Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

CÓ "HẬU CHỦ NGHĨA XÃ HỘI" CHĂNG ? - Kỳ cuốii


ALAN CHARLES KORS
 (tiếp theo và hết)
…Hãy thử tưởng tượng nếu Đại chiến thứ Hai kết thúc với phe quốc xã Châu Âu thành lập một đế quốc trải dài từ rặng U-ran đến eo biển Măng-sơ, và chẳng mấy chốc bắt đầu sản xuất được vũ khí nguyên tử, đối đầu trong thế một mất một còn với Hoa Kỳ, và hoà bình thế giới chỉ là kết quả của sự ngăn ngừa lẫn nhau.
Hãy tưởng tượng Albert Speer lên nối nghiệp Hitler. Liệu khi đó, con cái của những người cánh tả có còn muốn bắt nhịp cho người ta hát các lời ca như "Chúng tôi chỉ mưốn nói một điều, là cho hòa bình một cơ hội" khi họ đứng dưới các biểu tượng của phong trào đòi đơn phương giải giáp các vũ khí hạt nhân? Thử hỏi, khi ấy Hoa Kỳ có bị lên án vì chống ảnh hưởng của quốc xã trên toàn thế giới, chưa nói đến việc chống quốc xã thiết lập những căn cứ trên Tây Bán cầu, và bị ngay người trong nước chụp mũ là đế quốc "sen đầm quốc tế" hay không? Thử hỏi, khi đó các nhà trí thức của chúng ta sẽ nhạo báng hay hoan hô cụm từ "đế chế tàn ác"? Điều gì khác sẽ xảy ra? Chết chóc? Những trại tập trung? Sự ly tán của phần xác và phần hồn?
       >> ** Xem từ >> Kỳ 1  Kỳ 2   Kỳ 3  Kỳ 4   Kỳ  5 

Còn điều này nữa, nếu chưa có lời giải đáp thoả đáng thì những xác chết vẫn chưa được yên nghỉ. Hãy nhớ là chúng ta đã ăn mừng ngày sụp đổ của chủ nghĩa quốc xã và bắn sập biểu tượng chữ Vạn tưng bừng như thế nào. Ngược lại, chúng ta đã câm nín như thế nào vào năm 1989, trong khi lẽ ra ít nhất chúng ta đã phải, và vẫn phải, kỷ niệm một cách trang trọng sự sụp đổ của bộ Búa Liềm hùng mạnh nhất thế giới, một biểu tượng của sự tàn sát triệt để. Nếu biểu tượng bị sụp đổ sau hai thế hệ chiến tranh lạnh là chữ vạn của Đức quốc xã (chứ không phải là búa liềm cộng sản-ND) thì chắc hẳn niềm vui sướng và xúc động sẽ thắp sáng những thành phố trên khắp nơi. Thử hỏi các nhà trí thức, các chính trị gia, và các giảng viên của chúng ta, họ tin hay không tin điều mà Solzhenitsyn đã phát biểu trực diện về chính quyền Sô Viết:
"Không có chế độ nào trên trái đất này có thể so sánh được với nó về số nhân mạng đã bị đưa vào cõi chết, về sự thô bạo, về tầm vóc của các tham vọng, về tính toàn trị triệt để không nhân nhượng - không, ngay cả chế độ của tên học trò của nó là Hitler cũng không thể sánh kịp."[18]
Sau nhiều thế hệ tranh chấp giữa hai hệ thống, bây giờ có ai còn hứng thú khảo cứu đối chiếu hai hệ thống này không? Lịch sử giờ đây đã mở ra cho các kinh tế gia, các nhà khoa học xã hội về phái tính và tình dục học, cho tới các nhà môi sinh học, v.v... một vùng đất rộng lớn để nghiên cứu thực tế về những khác biệt giữa tư hữu và công hữu, giữa thị trường và kế hoạch, và giữa quyền cá nhân và quyền lợi tập thể. Liệu những người trong Phong trào Xanh, khi họ viết những bài khảo cứu đầy bức xức về nạn ô nhiễm không khí và nguồn nước do kế hoạch hoá từ trung ương, họ có phát hiện ra được thảm kịch của tình trạng cha chung không? Các sử gia, họ đã có thay đổi gì khi giảng dạy học trò của họ về những hậu quả của những thị trường tự do trên đời sống con người, trong một thế giới có thật của những hiện tượng có thể so sánh được? Và những người theo Foucault và những người hậu hiện đại của chúng ta, liệu họ đã xét lại những tiền đề của họ sau khi đã tham khảo các công trình nghiên cứu sâu rộng về phái tính và tình dục sau bức Màn Sắt, hoặc, gần đây hơn, ngay tại Cu Ba không? Thật là một điều bất thường khi chúng ta không có được những thống kê về mặt tri thức, luân lý, và nhất là, lịch sử, để xem xét ai đúng ai sai, và tại sao như vậy, trong các công trình phân tích về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội sau khi nắm quyền. Chúng ta đang sống với một sự nguỵ tín đáng kinh sợ.
 Sự ganh đua về phương thức tổ chức xã hội và tầm nhìn giữa phe dân chủ tự do và phe xã hội chủ nghĩa đã từng là điều kiện định dạng cho đời sống và tranh luận ở Tây phương, vậy mà bây giờ chẳng có ai cất công làm một việc tính sổ lại về thực tiễn và đạo lý? Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản chỉ gây được ảnh hưởng tại Pháp (dẫu rằng, không lâu lắm sau khi cuốn sách này được xuất bản, một loạt các dân biểu và bộ trưởng thuộc Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Pháp vẫn đắc cử) Còn nơi nào nữa? Tại sao nó không bao giờ xâm nhập đời sống nước Mỹ - hay chí ít là các tiệm sách đại học - khi nó có lời giải đáp cho câu hỏi đáng lý phải được đặt ra trước tiên trong tâm trí chúng ta? Chúng ta sẽ dạy con cái những gì? Ví dụ, chiến thuật ngăn cản, có đáng bỏ công áp dụng hay không? Ngay sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, trường trung học của các con tôi, trong một học khu bảo thủ - và đây không phải là một trường hợp ngoại lệ - bỏ một tuần ra để học về chiến tranh lạnh. Tài liệu độc nhất để bổ sung vào việc thảo luận của học sinh là cuốn phim phê phán đường lối quốc phòng Tuyệt đối không có sự cố (Fail-Safe). Một năm sau, bắt đầu có sách giáo khoa dạy cho các cháu biết là ông Gorbachev thánh thiện đã dìu dắt ông "cao-bồi" Reagan vào con đường đi đến hoà bình như thế nào. Tệ, tệ hại hơn thế nhiều nữa, là con cái chúng ta không biết những gì đã xảy ra, trong bất kỳ lãnh vực nào, trong các chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa. Những người phụ thuộc vào thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng và phim ảnh của chúng ta chắc hẳn không biết được những điều đó. Nền văn minh của chúng ta sẽ tiếp tục tồn tại, thịnh vượng và hùng mạnh theo bất cứ tiêu chuẩn lịch sử nào, nhờ vào sức mạnh của một hệ thống kinh doanh tự do, dù chỉ ở mức tương đối, và một chính quyền có quyền hành bị giới hạn, dù cũng chỉ ở mức tương đối. Tuy nhiên nền văn minh đó tồn tại mà không có niềm tin vào chính mình, mà không thấu hiểu ý nghĩa tinh thần của chỗ đứng của mình trong cái bi kịch của lịch sử đời sống có tổ chức của loài người, và không có một sự tính sổ đối với cả hai hạng mục - một bên là hàng chục triệu người đã bỏ mạng và một bên là những chế độ và đức tin đã đẩy họ vào chỗ chết.
Không thấy sự phục sinh của những nguyên lý đã phân biệt chúng ta với những nhà nước xã hội chủ nghĩa. Câu nói "Các anh đặt quyền tư hữu cao hơn con người" vẫn còn là một lời nguyền rủa cực mạnh, cứ như là chúng ta chưa hề học đủ bài học rằng, chính "quyền tư hữu" là cơ sở cho sự phồn thịnh, tự do, phẩm giá, và đời sống của "con người" vậy. Câu "Các anh để lợi nhuận lên trên người dân" vẫn còn có một sức mạnh tương tự như câu trước, cứ như thể chúng ta chưa học đủ bài học rằng lợi nhuận chính là phương tiện để thoả mãn các nhu cầu và ham muốn của người dân. Thật ra, chính vì muốn tránh khơi sống lại các nguyên lý tự do cổ điển nên các thầy giáo, các giáo sư, đội ngũ truyền thông, và các nhà làm phim đã lờ tịt đi nhu cầu khảo cứu đối chiếu mà thời đại này đang cấp thiết đòi hỏi.
Thật vậy, người ta sẽ không sửa đổi giáo trình chính là vì người ta không muốn dạy những bài học mà tri thức và sự thật sẽ dạy. Ít ra là trong suốt một thế hệ, sự dị ứng của giới trí thức đối với mô hình xã hội cởi mở - như một nền văn minh, một tập hợp các định chế, một giải ngân hà của tư tưởng - luôn được đúc làm cốt lõi của khoa học nhân văn và các ngành xã hội học mềm. Tình trạng này, không hề giảm đi mà còn mỗi ngày một trầm trọng hơn, mặc dù bây giờ, trên bình diện tri thức, không còn có lý do nào nữa để biện minh cho thái độ bỏ qua những sự thật hiển nhiên. Chúng ta biết sự trao đổi tự nguyện giữa các cá nhân một cách có trách nhiệm về mặt đạo lý, và phù hợp với quy định của pháp luật đã mang đến cho con người cả sự sung túc lẫn cơ hội chọn lựa đa dạng chưa từng có. Mô hình xã hội cởi mở còn là một điều kiện tiên quyết của trách nhiệm và quyền tự do cá nhân. Ngược lại, các chế độ kế hoạch hoá tập trung đã tạo nên sự nghèo khó và dẫn đến sự hình thành và phát triển tất yếu của chủ nghĩa toàn trị và những hình thái lạm quyền ghê gớm nhất. Những xã hội có thị trường tự do, năng động, với nền tảng là chủ nghĩa cá nhân thực quyền, đã thay đổi toàn bộ quan niệm của con người về tự do và phẩm giá của những nhóm người mà trước đây đã bị xã hội bỏ ngoài rìa. Ngược lại, toàn bộ cuộc "thí nghiệm xã hội chủ nghĩa", đã chấm dứt trong bế tắc, xung đột sắc tộc, sự thiếu vắng của những tiền đề tối thiểu cho sự khôi phục kinh tế, xã hội, và chính trị, và sự đè nén tuyệt đối đối với cả việc phát triển cá nhân lẫn quyền lợi của các nhóm thiểu số. Con cái chúng ta không biết sự khác biệt thực tế này.
Khi các nhà lãnh đạo chính trị và truyền thông của chúng ta xem xét các chế độ cộng sản đương đại - Trung Quốc, Bắc Hàn, Cu Ba, Việt Nam, Lào, và Cam Pu Chia - dù những chế độ đó có thay đổi đến mức nào đi nữa và những tính chất nói trên có khi hiện hữu, có khi không, nhưng trong nhận thức, họ phải ý thức được về thực tế lịch sử mà chúng ta đã biết, và về những xác người mà chúng ta cố tình lờ đi không muốn biết. Lại một lần nữa, chúng ta phải nghĩ về cái lối phán xét lịch sử nước đôi, bất nhất đó. Khi nhân vật phái hữu Joerg Haider vừa gặt hái được thành công chính trị tại nước Áo - bằng con đường dân chủ thực sự - các chính quyền Tây Âu đã coi ông ta như một nhân vật hạ đẳng hay như một kẻ sống ngoài vòng pháp luật vì hai thế hệ về trước, ông ta đã có những lời phát biểu hay những biểu hiện có dính dáng đến Hitler. Thế cũng được đi. Nhưng đối với những lãnh đạo cộng sản là những người kế thừa của Stalin và Mao hiện vẫn đang nắm quyền thì sao? Về mặt chết chóc và đày ải, các trại lao cải Trung Quốc phải tai tiếng hơn là những trại tập trung ở Đức và ở những nơi Đức xâm chiếm, và, thật ra, một điều bất thường hơn là những trại lao cải đó vẫn đang tồn tại song song với chúng ta. Theo những tính toán nghiêm túc nhất, có khoảng năm mươi triệu người đã phải trải qua các trại cải tạo đó.[19] Những nghiên cứu có chất lượng ước tính rằng vào những thập niên 1950 và 1960, khoảng 10 phần trăm những tù nhân là người Tây Tạng không bao giờ trở về từ các trại tù, và quá trình đàn áp chính trị và tiêu huỷ một trong những nền văn minh đáng chú ý của thế giới vẫn được tiến hành không chút suy giảm.[20] Cu Ba, với dân số mười một triệu, nay có hai triệu người đang sống ở nước ngoài, và chúng ta sẽ không bao giờ có những thống kê đầy đủ về con số rất lớn những người đã mất mạng khi tìm cách đào thoát.[21] Trên thực tế, tại tất cả các nước theo chế độ cộng sản, quyền di trú - nói một cách dân dã nhất là "thương thì ở, ghét thì đi" mặc dù thực tế còn khắc nghiệt hơn hàm ý đó nhiều lần, thực sự vẫn bị coi là một tội hình. Tại Bắc Hàn, một quốc gia đang chế tạo vũ khí hạt nhân, cả một dân tộc đang đói vì sự điên khùng của những kẻ lập kế hoạch nhà nước, trong khi đó, bên kia biên giới, Nam Hàn đã phát triển một cách nhân bản và hiệu quả về cả hai lĩnh vực kinh tế và chính trị chỉ trong một thế hệ ngắn ngủi. Đồng ý rằng, hoà bình thế giới, ổn định toàn cầu, thậm chí một chiến lược nhằm thay đổi các xã hội bị áp bức, rất có thể sẽ kêu gọi chúng ta nên bình thường hoá quan hệ với tất cả các chế độ sát nhân kia. Tuy nhiên, chúng ta phải làm việc đó với nhãn quan tỉnh táo, và phải làm tối đa những gì có thể làm được cho các nạn nhân. Thêm vào đó, phải xác định rõ những lằn ranh đạo lý mà dứt khoát chúng ta không được vượt qua.
Chúng ta vẫn đang chờ đợi một cách vô vọng những lời hối lỗi, nhưng đa số vẫn tuyên bố là họ không biết, hay chọn cách bưng mắt bịt tai không chịu biết. Khi Eisehnower nghe được rằng những cư dân Đức tại một thị trấn lớn ngay gần một trại giết người tập trung, gần đến độ mùi xác thối thế nào cũng đã bay tới tận mũi, nói rằng họ "không biết" về trại này, ông bắt những thị dân này ăn mặc chỉnh tề, xếp hàng đi ngang qua những xác người đang thối rữa, và bắt họ giúp thu dọn những xác chết đó. Nay chúng ta thiếu uy quyền như của ông. Milan Kundera, nhà văn đối kháng Tiệp trong thời kỳ cộng sản, dùng bi kịch - thể loại văn chương duy nhất phù hợp, để viết về thực trạng đạo đức. Hãy lấy ví dụ cực đoan nhất, ông đề nghị. Thế những người có thiện ý, sẽ ra sao đây? Ông hỏi trong tác phẩm Kiếp người như lông hồng mà mang nặng tựa Thái Sơn (The Unbearable Lightness of Being.) Thế thì với những người vô tri, những người đã vô tình hành động với niềm xác tín, phải làm sao đây? Kundera đã viết như thế này về Oedipus:
"Y không biết người đàn ông y đã giết trên núi là cha của y, và người đàn bà y đã cùng chăn gối là mẹ của y. Cùng trong lúc ấy, định mệnh đã mang tai hoạ đến các thần dân của y, và đầy đoạ họ bằng những trận dịch hạch lan rộng. Một khi Oedipus nhận thức được chính y là cội nguồn của những nỗi khổ đau của họ, y tự móc mắt mình, và trở thành một người mù lang thang rời xa khỏi thành Thebes... Không thể nào chịu đựng nổi cảnh tượng của những điều bất hạnh y đã gây nên "vì không biết", y tự móc lấy mắt, và trở thành một người mù lang thang rời xa khỏi thành Thebes..."[22]
Ai đọc câu chuyện trên mà chẳng cảm thấy ám ảnh? Về phần tôi, tôi xin mở một con đường xá tội. Hãy để những người theo chủ nghĩa xã hội, những người đồng hành của họ, những kẻ biện minh cho họ, những kẻ xét lại, công nhận những sự chết chóc, hãy để họ chôn cất những người đã chết, dạy cho những người khác những gì họ đã học được, và ăn năn hối lỗi với những nạn nhân đã chết. Nhược bằng, với mức độ kinh hoàng của những tai hoạ đã xảy ra, hãy để họ tự tìm cách chuộc tội sau khi đã tự móc lấy mắt, và trở thành những người mù lang thang rời xa khỏi Mát-xcơ-va, Bắc Kinh, hay thành Thebes. Hãy để các nhà trí thức Tây phương nhắc lại những câu thơ trong tập Requiem, một tác phẩm được Anna Akhmatova, nhà thơ vĩ đại nhất nước Nga trong thế kỷ hai mươi sáng tác trong giai đoạn khủng bố dưới thời Stalin:
Mọi lúc và mọi nơi,
Tôi luôn nhớ về họ
Dù vật đổi sao dời
Tôi không thể quên họ.[23]
Những xác người đang đòi một cuộc thống kê, một lời xin lỗi, và một lời ăn năn. Không có những việc này, sẽ không có thời đại "hậu chủ nghĩa xã hội.".
------------------------
(Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Alan Charles Kors, "Can there be an "after socialism"? Social Philosophy and Policy 20 (01): pp.1-17 (2003).
Bản dịch này được hoàn thành với sự chấp thuận của tác giả, Giáo sư Alan Charles Kors, Đại học Pennsyslvania, USA, và định chế sở hữu bản quyền văn bản, Cambridge University Press, the Edingburg Building. Shaftestbury Road, Cambridge CB2 8RU UK.)
------------------
* Chú thích:
[1] Ludwig von Mises, Chủ nghĩa xã hội: Một phân tích kinh tế và xã hội học (Socialism: An Economic and Sociological Analysis), dịch. J. Kahane (Indianapolis, IN: Liberty Classics, 1979), 1-2.
[2] F. A. Hayek, Con đường đưa đến chế độ nông nô (The Road to Serfdom) (Chicago: University of Chicago Press, 1944).
[3] Sách đã dẫn, 134-52.
[4] Sđd.
[5] R. H. S. Crossman, Tuyển tập., Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed) (New York: Harper, 1949).
[6] Những câu trích dịch trong đoạn này rút từ R. H. S. Crossman, "Introduction" trong sđd., 1-11.
[7] Kinh cựu ước, Genesis 29 - chú thích của bản dịch.
[8] Arthur Koestler, tiểu luận trong Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed), Crossman biên tập, 74-75.
[9] Ignazio Silone, tiểu luận trong Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed), Crossman biên tập, 113-14.
[10] Richard Wright, tiểu luận trong Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed), Crossman biên tập, 157-62.
[11] André Gide, tiểu luận trong Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed), Crossman biên tập, 179-95.
[12] Louis Fischer, tiểu luận trong Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed) do Crossman biên tập, 225-28.
[13] Stephen Spender, tiểu luận trong Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed), Crossman biên tập 265-77.
[14] Rất ít công trình nghiên cứu có thể được xem như không thể thiếu được cho một cuộc tranh luận lương thiện trong thời đại chúng ta. Những cuốn sách sau đây chính là những công trình đó: Stéphane Courtois et al., Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản: Tội ác, khủng bố, đàn áp (The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression), dịch: Jonathan Murphy và Mark Kramer (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1999). Về con số tử vong của người Sô Viết cũng nên xem Robert Conquest, Đại nạn khủng bố: Một lần tái thẩm định (The Great Terror: A Reassessment) (New York: Oxford University Press, 1990), tài liệu này sử dụng số liệu có được từ Glasnot.
[15] Courtois et al., Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản, 487-96; xem thêm các công trình và bài viết được tham khảo trong cuốn sách này.
[16] Aleksandr I. Solzhenitsyn, Quần đảo ngục tù (The Gulag Archipelago) 1918-1956, dịch giả HarryWilletts (New York: Harper and Row, 1978), 3:482.
[17] Stephen Spender, tiểu luận trong Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed), Crossman biên tập, 253.
[18] Solzhenitsyn, Quần đảo ngục tù (The Gulag Archipelago), 3:28. 14.
[19] Xem Courtois et al., Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản (The Black Book of Communism), 498-507 và các ghi chú tham khảo ở trong đó.
[20] Sđd, 542-46 và các chú thích ở trong.
[21] Sđd, 663-65.
[22] Milan Kundera, Kiếp người nhẹ như lông hồng mà mang nặng tựa Thái sơn (The Unbearable Lightness of Being), dịch giả, Michael Henry Heim (New York: Harper Perennial, 1991), 175-77.
[23] Anna Akhmatova, Tuyển tập thơ của Anna Akhmatova, chủ bút Roberta Reeder, dịch Judith Hemschemeyer (Brookline, MA: Zephyr, 2000), 151.
http://www.vdlc.org/node/176
-----------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét