Cảnh nghèo khổ của nông dân Trung Quốc |
* NGUYỄN TRUNG
(tiếp theo - Phần 6)
Thế giới đã chứng kiến sự thất bại của Pax Americana. Rồi đây giả
thử xuất hiện một Pax Sinica tái sinh (cứ cho là như vậy), nhân loại sẽ đón
nhận ra sao đây? Từ những gì đang diễn ra trên Biển Đông, có thể suy luận nhân
dân Việt Nam và nhân dân các nước Đông Nam Á khác hầu như chắc chắn không muốn
chào đón thứ “Pax Sinica” này.
Tuy nhiên, đừng lúc nào quên Trung Quốc đang là mối uy hiếp thường
trực ngày càng nguy hiểm đối với tất cả các nước láng giềng phía Đông và Đông
Nam Á.
Hai là: Trung Quốc về cơ bản còn đang ở nấc thang của các nước
đang phát triển, thậm chí về phương diện nhất định là còn đang ở nấc thang nước
chậm phát triển – nếu xét về các giá trị phổ cập như đã nêu trên của văn minh
nhân loại ngày nay.
Hiện nay tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa tính theo đầu người
(GDP p.c.) của Trung Quốc là 6000 USD (lấy con số tròn), đứng hàng thứ 86/182
trên thế giới, chỉ bằng khoảng 1/8 của Mỹ và bằng ¼ của Hàn Quốc – (nhưng gấp 4
lần Việt Nam: 1500 USD, đứng hàng thứ 137/182 trên thế giới)[44]. Song nếu xem xét về mức độ chênh lệch
giầu nghèo, những bất công trong xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường.., Trung
Quốc không tiến xa được bao nhiêu so với nhiều nước đang phát triển khác có mức
GDP p.c. tương đương hoặc nhỏ hơn.
So với họ (ví dụ: Ấn Độ), thậm chí Trung Quốc kém hơn rất nhiều
trên các phương diện thực hiện các quyền tự do dân chủ của nhân dân, quyền con
người, thực hiện các tiêu chí của nhà nước pháp quyền – đặc biệt là trong những
vấn đề công khai minh bạch, trong chế độ chịu trách nhiệm giải trình, trong
chống tham nhũng…
Có câu hỏi: Xem xét nhiều mặt, Trung Quốc và Ấn-độ gần như cùng
chung một khởi điểm phát triển, thế nhưng tại sao GDP p.c. của Ấn-độ ngày nay
chỉ tương tự như của Việt Nam
(nghĩa là bằng ¼ của Trung Quốc)? Phải chăng sự phát triển vượt bậc của Trung
Quốc so với Ấn-độ nói lên tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc?
Nếu muốn so sánh như vậy. có lẽ cũng sẽ phải đặt câu hỏi: Tại sao
cùng là chế độ xã hội chủ nghĩa như nhau do một đảng lãnh đạo (gọi đúng tên là
chế độ toàn trị), khi tiến hành cải cách điểm xuất phát của Trung Quốc chỉ cao
hơn Việt Nam chút ít (chênh lệch GDP p.c. ở thời điểm cải cách so với Việt Nam
khoảng +100 USD), thế nhưng tại sao GDP p.c. của Trung Quốc bây giờ gấp 4 lần
của Việt Nam (chênh lệch GDP p.c. bây giờ là +4500 USD)? Trung Quốc đã đi được
chặng đường dài trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa, từng vùng đã
mang tính chất là một nước công nghiệp, tại sao Việt Nam còn đứng rất xa vời mục tiêu
này? Vân… vân…
… Như đã trình bầy trong phần viết về kinh tế Trung Quốc bên trên,
sự phát triển của Trung Quốc là hiện tượng độc đáo, với các nguyên nhân như đã
được nêu trên (đúng, sai đến đâu sau này sẽ bàn tiếp). Việt Nam cũng có trong tay nhiều lợi thế
tương tự, nhưng không vận dụng được. Ấn-độ có lẽ cũng như vậy, mặc dù Ấn-độ có
nền dân chủ hơn hẳn Trung Quốc.
Xin nhấn mạnh: Sự phát triển đột xuất của Trung Quốc rất độc
đáo, vô tiền khoáng hậu, nguyên nhân như đã phân tích. Hiện tượng khác
thường này chẳng liên quan gì đến chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác như mọi
nỗ lực hoài công gán ghép cho nó. CNXH đặc sắc Trung Quốc chỉ là tên gọi cho
một hình thái phát triển đặc trưng không ít máu và nước mắt của chủ nghĩa tư
bản mang văn hóa Đại Hán trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay mà thôi. CNXH đặc
sắc Trung Quốc như thế đến hôm nay đã xâm phạm và đang tiếp tục uy hiếp nghiêm
trọng lợi ích chính đáng và chủ quyền quốc gia của nhiều nước khác, trong đó có
Việt Nam [45].
Có thể nói, kinh tế Trung Quốc ngày nay đủ mạnh và có một số
phương tiện uy hiếp hay lũng đoạn được nhiều nước, nhất là các nước đang phát
triển; có khả năng nhất định thao túng hay can thiệp một số vấn đề nào đó của
kinh tế thế giới – ví dụ vấn đề tỷ giá, các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa con
buôn (mercantilism), chiến tranh mạng…
Cần tỉnh táo thấy rằng Trung Quốc vẫn đang trên đà tiếp tục tăng
trưởng và phát triển, vì các yếu tố nội tại và bên ngoài vẫn đang cho phép như
vậy. Cho đến nay có biết bao nhiêu dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ sớm sụp đổ, vì
chứa đựng nhiều khủng hoảng không thể cứu vãn, vì nhiều thứ vân vân khác… Song
chẳng có dự báo nào đã xảy ra, vài ba thập kỷ tới chắc cũng thế[46].
Không ít người đi thăm Trung Quốc về kể cho tôi nghe một ấn
tượng chung: “Trung Quốc phải trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới!” -
điều này gần như là một chất keo dính kết quốc gia khổng lồ này! Một thứ chủ
nghĩa sô-vanh nước lớn kiểu Trung Quốc?
Hiện tượng Trung Quốc khác thường này không thể dùng những quan
điểm học thuật thuần túy để lý giải. Phải chăng đây là một khúc quanh của lịch
sử: Một dạng trỗi dậy trở lại của văn hóa Đại Hán, nhờ vào những yếu tố và đặc
điểm của toàn cầu hóa thời đại ngày nay!? Chủ nghĩa dân tộc ở quốc gia 1,3 tỷ
dân này đang được thứ văn hóa này nuôi dưỡng, đến mức đang xuất hiện một giấc
mơ Trung Quốc, na ná như một thứ đạo Đại Hán, tinh thần Đại Hán, chủ nghĩa Đại
Hán… – được nuôi dưỡng bằng Khổng giáo – tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên
hạ..! Nghĩa là trở thành lãnh đạo thế giới thì không thể, và chắc Trung Quốc
cũng chẳng cần. Nhưng khát vọng bình thiên hạ, thì sẵn có trong hơi thở Trung
Quốc từ ngàn xưa. Đượm màu sắc văn hóa như vậy ở thời hiện đại này[47], nên thế giới sẽ càng mệt! Vì thế vấn đề
Trung Quốc càng thực sự sâu sắc, càng trở thành vấn đề của cả thế giới.
Nếu liều đoán, cùng lắm cũng chỉ có thể nói mò: Xu thế phát triển
hiện nay của Trung Quốc chỉ thay đổi một khi sự vận động tự thân của các
yếu tố bên trong của Trung Quốc không kiểm soát được nữa. Dù quan trọng đến mức
nào, các yếu tố bên ngoài chỉ có vai trò hỗ trợ cho sự vận động này. Hiển
nhiên, đây là câu chuyện của thập kỷ, của nhiều thập kỷ.
Song cho dù một khi trở thành nền kinh tế số 1 thế giới (về tổng
lượng GDP), kinh tế Trung Quốc đến lúc ấy dự báo cũng chỉ chiếm tới
1/10 - 1/8 kinh tế thế giới, có nghĩa kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào
kinh tế thế giới. Điều này có nghĩa khó lòng Trung Quốc có thể làm mưa làm gió
hơn hôm nay. Bởi vì đến lúc ấy, các nền kinh tế khác cũng sẽ lớn hơn, thiên hạ
cũng sẽ ngày một khôn hơn. Chưa nói đến khoảng cách vài chục năm với phương Tây
về tiến bộ khoa học kỹ thuật, về công nghệ, về năng lực tổ chức và quản lý xã
hội… Trung Quốc không dễ gì vượt qua.
Người Trung Quốc có câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” – hiểu nôm na
theo ngôn ngữ người châu Âu: xem anh chơi với ai, tôi sẽ biết ngay anh là ai![48] Quyền
lực mềm của Trung Quốc có nhiều đối tác lắm. Cứ xem các đối tác của Trung Quốc
khắp thế giới là ai, làm ăn cái gì và với ai, tìm hiểu tại sao chủ nghĩa thực
dân con rồng lại thành công hơn tất cả các bậc đàn anh của nó ngày xưa (dù là
Anh, Pháp, Bồ-đào-nha…), xem Trung Quốc hành xử với các nước láng giềng, xem
Trung Quốc ủng hộ những vấn đề gì và chống vấn đề gì trên thế giới.., hoàn toàn
không khó để nhận biết khả năng và bản chất sự tập hợp lực lượng của Trung Quốc
trong thế giới này nay, kể cả một khi Trung Quốc trở thành siêu cường…
Một tập hợp lực lượng như thế có thể gây ra những ảnh hưởng lũng
đoạn, song không bao giờ và hoàn toàn không thể có ảnh hưởng lãnh đạo thế giới.
Có thể dự báo khái quát:
Rồi đây, dù là một khi Trung Quốc trở thành cường quốc có
nền kinh tế lớn số 1, song hầu như chắc chắn đó chỉ là trên phương diện tính toán
khối lượng GDP. Trung Quốc sẽ không đủ lực và hoàn toàn không thể có phép lạ gì
để tạo ra cho mình sứ mệnh tinh thần thực hiện một tập hợp lực lượng để dấy lên
ở trên thế giới ngày nay một cái ảnh hưởng hay trào lưu gì đó - ở quy mô và
theo cách nào đó… ví dụ như một thời Liên Xô đã từng làm – mặc dù về sau Liên
Xô sụp đổ[49]. Hơn nữa, siêu cường nước kinh tế lớn số
1 này không có hoài bão hay mục đích thực hiện một tập hợp lực lượng như Liên
Xô hồi ấy đã từng làm. Trung Quốc chỉ có giấc mơ “bình thiên hạ” và sự nham
hiểm của quyền lực đặc sắc Trung Quốc.
Vì bản chất sự phát triển và ý đồ của nó có nhiều cái cơ bản trái
chiều với các giá trị toàn cầu, Trung Quốc không có khả năng trở thành siêu
cường lãnh đạo thế giới.
Nếu có làm được gì trong tập hợp lực lượng trên thế giới, siêu
cường nước kinh tế lớn số 1 thế giới này lúc ấy chắc sẽ không thể đi xa hơn bao
nhiêu những gì nó đã và đang làm được mấy thập kỷ nay và đã được trình bầy
trong các phần trên của bài viết này – về cơ bản đấy sẽ là tập hợp lực lượng
của những lợi ích thực dụng và lợi dụng lẫn nhau. Đương nhiên, trong những bối
cảnh nhất định, sự tập hợp lực lượng như thế sẽ không kém phần nguy hiểm cho
hòa bình và ổn định (ví dụ: khả năng về hình thành một trục Trung – Nga trong
một số vấn đề nhất định, quan hệ Trung – Nga trong vấn đề Syri, Trung Quốc
trong vấn đề Bắc Triều Tiên, quan hệ Trung Quốc – Pakistan – thế giới đạo Hồi,
sự leo thang tình hình căng thẳng trên Biển Đông…).
Tuy nhiên đến lúc ấy siêu cường Trung Quốc cũng khó có khả năng
thách thức Mỹ nói riêng và thế giới phương Tây nói chung về quân sự; nhưng đối
với các nước nhỏ láng giềng thì không hẳn thế, thậm chí tùy hoàn cảnh có khi
hoàn toàn ngược lại.
Siêu cường nước kinh tế lớn số 1 này chắc chắn đặt ra cho thế giới
nhiều thách thức mới về kinh tế và văn hóa. Song nếu Trung Quốc quá đà và phạm
sai lầm lớn, phản ứng của thế giới còn lại sẽ không dễ gì Trung Quốc có thể
vượt qua được, và sẽ phải trả giá.
Giả định rằng siêu cường nước kinh tế lớn số 1 này có tham vọng
làm mọi việc để lấy lại 5 thế kỷ đánh mất, thế giới còn lại có thể sẽ có thêm
những thách thức mới và những phiền toái mới – chắc sẽ không ít đau đớn. Song
hầu như chắc chắn kết cục chung cuộc của phiêu lưu này sẽ là sự phân rã: Trong
kịch bản này, ĐCSTQ sẽ không còn tồn tại nữa, đại Trung Quốc có thể phân rã
thành một số nước Trung Quốc. Kịch bản phiêu lưu đẫm máu này chắc lãnh
đạo ĐCSTQ không muốn, và có thể cũng không dám; thế giới còn lại chắc
chắn càng không muốn phải trả giá theo cho lỗi lầm này của Trung Quốc.
Trong một khoảng thời gian nhất định, kể cả đến khi trở thành nước
có nền kinh tế lớn nhất thế giới, không thấy có khả năng xẩy ra cải cách thể
chế chính trị với đúng nghĩa ở Trung Quốc – ngoại trừ những cải cách nhỏ và rất
cục bộ, chỉ nhằm đáp ứng cho yêu cầu bảo đảm mức độ tăng trưởng giữ cho chế độ
không sụp đổ hoặc tránh được khủng hoảng lớn.
Đối với thế giới bên ngoài, thực tế vừa nêu trên có nghĩa phải tìm cách sống
cùng được và chế ngự được một Trung Quốc như hiện nay thế giới đang có. Một
thách thức hoàn toàn mới. Đối với các nước láng giềng Trung Quốc: Phải tìm cách
sống chung với lũ.
Lý do cơ bản là: Cho đến khi có được một cuộc cải cách sâu rộng
thể chế chính trị, nhìn chung Trung Quốc không thừa nhận, không muốn đi cùng
chiều với các giá trị toàn cầu – bởi vì bản chất sự phát triển của nó đặt ra
như thế, lại thêm di sản của văn hóa Đại Hán, văn hóa thiên triều.
Tình hình các mặt hiện nay của Trung Quốc cho thấy: Trong một
tương lai xác định được, không có chuyện xảy ra một Trung Quốc đổ vỡ do thất
bại trong kiểm soát các vấn đề đối nội. Sự kiện Thiên An Môn, các sự kiện gần
đây ở Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông… cho thấy lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng ngăn
chặn và ngăn chặn được khả năng này với bất kỳ giá nào.
Tuy bị đàn áp quyết liệt, thăng trầm tùy lúc khác nhau, thực tế
đang cho thấy xu thế cải cách ở Trung Quốc vẫn âm ỷ tồn tại, không thể tiêu
diệt được, đến một lúc nào đó có thể phát triển mạnh – ví dụ đến một khi lực
lượng trung lưu có vị trí áp đảo trong xã hội Trung Quốc... Bởi vì đó là
sự vận động tất yếu của những mâu thuẫn xã hội nội tại đang ngày càng tích tụ
ngay trong lòng Trung Quốc. Đã thế, càng phát triển sự phụ thuộc của Trung Quốc
vào thế giới bên ngoài sẽ càng lớn (ví dụ: ngay từ bây giờ Trung Quốc đã
phải tuân thủ ở phạm vi nhất định những chuẩn mực của WTO, của UNO… thì mới có
thể giao lưu được với thế giới bên ngoài).
(a)Sự vận động của các mâu thuẫn nội tại trong xã hội Trung Quốc,
(b)cùng với sự phát triển của giới trung lưu, (c)áp lực phải thích nghi với các
chuẩn mực quốc tế để phát triển – có lẽ đấy là 3 yếu tố chính thúc đảy quá
trình cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc. Cả 3 yếu tố này đang tiếp tục
tăng lên. Có một sự thật: Trong cuộc sống hiện tại, quyền lực tuyệt
đối hiện nay của ĐCSTQ đối với các nhóm lợi ích đang ngày càng giảm; chính thực
tế này mặt nào đó hé lộ sự vận động không thể cưỡng lại của xã hội Trung Quốc
hướng về cải cách. Song vì là cải cách thể chế chính trị ở nước 1,3 tỷ dân có
nền văn hóa Đại Hán, nên thước đo thời gian có lẽ phải tính bằng nhiều năm,
bằng thập kỷ,nhiều thập kỷ, cả thế kỷ... Có người còn dự báo thế kỷ 21 là
thế kỷ Trung Quốc cơ mà (Schell, Delury…)! Sống cạnh Trung Quốc thì phải tính
toán như thế. Cũng đừng phí thời giờ nghĩ hộ người Trung Quốc nên cải
cách như thế nào, họ thông minh hơn người ngoài rất nhiều trong các vấn đề của
họ… Nhưng cần lưu ý: Mối lo bị phân rã của Trung Quốc cực kỳ nhạy cảm và
là một trong những nguyên nhân chủ yếu đối kháng cải cách thể chế chính trị -
bởi vì nguy cơ phân rã gần như đồng nghĩa với xóa bỏ đế chế Trung
Quốc.
Dù không tự nguyện, về cơ bản Trung Quốc chủ yếu vẫn phải lựa chọn
đi với cả thế giới theo cách của Trung Quốc. Vì thế, hòa bình và phát triển
phải luôn luôn được coi là ưu tiên số một của cả thế giới, vì thế khuyến khích
mọi hợp tác có lợi cho hòa bình và phát triển trên cơ sở bình đẳng + cùng có
lợi và bảo đảm tôn trọng chủ quyền của moi bên hữu quan dù là rất khó, song vẫn
phải là mục tiêu phấn đấu của các nước hữu quan trong các mối quan hệ với Trung
Quốc. Đòi hỏi này bao gồm cả sự cần thiết dành cho Trung Quốc một vị thế quốc
tế đúng với ảnh hưởng và trách nhiệm của nó, tôn trọng những giá trị văn hóa
chân chính của Trung Quốc…
(còn tiếp)
-----------------
Nhìn ảnh, dù sao nông dân TQ vẫn thanh thản bên đồng ruộng của mình, không thấy ai đó gầm ghè đòi cướp đất "làm dự án". Họ trông khá thoải mái, thậm chí có phần béo tốt.
Trả lờiXóaGDP p.c. của Trung Quốc bây giờ gấp 5 lần của Việt Nam mà tại sao chúng ta còn đi mô tả "Cảnh nghèo khổ của nông dân Trung Quốc".
Trả lờiXóaTrung Quốc chống tham nhũng rất tốt. Việt Nam đang đi sau Trung Quốc khoảng 40 năm mà còn tinh tướng.
Tôi yêu VN quê hương nghèo của Tôi, nhưng tôi không thích những người nói xấu Trung Quốc.
83 năm đi lên CNXH, từng cái kim, sợi chỉ vẫn phải mua của Trung Quốc mà còn không biết xấu hổ
Thực tế GDP của TQ phải hơn VN gấp 10 lần. Bắc Kinh, Thượng Hải... hoành tráng không kém các thành phố phương Tây. Hà Nội, TP HCM toàn nhà 4m tủn mủn, rác rưởi đầy đường, mà cứ ca ngợi là thành phố đẹp? Bệnh láo toét đã trở nên trầm trọng!
XóaCần một cách nhìn Minh triết đối với Trung quốc nói riêng, thế giới nói chung. Khách quan và Biện chứng để đánh giá thực trạng và dự báo tương lai.
Trả lờiXóa"Nói VN cũng như Trung Cộng là chưa đúng. TQ rất mạnh. Họ rất văn minh và chống tham nhũng rất tốt.
Trả lờiXóaKinh tế và XH VN còn đi sau TQ khoảng hơn 40 năm
Kinh tế VN là nền kinh tế bong bóng vì nó phụ thuộc quá nặng vào vốn vay và vốn đầu tư của nước ngoài. Hơn nữa người lãnh đạọ điều hành Kinh tế VN hầu hết đều rất non kém, quá tham lam, vô trách nhiệm
VN Tài nguyên bị tàn phá, khai thác đến cạn kiệt + Môi trường ô nhiễm nặng + Nợ nước ngoài quá lớn + Nợ xấu khổng lồ
Nếu đánh giá đúng mức và toàn diện thì gần 30 năm qua kinh tế VN tăng trưởng âm
(với mức – 9% hàng năm)
"