Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

QUYỀN LỰC của KHÔNG QUYỀN LỰC - Phần 12

* VÁCLAV HAVEL  
(Tiếp theo - Phần 12)
…Trong nền độc tài cổ điển, ý chí của nhà thống trị được thực hiện trực tiếp, theo một phương cách không được kiểm soát, với một mức độ lớn hơn nhiều so với hệ thống hậu toàn trị. Nền độc tài không có lí do gì để che giấu nền tảng của nó, hay che giấu sự vận hành thực sự của quyền lực, và do vậy chẳng cần khuôn mình một cách quá đáng vào các đạo luật. Mặt khác, hệ thống hậu toàn trị, hoàn toàn bị ám ảnh với nhu cầu kết nối mọi thứ trong một trật tự duy nhất: cuộc sống trong một trạng thái như vậy bị xuyên thấu bởi một mạng lưới dày đặc các quy định, tuyên bố, chỉ thị, quy tắc ứng xử, trật tự và quy tắc (nó đã chẳng bị gọi là hệ thống quan liêu nếu không có một lí do tốt cho cái tên ấy).
Một phần lớn của những quy tắc ứng xử ấy hoạt động như là các công cụ trực tiếp để thao túng đời sống - vốn là một phần hữu cơ của hệ thống hậu toàn trị. Các cá nhân bị rút xuống không hơn các bánh răng nhỏ xíu trong một cơ chế khổng lồ, và tầm quan trọng của họ bị giới hạn ở chức năng của họ trong cơ chế này. Nghề nghiệp, nhà cửa, các hoạt động, sự thể hiện về văn hóa xã hội, nói tóm lại, là mọi thứ của họ đều phải được đặt cùng với nhau chặt tới mức có thể, được định sẵn, được quản lí và kiểm soát. Mọi sự khác thường với lối sống được quy định trước đều được coi là lỗi lầm, phóng đãng và vô chính phủ. Từ người nấu bếp trong cửa hàng ăn, người mà nếu không có giấy phép vốn ngặt nghèo của của bộ máy quan liêu, thì không thể nấu cái gì đó đặc biệt cho khách hàng, đến người ca sĩ vốn không thể diễn bài hát mới của anh ở một buổi hòa nhạc nếu không có sự chấp thuận quan liêu. Mọi người, trong mọi mặt của đời sống của họ, bị trói chặt trong mớ quy tắc của quan liêu, sản phẩm tất yếu của hệ thống hậu toàn trị. Với sự nhất quán ngày càng tăng, nó trói tất cả mọi biểu hiện và mục tiêu của cuộc sống vào tinh thần của những mục tiêu của nó: lợi ích thiết thân của sự vận hành trơn tru và tự động của nó.
Theo nghĩa hẹp hơn, một bộ luật cũng phục vụ cho hệ thống hậu toàn trị theo cách trực tiếp này, tức là, nó cũng tạo nên một phần của thế giới các quy phạm và cấm đoán. Tuy nhiên, cùng lúc, nó cũng thực hiện nghĩa vụ ấy theo một cách khác gián tiếp, cách mà tùy theo tầng mức mà bộ luật đó dính líu vào sẽ làm cho nó gần gũi hơn với ý thức hệ, và trong một số trường hợp, làm cho nó trở thành một bộ phận trực tiếp của ý thức hệ.
Giống như ý thức hệ, bộ luật vận hành như là lời biện minh. Nó gói ghém sự thực thi quyền lực trong trang phục sang trọng của ngôn từ luật pháp; nó tạo ra ảo tưởng dễ chịu rằng công lí đã được thực hiện, xã hội được bảo vệ và việc thực thi quyền lực được kiểm soát khách quan. Những điều này được làm để che giấu bản chất thật của thực tiễn pháp lí hậu toàn trị: sự giật dây hoàn toàn cả xã hội. Nếu một người quan sát bên ngoài, người không hiểu gì về đời sống ở Czechoslovakia mà chỉ nghiên cứu luật của nó thôi, anh ta sẽ hoàn toàn không thể hiểu được chúng ta đang than phiền về cái gì. Sựu giật dây chính trị ngầm của tòa án và các công tố viên, các giới hạn áp đặt lên khả năng của luật sư bảo vệ cho thân chủ của mình, bản chất kín de facto (trên thực tế) của các phiên tòa, và các hành vi tùy tiện của lực lượng an ninh, vị trí của quyền lực bên trên pháp quyền, và cách áp dụng rộng đến mức kì quặc của vô số phần mù mờ có chủ ý của bộ luật, và tất nhiên là sự lờ tịt các phần tích cực của bộ luật ấy (các quyền của các công dân): tất cả những điều này còn bị che giấu với nhà quan sát bên ngoài của chúng ta. Điều duy nhất mà anh ta có thể mang đi là ấn tượng rằng pháp luật ta cũng không tệ lắm so với các nước văn minh khác, và cũng không khác lắm, trừ một vài thắc mắc nhỏ, như là sự xác nhận trong hiến pháp về sự thống trị mãi mãi của một chính đảng, và tình yêu của quốc gia đối với siêu cường lân bang. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả: nếu nhà quan sát của chúng ta có cơ hội nghiên cứu mặt chính thức của các quá trình và sự thực hành cảnh sát và tố tụng, và nó "trông" như thế nào trên giấy tờ, anh ta sẽ phát hiện ra rằng hầu hết các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự đều có: bản án được tuyên trong thời hạn được định trước kể từ khi bị bắt, và các lệnh tạm giữ cũng vậy. Cáo trạng được tống đạt hợp lệ, bị cáo có luật sư và vân vân. Nói cách khác, ai cũng có biện minh: bọn họ đều tuân thủ luật pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tước đoạt vô cớ và không thương xót tuổi thanh xuân của một người chỉ vì anh ta làm các bản copy samizdat của một tiểu thuyết của một nhà văn bị cấm, hoặc cảnh sát đã xuyên tạc lời khai của anh (và mọi người đều biết thế, kể từ ông quan tòa cho đến bị cáo). Dù thế, những điều này vẫn nằm ở phần nền. Lời khai bị xuyên tạc không nhất thiết là hiển nhiên trong các tài liệu phiên tòa, và điều khoản trong bộ luật hình sự quy định về tội khích động không loại trừ việc áp dụng tội này với hành vi sao lại một tiểu thuyết bị cấm. Nói cách khác, các bộ luật - ít nhất trong nhiều lĩnh vực, không hơn là một mặt tiền, một khía cạnh của thế giới giả hình. Nhưng tại sao nó lại ở đó kia chứ? Là vì chính cái lí do đã khiến ý thức hệ phải có mặt: nó cung cấp một cây cầu biện minh giữa hệ thống và các cá nhân, tạo thuận lơi cho họ đi vào cấu trúc quyền lực và phục vụ những đòi hỏi ngẫu nhiên của quyền lực. Lời biện minh cho phép các cá nhân tự lừa mình bằng ý nghĩ là họ chỉ giữ gìn luật pháp và bảo vệ xã hội khỏi bọn tội phạm. (Không có lời biện minh này, để tuyển một thế hệ quan tòa, công tố và thẩm vấn viên sẽ khó hơn biết bao nhiêu!) Như là một khía cạnh của thế giới giả hình, các bộ luật đánh lừa không chỉ nhận thức của những người đi buộc tội, mà còn lừa dối công chúng, bịt mắt các nhà quan sát quốc tế, và đánh lừa cả lịch sử.
Cũng như ý thức hệ, luật lệ là một công cụ cơ bản để truyền đạt giáo điều ra ngoài cấu trúc quyền lực. Chính luật lệ đem đến cho việc thực hành quyền lực một hình thù, một khung khổ và một tập hợp các nguyên tắc. Chính là luật lệ đã cho phép các thành tố của hệ thống liên lạc được với nhau, đặt mình dưới một ánh sáng, và thiết lập tính chính đáng của chính bản thân chúng. Nó cung cấp "luật chơi" cho toàn bộ trò chơi của các thành tố ấy, và vận hành trò chơi với công nghệ của chúng. Liệu có thể tưởng tượng ra được việc thực thi quyền lực hậu toàn trị sẽ như thế nào không nếu thiếu cái tín điều phổ quát biến mọi thứ trở thành có thể này?, cái phụng sự như là một ngôn ngữ chung để kết nối các phần thích hợp trong cấu trúc quyền lực lại với nhau? Bộ phận đàn áp mà càng chiếm vị trí quan trọng trong cấu trúc quyền lực, thì việc nó vận hành theo một đạo luật nào đó lại càng quan trọng. Không như thế, thì làm sao [bộ máy] có thể khóa chặt người ta khỏi việc sao chép các sách bị cấm, nếu không có quan tòa, công tố, điều tra viên, luật sư, người tốc kí cho tòa án và những hồ sơ dày cộm, và nếu tất cả những món này không được xâu chuỗi với nhau bằng một trật tự vững chắc? Và hơn hết, nếu không có điều khoản có vẻ lương thiện, Phần 100 về tội khích động? Tất nhiên, những việc này có thể được làm mà không cần tới một bộ luật và những phụ kiện đi kèm của nó, nhưng chỉ trong các nền độc tài tạm thời của các băng nhóm Uganda, chứ không thể trong một hệ thống bao gồm một phần to lớn đến chừng ấy của nhân loại văn minh, và là một phần thống nhất, ổn định và đáng trọng nể của thế giới hiện đại. Điều đó không chỉ là không tưởng tượng nổi, mà còn là không khả thi về mặt kĩ thuật. Thiếu các luật lệ vận hành như là lực cố kết về tín điều, hệ thống hậu toàn trị không thể tồn tại.
Tất nhiên, toàn bộ vai trò của tín điều, mặt tiền, và biện minh xuất hiện một cách hùng biện nhất, không phải ở những phần cấm đoán của chúng - cái vạch ra cái gì công dân không được làm, và nền tảng nào mà sự buộc tội dựa vào, mà ở phần tuyên bố cái gì anh có thể làm, và cái gì là quyền của anh. Ở đây, hoàn toàn không có gì khác ngoài "từ, từ và từ". Dù thế, phần này của bộ luật cũng rất quan trọng với hệ thống, bởi vì chính ở đây hệ thống xác lập tính chính đáng của nó như là một chỉnh thể, trước các công dân của nó, trước những đứa trẻ đang trên ghế nhà trường, trước cộng đồng quốc tế và trước lịch sử. Cai hệ thống không thể coi thường điều này vì nó không thể cho phép nó gây nghi ngờ về những định đề cơ bản cuả ý thức hệ của nó, cái vốn thiết yếu với sự sống còn của nó. (Ta đã thấy cấu trúc quyền lực đã bị nô dịch bởi chính ý thức hệ và danh tiếng về ý thức hệ của nó như thế nào). Làm việc này có nghĩa là chối bỏ mọi thứ mà nó đang cố chứng tỏ mình là, và do vậy, một trụ cột chính mà hệ thống đang dựa vào sẽ sụp đổ: sự tích hợp của thế giới giả hình. 

Nếu sự thực thi quyền lực luân chuyển trong toàn cấu trúc quyền lực như là máu tuần hoàn trong mạch, thì các bộ luật có thể được coi như là cái củng cố thành mạch. Thiếu nó, máu của quyền lực không thể tuần hoàn theo cách được tổ chức và cơ thể xã hội sẽ bị chảy máu lung tung. Trật tự sẽ sụp đổ. 

Kêu gọi pháp luật kiên định và liên diễn - không chỉ các luật liên quan đến quyền con người, mà tất cả các luật - không hề có nghĩa là những người đang làm việc ấy đã quỳ gối trước ảo tưởng rằng trong hệ thống của chúng ta luật pháp là cái gì có giá hơn thế. Họ thừa biết vai trò mà nó đang đóng. Nhưng chính là vì họ hiểu hệ thống phụ thuộc một cách tuyệt vọng đến mức nào vào nó - vào phiên bản "cao quý" của pháp luật, tức là - họ cũng biết ý nghĩa của những đòi hỏi như thế to lớn đến nhường nào. Vì hệ thống không thể vận hành nếu thiếu luật pháp, bởi vì nó bị trói chặt đến mức tuyệt vọng bởi sự cần thiết phải giả bộ là luật pháp vẫn đang được tuân thủ, nó bị buộc phải phản ứng với những đòi hỏi ấy theo một cách nào đó. Do đó, đòi hỏi rằng pháp luật phải được tôn trọng chính là một hành động của sống trong sự thật, cái đe dọa toàn bộ cấu trúc dối trá ở chính cái cực điểm giả dối của nó. Cứ lặp đi lặp lại, những đòi hỏi như vậy vạch trần bản chất giáo điều thuần túy của luật pháp cho toàn xã hội, và cho những người sống trong các cấu trúc quyền lực của nó. Họ thu hút sự chú ý tới cái căn bản vật chất thực sự của nó, và vì thế, một cách gián tiếp đã buộc những người lẩn tránh sau luật pháp phải xác nhận và làm cho cái công cụ biện minh này, cái phương tiện giao tiếp này, cái củng cố động mạch xã hội này (thiếu nó, ý nguyện của họ sẽ không thể lưu chuyển trong xã hội) trở nên khả tín, Họ buộc phải làm thế vì lợi ích trong chính lương tâm họ, vì cái ấn tượng mà họ muốn tạo ra trong con mắt của người quan sát ngoài cuộc, để duy trì quyền lực của chính họ (với tư cách là một phần của của bộ máy tự bảo tồn của hệ thống và các nguyên tắc kết dính của nó), hoặc đơn giản vì họ sợ bị kết tội là “vụng về” trong việc vận dụng tín điều. Họ chẳng có lựa chọn nào khác: vì họ không thể vứt bỏ luật chơi của chính trò chơi của mình, họ chỉ có thể cẩn thận hơn với những luật này mà thôi. Không phản ứng với những thách thức có nghĩa là làm xói mòn chính biện minh của họ và đánh mất quyền kiểm soát hệ thống thông tin hai chiều của họ. Giả sử rằng luật pháp chỉ là cái hình thức, rằng nó chẳng có tý hiệu lực nào (và rằng vì thế chẳng có lý do gì phải kháng nghị tới nó) sẽ có nghĩa là tiếp tục củng cố những mặt này của luật (những mặt hình thức và mang tính nghi thức). Nó cũng có nghĩa là xác nhận luật pháp là một mặt của thế giới hình thức và cho phép những kẻ khai thác nó thản nhiên dựa vào những hình thức biện minh rẻ rúng nhất (và vì thế, giả dối nhất). 

Tôi thường xuyên thấy những người cảnh sát, công tố viên hay quan tòa - nếu họ đang phải đương đầu với một nhà Hiến chương dày dạn hay một luật sư dũng cảm, và nếu họ bị phơi ra trước công luận (như là các cá nhân với tên tuổi rõ ràng, không còn được bao che bởi tính vô danh của bộ máy) - bỗng chốc trở nên rất cẩn thận và rất lo lắng để khỏi lộ ra những vết nứt của giáo điều. Điều này không thể thay đổi được sự thật là một quyền lực chuyên chế đang ẩn đằng sau giáo điều ấy, nhưng chính sự lúng túng của các viên chức đã cản trở, làm chậm lại sự vận hành của nền chuyên chế ấy. 
Tất nhiên, điều này là chưa đủ. Nhưng một phần cơ bản của thái độ "bất đồng chính kiến" là nó xuất phát từ hiện thực của "bây giờ và ở đây" của con người. Nó nhấn mạnh vào những hành động cụ thể, kiên quyết và lặp đi lặp lại - mặc dù nó có thể không thích hợp và dù cho nó có thể chỉ giảm bớt chút ít nỗi đau của một công dân bình thường nào đó - hơn là vào các "giải pháp căn bản" trừu tượng trong tương lai mù mịt. Dù sao đi nữa, chẳng phải là, trên thực tế điều này không chỉ là một hình thức của "những việc nhỏ" theo kiểu Masarykia, cái mà với nó thái độ "bất đồng chính kiến" lúc đầu có vẻ đối ngược rõ ràng? 
Phần này sẽ không đầy đủ nếu không nhấn mạnh một số hạn chế bên trong của chính sách "buộc họ phải giữ lời". Vấn đề là: thậm chí trong trường hợp lí tưởng nhất, luật pháp cũng chỉ là một trong nhiều phương cách đầy khiếm khuyết, và ít nhiều ngoại sinh (external) để bảo vệ cái tốt hơn trong cuộc sống khỏi cái xấu hơn. Tự nó, luật pháp không bao giờ có thể tạo nên cái gì tốt hơn. Mục đích của nó là cung cấp một dịch vụ, và ý nghĩa của nó không nằm trong bản thân luật pháp. Xác lập sự tôn trọng luật pháp không lập tức bảo đảm một đời sống, bởi vì rốt cuộc, đó là công việc dành cho con người, chứ không phải dành cho luật pháp hay các thể chế. Thật khó tưởng tượng ra một xã hội với những luật lệ tốt và được hoàn toàn tôn trọng mà vẫn không thể sống được trong đó. Ngược lại, người ta có thể tưởng tượng cuộc sống vẫn chịu đựng được thậm chí ở những nơi mà luật pháp không hoàn thiện và không được thực thi thật nghiêm chỉnh. Điều quan trọng nhất vẫn luôn là chất lượng cuộc sống, và liệu pháp luật hỗ trợ hay đè nén nó, chứ không chỉ đơn thuần nó được tôn trọng hay không. (Thường thì sự phục tùng luật pháp nghiêm ngặt có thể gây ra các tác động bi thảm tới nhân phẩm con người). Chìa khóa của một cuộc sống phong phú, hạnh phúc, nhân bản và được trân trọng hơn không nằm ở thể chế hay luật hình sự. Những thứ ấy chỉ quy định về cái gì được làm và cái gì không được làm, và vì thế, chúng chỉ có thể làm cuộc sống dễ dàng đi hay khó khăn hơn mà thôi. Chúng ngăn cấm hay cho phép, chúng trừng phạt, khoan thứ hay bảo vệ, nhưng chúng không bao giờ có thể cho cuộc sống một bản chất hay một ý nghĩa. Cuộc đấu tranh cho cái gọi là "tính hợp pháp" phải luôn đặt tính hợp pháp này trên cái nền cuộc sống như nó vốn có. Nếu không giữ cho mắt mình rộng mở với những chiều kích của sự tươi đẹp cũng như tồi tệ của cuộc sống, và nếu không có mối liên hệ đạo đức với cuộc đời, cuộc đấu tranh ấy sớm muộn cũng sẽ dẫn tới sự than khóc trên những bia mộ của của một hệ thống các nhà kinh viện tự biện. Thiếu ước muốn thực sự, người ta sẽ dần trở nên giống như người quan sát, đi đến kết luận về hệ thống của chúng ta chỉ dựa trên các văn bản phiên tòa và lấy làm thỏa mãn nếu đã đếm đủ các quy định phù hợp.
(còn tiếp)

----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét