Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

QUYỀN LỰC của KHÔNG QUYỀN LỰC - Phần 2


* VÁCLAV HAVEL
(tiếp theo - Phần 2)
             ... Một di sản của "nhận thức đúng đắn" nguyên thuỷ ấy là nét khác thường thứ ba, cái đã khiến cho hệ thống của chúng ta khác với các nền độc tài hiện đại khác: nó điều hành một ý thức hệ cực kì linh hoạt, được kiến tạo một cách lo-gic, chính xác hơn, và nhìn chung là dễ hiểu, mà trong sự toàn vẹn và chi tiết của nó, thì gần như một tôn giáo được thế tục hóa. Nó cung cấp lời giải đáp có sẵn cho mọi câu hỏi - bất kể là gì; nó hầu như không thể được chấp nhận từng phần, và việc chấp nhận nó có những hệ quả vô cùng nghiêm trọng với đời sống con người.
Trong một kỉ nguyên mà sự chắc chắn siêu hình và hiện sinh đang trong trạng thái khủng hoảng, khi con người bị quật gốc và tha hóa, đang mất dần cảm nhận về thế giới này có nghĩa gì, không thể khác được là ý thức hệ này có sự hẫp dẫn an thần nhất định. Với loài người đang lưu lạc, nó hứa hẹn ngay lập tức có một mái ấm đủ đầy: tất cả những gì người ta cần làm là chấp nhận nó, và đột nhiên mọi thứ một lần nữa trở nên rõ ràng, cuộc sống đón nhận ý nghĩa mới, và mọi điều bí hiểm, mọi câu hỏi không lời đáp, sự phân vân và cô đơn biến mất.
                 > Quyền lực Phần 1 
Tổng thống Václaw Havel
Tất nhiên, con người cũng phải trả giá đắt cho căn nhà thuê giá rẻ này: cái giá là việc anh ta phải từ bỏ các suy nghĩ duy lý, nhận thức, và trách nhiệm, vì một đặc điểm thiết yếu của ý thức hệ này là sự phó thác suy lý và nhận thức cho quyền lực cao hơn. Nguyên tắc ở đây là trung tâm của quyền lực đồng nghĩa với trung tâm của chân lý. (Trong trường hợp của chúng ta, mối quan hệ với chính trị thần quyền kiểu La Mã phương Đông là trực tiếp: quyền lực trần tục cao nhất trùng với quyền lực tinh thần cao nhất). Nhưng hiển nhiên là, bên cạnh tất cả những điều này, ý thức hệ không còn có ảnh hưởng to lớn nào lên con người, ít nhất là trong khối chúng ta (có thể với một ngoại lệ là nước Nga, nơi mà tinh thần nô lệ, với sự mù quáng của nó, sự sùng bái chết người đối với những người thống trị và sự chấp nhận ngay lập tức mọi tuyên bố của họ, vẫn còn áp đảo, kết hợp với chủ nghĩa yêu nước siêu cường - vốn có truyền thống đặt lợi ích của đế chế cao hơn các lợi ích của con người). Nhưng điều này cũng không quan trọng, bởi vì ý thức hệ đóng vai diễn của nó trong hệ thống chúng ta một cách tuyệt hảo (một chủ đề mà tôi sẽ trở lại), chính vì nó là chính nó.
Bốn là, kỹ thuật thực thi quyền lực trong các nền độc tài cổ điển bao gồm một yếu tố cần thiết là sự ứng biến. Các cơ chế dùng quyền lực phần lớn không được thiết lập chặt chẽ, và có khoảng không đáng kể dành cho sự thực thi quyền lực một cách ngẫu nhiên, tùy tiện và không bị giới hạn. Về mặt xã hội, tâm lý và vật chất, những điều kiện cho sự thể hiện một dạng đối lập nào đó vẫn tồn tại. Một cách ngắn gọn, có nhiều vết nối trên bề mặt có thể tách ra trước khi toàn bộ hệ thống đã tìm được cách ổn định hóa. Trái lại, hệ thống của chúng ta được phát triển trong hơn sáu mươi năm ở Liên bang Xô Viết, và trong khoảng ba mươi năm ở Đông Âu; hơn nữa, nhiều trong số các đặc điểm cấu trúc cổ nhất của nó đã bắt nguồn từ chế độ chuyên chế Nga hoàng.
Trên khía cạnh vật chất của quyền lực, điều này đã dẫn tới việc hình thành các cơ chế được xây dựng khéo léo và tinh tế để phục vụ cho nhiệm vụ giật dây toàn bộ công chúng một cách trực tiếp và gián tiếp, mà với tư cách là nền tảng quyền lực vật chất, nó đại diện cho một cái gì đó rất mới. Cùng lúc đó, không nên quên rằng hệ thống này lại được nâng cao hiệu quả một cách đáng kể bằng sở hữu nhà nước và điều khiển từ trung ương mọi tư liệu sản xuất. Điều này tạo cho cấu trúc quyền lực một tiềm lực chưa từng có và không thể kiểm soát nổi để đầu tư cho chính nó (ví như trong các lĩnh vực hành chính quan liêu và cảnh sát) và tạo thuận lợi cho cấu trúc này, trong vai người tuyển dụng duy nhất, điều khiển sự tồn tại hàng ngày của mọi công dân.
Cuối cùng, nếu như một bầu không khí ngập tràn nhiệt tình cách mạng, chủ nghĩa anh hùng và bạo lực thẳng tay trong mọi mặt đã từng là biểu trưng cho chế độ độc tài cổ điển, thì các vết tích cuối cùng của một bầu không khí như thế đã biến mất khỏi khối Xô viết. Từ lâu, khối này không còn là một ốc đảo bị cô lập khỏi thế giới phát triển và miễn nhiễm với mọi tiến trình diễn ra trong đó. Ngược lại, khối Xô viết đã là một phần hữu cơ của một thế giới rộng lớn hơn, chia sẻ và định hình số phận của thế giới. Cụ thể hơn, điều này có nghĩa là trật tự của các giá trị tồn tại trong các nước phát triển phương Tây, theo một nghĩa nào đó, đã xuất hiện trong xã hội chúng ta (thời gian dài cùng tồn tại với phương Tây chỉ thúc đẩy nhanh tiến trình này mà thôi). Nói cách khác, cái mà chúng ta đang có đây chỉ là một dạng khác của xã hội tiêu thụ và công nghiệp, với tất cả những hậu quả tâm lý, tri thức và xã hội kèm theo. Sẽ không thể hiểu nổi bản chất của quyền lực trong hệ thống của chúng ta mà không tính đến điều này.
Sự khác biệt cơ bản giữa hệ thống của chúng ta - trên phương diện bản chất của quyền lực - với cái chúng ta vẫn thường hiểu là nền độc tài, sự khác biệt mà tôi hi vọng là đã rất rõ ràng dù chỉ từ các so sánh phiến diện vừa qua, đã khiến tôi phải tìm thuật ngữ thích hợp cho hệ thống của chúng ta, hoàn toàn chỉ để phục vụ cho tiểu luận này. Nếu sau đây tôi gọi nó là hệ thống hậu-toàn trị, thì tôi hoàn toàn hiểu rằng đây có thể không phải là thuật ngữ chuẩn xác nhất, nhưng tôi không thể tìm ra một từ nào khả dĩ hơn. Tôi không định ám chỉ tiền tố hậu (post-) có nghĩa rằng hệ thống không còn là toàn trị nữa. Ngược lại, tôi muốn nói rằng nó là toàn trị theo cách hoàn toàn khác với nền độc tài cổ điển, khác với chủ nghĩa toàn trị mà chúng ta vẫn thường hiểu.
Tuy nhiên, những bối cảnh mà tôi vừa đề cập chỉ tạo ra một tập hợp các yếu tố mang tính điều kiện, và một khung hiện tượng cho kết cấu quyền lực thực tế của hệ thống hậu toàn trị, mà bây giờ tôi sẽ cố gắng nhận diện một số mặt.

         III.
Người quản lý một cửa hàng rau quả đặt trong cửa sổ, bên cạnh những lô hành và cà-rốt, khẩu hiệu: "Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại!". Anh ta đang gắng truyền đạt gì với thế giới vậy? Có đúng là anh ta thực lòng hào hứng với ý tưởng đoàn kết giữa những người vô sản trên thế giới? Có thực lòng nhiệt thành của anh ta lớn đến mức anh ta cảm thấy không cưỡng được nhu cầu khiến công chúng phải làm quen với lý tưởng ấy? Liệu anh ta đã thực sự dành một giây phút nào nghĩ về sự đoàn kết ấy có thể diễn ra như thế nào hay liệu nó có ý nghĩa gì không?
Tôi nghĩ, ta có thể yên tâm mà giả định rằng tuyệt đại bộ phận người quản lí cửa hàng không bao giờ nghĩ về khẩu hiệu họ đặt trong cửa sổ, hay dùng nó để thể hiện quan điểm thực sự của họ. Cái poster đó được cấp cho họ từ trụ sở doanh nghiệp, cùng với hành và cà-rốt. Anh ta đặt nó lên cửa sổ vì đã làm như vậy trong nhiều năm, vì mọi người đều làm thế, và vì đó là việc phải làm. Nếu anh ta từ chối, hẳn đã có rắc rối xảy ra. Anh ta có thể bị phiền hà vì không có "vật trang trí" thích hợp trong cửa sổ; ai đó thậm chí còn có thể tố cáo anh là không trung thành. Anh ta làm vậy bởi vì những điều ấy là cần phải làm nếu muốn yên thân. Đó là một trong hàng ngàn tiểu tiết đảm bảo cho anh ta một cuộc sống tương đối yên ổn, hay "hòa hợp với xã hội", như họ vẫn thường nói.
Tất nhiên, người bán rau bàng quan với nội dung chữ nghĩa của khẩu hiệu được trưng ra; anh ta chẳng đặt khẩu hiệu trong cửa sổ vì thôi thúc cá nhân muốn công chúng làm quen với lý tưởng mà nó kêu gọi. Nhưng hiển nhiên, điều này không hề có nghĩa là hành động của anh ta không hề có động cơ, hoặc chẳng có ý nghĩa gì, hoặc khẩu hiệu đó không truyền đạt tới ai thông tin nào hết. Cái khẩu hiệu chính là một tín hiệu, và theo đó nó bao hàm một thông điệp tuy vi tế nhưng rất dứt khoát. Nói nôm na, nó là thế này: "Tôi, người bán rau quả XY, sống ở đây và tôi biết việc tôi phải làm. Tôi hành xử theo cách người ta trông đợi. Tôi đáng tin và tôi đứng ngoài mọi rắc rối. Tôi phục tùng và vì thế, tôi có quyền được yên thân". Thông điệp này, tất nhiên có người nhận: nó được gửi lên trên, tới những người cao hơn anh bán rau, và đồng thời nó là lá chắn bảo vệ anh khỏi những kẻ hớt lẻo rình rập. Vì thế, ý nghĩa thực của khẩu hiệu bám rễ sâu vào sự tồn tại của anh hàng rau. Nó phản ánh lợi ích sống còn của anh ta. Vậy những lợi ích sinh tồn ấy là gì?
Hãy dừng lại để ghi chú là: nếu người bán rau được hướng dẫn bày khẩu hiệu: "Tôi sợ và vì thế phục tùng vô điều kiện", anh ta sẽ không bàng quan với nội dung của nó, cho dù tuyên bố ấy là đúng sự thật. Người bán rau sẽ cảm thấy xấu hổ và nhục nhã vì cái tuyên bố thẳng thừng về sự mất phẩm cách của anh ta trong cửa sổ cửa hàng, và cũng tự nhiên thôi, bởi anh là con người và vì thế mà có cảm nhận về phẩm giá của mình. Để vượt qua sự rắc rối này, sự thể hiện lòng trung thành của anh ta phải dưới dạng một dấu hiệu mà, ít nhất trên bề mặt từ ngữ, biểu hiện một mức độ tin tưởng không tư lợi. Nó phải cho phép người bán rau biện bạch: "Có gì sai với chuyện vô sản toàn thế giới đoàn kết đâu?" Vì thế mà dấu hiệu này giúp cho người bán rau che giấu lương tâm anh ta về cái cơ sở mong manh của sự phục tùng của mình, và cùng lúc, che giấu nền tảng yếu ớt của quyền lực. Nó giấu chúng dưới mặt tiền của một cái gì đó cao xa. Và cái gì đó ấy chính là ý thức hệ.
Ý thức hệ là một cách ngụy tạo để liên hệ với thế giới. Nó ban cho loài người ảo ảnh về một bản sắc, một phẩm giá, và một đạo đức trong khi tạo điều kiện cho họ từ giã chúng. Như là một kho chứa của một cái gì đó "siêu cá nhân" và khách quan, nó cho phép con người đánh lừa nhận thức của mình, che giấu vị trí thực và modus vivendi [tạm dịch là “cách sống”] không vinh quang của họ, cả với thế giới và với chính mình. Đó là một cách, vừa thực dụng nhưng đồng thời lại có vẻ thần thánh, để hợp lý hóa cái gì trên, cái gì dưới và cho mỗi bên. Nó hướng tới con người và hướng tới Thượng đế. Nó là bức màn mà đằng sau đó con người có thể che giấu sự tồn tại sa sút, sự tầm thường hóa và thích nghi của họ với nguyên trạng. Nó là sự biện minh ai cũng có thể dùng, từ người bán rau quả, người che giấu nỗi sợ hãi mất việc làm đằng sau cái cớ là sự quan tâm tới việc đoàn kết của vô sản toàn thế giới, cho đến những cơ cấu cao nhất, những người quan tâm đến việc ở lại ngôi cao có thể núp dưới những mệnh đề phục vụ giai cấp công nhân. Chức năng biện bạch cơ bản của ý thức hệ, do đó, là cho người ta, cả với tư cách là nạn nhân, và với tư cách là trụ cột của hệ thống hậu toàn trị, một ảo giác rằng hệ thống đang hòa hợp với trật tự con người và trật tự của vũ trụ.
Nền độc tài càng nhỏ và xã hội bên dưới nó càng ít phân tầng do hiện đại hóa thì ý chí của nhà độc tài càng được thực thi một cách trực tiếp. Nói cách khác, nhà độc tài có thể sử dụng các nguyên tắc hầu như trần trụi, tránh các quá trình phức tạp gắn với ý thức hệ nhằm liên hệ hắn với thế giới và để tự biện minh. Nhưng nếu các cơ chế quyền lực ngày càng phức tạp, và xã hội mà chúng cai trị càng trở nên rộng rãi và bị phân hóa hơn, nếu bề dày lịch sử vận hành của nền độc tài càng lớn, thì các cá nhân ngày càng bị buộc phải liên hệ với chúng từ bên ngoài, và các biện minh ý thức hệ ngày càng quan trọng hơn. Nó đóng vai trò như thể là cầu nối giữa chế độ và nhân dân, qua đó chế độ tiếp cận nhân dân và nhân dân tiếp cận chế độ. Điều này giải thích tại sao ý thức hệ đóng vai trò quan trọng đến thế trong hệ thống hậu toàn trị: thật không thể tưởng tượng nổi nếu cơ cấu phức tạp của các đơn vị, trật tự đẳng cấp, vô số van an toàn, và các công cụ gián tiếp đủ loại để giật dây - vốn đã đảm bảo cho sự hòa hợp của hệ thống bằng vô số cách khác nhau, không chừa chỗ cho ngẫu nhiên - lại có thể thiếu ý thức hệ trong vai trò như là biện minh chung cho hệ thống, đồng thời là biện minh của từng bộ phận.

IV.
Giữa các mục tiêu của hệ thống hậu toàn trị và các mục tiêu của cuộc sống có một vực thẳm luôn ngoác ra: trong khi cuộc sống, trong bản chất của nó, dịch chuyển tới đa cực, đa dạng, tự tổ chức và tự thiết chế, và tóm lại là tới sự thực hiện quyền tự do của nó, thì hệ thống hậu toàn trị đòi hỏi phục tùng, thống nhất và kỉ luật. Trong khi cuộc sống mãi mãi đòi hỏi tạo ra các cấu trúc mới và "khó đoán trước", hệ thống hậu toàn trị mưu toan trói buộc cuộc sống vào các trạng thái định trước. Các mục tiêu của hệ thống bộc lộ đặc điểm cơ bản nhất của nó là tính hướng nội, một chuyển dịch dần tới [việc phục vụ] hoàn toàn cho và không thể đảo ngược tới chính bản thân nó, cũng tức là bán kính ảnh hưởng của nó cũng phải không ngừng được mở rộng. Hệ thống này chỉ phục vụ con người trong chừng mực vừa đủ để con người phục vụ lại nó. Bất kì điều gì hơn thế, tức là bất kì điều gì dẫn con người tới việc vượt lên các vai trò định trước của họ, đều bị hệ thống coi là tấn công vào nó. Và trên phương diện này, nó đã đúng: bất kì ví dụ nào của sự lấn lướt như thế đều là sự phủ định hệ thống một cách thực sự. Vì thế, có thể nói rằng, mục tiêu nội tại của hệ thống hậu toàn trị không chỉ đơn thuần là sự bảo tồn quyền lực trong tay bè lũ thống trị, như mới nhìn thoáng qua thì có vẻ thế. Thay vào đó, hiện tượng xã hội của tự bảo tồn phải phục tùng cái gì đó cao hơn, phục tùng một kiểu tự vận hành máy móc mù quáng đang điều khiển hệ thống. Bất kể vị trí nào mà cá nhân nắm giữ trong trật tự đẳng cấp của hệ thống, họ không được hệ thống coi là có giá trị tự thân nào hết, mà chỉ là các vật nhằm bơm năng lượng và phục vụ sự tự vận hành máy móc này. Vì lý do đó, khát vọng quyền lực của một cá nhân chỉ có thể chấp nhận được nếu định hướng của nó trùng hợp với định hướng của cỗ máy tự động của hệ thống. 
Ý thức hệ, khi đóng vai trò là cây cầu bào chữa nối giữa hệ thống và cá nhân, đã bắc dọc qua cái vực thẳm nối hai bờ mục tiêu của hệ thống và mục tiêu của cuộc sống. Nó giả như là các yêu cầu của hệ thống bắt nguồn từ các yêu cầu của cuộc sống. Nó là một thế giới hình thức đang tìm cách vượt qua hiện thực. 
Hệ thống hậu toàn trị đụng chạm đến con người trong mỗi bước đi, nhưng nó làm thế với cái găng tay ý thức hệ. Chính vì điều này mà cuộc sống trong hệ thống mới thấm đẫm đạo đức giả tạo và những điều dối trá như thế: nhà nước của quan liêu thì lại được gọi là chính quyền nhân dân; người lao động bị nô dịch dưới cái tên giai cấp lao động; sự thoái hóa hoàn toàn của cá nhân thì được trình bày như là sự giải phóng tột bậc; bưng bít thông tin được gọi là cung cấp thông tin cho quần chúng, sử dụng quyền lực để giật dây thì được gọi là kiểm soát công cộng về quyền lực; lạm dụng quyền lực tùy tiện thì được gọi là tôn trọng luật pháp, đè nén văn hóa thì được gọi là phát triển văn hóa; sự mở rộng ảnh hưởng đế chế thì được trình bày như thể là giúp đỡ người bị áp bức; mất tự do ngôn luận trở thành hình thức cao nhất của tự do; các kì bầu cử lố bịch trở thành hình thức dân chủ cao nhất; cấm suy nghĩ độc lập thành thế giới quan khoa học nhất; chiếm đóng quân sự trở thành giúp đỡ anh em. Vì chế độ bị nhốt chặt trong những lời dối trá của nó, nó phải xuyên tạc tất cả. Nó xuyên tạc quá khứ. Nó bóp méo hiện thực và nó bịa đặt tương lai. Nó xuyên tạc thống kê. Nó giả đò như không nắm giữ các cơ quan an ninh có quyền lực vô hạn và đốn mạt. Nó vờ vĩnh tôn trọng các quyền con người. Nó giả đò như không kết án ai. Nó làm như không sợ bất kì điều gì. Nó giả vờ như không giả vờ gì cả. 
Các cá nhân không cần phải tin vào tất cả những điều thần bí hóa này, nhưng họ phải hành xử như thể là họ tin, hoặc ít nhất họ phải nhân nhượng chúng trong im lặng, hoặc phải tử tế với những ai làm việc cho chúng. Tuy thế, bởi lí do này mà họ phải sống trong dối trá. Họ không cần chấp nhận sự dối trá. Chỉ cần họ chấp nhận sống cùng với nó và sống trong nó là đủ. Cũng chính vì sự thật này, mà chính các cá nhân đã xác nhận hệ thống, thành toàn cho hệ thống, làm nên hệ thống, và là hệ thống...
(còn tiếp)
-----------------

2 nhận xét:

  1. Cái tầm tu duy và khả năng phân tích chính trị-xã hội của bậc chính khách nước người ta là thế. Còn mình có nhiều ông không viết được gì." Ăn không nên đọi, nói không nên lời". Buồn!

    Trả lờiXóa
  2. Không nên so sánh rằng nước họ thế này còn nước ta thế nọ. Theo tôi nên hành động. Thế mới là học hỏi từ Vacslap Haven.

    Trả lờiXóa