Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

CÓ "HẬU CHỦ NGHĨA XÃ HỘI" CHĂNG ? - Kỳ 3


 ALAN CHARLES KORS
(tiếp theoKỳ 3)
... Thực ra, hầu như chưa có ai căn cứ trên thực tế của thời những người cộng sản cầm quyền để phán xét chủ nghĩa xã hội trong vai trò một đích đến và một thang giá trị. Tuy nhiên, cũng như những nhà Mác-xít, Hayek đã xử sự đúng khi ông yêu cầu thế kỷ của ông hãy phán xét các hình thái xã hội không phải trên cơ sở các lý tưởng trừu tượng, mà phải dựa trên cơ sở những biểu hiện có thật và sinh động của chúng. Chúng ta hãy làm việc này.
Mục đích của chủ nghĩa xã hội trước hết là gặt hái những thành quả về văn hoá, khoa học, sáng tạo, và tính tập thể một khi đã xoá bỏ được chế độ tư hữu và thị trường tự do, tiến tới chấm dứt tình trạng người bóc lột người. Với công cụ quyền lực nhà nước, chủ nghĩa cộng sản đã tìm cách tạo dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa như thế.
                 ** Xem từ >> Kỳ 1 ;  Kỳ 2  
Nhưng trên thực tế, điều xảy ra là một nhúm người chuyên quyền độc đoán đã chiếm đoạt được quyền lực: Lê-nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành,...Pol Pot (do Trung Quốc xui khiến, bày vẽ) , Castro, Mengistu, Ceaucescu, Hoxha, vân vân và vân vân. Nhìn chung, tất cả các nhân vật chuyên quyền bạo ngược đó đã cai trị (và một số vẫn còn cai trị, đích thân cá nhân họ hoặc qua con cháu của họ y như trong một triều đại) cho đến già. Ai cũng biết các xã hội truyền thống là những xã hội biết tôn trọng người già cả, nhưng các xã hội cách mạng ngày nay lại dạy chúng ta những bài học ngoài sức tưởng tượng về chế độ lão trị.
Vào năm 1944, Hayek chưa chứng kiến được một nửa hiện tượng này: "Những kẻ tồi tệ nhất" yêu và cố bám lấy quyền lực bằng mọi giá và không một chút nhân nhượng. Và giờ đây, chúng ta được mời đến để luận bàn về những gì sẽ xảy ra sau các nhà độc tài đó, về những bài học nào chúng ta đã học được từ chế độ độc tài, và về thế giới nào sẽ xuất hiện sau khi niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản đã mất đi. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một vấn đề: những xác chết.
Quanh chúng ta đầy rẫy xác chết của những người vô tội bị giết hại với quy mô chưa từng thấy. Đây không phải là vài ngàn người bị giết trong thời kỳ Toà án Dị giáo; đây không phải hàng ngàn người Mỹ da đen bị đám đông da trắng treo cổ mà không cần xét xử. Đây không phải là sáu triệu người chết vì bị Đức quốc xã tiêu diệt. Những khảo cứu đứng đắn nhất đưa ra những con số mà phải cố gắng lắm, trí tuệ chúng ta mới có thể hiểu: hàng chục, và hàng chục, và hàng chục, và hàng chục triệu xác chết. Ngay quanh chúng ta.[14] Và nếu chúng ta kể thêm số người đã chết đói khi người cộng sản thí nghiệm với các quan hệ giữa người và người - hai mươi đến bốn mươi triệu người trong vòng ba năm chỉ riêng tại Trung Quốc[15] - chúng ta có thể cộng thêm vài triệu nữa. Chết vì bị bắn, chết vì lạnh, chết vì đói, và bị giết chết trong những trại tù, những trại cải tạo lao động mà người cộng sản đã dựng lên để bòn rút đến tận cùng sức lao động của những con người ở trong đó và sau đó đem họ ra giết. Và cùng khắp quanh chúng ta, là những người đàn bà goá chồng, những người đàn ông goá vợ, và những đứa trẻ mồ côi.
Trong suốt lịch sử nhân loại, chưa từng có một giai đoạn nào sản xuất ra nhiều nhà độc tài khát máu, nhiều kẻ vô tội bị tàn sát, và nhiều trẻ mồ côi như chủ nghĩa xã hội khi nắm quyền lực nhà nước. So với tất cả các chế độ sản xuất khác, cặp bài trùng "chủ nghĩa xã hội và quyền lực" này đã vượt trội, tính theo cấp số nhân, về sản lượng xác chết đã sản sinh ra. Những xác chết đó đầy rẫy quanh chúng ta. Và vấn đề là ở chỗ này: Không một ai nói đến họ. Không một ai tôn vinh họ. Không một ai hối hận vì (đã giết) họ. Không một ai tự sát vì đã trót bênh vực và biện minh cho những kẻ đã giết họ. Không một ai trả giá vì (đã giết) họ. Không một ai bị truy cứu trách nhiệm vì những việc đã làm đối với họ. Đúng như Solzhenitsyn đã tiên liệu trong Quần đảo ngục tù (The Gulag Archipelago): "Không, sẽ không có một ai cần phải trả lời. Sẽ không có ai bị soi xét vì chuyện này."[16] Trước khi những chuyện đó xảy ra, chưa thấy ai nói tới "hậu chủ nghĩa xã hội."
Tây phương chấp nhận một tiêu chuẩn đạo lý nước đôi, bất nhất trầm trọng, quái đản và không thể tha thứ được. Hầu như hàng ngày, chúng ta đều ôn lại những tội ác của chế độ quốc xã, chúng ta dạy cho con cái chúng ta biết về những tội ác đó, và chúng ta làm chứng nhân cho từng nạn nhân một. Trong khi đó, trừ một thiểu số ngoại lệ, chúng ta hầu như hoàn toàn im hơi lặng tiếng về những tội ác của chủ nghĩa cộng sản. Và do đó, những xác chết cứ nằm giữa chúng ta khắp mọi nơi, không ai để ý tới.
Chúng ta đòi hỏi phải "Giải độc chủ nghĩa quốc xã", và chúng ta lên án những kẻ đã dám nhân danh những lực lượng chính trị mới hay đang hình thành để nhẹ tay với quy trình tẩy rửa ấy. Trong khi đó, chưa hề có, và sẽ không bao giờ có, một quy trình "Giải độc chủ nghĩa cộng sản" tương tự, mặc dù mức độ tàn sát những người vô tội lớn hơn gấp nhiều lần, mặc dù những nhân vật ký các lệnh và quản lý các trại tập trung vẫn còn sống sờ sờ ra đó. Trong trường hợp chủ nghĩa quốc xã, chúng ta truy lùng những đối tượng đã già trên chín mươi tuổi vì "nắm xương khô của những nạn nhân vẫn đang kêu gào" đòi công lý. Đối với chủ nghĩa cộng sản, chúng ta lại đòi đừng diễn lại màn "săn lùng phù thuỷ" - hãy để hồn ma những người chết về bắt người sống. Nhưng mà, người đã chết đâu có thể bắt được ai.
Các nghệ sĩ của chúng ta có lý khi họ bị ám ảnh bởi Đại nạn diệt chủng Do Thái, một biến cố kéo dài vài năm và, tuy nhỏ hơn về quy mô nhưng vẫn lớn tới mức độ không thể đo lường được.Và khi chúng ta xem những phim Đêm và sương mù (Night and Fog), Tai hoạ (Shoah), Danh sách của Schindler (Schinder's List), chúng ta khóc lóc, chúng ta than thở, và chúng ta chia sẻ những tình cảm đầy nhân đạo từ đáy lòng. Trong khi đó, đại nạn lớn hơn do cộng sản gây ra, kéo dài từ thập niên này sang thập niên khác, thì không sản sinh ra được những trước tác nghệ thuật tầm cỡ như thế. Một cuốn phim khiêm tốn, tế nhị, Một ngày trong đời lvan Denisovich dựa trên một tiểu thuyết của Solzhenitsyn, hầu như chưa bao giờ được chiếu lại và không thể tìm mua được trên thị trường. Đáng lý ra, đại nạn do cộng sản gây nên phải mang lại một mùa khai hoa của nghệ thuật Tây phương, và chứng nhân, và lòng thương cảm. Đáng lý ra biến cố đó phải khơi ra một biển nước mắt tuôn trào.
 Ngược lại, nó chỉ đúc ra được một tảng băng lãnh đạm. Những kẻ vào thập niên 1960 mặt còn búng ra sữa đã treo ảnh Mao và Ché trên tường ký túc xá - tức là một hành động tinh thần tương đương như treo hình Hitler, Goebbels, hoặc Horst Wessel tại phòng của mình ở nhà trọ tập thể - bây giờ lại giảng dạy con cái chúng ta về đạo đức hơn người của thế hệ chính trị của họ. Cuốn sách giáo khoa về lịch sử nào cũng đào đi xới lại về những tội ác của chủ nghĩa quốc xã, cũng đi tìm nguồn gốc những tội ác ấy, và cũng thông báo những bài học cần phải rút ra. Ai ai cũng biết con số "sáu triệu" nạn nhân quốc xã Đức. Trong khi đó, những sách đó chỉ nhắc tới những "sai lầm" của chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa Stalin (nhắc đi nhắc lại, lần này lần khác, từ "sai lầm".) Hãy hỏi các sinh viên đại học năm thứ nhất bao nhiêu người đã chết dưới chế độ của Stalin và, đến tận bây giờ, những cô cử cậu cử này sẽ trả lời, "Vài ngàn? Vài chục ngàn?" Điều này tương đương với việc tin rằng Hitler chỉ giết có "vài trăm" người Do Thái. Thảm cảnh dốt nát này không bắt nguồn từ quyển sách giáo khoa này hay quyển sách giáo khoa nọ, mà từ một nền văn hoá trí thức tự bịt mắt chính mình để khỏi phải thấy những tai hoạ đã xảy ra ở những nơi chúng ta đã trót đặt phần nào cảm tình.
 Chi Lê cho Erich Honecker quyền trú ẩn và tỵ nạn, dù y chính là nhà độc tài Đông Đức đã đòi mang chiến xa vào các đường phố - ai cũng nói đã đến lúc phải chôn vùi quá khứ mà không oán hận - nhưng hiện đang kêu gọi "công lý" cho những nạn nhân của Augusto Pinochet. Chính trong ngày Tây Ban Nha tuyên bố truy tố Pinochet của Chi Lê, nước này lại nghênh đón, với đủ lệ bộ lễ nghi, ngài Castro của Cu Ba, trong khi đó ở Cu Ba những người phê phán hay nói xấu Castro - hoặc thuộc bất cứ nhóm nào làm Castro bực mình khó chịu, ví dụ như những người đồng tính luyến ái - thì đang nằm chết, mục rã trong nhà tù, hoặc đang tìm cách phục hồi sức khoẻ sau khi trở về từ những trại lao động chết người mà y đã gởi họ đến. Hầu hết các nước Âu Châu đã đặt các đối tượng quốc xã mới ra ngoài vòng pháp luật, nhưng đảng Cộng sản Pháp, từ 1999 đến 2002, luôn là một thành viên của chính quyền đang điều hành nước Pháp.
Người ta không được phép treo cờ chữ Vạn, nhưng người ta có quyền trương lên ngọn cờ búa liềm trong những sự kiện chính thức. Tại đa số các nước Âu Châu, hành vi phủ nhận rằng Hitler đã chết, hoặc việc giảm thiểu quy mô của Đại nạn diệt chủng Do Thái là một tội hình sự theo nghĩa đen. Ngược lại, việc phủ nhận hoặc giảm thiểu các tội ác của chủ nghĩa cộng sản thì lại là một hình thái nghệ thuật và chính trị. Một ví dụ gần đây nhất về tội ác giết người hàng loạt của cộng sản là Pol Pot và Khmer Đỏ, đã từng nô lệ hoá cả một dân tộc và tàn sát từ một phần năm đến một phần tư dân số của cả nước Cam Pu Chia (tương đương với việc một chế độ ở Mỹ giết hại từ năm mươi sáu đến bảy mươi triệu dân.) Pol Pot đã học chính trị tại Paris từ cánh tả Pháp, và được ủng hộ nhiều, nhất là từ các ông chủ cộng sản Trung Quốc của y.
Tuy thế, ngày nay đa số đồng thuận cho rằng Pol Pot là một sản phẩm biến dị (từ mưu đồ của Trung Cộng nhằm bành trướng xuống Đông Dương sau khi Mỹ rút khỏi nơi này), của những cuộc bỏ bom nhân danh chủ thuyết chống cộng tại Đông Dương của Hoa Kỳ, chứ không phải từ các niềm tin, các giá trị, và các đồng minh của y. 
Những bộ xương khô ở Cam Pu Chia và hàng triệu người liều chết chạy trốn để hướng về một cuộc sống bất định ở bất cứ nơi nào khác, dù không là chỉ dấu của sự thông thái và già dặn về mặt chiến thuật, cũng đã cho chúng ta thấy được giá trị của công cuộc chống cộng tại những nơi đó. Trong khi "chống phát xít" là một cụm từ để tôn vinh, cụm từ "chống cộng" lại được dùng để nhạo báng và lạm dụng. Vì thế cho nên, những người chết nằm lẫn với chúng ta, không được ai đếm xỉa đến, và bất kỳ ai có nhãn quan đạo lý đều thấy được họ, thấy được sự vắng bóng của họ trong lương tri của chúng ta, thấy họ bị phô ra không mảnh vải che thân trên các màn hình vô tuyến và màn ảnh chiếu phim, thấy họ co rúm vì sợ hãi trong các lớp học của chúng ta, và thấy họ nằm ngang ngửa, không được chôn cất, la liệt trong các sinh hoạt chính trị và trong nền văn hoá của chúng ta.
Những người đã chết đang ngồi cạnh chúng ta trong các hội nghị. Đã không thể có được một thời đại "hậu chủ nghĩa quốc xã" nếu chúng ta đã không công nhận các tội ác của chủ nghĩa quốc xã là có thật, tiến hành thống kê, xét xử theo công lý, và tưởng nhớ lại. Cho nên, chừng nào chúng ta còn chưa giải quyết vấn đề những người đã bị chế độ cộng sản sát hại, sẽ chưa thể có một thời đại "hậu xã hội chủ nghĩa."
                      (còn tiếp)
-----------------

4 nhận xét:

  1. "tiến tới chấm dứt tình trạng người bóc lột người" - khi người dân không còn gì để bóc lột. Chỉ cỏn cách "tiến tới tình trạng" vay mượn nợ cấp độ thế giới, nhưng nếu không trả được họ cũng ngán ngẩm rồi. Hiện nay gần như không ai duyệt cho vay thêm.

    Trả lờiXóa
  2. Đã sống 60 năm trên đời, từng là học sinh, nông dân, bộ đội, công nhân, bây giờ lại làm nông dân, tôi sợ "chủ nghĩa xã hội" lắm rồi. Thấy các ông lãnh đạo trên TV là gai người phát ói, lập tức hoặc tắt hoặc chuyển kênh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ nhiều người bị hội chứng chán thấy "lãnh đạo"! Hoài Linh, Chí Tài, xem ra đỡ ngán hơn.

      Xóa
  3. Nói phương Tây bất nhất và nước đôi là còn nhẹ,thậm chí phải nói là đạo đức giả
    nhưng xét cho thật kỹ thì chưa chính xác lắm.
    Lý do là vì giới trí thức phương Tây từng xuất bản "Sách Đen về chủ nghĩa CS."
    để tố cáo chế độ CS.giết hàng trăm triệu người.
    Và đạo đức giả dành riêng cho những người trí thức thiên tả nhưng thân cộng,
    chẳng hạn Sartre,Kuntsler v.v.từng phát biểu rằng "tôi không tin vào sự chỉ trích
    công khai một chính quyền XHCN.,dù đó là sự VI PHẠM NHÂN QUYỀN..." !

    Trả lờiXóa