(tiếp
theo( … Thứ hai, khả năng tiên đoán
kém của một quan điểm luôn luôn được che lấp bằng cách đưa vào phân tích các
giả thuyết tạm thời.
Chủ nghĩa Mác đầy rẫy những nỗ lực nhằm giải thích những
thất bại về khả năng dự đoán của lý thuyết của Mác. Ví dụ, Lenin phát triển
khái niệm “nhận thức giả” để giải thích cho thực tế công nhân trở thành các
thành viên nghiệp đoàn chứ không phải là thành viên của giai cấp vô sản cách
mạng. Lý thuyết của Lenin về chủ nghĩa đế quốc tư bản có thể được xem như là
một nỗ lực nhằm giải thích việc Mác tiên đoán sai về sự sụp đổ của chủ nghĩa tư
bản. Gần đây, như sẽ được thảo luận phần sau, những người theo chủ nghĩa Mác
thấy cần phải hình thành một lý thuyết tinh tế hơn về nhà nước để giải thích sự
xuất hiện của nhà nước phúc lợi và sự chấp nhận nhà nước này của các nhà tư
bản, một điều mà Lenin cho rằng không thể xảy ra.
Thứ ba và quan trọng nhất, ba quan điểm trên có những mục
tiêu khác nhau ở một mức độ nào đó chúng tồn tại dưới các cấp độ phân tích khác
nhau. Ví dụ, chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa dân tộc có thể chấp nhận hầu hết các
quan điểm kinh tế học tự do như là những công cụ phân tích nhưng lại bác bỏ rất
nhiều những giả định và các nền tảng quy phạm của nó. Dẫu vậy, Mác vận dụng
kinh tế học cổ điển một cách tuyệt vời, nhưng mục đích của ông là dùng nó để
phục vụ cho một lý thuyết lớn về nguồn gốc, sự vận động, và sự chấm dứt của chủ
nghĩa tư bản. Thực ra, sự khác biệt chủ yếu giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa
Mác liên quan đến câu hỏi đặt ra và những giả định xã hội hơn là những phương
pháp kinh tế mà hai chủ nghĩa này áp dụng.
Chủ nghĩa Mác sau khi được Lenin điều chỉnh đã trở nên
gần như khó phân biệt với quan điểm của chủ nghĩa hiện thực về chính trị
(Keohane, 1984). Chủ nghĩa hiện thực chính trị, cũng giống như chủ nghĩa dân
tộc kinh tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc gia và an ninh. Mặc dù hai lý
thuyết này rất gần nhau, chủ nghĩa hiện thực là một cách nhìn về chính trị
trong khi chủ nghĩa dân tộc kinh tế lại về kinh tế. Hay nói một cách khác, chủ
nghĩa dân tộc kinh tế dựa trên học thuyết hiện thực về quan hệ quốc tế.
Cả trong lý thuyết của Lenin và trong chủ nghĩa hiện
thực chính trị, các quốc gia tranh giành của cải và quyền lực, và mức độ gia
tăng quyền lực khác nhau là nguyên nhân của xung đột quốc tế và các thay đổi về
chính trị (Gilpin,1981). Tuy nhiên, những giả định của hai lý thuyết này về nền
tảng của những động cơ của con người, những quan điểm về nhà nước và bản chất
của hệ thống quan hệ quốc tế là cơ bản khác nhau. Những người theo chủ nghĩa
Mác xem con người là xấu xa, dễ dàng bị chủ nghĩa tư bản làm tha hóa và có thể
được cải tạo bởi chủ nghĩa xã hội; còn những nhà hiện thực tin rằng các xung
đột chính trị xuất phát từ bản chất không thể thay đổi của con người.
Trong khi những người theo chủ nghĩa Mác tin rằng nhà
nước là đầy tớ của giai cấp thống trị về kinh tế, các nhà hiện thực coi nhà
nước như một thực thể khá tự chủ theo đuổi những lợi ích quốc gia mà không thể
bị quy về lợi ích nhất định của một tầng lớp nào. Với các nhà Mác xít, hệ thống
quốc tế và chính sách ngoại giao bị chi phối bởi cấu trúc của nền kinh tế trong
nước; đối với những nhà hiện thực bản chất của hệ thống quốc tế là yếu tố chí
phối chính sách đối ngoại. Tóm lại, những người theo chủ nghĩa Mác xem chiến
tranh, chủ nghĩa đế quốc, và nhà nước là những biểu hiện xấu xa của chủ nghĩa
tư bản và sẽ biến mất với cách mạng vô sản; còn những nhà hiện thực xem những
vấn đề trên là đặc điểm không thể tránh khỏi của hệ thống chính trị quốc tế.
Do đó, sự khác biệt giữa hai quan điểm là rất đáng kể.
Đối với những người Mác xít, mặc dù nhà nước và cuộc đấu tranh giữa các nhà
nước là hệ quả của hình thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tương lai sẽ mang lại
sự hòa hợp và một nền hòa bình thật sự sau cuộc cách mạng không thể tránh khỏi
mà hình thức sản xuất tư bản xấu xa đã phôi thai. Mặc khác, các nhà hiện thực
tin rằng sẽ không có cõi niết bàn vì bản chất ích kỷ của con người và tình
trạng vô chính phủ của hệ thống quốc tế. Sự đấu tranh giữa các nhóm và các nhà
nước là không bao giờ chấm dứt, mặc dù thi thoảng có những thời gian tạm ngừng.
Dường như không một quan điểm dự đoán nào có thể được minh chứng một cách khoa
học.
Mỗi một quan điểm có những điểm mạnh và điểm yếu và sẽ
được xem xét kỹ hơn ở phần dưới. Mặc dù không quan điểm nào cung cấp một cách
hiểu đầy đủ và thỏa mãn về bản chất và sự vận động của kinh tế chính trị quốc
tế, nhưng cả ba quan điểm cùng với nhau lại mang lại những cách nhìn hữu ích.
Ba lý thuyết này cũng đặt ra những vấn đề quan trọng sẽ được xem xét trong
những chương tiếp theo.
Đánh
giá chủ nghĩa tự do kinh tế
Chủ nghĩa tự do là hiện thân của một bộ những công cụ
phân tích và những định hướng chính sách tạo điều kiện cho xã hội tối đa hóa
kết quả thu được từ những nguồn lực khan hiếm; cam kết đối với tính hiệu quả
kinh tế và sự tối đa hóa sự thịnh vượng tạo nên sức mạnh cho lý thuyết này. Thị
trường chứa đựng những phương pháp hiệu quả nhất nhằm tổ chức các mối quan hệ
kinh tế, và cơ chế giá cả vận hành nhằm đảm bảo lợi nhuận cho cả hai bên và qua
đó đảm bảo tổng lợi ích xã hội xuất phát từ các trao đổi kinh tế. Thực ra, kinh
tế học tự do nói với xã hội, không kể trong nước hay quốc tế, “nếu bạn muốn trở
nên giàu có, đây là những điều bạn phải làm.”
Từ thời Adam Smith đến bây giờ, các nhà tự do đã cố
gắng phát hiện ra các quy luật điều chỉnh sự giàu có của các quốc gia. Mặc dù
hầu hết các nhà tự do xem các quy luật kinh tế là các quy luật tự nhiên không
thể bị xâm phạm, các quy luật này tốt hơn hết có thể được xem là những định
hướng dành cho những người đưa ra các quyết định. Nếu các quy luật này bị xâm
phạm, họ sẽ phải trả giá; việc theo đuổi các mục tiêu ngoài hiệu quả kinh tế
nhất thiết sẽ dẫn tới các chi phí cơ hội và hiệu quả kinh tế bị mất mát. Chủ
nghĩa tự do nhấn mạnh thực tế sự đánh đổi luôn luôn tồn tại trong chính sách
quốc gia. Ví dụ, việc nhấn mạnh công bằng và tái phân phối của cải sẽ bị thất
bại nếu như về lâu dài chính sách quốc gia lơ là hiệu quả kinh tế. Để một xã
hội hiệu quả, như các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã cho thấy, nó không thể
hoàn toàn bỏ qua các quy luật kinh tế có liên quan.
Lập luận quan trọng nhất bảo vệ chủ nghĩa tự do có lẽ
là một lập luận không khả quan lắm. Mặc dù có thể đúng như những nhà Mác xít và
những nhà dân tộc chủ nghĩa lập luận, lựa chọn thay thế cho hệ thống tự do là
một hệ thống mà trong đó tất cả đều thu lợi bằng nhau, nhưng cũng hoàn toàn có
thể là một hệ thống mà trong đó tất cả đều mất hết tất cả. Có thể còn phải nói
nhiều về quan điểm về sự hài hòa lợi ích của chủ nghĩa tự do, dẫu vậy, như E.H.
Carr đã chỉ ta, những chứng cứ được sử dụng để bảo vệ quan điểm này thường được
lấy ra từ các giai đoạn lịch sử diễn ra “sự mở rộng sản xuất, dân số và thịnh
vượng một cách vô tiền khoáng hậu” (Carr, 1951). Khi điều kiện duy trì hệ thống
tự do bị đổ vỡ (như trong những năm 1930 và có nguy cơ xảy ra một lần nữa trong
những thập niên cuối của thế kỷ 20), sự bất hòa sẽ thay thế cho sự hòa hợp, và
tôi cho rằng, sự đổ vỡ diễn ra sau đó của hệ thống tự do thường dẫn tới các
cuộc xung đột kinh tế mà khi đó tất cả sẽ đều bị thiệt hại.
Chỉ trích chủ yếu chống lại chủ nghĩa tự do kinh tế
cho rằng những giả định cơ bản của nó, như sự tồn tại của các chủ thế kinh tế
lý trí, một thị trường cạnh tranh, và những điều tương tự là phi thực tế. Một
phần, sự chỉ trích này là không công bằng khi mà những nhà tự do rõ ràng đã làm
đơn giản hóa những giả định này nhằm tạo điều kiện cho các nghiên cứu khoa học,
không thể có khoa học nếu không có những sự đơn giản hóa đó. Điều quan trọng
hơn, như những người bảo vệ chủ nghĩa tự do đã chỉ ra, là quan điểm này nên
được đánh giá bởi kết quả và khả năng tiên đoán của nó, chứ không phải bởi
những sự thật được dẫn ra (Posner, 1977). Với quan điểm như vậy và trong lĩnh
vực của mình, kinh tế học đã tỏ ra là một công cụ phân tích mạnh mẽ.
Tuy
nhiên, theo cách tương tự, kinh tế học tự do cũng có thể bị chỉ trích về nhiều
mặt quan trọng. Nếu là một công cụ để thấu hiểu xã hội và đặc biệt là sự vận
động của nó, kinh tế học có hạn chế, nó không thể là một cách tiếp cận toàn
diện đối với kinh tế chính trị. Dẫu vậy, các nhà kinh tế học tự do thường quên
sự giới hạn nội tại này, và xem kinh tế học như một khoa học xã hội thông thái,
mang tính thống trị. Khi điều này xảy ra, bản chất và những giả định cơ bản của
kinh tế học có thể dẫn dắt những nhà kinh tế lạc đường và hạn chế tính hữu ích
của nó với tư cách là một lý thuyểt về kinh tế chính trị.
Hạn chế đầu tiên là kinh tế học cố tình tách kinh tế
ra khỏi những mặc khác của xã hội một cách nhân tạo và chấp nhận các khung
chính trị xã hội sẵn có, kể cả sự phân chia quyền lực và quyền sỡ hữu; tài
nguyên và những nguồn lực khác của con người, cá nhân và xã hội; cũng như khuôn
khổ các thể chế về chính trị, xã hội và văn hóa. Thế giới tự do do đó được xem
là một thế giới hài hòa, lý trí, và các cá nhân bình đẳng sống trong một thế
giới không có biên giới về chính trị và các cản trở xã hội. Các quy luật của
chủ nghĩa tự do đưa ra các nguyên tắc tối đa hóa lợi ích cho các chủ thể kinh
tế mà không tính đến việc họ sẽ xuất phát từ đâu và với những điều kiện gì, mặc
dù trong cuộc sống thực, điểm xuất phát đầu tiên của một người thường quyết
định điểm mà người đó kết thúc (Dahrendorf, 1979).
Một hạn chế khác của kinh tế học tự do với tư cách là
một lý thuyết là nó thường bỏ qua công lý hoặc sự công bằng trong kết quả của
các hoạt động kinh tế. Mặc dù nỗ lực mạnh mẽ nhằm tạo ra một ngành kinh tế học
phúc lợi “khách quan”, sự phân chia của cải trong xã hội nằm ngoài sự quan tâm
của kinh tế học tự do. Có một sự thật trong những chỉ trích của những nhà Mác
xít là kinh tế học tự do là công cụ để quản lý một nền kinh tế tư bản hay nền
kinh tế thị trường. Kinh tế học tư sản, theo quan điểm của những người Mác xít,
là một nghành kỹ thuật hơn là một khoa học về xã hội. Nó chỉ người ta cách làm
thế nào để đạt được một số mục tiêu nhất định với cái giá ít nhất trong một số
giới hạn nhất định; nó không nhằm trả lời những câu hỏi liên quan đến tương lai
và số phận của con người, vốn là những câu hỏi nằm ở trong tim của những người
Mác xít và các nhà theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế.
Chủ nghĩa tự do cũng bị hạn chế bởi giả định cho rằng
sự trao đổi luôn luôn là tự do và diễn ra trong một thị trường cạnh tranh giữa
những người bình đẳng với nhau, có đầy đủ thông tin và có thể cùng nhau đạt
được lợi ích nếu như họ chấp nhận trao đổi các đồ vật có giá trị với nhau. Không
may, như Charles Lindblom đã lập luận, trao đổi ít khi là tự do và bình đẳng
(Lindblom, 1977). Thay vào đó, điều kiện trao đổi có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ
bởi sự ép buộc, sự khác nhau trong khả năng mặc cả (độc quyền bán hay độc quyền
mua), và những yếu tố kinh tế quan trọng khác nữa. Thực ra, do bỏ qua cả những
tác động của các nhân tố phi kinh tế đối với sự trao đổi và những tác động của
việc trao đổi đối với chính trị, chủ nghĩa tự do thiếu một khía cạnh “kinh tế
chính trị” thực sự…
(còn nữa)
-----------------
Tại sao chúng ta lại tự cầm tù mình trong những mớ lý luận lùng nhùng để kìm hãm mình và xã hội,
Trả lờiXóaThì cụ tiến sĩ Hà Sĩ Phu ở Đà Lạt từ cách đây 19 năm-năm 1995 đã viết cuốn sách CHIA TAY Ý THỨC HỆ rồi đấy thôi.Mọi người hãy tìm đọc.Cả băng ghi âm các bài góp ý đại hôi 11 của 22 trí thức nữa.Tôi tâm đắc nhất là phát biểu của GS Trần Phương-Phó thủ tướng chính phủ thời ông Đồng.
Trả lờiXóa“Ếch không lặn hụp mà thường ngâm nửa người trong nước rồi thả trôi để rình mồi. Ếch thích nhất bươm bướm, đặc biệt là bướm màu vàng. Bướm bay là đà gần mặt nước, không biết ếch chỉ ló đầu ngụy trang màu rêu giống màu nước ao, giương mắt quan sát rồi bất chợt phóng lên đớp bướm!”
Trả lờiXóa