Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

CỎ XANH – HỒN CÁC ANH XANH

             Lời ru làm hiện lên hình ảnh người chiến sĩ năm nào xuyên rừng lội suối, reo vui với mỗi bước quân hành. Ở nơi nhiều cỏ ít hoa này, hồn thiêng tử sĩ vẫn khát khao hơi ấm của đồng đội, khát khao khói nhang giữa rừng già hoang vắng.
Ta như thấy đâu đây các anh vẫn đang đi “rung lá ngụy trang” với gió đèo. Các anh vẫn nằm ngủ giữa bạt ngàn rừng xanh Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên hay bên kia biên giới nước bạn Lào, Campuchia?
LỜI RU NGỌN CỎ
                            * Bùi Văn Bồng
       Cỏ xanh bên mộ khẽ ru
 À ơi! Rừng đã vào thu lá vàng
      Dấu chân quy tập muộn màng
Mộ còn nằm với cỏ hoang rừng già

       Nơi đây nhiều cỏ ít hoa
 Hãy say giấc ngủ như là tuổi xanh.
     Bao năm vững bước quân hành
 Lá rừng vẫy gió rung cành ngụy trang

     Giờ đây giữa cánh rừng hoang
Hồn thiêng khao khát khói nhang trong chiều
     Nắng xiên xiên, gió xiêu xiêu
Để cho lá cỏ xanh theo hồn người.

       Mùa thu đầy lá vàng rơi
 Mùa đông trắng xóa chân trời sương giăng
      Hồn thiêng gọi lá thắm rừng
Giọt sương mai cũng đọng ngưng nỗi niềm

       Đọng ngưng từng hạt sương rơi
Là khi lá cỏ gọi đời lên xanh
      Người hy sinh, đất hồi sinh
Trái tim hoá ngọc lung linh đất trời.

        Lời ru ấm nắng.  Người ơi!
  Dù là ngọn cỏ tận nơi cuối trời
       Thương đau ru đến muôn đời
  Và xanh, xanh mãi để lời ru êm

        Cho dù ai đó lãng quên
   Thì đây cỏ biếc vẫn bên mộ người.
                                              BVB
Nụ cười chiến sĩ dưới chân thành cổ Quảng Trị
            Lời bình của Lê Xuân:   
CỎ XANH – HỒN CÁC ANH XANH
* LÊ XUÂN
Tập thơ "Lời ru ngọn cỏ"
- NXB Hội Nhà văn - 2009
        Ngày thương binh-liệt sĩ lại đến, tôi nghĩ về biết bao chiến sĩ đã ngã xuống cho Độc lập- Tự do mà nay vẫn còn nằm lại với cỏ cây rừng già nơi chiến trường năm xưa dãi dầu mưa nắng. Hình như có một nhịp cầu nối linh cảm của tôi với các anh khi bắt gặp bài thơ Lời ru ngọn cỏ của nhà thơ, nhà báo quân đội: Đại tá Bùi Văn Bồng. Và tôi muốn mượn bài thơ này làm một nén tâm nhang tưởng nhớ người thân, bạn bè và các anh đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
       Cùng với Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh,  Huy Trụ,Trịnh Anh Đạt..  thì Bùi Văn Bồng là một trong những người con của xứ Thanh viết lục bát nhuần nhụy và tự nhiên như hương đồng gió nội. Là một người lính đã từng gắn bó nhiều với rừng với cỏ, nên hình tượng “cỏ” cứ ám ảnh, cứ trăn trở ở nhiều bài thơ của Bùi Văn Bồng. Nào là “Cỏ tràn xanh thương nhớ với đời”, “Cỏ níu lại ấm nồng giọt nắng”, “Cỏ xanh da diết chiều mây trắng”, “Hoa cỏ ánh lên bảy sắc cầu vồng” (Bảy sắc cầu vồng). Nào là “Lòng nhớ quê rối bời rau cỏ” (Hoa muống làng quê), “Khói hương trong gió cỏ rưng rưng” (Thiếu phụ ngõ vắng), hay “Bâng khuâng đồi cỏ héo hon” (Cánh rừng năm ấy đâu rồi)... Nhưng hồn cỏ lung linh nhất, máu thịt nhất, vẫy gọi và hát ca nồng thắm nhất kết tinh lại ở Lời ru ngọn cỏ – một bài thơ có tứ độc đáo. Cỏ được nhân hóa làm lời ru vỗ yên giấc ngủ ngàn năm của người lính dưới mộ:
                                                 Cỏ xanh bên mộ khẽ ru
                                           À ơi! Rừng đã vào thu lá vàng
                                                 Dấu chân quy tập muộn màng
                                          Mộ còn nằm với cỏ hoang rừng già.
      Hai câu lục bát mở đầu được ngắt theo nhịp  4/2, 4/4 như lời thầm thì, khe khẽ của cỏ theo bước chân nhẹ nhàng của những động đội đi tìm mộ các anh. Không gian mở ra ở cánh rừng già biên giới, thời gian khép lại trong ánh chiều thu gợi buồn. “cỏ hoang” và “rừng già” đã bao năm chở che anh trong lòng đất Mẹ. Cỏ đã hát lời ru :
                                                Nơi đây nhiều cỏ ít hoa
                                        Hãy say giấc ngủ như là tuổi xanh
                                                Bao năm vững bước quân hành
                                         Lá rừng vẫy gió rung cành ngụy trang
                                              Giờ đây giữa cánh rừng hoang
                                      Hồn thiêng khao khát khói nhang trong chiều.
       Lời ru làm hiện lên hình ảnh người chiến sĩ năm nào xuyên rừng lội suối, reo vui với mỗi bước quân hành. Ở nơi nhiều cỏ ít hoa này, hồn thiêng tử sĩ vẫn khát khao hơi ấm của đồng đội, khát khao khói nhang giữa rừng già hoang vắng. Ta như thấy đâu đây các anh vẫn đang đi “rung lá ngụy trang” với gió đèo. Các anh vẫn nằm ngủ giữa bạt ngàn rừng xanh Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên hay bên kia biên giới nước bạn Lào, Campuchia? Tác giả đã tạo được mối giao cảm giữa những người đang sống và hồn các anh đã khuất trong cảnh chiều thu :
                                             Nắng xiên xiên, gió xiêu xiêu
                                        Để cho lá cỏ xanh theo hồn người.
      Các từ láy “xiên xiên”, “xiêu xiêu” làm cho câu thơ nên họa, nên nhạc và mang được điểm sáng thẩm mỹ của cả bài, làm thấp thoáng trước mắt ta hồn thiêng các chiến sĩ đang phiêu diêu nơi trần thế. Cái ánh vàng “xiên xiên” khi chiều sắp tắt và ngọn gió “xiêu xiêu” mở ra một cõi mộng giữa cõi thực, như có sự thần giao cách cảm giữa hai cõi âm dương. Dưới cảm quan nghệ thuật của nhà thơ, cỏ vẫn xanh theo hồn người, chứ không “Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” như cỏ trên mộ Đạm Tiên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cỏ xanh, hồn các anh xanh? Đó là sự bất tử. Màu xanh của cỏ làm ta gợi nhớ đến màu xanh áo lính, một màu xanh chắc khỏe, bền đẹp. Trong nắng chiều sắp tắt, sương đang rơi, nhưng người đọc lại cảm thấy ánh lên sự kỳ diệu của con tim phát sáng :
                                              Đọng ngưng từng hạt sương rơi
                                       Là khi lá cỏ gọi đời lên xanh
                                             Người hy sinh đất hồi sinh
                                        Trái tim hóa ngọc lung linh đất trời.
        Lối tiểu đối bằng lặp từ “người hy sinh/ đất hồi sinh” một lần nữa khẳng định sự bất tử của hồn thiêng người lính. Sự hy sinh của các anh là một sự bồi đắp, hồi sinh cho dân tộc. Chất ngọc đáng quý được kết tinh từ máu của người chiến sĩ như ánh sáng mặt trời, như trăng sao không bao giờ tắt. Nhà thơ Bùi Văn Bồng cùng “đồng điệu” với nhà thơ Tố Hữu khi viết về sự bất tử của con người qua hình ảnh “trái tim”. Trong bài “Mẹ Tơm”, Tố Hữu viết: “Sống trong cát chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời”.
       Lời ru là nắng ấm,  là tiếng lòng thương yêu, thổn thức, ngậm ngùi đến muôn đời của những người đang sống gửi tới các anh.
                                             Lời ru ấm nắng.  Người ơi!
                                     Dù là ngọn cỏ tận nơi cuối trời
                                           Thương đau ru đến muôn đời
                                       Và xanh, xanh mãi để lời ru êm.
    Kết thúc bài thơ là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu sắc đối với những ai chưa làm tròn bổn phận đối với các liệt sĩ:
                                             Cho dù ai đó lãng quên
                                    Thì đây cỏ biếc vẫn bên mộ người.
       Ngọn cỏ làng quê ngày đêm ru hồn các liệt sĩ trong các cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Bài thơ gợi trong ta một nỗi buồn man mác nhưng không bi lụy. Hồn thơ đi vào lòng người, làm toát lên niềm thương cảm và biết ơn của mỗi chúng ta với các liệt sĩ. Âm hưởng lạc quan và bi tráng là nét nhạc chủ đạo toát lên ở mỗi vần thơ của anh. Cỏ trong thơ Bùi Văn Bồng là màu xanh bất tận, là sự chở che, là tiếng ru vỗ về các liệt sĩ, là màu xanh bất tử của Việt Nam  Cỏ xanh – hồn các anh xanh, dù trải biết bao thăng tràm thời cuộc, đất nước gian nguy, nhan tâm bất định, nhung các anh vẫn mãi mãi tuổi xanh trên mọi hành trình của dân tộc, sống mãi trong lòng biết bao thé hệ hôm nay và mai sau.
                     L.X
----------------

22 nhận xét:

  1. Thanh Hoanh Nguyễnlúc 19:07 26 tháng 7, 2014


    bài thơ rất có ý nghĩa ,tôi rất xúc động nhớ về một thời oanh liệt của dân tộc,thời kì mà tuổi trẻ chúng ta ra đi không tiếc máu xương

    Trả lờiXóa
  2. "Giờ đây giữa cánh rừng hoang
    Hồn thiêng khao khát khói nhang trong chiều
    Nắng xiên xiên, gió xiêu xiêu
    Để cho lá cỏ xanh theo hồn ngườ"i.
    > Những câu thơ rất sâu sắc, lắng đọng. Đọc mà thấy cay cay khóe mắt. Đau đời. Tác giả đã viết ra từ gan ruột. Liệt sĩ chỉ cần một nén hương mà cũng không có. Nằm lại giữa rừng hoang, chỉ có ngọn cỏ là "thấu hiểu". Những kẻ lãng quên nỗi đau mất mát của dân tộc đúng là thấp hơn ngọn cỏ:
    "Cho dù ai đó lãng quên
    Thì đây cỏ biếc vẫn bên mộ người."
    Xin phép nhà thơ cho chép bài thơ này.

    Trả lờiXóa
  3. Bài thơ hay, xúc động, hình tượng thơ với từ ngữ đắt, chọn lọc. Nhà phê bình Lê Xuân bình rất thấm thía, lắng đọng.

    Trả lờiXóa
  4. Anh trai tôi,hy sinh năm 1968 hiện còn đang nằm lại trong bài thơ của Đại ta BVB.
    Nhân ngày 27-7, đọc bài của bác tôi thương anh mình và bao chiến sĩ đã hy sinh còn nằm lại nơi chiến trường xưa
    Cảm ơn ông đã chia sẻ!
    chỉ

    Trả lờiXóa
  5. Có khi do trách nhiệm, có khi do lãng quên. Người đi tìm mộ khóc hết nước mắt, gian nan, cơ cực, mà nấm mộ liệt sĩ vẫn bị chìm lấp giữa cỏ hoang rừng già. Để rồi, chỉ còn:
    "Nắng xiên xiên, gió xiêu xiêu
    Để cho lá cỏ xanh theo hồn người"

    Trả lờiXóa
  6. Ôi, cảm động thay những hy sinh to lớn của người chiến sĩ Việt Nam cho lý tưởng Cộng Sản, trong công cuộc giải phóng đất nước khỏi ách kềm kẹp của Mỹ-Ngụy, đánh Mỹ cho Trung Quốc tới thắng lợi cuối cùng, để cả nước tiến lên chủ nghĩa Xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh!

    Đáp lời Đảng gọi, chúng ta nguyện hy sinh tới người Việt Nam cuối cùng cho lý tưởng Cộng Sản, cho công cuộc giải phóng thế giới để cùng đi lên chủ nghĩa Xã hội .

    Trả lờiXóa
  7. Biết bao máu xương của nhân dân, và con em họ đổ xuống để bây giờ "Bộ phận lớn " lãnh đạo các cấp khoác áo đảng, nhân daanh cộng sản, tham lam vô độ, tham nhũng tràn lan, suy thoái, biến chất, ăn vào máu xương ấy, làm mất ý nghĩa truyền thống hào hùng của dân tộc, chỉ cốt để vinh thân phì gia, cá nhân chủ nghĩa , phản bppji đảng, phản bội nhân dân.

    Trả lờiXóa
  8. Thế hệ hậu sinh sau chiến tranh chúng tôi , xin thắp nén hương lòng tưởng niệm những người con đất Việt đã ngã xuống trong cuộc nội chiến N -B .
    Xin chia sẻ nỗi đau của các gia đình có người con đã ngã xuống trên mảnh đất hình chữ S này .
    Bên thắng cuộc hay bên thua cuộc , các anh đều là người con đất Việt , là con của mẹ Âu cơ , là anh em một nhà , là gà cùng một mẹ .
    Mong một ngày nào đó chúng ta sẽ có ngày tưởng niệm chung cho các anh , không phân biệt chiến tuyến ,có như vậy mới san lấp được hố sâu ngăn cách lòng người .
    Như cố thủ tướng V.V Kiệt nói ; ngày 30/4 có hàng triệu người vui thì cũng có hàng triệu người buồn .

    Trả lờiXóa
  9. ...chúng ta nên đọc lạ bài 'NGƯỜI CÔNG SẢN VÀ NHÀ NGOẠI CẢM ' để thấy sụ hi sinh xương máu của dân tộc VN-đánh Mĩ là đánh cho LX TQ...? và cais ác cùng sự láu cá ăn cháo đái bát của bọn hậu CS?
    NGLUY

    Trả lờiXóa
  10. Nguyễn Văn Ngọclúc 04:28 27 tháng 7, 2014

    Tôi xin phép Nhà Thơ, Nhà Văn Quân Đội, nguyên ĐẠI TÁ BÙI VĂN BỒNG,
    được trích ba khổ thơ đầu làm ba nén hương thắp bên nấm mộ vọng tưởng, nhân ngày ngày giỗ LIỆT SỸ 27 tháng 7.

    Bác ruột tôi, tên thường gọi là ông Xã, trưởng tộc giòng họ của tôi. Bác Xã theo nghiệp các cụ, làm ruộng, suốt đời ở quê một vùng chiêm trũng ven sông Hồng. Ông nội tôi cho người con trai thứ hai, là bố của tôi, ra Hà Nội lập nghiệp từ khi còn bé; bác Xã làm theo bố mình, cho người con trai thứ hai ra Hà Nội ăn học, anh tốt nghiệp một trường Kỹ thuật và được về nhận công tác tại một nhà máy của Hà Nôi. Sau một năm làm việc tại nhà máy, anh là người gương mẫu, được lãnh đạo và các cán bộ công nhân viên nhà máy quí mến. Đầu năm thứ hai công tác, vào dịp giáp Tết âm lịch năm ấy, anh cưới vợ; chị dâu tôi là người cùng làm việc trong nhà máy với anh. Cưới nhau được hơn tháng, anh nhận quyết định nhập ngũ đi B. Vợ anh báo đã có thai, khi ra đi anh dặn lại: " Nếu đẻ con trai, thì đặt tên là NAM THẮNG để kỷ niệm đi Nam chiến thắng trở về; nếu đẻ con gái, thì đặt tên là KIM DUYÊN để kỷ niệm quê hương yêu dấu." Cháu THẮNG sinh ra và lớn lên trong khu tập thể nhà máy, được các cô các bác trong khu tập thể và trong lãnh đạo nhà máy đùm bọc.

    Cháu THẮNG tròn ba tuổi, nhà máy nhận được giấy báo tử của anh tôi. Ngày nhà máy tổ chức lễ truy điệu, hai bác và các anh chi ở quê và chúng tôi đang ở Hà Nội đều đến dự đông đủ. Trong lễ truy điệu, bác gái và chị dâu tôi, khóc liên hồi đến ngất. Cháu THẮNG vấn khăn tang, thấy mẹ khóc cháu cũng khóc theo...Cháu lớn khôn dần, được nuôi dạy chu đáo; khi lên đến cấp ba, cháu vào học trường tôi đang dạy, cháu được xếp vào lớp chọn. Cháu thi tốt nghiệp đạt loại giỏi và được cử sang LIÊN XÔ học. Khi tốt nghiệp về nước, cháu được nhận công tác tại một bộ có uy tín. Hiện nay cháu lấy vợ người miền Nam, và đang là một doanh nhân lớn.

    Bác Xã gái của tôi, từ ngày được tin con mất ở trong Nam, Bác đã nhiều lần đến các cơ quan quân sự của Tỉnh, Thành, Bộ để hỏi về địa điểm con hy sinh và nơi đặt hài cốt của con. Hai chục năm ròng, mỗi năm vài tháng,
    với bàn chân đất có hai ngón cái giao chỉ, với cái bị cói khoác bên vai, bác đi khắp nơi tìm mộ con; theo các cơ quan hướng dẫn và mọi người mách bảo, bác đều nghe, đều tin và đến tận nơi. Bác đã từng đến Quảng Tri vào các làng quê trong đó, Bác cũng đã đến nghĩa trang Trường Sơn kể cả các bản làng xa khuất. Bác cứ đi, đi mãi, tìm mãi, đến kiệt sức. Khi tuổi già sức yếu, đến lúc nhắm mắt suối tay, bác vẫn thều thào:"Con tôi đâu, nó đang nằm ở đâu..."

    Hằng năm cứ đến NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ, như đêm nay, ngoài trời HÀ Nội đang mưa to, cơn mưa kéo dài như dớp của cơn bão trước, và như dự báo chuẩn bị cho cơn bão sau. Tôi nghĩ sót thương người anh họ con bác Xã, cũng như các chàng trai liệt sỹ vô danh; các anh ra đi quân phục màu xanh, ngụy trang trên người cành lá xanh, các anh hy sinh, nằm chốn rừng xanh, dưới bầu trời xanh lặng ngắt, nấm mộ anh cỏ xanh phủ .kín, ru anh yên nghỉ quanh năm...MÀU XANH, vâng MÀU XANH là yêu thương, là hy vọng. Hy vọng sẽ không còn những BÀ MẸ VIỆT NAM phải vắt kiệt xác đi tìm mộ con, như Bác Xã thương yêu của tôi.

    Hà Nội ngày THƯƠNG BINH LIỆT SỸ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin chia sẻ với bạn Nguyễn Văn Ngọc. Cầu mong cho linh hồn người anh của bạn được siêu thoát. Nam mô a di đà phật...

      Xóa
    2. Anh Chí bạn với nàng thơ và là đệ tử Phật giáo từ khi nào vậy muốn anh viết hết bài A TẾ A CA ?Nam mô a di đà Phật
      NGLUY

      Xóa
    3. Á TẾ Á CA

      (Tác giả : PHAN BỘI CHÂU)

      Non sông thẹn với nước nhà,
      Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu.
      Việc dây thép, việc tàu, việc pháo,
      Việc luyện binh, việc giáo học trường,
      Việc công nghệ, việc nông thương,
      Việc khai mỏ khoáng, việc đường hoả xa.

      Giữ các việc chẳng qua người nước,
      Kẻ chức bồi, người tước culi.
      Thông ngôn kí lục chi chi,
      Mãn đời lính tập, trọn vì quan sang.
      Các thức thuế các làng thêm mãi,
      Hết đinh điền rồi lại trâu bò.
      Thuế chó cũi, thuế lợn bò,
      Thuế diêm, thuế tửu, thuế đò, thuế xe.
      Thuế các chợ, thuế trà, thuế thuốc,
      Thuế môn bài, thuế nước, thuế đèn.
      Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền,
      Thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn.
      Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn,
      Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn.
      Thuế dầu mật, thuế đàn đĩ thoã,
      Thuế gạo rau, thuế lúa, thuế bông.
      Thuế tơ, thuế sắt, thuế đồng,
      Thuế chim, thuế cá, khắp trong lưỡng kì.
      Các thức thuế kể chi cho xiết,
      Thuế xia kia mới thật lạ lùng,
      Làm cho thập thất cửu không,
      Làm cho xơ xác, khốn cùng chưa thôi.
      Lại nghe nỗi Lào Cai, Yên Bái,
      So muôn người như giải lũ tù.
      Ăn cho ngày độ vài xu,
      Việc làm gian khổ, công phu lạ lùng.
      Độc thay phong chướng nghìn trùng,
      Nước sâu quẳng xác, hang cùng chất xương.
      Nỗi diệt giống bề lo bề sợ,
      Người giống ta biết có còn không?
      Nói ra sởn gáy động lòng,
      Cha con khóc lóc, vợ chồng thở than.
      Cũng có lúc bầm gan tím ruột,
      Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra.
      Cũng xương cũng thịt cũng da
      Cùng hòn máu đỏ, giống nhà Lạc Long.
      Thế mà chịu trong vòng trói buộc,
      Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than.
      Thương ôi! Bách Việt giang san,
      Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa.
      Hồn mê mẩn tỉnh chưa, chưa tỉnh?
      Anh em ta phải tính nhường sao.

      Xóa
  11. "Lời ru ngọn cỏ" ân tình
    Nhớ về Liệt sĩ quang vinh xé lòng
    Vô thường- Thế sự, đục - trong
    Xóa Mê hướng Ngộ, sầu đong lụi tàn!

    Trả lờiXóa
  12. Dương Ngọc Lan - Parislúc 08:44 27 tháng 7, 2014

    Bài thơ rất xúc động, ý nghĩa sâu xa, từ ngữ, hình tương rất tuyệt. Theo tôi nên dưa vào sách giáo khoa để HS cảm nhận sâu sắc cống hiến của các LS qua các cuộc chiến giữ nước. Cảm ơn Đại tá BVB và nhà phê bình Lê Xuân.

    Trả lờiXóa
  13. '"Cỏ xanh – hồn các anh xanh, dù trải biết bao thăng tràm thời cuộc, đất nước gian nguy, nhan tâm bất định, nhung các anh vẫn mãi mãi tuổi xanh trên mọi hành trình của dân tộc, sống mãi trong lòng biết bao thé hệ hôm nay và mai sau."
    > Lời bình của bác Lê Xuân có những câu kết lắng đọng.

    Trả lờiXóa
  14. Nướng chín sinh linh mấy triệu người
    Để giờ béo mập lũ đười ươi
    Lời ru ngọn cỏ bao ray rứt
    Hồn cốt rừng xanh luống ngậm cười?

    Trả lờiXóa
  15. Những bài thơ như trên , làm được trong đời người chắc là rất hiếm . Cảm xúc đích thực đôi khi không đến hai lần . Tôi không dám dùng từ hay , bởi nó nói về sự chết chóc , đau thương trong cõi người , tôi chỉ biết rằng mỗi lần đọc bài thơ này lại gây cho tôi niềm xúc động , và buồn vì dân tộc Việt Nam đã chiến đấu , hy sinh đến mòn mỏi , cạn kiệt , mà nay nào có gì , còn gì . Những người con ngã xuống vì những chủ thuyết vu vơ , vụ lợi của mục đích chính trị . Thiệt thòi không chỉ dành cho người đã khuất , gia đình , thân nhân họ , mà còn cho cả những người còn lại – Như chúng ta . Đó là nỗi đau dân tộc .

    “ Thương đau ru đến muôn đời
    Và xanh, xanh mãi để lời ru êm
    Cho dù ai đó lãng quên
    Thì đây cỏ biếc vẫn bên mộ người. “

    Tôi tin sự thành tâm với quá khứ , với đồng đội , với thế nhân của vị đại tá đáng kính Bùi Văn Bồng khi ông viết lên những câu thơ trên , nó gây cảm xúc đích thực hơn nhiều những cái bụng cóc của các quan chức ,cùng với cái đầu trống rỗng và vô cảm của họ , chợt đến thắp vài nén hương lấy lệ , rồi vụt đi như biến mất chẳng để lại điều gì .

    Cảm ơn đại tá Bùi Văn Bồng đã để lại cho đời những vần thơ đầy xúc động như thế .


    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. BVB cảm ơn ĐGCĐ và các bạn đã thăm 'nhà', đọc và bình nhiệt thành, chân tình, sâu sắc. Chúc mọi người khỏe, vui!

      Xóa
  16. Dấu chân quy tập muộn màng
    Mộ còn nằm với cỏ hoang rừng già…
    Tôi đã chép và đọc bài thơ này rất nhiều lần và không lần nào là tôi không khóc.Tôi không dám bình luận thơ,tôi chỉ nói lên cảm súc của riêng tôi, bởi bài thơ đã nói hộ nỗi lòng của tôi, người lính từng có những người bạn thân và nhiều đồng đội ngã xuống nơi chiến trận và cho đến tận bây giờ cũng không biết chính xác nơi bạn nằm,Lính Đặc công thời chiến tranh chống Mỹ, ra trận chỉ với chiếc quần lót và vũ khí quanh người,khi hy sinh mấy khi lấy được xác,đây là điều đau đớn nhất ,dằn vặt nhất với những thằng còn sống như tôi.Cứ mỗi năm đến ngày 27/7 là nỗi đau càng lớn hơn.Cảm ơn Đại Tá Bùi văn Bồng, phải là những người đã từng đi qua chiến tranh, chứng kiến sự hy sinh mất mát của đồng đội, mới có được những vần thơ rung cảm như vậy.là người lính không mấy ai là không lặng người trước câu thơ của Bá Dương
    Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
    Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…
    Bác Bồng ạ!
    …Cho dù ai đó lãng quên
    Thì đây cỏ biếc vẫn bên mộ người…
    “Họ” quên khá nhiều, không những người đã ngã xuống mà ngay cả những người còn sống, “họ” cũng chẳng cần quan tâm. Bác và độc giả có biết không ! chính quyền các cấp đang triển khai thông tư 28 liên bộ QP&LĐTBXH về “giải quyết chế độ cho liệt sỹ, thương binh không còn giấy tờ” nhưng yêu cầu phải có 2 loại dưới đây, không biết có phải là giấy tờ không ?
    1/Danh sách của đơn vị những người tham gia trận đánh, có họ tên của đối tượng bị thương trong đó (Nếu là thương binh)
    2/Giấy chứng nhận bị thương (nhưng chưa được giám định)
    Khi có đủ 2 loại giấy này thì họ còn yêu cấu về đơn vị xin giấy xác nhận của thủ trưởng đơn vị là bị thương nhưng chưa được giám định thương tật,chuyện khó như đi tìm quặng trên sao hỏa.Nhiều đơn vị sau chiến tranh đã giải thể,hồ sơ tài liệu không biết giờ lưu trữ ở nơi nào,Thủ trưởng - thì lính mấy khi biết họ tên quê quán, không biết còn sống hay đã hy sinh ,nếu còn sống thì giờ cũng chẳng còn quyền, chức gì mà xác nhận,còn thủ trưởng mới thì biết gì những năm tháng chiến tranh mà xác nhận .với lại hầu hết những người lính khi rời quân ngũ đều trở về địa phương,đời sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lo được ngày hai bữa đã là hạnh phúc lắm rồi.làm gì có tiền cho chi phí lần tìm về những nơi cần tìm để xin giấy xác nhận. Thật là hái sao trên trời,nhưng “có cách tháo gỡ” cán bộ chuyên ngành của huyện gợi ý như vậy.Nếu nộp 30 triệu đồng thì hồ sơ sẽ được thụ lý mà không phải đi xin giấy xác nhận nữa.Còn cán bộ ở tỉnh thì gợi ý nếu nộp 50 triều đồng thì sẽ được lo từ A đến Z. (Trừ giám định tỷ lệ thương tật) .Những đối tượng này đều xấp xỷ U 70 cả rồi, liệu còn sống được bao nhiêu để thu đủ số tiền đã bỏ ra, mà gia tài nhà nông thì bán gì ra tưng đấy triệu .chỉ có đi vay nặng lãi thì may ra mới có, rồi làm gì ra tiền để mà trả lãi .Mô phật ! rồi đây sẽ có rất nhiều thương binh kể cá những người ở “bên thua cuộc” Thương binh là những người đâỏ ngũ, sợ hy sinh, tự thương để khỏi phải ra chiến trận v.v..Tôi xin lấy danh dự của người lính cựu những gì tôi nói là có thật 100%, nó đang diễn ra hầu hết ở các địa phương phía Bắc song song với chương trình rà soát chính sách đổi tượng người có công,có lẽ chương trình này phải kéo dài vài thập kỷ nữa chưa chắc đã có kết quả.Nỗi day dứt của ngày 27/7 sẽ còn mãi mãi bám theo những người lính trở về sau chiến tranh,mặc dù cuộc chiến đã qua rất xa.Bác Bồng và những độc giả quan tâm nhiều đến vấn đề này hãy cùng nhau lên tiếng đi.

    Trả lờiXóa
  17. Mẹ ngồi trước mộ cỏ xanh
    Ngón tay gầy guộc vuốt nhẹ bia rêu
    "Út ơi, tối về nhà nghe
    Má nấu canh trứng, mà con hay đòi"...

    Bao năm mẹ dưỡng sinh thành
    Con mẹ chết gục, mẹ còn chi đây...

    Trả lờiXóa