Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Luật Dân sự còn nhiều rắc rối

                                                                           * NGỌC QUANG
"Nghe thì có vẻ đúng, nhưng mà sai rồi, thiếu tôn trọng Hiến pháp"!
Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi bàn về sửa đổi Luật Dân sự, tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội đang diễn ra.
Tại phiên làm việc sáng nay (22/9) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Theo Phó Thủ tướng, Bộ Luật dân sự hiện hành đã đáp ứng được các yêu cầu trong giai đoạn trước đây, tuy nhiên bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước thì đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có ba điểm nổi bật:
Thứ nhất, một trong những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, đặc biệt sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành là Nhà nước phải có cơ chế pháp lý để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân về dân sự. 

               Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
               "Luật của ta phải viết cho dân ta đọc"
Tuy nhiên, một số quy định của Bộ luật dân sự hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu này, như: Nhiều quy định về chủ thể, giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng, thừa kế còn thiếu tính khả thi, nguy cơ giao dịch bị tuyên bố vô hiệu hoặc bị hủy bỏ còn cao; Chưa thực sự có cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích của bên thứ ba ngay tình, của bên thiện chí, bên yếu thế trong quan hệ dân sự; Quyền của người không phải là chủ sở hữu chưa được quy định đúng với vai trò của họ trong nền kinh tế thị trường và trong việc phát huy giá trị hàng hóa của tài sản.
Thứ hai, Bộ luật dân sự chưa thể hiện được đầy đủ vai trò là luật chung của hệ thống luật tư. Trong mối quan hệ với các luật khác thuộc lĩnh vực dân sự thì về nguyên tắc Bộ luật dân sự phải là Bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung, thực hiện được đầy đủ ba chức năng là: Quy định những vấn đề cơ bản nhất, chung nhất có liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc đời sống dân sự; Định hướng cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động mang tính chuyên ngành, và khi các luật chuyên ngành không có quy định hoặc có quy định nhưng không rõ ràng thì các quy định của Bộ luật dân sự được áp dụng để điều chỉnh.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, Bộ luật dân sự hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu này, thể hiện ở chỗ, nhiều vấn đề cần phải quy định chung thì lại được quy định quá cụ thể và ngược lại, nhiều vấn đề cần phải quy định cụ thể thì lại được quy định chung chung; nhiều quy định chồng chéo với các luật chuyên ngành. 
Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, khi mà bên cạnh Bộ luật dân sự, đã và đang tồn tại ngày càng nhiều các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động đặc thù, như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật thương mại, Luật hôn nhân và gia đình, Luật sở hữu trí tuệ, Bộ luật lao động,… thì nhược điểm này lại càng thể hiện rõ. Kết quả là, Bộ luật dân sự và hệ thống văn bản pháp luật trong hệ thống luật tư chưa thể hiện được đầy đủ các yêu cầu đối với hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền, đó là: Tính ổn định, Tính khái quát, Tính hệ thống, Tính dự báo, Tính minh bạch.
Thứ ba, cấu trúc của Bộ luật dân sự có điểm chưa hợp lý về tính đồng bộ, tính hệ thống, tính logic giữa các phần và chế định của Bộ luật. Nhiều quy định được lặp lại giữa các phần và các chế định tạo ra những quy định không cần thiết; một số quy định không bảo đảm tính rõ ràng nên đã gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.
Những hạn chế, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả của Bộ luật dân sự nói riêng, pháp luật dân sự nói chung; chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự của người dân.
"Luật của ta phải viết cho dân ta đọc"
Trong phần thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ hai điểm cần lưu ý khi sửa Bộ Luật dân sự: Vấn đề thứ nhất là chú ý trong sử dụng từ ngữ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Ta phải viết cho dân ta đọc. Tòa án xét xử cũng là người Việt Nam. Những thuật ngữ như “vật quyền” hay “trái quyền” có phù hợp không? Nếu sửa ở Bộ Luật này thì sẽ phải sửa ở nhiều luật khác.
“Nếu nói là “vật quyền” thì lại phải có giải thích, mà ý nghĩa của nó suy cho cùng vẫn là quyền sở hữu tài sản như luật hiện hành. Vậy thì có nên sửa không? Tôi lấy thí dụ, trong Di chúc Bác viết: Tôi yêu cầu thi hài tôi phải được “đốt” đi chứ không viết thẳng là “hỏa táng”, mà sau đó mới mở ngoặc thêm chữ “hỏa táng”… Rồi cho xương tro vào lọ tìm một ngọn đồi mà “chôn”, chứ không nói “địa táng”... Tôi đề nghị các đồng chí lưu tâm đến vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nói
Vấn đề thứ hai là xây dựng luật phải bám sát Hiến pháp, luật phải cụ thể chứ không thể để có những chỗ viết khái quát còn hơn cả Hiến pháp.
“Đều là do các nhà làm luật bày ra cả cho nên bây giờ cải cách hành chính không được, đụng chỗ này là chạm, đụng chỗ kia là chạm, thời tôi còn công tác bên Chính phủ đã rà soát tìm ra đến 700 văn bản phải sửa đổi”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Dẫn chứng về những điểm chưa thống nhất cần làm rõ trong Bộ Luật dân sự (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, bảo đảm an toàn tại Điều 32. Nhưng đến khoản 2 thì lại mở ra là “trừ trường hợp thu thập sử dụng công khai thông tin điện tử cá nhân theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 
Mở một nhát như thế này thì biết là ông nào có thẩm quyền? Mà quyền công dân chỉ hạn chế theo quy định của luật, trong trường hợp quốc phòng an ninh, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Thế viết như vậy có vi phạm Hiến pháp không? Nghe thì có vẻ đúng lắm, nhưng mà sai rồi, thiếu tôn trọng Hiến pháp. 
Luật dân sự là nói về sự sống của dân, nói về các quan hệ để đảm bảo sự sống của dân, cho nên phải rõ”.
Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói thẳng: "Tôi đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật là phải xem lại một số thuật ngữ như "vật quyền, trái quyền" và nhiều thuật ngữ khác. "Quyền sở hữu tài sản" đang rất hay thì sao lại đổi thành "vật quyền"? Tôi chẳng hiểu, mà nhiều người khác cũng không hiểu. Tôi cũng rất muốn có gì mới nhưng đây không phải cái mới, đây không phải tiếng Việt. Tôi đề nghị phải Việt hóa để mọi người dân đọc thấy dễ hiểu".
Cùng quan điểm trên, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng thời chỉ ra thêm một số điểm cần phải làm rõ vì Bộ Luật Dân sự có liên quan tới nhiều luật khác: "Tại Điều 9 viết: "Đồng bào các dân tộc thiểu số được tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ dân sự để từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần". Tôi không hiểu viết như thế này là được tạo điều kiện gì, để nâng cao đời sống? Thứ hai là giúp đỡ người già, trẻ em tàn tật trong việc thực hiện nhiệm vụ dân sự thì như thế nào? Tôi đề nghị xem lại là trên thực tế thực hiện thế nào, hay là chỉ nêu ra cho hay.
Điều 20 nói về việc hạn chế hành vi dân sự: "Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác phá tán tài sản gia đình, theo yêu cầu của người có liên quan thì tòa án có quyền tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự". Tôi cảm thấy nghi ngờ về quy định này, vì chỉ cần đọc Luật xử lý vi phạm hành chính thôi thì điều này cũng không áp vào được rồi. Tôi đề nghị phải xem lại một số điều trong Bộ luật sửa đổi vì viết còn khái quát hơn cả Hiến pháp và quy định hẹp hơn Hiến pháp".
NQ/GDVN
-------------

6 nhận xét:

  1. Ông viết kiểu gì vậy ông Ngọc Quang ? có luật đâu mà rắc với rối chứ ? - một rừng luật,luật gì cũng có,nhưng khi áp dụng thì "luật rừng" nghĩa là không có gì,tùy tiện muốn sao thì muốn !

    Trả lờiXóa
  2. Chữ vật quyền dễ lầm là cùng bộ với hổ quyền, hầu quyền, côn quyền, kiếm quyền...
    Nói quyền sở hữu tài sản thì dài dòng, nói vật quyền gọn hơn.
    Hoả táng là tiếng Việt "hiện đại" (dù có pha Hán). Cụ Hồ nói tôi chết thì đốt đi... thì được. Dân nói đem đốt cụ là thất thố, kể cả ý là đốt xác. Bố chết, không ai nói hoả táng bố là đốt bố.
    Cụ Hồ nói bộ đội gái là thân mật. ông sinh Hùng mà nói đại biểu gái là không ổn.
    Dẫn văn viết, văn nói của cụ để ứng dụng cho văn phong luật không đơn giản, chân quê như ông Hùng nghĩ đâu. Cụ Hồ mặc quần ta tiếp tây là thân tình, ông Hùng mà đóng bộ âm lịch tiếp khách nước ngoài là không hiểu gì về ngoại giao.
    Làm luật để dân đọc cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải là để dân thấy luật là luật của mình, vì mình, chứ không phải của ai, vì ai. Có tranh luận là tranh luận ý đó, không phải tranh cãi về từ ngữ, chính tả.

    Trả lờiXóa
  3. Tin lời hói bán thóc giống không kịp

    Trả lờiXóa
  4. Ông Sinh Hùng nói chỗ này hay quá,cực kỳ hay ,đồng ý 2 tay 2 chân luôn,"LUẬT CỦA TA PHẢI VIẾT CHO DÂN TA ĐỌC",chính xác,chỉ để đọc chơi thôi,chứ đâu có áp dụng => do vậy mới có hiện tường "luật rừng" ở nước ta,nghĩa là không có luật gì hết,quan tòa tùy tiện muốn sao thì muốn - cụ thể,giêt người kêu án 4 năm ( Hà Nội ),thậm chí không bị gì hết (Tuy Hòa/Phú yên), trong khi đó một tội nhỏ và mơ hồ không chính xác như tội trốn thuế,gây rối trật tự công cộng bị 4,5 năm tù v v và v v ! Hay,đất nước tôi hôm nay thật sự VĂN MINH VÀ CÔNG BÌNH !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với cái lão SH đấy, tôi lúc nào cũng đồng ý 2 tay 3 chân với hắn! Hắn ta cứ nói như một thằng bất mãn chế độ, chứ không phải người đứng đầu QH! Từ đó, hắn đếch làm cái gì hết cho nhân dân (trừ những thứ mà chúng ta dư biết...)! Chó chết!

      Xóa
  5. Lại bịp bợm rồi , "Luật của ta phải viết cho dân ta đọc" nghĩa là chỉ đọc thôi, kg còn quyền gì khác nữa và rồi họp lên họp xuống , sửa tới sửa lui , rồi tít mù nó lại như cái đèn cù thôi , đúng là tin mấy tay này thì "bán thóc giống không kịp" !

    Trả lờiXóa