Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

QUYỀN LỰC của KHÔNG QUYỀN LỰC - Phần 9

* VÁCLAV HAVEL
(tiếp theo - Phần 9)
… Tất nhiên, trên thực tế họ thường không phát hiện ra là mình là những "nhà bất đồng chính kiến" cho đến khi họ thực sự trở thành người ấy. "Bất đồng chính kiến" khởi nguồn từ những động cơ hoàn toàn khác với lòng hám danh vọng và địa vị tên tuổi. Tóm lại, họ không quyết trở thành "nhà bất đồng chính kiến", và thậm chí nếu họ có dành hai bốn giờ một ngày cho nó, nó vẫn không phải là một nghề, mà cơ bản là một thái độ nhân sinh. Hơn nữa, thái độ đó hoàn toàn không phải là độc quyền của những người nhận cái danh hiệu "nhà bất đồng chính kiến" chỉ vì họ ngẫu nhiên đáp ứng được các điều kiện chắp vá và mang tính hình thức kể trên.
Có muôn ngàn người không tên tuổi khác đang cố gắng sống trong sự thật, và hàng triệu người muốn mà chưa thể, đơn giản vì có lẽ làm như thế trong điều kiện của họ cần can đảm lớn gấp mười lần cái can đảm của những người đã bước trước một bước kia. Nếu vài chục người ngẫu nhiên được nhấc ra trong số ấy và đặt vào một hạng đặc biệt, thì điều này sẽ hoàn toàn bóp méo bức tranh chung. Nó bóp méo theo nhiều cách. Hoặc là nó gợi ý rằng những "nhà bất đồng chính kiến" ấy là những người lỗi lạc, như là các "loài thú được bảo vệ", người được phép làm những điều mà người khác không được làm, là những người mà chính quyền thậm chí còn nuôi dưỡng để thể hiện sự khoan dung nhân từ của nó; hay nó che chắn cho một ảo ảnh rằng: vì số những kẻ phản động vốn chưa làm được gì nhiều này không đếm đủ đầu ngón tay, thì chắc là số còn lại là người phục tùng, bởi vì nếu họ không phục tùng thì chắc là đã bị liệt là "nhà bất đồng chính kiến" rồi.
Nhưng đó không phải là tất cả. Cách phân loại này vô tình đã tô đậm ấn tượng rằng quan tâm cơ bản của những "nhà bất đồng chính kiến" này là lợi ích thiết thân (vested interest) nào đó mà họ cùng chia sẻ với tư cách là một nhóm, như thể toàn bộ cuộc cãi lộn của họ với nhà nước chẳng có gì hơn là xung đột khó hiểu giữa hai nhóm đối lập, một cuộc xung đột chẳng liên quan tí gì đến xã hội. Nhưng ấn tượng ấy mâu thuẫn về cơ bản với tầm quan trọng thực sự của thái độ "bất đồng chính kiến", thái độ mà dù vùng lên hay ngã xuống đều vì quyền lợi của người khác, vì cái đang gây ra nỗi đau cho toàn xã hội, hay nói cách khác, vì sự quan tâm tới những người còn chưa dám nói. Nếu các "nhà bất đồng chính kiến" có một thứ uy quyền nào đó, và nếu họ còn chưa bị tiêu diệt từ lâu như những con côn trùng kì cục xuất hiện không đúng chỗ, thì không phải vì nhà nước muốn giữ lại một nhóm đặc biệt này và tư tưởng đặc biệt của họ trong một niềm phấn khích, mà vì nó hoàn toàn hiểu rõ quyền lực chính trị tiềm tàng của "sống trong sự thật" bắt rễ từ "không gian bí mật", và cũng nhận thức rõ cái loại thế giới mà "bất đồng chính kiến" được sản sinh ra và cái thế giới mà nó tác động: thế giới của đời sống thường ngày, thế giới của mâu thuẫn hàng ngày giữa những mục tiêu của cuộc đời với mục tiêu của hệ thống. (Còn gì minh chứng tốt cho điều này hơn là hành động của chính quyền sau khi Hiến chương 77 xuất hiện, khi nó khai hỏa một chiến dịch buộc toàn dân tộc phải tuyên bố rằng Hiến chương 77 là sai? Hàng triệu chữ kí đã chứng tỏ, bên cạnh những điều khác, rằng điều ngược lại mới đúng). Các bộ máy chính trị và cảnh sát không phung phí một sự quan tâm to lớn đến những "nhà bất đồng chính kiến" (cái có thể gây ấn tượng là chính quyền sợ họ như thể sợ một tập đoàn quyền lực khác vậy) bởi vì họ chính là một tập đoàn quyền lực khác; mà bởi vì họ là những người bình thường, với những mối quan tâm thường nhật, và chỉ khác với số đông ở chỗ họ nói lớn điều mà những người khác không thể hoặc vì sợ mà không dám nói. Tôi đã từng đề cập đến ảnh hưởng chính trị của Slzhenitsyn: nó không nằm trong một quyền lực chính trị riêng biệt mà ông có với tư cách là một cá nhân, mà ở trải nghiệm của hàng triệu nạn nhân Gulag mà ông chỉ đơn giản là tăng âm và truyền đạt tới hàng triệu người có lương tri khác.
Chọn ra một nhóm các "nhà bất đồng chính kiến" lỗi lạc cũng có nghĩa là phủ nhận khía cạnh đạo đức cốt lõi nhất trong hoạt động của họ. Như ta đã thấy, "phong trào bất đồng chính kiến" phát triển từ nguyên tắc bình đẳng, đặt trên quan niệm rằng quyền con người và tự do là không chia tách được. Cuối cùng, chẳng phải những "nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng" trong KOR [3] đã bảo vệ những người lao động không tên tuổi hay sao? Và chẳng phải chính vì lí do này mà họ trở thành "những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng"? Và chẳng phải "những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng" trong Hiến chương 77 đoàn kết lại dưới Hiến chương 77 sau khi họ đã đến cùng nhau để bảo vệ những nhạc sĩ vô danh, và họ trở nên "các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng" chính vì lẽ đó? Thật là một nghịch lí tàn nhẫn là càng nhiều công dân đứng lên bảo vệ các công dân khác, thì họ lại càng bị dán bởi một từ ngăn cách họ với "các công dân khác".
Cách giải thích này, tôi hi vọng, sẽ làm rõ tầm quan trọng của các dấu ngoặc kép mà tôi đặt ngoài từ nhà bất đồng chính kiến trong suốt tiểu luận này.

XIV.
Vào thời gian các vùng đất Czech cùng với Slovackia là một phần của Đế chế Áo-Hung, và khi mà không tồn tại cả những điều kiện xã hội, tâm lí, chính trị lẫn lịch sử cho phép những người Czech và Slovack tìm kiếm bản sắc của mình bên ngoài cái khung đế chế này, thì T. G. Masaryk đã xác lập một cương lĩnh dân tộc Czechoslovak dựa vào khái niệm "công việc quy mô nhỏ" (drobná práce). Theo đó, ông hàm ý rằng các công việc có trách nhiệm và trung thực trong những mặt vô cùng khác nhau của đời sống nhưng nằm trong trật tự xã hội hiện thời sẽ kích thích sự sáng tạo và tự tin quốc gia. Đương nhiên, ông đặt trọng tâm vào sự khai sáng và giáo dục, và vào các mặt đạo đức và nhân văn của cuộc sống. Masaryk tin rằng điểm bắt đầu khả thi duy nhất cho một tương lai quốc gia sáng lạn hơn là ở chính con người. Nhiệm vụ đầu tiên của con người là tạo ra các điều kiện cho một cuộc sống nhân văn hơn: và theo Masaryk, nhiệm vụ chuyển biến tầm vóc của quốc gia bắt đầu từ chuyển biến con người.
Khái niệm "làm việc vì lợi ích dân tộc" bám rễ trong lòng xã hội Czechoslovak và theo nhiều khía cạnh, nó đã thành công và còn sống đến ngày nay. Cùng với những người khai thác khái niệm này như là biện minh tinh tế cho việc hợp tác với chính quyền, vẫn còn nhiều người khác, ngay cả ngày nay, vẫn ấp ủ lý tưởng và, ít nhất trong một số lĩnh vực, có thể dẫn tới những thành quả không chối cãi được. Rất khó nói sự thể sẽ còn tồi tệ đến đâu nếu không có những người làm việc cật lực, những người chỉ đơn giản là không chịu từ bỏ và cố gắng không ngừng làm mọi việc có thể, trả một cái giá tối thiểu cho "sống trong dối trá" để họ có thể cống hiến tới mức cao nhất cho những nhu cầu chân chính của xã hội. Nhưng người này coi, một cách đúng đắn , rằng mọi việc tốt đều là một sự phê phán gián tiếp nền chính trị tồi tệ, và rằng có những điều kiện khiến cho con đường này đáng để đi theo, cho dù nó có thể có nghĩa rằng họ phải từ bỏ quyền tự nhiên được phê phán trực tiếp.
Tuy nhiên, ngày nay, có những giới hạn rất rõ ràng cho thái độ này, thậm chí khi so sánh với tình huống những năm 60. Ngày càng thường xuyên có những người đang cố gắng thực hiện phương châm "làm những việc nhỏ" cuối cùng đã phải đối mặt với hệ thống hậu toàn trị và thấy mình đứng trước một thế lưỡng nan: hoặc họ phải rút bỏ vị thế ấy, từ bỏ sự ngay thẳng, trách nhiệm và nhất quán mà vị thế ấy dựa vào và thích nghi với hoàn cảnh (cách mà đa số đã lựa chọn), hoặc là phải đi tiếp con đường đã đi và không thể tránh khỏi rơi vào xung đột với chế độ (có một thiểu số đã chọn cách này).
Nếu ý tưởng về "công việc quy mô nhỏ" không bao giờ có chủ đích - như là mệnh lệnh phải tồn tại bên trong cấu trúc chính trị và xã hội hiện có, bằng bất kì giá nào (trong trường hợp đó, những người tự cho phép mình bị cách li khỏi hệ thống tất yếu sẽ phải thôi "làm việc cho dân tộc") - thì ngày nay nó thậm chí càng ít quan trọng. Không có mô hình chung nào cho phép ứng xử, tức là, không có cách tổng quát và ngắn gọn nào quyết định cái điểm mà các "công trình quy mô nhỏ" không còn là "vì lợi ích dân tộc" và trở thành "gây hại cho dân tộc". Tuy nhiên, hiển nhiên là cái mối nguy của sự đảo ngược chiều ngày càng sâu sắc, và các công việc quy mô nhỏ ấy (với tần suất ngày càng thường xuyên hơn) trở nên chống lại cái giới hạn mà nếu vượt qua đó, tránh xung đột có nghĩa là tự gây tổn thương tới chính bản chất của nó.
Trong năm 1974, khi tôi được nhận vào nhà máy bia, cấp trên trực tiếp của tôi là ông S, người rất sành sõi trong nghệ thuật làm bia. Ông tự hào về nghề và ông muốn nhà máy làm bia ngon. Ông dành phần lớn thời gian cho công việc, không ngừng cải tiến, và ông thường xuyên làm chúng tôi khó chịu vì ông nghĩ chúng tôi cũng yêu nấu bia như ông. Kẹt giữa sự thờ ơ với công việc mà chủ nghĩa xã hội tạo ra, thật khó tưởng tượng một người lao động có thinh thần xây xựng hơn ông.
Nhà máy bia được quản lí bởi những người làm việc ít hơn và cũng không yêu thích nó lắm, nhưng lại có ảnh hưởng lớn hơn về chính trị. Họ khiến nhà máy bia sụp đổ và không chỉ không đáp lại bất kì đề xuất nào của S, mà họ còn ngày càng thù địch với ông và bằng mọi cách cản trở những nỗ lực làm việc tốt của ông. Cuối cùng, tình huống trở nên quá tồi tệ đến nỗi S cảm thấy buộc phải viết một lá thư dài cho cấp trên của ban giám đốc, trong đó ông cố gắng phân tích những khó khăn của nhà máy. Ông giải thích tại sao nó kém nhất trong quận và chỉ ra những người phải chịu trách nhiệm.
Tiếng nói của ông không bao giờ được lắng nghe. Giám đốc, người có quyền lực chính trị nhưng mù tịt về bia, một người thù công nhân và đầy mưu mô, giả thử có thể bị thay thế và những điều kiện trong nhà máy bia giả thử có thể được cải thiện - từ những đề nghị của S. Nếu điều đó xảy ra, nó đã có thể là ví dụ hoàn hảo cho "công việc quy mô nhỏ" trên thực tiễn. Không may, điều ngược lại đã xảy đến: giám đốc nhà máy, một ủy viên Quận ủy, có bạn bè ở các vị trí cao hơn và ông ta đã thấy sự việc kết thúc có lợi cho mình. Phân tích của S được coi là "tài liệu vu khống" và S bị chụp mũ là "gián điệp chính trị". Ông bị đuổi khỏi nhà máy bia và chuyển sang làm một nghề chẳng đòi hỏi kĩ năng gì. Ở đây, khái niệm "công việc quy mô nhỏ" đã đụng phải bức tường của hệ thống hậu toàn trị. Vì nói lên sự thật, S đã bước qua lằn ranh, phá vỡ luật lệ, loại mình ra, và ông kết cục thành công dân hạng hai, bị bêu rếu như kẻ thù. Giờ đây, ông có thể nói bất kì điều gì ông muốn, nhưng ông sẽ không bao giờ kì vọng là sẽ được lắng nghe - như là vấn đề nguyên tắc. Ông đã trở thành một "nhà bất đồng chính kiến" của Nhà máy bia Đông Bohemia vào trong đó vì cảm nhận cá nhân về trách nhiệm của anh, cộng với một phức hợp ngoại cảnh. Anh bị loại khỏi cấu trúc hiện thời và bị đặt vào vị trí đối lập với nó. Nó bắt đầu bằng cố gắng làm việc tốt của anh, và kết thúc bằng biệc bị dán nhãn là kẻ thù của xã hội. Đây là lí do tại sao hoàn cảnh của chúng ta không thể đem so được với Đế chế Áo-Hung, khi mà dân tộc Czech, trong giai đoạn tồi tệ nhất của nền chuyên chế Bach, chỉ có mỗi một "nhà bất đồng chính kiến" thực sự, Karel Havlícek, người bị bỏ tù ở Brixen. Ngày nay, nếu không hợm hĩnh [việc chúng ta là những nhà bất đồng chính kiến], chúng ta buộc phải thừa nhận rằng các "nhà bất đồng chính kiến" có thể tìm thấy ở mọi góc phố.
Phê phán các "nhà bất đồng chính kiến" vì họ từ bỏ "công việc quy mô nhỏ" thì thật là kì quặc. "Bất đồng chính kiến" không phải là một sự thay thế cho ý tưởng của Masaryk, mà nó thường xuyên là kết quả tất yếu [của ý tưởng ấy]. Tôi nói "thường xuyên" để nhấn mạnh rằng không phải lúc nào cũng vậy. Tôi còn lâu mới tin rằng những người có trách nhiệm và tử tế không ai khác ngoài những ai đã nhận ra mình lạc lõng trong cấu trúc chính trị và xã hội hiện thời. Cuối cùng thì, nghệ nhân bia S có thể đã chiến thắng trận đánh của ông. Nguyền rủa những người vẫn giữ vị trí của họ chỉ vì họ đang giữ vị trí ấy, hay nói cách khác, vì họ không phải là "nhà bất đồng chính kiến" thì cũng kì cục như là dựng họ lên như những "nhà bất đồng chính kiến". Trong bất kì tình huống nào, sẽ là mâu thuẫn với toàn bộ thái độ "bất đồng chính kiến" - được xem như một cố gắng sống trong sự thật - nếu người ta đánh giá hành vi con người không như nó vốn có và liệu nó tốt hay không, mà lại theo những tình cảnh cá nhân mà những cố gắng như thế đã đưa họ đến chỗ đó…
(còn tiếp)
-----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét