*
VÁCLAV HAVEL
(tiếp theo – Phần 8)
… Đối
lập trong hệ thống hậu toàn trị không tồn tại trong bất kì hình thái kể nào
trên. Vậy, thuật ngữ này có thể được dùng theo nghĩa nào?
Đôi
khi, thuật ngữ "đối lập" được áp dụng, chủ yếu bởi các nhà báo phương
Tây, cho những người hoặc nhóm trong cấu trúc quyền lực, những người thấy mình
đang trong trạng thái mâu thuẫn ngấm ngầm với quyền lực cao nhất.
Những
lí do cho mâu thuẫn này có thể khác nhau đôi chút về mặt khái niệm (nhưng tất
nhiên cũng không quá khác biệt), nhưng thường thì chỉ là sự thôi thúc về quyền
lực hoặc sự thù ghét cá nhân với người đang đại diện cho quyền lực ấy.
Đối lập cũng có thể được hiểu là bất kì thứ gì có thể
có tác động chính trị gián tiếp theo nghĩa đã kể trên, tức là bất kì cái gì mà
hệ thống hậu toàn trị cảm thấy là mối đe dọa, và trên thực tế cũng chính là cái
đang đe dọa hệ thống. Theo nghĩa này, đối lập là mọi cố gắng sống trong sự
thật, từ việc người bán rau quả từ chối đặt khẩu hiệu trong cửa sổ, cho đến một
bài thơ viết tự do; nói cách khác, bất kì điều gì trong đó các mục tiêu của
cuộc sống vượt lên trên các giới hạn do các mục tiêu của hệ thống áp đặt lên
chúng.
Tuy nhiên, thông thường hơn, đối lập thường được hiểu
(một lần nữa, chủ yếu là các nhà báo phương Tây) như là các nhóm người công
khai thái độ bất phục tùng và có quan điểm phê phán, những người không hề giấu
giếm những suy nghĩ độc lập của mình, và là những người, ở mức độ ít hay
nhiều, coi họ như là một lực lượng chính trị. Theo nghĩa này, khái niệm
"đối lập" ít nhiều trùng lặp với khái niệm "bất đồng chính
kiến", mặc dù hiển nhiên là, có nhiều sự khác nhau to lớn về mức độ mà cái
nhãn này được chấp nhận hay bác bỏ. Nó phụ thuộc không chỉ vào phạm vi mà những
người này hiểu quyền lực của họ như là một lực lượng chính trị độc lập, và liệu
họ có tham vọng tham dự vào quyền lực thực hay không, mà còn vào cách mỗi người
trong số họ hiểu về khái niệm một lực lượng"đối lập".
Một
lần nữa, đây lại là ví dụ: trong tuyên bố gốc của nó, Hiến chương 77 nhấn mạnh
rằng nó không phải là đối lập vì nó không có ý định trình bày một cương lĩnh
chính trị thay thế. Nó coi nhiệm vụ của nó là một cái gì đó tương đối khác, vì
nó đã không trình bày những cương lĩnh như thế. Trên thực tế, nếu việc trình bày
một cương lĩnh thay thế được coi là bản chất của đối lập trong các nhà nước hậu
toàn trị, thì [phong trào] Hiến chương không thể được coi là đối lập.
Chính phủ Czecholovak, tuy thế, đã coi Hiến chương 77
như là một tổ chức đối lập công nhiên ngay từ đầu, và đã đối xử với nó theo
cách ấy. Điều này có nghĩa là nhà nước - và điều này là tất nhiên thôi - hiểu
từ "đối lập" ít nhiều giống với cách tôi đã định nghĩa ở điểm 2, tức
là, như là bất kì cái gì cố gắng tránh khỏi sự giật dây hoàn toàn và vì thế đã
phủ nhận nguyên lí rằng hệ thống có quyền sở hữu tuyệt đối các cá nhân.
Nếu ta chấp nhận khái niệm đối lập này, thì tất nhiên
chúng ta phải, cùng với nhà nước, coi Hiến chương là đối lập thực sự, bởi vì nó
đại diện cho một thách thức nghiêm trọng sự toàn vẹn của quyền lực hậu toàn
trị, được xây lên như nó vốn thế trong thế giới của "sống trong dối
trá".
Tuy nhiên, sẽ là một vấn đề khác, nếu chúng ta nhìn
vào mức độ mà những người kí tên trong Hiến chương 77 nghĩ về họ như là đối
lập. Ấn tượng của tôi là cách hiểu của phần lớn trong số họ dựa vào nghĩa
truyền thống của từ này, bởi vì cái nghĩa ấy đã được thừa nhận trong các xã hội
dân chủ (hay trong các nền độc tài cổ điển). Vì thế, họ hiểu "đối
lập", thậm chí ở Tiệp khắc, như là lực lượng được định danh về chính trị
mà, mặc dù nó không vận hành ở tầng mức quyền lực thực, và thậm chí còn ít hơn
trong khuôn khổ của các quy tắc nhất định được nhà nước tôn trọng, vẫn sẽ không
phủ nhận cơ hội tham gia quyền lực thực, bởi vì theo một nghĩa nào đó nó có một
cương lĩnh chính trị mà những người đề đạt cương lĩnh này đã được chuẩn bị để
gánh vác trách nhiệm chính trị trực tiếp cho nó. Với khái niệm về đối lập này,
thì một số - [thực ra là] tuyệt đại đa số - nhà Hiến chương không nhìn nhận họ
theo cách này. Những người khác -thiểu số - thì có, mặc dù họ hoàn toàn tôn
trọng thực tế là không có chỗ trong Hiến chương 77 cho các hoạt động "đối
lập" theo nghĩa này. Nhưng cùng lúc, có thể là tất cả mọi nhà Hiến chương
đều khá quen thuộc với bản chất cụ thể của các điều kiện của hệ thống hậu toàn
trị để nhận ra rằng không chỉ sự đấu tranh cho quyền con người mới có sức mạnh
chính trị, mà còn cả những hoạt động "vô tư" hơn rất nhiều, và do đó
chúng có thể được hiểu như là một mặt của đối lập. Không một nhà Hiến chương
nào có thể thực sự phủ nhận là sẽ bị coi là "đối lập" theo nghĩa này.
Tuy nhiên, còn một hoàn cảnh khác nữa làm phức tạp hóa
vấn đề một cách tương đối. Trong nhiều thập kỉ, lực lượng cầm quyền trong các
xã hội thuộc khối Xô viết đã coi cái mác "đối lập" như là lời buộc
tội ghê gớm nhất, đồng nghĩa với từ "kẻ thù". Dán nhãn ai đó là
"phần tử thuộc phe đối lập" cũng tương đương với việc nói rằng anh ta
đang cố gắng lật đổ chính quyền và đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa xã hội (tất
nhiên là vì mua chuộc của bọn tư bản). Đã có những lúc mà cái mác này đưa thẳng
tới giá treo cổ, và tất nhiên điều này không khuyến khích mọi người áp dụng một
cái nhãn như thế lên họ. Hơn nữa, đó chỉ là một từ, và chuyện thực sự làm được
gì bao giờ cũng quan trọng hơn là nhãn mác.
Lí do cuối cùng tại sao nhiều người phủ nhận một khái
niệm như vậy là vì có một cái gì đó tiêu cực về khái niệm "đối lập".
Nhưng người tự định nghĩa như vậy về mình làm như thế trong quan hệ với
"lập" [1]
nào đó có trước. Nói cách khác, họ đặt mình trong mối quan hệ với quyền lực
đang thống trị xã hội, và qua đó mà định nghĩa mình, rút ra "lập" của
họ từ vị trí của chính quyền. Với những người chỉ đơn giản là quyết định sống
trong sự thật, nói lên những điều họ nghĩ, biểu thị sự đoàn kết với những công
dân anh em của họ, sáng tạo như họ muốn, và chỉ đơn giản là sống hòa hợp với
cái Tôi tốt đẹp của mình, thì thật tự nhiên là mâu thuẫn với cảm giác phải đinh
nghĩa cái "lập" chân chính và tích cực của mình bằng một cách tiêu
cực, thông qua một cái gì khác, và nghĩ về mình như là đang chống lại cái gì
đó, mà không phải đơn giản là con người đúng với cái thực sự là họ.
Rõ
ràng, cách duy nhất để tránh hiểu nhầm là nói rõ - trước khi người ta dùng chúng
- là theo nghĩa nào các từ "đối lập" và "thành viên thuộc phe
đối lập" đang được dùng và chúng phải được hiểu như thế nào trong hoàn
cảnh của ta.
XIII.
Nếu thuật ngữ "đối lập" đã được du nhập từ
các xã hội dân chủ vào hệ thống hậu toàn trị mà thiếu sự thống nhất về việc từ
này có nghĩa gì trong từng hoàn cảnh vốn rất khác nhau, thì thuật ngữ "bất
đồng chính kiến" lại ngược lại, được các nhà báo phương Tây chọn và bây
giờ được chấp nhận rộng rãi như là nhãn cho một hiện tượng thông thường của hệ
thống hậu toàn trị và không bao giờ xảy ra-ít nhất là không dưới hình thức ấy -
trong các xã hội dân chủ.
Những
"nhà bất đồng chính kiến" này là ai?
Có vẻ như là thuật ngữ này được áp dụng với các công
dân thuộc khối Xô viết, những người đã quyết định sống trong sự thật, và những
người mà thêm vào đó, thỏa mãn các tiêu chí sau:
Họ thể hiện quan điểm bất phục tùng và quan điểm phê
phán một cách công khai và có hệ thống, trong những giới hạn rất hẹp sẵn có đối
với họ, và vì thế, họ được biết tới ở phương Tây.
Bất chấp việc không thể xuất bản ở trong nước và bất
chấp mọi hình thức hành hạ của chính quyền, họ, bằng thái độ của mình, đã giành
được sự kính trọng nhất định, cả từ công chúng và từ chính quyền, và do đó họ
có thể hưởng một mức độ quyền lực thực gián tiếp, hết sức hạn chế và lạ lùng
trong môi trường của họ. Điều này hoặc là bảo vệ họ khỏi các hình thức hành hạ
tồi tệ nhất, hoặc ít nhất đảm bảo rằng nếu họ bị áp bức, thì điều đó sẽ gây ra
những rắc rối chính trị nhất định cho chính quyền.
Phạm vi tập trung phê phán và những cam kết của họ
phải vượt qua khung cảnh chật hẹp của môi trường sát cạnh họ hay các lợi ích
đặc biệt để hướng tới các hoài bão lớn hơn; và do đó, công việc của họ trở nên
có tính chính trị ngay trong bản chất, mặc dù có sự khác biệt đáng kể trong mức
độ họ tự nghĩ về bản thân như là một lực lượng chính trị.
Họ là những người nghiêng về các đích tri thức, có
nghĩa là, họ là những người “viết”. Đối với họ, những từ ngữ được viết ra là
phương tiện trực tiếp - và thường là duy nhất- mà họ nắm giữ, và điều này có
thể đem lại cho họ sự chú ý, đặc biệt là từ nước ngoài. Các cách khác mà theo
đuổi nhằm sống trong sự thật thì, hoặc là các nhà quan sát nước ngoài không
nhìn thấy được [vì chúng ở] trong môi trường địa phương khó nắm bắt, hoặc nếu
chúng vượt được qua cái khung địa phương này thì cũng chỉ xuất hiện như là
những phụ gia mờ hơn bổ sung cho những cái mà họ đã viết.
Bất kể nghề nghiệp của họ là gì, những người này được
nói đến ở phương Tây vì những hoạt động của họ với tư cách những công dân tận
tụy, hoặc theo các mặt chính trị hay phê phán của các tác phẩm của họ hơn là
các công việc thực tế họ đã thực hiện trong lĩnh vực của mình. Từ kinh nghiệm
các nhân, tôi biết rằng có một lằn ranh vô hình mà nếu bạn vượt qua - mà thậm
chí dù không muốn hay không nhận ra - thì họ sẽ không còn coi bạn như là một
nhà văn và tình cờ lại là một công dân quan tâm [đến thời cuộc]; họ sẽ bắt đầu
nói về bạn như là một "nhà bất đồng chính kiến" tình cờ cũng thích
viết kịch (có thể, trong thời gian nhàn rỗi?) .
Hẳn nhiên, có nhiều người đạt được tất cả những tiêu
chí này. Cái có thể gây tranh cãi là liệu chúng ta có nên dùng một thuật ngữ
riêng cho một nhóm được định nghĩa theo cách hầu như ngẫu nhiên như vậy không,
và đặc biệt là họ có nên bị gọi là "nhà bất đồng chính kiến" hay
không. Tuy nhiên, rõ ràng là ta chẳng thể làm gì khác được. Thi thoảng, để khởi
động đối thoại, chúng ta thậm chí còn dùng cái nhãn này, mặc dù, điều đó được
làm với ác cảm, hơi hài hước và luôn trong ngoặc kép.
Có lẽ đây là thời điểm thích hợp để liệt kê một vài lí
do tại sao chính các "nhà bất đồng chính kiến" lại không thích bị gọi
như vậy. Một là, cách gọi này có vấn đề về gốc từ học (etymology). Những
"người bất đồng chính kiến", như báo chí chúng ta vẫn giảng giải, là
cái gì đó từa tựa "kẻ phản bội" hay "tái phạm". Nhưng những
người bất đồng chính kiến không coi họ là phản bội, vì một lẽ đơn giản là họ
chẳng phủ định hay từ chối điều gì. Ngược lại, họ đang cố gắng khẳng định bản
chất nhân văn của chính họ, và nếu họ có phủ nhận điều gì đó chăng nữa, thì đó
chỉ là những thứ sai lầm và xa lạ trong cuộc đời họ, cái khía cạnh của
"sống trong dối trá" [2]
.
Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất. Cái từ
"nhà bất đồng chính kiến" thường ám chỉ một nghề đặc biệt nào đó, như
thể, cùng với những nghề tầm thường hơn, có một nghề đặc biệt nữa là gầm gừ với
các hiện trạng của đời sống. Thực tế là, một "nhà bất đồng chính
kiến" chỉ đơn giản là một nhà vật lí, nhà xã hội học, nhà thơ, các cá nhân
chỉ đơn thuần làm cái việc mà họ cho là phải làm, và vì thế, họ nhận ra họ
trong một cuộc mâu thuẫn công khai với chính thể. Mâu thuẫn này không xuất hiện
từ bất kì nhận thức duy lí nào về phần họ, mà chỉ đơn giản từ logic nội tại
trong tư tưởng, hành vi hay công việc của họ (mà thường sự đối đầu với ngoại
cảnh này ít nhiều vượt quá sự kiểm soát của họ). Nói cách khác, họ không quyết
định một cách duy lí như là một kẻ phản động chuyên nghiệp, như cách người ta
vẫn quyết định trở thành một cô thợ may hay anh thợ khóa …
(còn tiếp)
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét