(tiếp theo) … Những năm trong giai đoạn giữa Mác và Lenin, chủ
nghĩa tư bản đã trải qua một sự thay đổi to lớn. Mác đã viết về Chủ nghĩa tư
bản chủ yếu là ở Tây Âu, một nền kinh tế đóng sẽ ngừng phát triển khi gặp phải
những cản trở.
Tuy nhiên, giữa những năm 1870 và 1914, chủ nghĩa tư bản đã trở
thành một hệ thống kinh tế mở toàn cầu phát triển mạnh và có trình độ kỹ thuật
cao. Trong thời kỳ của Mác, sự kết nối chủ yếu của nền kinh tế phát triển chậm
chạp lúc đó chủ yếu thông qua thương mại. Tuy nhiên, sau năm 1870 sự xuất khẩu
tư bản với quy mô lớn của Anh và sau đó là của nhiều quốc gia phát triển khác
đã làm thay đổi nền kinh tế thế giới; đầu tư nước ngoài và tài chính quốc tế đã
thay đổi sâu sắc các mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa các xã hội. Hơn nữa,
chủ nghĩa tư bản của Mác chỉ bao gồm các nhà máy công nghiệp nhỏ và canh trạnh
nhau. Tuy nhiên, đến thời của Lenin, các tập đoàn công nghiệp lớn do giới tư
bản ngân hàng kiểm soát đã chế ngự nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Đối với Lenin,
việc kiểm soát tư bản bằng tư bản, có nghĩa là việc tư bản công nghiệp bị kiểm
soát bởi tư bản tài chính, chính là giai đoạn phát triển tột cùng của chủ nghĩa
tư bản.>> Ba tư tửng…Phần 1; Phần 2 ; Phần 3
Lenin cho rằng chủ nghĩa tư bản đã thoát khỏi ba quy
luật thông qua chủ nghĩa đế quốc ở hải ngoại. Việc chiếm thuộc địa đã tạo điều
kiện cho nền kinh tư bản tiêu thụ được những sản phẩm dư thừa, thu được các
nguồn tài nguyên rẻ và giải phóng thặng dư tư bản. Việc khai thác các thuộc địa
này gia tăng thặng dư kinh tế mà các nhà tư bản có thể dùng để mua chuộc lãnh
đạo (các công nhân quý tộc) của chính giai cấp vô sản trong nước. Ông cho rằng,
chủ nghĩa đế quốc thuộc địa đã trở thành một đặc điểm cần thiết của chủ nghĩa
tư bản tiên tiến. Khi lực lượng sản xuất phát triển và trưởng thành, nền kinh
tế tư bản phải bành trướng ra nước ngoài, chiếm thuộc địa, nếu không sẽ vấp
phải trì trệ kinh tế và các cuộc cách mạng bên trong. Lenin chỉ ra sự mở rộng
cần thiết này của chủ nghĩa tư bản cuối cùng sẽ dẫn đến sự suy tàn của hệ thống
tư bản chủ nghĩa quốc tế.
Bản chất của lập luận của Lenin là chủ nghĩa tư bản
quốc tế đã làm thế giới phát triển, nhưng phát triển không đồng đều. Các nền
kinh tế tư bản riêng rẽ phát triển ở những trình độ khác nhau và sự phát triển
sức mạnh quốc gia khác nhau này là nguyên nhân của chủ nghĩa đế quốc, chiến
tranh, và sự thay đổi chính trị quốc tế. Đáp lại những ý kiến của Kautsky cho
rằng các nhà tư bản quá lý trí nên không thể đánh nhau vì các thuộc địa và có
thể liên kết với nhau cùng bóc lột các nhân dân thuộc địa, Lenin nói rằng điều
này là không thể do “quy luật phát triển không đồng đều”.
Vấn đề này (khả năng liên minh lâu dài và không xung
đột với nhau của các nhà tư bản) cần phải được nói rõ ràng để không ai có thể
đồng ý với khả năng đó, bởi không có cơ sở nào giúp chủ nghĩa tư bản có thể
phân chia khu vực ảnh hưởng rõ ràng hơn là sự tính toán sức mạnh của những
người tham gia vào sự phân chia đó, như sức mạnh tổng hợp về kinh tế, tài chính
và quân sự. Và sức mạnh của những nước tham gia vào sự phân chia này không thay
đổi để đạt mức cân bằng, bởi vì dưới chế độ tư bản, sự phát triển các nhà máy,
các tập đòan và các ngành công nghiệp, hay các quốc gia không thể đồng đều
nhau. Nửa thế kỷ trước, nếu nhìn vào sức mạnh tư bản, Đức là một quốc gia
nghèo, không có sức ảnh hưởng nếu so với sức mạnh của Anh tại lúc đó. Nhật Bản
cũng là một quốc gia kém quan trọng khi so sánh với nước Nga. Và liệu có thể
cho rằng trong vòng mười hay hai mươi năm sức mạnh tương đối của các cường quốc
đế quốc vẫn không thay đổi hay không? Điều này là hoàn toàn không thể (Lenin,
1917).
Trên thực tế, trong đoạn văn vừa rồi cũng như trong nỗ
lực của ông nhằm chứng minh rằng hệ thống chủ nghĩa tư bản quốc tế chứa đựng
những yếu tố nội tại không ổn định, Lenin đã bổ sung một quy luật thứ tư vào ba
quy luật của Mác về chủ nghĩa tư bản. Quy luật này là khi nền kinh tế tư bản
trưởng thành, khi tư bản được tích lũy và lợi nhuận giảm, các nền kinh tế tư
bản buộc phải chiếm thuộc địa và tạo ra sự phụ thuộc để có được thị trường, nơi
đầu tư và nguồn nhập khẩu thực phẩm và các nguyên liệu thô. Trong khi cạnh
tranh với nhau, các nước này phân chia thuộc địa tùy theo sức mạnh tương đối
của mình. Do đó, nền kinh tế tư bản phát triển nhất, ví dụ như Anh, có được
phần thuộc địa nhiều nhất. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế khác phát triển, họ
tìm cách chia lại thuộc địa. Mâu thuẫn đế quốc này sẽ dẫn đến các cuộc đấu
tranh vũ trang không thể tránh khỏi giữa các đế quốc đang nổi lên và các đế
quốc đang suy tàn. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, theo như những phân
tích này là cuộc chiến tranh nhằm chia lại lãnh thổ giữa đế quốc đang suy tàn
là Anh và các cường quốc đang nổi lên khác. Ông cho rằng các cuộc chiến tranh
phân chia thuộc địa như vậy sẽ tiếp tục, tới khi các vùng thuộc địa công nghiệp
và giai cấp vô sản của các nước tư bản nổi dậy chống lại hệ thống này.
Xét một cách tổng thể, Lenin lập luận rằng vì nền kinh
tế tư bản phát triển và tích lũy tư bản với những tốc độ khác nhau, một hệ
thống tư bản quốc tế không bao giờ ổn định lâu dài. Đối lập lại với những quan
điểm của Kautsky, Lenin cho rằng tất cả các liên minh tư bản đều là tạm thời và
phản ánh cân bằng quyền lực nhất thời giữa các nước tư bản vốn cuối cùng cũng
sẽ bị suy yếu bởi quy luật phát triển không đều. Và điều này sẽ dẫn đến cuộc
xung đột giữa các nước tư bản để giành thuộc địa.
Quy luật phát triển không đồng đều, với những kết cục
mang tính định mệnh của nó, đã được chứng minh trên hiện thực trong thời đại
của Lenin vì thế giới bỗng nhiên trở nên có hạn, bản thân quả địa cầu trở thành
một hệ thống đóng. Trong nhiều thế kỷ các cường quốc tư bản Châu Âu đã bành
trướng, xâm chiếm các lãnh thổ nước ngoài, nhưng các cường quốc đế quốc cũng
ngày càng giao thiệp với nhau nhiều hơn và do đó sẽ xung đột với nhau khi mà
các vùng đất có thể biến thành thuộc địa giảm đi. Lenin tin rằng bi kịch cuối
cùng sẽ là sự phân chia Trung Quốc giữa các đế quốc, và với sự khép lại của các
vùng đất có thể làm thuộc địa, tranh chấp giữa đế quốc sẽ ngày càng khốc liệt.
Cùng lúc đó, mâu thuẫn giữa các các cường quốc đế quốc sẽ đưa đến các cuộc nổi
loạn của chính các thuộc địa và làm suy yếu sự áp bức của chủ nghĩa tư bản
phương Tây đối với các dân tộc bị bóc lột trên toàn cầu.
Việc quốc tế hóa chủ nghĩa Mác của Lenin thể hiện một
sự biến chuyển quan trọng. Theo những chỉ trích của Mác đối với chủ nghĩa tư
bản, nguyên nhân của những suy thoái bắt nguồn từ kinh tế, chủ nghĩa tư bản sẽ
thất bại vì những lý do kinh tế khi những người vô sản nổi dậy chống lại sự bần
cùng hóa. Hơn nữa, Mác đã chỉ ra những chủ thể chính trong những bi kịch này là
các giai cấp xã hội. Tuy nhiên, Lenin đã thay thế những chỉ trích chính trị đối
với chủ nghĩa tư bản mà theo đó các chủ thể chính trên thực tế đã trở thành các
quốc gia thương mại tranh giành nhau nguồn lực kinh tế. Mặc dù chủ nghĩa tư bản
quốc tế đã thành công về mặt kinh tế, Lenin cho rằng hệ thống này không ổn định
và tạo nên một hệ thống chiến tranh. Công nhân hay giới lao động quý tộc ở các
nước tư bản phát triển tạm thời chia sẻ sự bóc lột các dân tộc thuộc địa nhưng
cuối cùng sẽ phải trả giá cho những lợi ích kinh tế đó trên chiến trường. Lenin
tin tưởng rằng mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản nằm ở những mâu thuẫn
giữa các quốc gia hơn là sự đấu tranh giai cấp. Chủ nghĩa tư bản sẽ tiêu vong
do sự nổi dậy chống lại xu hướng hiếu chiến cố hữu của chủ nghĩa tư bản cũng
như các hậu quả chính trị của quá trình đó.
Tóm lại, Lenin cho rằng sự mâu thuẫn bên trong của chủ
nghĩa tư bản là chủ nghĩa tư bản phát triển thế giới nhưng đồng thời ươm những
hạt mầm chính trị của sự hủy diệt chính nó thông qua quá trình phổ biến công
nghệ, các nghành công nghiệp và sức mạnh quân sự. Nó tạo ra các đối thủ cạnh
tranh ở nước ngoài với mức lương và mức sống thấp hơn, vốn có thể cạnh tranh
thắng lợi với những nền kinh tế áp đảo trước đây trên thị trường thế giới. Sự
gia tăng cạnh tranh kinh tế và chính trị giữa các cường quốc đang nổi lên với
các cường quốc đang suy tàn dẫn đến các cuộc xung đột kinh tế, tình trạng đối
đầu, và cuối cùng là chiến tranh. Ông cho rằng nhận định này đã từng là số phận
của nền kinh tế tự do mà Anh là trụ cột trong thế kỷ 19. Ngày nay Lenin sẽ cho
rằng khi nền kinh tế Mỹ suy thoái, một số phận tương tự sẽ đe dọa trật tự kinh
tế tự do của thế kỷ 20 mà Mỹ là trụ cột.
Với thắng lợi của chủ nghĩa Bolshevic ở Liên Xô, lý
thuyết của Lenin về chủ nghĩa đế quốc tư bản trở thành lý thuyết Mác xít chính
thống về kinh tế chính trị quốc tế; dẫu vậy những người kế thừa khác của Mác
vẫn tiếp tục thách thức ý tưởng chính thống này. Lý thuyết này cũng đã được
chỉnh sửa do những biến đổi về bản chất của chủ nghĩa tư bản cũng như những sự
thay đổi lịch sử khác. Chủ nghĩa tư bản với nhà nước phúc lợi đã tiến hành
nhiều cải cách mà Lenin tin là không thể xảy ra, sự cai quản về mặt chính trị
các vùng thuộc địa không còn được các nhà Mác xít xem là một đặc điểm quan
trọng chủ nghĩa đế quốc, tư bản tài chính của thời Lenin đã bị thay thế một
phần bởi các công ty đa quốc gia, và quan điểm cho rằng chủ nghĩa đế quốc tư
bản làm cho các quốc gia kém phát triển trở nên phát triển hơn đã được thay thế
bằng những lập luận ngược lại. Và một số nhà Mác xít còn đi xa hơn khi áp dụng
những lý thuyết của Mác vào nước Nga Xô Viết, một tác phẩm chính trị của Lenin.
Vì vậy dù có thay đổi, vào cuối thế kỷ 20, chủ nghĩa Mác dưới các dạng biểu
hiện khác nhau vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và vẫn là một trong ba tư tưởng
quan trọng về kinh tế chính trị.
Đánh giá ba
quan điểm
Như chúng ta đã thấy, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa dân
tộc và chủ nghĩa Mác có những giả định khác nhau và đi đến những kết luận mâu
thuẫn nhau về bản chất và hậu quả của nền kinh tế thị trường thế giới, hay như theo
cách Mác vẫn ưa dùng là nền kinh tế tư bản thế giới. Quan điểm của cuốn sách
này là những quan điểm hay học thuyết trái ngược này là những cam kết về mặt
học thuật và được xây dựng dựa trên những niềm tin khác nhau. Mặc dù một số ý
tưởng hay lý thuyết gắn liền với một lập trường nào đó có thể tỏ ra là không
đúng hoặc đáng ngờ, những quan điểm này không thể được chứng minh đúng hay sai
bằng các lập luận logic hay các bằng chứng dựa trên thực tế trái ngược. Có
nhiều lý do lý giải cho sự tồn tại lâu bền của ba quan điểm trên cũng như khả
năng miễn nhiễm của chúng trước các kiểm chứng mang tính khoa học.
Thứ nhất, chúng được dựa trên những giả định về con người và
xã hội do đó không phải là đối tượng của kiểm tra thực chứng. Ví dụ, khái niệm
về con người lý trí của chủ nghĩa tự do không thể chứng minh là đúng hoặc sai;
các cá nhân có vẻ hành động trái với các lợi ích của mình thực ra có thể hành
động dựa trên các thông tin sai lệch hoặc đang tìm cách để tối đa hóa một mục
đích mà người quan sát không biết và do đó thõa mãn giả định cơ bản của chủ
nghĩa tự do. Hơn nữa, các nhà tự do sẽ lập luận rằng mặc dù một cá nhân cụ thể
trong một trường hợp cụ thể có thể xem như là hành động một cách không lý trí,
nhưng nhìn tổng thể giả định về tính lý trí là đúng…
(còn nữa)
----------------
Có những ý kiến guếc luệc muốn rằng ai đó phải làm Tổng Thống VN? Có suy thoái không, có phản động không? Người ta đang theo đảng tới cùng, luôn chấp hành nhiệm vụ của đảng, dù các đồng chí nhớn khác nói "XYZ phá hoại, từ chức đi!"
Trả lờiXóaĐang chờ đọc nốt phần cuối
Trả lờiXóađể đánh giá tổng kết, túm váy luôn một thể