Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

CÓ "HẬU CHỦ NGHĨA XÃ HỘI" CHĂNG ? - Kỳ 5

 
ALAN CHARLES KORS
(tiếp theo –Kỳ 5)
... Chính sự kiện Tây phương đã có được những thang giá trị và những cơ chế có khả năng nhận diện và đánh giá được chế độ nô lệ là một tội ác, và tiến hành công cuộc xoá bỏ chế độ đó, mới là một điều phải làm cho chúng ta kinh ngạc. Khi các nhà trí thức Tây phương viết về sự nghèo khổ, họ viết như viết một bi kịch, cứ y như là sự nghèo khổ tương đối tại vài vùng biệt lập ở Tây phương phải làm chúng ta sững sờ, trong khi trên thực tế, danh từ mà mãi đến gần đây vẫn còn được dùng một cách đơn giản hoá, để mô tả những tình trạng nghèo khổ tuyệt đối, còn tệ hại khủng khiếp hơn những gì họ viết ra, chính là danh từ "đời sống".
Điều mà các đa số các nhà trí thức thế tục của chúng ta vẫn chưa đề cập tới là câu hỏi xem các giá trị, định chế, kiến thức, hành vi, tình thế, và quyền tự do nào đã cho phép Tây phương tạo dựng nên một mặt bằng chung thịnh vượng đến nỗi chúng ta phát hiện ngay được những tình trạng nghèo nàn tương đối đó, chưa nói đến việc chúng ta tin tưởng rằng có thể xoá bỏ sự nghèo nàn đó tận gốc. Quả là một thảm kịch khi chính những nỗ lực lật đổ hệ thống và thang giá trị tiến bộ của Tây phương lại sản sinh ra những ví dụ cực đoan nhất trong lịch sử về sự nhẫn tâm, tình trạng vô trật tự, bạo hành, đàn áp, bất bình đẳng pháp lý, thù hằn, và sự độc ác.
  >> ** Xem từ >> Kỳ 1  Kỳ 2  ; Kỳ 3  Kỳ 4 
Mỉa mai thay, các trường phái chính thống của cả chủ nghĩa xã hội lẫn chủ nghĩa cộng sản đều tự nhận là phát xuất từ chủ nghĩa Mác, và những người Mác-xít thì đã nói một điều rất đúng: đó là, chung cục, chúng ta phải đánh giá các hệ thống xã hội không phải qua các lý thuyết và mô hình trừu tượng, mà qua thực tế và lịch sử. Nhưng thật là một sự bội tín không bút nào kể xiết khi những người Mác-xít chỉ áp dụng nguyên tắc ấy vào những sự việc khác, trừ những sự việc dường như là quan trọng nhất đối với họ.
Trên khắp cả địa cầu, những nhà trí thức Mác-xít, những nhà tuyên truyền, các giáo sư, và những người biện hộ cho Mác-xít không bao giờ đem thực tại "thế giới xã hội chủ nghĩa" hiện có ra so sánh với những xã hội tự do của Tây Âu và Bắc Mỹ. Trái lại, họ chỉ đem một xã hội hoàn hảo trong trí tưởng tượng nhưng chưa từng tồn tại ra so sánh với một xã hội hiện có, một xã hội không toàn hảo nhưng đã thực sự đạt được những thành quả kỳ diệu.
Những người Mác-xít thích phê phán những lối lý luận phi thực tiễn trên là "lý luận lý tưởng hoá" khi họ lên án lối triết lý đó ở những người khác. Tuy nhiên, chính họ mới là những kẻ cố tình thêu dệt ra một thế giới lý tưởng - chính họ mới là những kẻ phi thực tế nhiều hơn ai hết. Chẳng có gì lạ khi giờ đây, khi lịch sử đã lấy đi tất cả những gì chủ nghĩa Mác đã có, thì những người kế thừa của chủ nghĩa đó - những người hậu hiện đại chống Tây phương trong giới văn trí cánh tả - lại thu nhận chủ nghĩa phi thực tế một cách lộ liễu và lấy đó làm khuôn tư duy.
Khoảng cách giữa kết quả thẩm định sát thực và hợp lý về giấc mơ xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ thứ hai mươi và thực tiễn xã hội chủ nghĩa là quá lớn và nhìn chung chưa được mấy ai để ý đến. Trong suốt ba thế hệ đã qua, chắc phải có nhiều cuộc thẩm định như thế này, và những ai đã thực sự hoàn thành tốt công trình thẩm định này đáng lý phải được ghi nhận với tư cách những nhà trí thức hàng đầu. Nhưng thực tế là, những người đã làm được việc này - trừ một thiểu số cá biệt được tuyên dương lẻ tẻ - lại là những người đã bị coi thường và cho ra rìa nhiều nhất.
Cái hố sâu giữa kết quả thực tế của chế độ kế hoạch hoá tập trung và của xã hội tự do cộng với kinh tế tư nhân đáng lẽ phải là đề tài được khảo cứu nhiều nhất trong thời đại của chúng ta, vì cuộc đọ sức giữa hai quan điểm này đã cuốn hút biết bao tâm huyết trong cả hai lĩnh vực tri thức lẫn đạo đức. Thế mà nay chúng ta lại phải đi tìm một cách vô vọng tài liệu về kết quả của những công trình nghiên cứu đó - thậm chí chính bản thân nghiên cứu đó - trong các sách giáo khoa, trong các trường trung học, các trường cao đẳng, và các trường đại học, trong cả hai loại nghiên cứu do quỹ liên bang tài trợ và do các các quỹ nhân ái tài trợ. Những kinh tế gia có khả năng hiểu những chuyện này thì lại hiếm khi chịu viết về lịch sử kinh tế, mặc dù nếu làm được như vậy họ sẽ dùng được những trải nghiệm thực tế sâu đậm nhất của con người để soi sáng nhiều lãnh vực lý thuyết.
Các sử gia nghiên cứu cái gọi là lịch sử kinh tế và xã hội của chủ nghĩa tư bản thì vẫn dạy về lịch sử của công cuộc giải phóng và nâng cấp đời sống con người lớn lao nhất thế giới như là lịch sử của sự áp bức (một cách khách quan và chủ quan), bè phái hoá, huyền bí hoá, suy đồi, và lãng phí. Ngay trong lòng những xã hội đã mang lại nhiều tự do, lựa chọn, và của cải cho nhân loại hơn bao giờ hết trong lịch sử, thì những ngành khoa học nhân văn nhìn chung đã trở thành những trường lớp dạy về "sự áp bức". Người nào ưu tư về vấn đề trên chỉ cần dành một buổi chiều tản bộ giữa các kệ chứa sách chỉ định cho sinh viên trong một tiệm sách của trường đại học, hay đọc qua các giáo án đại học. Họ sẽ thấy thực tế còn tệ hơn mức tưởng tượng, ngay cả đối với một người bi quan.
Vậy thì điều gì đáng lý phải xảy ra "sau chủ nghĩa xã hội"? Hãy đơn cử trường hợp của Hoa Kỳ. Suốt gần năm mươi năm, Hoa Kỳ đã hy sinh tài sản và, có lúc, tính mạng của những công dân trẻ tuổi, để ngăn chặn quân đội vũ trang của chủ nghĩa cộng sản. Các phi công gan dạ của Hoa Kỳ đã liều mạng lái máy bay rà sát những ngọn đồi ở Tây Âu (và nhất là ở Tây Đức) - việc tập luyện đầy nguy hiểm như vậy là điều kiện tiên quyết của bất kỳ biện pháp ngăn chặnvà phòng thủ nào - lại khiến cho những người đang vui chơi dưới mặt đất rất khó chịu, dù rằng những người này có được tự do là nhờ tinh thần chịu đựng hiểm nguy và nhiều khi, cả sự hy sinh của các phi công Hoa Kỳ. Các thuỷ thủ tàu lặn Hoa Kỳ đã bỏ lại tiện nghi, gia đình, và bè bạn trên đất liền để thực thi chiến lược ngăn chặn toàn diện. Hoa Kỳ đã làm bất cứ những gì có thể làm được để không cho những lực lượng vũ trang Bôn- Sê-Víc chiếm ưu thế chiến thuật và chiến lược.
Đó là chủ trương chống cộng mà ta không được lầm lẫn, như bây giờ người ta đang lầm lẫn, với lịch sử các quan hệ ngoại giao bình thường và dài hạn giữa Hoa Kỳ và Nga. Hoa kỳ đã phải gánh chịu những khoản nợ quá sức để có thể đối phó với những bước chạy đua võ trang nước rút của nhà nước Sô Viết. Hoa Kỳ đã cương quyết duy trì chính sách, ngay cả khi giới trẻ, đội ngũ nghệ sĩ, giáo sư, văn sĩ, những nhà làm phim trong nước phản đối những nỗ lực bị coi là điên rồ đó. Hoa Kỳ đã bị ám ảnh bởi chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa chống cộng sản, bởi bom và hoả tiễn của cả hai phe, mình và kẻ thù, và bởi chiến lược quốc phòng "đảm bảo cả hai bên đều bị tiêu diệt." Đây là gánh nặng Hoa Kỳ đã tự chuốc lấy, và rồi, như có một phép lạ, những yếu điểm chết người của chế độ chuyên chế, kế hoạch hoá tập trung và phản tự do đã khiến khối cộng sản Ðông Âu sụp đổ. Giờ đây, Hoa Kỳ có thể tiến hành kết toán thực tế xem mình đã chiến đấu để bảo vệ những gì và ngăn chặn những gì.
Ít nhất cũng phải nói rằng, chưa có ai và sẽ chẳng có ai đổ xô đi làm việc tổng kết nói trên - mà đáng lý phải là công việc cấp bách nhất và đáng làm nhất ở một nước Mỹ đột nhiên không còn phải cáng đáng vai trò anh hùng dài hạn, và không còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi trầm trọng nhất. Một người lạc quan có thể mong đợi gì? Danh sách này rất dài: Sự khải huyền của chủ nghĩa chống cộng. Một lễ hội ăn mừng. Một mùa khai hoa của các công trình so sánh phe địch và phe ta. Một cuộc tổng kết tính sổ đầy đủ về hiện thực của chủ nghĩa cộng sản - trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, luân lý, môi sinh, xã hội, văn hoá, vân vân (Còn điều gì mà người ta lại không muốn biết không?) Một sự tái khẳng định niềm tin của chúng ta vào các nguyên lý nền tảng phe ta -những nguyên lý đã cấu thành những khác biệt giữa ta và địch. Một tập hợp những lời nhận lỗi sâu đậm, đầy khổ não, đầy ân hận day dứt từ những người, tuy không ác ý, nhng đã trót sai lầm thảm hại. Một sự cảnh giác cao độ với bản chất và các chính sách của những chế độ cộng sản còn lại. Một đợt cải cách giáo trình. Một sự công nhận đối với giá trị vô song của một chế độ tự do với bộ máy nhà nuớc tinh giản.
Nhưng nếu xét cụ thể bất kỳ nội dung nào trong danh sách những nguyện vọng hoàn toàn hợp lý kể trên, chúng ta sẽ rất nản lòng. Những người đang dạy, bình luận, hay viết về những điều ấy hiểu ra - chứ chưa nói đến thấu đáo tường tận - những chuyện đã xâảy ra không? Họ có tìm đọc Mises hoặc Hayek, hoặc các nhà đối kháng, hoặc số ít các sử gia hiếm hoi đã nói lên sự thật trong suốt thời gian qua, để nghiền ngẫm quan điểm của những người đã hiểu rất đúng và rất sâu sắc về chủ nghĩa cộng sản không? Thậm chí họ đã bao giờ thấy mối liên hệ giữa Marx, Lenin, Stalin, Mao, và Castro không? Đâu rồi những lễ hội, những niềm vui tuôn trào, khi mà nền văn minh tự do đã chiến thắng? Leonard Bernstein đã chơi Bài Giao hưởng số 9 của Beethoven ở Berlin, duới bóng Bức Tường, và đã dùng từ Freiheit (Tự do) thay cho từ Freude (Niềm vui).
Ở đâu có những sự kiện tầm cỡ tương tự như thế? Và tại sao lại không có? Những tiếng kêu than về chuyện gọi là "thế giới đơn cực" đang bị trôi dạt về một nơi vô định đã lấn át tiếng reo vui ăn mừng khi lực lượng đại diện cho cái ác và sự áp bức được vũ trang với vũ khí nguyên tử bị thua trận. Thế nên khi Ronald Reagan thốt ra cụm từ gây tai tiếng "đế chế tàn ác" để mô tả Liên Xô thì lại bị hầu hết tất cả các nhà bình luận chế nhạo và không mấy ai hưởng ứng…
(còn tiếp)

 
------------------

3 nhận xét:

  1. Cái gì cũng có hậu của nó. Có điều là vị ngọt hay đắng nghét?

    Trả lờiXóa
  2. @ Bắc

    KHÔNG CÓ HẬU CHỦ NGHĨA XÃ HỘI đâu.
    Đọc dưới đây.


    Bài viết của GS Stephen B. Young.
    Ai thống trị Việt Nam ngày nay
    Đảng Cộng sản hay là Hán Ngụy?

    Ông Young, người Hoa Kỳ, Luật sư, nói tiếng Việt, có vợ là người Việt, đã sang VN nhiều lần. Đọc kỹ bài viết, mọi người sẽ thấy cách hành văn của một người ngoại quốc viết tiếng Việt, tuy rất kinh điển, rành lịch sử Việt Nam

    STEPHEN B. YOUNG, GLOBAL EXECUTIVE DIRECTOR OF THE CAUX ROUND TABLE, IS A LAWYER AND WRITER. HE HAS SERVED AS DEAN OF THE HAMLINE UNIVERSITY SCHOOL OF LAW AND AS AN ASSISTANT DEAN AT HARVARD LAW SCHOOL

    Ai thống trị Việt Nam ngày nay
    Đảng Cộng sản hay là Hán Ngụy?

    Stephen B. Young

    Có một tổ chức hiện nay cai trị Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau như
    là vua chúa Phong kiến ở Tàu hay ở Âu châu thời Trung cổ . Một bộ máy võ
    trang tập trung các quyền hành lớn trong tay; không được dân bầu lên, và dân tuyệt đối không có quyền kiểm soát hay phê
    bình. Tổ chức này mang tên là “Đảng Cộng Sản Việt Nam”.

    Nhưng, thực sự, tổ chức nầy có phải là một Đảng đúng nghĩa của một
    đảng hay không?

    XIN ĐỌC TIẾP DƯỚI ĐÂY.

    http://12bennuoc.blogspot.com/2013/10/ai-thong-tri-viet-nam-ngay-nay-ang-cong.html

    Trả lờiXóa
  3. Không có HẬU CHỦ NGHĨA XÃ HỘI đâu, vì làm gì có CNXH thật. CNXH chỉ là một khái niệm trừu tượng nhưng lại lấy tư cách "biện chứng" để biện hộ!
    Cho nên cũng chả phải lăn tăn làm gì, xã hội cứ liên tục vận động theo quy luật của nó mà thôi!

    Trả lờiXóa