Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

QUYỀN LỰC của KHÔNG QUYÈN LỰC - Phần 4

* VÁCLAV HAVEL
(tiếp theo - Phần 4)
VI.
Tại sao trên thực tế người bán rau quả của chúng ta lại phải trưng bày lòng trung thành của mình lên cửa sổ? Chẳng phải anh ta đã chứng tỏ lòng trung thành đủ lắm rồi qua bao thủ tục nội bộ và bán-công khai? Ở các cuộc họp công đoàn, cuối cùng thì anh ta vẫn luôn luôn bỏ phiếu như anh ta cần phải làm. Anh ta cũng luôn tham gia các phong trào thi đua. Anh ta bỏ phiếu trong các kì bầu cử như là một công dân tốt. Anh ta thậm chí còn kí "Phản-Hiến chương” [1] nữa ấy chứ.
Tại sao, bất chấp mọi điều ấy, anh ta vẫn phải tuyên bố lòng trung thành một cách công khai? Cuối cùng, những người đi ngang qua cửa sổ anh ta cũng không dừng lại mà đọc nó, và theo quan niệm của người bán rau, vô sản toàn thế giới có thể đoàn kết lại cơ mà. Sự thật là, họ chẳng đọc khẩu hiệu này, và thậm chí cũng đúng nếu giả định là họ cũng chẳng nhìn thấy nó. Nếu anh hỏi một phụ nữ dừng trước cửa hàng anh ta liệu bà ta thấy gì trong cửa sổ, bà ấy chắc chắn sẽ nói cho anh liệu họ có khoai tây hôm nay hay không, nhưng rất ít hi vọng là bà ấy nhìn thấy khẩu hiệu, đừng nói gì đến chuyện khẩu hiệu ấy nói gì.
 >Quyền lực  Phần 1;> Phần 2;> Phần 3 
             Có vẻ như vô nghĩa khi đòi hỏi một người bán rau công khai tuyên bố lòng trung thành của anh ta. Tuy thế, nó vẫn có ý nghĩa. Mọi người lờ khẩu hiệu của anh, nhưng họ làm thế vì những khẩu hiệu như thế cũng treo ở các cửa sổ cửa hàng khác, các bốt đèn, bảng tin, cửa căn hộ và trên các nhà cao tầng; trên thực tế, chúng ở khắp nơi. Chúng tạo thành một phần bức tranh toàn cảnh của cuộc sống hàng ngày. Đương nhiên, trong khi họ phớt lờ cái chi tiết, con người nhận thức rất rõ cái toàn cảnh trong tổng thể. Và cái khẩu hiệu của người bán rau kia còn gì hơn là một chấm đen nhỏ điểm tô cho cái phông vĩ đại của cuộc sống đời thường?
Vì thế, người bán rau phải đặt khẩu hiệu trong cửa sổ của anh ta, không phải với hi vọng rằng ai đó sẽ đọc hoặc sẽ bị nó thuyết phục, mà để góp phần, với hàng ngàn khẩu hiệu khác, vào cái toàn cảnh mà tất cả đều nhận thức rõ. Toàn cảnh này, tất nhiên, cũng có một ý nghĩa vi tế: nó nhắc nhở mọi người rằng họ đang sống ở đâu và cái gì được chờ đợi từ họ. Nó nói với họ về những gì mọi người khác đang làm, và chỉ cho họ thấy rằng họ cũng phải làm nếu không muốn bị loại bỏ, bị rơi vào cô lập, bị xa lạ hóa khỏi xã hội, phá vỡ luật chơi, và phải chịu rủi ro của sự mất bình yên, thanh thản và an toàn.
Người đàn bà đã phớt lờ khẩu hiệu của người bán rau rất có thể đã treo một khẩu hiệu tương tự chỉ một giờ trước đây, trên hành lang cơ quan nơi bà ta làm việc. Bà ta làm thế không ít thì nhiều là chẳng suy nghĩ gì, cũng hệt như người bán rau của chúng ta, và bà ta làm được việc ấy chính bởi vì bà đang treo cái khẩu hiệu trên nền của một toàn cảnh, và với sự nhận thức nào đó về nó, tức là, trên cái nền của toàn cảnh mà trong đó cái cửa sổ cửa hàng anh bán rau là một phần. Khi người bán rau đến cơ quan của bà, anh ta cũng sẽ chẳng nhận ra khẩu hiệu của bà, cũng hệt như bà không nhận ra khẩu hiệu của anh ta. Tuy nhiên, các khẩu hiệu của họ phụ thuộc lẫn nhau, cả hai đều được bày ra với nhận thức nhất định về toàn cảnh chung, và ta có thể nói, dưới diktat của nó. Cả hai, tuy nhiên, đã góp phần tạo ra toàn cảnh ấy, và do đó cũng tạo thành diktat ấy. Anh bán rau và bà văn phòng đều phải thích nghi với những điều kiện mà họ đang sống, nhưng khi làm thế, họ góp phần tạo ra những điều kiện này. Họ làm cái gì đã từng được làm, cái gì cần phải làm, cái gì buộc phải làm, nhưng đồng thời, cũng chính là vì việc ấy, họ đã xác nhận cái gì phải làm trên thực tế. Họ tuân thủ một đòi hỏi cụ thể, và trong khi tuân thủ, chính họ duy trì quy định ấy. Nói một cách bóng bẩy, không có khẩu hiệu của người bán rau quả thì khẩu hiệu của bà văn phòng không tồn tại, và ngược lại. Mỗi người đề xuất với người kia rằng có cái gì cần phải lặp lại, và người này chấp nhận đề nghị của người kia. Sự bàng quan song phương của họ đối với khẩu hiệu của nhau chỉ là một ảo ảnh: trên thực tế, bằng cách trưng khẩu hiệu của họ, mỗi người buộc người kia phải tuân thủ luật chơi, và từ đây xác nhận chính quyền lực đã đòi hỏi khẩu hiệu từ lúc ban đầu. Thật đơn giản, mỗi người giúp người kia phục tùng. Cả hai là khách thể trong một hệ thống kiểm soát, nhưng đồng thời là chủ thể của nó. Họ vừa là nạn nhân của hệ thống, đồng thời là công cụ của nó.
Nếu toàn thị trấn được trát bởi toàn khẩu hiệu mà không ai đọc, thì một mặt đó là một thông điệp từ bí thư thị trấn gửi lên bí thư vùng, nhưng mặt khác còn là gì hơn thế: một ví dụ nhỏ của nguyên lý của toàn trị-tự động xã hội đang vận hành. Một phần của cái căn bản của xã hội hậu toàn trị là nó kéo mọi người tới lãnh địa quyền lực của nó, không để họ có thể nhận ra họ như những con người, mà để họ có thể rút cái bản sắc cá nhân để phục vụ cái bản sắc của tập thể, tức là để họ có thể trở thành những nhân viên của bộ máy tự động của hệ thống và đầy tớ cho các mục đích tự định của nó, để họ có thể tham gia trong một trách nhiệm chung cho nó, để họ có thể bị lôi kéo vào và mắc bẫy trong đó, như Faust với Mephistopheles [2] . Hơn thế nữa: để họ có thể thông qua sự tham gia của họ mà tạo ra những quy tắc ứng xử chung, và do đó mà gây sức ép lên các công dân anh em của họ. Và xa hơn: để họ có thể học cách cảm thẩy thoải mái với sự dính líu của họ, để quen với nó như thể cái gì đó hoàn toàn tự nhiên và tất yếu, và cuối cùng, để họ có thể-không với bất kì sự thúc ép bên ngoài nào - đi đến chỗ coi mọi sự không dính líu như là bất bình thường, là kiêu ngạo, là một sự tấn công vào họ, là một dạng từ bỏ xã hội. Bằng cách kéo mọi người vào cấu trúc quyền lực, hệ thống hậu toàn trị biến mọi người thành phương tiện của một chế độ toàn trị qua lại, sự toàn trị-tự động của xã hội.
Tuy nhiên, tất cả mọi người trên thực tế đều dính líu và bị nô dịch, không chỉ anh hàng rau quả mà cả các thủ tướng. Các vị trí khác nhau trong thang đẳng cấp chỉ đơn thuần nói lên sự mức độ dính líu khác nhau: anh hàng rau chỉ dính líu ở mức nhỏ, đồng thời anh ta cũng có rất ít quyền lực. Ngài thủ tướng, đương nhiên, có quyền lực lớn hơn, nhưng đổi lại, ngài ấy phải dính líu sâu hơn nhiều. Tuy nhiên, cả hai đều không tự do, mỗi người mỗi cách. Tòng phạm thực sự trong sự dính líu này, không phải là ai khác nữa, mà chính là hệ thống. Vị trí trong thang quyền lực quyết định mức độ trách nhiệm và tội lỗi, nhưng nó không cho ai trách nhiệm và tội lỗi vô biên, mà cũng không miễn tội hoàn toàn cho ai cả. Vì thế, xung đột giữa các mục tiêu của cuộc sống với các mục tiêu của hệ thống không phải là xung đột giữa hai cộng đồng tách biệt được xác định về mặt xã hội; và chỉ có cách nhìn trừu tượng hóa rất cao mới cho phép ta phân chia xã hội thành người thống trị và kẻ bị trị (và thậm chí như vậy thì sự cũng chỉ rất tương đối). Tuy nhiên, đây chính là một trong những điểm khác biệt quan trọng nhất giữa hệ thống hậu toàn trị với nền độc tài cổ điển - nơi mà ranh giới của xung đột còn có thể được vạch theo các nhóm xã hội. Trong hệ thống hậu toàn trị, lằn ranh này chạy qua mỗi cá nhân, vì trong mỗi người, theo cách riêng của họ, vừa là nạn nhân, vừa là người ủng hộ hệ thống. Cái chúng ta hiểu về hệ thống, do đó, không phải là một trật tự xã hội áp đặt bởi một nhóm lên một nhóm khác, mà là cái gì xuyên suốt toàn xã hội và là một yếu tố định hình nó, cái gì đó có vẻ như không thể nắm bắt hay định nghĩa (bởi vì trong bản chất, nó thuần túy là một nguyên tắc), nhưng lại được thể hiện bởi toàn xã hội như một đặc điểm quan trọng của đời sống của nó.
Do đó, sự thật rằng loài người đã (và hàng ngày đang) tạo ra hệ thống tự định hướng này, và qua đó họ tự tước đoạt đi bản sắc sâu kín nhất của chính họ, không phải là kết quả của sự hiểu nhầm không thể tưởng tượng nổi của lịch sử, hay là vì sao đó lịch sử đã đi chệch đường ray. Nó cũng không phải là sản phẩm của một ý chí hắc ám tối cao nào đó đã quyết định, do một lý do nào không rõ, hành hạ một bộ phận của loài người theo cách này. Nó có thể xảy ra, và thực tế đã xảy ra chỉ vì rõ ràng là đã tồn tại trong nhân loại hiện đại một xu hướng nhất định hướng tới việc tạo ra, hoặc ít nhất là cúi đầu chấp nhận, một hệ thống như thế. Rõ ràng có gì đó ở nhân loại đã lên tiếng cùng với hệ thống này, cái gì đó họ phản ánh và dung dưỡng, cái gì đó bên trong họ đã làm tê liệt mọi cố gắng của phần cái Tôi nhân bản hơn trong họ nổi dậy. Nhân loại bị buộc phải sống trong một sự dối trá, nhưng họ chỉ có thể bị buộc sống như vậy nếu như họ có thể sống như vậy trên thực tế. Do đó, không chỉ hệ thống tha hóa con người, mà cùng lúc, nhân loại tha hóa cũng ủng hộ hệ thống này như thể đó là kế hoạch tự nguyện của họ, như là hình ảnh suy đồi của sự suy đồi của chính họ, như là bảng kê sự thất bại của chính con người với tư cách là các cá nhân.
Các mục tiêu cơ bản của cuộc sống hiển hiện tự nhiên trong mỗi con người. Trong mỗi con người có cái gì đó khát khao phẩm giá chân chính của bản chất người, khát khao sự hòa hợp đạo đức, tự do biểu hiện sự tồn tại, và những suy nghiệm vượt lên trên thế giới của những sinh tồn hàng ngày. Nhưng đồng thời, mỗi con người lại có thể, dù ít dù nhiều, thỏa hiệp với cuộc sống trong dối trá. Mỗi con người theo cách nào đó quy phục tính nhân văn trong anh ta trước sự tầm thường hóa ô nhục và chủ nghĩa vị lợi. Trong mỗi con người luôn có chút sẵn lòng hòa mình với đám đông vô danh và vui vẻ trôi cùng với nó xuống dòng sông của cuộc sống giả tạo. Điều này không đơn giản như xung đột giữa hai bản sắc. Nó là cái gì đó tồi tệ hơn rất nhiều: nó là thách thức với chính khái niệm bản sắc.
Theo nghĩa đơn giản hóa cao độ, có thể nói rằng hệ thống hậu toàn trị được xây dựng trên những nền tảng được xếp đặt bởi cuộc đối đầu lịch sử giữa nền độc tài và xã hội tiêu thụ. Khả năng thích nghi nhanh chóng với cuộc sống lừa dối, sự mở rộng dễ dàng của nền toàn trị-tự động trong xã hội chẳng phải đã có mối liên hệ với sự miễn cưỡng chung của những người tôn thờ chủ nghĩa tiêu dùng khi anh ta phải vứt bỏ một vài giá trị vật chất để đối lấy sự hòa hợp về đạo đức và tâm hồn? Với sự sẵn lòng từ bỏ các giá trị cao hơn khi đối mặt với các cám dỗ tầm thường hóa của văn minh hiện đại? Với bản chất dễ tổn thương của họ trước sức hút của tính bàng quan tập thể? Và cuối cùng, chẳng phải màu xam xám và trống rỗng của đời sống trong hệ thống hậu toàn trị chỉ là một bức tranh biếm họa được thổi phồng của đời sống hiện đại nói chung đó sao? Và chẳng lẽ chúng ta tên thực tế không phải là một thứ cảnh báo cho phương Tây, bộc lộ cho nó thấy những xu hướng tiềm tàng của nó sao? (mặc dù theo các tiêu chuẩn thế giới bên ngoài đang sử dụng để đo mức độ văn minh, chúng ta còn tụt lại xa phía sau).

(còn tiếp)
----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét