “ lòng yêu nước” của họ bị thử thách nghiêm trọng bởi điều 258 của Bộ Luật hình sự ( cấm  lợi dụng quyền tự do để  truyền bá tư tưởng làm hại tới uy tín của Đảng và Nhà nước ).
 Dựa vào điều 258 chính quyền đã bắt bớ, bỏ tù , trục xuất nhiều người với qui kết  là hoạt động chống phá chế độ, chống phá Đảng và nhà nước XHCN. Mặc dù tự do tư tưởng và thông tin là một trong những điều cơ bản của nhân quyền và đã được ghi  trong Hiến pháp, nhưng nhà nước vẫn dựa vào luật pháp và quyền lực để vô hiệu các quyền đó. Chính quyền và bộ máy chuyên ngành tìm cách ngăn trở mạng Internet, truy xét, giám sát chặt, truy xét, khống chế, đánh sập mạng, bắt giam các blogger… Thế là hàng trăm người hoạt động vì dân chủ bị bắt bớ, bị tra khảo, bị tù đày mà đại diện là các nhân vật như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê thị Công Nhân, Nguyễn Hữu Vinh, Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Quế Dương, Nguyễn Kiến Giang, Trần Lâm, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Đan Quế và nhiều người khác. Trong số này có các nhà khoa học, nhà văn, nhà doanh nghiệp, các sĩ quan cao cấp trong quân đội và công an, các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ( đang tại chức hoặc đã nghỉ hưu ) mà tôi thấy rõ họ là những người có trí tuệ cao, có dũng khí và đạo đức, xứng đáng là những phần tử tiên tiến của dân tộc.
Trong lúc có những người tự cho là yêu nước nhưng có quan điểm khác với chóp bu của Đảng để rồi bị qui kết là phản động thì  còn nhiều người tuyên bố là vẫn trung thành với CNML, vẫn một lòng đi theo Đảng xây dựng CNXH và cũng tự cho là như vậy mới thực sự yêu nước chân chính. Trong số sau này, ngoại trừ một số vì sợ hoặc bị bắt buộc mà phải nói theo chính quyền, một số  có quyền lợi liên quan đến chính quyền, còn một số vẫn thật tâm tin vào sự tuyên truyền về sự chính nghĩa và sáng suốt của Đảng.  Có tình trạng như trên có thể là vì nhiều người không phân biệt được tính chất của Đảng Cộng sản VN trong thời kỳ làm CM từ trước 1954 và trong thời kỳ toàn trị sau năm 1975, không phân biệt được tính chất của CNML với tính cách thật có của một số đảng viên tiêu biểu.
Phải phân biệt, không thể đồng nhất ĐCSVN trước 1954 và sau 1975. Tuy rằng cùng tên, cùng tổ chức nhưng  phải nhận rõ về tinh thần, về tư tưởng , về mục tiêu thì khác nhau xa. Phải phân biệt CNML, chủ nghĩa cộng sản mà cương lĩnh là đấu tranh giai cấp, là chuyên chính vô sản với một số đảng viên cụ thể có lòng yêu nước thiết tha, có đạo đức cao thượng , trong sáng. Lòng yêu nước ấy, đạo đức ấy không phải nhờ CNML mà có được, nó vốn là bản chất của những con người ấy dù họ có là đảng viên CS hay không. Khi ta nhìn vào sự tốt đẹp của một số đảng viên  tiêu biểu như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp ta nhầm tưởng đó là sự tốt đẹp của đảng CS. Phân tích thật kỹ mới thấy rằng  đạo đức là vốn sẵn có của những người ấy, đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sãn đã không nâng cao được đạo đức của con người mà lại làm cho nó giảm xuống. Một thí dụ rõ ràng là về đạo đức thì Hồ Chí Minh thấy địa chủ Nguyễn Thị Năm không có tội mà còn là ân nhân của một số tổ chức CM nên trong cải cách ruộng đất ông không muốn đấu tố mà vẫn tôn trọng bà. Thế nhưng vì áp lực của đấu tranh giai cấp mà Hồ Chủ tịch đã tham dự việc người ta  làm nhục và xử tử bà, rồi lại còn viết báo lên án bà ( bài Địa chủ ác ghê ). Việc làm này bị nhiều người cho là đã làm giảm đạo đức.
Sau khi Trung Quốc lộ rõ dã tâm bá quyền, muốn độc chiếm Biển Đông, buộc VN lệ thuộc thì trong nước và trên thế giới rộ lên dư luận cho rằng nước VN, vì chưa đủ sức mạnh trở thành cường quốc để tạo thành một cực trong thế giới đa cực nên phải chọn lựa một trong hai con đường:
1- Thoát khỏi TQ, hòa nhập với thế giới dân chủ thì sẽ giữ được độc lập, chủ quyền nhưng muốn thế phải từ bỏ con đường cộng sản, từ bỏ việc xây dựng chế độ XHCN.
2- Lệ thuộc vào TQ, giữ chế độ XHCN thì sẽ mất độc lập, mất chủ quyền. Tương tự, có 2 lựa chọn cho ĐCSVN.
            a - Một số cán bộ chủ chốt thấy rõ sự bế tắc của CNML mà chủ động thực hiện diễn biến hòa bình, trong khi vẫn giữ lại cơ bản tổ chức của đảng  thì vận động đổi tên đảng ( ví dụ lấy lại tên Đảng Lao động ), tuyên bố từ bỏ CNML, mở rộng tự do dân chủ và hòa hợp dân tộc.
           b - Vẫn kiên trì CNML, giữ chặt sự độc quyền, toàn trị thì sẽ càng ngày càng lệ thuộc vào TQ, bị mất chủ quyền, đất nước ngày càng bị ‘tụt hậu’.
Gần đây Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, bằng bất cứ giá nào phải giữ ổn định Đảng và chế độ. Ông Trọng không nói rõ giữ ổn định kiểu gì, về tổ chức hay về quan điểm, ổn định lâu dài hay tạm thời. Tôi thấy rằng để giữ được ổn định lâu dài về tổ chức thì cần theo phương án 1, còn theo PA 2 với biện pháp đàn áp các tiếng nói dân chủ và bất đồng quan điểm thì chỉ có thể giữ được ổn định tạm thời mà thôi.
Ôi, nhờ lòng yêu nước mà các chiến sĩ như Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thụ, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi và hàng ngàn hàng vạn người khác hiên ngang, tự hào nhận cái chết vẻ vang. Nhờ dựa vào lòng yêu nước của những người khác mà một số chiếm và giữ được quyền cao chức trọng, vinh thân phì gia. Cũng vì lòng yêu nước mà những con người đã từng một thời oanh liệt trong CM bị dày vò và chết trong tủi nhục như Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh  và hàng ngàn người khác. Lại cũng dựa vào lòng yêu nước mà hàng triệu con người cùng dân tộc chia ra hai phe chém giết nhau. Về việc này Nguyễn Gia Kiểng đã viết quyển sách  “Tổ quốc ăn năn”, còn tôi chỉ biết kêu trời , vận dụng câu trong Chinh phụ ngâm : Du du bỉ thương hề thùy tạo nhân (Xanh kia thăm thẳm từng trên. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này ).
N.Đ.C (Gs.Ts,  nguyên Chủ nhiệm Khoa, trường Đại học Xây dựng, Hà Nội).
/Tác giả gửi BVB/
---------------

17 nhận xét:

  1. Bái rất hay. Cảm ơn! Mong tác giả viết tiếp nhiều bài khác.

    Trả lờiXóa
  2. Tin:
    - Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khởi tố bắt tạm giam một cảnh sát giao thông dùng xe đi mượn tông chết 2 người và làm bị thương 8 người khác.
    Trong buổi sáng 8/12, thượng úy Phạm Hồng Tuân đã được triệu tập đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để tường trình lại vụ tai nạn. Tại đây, thượng úy Tuân đã thừa nhận chính mình là người lái chiếc xe BMW biển số 29A–410.86 đi từ Biên Hòa (Đồng Nai) về thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) thì tông vào lực lượng dân quân, dân phòng đang đứng làm nhiệm vụ tuần tra làm 2 người chết, 8 người bị thương.
    Tuân cũng khai rằng, chiếc ô tô mình điều khiển là xe mượn của một người bạn tại tỉnh Đồng Nai.
    Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang xác minh nguồn gốc biển số 29A–410.86 của xe BMW mà thượng úy Tuân lái có phải là biển số giả hay không.
    Trong khi đó, "Công an Hà Nội cho biết, biển số trên trùng với biển số đơn vị này cấp cho xe Camry LE màu đen của một phụ nữ ở Thanh Xuân, Hà Nội vào ngày 27/10/2011”, báo Dân Trí đưa tin.
    Cái chết nhiều khi cũng khá công bằng, dù có tội hay không.Theo cách nào đó, tôn giáo phương Đông cho rằng, người ta phải trả giá cho kiếp trước sống ác của mình.

    Trả lờiXóa
  3. Bài này GS đã thẳng thắn, phân tích sâu, minh chứng được nhiều thực tế, làm rõ thăng trầm, cả thành quả và hậu họa của lòng yêu nước qua từng giai đoạn, thời kỳ.
    Ơ, mà cũng GS, nhưng sao GS Tổng NPT lại không có cách nhìn, đánh gia thiết thực như vậy nhỉ? Vẫn trên mây, giáo điều, bảo thủ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. GS Trọng thừa biết nếu rời bỏ CNML thì về đuổi gà cho vợ không xong.

      Xóa
    2. "Cũng GS, nhưng sao GS Tổng NPT lại không có cách nhìn, đánh gia thiết thực như vậy nhỉ? Vẫn trên mây, giáo điều, bảo thủ!"
      Trả lời:

      Cái "hàm" giáo sư tiến sĩ, tốt nghiệp trường đảng Mác-Lê nin, như của NPT, thì chỉ có loài đĩ là thích thôi.
      Hàm với lưỡi "múa" nghe sướng lắm !

      Xóa
    3. Ong tbt NguyenphuTrong la giao-su Tien-si nganh "Xay-dung Dang" chinh-xac la nhu vay. Cai bang nay chac duy-nhat ong ta co ma thoi!

      Xóa
  4. Nên tránh lạm dụng các từ "Tổ Quốc", "Tương Lai", "Yêu Nước"... một cách chung chung. Nhất là bên Tuyên giáo. Đó chỉ là trò tung hỏa mù, né tránh những vấn đề xấu cụ thể: Tham nhũng, Hèn nhát với giặc ngoại xâm, Vi phạm nhân quyền, Tra tấn người oan sai, v.v...

    Trả lờiXóa
  5. Con tôi cằn nhằn: "Má ơi! Sao má thích nghe cải lương ca ngợi "nông thôn ngày càng đổi mới, thành thị vươn lên ấm no, tự hào đất nước ta đi lên...", rồi má cũng lại thích nghe mục "60 giây" toàn cướp, hiếp, giết, lừa đảo, oan sai... tràn ngập xã hội hôm nay vậy? Làm con cũng lùng bùng cái đầu, chẳng học hành được cái chi..."

    Trả lờiXóa
  6. Yêu nước mà không được cấp môn bài còn nguy hiểm hơn phản động

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phạm trù iêu H2O không dành cho số đông nhá
      phải đúng quy trình và đạt chuẩn mới đến tuổi iêu nhá....nhá.......

      Xóa
  7. Bài viết ngắn gọn, nhưng phân tách rõ ràng đâu là CNML ( đấu tranh g/c, CNCS;) , đâu là lòng yêu nước ( là truyền thống Dân tộcVN) . Để thoát khỏi lệ thuộc T.Q và tránh bị đồng hóa với T.Q VN phải " hòa nhập với thế giới dân chủ thì sẽ giữ được độc lập, chủ quyền nhưng muốn thế phải từ bỏ con đường cộng sản, từ bỏ việc xây dựng chế độ XHCN." Cảm ơn tác giả bài viết.

    Trả lờiXóa
  8. Thưa gs, lòng yêu nước phải được đóng dấu xác nhận, thì sẽ có chỗ đứng. Còn lại, lòng yêu nước như Bọ, thì chỗ đứng phải là trong nhà lao đấy!

    Trả lờiXóa
  9. GS.TS NĐC đã đem đến cho bạn đọc một bài viết tâm huyết , trí tuệ. Uớc gì các quan chức cao cập bỏ ít thời gian ra để đọc và suy ngẫm về điều ông viết nhỉ. Tiền tài và quyền lực đã biến họ trở thành lú lẫn và cực kì gian ác. Ôi ! MỘt chế độ không có chỗ cho những tấm lòng yêu nước thương dân.

    Trả lờiXóa
  10. Rất cám ơn G S . G S mới đúng là trí thức chân chính .

    Trả lờiXóa
  11. Yêu nước là gì ?? Đảng nói đảng yêu nước giúp dân rồi ! Dân chỉ nên nghe lời đảng thì sẽ được yên thân ?! Và nhất là đừng bao giờ thắc mắc chuyện lãnh thổ cha ông để lại còn được bao nhiêu nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Phá gia chi tử" để chỉ thằng con bất tài vô dụng, làm tan hoang của cải đất đai mà cha mẹ gầy dựng nên bằng mồ hôi nước mắt!

      Xóa