Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

QUYỀN LỰC của KHÔNG QUYỀN LỰC - Phần 13

* VÁCLAV HAVEL
(tiếp theo - Phần 13)
XVIII.
Nếu như sự nghiệp chính của các "phong trào bất đồng chính kiến" là phụng sự sự thật, tức là, phục vụ những mục tiêu chân chính của sự sống, và nếu nó nhất thiết phải phát triển thành sự bảo vệ cá nhân và quyền sống tự do và chân thực của anh ta (có nghĩa là, một sự bảo vệ các quyền con người và đấu tranh để thấy pháp luật được tôn trọng) thì một giai đoạn khác của cách tiếp cận này, có thể là giai đoạn trưởng thành nhất cho đến nay, là cái mà Václav Benda gọi là sự phát triển của các cấu trúc song song.
Khi những người quyết sống trong sự thật đã từ chối mọi tác động trực tiếp lên các cấu trúc xã hội hiện tại, không kể đến các cơ hội tham gia vào chúng, và khi những người này bắt đầu tạo ra cái tôi từng gọi là cuộc sống độc lập của xã hội, thì cuộc sống độc lập này bắt đầu tự kiến trúc theo phương thức nhất định. Có lúc, chỉ có vài biểu hiện trứng nước của quá trình kiến tạo; những lúc khác, các cấu trúc đã định hình khá rõ nét. Sự ra đời và tiến hóa của chúng không thể tách rời khỏi hiện tượng "bất đồng chính kiến", mặc dù chúng vượt xa hơn rất nhiều cái lĩnh vực vốn được phân định một cách mơ hồ của các hoạt động thường được ám chỉ bằng từ này.
            Những cấu trúc này là gì? Ivan Jirous là người đầu tiên ở Czechoslovak xây dựng và áp dụng trên thực tế khái niệm về "nền văn hóa thứ hai". Mặc dù lúc đầu ông quan tâm chủ yếu đến nhạc rock bất phục tùng và một số hãn hữu các sự kiện văn học, nghệ thuật hay trình diễn ít nhiều gần gũi với cảm nhận của những nhóm nhạc bất phục tùng này, thuật ngữ "văn hóa thứ hai" rất nhanh chóng được sử dụng cho toàn bộ mảng văn hóa độc lập và bị đè nén, tức là, không chỉ cho nghệ thuật và những trào lưu đa dạng của nó, mà còn cho các ngành khoa học xã hội, nhân văn và triết học. "Văn hóa thứ hai" này, rất tự nhiên, đã tạo ra những hình thức tổ chức giản đơn: các bản samizdat của sách và tạp chí, các buổi trình diễn, hội thảo, hòa nhạc, triển lãm tư nhân và v.v. (ở Ba Lan tất cả những thứ này đều phát triển hơn nhiều lần: có các nhà xuất bản độc lập và có rất nhiều các tạp chí độc lập, thậm chí tạp chí chính trị; họ có các phương tiện phổ biến khác hơn là các bản các-bon và còn nhiều nữa. Ở Liên Xô, samizdat có truyền thống lâu đời hơn và rõ ràng là các hình thức của nó cũng khác). Văn hóa, do đó, là một bầu khí quyển mà ở đó, ta có thể quan sát được các "cấu trúc song song" trong hình thức phát triển cao của chúng. Tất nhiên, Benda cũng nghĩ đến các hình thức tiềm tàng hay trứng nước của các cấu trúc này trong các không gian khác nữa: từ hệ thống thông tin song song, cho đến các hình thức giáo dục song song (các trường đại học tư), công đoàn song song, quan hệ quốc tế song song, đến một giả định về nền kinh tế song song. Trên cơ sở các cấu trúc song song này, ông phát triển ý tưởng về "polis song song" hay nhà nước song song, hay, như ông thấy những mầm mống của một polis như thế trong những cấu trúc này.
            Đến một giai đoạn phát triển nhất định, cuộc sống độc lập của xã hội và các phong trào bất đồng chính kiến sẽ không thể không được tổ chức và thể chế hóa ở một mức độ nhất định. Đó là sự phát triển tự nhiên và trừ phi cuộc sống độc lập của xã hội này bị đàn áp tàn bạo và bị xóa bỏ tận gốc rễ, xu hướng này luôn mạnh dần lên. Cùng với nó, không thể khác được là một đời sống polis song song cũng hình thành, và ở mức độ nào đó, nó đã tồn tại ở Czechoslovakia rồi. Nhiều nhóm có bản chất chính trị ít hay nhiều sẽ tiếp tục lên tiếng xác định lập trường chính trị của họ, hành động và đương đầu với nhau.
            Có thể nói rằng, những cấu trúc song song này là biểu hiện cụ thể nhất của "sống trong sự thật" kể từ trước đến nay. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà các "phong trào bất đồng chính kiến" tự đặt cho mình là ủng hộ và phát triển chúng. Một lần nữa, nó khẳng định sự thật là mọi cố gắng của xã hội nhằm chống lại sức ép từ hệ thống phải có nguồn gốc căn bản từ khu vực tiền-chính trị. Bởi vì các cấu trúc song song còn là gì khác ngoài một không gian mà người ta có thể sống một đời sống khác, một đời sống hòa hợp với những mục tiêu của nó, và chính nó, đến lượt mình lại tự kiến trúc để hài hòa với các mục tiêu ấy. Các nỗ lực ban đầu hướng tới tự tổ chức xã hội ấy là gì khác ngoài các cố gắng của một phần xã hội để sống - với tư cách là xã hội - trong sự thật, để gỡ bỏ cho mình các yếu tố tự bảo tồn của chủ nghĩa toàn trị, và vì thế, giải thoát triệt để bản thân nó khỏi sự dính líu trong hệ thống hậu toàn trị? Nó còn là cái gì khác ngoài một nỗ lực bất bạo động của nhân dân để phủ nhận hệ thống trong chính bản thân mình và thiết lập cuộc sống của họ trên một nền tảng mới, nền tảng của bản sắc của chính họ? Và chẳng phải xu hướng này khẳng định một lần nữa nguyên tắc trả lại sự quan tâm tới từng cá nhân cụ thể? Rốt cuộc, cấu trúc song song không lớn dậy a priori (một cách tiên nghiệm) từ một tầm nhìn lí thuyết về thay đổi hệ thống (không có những giáo phái chính trị nào ở đây), mà từ những mục tiêu của cuộc sống và từ nhu cầu chân chính của con người hiện thực. Trên thực tế, mọi thay đổi cuối cùng trong hệ thống, những thay đổi mà ta có thể quan sát thấy ở đây trong những hình thức thô sơ của chúng, đã de facto (trên thực tế) đến từ "bên dưới", bởi vì cuộc sống buộc chúng phải thế, không phải bởi chúng đến trước cuộc sống, bằng cách nào đó mà điều khiển nó hay thúc bách một sự thay đổi nào đó trong nó.
           Kinh nghiệm lịch sử dạy ta rằng bất kì điểm xuất phát thực sự có ý nghĩa nào trong đời một con người thường chứa đựng yếu tố phổ quát trong đó. Nói cách khác, đó không phải là cái gì bộ phận, chỉ có thể tiếp cận được bởi một cộng đồng hạn hẹp nào đó, và không thể chuyển giao tới người khác. Ngược lại, nó phải có khả năng đến với tất cả mọi người; nó phải báo hiệu một giải pháp chung, và do vậy, nó không phải chỉ là sự thể hiện của một trách nhiệm của các cá nhân, hướng nội, buộc phải làm và làm chỉ cho riêng mình, mà còn có trách nhiệm tới và với thế giới. Do đó, thật sai lầm nếu hiểu cấu trúc song song và polis song song như là sự rút lui vào ghetto (khu Do Thái cách li - ND) và là hành động tự cô lập, chỉ đại diện cho phúc lợi của những người đã chọn cách đi ấy, và là những người hoàn toàn thờ ơ với số phận những kẻ còn lại bên ngoài. Nói ngắn gọn, sẽ sai lầm nếu coi đó về cơ bản chỉ là một giải pháp nhóm, hoàn toàn không liên quan gì tới tình cảnh chung. Một quan niệm như thế, ngay từ đầu, xa lạ hóa ý tưởng về sống trong sự thật, biến nó cuối cùng thành một phiên bản tế nhị hơn của "sống trong dối trá". Tất nhiên, nếu vậy, nó không còn là một điểm xuất phát chân chính cho các cá nhân và các nhóm nữa, và ta có thể nhắc lại quan niệm sai lầm về "nhà bất đồng chính kiến" như là một nhóm tách biệt với những lợi ích riêng biệt, thực hiện những cuộc đối thoại riêng biệt với các quyền lực tối cao. Dù gì đi nữa, thậm chí những hình thức phát triển nhất của đời sống trong cấu trúc song song, thậm chí những hình thức già dặn nhất của polis song song chỉ có thể tồn tại - ít nhất là trong các hoàn cảnh hậu toàn trị - khi mà cá nhân cùng lúc sống trong cấu trúc chính thức "thứ nhất" bằng hàng ngàn quan hệ khác nhau, thậm chí nó có thể chỉ đơn giản là người ta mua cái người ta cần trong những cửa hàng của nó (cấu trúc thứ nhất), dùng tiền của nó và tuân theo luật pháp của nó. Tất nhiên, người ta có thể tưởng tượng cuộc sống với những mặt "cơ bản hơn" bừng nở trong chính trị song song; nhưng một cuộc sống như thế, được sống chỉnh chu theo cách ấy, như là một chương trình máy tính, chẳng phải là một phiên bản khác của cuộc sống tâm thần phân liệt "trong giả dối" mà mọi người khác đều phải sống, bằng cách này hay cách khác hay sao? Chẳng phải nó chỉ là một bằng chứng nữa cho thấy rằng nếu một điểm xuất phát không phải là một giải pháp "mẫu mực", không áp dụng được cho những người khác, thì cũng không thể có ý nghĩa với người khác? Patocka từng nói rằng điểm thú vị nhất về trách nhiệm là chúng ta mang nó theo mình ở khắp mọi nơi. Điều này có nghĩa rằng trách nhiệm là của chúng ta, rằng chúng ta phải chấp nhận nó và giật lấy nó ở đây, bây giờ , tại nơi này trong thời gian và không gian mà Thượng đế đã đặt chúng ta vào, và chúng ta không thể tìm cách quanh co trốn tránh bằng cách chuyển tới chỗ khác, bất kể nó là thánh địa Ấn độ hay là một không gian polis song song. Nếu những người trẻ tuổi phương Tây rất hay khám phá ra rằng cách rút lui vào một thánh đường Ấn độ hóa ra không phải là một giải pháp cá nhân hay giải pháp nhóm, thì điều này thật là hiển nhiên, vì, và cũng chỉ vì nó thiếu yếu tố phổ quát, bởi vì không phải ai cũng có thể rút lui vào một thánh đường. Thiên chúa giáo là một ví dụ về một lối thoát ngược lại: nó là điểm xuất phát cho tôi tại đây và lúc này - nhưng chỉ vì bất kì ai, bất kì đâu, bất kì lúc nào cũng có thể có nó.
XIX.
Tôi đã nói về tiềm năng chính trị của việc sống trong sự thật và của những hạn chế khi phỏng đoán rằng một biểu hiện của sống trong sự thật ấy có thể dẫn tới những thay đổi thật sự không, [và nếu có thì] như thế nào và bao giờ? Tôi cũng đã trình bày rằng việc tính toán rủi ro cho các hoạt động này là khập khiễng vì một đặc điểm cơ bản của những đề xướng độc lập là chúng luôn luôn mà một canh bạc được ăn cả ngã về không, ít nhất là lúc đầu.
Tuy thế, sự phác họa về một số công việc mà các "phong trào bất đồng chính kiến" đã thực hiện sẽ thiếu sót nếu không xem xét, ít nhất là khái lược, về một số cách thức những việc này có thể tác động tới xã hội trên thực tế; nói cách khác, về những con đường mà tinh thần trách nhiệm đối với và vì tất cả [toàn xã hội] có thể được hiện thực hóa trong thực tế (không có cái ý nghĩa cần thiết rằng nó buộc phải thế).
Ngay từ đầu, phải nhấn mạnh rằng toàn bộ không gian bao gồm đời sống độc lập của xã hội và cả "phong trào bất đồng chính kiến", tất nhiên còn lâu mới là yếu tố tiềm tàng duy nhất có thể ghi dấu ấn lên lịch sử của các nước đang sống trong hệ thống hậu toàn trị. Khủng hoảng xã hội ngầm trong những xã hội như vậy có thể bất chợt, độc lập với những phong trào này, khởi phát hàng loạt những thay đổi chính trị rộng khắp. Nó có thể làm rối loạn cấu trúc quyền lực và châm ngòi hay tăng cường độ vô số các hành vi đối đầu ngấm ngầm, gây ra những thay đổi về nhân sự, quan niệm, hoặc ít nhất là "bầu không khí". Nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến bầu không khí chung của cuộc sống, thổi bùng các bất ổn xã hội bất ngờ và không lường trước được và sự bùng nổ những bất bình trong dân. Chuyển giao quyền lực ở trung tâm của khối (Liên Xô) có thể ảnh hưởng đến điều kiện ở nhiều nước khác nhau theo rất nhiều cách. Các yếu tố kinh tế hiển nhiên có ảnh hưởng quan trọng, cũng như những khuynh hướng rộng lớn hơn của văn minh hóa toàn cầu. Một lĩnh vực vô cùng quan trọng, cái có thể là nguồn của những thay đổi tận gốc và các biến động chính trị, chính là các diễn biến chính trị quốc tế, các chính sách của siêu cường kia (Mỹ) và tất cả các quốc gia khác, cấu trúc đang thay đổi của lợi ích quốc tế và các vị trí mà khối chúng ta đang chiếm giữ. Thậm chí những người lên đến địa vị cao nhất cũng không phải là hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì, mặc dù như tôi đã nói, không nên phóng đại tầm quan trọng các lãnh đạo [đối với những thay đổi chính trị] trong hệ thống hậu toàn trị. Có nhiều ảnh hưởng và cộng hưởng, và tác động chính trị sau rốt của "phong trào đối lập" chỉ có thể được xem xét trên cái nền chung này và trong bối cảnh mà cái nền ấy quy định. Tác động này chỉ là một trong nhiều yếu tố (và còn xa mới là yếu tố quan trọng nhất) đang ảnh hưởng đến sự phát triển chính trị, và nó khác các yếu tố khác có thể chỉ trong cái tiêu điểm cơ bản của nó là việc nhìn nhận sự phát triển chính trị đó từ góc độ bảo vệ con người và tìm kiếm một ứng dụng trực tiếp của việc nhìn nhận ấy.
Như ta đã thấy, mục đích cơ bản của khuynh hướng hướng ngoại của những phong trào này là gây tác động lên xã hội, chứ không nhằm ảnh hưởng lên cấu trúc quyền lực, chí ít là không ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức. Những đề xướng độc lập hướng tới không gian bí mật; chúng chứng tỏ rằng sống trong sự thật là một lựa chọn khác của xã hội và con người; và chúng đấu tranh để mở rộng không gian cho cuộc sống ấy; chúng giúp - mặc dù tất nhiên chỉ là gián tiếp - nâng cao lòng tự tin của các công dân; đập nát thế giới giả hình và lột mặt nạ để lộ ra bản chất thực của quyền lực. Chúng không chiếm lấy vai trò cứu thế; chúng không phải là "người tiên phong" hay "tinh hoa" một mình thông tỏ mọi chuyện, chẳng phải những người mà nhiệm vụ của họ là "thức tỉnh lí trí" của những đám đông "vô tri" (cái hình ảnh tự phóng chiếu ngạo mạn này, một lần nữa, lại thiết thân với một lối suy nghĩ hoàn toàn khác, cái kiểu tưởng rằng mình có một bản quyền về "dự án lí tưởng" nào đó, và do thế mà có quyền áp đặt nó lên xã hội). Chúng cũng không muốn dẫn dắt ai. Chúng để cho các cá nhân tự định đoạt sẽ tiếp nhận gì và không tiếp nhận gì từ kinh nghiệm và công trình của chúng. (Nếu như tuyên truyền chính thức của Czechoslovak mô tả những nhà Hiến chương như là "những kẻ tự phong", thì không phải là để tô đậm những tham vọng "tiên phong" về phần họ, mà chỉ là sự thể hiện khá tự nhiên những gì mà chính quyền nghĩ, xu hướng của nó phán xét người khác theo thước đo của riêng nó, bởi vì đằng sau bất kì một biểu hiện phê phán nào, nó ngay lập tức nhìn thấy sự thèm khát được đóng vai quảng đại từ cái ghế của họ, và thống trị trên ngai của họ "nhân danh nhân dân", vẫn cái cớ cũ mà chế độ đã dùng trong bao năm).
Những phong trào này, do đó, luôn tác động cấu trúc quyền lực theo cách gián tiếp như thế, như thể là một phần thống nhất của xã hội, chúng chủ yếu hướng tới không gian bí mật của xã hội, vì vấn đề không phải là đối đầu với chế độ trên bình diện quyền lực thực.
Tôi đã chỉ ra một phương thức mà nó có thể tác động: nó đã củng cố sự nhận thức về pháp luật và cảm giác trách nhiệm phải chứng kiến luật pháp được tôn trọng. Đương nhiên, điều này chỉ là một ví dụ cụ thể của một ảnh hưởng rộng lớn hơn nhiều: những sức ép gián tiếp từ sống trong sự thật: sức ép tạo thành bởi tư tưởng tự do, các giá trị thay thế, và các "hành vi thay thế", và bởi sự tự hiện thực hóa một cách độc lập của xã hội. Cấu trúc quyền lực, bất kể muốn hay không, luôn phải đáp lại với sức ép này tới một mức độ nào đó. Tuy thế, phản ứng của nó luôn bị giới hạn vào hai chiều: đàn áp và thích nghi. Có lúc cái này thắng thế, có lúc cái kia thắng thế. Ví dụ, "Trường Đại học bay" của Ba Lan chịu sự khủng bố ngày càng tăng, còn các "giáo viên bay" thì bị cảnh sát cầm tù. Tuy thế, cùng lúc ấy, các giáo sư trong các trường đại học công lại cố gắng làm giàu giáo án với hàng loạt chủ đề mà cho đến lúc đó vẫn còn là cấm kị, và điều này là kết quả của sức ép gián tiếp do "Trường Đại học bay" gây ra. Những động cơ của sự thích nghi này trải từ "lí tưởng" (không gian bí mật đã nhận được thông điệp, và lương tâm cùng với tinh thần sẵn sàng sống theo sự thật đã được thức tỉnh) đến thuần túy vị lợi: bản năng sinh tồn của chế độ buộc nó phải nhận ra các ý tưởng đang thay đổi và bầu không khí xã hội và tinh thần đang biến chuyển, và phải phản ứng linh hoạt với chúng. Động cơ nào trong số ấy thắng thế tại một thời điểm nào đó không quan trọng lắm đối với tác động cuối cùng.
(còn tiếp)
----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét