Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

NHỚ LẠI CHUYỆN XƯA - Kỳ 3

   * PGS.TS VŨ TRỌNG KHẢI
Câu chuyện thứ 4
MỘT THỜI ĐI XÂY DỰNG HTX “ĐIỂM”
Cảnh đã khác xưa nhiều lắm. Người còn thì ít, người mất hay lưu tán thì nhiều. Dọc đường từ Hà Nội đến huyện Bình Lục, tôi thấy nhiều khu công nghiệp và các kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp nằm rải rác “xôi – đỗ”, xen giữa những cánh đồng lúa - màu, băm vụn đất canh tác. Nhà xây 2 – 3 tầng khá phổ biến, thay thế cho những ngôi nhà nền đất lợp mái rạ khi xưa, nhưng kiểu dáng kiến trúc thì thô kệch. Đường làng bằng gạch đinh ngày xưa thay bằng đường xi măng thô rám. Xóm làng ngổn ngang xây cất chẳng theo một qui hoạch kiến trúc nào.
Anh Bằng, trưởng thôn Văn Phú (xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) dẫn chúng tôi đến thăm nhà ông Khoa, Phó chủ nhiệm HTX Mỹ Thọ khi xưa, gần chùa Văn Phú. Ông Khoa mất đã lâu, chỉ còn bà Khoa gần 80 tuổi, sống một mình trong ngôi nhà quá cũ kỹ, với một mảnh vườn tạp trước nhà. Cây trồng nhiều nhất là bưởi, có cả giống bưởi Diễn nổi tiếng. Các con bà Khoa đã trưởng thành và ra thành phố làm ăn sinh sống. Cô con gái út, theo bà kể, là chủ một tiệm buôn bán, thuê 4 nhân viên, ở TP. Vũng Tàu, mời bà vào ở để chăm sóc nhưng bà bảo: “thích ở một mình, tự do hơn, lại có quan hệ hàng xóm láng giềng thân tình, theo nét văn hóa cổ truyền Việt Nam”.
Lúc mới gặp, bà Khoa hơi ngỡ ngàng, rồi cũng nhận ra tôi. Bà mừng lắm, hái bưởi mời chúng tôi ăn và nhất định buộc tôi phải mang chục quả bưởi về làm quà. Bà cùng chúng tôi xuống thăm ông Vũ Đình Lãi, là chủ nhiệm HTX Mỹ Thọ thời chúng tôi ở đây công tác. Ông Lãi đã ngoài 80 tuổi, bị xuất huyết não, gần như mất trí nhớ hoàn toàn. Nhưng rất may là hôm 27/10 là ngày giỗ bố ông Lãi nên các con, cháu và em gái, em rễ của ông về đầy đủ. Anh con trưởng Vũ Đình Thắng, tuổi Giáp Ngọ (1954), thượng tá Quân đội nhân dân đã về hưu, sống ở Hà Nội. Gặp chúng tôi, anh Thắng nghe kể về cái thời của ông Lãi (cùng tổ công tác xây dựng HTX Mỹ Thọ trong những năm 70 của thế kỷ 20), thì mới ngộ ra nhiều về cuộc đời “oanh liệt” của cha mình. Anh mừng lắm.
Thời ấy, HTX Mỹ Thọ có 413 ha canh tác với 2.938 nhân khẩu, 984 xã viên tham gia lao động cho HTX. Hằng năm, HTX Mỹ Thọ làm ra khoảng 1.000 tấn thóc. Vụ Đông Xuân 1973 – 1974 nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật với 60% diện tích cấy giống lúa mới, thực hiện quy trình canh tác thâm canh tiên tiến và cung cách quản lý mới, sản lượng thóc đạt 1.450 tấn, bằng 137% sản lượng lúa cả năm 1970, là năm được mùa lớn nhất. 
Cung cách quản lý mới được áp dụng bằng một hệ thống qui chế trả lời được 6 câu hỏi cho từng vị trí công tác, từ chủ nhiệm đến đội trưởng và từng xã viên: Làm gì? Ai làm? Làm thế nào? Làm ở đâu? Làm lúc nào? Làm tốt hoặc không tốt thì sao?... Nhờ vậy, trong 3 năm áp dụng hệ thống quản lý mới và tiến bộ kỹ thuật, HTX Mỹ Thọ đã được nhà nước tặng thưởng 2 huân chương lao động vào năm 1975 và 1976. Bây giờ Ông Lãi ngồi im lặng, không nhớ gì, không nhận ra tôi, nhưng con cháu ông sum vầy chăm sóc ông tận tình. Và hôm nay, con cháu ông được nghe kể về thời vàng son của ông và HTX Mỹ Thọ trong những năm 70 của thế kỷ 20.
Rời HTX Mỹ Thọ, chúng tôi đến thành phố Nam Định để gặp ông Nguyễn Trung Kiểu, người được Thường vụ Tỉnh ủy Nam Hà và Bí thư Phan Điền phân công chuyên trách trực tiếp chỉ đạo công tác cải tiến quản lý và áp dụng tiến bộ kỹ thuật ở HTX Mỹ Thọ, cùng với 5 hợp tác xã thuộc khu B của huyện Bình Lục thời đó. Ông Kiểu quê ở làng (thôn) Văn Phú, xã Mỹ Thọ là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bình Lục. Từ tháng 8 năm 1973, ông được miễn nhiệm chức bí thư huyện ủy Bình Lục để chuyên trách chỉ đạo xây dựng điển hình HTX Mỹ Thọ và khu B, của huyện Bình Lục.
Để giúp ông Kiểu, một tổ công tác được thành lập. Bí thư Tỉnh ủy Phan Điền đề nghị Bộ Nông nghiệp cử một nhóm kỹ sư về HTX Mỹ Thọ để giúp tỉnh và ông Kiểu trực tiếp chỉ đạo điển hình cải tiến quản lý và áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Ông Trần Quang, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục cây trồng và ông Nguyễn Duy Hiền quyền Vụ trưởng Vụ kế hoạch của Ủy ban nông nghiệp Trung ương lúc đó, sau này là Bộ Nông nghiệp đã cử 4 chúng tôi vào tổ công tác này.  Thế là thành ‘bộ tứ’: Kỹ sư trồng trọt Lê Thảo (1938 – 1976), tốt nghiệp khóa 2 (1961), đại học Nông nghiệp Hà Nội, người dày dạn “chiến trường” chỉ đạo áp dụng tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp là tổ trưởng; tôi là cử nhân kinh tế nông nghiệp, tốt nghiệp khóa V (1963 – 1967) của trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, phụ trách xây dựng và chỉ đạo hệ thống quản lý mới; cử nhân kinh tế Nguyễn Văn Kình tốt nghiệp khóa 9 (1964 – 1968) của trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, phụ trách việc lập và thực hiện kế hoạch sản xuất – kinh doanh kiểu mới trong HTX; và Đặng Phán cử nhân kinh tế, chuyên ngành Kế toán, tốt nghiệp trường đại học Tài chính Hà Nội năm 1970, phụ trách xây dựng và chỉ đạo áp dụng hệ thống kế toán – thống kê mới trong HTX. Cả 4 chúng tôi đều không phải là đảng viên, nên phải giấu huyện và xã để có uy trong chỉ đạo.
Thời đó, những vấn đề quản lý và chính sách nông nghiệp nếu không phải đảng viên thì rất khó làm việc, không được dự các cuộc họp Thường vụ Đảng ủy huyện, xã bàn về quản lý HTX. Để giúp sức cho tổ công tác, giáo sư Bùi Huy Đáp, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp, còn cử Phó tiến sĩ Tiềm, chuyên gia nông hóa – thổ nhưỡng, giúp việc phân tích đất và xác định cơ cấu, số lượng phân bón các loại, đặc biệt là phân lân cho đất vùng chiêm trũng với giống lúa IR5; hai giảng viên Ngọc và Uyển của trường Nghiệp vụ Kinh tế Xuân Mai, thuộc Ủy ban Nông nghiệp Trung ương (sau này là Bộ Nông nghiệp), giúp xây dựng hệ thống kế toán – thống kê mới. Khi có dịch bệnh gia súc, bác sĩ thú y Lăng của viện thú y cũng xuống giúp chỉ đạo phòng chống bệnh trâu, bò, lợn. Ngoài ra, huyện còn cử thêm 1 kỹ sư chăn nuôi và 1 kỹ sư thủy sản tham gia tổ công tác. Tổ công tác đặt dưới sự chỉ đạo của ông Kiểu và bí thư huyện ủy Bình Lục Đặng Văn Ngự.
Đến thành phố Nam Định tôi hỏi thăm khu tập thể của cán bộ tỉnh ủy, lần mò chừng 30 phút thì tìm ra nhà ông Kiểu, nơi mà năm 1982 trước khi chuyển vào Nam công tác tôi đã đến chào từ biệt ông Phan Điền và ông Nguyễn Trung Kiểu. Sau khi kết thúc chỉ đạo khu B và HTX Mỹ Thọ, ông Kiểu được bầu vào Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban kinh tế của Tỉnh ủy Nam Hà, sau này là Hà Nam Ninh, và bây giờ lại tách riêng 3 tỉnh như cũ: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Người ta nói vui rằng, trong 4 chân ghế thường vụ của ông Kiểu có 3 chân thuộc về HTX Mỹ Thọ và khu B, Bình Lục. Trong khu B, HTX Mỹ Thọ là “điểm”. Kết quả chỉ đạo HTX Mỹ Thọ đã được nhân rộng ra 5 HTX còn lại thuộc khu B. Từ thực tiễn cải tiến quản lý HTX ở khu B, Bình Lục, tỉnh Nam Hà sẽ chỉ đạo áp dụng mô hình quản lý mới cho các HTX trong tỉnh. Năm 1976, tổng kết 3 năm chỉ đạo HTX Mỹ Thọ, tổ công tác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các thành viên của tổ lại trở về cơ quan của mình. Đặc biệt, năm 1982, tôi đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ kinh tế tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội, với đề tài: “Quan điểm hệ thống đối với một mô hình cụ thể về tổ chức - quản lý sản xuất - kinh doanh trong hợp tác xã nông nghiệp, qua thực tiễn ở HTX Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam Ninh”, do giáo sư Mai Hữu Khuê, Hiệu trưởng và Phó tiến sĩ Hoàng Khoan, Trưởng khoa Toán Kinh tế, trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, hướng dẫn.
40 năm về thăm lại Mỹ Thọ, gặp lại đồng nghiệp và các cán bộ địa phương từng quen, tôi nghĩ đến một thời chất xám được quan tâm sử dụng có hiệu quả vào công tác quản lý HTX nông nghiệp. Nó nói lên giá trị hiện thực của một lý thuyết hệ thống quản lý - quan điểm hệ thống biết sử dụng, ‘đầu tư’ chất xám là quan trọng thế nào. Đó cũng là bài học về sử dụng nguồn nhân lực. Cái ‘điểm’ (điển hình) HTX Mỹ Thọ được xây dựng lên từ nguyên trạng ở cơ sở. Nó cũng như bao HTX khác, không hề được đầu tư, hay ưu tiên tiền vốn, vật tư, mà từ hoạt động thực tiễn bật lên lý thuyết, kinh nghiệm về quản lý, đem lại hiệu quả cao về kinh tế-xã hội khá cao. Chỉ hiềm một nỗi, cũng do cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành mà nhiều điển hình mất công xây dựng nhưng không nhân lên được. Còn chát xám, đội ngũ trí thức đông đảo hiện nay được sử dụng vào phong trào Xây dựng nông thôn mới thế nào?

12/2013
V.T.K
-----------------

15 nhận xét:

  1. Ở quê cháo!
    Bình bầu bỏ phiếu chủ nhiệm HTX, bà con rỉ tai nhao: Bầu thằng chủ nhiệm cũ, dù sao nó cũng ăn no và khá đầy đủ rồi, mình còn có chút cơm gạo xấu ăn. Bầu cho thằng mới.... cháo loãng chả có mà ăn...?!?!?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còn ợ quê cháo, thằng nào cụng ăn quyệt liệt! Chặng hy vọng chi mô!!!

      Xóa
  2. Lòng tham của chúng là vô đáy. Thằng cũ nhiều mưu mẹo kinh nghiệm tham nhũng hơn chúng sẽ vơ vét nhiều hơn đấy bà con ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Lòng tham của chúng là vô đáy. Thằng cũ nhiều mưu mẹo kinh nghiệm tham nhũng hơn chúng sẽ vơ vét nhiều hơn đấy bà con ạ.

    Trả lờiXóa
  4. Thua giay ve voi-chang an nham gi voi hom nay-xua nhu trai dat.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì Chủ nghĩa XH, tiến lên giành những thắng lợi mới to lớn hơn nữa" - Lê Duẩn

      Xóa
  5. Ông PGS.TS VTK nhớ lại những chuyện này làm gì nhỉ?

    Trả lờiXóa
  6. Em là người Việt.lúc 08:47 5 tháng 1, 2014

    Tâm đắc với nhận xét của ông Vũ trọng Khải: chất xám được quan tâm sử dụng có hiệu quả vào công tác quản lý HTX nông nghiệp. Nó nói lên giá trị hiện thực của một lý thuyết hệ thống quản lý - quan điểm hệ thống biết sử dụng, ‘đầu tư’ chất xám là quan trọng thế nào. Đó cũng là bài học về sử dụng nguồn nhân lực. Cái ‘điểm’ (điển hình) HTX Mỹ Thọ được xây dựng lên từ nguyên trạng ở cơ sở. Nó cũng như bao HTX khác, không hề được đầu tư, hay ưu tiên tiền vốn, vật tư, mà từ hoạt động thực tiễn bật lên lý thuyết, kinh nghiệm về quản lý. Đem lại hiệu quả cao về kinh tế-xã hội. Chỉ hiềm một nỗi, cũng do cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành mà nhiều điển hình mất công xây dựng nhưng không nhân lên được.
    HTX Mỹ Thọ là chấm sáng le lói , lý ra cần phải được nhân rộng.Hãy xem Nông trường Sông Hâụ của chị Ba Sương. Ông Gary Place-Chủ tịch USFI, nói: “Hàng của SOHAFARM chúng tôi rất ưa chuộng. Tập đoàn USFS đang cung cấp ra thị trường thế giới khoảng 1.500 mặt hàng thực phẩm cao cấp và an toàn vệ sinh thực phẩm.

    Ở Việt Nam có NTSH là đơn vị sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu trên. Do đó, USFI mới chọn NTSH làm đối tác của mình tại Việt Nam. Mong rằng liên doanh giữa NTSH và USFI không chỉ dừng lại ở việc tổ chức tiêu thụ thực phẩm cao cấp mà cần tiến tới việc hợp tác sản xuất thực phẩm cao cấp tại Việt Nam”.Theo mô hình khép kín: sản xuất, chế biến, kinh doanh, NTSH đã thành lập 14 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm; đồng thời xây dựng 3 khu Trung tâm: Trung tâm sản xuất giống bị sữa và bị thịt; Trung tâm sản xuất giống thủy sản sạch, và Trung tâm sản xuất giống gỗ rừng trồng bằng phương pháp mô, hom. Gạo của NTSH cũng đã nhiều năm xuất khẩu sang các nước ASEAN, Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ. Thực phẩm đông lạnh: xuất khẩu sang Nhật, EU, Mỹ. Hàng nông sản sang Nga, Nhật, Mỹ. Lâm sản chế biến sang các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc.Giáo sư Tiến sĩ Võ tòng xuân nói:Trong thời buổi nông nghiệp, cả nước ta đang tiến quá chậm, lợi ích của người nông dân tăng quá ít vì vướng vào tình trạng khâu tiêu thụ nông sản hàng hóa, nhất là thị trường đầu ra, NTSH đã nổi lên thành mô hình khép kín từ khâu tổ chức sản xuất, đời sống đến chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa - quả là một Tổng công ty lớn đi lên từ đất đai và lao động ở nông thôn. Đây cũng là hình mẫu khoán sản phẩm trong nông nghiệp đi trước cả nước, là nơi xóa đói giảm nghèo có hiệu quả, chất lượng cao.
    Rõ ràng: Muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội phải có con người Xã hội chủ nghĩa.Đấy là một chân lý.Không thể đưa anh y tá chỉ biết tiêm chích về làm lãnh đạo.Không thế hy vọng một ông chỉ biết tầm chương trích cú ra quyết sách cụ thể.Bài học Trung quốc vẫn xử dụng các nguyên lý chủ nghĩa xã hội khoa học làm nguyên lý có bản đã đưa từ một đất nước Tàu chệt , xẩm sáng lên thành siêu cường kinh tế thứ hai trên thế giới đáng làm cho các nhà trí thức Việt Nam cần phải suy nghĩ và làm tắc họng những con ếch ương ngồi đáy giếng chỉ biết ộp ộp kêu giời trước vận nước đang biến đổi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội phải có con người Xã hội chủ nghĩa".
      DKM đụng là con vet.
      K/n - Đ/n dùm phát về con người XHCN?

      Xóa
    2. Bạn ND 1414 sao không làm như tôi đối với ELNV - không thèm để ý, qua mặt gã cái vù!

      Xóa
    3. Ôi! Nghe ELNV sướng quá!
      Thực ra, nổ cũng được, nhưng đừng mạt sát người khác. Như vậy, đứng đến mông ông Bá Thanh là cùng.

      Xóa
  7. Tôi thưc sự không ai biết tác giả viêt lại những việc này làm gì.Toàn bộ. là công việc chả có ích lợi gì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tuy có sa vào kể lể công việc hơi bị chi tiết, ít ý hay, nhưng cái kết lại nói được những nét mới cần thiết cho tư duy lãnh đạo,,quản lý, điều hành và nhất là thái độ với chất xám trong thời kinh tế tri thức hiện nay.

      Xóa
    2. Đây là dạng tổng hợp - hồi ký, phóng sự, ký sự.
      Gọi là ôn cố tri tân.

      Xóa
  8. Điển hình tiên tiến hay ho vậy mà khi nhân rộng ra lại bị hỏng là cớ làm sao?
    Đến nỗi không lâu sau đó đành phải bỏ cái mô hình HTX cha chung không ai khóc để quay về với lối làm ăn phân tán nhỏ lẻ (khoán 10; 100) để cứu hàng triệu nông dân ("không ai chết đói nhưng đói tới chết")...
    Rồi ngày hôm nay hàng triệu ha cánh đồng "bờ xôi ruộng mật" do tổ tiên ngàn đời ta đổ bao mồ hôi và máu mới tạo lập được... đang bị cái con ngáo ộp "Sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" nó ngoạm nó nuốt không thương tiếc khiến người nông dân nói riêng, dân Việt nói chung đang trở thành nô lệ làm thuê ngay trên chính quê hương mình. Mà không biết hàng trăm năm nữa cái thứ "CNXH hoàn thiện" đã thành công được trên quê hương VN yêu dấu của chúng ta hay chưa, thưa ông PGS TS Vũ trọng Khải?

    Trả lờiXóa