Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

SUY NGẪM VỀ THỜI CUỘC - Phần 7

 

* NGUYỄN TRUNG  
(tiếp theoPhần 7)
Hợp tác như vậy còn là phương thức làm cho cách đi của Trung Quốc với cả thế giới ngày càng gần với cả thế giới.
(a)Nhìn cho rõ bản chất những vấn đề Trung Quốc đặt ra cho thế giới bên ngoài và (b)tâm lý bài xích Trung Quốc là hai việc hoàn toàn khác nhau. Bài xích bất kể một nước nào, đều là sai và chỉ dẫn đến mù quáng. Bài xích Trung Quốc càng như thế, nhưng với hệ quả và cái giá phải trả sẽ lớn hơn nhiều, và không thể thay đổi được tình hình. Bài xích Trung Quốc, sợ Trung Quốc, hay dựa vào Trung Quốc đều ngu xuẩn như nhau, không thay đổi được gì, chỉ tăng thêm cái giá phải trả.
Ứng xử của các quốc gia trong quan hệ với Trung Quốc cho thấy: Chỉ thực hiện được bình đẳng + cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau trong quan hệ với Trung Quốc nếu quốc gia ấy – dù là nước nhỏ hay lớn – có bản lĩnh đối nội & đối ngoại là chính mình. Hiểu Trung Quốc là một thách thức, điều này là cần thiết. Song làm thế nào sống được với thách thức ấy, điều này còn quan trọng hơn nhiều. Vẫn có khả năng, có con đường biến thách thức ấy thành cơ hội, nếu quyết cùng với cả thế giới tiếp cận thách thức này, bằng ý chí và trí tuệ với mục đích như vậy.
Siêu cường nước kinh tế lớn số 1 xuất hiện trên bàn cờ thế giới đồng thời cũng làm cho các “cuộc chơi” giữa các nước lớn phức tạp hơn. Cụ thể bây giờ một bên là “lợi ích cốt lõi bao gồm đến 80% Biển Đông” đang đối chọi quyết liệt với bên kia là chiến lược “Pivot to Asia & Pacific” + TPP. Các nước bên thứ ba  phải làm thế nào để bảo tồn được lợi ích chính đáng và chủ quyền của mình, đồng thời không cho  phép biến nước mình thành sân chơi của các cuộc chơi giữa các ông lớn, hoặc biến thành vật đổi chác với nhau của các nước lớn. Đây thật là một nhiệm vụ rất khó.  Nước bên thứ ba chỉ có sự lựa chọn: thành hoặc bại!  Không có kịch bản khác.
Không có “free lunch” trong tìm cách sống cùng được với “con rồng” Trung Quốc và chế ngự nó. Mỗi quốc gia dù lớn dù nhỏ đều phải dấn thân cho những giá trị toàn cầu, để hiệp đồng thúc đẩy xu thế tiến bộ của cả thế giới – bao gồm cả trong lòng Trung Quốc, để các chuẩn mực của các giá trị toàn cầu được cả thế giới – bao gồm cả Trung Quốc – cùng nhau tôn trọng, thực hiện, phát huy. Đã lỗi thời nhìn nhận dân tộc này dân tộc nọ theo tư duy phân biệt chủng tộc; cần trí tuệ và bản lĩnh xây dựng mối quan hệ bình đẳng và hữu ái giữa các dân tộc mọi quốc gia trên cơ sở tôn trọng nhân phẩm và quyền con người – đây chính là một trong những giá trị toàn cầu, vì nó chúng ta phấn đấu.
Ngày nay, hơn bao giờ hết phẩm chất và bản lĩnh quốc gia, bản lĩnh dân tộc của mỗi nước trở thành yếu tố tiên quyết quyết định vận mệnh mỗi nước. Chỉ một đất nước của con người tự do, mới có thể xây dựng, vun đắp, phát huy phẩm chất và bản lĩnh quốc gia, phẩm chất và bản lĩnh dân tộc của nước mình. 
          Nhìn toàn cục sự vận động kinh tế thế giới  hiện nay trong bối cảnh trật tự quốc tế một siêu đa cường đang ngày càng định hình rõ nét, có thể rút ra 3 điều đang lưu ý sau đây:
            Một là, sự việc CA – TBD trở thành trung tâm năng động mới của kinh tế thế giới trong bối cảnh cường quốc kinh tế số 1 (Mỹ) và cường quốc kinh tế số 2 (Trung Quốc) đều coi khu vực này là trọng tâm, đang tạo ra những căng thẳng mới – đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á và Biển Đông; trong khi đó những vấn đề “nóng” ở các khu vực trên thế giới vẫn tiếp tục giữ nguyên cường độ. Mọi quốc gia đều đứng trước những thách thức và cơ hội mới, đặc biệt trong đó Trung Quốc với mọi nỗ lực vươn lên siêu cường mang sắc thái Đại Hán đang trở thành vấn đề của cả thế giới.
Hai là: Những thách thức và cơ hội mới trong cục diện thế giới hiện nay, với tất cả tính triệt để và tính quyết liệt của chúng, đang gõ cửa từng quốc gia. “Phải thay đổi!” – điều này ngày nay trở thành thành đòi hỏi quyết liệt như một mệnh lệnh đối với mọi quốc gia.
Ba là: Cuộc sống cũng cho thấy tập hợp lực lượng xoay quanh các giá trị toàn cầu đang trở thành một xu thế, một quyền lực ngày càng mạnh trong quá trình phát triển của thế giới ngày nay. Mỗi nước cần vận dụng khả năng mới này tạo ra   tập hợp lực lượng để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời thúc đẩy hợp tác:  Cùng nhau vì hòa bình, vì phát triển, chống lại cái “ác”  (vấn đề dấn thân).
VII – Nhìn lại chặng đường 38 năm qua của Việt Nam
Các vấn đề trình bầy trong các phần I – VI cho phép kết luận thế giới đang chuyển mình đi vào một thời kỳ phát triển mới có nhiều sóng gió hơn, trong đó CA – TBD chiếm vị trí nổi bật.
Chặng đường đầu tiên của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời bình đến nay là gần 4 thập kỷ, trong đó thời kỳ đổi mới đã làm xong nhiệm vụ chuyển đổi thể chế kinh tế; ngày nay đất nước đứng trước đòi hỏi phải chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.
(1)Nhìn nhận nước ta đang đứng ở đâu, mạnh yếu ra sao trước khi bước vào thời kỳ phát triển mới này, (2)nhìn nhận mọi thách thức và cơ hội mới của thế giới đang đặt ra cho nước ta, (3)nhìn nhận  những đòi hỏi phát triển của chính nước ta trong bối cảnh mới của thế giới để từ đó có quyết sách phù hợp, đấy là những việc bắt buộc phải làm.
                   Dưới đây là những điều trăn trở:
VII – 1. Điểm nổi bật sau khi kết thúc thời kỳ đổi mới: Bên cạnh những thành công, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc vấp phải nhiều thất bại nghiêm trọng
VII – 1.1  So sánh nước ta với chung quanh
Thành công cơ bản của 28 năm đổi mới là cứu đất nước thoát khỏi đổ vỡ, xóa bỏ cơ chế kinh tế bao cấp để đi vào cơ chế kinh tế thị trường, mở đường cho đất nước đi vào thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH – HĐH). Đã có nhiều đánh giá, ca ngợi những thành công của thời kỳ đổi mới, thiết nghĩ như thế là đủ. Bây giờ nên tập trung đánh giá kỹ những việc chưa làm được, những thiếu sót, tồn tại.
Tai chúng ta đã nghiện kiểu so ta hôm nay với ta hôm qua. Không hiếm khi cách so sánh này bị lạm dụng, với ý đồ xấu.
Hiển nhiên, những gì đất nước hôm nay đạt được so với hôm qua, thật là rất lớn. Đấy là sự thật. Ví dụ, trước khi tiến hành đổi mới (1986) GDP p.c danh nghĩa của nước ta khoảng xấp xỉ 200 USD; hiện nay GDP p.c. danh nghĩa của nước ta khoảng 1500 USD, nghĩa là cao gấp 7 - 8 lần trong vòng 3 thập kỷ (nói chính xác là 28 năm)... So sánh như vậy là cần thiết, nhưng hoàn toàn chưa đủ. Nếu chỉ đơn thuần xem xét theo cách như vậy, tai mắt chúng ta bị khỏa lấp nhiều thứ lẽ ra cần phải biết tường tận hơn.
Ví dụ, nếu ngó ra thế giới chung quanh để so sánh ta với người, chúng ta sẽ thấy gì?  
Thử nhìn sang Trung Quốc: Trong  gần 4 thập kỷ (chính xác là 35 năm kể từ khi tiến hành cải cách năm 1978) GDP danh nghĩa của Trung Quốc tăng 35 lần,  GDP p.c danh nghĩa tăng khoảng 20 lần.
Bước vào cải cách kinh tế năm 1978 GDP p.c. của Trung Quốc cao hơn của ta khoảng +100 USD, nhưng hiện nay khoảng cách này là +4500 USD.
Trước cải cách năm 1978, kinh tế Trung Quốc chỉ lớn hơn kinh tế của nước ta khoảng 10 - 15 lần!.. Hiện nay GDP danh nghĩa của Trung Quốc lớn của nước ta gấp 58 lần.
Cả 2 nước Việt Nam và Trung Quốc – nói theo ngôn ngữ chính thống – đều là xã hội chủ nghĩa. Nhưng hiển nhiên theo dòng thời gian, nước ta càng chạy đua với Trung Quốc, càng tụt hậu một cách nguy hiểm…
So với nhiều nước có mối liên hệ quan trọng với nước ta, chắc cũng phải rút ra kết luận nhức nhối.
Ví dụ, so với Thái Lan: Năm 1986 (bắt đầu đổi mới) GDP p.c. của Việt Nam ước khoảng 200 USD, của Thái Lan lúc ấy là 807 USD, chênh nhau -607 USD; hiện nay của ta là 1500 USD, của Thái Lan là 5500 USD chênh nhau là -4000 USD (số tròn),. Năm 1986 các nhà kinh tế của ta ước tính phải mất 20 năm mới đuổi kịp được Thái Lan, bây giờ khoảng cách này không hề thu hẹp lại. Nói riêng về hệ thống giao thông vận tải, nếu nước ta giữ nguyên tốc độ phát triển như hiện nay, sau 20 năm nữa khó có thể bằng Thái Lan bây giờ.
So với Hàn Quốc: Hiện nay GDP danh nghĩa của Hàn Quốc cao hơn của nước ta khoảng 10 lần, mặc dù diện tích Hàn Quốc chỉ bằng khoảng 1/3 Việt Nam, dân số chỉ hơn một nửa Việt Nam.  GDP p.c. danh nghĩa hiện nay (2012) của Hàn Quốc cao hơn nước ta khoảng 15 lần (23.133 USD / 1.528 USD). Hiện nay Việt Nam đang mắc vào cái bẫy nước thu nhập trung bình thấp, điều này có nghĩa khả năng cạnh tranh và con đường trở thành nước công nghiệp phía trước càng thêm nhiều chông gai. Khoảng cách phát triển giữa ta và Hàn Quốc tiếp tục doãng ra.
Một khía cạnh so sánh khác: Trong ba thập kỷ đầu tiên của đổi mới (nói chuẩn xác là 28 năm), toàn bộ nguồn lực Việt Nam nhận được từ bên ngoài dưới mọi dạng (FDI đã thực hiện, ODA, viện trợ không hoàn lại, kiều hối các loại…) ước khoảng  200 tỷ USD (sự thật có thể hơn), nghĩa là khoảng gấp đôi toàn bộ nguồn lực bên ngoài Hàn Quốc nhận được trong ba thập kỷ đầu tiên trên con đường kiến thiết của nó sau cuộc chiến tranh 1950 - 1953, và đầu thập kỷ 1980 Hàn Quốc đã trở thành NIC (nước mới công nghiệp hóa). Song Việt Nam hôm nay vẫn còn đứng rất xa cột mốc được công nhận là NIC.  Mặc dù so với Hàn Quốc, nước ta có quy mô kinh tế lớn hơn, diện tích đất nước rộng hơn, tài nguyên thiên nhiên phong phú hơn – nghĩa là thuận lợi hơn Hàn Quốc rất nhiều.  
Một con số khác nữa: Kế hoạch Marshall của Mỹ nhằm viện trợ tái thiết cho các nước Tây Âu sau chiến tranh thế giới II (với mục đích ngăn ngừa sự mở rộng của chủ nghĩa cộng sản) được xúc tiến trong các năm 1948 – 1951, với tổng số tiền là 13 tỷ USD (tương đương 5% GDP nước Mỹ thời đó)[50] - quy theo thời giá hiện nay ước khoảng gần 100 tỷ USD (số tròn). Kế hoạch Marshall đã thực hiện được mục tiêu của nó, kinh tế các nước Tây Âu thực sự đã được vực dậy nhanh chóng, từ thập kỷ 1960 đã bắt đầu bỏ xa các nước XHCN Liên Xô Đông Âu về năng suất lao động. Không thể không băn khoăn, nước ta đến nay nhận được khối nguồn lực từ bên ngoài khoảng gấp đôi kế hoạch Marshall dành cho toàn bộ các nước Tây Âu, nhưng nước ta hiện nay vẫn chưa  tạo được bước ngoặt mở ra giai đoạn phát triển mới của đất nước.
VII – 1.2. Không thể hoàn thành công nghiệp hóa Việt Nam vào năm 2020
Trong các góp ý với các Đại hội ĐCSVN kể từ Đại hội IX (2001) cho đến nay (3 kỳ Đại hội liên tiếp), nhiều ý kiến đã đánh giá đường lối xây dựng đất nước hiện nay không thể đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp[51] vào năm 2020.
Kể từ khi thực hiện đổi mới năm 1986, nếu tính đến năm 2020 như các nghị quyết của ĐCSVN ấn định, thời kỳ công nghiệp hóa ở nước ta sẽ là 34 năm, thời gian 10 năm trước đổi mới bỏ không tính. Hôm nay có thể nói chắc chắn: Không thể hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hóa nước ta trong vòng 7 năm nữa. Trong khi đó Hàn Quốc chỉ cần 25 – 30 năm kể từ khi chiến tranh Tiều Tiên chấm dứt  (năm 1953)  để trở thành NIC đầu thập kỷ 1980.
Để trở thành nước công nghiệp dù là lọai gì (đấy là NIC, hay  “cơ bản là nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”như ghi trong các nghị quyết của ĐCSVN), từ nay đến năm 2020 – nghĩa là còn 7 năm nữa – Việt Nam không có cách nào có thể đưa tỷ trọng lao động nông nghiệp hiện nay là 57% xuống còn dưới 20% - một trong những tiêu chí tối thiểu và bắt buộc.  Hàn Quốc khi được coi là trở thành NIC, tỷ trọng lao động nông nghiệp chỉ còn 16 - 17%. Cơ cấu lao động của Hàn Quốc hiện nay (2012) như sau: nông nghiệp 6,4%, công nghiệp 24,2%, dịch vụ và các ngành nghề khác 69,4%.
Một ước tính thô thiển: Ví dụ, muốn giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp cả nước hiện nay xuống = >20%, ít nhất phải giải quyết được vấn đề mỗi lao động nông nghiệp sẽ phải có một diện tích canh tác bình quân cả nước gấp 3 - 4 lần diện tích canh tác bình quân hiện nay; ví dụ: từ hiện nay là 1 ha / 3 lao động chuyển sang 1 ha / 1 lao động. Giả thử có duy ý chí đến thế nào đi nữa, làm sao có thể hoàn tất việc này với quỹ thời gian là 7 năm còn lại!?
Chưa nói đến một thực tế khác còn gay gắt hơn nhiều: Với trình độ thâm canh và trình độ cơ giới hóa tự phát còn rất thấp của tư nhân hiện nay đã đạt được trong nông nghiệp nước ta, mỗi lao động nông nghiệp hiện nay sẽ cần phải có diện tích canh tác bình quân ước khoảng gấp 10 lần mức diện tích canh tác bình quân hiện có, để có đủ việc làm quanh năm với tính cách là nông dân, ước tính tối thiểu là 3 ha / 1 lao động nông nghiệp.[52]
Đặt nhiệm vụ công nghiệp hóa sang một bên tính sau, bản thân vấn đề 3 ha / 1 lao động nông nghiệp đang trở thành đòi hỏi ngày càng bức xúc của nông nghiệp nước ta. Không được giải quyết, sẽ đồng nghĩa với kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất, phát sinh thêm nhiều mâu thuẫn xã hội mới, đồng thời cũng có nghĩa sẽ không có công nghiệp hóa!  
Xin tạm đặt cho vấn đề tích tụ ruộng đất để đi lên nông nghiệp hiện đại trong một nước công nghiệp hóa như ở nước ta cái tên vừa cụ thể, vừa dễ nhớ là: vấn đề 3 ha / 1 lao động nông nghiệp.
Giả định rằng chuyện 3 ha / 1 lao động nông nghiệp ngay từ đầu đã được thiết kế thành một mục tiêu trong đường lối phát triển nông nghiệp và nông thôn, thiết nghĩ 28 năm vừa qua kể từ khi tiến hành đổi mới, hoàn toàn là khoảng thời gian đủ, để thực hiện xong các bước đi thích hợp, tự nhiên theo cơ chế thị trường (có thể là tiệm tiến), tuần tự nối tiếp nhau từ thấp lên cao trong quá trình công nghiệp hóa kinh tế cả nước, để cuối cùng là hoàn tất mục tiêu này trong phát triển hài hòa của cả nền kinh tế, không gây nên những xáo động nguy hiểm.
Nhưng đường lối phát triển nông nghiệp và nông thôn của ĐCSVN cho đến hôm nay không hề có ý niệm về vấn đề 3 ha / 1 lao động nông nghiệp như một bước khởi đầu chiến lược mang tính tất yếu của nhiệm vụ hiện đại hóa nông nghiệp với tính cách là một bộ phận hữu cơ của toàn bộ quá trình công nghiệp hóa đất nước. Quan điểm của ĐCSVN trong vấn đề thiết yếu này lại là bám riết vấn đề hạn điền và rất khắt khe với kinh tế trang trại, tất cả chỉ để giữ vững định hướng XHCN – được hiểu ngầm là không để cho hình thành giai cấp bóc lột mới trong nông nghiệp và nông thôn..
Toàn bộ đường lối của ĐCSVN về nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ nhằm vào giải quyết những đòi hỏi phát triển trước mắt (an ninh lương thực, xuất khẩu, an ninh xã hội...)… Đi đến đâu lãnh đạo cũng yêu cầu nông dân vắt óc nghĩ: Trồng cây gì? Nuôi con gì? Lẽ ra những câu hỏi bức xúc này nên để nông dân dành cho lãnh đạo…  
(còn tiếp)
N.T
--------------

3 nhận xét:

  1. Tăng cường nội lực bằng cách không làm những cái đã từng làm, không dùng những người đã từng dùng và đầu tư vào giáo dục, y tế. U 19 của bầu Đức càng sáng sủa bao nhiêu thì VFF càng mất mặt bấy nhiêu. Bao nhiêu dự án hô hào chục năm nay rốt cuộc vẫn nằm trên giấy.
    Vẫn còn những rào cản cũ, vẫn những con người cũ thì chỉ có lấy súng chỉa vào đầu mới làm giảm cái tính ỳ trong suy nghĩ của họ.

    Trả lờiXóa
  2. "Không thể hoàn thành công nghiệp hóa Việt Nam vào năm 2020". Với kiểu này "Không thể hoàn thành công nghiệp hóa Việt Nam vào năm 2222!"

    Trả lờiXóa
  3. Một bài tổng hợp và phân tích rất hay và đầy tâm huyết của Bác Nguyễn Trung

    Giờ đã là năm 2013 rồi , làm kinh tế chứ đâu phải chuyện chơi , bây giờ còn đang nợ đầm đìa ra kia , lúc trước còn chiến tranh , suốt ngày vác rá đi vay . Giờ muối mặt chẳng ai cho không , lại quay sang gãi ODA các nước mà không biết nhục , nhìn Tàu xua quân vào phá kinh tế tan hoang mà không biết căm , nhân dân khắp nơi chao đảo vì giá cả lên mãi , mất đất mất nhà vì giải tỏa mà không biết đau , các khu công nghiệp bỏ hoang hóa vì thiếu vắng người đầu tư , do chính sách thu hút kém mà không biết xót .

    Chính sách kinh tế nửa mùa , dở nông dân , dở công nghiệp , anh nọ dẫm chân anh kia , chéo cẳng ngỗng , rồi còn tìm cách phá bĩnh lẫn nhau khi không có lợi ích của mình trong đó .
    Quan chức tấp tểnh mới lên chỉ mong lo cho đầy túi phòng khi thất thế , lo khi về hưu , họ nghĩ gì , lo gì cho đất nước này đâu .

    Một đất nước đang mong xóa nghèo bền vững , xóa dốt vùng sâu vùng xa thì lấy đâu ra sức lực mà công nghiệp hóa , đến 2020 mấy ông mới lên lại chê mấy ông trước là “ thiếu tầm nhìn vĩ mô “ , rồi “ Còn chủ quan duy ý chí “ , “ Thiếu cái nhìn biện chứng khách quan “ …v…..v … Rồi hiến kế lên thành “ Tầm nhìn đến năm 2050 “ Thế là bằng hòa cả làng .
    Cảm ơn Bác Nguyễn Trung đã có bài viết hay – Chúc Bác mạnh khỏe .

    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa