Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

SUY NGẪM VỀ THỜI CUỘC - Phần 2



* NGUYỄN TRUNG
(tiếp theo)
IV – Trung Quốc trở thành vấn đề của cả thế giới
Trong vòng hơn một thập kỷ nay, nhất là từ khi vứt bỏ khẩu hiệu “trỗi dạy hòa bình”, Trung Quốc trong lời nói cũng như hành động, ngày càng biểu lộ công khai khát vọng siêu cường của mình. Cũng trong khoảng thời gian này, trên thế giới, nhất là ở Mỹ, ngày càng nhiều công trình nghiên cứu, sách báo… cảnh báo thế giới những vấn đề siêu cường đang lên Trung Quốc đang đặt ra cho cả thế giới[17].
Về kinh tế
So với khi tiến hành cải cách năm 1978, kinh tế Trung Quốc hiện nay tăng khoảng 30 - 35 lần (về quy mô GDP). Hãy hình dung về tốc độ: Năm 1990 kinh tế TQ đạt GDP tính theo đầu người là 350 USD; năm 2000 là 1000 USD p.c.; năm 2009 là 3000 USD p.c. (đây là GDP p.c. danh nghĩa, tính theo thời giá, không phải tính theo sức mua PPP)... Năm 2020 dự kiến GDP p.c. sẽ đạt 8500 USD; năm 2030 dự kiến 20.000 USD p.c. Tập đoàn Goldman Sachs dự báo GDP kinh tế TQ sẽ vượt Mỹ năm 2041. Hiện nay Trung Quốc có khoảng 1500 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và là chủ nợ của hầu hết các nước Mỹ và Tây Âu (Trung Quốc nắm giữ 1250 tỷ USD trái phiếu Mỹ)…[18]  Theo IMF, GDP p.c. nominal của Trung Quốc năm 2012 là 6000 USD (trong khi đó của Mỹ là 49.000 USD, của Thái Lan là 5678 USD, của Việt Nam là 1578 USD), vân vân...
Trước hết xin đánh giá khái quát: Năm 1978 quy mô kinh tế Trung Quốc chỉ bằng Hà-lan lúc đó. Ngày nay (nghĩa là trong vòng 35 năm) Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 trên thế giới.
Cụ thể là: Năm 1980 GDP của Trung Quốc là 200 tỷ USD, xuất khẩu đạt 18 tỷ USD, năm 2012 GDP đạt 7000 tỷ USD và xuất khẩu đạt 1200 tỷ USD (số tròn). Đây là hiện tượng chưa từng có trên thế giới.
Về nguyên nhân thành công, nói ngắn gọn là:
(a)   thắng lợi của cải cách chuyển sang thể chế kinh tế thị trường
(b)   tận dụng tối đa lợi thế quy mô kinh tế (economics of scales) của địa kinh tế và địa chính trị Trung Quốc – trong đó có lợi thế quy mô dân số, quy mô thị trường…
(c)   khai thác triệt để quá trình toàn cầu hóa của kinh tế thế giới đi vào thời kỳ rất năng động sau khi chiến tranh lạnh kết thúc,
(d)   động lực Đại Hán với khát vọng lấy lai 5 thế kỷ bị đánh mất được khai thác triệt để gần như đồng nghĩa với khát vọng dân tộc, giấc mơ Trung Quốc..,
(e)   tầm nhìn rộng, sự tài giỏi, ý chí quyết liệt và nhất quán vươn lên siêu cường của lãnh đạo Trung Quốc.  
Nhìn theo những giá trị và những tiêu chí kinh điển của chủ nghĩa xã hội (như vẫn được giảng dậy và tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lênin, nhất là những tiêu chí liên quan đến công bằng, tự do dân chủ, nhân văn, bảo vệ môi trường, phúc lợi xã hội…), không thể coi sự phát triển của Trung Quốc là thành tựu của chủ nghĩa xã hội. Cũng theo nghĩa kinh điển này, không thể coi nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.  Học giả Trung Quốc Minxin Pei – được tạp chí “Prospect” của Anh xếp hạng là một trong 100 trí thức nổi tiếng, đánh giá chế độ chính trị Trung Quốc: “Hệ thống của Trung Quốc hiện nay là một cơ chế cho thuê – phân phối khổng lồ. Các tầng lớp cầm quyền đã học cách sống cùng nhau không phải bằng sự chia sẻ niềm tin, các giá trị, hoặc các quy định, nhưng bằng cách chia nhau chiến lợi phẩm của phát triển kinh tế.”[19]
Bên cạnh những mất cân đối vỹ mô ngày càng gia tăng trong kinh tế (bao gồm cả những vấn đề liên quan đến dân số), một loạt các vấn đề nóng bỏng trong nội trị Trung Quốc cũng tăng theo sự phát triển của Trung Quốc: (1)chênh lệch giầu nghèo rất lớn, bất công xã hội gay gắt[20]; (2)tham nhũng và tội phạm xã hội trầm trọng làm cho xung đột xã hội ngày càng khó kiểm soát, (3)ô nhiễm môi trường nặng nề, (4)đàn áp các sắc tộc (tại các vùng Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông…),  (5)chế độ toàn trị tước đoạt gắt gao các quyền tự do dân chủ của dân - đấy là những vấn đề tồn tại lớn của Trung Quốc… Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng hiện nay trong thập kỷ tới.
Bản thân lãnh đạo Trung Quốc đưa ra lý thuyết chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc để lý giải và biện minh cho sự phát triển không bình thường và gần như bằng bất kỳ giá nào của Trung Quốc. Nếu phải diễn tả bản chất sự phát triển đang diễn ra của Trung Quốc dưới một tên gọi, có lẽ đấy là: chủ nghĩa tư bản của chế độ toàn trị một đảng đặc sắc Trung Quốc.
Từ hàng chục năm nay trên thế giới có không biết bao nhiêu cảnh báo và dự đoán về nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế quá nóng của Trung Quốc. Những cảnh báo và dự đoán này đưa ra rất nhiều chứng cứ và số liệu thuyết phục, song điều dự báo vẫn chưa xảy ra, vì bản thân Trung Quốc là một thế giới cho chính nó, sẽ bàn tới dưới đây. Dẫn chứng là một thập kỷ nay, kinh tế thế giới đi vào khủng hoảng sâu sắc có tính cơ cấu, tác động khốn khổ đến hầu hết mọi nước, Trung Quốc cũng không được miễn trừ. Tuy nhiên, suốt thập kỷ vừa qua và hiện tại kinh tế Trung Quốc vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong hàng ngũ các cường quốc kinh tế. Trung Quốc hiện nay vẫn giữ được GDP tăng khoảng 7 – 8% p.a. (trong khi các cường quốc kinh tế thường là 1 – 2%). Trong một hai thập kỷ tới tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo là 5 hoặc 6% p.a. (vẫn có một số dự báo là từ 7 – 8%), điều mà các nền kinh tế Mỹ và phương Tây không thể làm được.
Có 3 nguyên nhân chính khiến cho hiện tượng Trung Quốc còn có thể kéo dài  một vài thập kỷ tới, đó là: 
(1)dư địa cho phát triển của lợi thế quy mô kinh tế (economics of scales) của Trung Quốc còn khá lớn, bản thân Trung Quốc là một thế giới cho chính mình;
 (2)Trung Quốc còn có thể tiếp tục khai thác, tận dụng tốt  quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới đang diễn ra;
(3)vì là một thế giới cho chính mình, nên Trung Quốc có khả năng lớn vận dụng phương thức hy sinh vấn đề cục bộ để giải quyết vấn đề toàn cục khi tình hình đòi hỏi.
Hiện tượng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới (dự báo là khoảng giữa thế kỷ này) là một thực tế khách quan, với mọi hệ lụy thế giới phải đối mặt
Bàn thêm về hiện tượng Trung Quốc là một thế giới cho chính nó:
Thông thường trong phát triển kinh tế, mọi mất cân đối về bất kỳ phương diện nào và vì bất kỳ lý do gì, đều có thể dẫn tới khủng hoảng và sụp đổ. Quy luật thép này cũng không lọai trừ Trung Quốc.
Nhưng nhìn lại chúng ta thấy: Hàng thập kỷ liên tiếp, Trung Quốc đã hy sinh hoàn toàn sự phát triển của phía Tây – bất chấp phải trả giá như thế nào, để dồn mọi nguồn lực của cả nước và mọi cơ hội cho phát triển phía Đông, đặc biệt là toàn vùng duyên hải. Mọi mâu thuẫn xã hội, khi cần thiết thì được giải quyết bằng vũ lực với mọi giá, điển hình là vụ tàn sát ở Thiên An Môn 1989. Hiện nay các vụ đàn áp ở Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông vẫn tiếp tục (tại những vùng này nhiều nơi người người Hán có tỷ lệ cao gấp đôi người các dân tộc địa phương tại chỗ, có hiện tượng đồng hóa…), chưa kể đến mỗi năm có hàng vạn vụ đàn áp sự phản kháng của nông dân liên quan đến vấn đề đất đai… (Chú ý: Trước cải cách đã xảy ra thảm kịch tàn sát trong cách mạng văn hóa khắp Trung Hoa, cướp đi hàng chục triệu sinh mạng).
Mọi cảnh báo hiện nay về phát triển kinh tế Trung Quốc được giới nghiên cứu nêu lên – ví dụ: nợ công các địa phương đã chiếm tới  khoảng 30% GDP cả nước, nguy cơ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng, nguy cơ đổ vỡ của kinh tế bong bóng bất động sản, nguy cơ không thể cứu vãn về ô nhiễm môi trường, nguy cơ dân số lão hóa nhanh chóng vì chế độ 1 gia đình / 1 con, vân vân…  - nói chung là xác đáng.
Song (a)vận dụng phương thức “mục tiêu biện minh cho biện pháp”, (b) vận dụng cách tiếp cận “trả giá bộ phận để thực hiện mục tiêu toàn cục” trong những điều kiện  đặc thù của quy mô kinh tế Trung Quốc với nghĩa Trung Quốc là một thế giới cho chính nó, rõ ràng trong những thập kỷ vừa qua Trung Quốc đã chứng minh một cách thuyết phục khả năng phi thường của nó trong việc “tiêu hóa” các cuộc khủng hoảng.
Ví  dụ 1:  Nguy cơ đổ vỡ của kinh tế TQ là nợ công, là yếu kém của ngành ngân hàng… Đấy là những nguy cơ  hoàn toàn xác thực, ở mức độ như đang xảy ra tại Trung Quốc chắc chắn khó một nước nước phương Tây nào – kể cả Mỹ - có thể chống đỡ nổi. Song Trung Quốc có thể và đang chống đỡ được, vì nó có 1500 tỷ USD dự trữ, với cách tiếp cận “muc tiêu biện minh cho biện pháp”, với quan điểm “trả giá cục bộ để thực hiện mục tiêu toàn cục”…
Ví dụ 2: Chế độ chính trị Trung Quốc coi kinh tế quốc doanh là chủ thể (hay chủ lực, họ không nói “chủ đạo”), chiếm tới 25% GDP. Nhưng trên thực tế kinh tế quốc doanh của Trung Quốc hiện nay chỉ còn lại các tập đoàn lớn; quy mô của chúng khá lớn.  Không ít tập đoàn này còn lớn hơn các tập đoàn kinh tế của Nhật hay Mỹ… Những năm gần đây xuất hiện ngày một nhiều tập đoàn kinh tế quốc doanh của Trung Quốc đứng trong top 100 của thế giới; tất cả đều kinh doanh theo cơ chế thị trường như tại các nước công nghiệp phát triển. Các tập đoàn kinh tế quốc doanh Trung Quốc cạnh tranh với nhau quyết liệt không kém cạnh tranh với nước ngoài, chưa nói đến những chi phối chính trị khác của nội trị Trung Quốc, tệ nạn tham nhũng lớn nhất cũng diễn ra trong khu vực này… Có thể nói đấy là các tập đoàn kinh tế tư bản nhà nước đặc sắc Trung Quốc, vận hành trong khung khổ cơ chế cho thuê – phân phối khổng lồ - như Minxin Pei đã phân tích. Thực tế này cũng toát lên nội dung cơ bản của toàn bộ quá trình cải cách tiếp tục của Trung Quốc đang diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra trong lĩnh vực kinh tế. Vân vân…
Khoảng một thập kỷ nay TQ không còn thời kỳ tăng trưởng 2 con số nữa.
Với mục tiêu “nước giầu quân mạnh”, Đại hội 18 của ĐCSTQ đã đề ra nhiều cải cách quyết liệt về cơ cấu kinh tế (đặc biệt là cơ cấu đầu tư) và hệ điều hành (nhất là của hệ thống tài chính – tiền tệ, song vẫn chưa tự do hóa đồng Nhân dân tệ, để bảo đảm khả năng kiểm soát của nhà nước và giữ lợi  thế trong xuất khẩu). Về đối ngoai, Đại hội 18 nêu ra đòi hỏi thiết lập quan hệ nước lớn kiểu mới – hàm ý không thừa nhận trật tự quốc tế một siêu đa cường… (Dương Danh Dy).
Trong những quyết định của Đại hội 18 về kinh tế, quan trọng nhất là (a)chính sách đổi mới cơ cấu kinh tế để tăng cường sức mua nội địa, (b)kế hoạch từ nay đến năm 2030 đưa 250 triệu dân vào sống trong đô thị (chiến lược đô thị hóa). Đây là 2 quyết định đầy tham vọng, theo đuổi mục đích duy trì tăng trưởng kinh tế 6 – 7%/năm trở lên, nhằm thực hiện 3 mục tiêu lớn: (a)duy trì ổn định ở mức có thể của nội trị Trung Quốc – bao gồm cả vấn đề kiềm chế thất nghiệp, (b)duy trì tính chính danh vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ, (c)duy trì tiến độ trở thành siêu cường vào khoảng giữa thế kỷ. Các chuyên gia kinh tế đã phân tích: tăng trưởng kinh tế sẽ đạt tốc độ dưới 5%/năm (nhưng lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ phất đấu đạt 6 – 7%/năm)…
Không có một mục tiêu hay một kế hoạch kinh tế nào Đại hội 18 đề ra là dễ khả thi, không có một vấn nạn kinh tế nào của Trung Quốc là dễ giải quyết.
Ví dụ 1: Quyết định đẩy mạnh đô thị hóa với cái đích từ nay đến năm 2030 đưa 250 triệu dân nông thôn vào thành phố có thể được xem như một nỗ lực quyết liệt “sống hay là chết!?”.  Có lẽ đây là gói “kích cầu” vỹ đại nhất trong lịch sử kinh tế thế giới. Quyết định táo bạo này có thể đúng, với nghĩa công nghiệp hóa phải gắn liền với đô thị hóa. Quyết định này được đưa ra giữa lúc nơi này nơi khác bong bóng thị trường bất động sản đã nổ tung, nợ công của Trung Quốc vượt quá 30 GDP (một số nghiên cứu độc lập cho là khoảng 60 GDP)… Gần đây Kiểm toán Trung Quốc đã công bố riêng nợ công của các chính quyền địa phương hiện nay đã vượt 1700 tỷ USD – tương đương với 29% GDP, chủ yếu do đầu cơ thua lỗ vào thị trường bất động sản... Vậy phải đặt ra câu hỏi: Thực hiện gói kích cầu vỹ đại này bằng con đường nào? cái giá phải trả?.. Phải chăng với quyết định đô thị hóa này, Trung Quốc thời Tập Cẩm Bình - Lý Khắc Cường đã lựa chọn phương châm  “phải liều chết tiến lên phía trước”? Nếu sự thật là như thế, phải nói đây là một quyết định đáng kính nể và đáng gờm. Chắc bây giờ nhiều người còn nhớ cách Trung Quốc thời Mao Trạch Đông đã chủ trương làm gang thép vượt thế giới. Nhìn lại, phải thừa nhận việc thực hiện giấc mơ gang thép hồi ấy là một trò đùa chính trị cao thủ. Còn kế hoạch đô thị hóa khổng lồ này? [21]
Ví dụ 2: Vấn nạn ô nhiễm môi trường không thể khắc phục, cả nước hầu như không còn một con sông nào sạch, nhiều đô thị lớn không khí như sương mù... Song Đại hội 18 ưu tiên duy trì tốc độ tăng trưởng cao để giữ ổn định và để không chùn bước lên siêu cường.  ĐCSTQ coi đây mới là điều sống còn, chứ không phải vấn đề môi trường
Hai ví dụ vừa nêu trên một lần nữa cho thấy:
(a)Trung Quốc là một thế giới cho chính mình, nên có thể có những quyết định mà ở các nước khác là không thể;
(b) “mục tiêu biện minh cho biện pháp”, và “trả giá cục bộ để thực hiện mục tiêu toàn cục” là cách hành xử nhất quán của lãnh đạo Trung Quốc cho mọi nơi, mọi lúc, và trong mọi vấn đề; Vân vân…
(còn tiếp)
--------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét