Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

QUYỀN LỰC của KHÔNG QUYỀN LỰC - Phần 7

* VACLAV HAVEL
(tiếp theo - Phần 7 )
XI.
Trong các xã hội dưới hệ thống hậu toàn trị, mọi đời sống chính trị theo nghĩa truyền thống đều đã bị xoá sổ. Con người không có chút cơ hội nào biểu đạt quan điểm chính trị của mình nơi công cộng chứ đừng nói đến hình thành tổ chức chính trị. Khoảng trống được tạo ra bị lấp đầy bởi giáo điều ý thức hệ. Trong hoàn cảnh như vậy, quan tâm của con người về các vấn đề chính trị tự nhiên teo lại và tư tưởng chính trị độc lập, nếu có chăng nữa, cũng bị số đông coi là không hiện thực, viển vông, một trò lạc thú, xa cách thảm hại với quan tâm hàng ngày của họ; một cái gì đó đáng tôn trọng, có thể, nhưng khá vô bổ, bởi vì một mặt hoàn toàn không tưởng, mặt khác lại quá nguy hiểm, [nó tồn tạị] trong quan điểm của những người nhiệt tình thái quá, và mọi hành động theo hướng này đều bị chế độ trừng phạt.
Dù vậy, thậm chí trong những xã hội như thế, vẫn tồn tại các cá nhân và nhóm, không từ bỏ chính trị với tư cách là nghiệp của họ, và những người, bằng cách này hay cách khác, vẫn cố gắng suy nghĩ độc lập, thể hiện [lập trường của] mình, và trong một số trường hợp thậm chí còn hình thành tổ chức chính trị, bởi vì đó là một phần trong nỗ lực sống trong sự thật của họ.
            => Quyền lực  Phần 1;> Phần 2;> Phần 3 ;> Phàn 4 ; > Phần 5; >  Phần 6 ;
Chính tự thân việc những người này tồn tại và lao động đã vô cùng quan trọng và có giá trị. Thậm chí trong những thời điểm đen tối nhất, họ vẫn duy trì sự liên tục của tư tưởng chính trị. Nếu có một cuộc bùng phát chính trị thực sự nào đó xuất hiện từ những đụng chạm "tiền chính trị" này hay khác, và được làm rõ đủ sớm (vì thế làm tăng cơ hội thành công một cách tương đối), thì nó thường xuyên là do công lao của những "vị tướng không quân đội" đơn độc này. Bởi vì họ đã duy trì sự liên tục về tư tưởng chính trị trong những lúc khó khăn nhất, có thể ngay lập tức làm giàu [tính lý luận và kinh nghiệm] cho các cuộc bùng phát này này với những thành quả của tư tưởng chính trị của họ. Một lần nữa, lại có những ví dụ phong phú cho tiến trình này ở Tiệp khắc. Không thể khác hơn, hầu hết những người từng là tù chính trị trong đầu những năm 70 (những người tưởng như bị hành hạ vô ích vì những hoạt động chính trị Đông-ki-sốt của họ bên cạnh một xã hội đã hoàn toàn vô cảm và mất đạo đức) chính là những nhà Hiến chương năng nổ nhất. Trong Hiến chương 77, di sản đạo đức của những hi sinh trước đây của họ được đánh giá cao, và họ đã làm giàu cho phong trào với kinh nghiệm và tư tưởng chính trị của mình.
Dù vậy, tôi có cảm giác là tư tưởng và hoạt động của những người bạn này của chúng ta (những người không bao giờ từ bỏ sự nghiệp chính trị trực tiếp, và luôn sẵn sàng gánh vác trách nhiệm chính trị trực tiếp) rất hay mắc phải một sai lầm kinh niên: sự hiểu biết không đầy đủ về đặc thù lịch sử của hệ thống hậu toàn trị như là một thực tế chính trị và xã hội. Họ có ít hiểu biết về bản chất đặc thù của quyền lực, là cái tiêu biểu cho hệ thống này, và vì thế họ đánh giá quá cao tầm quan trọng của các công việc chính trị trực tiếp theo nghĩa truyền thống. Hơn nữa, họ không đánh giá được tầm quan trọng chính trị của các sự kiện và quá trình "tiền chính trị" đã cung cấp đất mùn mà từ đó các thay đổi chính trị thực sự sẽ bắt rễ. Với tư cách là những nhà hoạt động chính trị - hay, như những người có tham vọng chính trị - họ thường xuyên cố gắng bắt đầu ở điểm đời sống chính trị tự nhiên dừng lại. Họ duy trì các mô hình hành vi có thể đã từng phù hợp trong những môi trường chính trị bình thường hơn, và do đó, vô tình đã đem những lối suy nghĩ lạc hậu, thói quen, khái niệm, phân loại và quan niệm cũ áp đặt vào những môi trường khá mới và rất khác, mà không cân nhắc đủ mức về ý nghĩa và bản chất của những thứ như thế trong môi trường mới, về cái kiểu chính trị như thế giờ đây có nghĩa gì, về kiểu sự kiện nào sẽ có ảnh hưởng và tiềm năng chính trị, và [nếu có thì] theo cách nào. Vì những người như thế đã bị loại ra khỏi các cấu trúc của quyền lực và không còn khả năng ảnh hưởng cấu trúc ấy một cách trực tiếp (và vì họ vẫn trung thành với các quan niệm truyền thống về chính trị, được xác lập ở những xã hội ít nhiều dân chủ hay trong các nền độc tài truyền thống), họ thường xuyên, theo một nghĩa nào đó, mất liên hệ với hiện thực. Tại sao phải nhượng bộ với thực tiễn, họ nói, nếu đằng nào thì cũng chẳng có đề xuất nào của chúng tôi được chấp nhận? Do dó, họ thấy mình ở trong một thế giới của tư duy hoàn toàn không tưởng.
Tuy nhiên, như tôi đã cố gắng chỉ ra, những sự kiện chính trị có tầm ảnh hưởng thực sự rộng rãi trong hệ thống hậu toàn trị không nổi lên từ những nguồn gốc và theo những cách giống như ở nền dân chủ. Và nếu như một phần lớn dân chúng thờ ơ, thậm chí nghi ngờ các mô hình và chương trình chính trị thay thế, [thậm chí] họ nghi nghờ cả việc ra đời của các chính đảng đối lập, thì đó không đơn thuần vì người ta vô cảm với các vấn đề công cộng và đã đánh mất cảm giác về "trách nhiệm cao hơn"; nói cách khác, nó không chỉ là hậu quả của sự phi đạo đức hóa. Nó cũng là một chút bản năng xã hội lành mạnh đang thức dậy trong thái độ này. Nó như thể là quần chúng đã nhận thức được bằng cảm tính là "không có gì là cái mà nó trông có vẻ nữa", như người ta vẫn nói, và rằng từ nay, do đó, mọi thứ cần phải làm theo cách hoàn toàn khác.
Nếu một vài đợt bùng phát chính trị quan trọng nhất trong khối các nước Xô viết trong những năm gần đây đã đến trước hết (trước khi được cảm nhận trên bình diện sức mạnh vật chất) từ các nhà toán học, triết học, vật lý, nhà văn, nhà sử học, các công nhân bình thường và vân vân; và nếu động lực đằng sau vô số những "phong trào bất đồng chính kiến" này đến từ rất nhiều người trong các nghề "phi chính trị", thì không phải vì những người này thông minh hơn những người tự coi mình là nhà chính trị. Đó là vì những người này,vì không phải là nhà chính trị, nên không bị trói buộc quá chặt vào những tư tưởng chính trị truyền thống và những thói quen chính trị, và vì thế, thật nghịch lí là, họ nhận thức được hiện thực chính trị đúng đắn, và nhạy cảm hơn về cái gì có thể làm và cần làm dưới những điều kiện như vậy.
Không có cách nào vòng qua nó: bất kể mô hình chính trị thay thế có đẹp đến đâu, nó không còn có thể nói chuyện được với "không gian bí mật", khích động dân chúng và xã hội, gợi lên sự sôi sục chính trị thực sự. Không gian thực sự của chính trị tiềm tàng trong hệ thống hậu toàn trị là ở chỗ khác: ở căng thẳng thường xuyên và nghiệt ngã giữa những đòi hỏi phức tạp của hệ thống và những mục tiêu của đời sống, tức là, những nhu cầu căn bản của nhân loại đòi được sống, ít nhất là ở mức độ nào đó, hòa hợp với chính họ, tức là, sống theo cách có thể chịu đựng được, không bị các quan chức và cấp trên xúc phạm nhân phẩm, không phải bị cảnh sát theo dõi thường xuyên, có thể tự do bộc lộ bản thân, có thể tìm một nơi cho sáng tạo của họ, để hưởng an ninh luật pháp và vân vân. Bất kì điều gì động chạm đến mảng này một cách cụ thể, bất kì điều gì liên quan đến căng thẳng cơ bản và phổ biến/tồn tại khắp nơi này, sẽ tất yếu đánh động con người. Những dự án trừu tượng về các trật tự kinh tế và chính trị chẳng khiến họ quan tâm như thế, và đúng vậy-không chỉ bởi vì tất cả đều biết rõ cơ hội thành công của chúng mỏng manh đến mức nào, mà còn vì ngày nay, con người cảm thấy rằng các chính sách chính trị mà càng ít bắt nguồn từ cái "ở đây và bây giờ" rất con người và rất cụ thể, và nếu chúng càng tập trung vào một "ngày nào đó" trừu tượng, thì họ càng dễ bị thoái hóa vào những dạng nô lệ mới. Những con người sống trong hệ thống hậu toàn trị hiểu quá rõ rằng câu hỏi liệu một hay nhiều chính đảng cầm quyền, và các đảng này sẽ định nghĩa và dán nhãn cho mình ra sao là ít quan trọng hơn nhiều câu hỏi: liệu có thể sống như một con người hay không.
Trút bỏ gánh nặng của các thói quen và cách phân loại chính trị truyền thống và mở hết mình ra thế giới sinh tồn của con người, và sau đó rút ra những kết luận chỉ sau khi đã phân tích nó: điều này không chỉ thực tiễn hơn về mặt chính trị mà cùng lúc, từ quan điểm của "trạng thái lí tưởng của vấn đề", cũng hứa hẹn hơn về mặt chính trị. Một sự thay đổi cơ bản, lâu dài và thực sự để tốt lên - như tôi sẽ cố gắng chứng minh ở một chỗ khác - không còn có thể bắt nguồn từ những chiến thắng (nếu những chiến thắng ấy là có thể) của bất kì quan niệm chính trị truyền thống cụ thể nào đó, cái mà rốt cuộc vẫn chỉ là ngoại sinh, tức là, một quan niệm có tính cấu trúc hay hệ thống. Hơn bao giờ hết, một thay đổi như vậy sẽ phải bắt nguồn từ sự tồn tại của con người, từ việc cấu trúc lại căn bản vị trí của con người trong thế giới, mối quan hệ của họ với bản thân và người khác, và với vũ trụ. Nếu một mô hình kinh tế và chính trị tốt đẹp hơn có được tạo ra, thì có lẽ hơn bao giờ hết nó phải xuất phát từ những thay đổi đạo đức và hiện sinh căn bản trong xã hội. Nó không phải là cái gì có thể thiết kế và giới thiệu như một cái ô tô mới. Nếu nó muốn hơn là một biến tướng từ sự xuống cấp cũ, nó phải trên hết là sự thể hiện của cuộc sống trong quá trình tự biến đổi. Một hệ thống tốt hơn không tự động đảm bảo một cuộc sống tốt hơn. Trên thực tế, ngược lại mới đúng: chỉ bằng cách tạo ra một cuộc sống tốt hơn, một hệ thống tốt hơn mới được phát triển.
Một lần nữa tôi lặp lại rằng tôi không đánh giá thấp tầm quan trọng của tư tưởng chính trị và các công trình chính trị mang tính khái niệm. Ngược lại, tôi nghĩ rằng những tư tưởng chính trị chân chính và những công trình thực sự chính trị phải chính là cái mà chúng ta vẫn luôn luôn không đạt được. Tuy nhiên, nếu tôi nói "chân chính", tôi đang nghĩ trong đầu về một dạng tư tưởng và khái niệm đã giải phóng nó khỏi mọi sơ đồ chính trị truyền thống đã được nhập khẩu vào hoàn cảnh của chúng ta từ một thế giới sẽ không bao giờ trở lại (và sự trở lại của nó, nếu có thể, cũng không cung cấp giải pháp lâu dài cho những vấn đề quan trọng nhất).
Đệ nhị và đệ tứ quốc tế, cũng như bao tổ chức và quyền lực chính trị khác, có thể cung cấp một cách tự nhiên những hỗ trợ đáng kể cho những cố gắng đa dạng của chúng ta, nhưng không cái nào có thể giải quyết vấn đề thay cho chúng ta. Chúng vận hành trong một thế giới khác, và là sản phẩm của những môi trường khác. Các khái niệm lí thuyết của chúng có thể thú vị và đem đến gợi ý cho ta, nhưng có một điều chắc chắn là: chúng ta không thể giải quyết các vấn đề của mình chỉ bằng cách nhận/gắn mình vào những tổ chức này. Và cố gắng trong nước ta đặt cái ta đang làm vào bối cảnh các thảo luận đang thống trị các xã hội dân chủ thường có vẻ vô cùng ngu ngốc. Ví dụ, liệu có thể nói chuyện một cách nghiêm túc về việc chúng ta nên thay đổi hệ thống hay chỉ cải cách nó? Trong những hoàn cảnh mà ta đang sống, đây là một giả-vấn đề, bởi vì trong thời gian hiện tại, đơn giản là chúng ta chẳng thể thực hiện được bất kì mục tiêu nào trong đó. Chúng ta thậm chí còn chưa rõ cải cách sẽ dừng ở đâu và thay đổi sẽ bắt đầu từ chỗ nào. Chúng ta biết rõ từ những kinh nghiệm cay đắng rằng cải cách hay thay đổi, tự thân nó đều chẳng phải là bảo đảm cho bất kì điều gì. Chúng ta biết rằng cuối cùng thì đối với chúng ta, việc liệu hệ thống mà chúng ta đang sống, dưới ánh sáng của một học thuyết nào đó, có vẻ được "cải cách" hay bị "thay đổi" cũng chẳng khác gì nhau. Quan tâm của chúng ta là liệu ta có thể sống trong danh dự trong một hệ thống như vậy không, liệu nó có phục vụ con người thay vì buộc con người phải phục vụ nó không. Chúng ta đang đấu tranh để đạt được điều này với những phương tiện sẵn có, và những phương tiện đáng được sử dụng. Các nhà báo phương Tây, ngập chìm trong những tầm thường chính trị mà họ đang sống cùng, có thể dán nhãn cho cách tiếp cận của ta là quá hợp hiến, hay quá mạo hiểm, cải lương, phản cách mạng, tư sản, cộng sản hay quá cánh tả hoặc cánh hữu. Nhưng đó là điều cuối cùng hấp dẫn chúng ta.

XII.
Một khái niệm vẫn luôn luôn là nguồn hiểu nhầm, cơ bản là vì nó được nhập khẩu vào hoàn cảnh của chúng ta từ những hoàn cảnh hoàn toàn khác, là khái niệm về đối lập. Đối lập thực sự là gì trong một hệ thống hậu toàn trị?
Trong các xã hội dân chủ với hệ thống nghị viện truyền thống, đối lập chính trị được hiểu như là một lực lượng chính trị trên bình diện quyền lực thực (thường thấy nhất là một chính đảng hoặc một liên minh các đảng phái) mà không phải là một phần của nhà nước. Nó cung cấp một cương lĩnh chính trị khác, nó có các tham vọng lãnh đạo, và nó được nhà nước nắm quyền thừa nhận và tôn trọng như là một thành tố tự nhiên của đời sống chính trị nước đó. Nó tìm cách mở rộng ảnh hưởng bằng các biện pháp chính trị, và cạnh tranh giành quyền lực trên cơ sở các quy định pháp luật đã được thừa nhận.
Cùng với hình thức đối lập này, còn tồn tại hiện tượng "đối lập ngoài nghị viện", cái mà cũng lại bao gồm các lực lượng ít nhiều được tổ chức trên bình diện quyền lực thực, nhưng vận hành ngoài những quy tắc được tạo ra bởi hệ thống, và thực thi các biện pháp khác với thông thường trong khung đó.
Trong các nền độc tài cổ điển, khái niệm đối lập chính trị được hiểu là các lực lượng chính trị cũng có cương lĩnh chính trị riêng. Họ hoạt động hoặc hơp pháp hoặc bên ngoài các giới hạn của tính hợp pháp, nhưng trong bất kì trường hợp nào họ cũng không thể cạnh tranh giành quyền lực trong những khuôn khổ các quy định được thỏa thuận trước. Hoặc khái niệm đối lập có thể được áp dụng với những lực lượng chuẩn bị cho một cuộc đối đầu bằng bạo lực với quyền lực thống trị, hoặc những người tự cảm thấy đã ở trong trạng thái đối đầu này, như là các nhóm du kích hoặc các phong trào giải phóng.

                                  (còn tiếp)
--------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét