Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

MỘT THỜI ĐÃ SỐNG - Kỳ 2

                   
         *  MINH DIỆN 
(tiếp theo - Kỳ 2)
BÀI ĐỒNG DAO 
              Sau trận lũ bọn trẻ con trong làng đua nhau hát bài đồng dao nội dung đề cập đến chuyện  mưa lụt, mùa màng thất bát, thuế phí nặng nề dân tình đói khổ.
Đặc biệt nhắc đến chuyện cháy nhà ở thôn Trung và vỡ đê làng Hạ  hai điểm nóng gây bức xúc dư luận.
                                   Trên trời có ông sao tua
                                    Ở dười hạ giới gió mưa bão bùng
                                    Nước ngập trắng đồng
                                    Mùa màng thất bát
                                    Thuế phí chất chồng
                                     Dân tình đói rách
                                     Người ơi biết không?
                                     Cháy nhà làng Trung
                                     Vỡ đê làng Hạ
                                     Lột cái mặt nạ
                                     Dối đảng lừa dân
                                     Một lũ bất nhân
                                    Kém tài thất đức
                                     Một lũ kẻ cướp
                                     Một bọn lưu manh
                                     Tham quyền tham ăn
                                     Quên dân mất gốc
                  Ngôi nhà thôn Trung bị cháy là nhà thờ họ của chủ tịch huyện Lê Hữu Liêm  và  chủ tịch xã Lê Hữu Khiết.  Ngôi nhà  mới làm xong chưa kịp khánh thành thì đùng đùng bốc cháy.  Cháy giữa ban ngày ban mặt nhưng không ai đến cứu giúp. Một mình vợ chồng  Lê Hữu Khiết cuống quýt , hoảng loạn không làm gì được.  Khi Lê Hữu Liêm huy động quân từ huyện về đến nơi thỉ ngôi nhà chỉ còn là một đống than nghi ngút khói.
                   Dân làng hả hê, bàn tán xôn xao.  Toàn bộ vật tư  làm ngôi nhà  đó lấy từ  đình làng Hạ. Đó là một  ngôi đình to và  đẹp nhất xã, xây dựng từ thời nhà Lý, thờ Thành Hoàng .  Ngôi đình nổi tiếng linh thiêng ,nên  hàng năm  đến  đầu tháng  3 âm lịch dân làng lại mở hội dâng hương thành kính tế lễ. Trong  hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ , bom đạn vung vãi  nhưng  ngôi đình vẫn nguyên vẹn.  Giặc dã cũng kiêng nể ngôi đình thiêng.  Nhưng đến thời bình  ngôi đình lại  bị phá.  Lấy  lý do bài trừ mê tín dị đoan , và vì thế hệ trẻ, đảng ủy ra nghị quyết phá đình   lấy vật liệu xây nhà mẫu giáo.  Các cụ bô lão phản đối quyết liệt, khiếu nại lên  huyện nhưng  không cứu được ngôi đình.  Bởi hai anh em ruột Lê Hữu Liêm, Lê Hữu Khiết , người chủ tịch huyện, người chủ tịch xã, thế mạnh như chẻ tre.   Chỉ trong vòng một tuần ngôi đình đã bị  phá .  Cột, kèo , rui mè , đòn tay ,cánh cửa gỗ lim gỗ gụ chất thành  một đống.  Gạch , ngói xếp thành một đống.   Chỉ một phần ba gỗ, gạch được sử dụng làm căn nhà mẫu giáo , còn lại cán  bộ xâu xúm  chia chác ngôi đình như phường săn chia thịt rừng.  Anh em nhà Lê Hữu Liêm, Lê Hữu Khiết  giành được  gần nửa số gỗ và gạch ngói  về xây nhà thờ tổ.   Không ngờ ngôi nhà vừa xây xong thì  cháy thành than. “ Ăn cướp của Thần Thánh , Thần Thánh đòi lại! Dân làng kháo ầm lên như thế.
               Chuyện con đê làng Hạ bị vỡ cũng liên quan đến tham những. Dự án tu bổ đê Qũy  năm trăm triệu, bị xà xẻo hết ba trăm. Đất đất đắp đê toàn đất cỏ cói, làm mồi cho mối.  Mới vài con sóng  đã làm đê nhão ra như cháo...
              Những việc  trong bài đồng dao đều  có trong đơn tố cáo tham nhũng .  Đơn  gửi lên tỉnh, tỉnh lại chuyển về cho huyện, huyện chuyển cho  xã .  Được bênh che , Vũ Bá Kiến, Lê Hữu Khiết ra mặt trả thù những người ký tên trong đơn tố cáo.  Tức  nước vỡ bờ   bài đồng dao  công khai tố cáo tham nhũng.
                Bí thư  huyện ủy  Nguyễn  Lập   triệu tập  cán bộ chủ chốt toàn huyện ,  nói như dao chém đá:
                -Đơn khiếu nại, đơn tố cáo và đồng dao  đều  của  thế lực thù địch.  Nó chẳng ở đâu xa mà   ngay  trong lực lượng  cựu chiến binh , cán bộ hưu trí  bất mãn...
              Câu nói của bí thư huyện ủy Nguyễn Lập chẳng khác đổ  dầu vào lửa. Không khí căng thẳng ngùn ngụt bốc lên khắp các xã trong huyện. 
                Nguyễn Lập sinh   năm  Ất  dậu , 1945,  cầm tinh con gà, tính nết se xua ưa hình thức và rất thụ động.   Bố Lập  hy sinh trong chiến dịch  Điện Biên khi Lập chín tuổi .  Là  con trai duy nhất của liệt sỹ nên Lập không phải đi bộ đội. Nhưng  năm 1968,  đang công tác ở phòng thông tin văn hóa huyện, thấy phong trào tòng quân rấm rộ,  Lập đã lấy máu viết quyết tâm thư tình nguyện ra mặt trận.  Hành động của Nguyễn Lập ngày ấy đã được báo chí nêu  gương “Người tốt việc tốt”. 
                Sau hai năm trong quân ngũ, Lập được đi học  Liên Xô , rồi về công tác ở Ban tuyên giáo tỉnh ủy.  Khi  bà Nhàn bí thư huyện ủy  nghỉ hưu , Lập được điều về thay .   Là một cán bộ được học hành bài bản ,  phẩm chất tương đối trong sạch, nhưng Lập bảo thủ , giáo điều cứng nhắc.  Mối  lo canh cánh trong lòng Lập  là đảng bị mất vị trí lãnh đạo.   Lập tìm mọi cách để bảo vệ mớ  lý  thuyết học được  từ  Liên Xô, coi đó là khuôn vàng thước ngọc bất di bất dịch.  Để bảo vệ nó, Lập sẵn sàng thỏa hiệp với những người đồng quan điểm,  ngay cả những kẻ giả vờ để trục lợi.  Lập cố bấu vứu vào cái lỗi thời,  phủ nhận   thực tế khách quan,  trở thành vật cản của công cuộc đổi mới.  Lập  muốn chống tam nhũng  làm trong sạch nội bộ lấy lại  uy tín cho đàng , nhưng  lại kém bản lĩnh,  bị thất thế và bị  chi phối bởi  bọn cơ hội,  nên không làm , càng mất uy tín thêm. Trước sự lấn lươt của   Lê Hữu Liêm và phe cơ hội , Lập trở thành con lật đật làm trò cười cho thiên hạ...
                  Vụ đơn tố cáo và đồng dao  xuất phát từ nội bộ quần chúng bất bình với  chính sách sai lầm làm nghèo đất nước,  ức hiếp dân, và  sự tha hóa  của cán bộ đảng viên dẫn đến  hiện tượng  bè phái, tiêu cực, tham nhũng.  Nội dung đơn tố cáo cũng như đồng dao chủ yếu nhằm vào anh em Lê Hữu Liêm, Lê Hữu Khiết và phe cánh  hai người này.  Nhưng Lê Hữu Liêm đã thổi phồng lên thành “Âm mưu chống đảng, lật đổ chính quyền”  và gắn vào  nhóm  cựu chiến binh, cán bộ nghỉ hưu  vu cho   họ là  “Thế lực thù địch” .  Liêm đã  xoáy   vào chỗ nhạy cảm  nhất của Lập.  Vì bản lĩnh kém, xa rời thực tế  Nguyễn Lập  sa vào cái bẫy của Lê Hữu Liêm,  phát biểu công khai quy kết trách nhiệm  cựu chiến binh và cán bộ nghỉ hưu.
                  Ngay sau khi Nguyễn Lập phát biểu , Hội cựu chiến binh  đã yêu cầu Lập phải xin lỗi.  Nhưng vì bảo thủ và vì  bọn Liêm lèo lái,  chẳng những Lập không xin lỗi mà đối đầu .  Lập chỉ thị cho bí thư đảng ủy xã Thái An là Lê Bá Kiến   tìm bằng được tác giả bài đồng dao để xử lý trước pháp luật.
                   Nhận chỉ thị,  Lê Bá Kiến  nghĩ ngay đến thầy giáo Quỳnh . 
                   Thầy Quỳnh quê  ở Kiến Xương  đến làng tôi dạy học từ ngày còn phong trào bình dân học vụ.  Tôi không  hiểu  gia thế thầy ra sao , chỉ biết thầy là người rất nghiêm khắc.  Hẩu hết thế hệ chúng tôi  đều là học trò của thầy.  Thầy có  kiến thức rộng,  biết  tiếng Tây,  thích văn thơ. Người thầy nhỏ nhắn, mặt thon, nước da trắng , gọng nói rất ấm.  Thầy không lấy vợ , ở với bà Hiền  tử khi mới đặt chân đến làng tôi.  Bà Hiền  bé loắt choắt , miệng lúc nào cũng nhai trầu, không có chồng con, nhận thầy Quỳnh làm con nuôi.  Bà làm nghề gắp cứt chó. Hằng ngày bà quẩy đôi quang sọt đi từ làng này qua làng khác gắp  những bãi cứt chó  ngoài đường,  về ủ vào đống tro rồi bán cho người Vĩnh Bảo trồng thuốc lào. Thuốc lào Vĩnh Bảo ngon nổi tiếng  nhờ bón cứt chó.  Nhiều người trông thấy bà Hiền từ xa đã bịt mũi.  Có người hỏi thầy Quỳnh sao lại  nhận cái bà  gắp cứt chó làm mẹ nuôi?  Thầy Quỳnh  chỉ  cười.    Bà Hiền  chết  thầy  làm ma , đội khăn tang như mẹ đẻ,  cúng dỗ tử tế.
                    Thầy Quỳnh  đã nghỉ hưu hơn hai chục năm, sức vẫn dẻo ,  đầu óc còn sáng suốt. Một lần lên bệnh viện huyện khám bệnh , thầy  nhìn thấy một xác  hài nhi  vứt ngoài đống rác, thầy  thương xót mang chôn cạnh mộ bà Hiền.  Từ đó thầy liên lạc với khoa sản bệnh viện, hễ  có thai nhi chết vô thừa nhận thì gọi thầy. Thầy mang về  chôn  bên mộ bà Hiền. “Mẹ  nhận chúng làm con cháu cho vui!” Thầy  Quỳnh  khấn bà Hiền như vậy.   Đến nay quanh mộ bà  đã có hơn chục nấm mộ hài nhi rồi.
                   Hồi  còn bao cấp, thầy Quỳnh đã làm bài thơ nói lên nỗi khổ của xã viên hợp tác xã nông nghiệp làng tôi:
                                          ... Cám cảnh xã viên
                                              Một ngày công  ba lạng thóc!
                                              Cơm khoai, cơm sắn bữa đói, bữa no!
                                              Trẻ con bụng ỏng đít beo nheo nhóc
                                              Thóc gạo nuôi quan bé quan to
                                              Tiền đút quan  như củi đút lò
                                              Thóc đãi bợm như rơm lót ổ.
                                               Một lũ không  tim!
                                               Túi tham không đáy,
                                               Mượn gió bẻ măng, đục nước béo cò...
                Dù đã già, thầy  Quỳnh vẫn  là điểm tựa tinh thần của  nhóm học trò cũ chúng tôi, trong đó có những  cựu chiến binh  đang đấu tranh chống tham nhũng như Thận, Ruỹnh, Khả, Chiến, Hải, Thức.
                Nhớ ngày còn bé, có lần tôi hỏi thầy: “ Học làm gì hả thầy?”. Thầy nói : “ Học để biết chữ!” “Biết chữ để làm gì?”  “Biết chữ để đọc sách !”  “ Đọc sách để làm gì?”  “ Đọc sách để làm người!”
               Tuy nhiên thầy Quỳnh lại bảo : “ Học vấn như con dao hai lưỡi. Có kẻ học càng cao mưu càng hiểm, nanh vuốt càng nhọn!” Thầy còn bảo : “Trong xã hội có những đứa chẳng  học hành gì nhưng  khôn ranh hơn cáo, với chúng ` chữ nghĩa biến thành thứ phù du, đạo đức  thành trò hề!”
              Bí thư đảng ủy  Bá Kiến  thuộc loại  người ấy.
              Cùng lứa với Kiến, ai cũng phải ra trận, nhiều người đã hy sinh.  Kiến  không  phải trải  qua khói lửa trận mạc ngày nào,  làm cán bộ đoàn rồi cán bộ đảng, luồn lách  như con lươn trong bùn .  Kiến dùng mọi thủ đoạn hạ đối thủ và đã làm biến  bao nhiêu người lương thiện thành nạn nhân.
                 Bá Kiến cũng  từng là học trò thầy Quỳnh.  Năm lớp 5 vì Kiến học  dốt, hạnh kiểm kém nên thầy Quỳnh bắt lưu ban.  Mối thù ấy  Bá Kiến  ghim trong lòng, và đã  trả thù thầy Quỳnh một cách đê tiện, như không cấp đất cho thầy làm nhà,  sử phạt hành chính thầy vì bài thơ “Cám cảnh xã viên”. Lần này Bá Kiến lại ra tay  trả thù thầy Quỳnh một lần nữa dù thầy đã gần đất xa trời. 
               Kiến nói  : “So sánh bài đồng dao với bài  thơ giáo Quỳnh làm  mấy chục năm trước  chả khác  gì nhau cả.  Cùng cái giọng  chửi xéo đảng . Để  lão  ấy  thì cái xã này loạn!”
               Kiến  báo cáo bí thư huyện ủy,  xin lệnh bắt thầy Quỳnh. Nhưng  để tỏ ra khách quan dân chủ,  Kiến   tổ chức   cuộc họp đảng ủy mở rộng  lấy danh nghĩa tập thể !
                Cuộc họp lúc tám giờ nhưng bảy giờ Kiến và Đạo, trưởng công an xã  đã có mặt.  Cô nhân viên văn phòng  đặt tích nước chè xanh vừa hãm lên bàn:
              -Mời bác bí thư xơi nước ạ!
               Kiến vê   điếu thuốc lào cho vào điếu cày châm lửa rít một hơi ,  nhả khói  mù mịt, sau đó  uống một chén  nước chè xanh nóng hổi, rồi hỏi Đạo:
              -Cái đơn  đâu?
              -Dạ  đây ! Đạo mở  Sắc- cốt lấy tờ giấy  học sinh viết kín chữ đưa cho Kiến.
                  Đó là đơn tố cáo thầy giáo Quỳnh  của Thu Hà, một cô giáo trẻ,trường phổ thông cơ sở xã Thái An.  Thu Hà không  biết thầy Quỳnh  có viết  bài đồng dao hay không, cũng không thù oán gì thầy, nhưng  cô  được bí thư đảng ủy  hứa sẽ kết nạp đảng  và sẽ cho làm   bí thư đoàn trường,  nên chép lá đơn tố cáo thầy Quỳnh theo nội dung  Kiến soạn sẵn.  Chỉ cần hứa ban phát một tý danh lợi là bí thư đảng ủy xã  Bá  Kiến đã biến một người lương thiện thành kẻ bất nhân .                        Đạo nói với Kiến:
                -Bọn thằng Thận, thằng Hải  sẽ phản đối rất  dữ nếu bắt giáo Quỳnh . Chúng nó từng chỉ huy tiểu đoàn trung đoàn trong chiến tranh, bây giờ nắm được luật pháp và được quần chúng ủng hộ.
                Bá Kiến hỏi:
                -Hiện tại bọn chúng có động tĩnh gì không?
                -Suốt mấy hôm nay chúng thường tập trung ở nhà thằng Thận.
                -Công an huyện còn mai phục không?
                -Đã rút hết sau khi bắt hai thằng ở Bắc Giang về!
                -Giáo Quỳnh hiện ở đâu?
                -Vẫn ở nhà!
                -Bắt giáo Quỳnh như rắn mất đầu , trị bọn thằng Thận  không khó!
                -Nhưng...
                -Nhưng con cặc!  Cứ bài bản mà làm!
                   Bá Kiến  vẫn quen  sỗ sàng  như vậy. Kiến  vừa là cấp trên vừa là chú ruột của Đạo, nên  lúc nào cũng  lên mặt  dạy dỗ , quát nạt .    Nhìn bộ dạng  Bá Kiến và nghe giọng  đe nẹt của  chú, Đạo  rất  ngán.   Đã gần sáu mươi tuổi Bá Kiến  vẫn đằng đằng sát khí.   Suốt cuộc  đời  cưỡng hiếp thiên hạ , người  Kiến  quắt lại , khuôn mặt  xương xẩu , miệng phùng ra như rắn hổ mang,  hai  con  mắt  trắng dã .  Kiến  đã toan tính nhiều nước cờ đời,  nhưng  chưa thỏa mãn, vẫn luôn  cảm thấy mình bị thua thiệt đối với anh em Liêm, Khiết.   Kiến đau đớn  nhận ra rằng Liêm , Khiết và  nhiều thằng  cáo hơn mình ,  ác  hơn mình .   Càng ác ,càng cáo chúng nó càng  chui   leo cao.   Muốn tiến thân phải  ác. Và phải nịnh nọt , mơn trớn phục tùng cái ác để được nâng đỡ!  Bởi thế Kiên luôn  khom lưng  cúi đầu trước cấp trên.
                Với triết lý ấy, Kiến muốn cấp dưới phài nịnh bợ và cúi đầu trước mình.  Kiến không thèm nghe cấp dưới  nói,  mỗi khi  bực tức là  đập bàn xô ghế, nghiến răng ken két.  Đã làm bí thư đảng ủy xã liên tục gần 5 khóa,  dày dạn kinh nghiệm , đa mưu túc kế, bệnh  gia trưởng  thâm căn cố đế , nên Kiên  tự cho mình cái quyền quát nạt, dạy bảo cấp dưới.   Mà xem  ra có ai xa lạ đâu, ở  xã này già nửa số cán bộ chủ chốt  đều là người họ Vũ, là con cháu Kiên, do Kiến  cơ cấu đưa vào cà.    Vũ Bá Đạo  trưởng công an, được Kiên  cơ cấu vào thường vụ đảng ủy và đang bồi dưỡng làm bí thư thay mình.   Về thể xác, Đạo  không hom hem như chú ruột, vai u thịt bắp,  khuôn mặt rắn đanh  sần sùi như hòn gạch nung già lửa. Nhưng  đầu óc thì đần độn  như  chứa toàn  bã đậu.   Được cái  hung hăng chỉ đâu đánh đấy và tỏ ra rất trung thành.
              Bá Kiến hỏi Đạo:
              -Thằng Thức  mấy hôm nay có ra nhà giáo Quỳnh không?
              -Hôm giỗ bà Hiền  nó đến!
              -Hôm nay nếu nó hoạch họe nháy thằng Leo phang  vỡ mặt nó ra!
             -Vâng!
               Tranh thủ lúc mọi người chưa tới, hai  chú cháu Bá Kiến bàn bạc nội  dung cuộc họp đảng ủy mở rộng .  Đạo  ghi  vào sổ tay, gạch đít bốn chữ “  Phải  bắt  giáo Quỳnh”. Bá Kiến hút một điếu thuốc lào nữa, rồi nhìn ra ngoài sân khi thấy chủ tịch xã Lê Hữu Khiết đang đi vào. 
                Khiết  lái  chiếc xe  ô tô Toyota  bốn chỗ đậu vào góc sân, mở cửa bước ra .  Chiếc   quần sooc bó sát  mông , chiếc  áo pul  ôm  cái  bụng phệ , mắt đeo  kính râm, vai khoác vợt Ten nít.  Cái  mặt đỏ au như tôm luộc  vênh váo đến tức cười. Hệt như con ngan đực rửng mỡ  khoe  cái mào đỏ chót xủ xì.
              Giữa làng quê nghèo, dân bữa no bữa đói, thậm chí đứt bữa, mà chủ tịch xã đi xe hơi , diện bảnh bao, mặt vênh váo nhìn thật ngứa mắt.  Nhưng  Lê Hữu Khiết chả coi ai ra gì. Từ khi bị cháy cái nhà thờ họ,  Khiết càng tỏ ra huyênh hoang   thách thức .  Đúng như Thận nói với tôi, một bọn địa chủ đỏ  vừa tham vừa nhố nhăng, nắm quyền sinh quyền sát , làm xô dạt cà nếp sống tử tế ngàn đời nay của làng quê.
                 Bí thư đảng ủy  Bá Kiến trong bụng ghét   Khiết  như chó, nhưng ngoài mặt  tỏ ra thân mật, đoàn  kết. Kiến biết  dây vào Khiết nghĩa là dây vào Liêm và đằng sau Liêm là Lập nên tốt nhất là khom lưng với  bọn ác hơn mình.
                  Khiết bước vào  nói với Kiến:
                 -Chiều nay tôi phải  lên huyện  trao giải thưởng ten nis Bông Lúa vàng! Họp liến phiến thôi!
                 Kiến cười :
                 -Chóng  thôi ! Tôi  chỉ sợ thằng Thức bới chuyện !
                 -Nó bắng nhắng  để tôi, Khiết  nói và chỉ tay ra đường , nó đến kia, bắng nhắng  phang tiếp!
                   Phó  chủ tịch Nguyễn Văn Thức, cao lỏng khỏng, gày đét, đi lệch người ,  đầu  quấn băng trắng.   Cũng như Ruỹnh , Thức là lính của Thận , từng tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Năm 1979 , Thức bị thương  gãy chân trái , phải mang chân giả nên bước đi khập khễnh khó nhọc. Vết thương trên đầu là do  Thủ  đánh trong cuộc họp trước chưa lành . Đi sau Thức là chủ nhiệm hợp tác xã  Hạp  mặt dẹt , có mụn lốt ruồi  thây lẩy  như con ve trâu  ở khóe  mép,  lông  đen xì.  Dân làng gọi Hạp  là “Hạp heo” vì   cái miệng  giống hệt mõm lợn.  Chánh văn phòng  Cỏn  đi lom khom như bị gủ,  bí thư xã  đoàn   Leo mắt láo liên như tên ăn cướp...
                Hơn chục người đến dự cuộc họp đàng ủy mở rộng  đến đông đủ , không khí ồn ào . Giữa lúc đó thằng Quản tổ trưởng thu nợ cùng một dân  quân khiêng con  chó thui vàng rộm đến . Bí thư đảng ủy  bĩu môi chả hiểu khen hay chê:
              -Lại chó!
               Chủ tịch xã  cười:
             - Bữa nay tôi khao!
               Chủ nhiệm hợp tác xã phân bua:
               -Báo cáo bí thư, chó mực bổ lắm  ạ!
                Giọng Kiến đãi ra:
                -Tôi biết tỏng chó ở đâu ra rồi! Con  mực  nhà thằng Bồi  các ông mới bắt nợ hôm qua  chứ gì? Nói sai tôi làm con chó!
              Chủ nhiệm Hạp xoa tay nịnh xí xóa:
              -Cấm cái gì qua được  mắt  bí thư! Thánh thật!
                Con chó thui được đưa ngay vào bếp.  Các cán bộ chủ chốt lần lượt ngồi vào bàn. Cuộc họp bắt đầu.
                Bí thư đảng ủy Vũ Bá Kiến nói:
                -Thưa các đồng chí,  hôm nay  chỉ khoanh vào vụ bài đồng dao.  Lợi dụng chính sách tự do dân chủ, tự do ngôn luận  của đảng ta, một số phần từ bất mãn , thoái hóa biến chất,tự diễn biến, được thế lực thù địch trong và ngoài nước cổ vũ , tiếp tay,  đã dùng  hình thức  thơ ca hò vè đả kích chế độ, chống phá cách mạng.  Chúng  phát tán bài đồng dao  xuyên tạc, bịa đặt, vu khống bôi nhọ  lãnh đạo.  Công an xã kết hợp  công an  huyện đã  tiến hành điều tra, bây  giờ  đồng chí Đạo  báo cáo trước tập thể lãnh đạo.
             Vũ Bá Đạo mở sắc-cốt lấy quyền sổ bìa đen  đọc  nội dung  bí thư Kiến cho chép lúc nãy:
              - Theo đơn tố cáo của cô giáo Thu Hà , chúng tôi đã tiến hành điều tra và kết luận tác giả bài đồng dao   chính là giáo Quỳnh. Đối tượng  này đã có  tiền án tiền sự . Nội dung bài   đồng dao   bịa đặt  vu khống và kêu gọi lật đổ chính quyền , phạm vào điều 88 Bộ luật  hình sự...
              Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thức  bật dậy :
              -Thầy giáo Quỳnh mà lật đổ chính quyền ? Vu khống...
              Bí thư đảng ủy  đập tay xuống bàn, quát :
               - Anh Thức ngồi xuống. Đây là cuộc họp không phải cái chợ!   Đồng chí Mạnh cứ đúng nguyên tắc chuyên môn  mà làm. Thằng  nào bao che tội phạm gô cổ  lại!
                 Chủ tịch  Khiết đứng dậy :
                -Thằng nào  phá rối dần bỏ mẹ!
                Chủ nhiệm hợp tác Cỏn tiếp lời chủ tịch:
                -Thưa đồng chí bí thư, đồng chí chủ tịch. Vừa qua tên Khả  đánh đồng chí Quản tổ trương thu hồi nợ,  đồng chí Thức bao che tên Khả. Tôi để nghị phải nghiêm khắc  kiểm điểm  đồng chí Thức...
                 Bí thư xã đoàn Leo, rồi chủ tịch hội phụ nữ, hội nông dân...    hùa với  Kiến, Đạo,  Khiết , Hạp  chĩa mũi dùi vào Thức.  Thức chỉ còn một đồng minh duy nhất là chủ tịch hội cựu chiến binh.  Thức hiểu  mình đang bị dồn vào hoàn cảnh tương tự cuộc họp trước.
                Hôm ấy   Thức  đã nêu  vấn đế  Lê Hữu Khiết  tham ô vật tư  xây nhà thờ và tiền xây đựng đê, bị  phe cánh của  Kiết nhao nhao phản bác. Không kìm được Thức nổi nóng nói to.  Đang ngồi  điều khiển cuộc họp, Khiết  lấy ghế phang vào trán Thức.Thức guc xuống, máu ướt đẫm áo. Một tờ biên bản đã được lập khi Thức đang băng bó viết thương ở tram xá. Tờ biên bản đổ lỗi cho Thức phá rối  cuộc họp. Khiết  vô can, Thức bị khiển trách. 
                Giữa một  tập thể lãnh đạo đa  phần  đã biến chất,  được cấp trên bênh che, Thức trở thành kẻ cô độc. Vợ Thức nói : “ Người ta làm quan mang tiền mang thóc về đầy nhà, anh  để vợ con nheo nhóc lại bị chúng nó đánh , bị kỷ luật. Nghỉ quách đi!”
                Thức  nhìn những bộ mặt của Kiến, Đạo, Khiết, Hạp, Leo ...cảm thấy rùng mình. Anh không  sợ chúng  mà ghê tởm.  Những kẻ đó không còn là đồng chí với anh nữa.  Những người cùng trong chiến hào năm xưa đâu rồi nhỉ? Đâu rồi những khuôn mặt đồng đội cùa tôi! Thức vụt nghĩ và đứng dậy bỏ ra khỏi phòng họp. Theo sau anh là chủ tịch cựu chiến binh.       
                Tiếng cười bỗng cất lên. Ngạo nghễ cà thách thức. Tiếng cười sặc sụa như tiếng gầm của bầy thú...
   (còn nữa)
------------------                                                               

17 nhận xét:




  1. Sứ mệnh Dân chủ song hành và trên cả vấn nạn Biển Đông

    *********************************************



    Dân chủ song hành trên Biển Đông

    Có Dân chủ có Đại Ziên Hồng !

    Tòan Dân chín mươi triệu như Một

    Yêu Hòa quyết Chiến ngòai lẫn trong

    Trước mắt diệt nội thù cực hiểm !

    Tám mươi phần trăm xem như xong

    Lưỡi bò hai mươi phần trăm còn lại

    Một lần Dân chủ triệu năm thành công ! ! !



    *



    Mãi thành công : một lần Dân chủ !

    Một đích triệt tiêu hai đại thù :

    Nội thù thâm hiểm ngàn giặc ngọai !

    Ngây thơ Mỵ Châu quả đại ngu :

    Vua cha giết con xong tự sát !

    Nước mất nhà tan - dân ngục tù

    Ngàn năm Bắc Thuộc đầy đau khổ

    Xưa Nỏ thần - nay Dân chủ trùng tu ! ! !



    TRIỆU LƯƠNG DÂN





    DÂN CHỦ lại là THẦN DƯỢC thuốc thánh CHỮA muôn ngàn bệnh :

    BÁN NƯỚC ,
    tham nhũng,

    tham quyền cố vị
    (xong nhiệm kỳ ấn định ngay như Bill CLINTON xong 2 nhiệm kỳ 4 năm , HIẾN PHÁP HOA KỲ xin cám ơn mời chú Bill về vườn ..!!!)

    và 1.001 ác bệnh kinh niên khác ....




    NẾU không có DÂN CHỦ sau khi dẹp giặc Bắc phương truyền kiếp rồi VẪN TIẾP TỤC RƠI vào vòng
    khủng hỏang triền miên như Việt Sử đã chứng minh từ hơn 4.000 năm qua ...

    Chiến chinh đã cướp đi những tinh hoa cao quý nhất của MẸ VIỆT NAM đó là những tâm hồn dấn thân vì ĐẠI NGHĨA từ phút đầu không tính tóan cho riêng mình ..để lại là MỘT BỌN CƠ HỘI trục lợi vinh thân phì gia tính tóan cá nhân . Chúng sẵn sàng bán Nước cõng rắn cắn gà nhà như Lê Chiêu Thống

    Chỉ có nền Dân chủ mới tiếp tục sản sinh và nuôi dưỡng liên tục các Thế hệ tinh hoa cao quý nhất của TỔ QUỐC VIỆT NAM một cách LIÊN TỤC không gián đọan ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còn hơn cả băng Đảng , găng tơ , mafia ...!!! Lại hoạt động công khai , miệng thì Nam mô mà bụng chứa một Bồ dao găm .

      Bởi thế , cái uy quyền linh thiêng thần thánh hoá đã biến các chi Bộ Đảng thành những thần Hoàng ác Bá .

      Hể ai đụng đến thì sẵn sàng bị kết tội chống đối Đảng , chống đối nhà nước ,bôi nhọ chính quyền , âm mưu lật đổ chính quyền. .....!!!

      Nhưng Đảng là cái gì. ? Nhà nước là cái gì. ? Chính quyền là cái gì ? Mà không được chống nếu có hành động sai trái ?

      Những tội danh ba phải trên Cần phải được xoá bỏ , nếu không chỉ là chổ dựa cho bè lũ sâu mọt , chổ trú thân cho thành phần đạo Đức giả khi có chức , có quyền . Khi dùng những chiếc mủ trên để chụp cho người phản đối hành vi xấu , Cần phải được xét xử công Minh tại toà và phải được bồi thường xứng đáng .

      Nếu Đảng sai , chính quyền sai . Người dân có quyền chống đối Đảng , chống đối chính quyền . Nếu người dân không có quyền chống đối thì người dân chỉ là công bộc hoặc nô lệ .

      Xóa
  2. Một thời kỳ đen tối!

    Trả lờiXóa
  3. Vũ Chí Hữu:
    Chỉ vì nó học dôt, hanh kiểm kém cho nó đúp lớp 5 mà nó thù dai như vậy đấy. Tôi sống trong chế độ cộng sản 50 năm rồi và công nhận họ thù rất dai. Ai đã bị ghi sổ đen thì đừng hòng ngóc đầu lên được.

    Trả lờiXóa
  4. Câu chuyện ở Thái Bình 1997 đay phải không bác Minh Diện?

    Trả lờiXóa
  5. "Tiền vào quan như củi đút lò
    Thóc đãi bơm như rơm lót ổ"
    Rất hay rất đúng thờ điểm đó và cà bây giờ.
    Bao nhiêu tiền vào túi quan tham cũng không đủ. Bao nhiêu thóc (cũng là tiền) cho bọn tay chân đĩ bợm như rơm lót ổ chó. Viết thâm sâu quá. Bái phục.

    Trả lờiXóa
  6. Bí thư huyện ủy Nguyễn Lập tư duy giống Tổng Trọng hay Tổng Trọng theo gương tiền bối vậy ta? ( Nguyễn Đức Chí Hà Nội)

    Trả lờiXóa
  7. Cảm ơn đại tá Bùi Văn Bồng và nhà báo Minh Diện đã cho chúng tôi đọc những bài viết này. Mong rằng dù có bể dâu thế nào chăng nữa thì chúng cũng được tập hợp, lưu trữ lâu dài như một pho sử để con cháu sau này có cơ hội biết được thế hệ cha ông từng sống đau khổ như thế nào.

    Trả lờiXóa
  8. "Thức nhìn những bộ mặt của Kiến, Đạo, Khiết, Hạp, Leo ...cảm thấy rùng mình. Anh không sợ chúng mà ghê tởm. Những kẻ đó không còn là đồng chí với anh nữa. Những người cùng trong chiến hào năm xưa đâu rồi nhỉ? Đâu rồi những khuôn mặt đồng đội cùa tôi! Thức vụt nghĩ và đứng dậy bỏ ra khỏi phòng họp. Theo sau anh là chủ tịch cựu chiến binh.
    Tiếng cười bỗng cất lên. Ngạo nghễ và thách thức. Tiếng cười sặc sụa như tiếng gầm của bầy thú..."
    Bác Minh Diện đã mô tả rõ nét bộ mặt thật của đám cường hào mới. Danh, Sắc, Tài được gói trong chữ Tham, người ta lồng lộn quay cuồng để cố đạt cho được. Cám ơn bác Minh Diện rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  9. Hay va sau sac .Cam on Minh Dien Bui van Bong chuc hai ban khoe va vung tay but

    Trả lờiXóa
  10. Chuyện này mà làm phim thì hơn đứt "Ma làng", "Bí thư tỉnh ủy" v.v.

    Trả lờiXóa
  11. Nay đọc bài của bác Minh Diện
    Lại nhớ tới Phùng Gia Lộc xưa
    Xem ra cái ác chẳng chừa
    Tột cùng, táng tận, dối lừa, ngoa ngôn
    Toàn là một lủ du côn
    Đội trên đạp dưới, rút bòn máu dân
    Tham tàn vơ vét xa gần
    Ăn tàn, phá hại, phi nhân, tuyệt tình
    Cớ sao nhiều kẻ làm thinh
    Để cho một nhúm hiện hình quỷ ma
    Bắc Nam cũng một nước nhà
    Làm sao đến nỗi phải ra thế này


    Trả lờiXóa
  12. Bai tho ban nd17:07 hay
    Nhung bai viet nhu the nay khong biet may tay,lanh dao co doc khong

    Trả lờiXóa
  13. Ngô Tất Tố và Nguyễn Công Hoan nếu đọc được truyện này của anh Minh Diện thì chắc sẽ giật mình là không ngờ cái thời trước còn khá hơn cái thời bây giờ.
    Khi nào anh Bồng in toàn bộ truyện này thì cho tôi được phép copy nhé. Cám ơn anh trước.

    Trả lờiXóa
  14. Thật đau lòng vì mục tiêu "vì lợi ích trăm năm trồng người" lại ra kết quả của một "bộ phận không nhỏ" đầu trâu mật ngựa trong chính quyền, tổ chức, đoàn thể như thế này!

    Trả lờiXóa
  15. Thế rồi anh Thức và Chủ tịch cựu chiến binh đi đâu ? Có đi theo lời kêu gọi của ông Lê Hiếu Đằng không. Biết đi đâu... về đâu...Ôi Đất nước tôi.

    Trả lờiXóa