Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

QUÀ CHO AI?

 
    * Ghi chép của KIM CHI
          Tôi có người anh ruột bị bệnh phong. Đó là thứ bệnh mà người đời thường dè bỉu "đồ bẩn như hủi", "đồ lười như hủi". Tôi thương anh nhất nhà vì anh thiệt thòi nhất trong mấy anh em.
          Năm 1954 kháng chiến chống thực dân Pháp chấm dứt, hòa bình lập lại. Bốn anh em tôi đều có tiêu chuẩn đi tập kết ra Bắc, vì ba tôi là liệt sĩ. Trước khi mất, ba tôi là Tỉnh ủy viên tỉnh Long Châu Hà, kiêm phụ trách tòa án tỉnh.
Nhưng anh Mậu (anh cả) của chúng tôi không được đi vì anh mắc bệnh phong. Ngày ấy các chú cứ nghĩ ra Bắc lạnh anh sẽ không chịu nổi. Anh ở lại miền Nam một mình trong cảnh buồn tủi vì bệnh tật, đói nghèo... Đã nhiều lần anh định tìm tới cái chết... Nhưng rồi anh lại tự nhủ" Phải ráng sống đẻ chờ các em trở về, rồi có chết cũng được". Tôi lúc nào cũng nhớ thương anh. Chỉ mong mau chóng thống nhất để anh em được đoàn tụ.  
            Ngày giải phóng, anh em tôi gặp nhau trong nước mắt chứa chan, mừng mừng tủi tủi. Tôi  khóc nghẹn, lao lại ôm anh, hôn lên khuôn mặt vì vi khuẩn hansen đã làm cho biến dạng . Anh run lên vì cảm động khi thấy tôi không hề ghê sợ.
            Sau khi đi học đạo diễn sân khấu ở Bugaria trở về, tôi được mời về giảng dạy trong trường NTSK2 ở TPHCM. Từ đó trở đi tôi thường đi xe đò ra  Quán Chim (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) thăm anh tôi.Sau này người ta gọi Quán Chim là làng Bình Minh.
Nghệ sĩ Kim Chi
            Đó là một cái làng dành cho những người bị bệnh phong  đã ổn định. Làng nằm gần chùa Thường Chiếu ( chùa lớn nhất miền Nam do thầy Thích Thanh Từ xây dựng từ rất lâu, trước giải phóng ).
            Mỗi lần tôi thăm anh, bao giờ tôi cũng mang trà và nhiều bánh kẹo, trái cây để anh mời hàng xóm tới chơi. Anh tôi tên là Nguyễn Duy Anh, ở nhà  gọi anh là Mậu. Còn ở Quán Chim mọi  người lại gọi anh là "Anh hai Kiên Giang". Anh em tôi đều sinh ra ở Rạch Giá (Kiên Giang). Anh có học nên bà con rất nể trọng. Bà con ở đây hầu hết bị gia đình bỏ rơi vì người ta sợ mang tiếng có người nhà bị hủi. Vì lẽ đó mỗi khi tôi đến đó bà con rất quí tôi. Bà con gọi tôi là "cô năm", gọi theo cách anh hai tôi vẫn gọi tôi. Khi thấy tôi đến là mọi người thông báo " cô năm đã tới". Vậy là chiều đến cả xóm tụ tập lại trước sân nhà anh tôi để uống trà, ăn kẹo, bánh và nói đủ thứ chuyện. Tôi đã trở thành niềm an ủi cho anh tôi và những người bệnh phong ở Quán Chim. Mọi người ở đây quí tôi vì thấy tôi thương anh tôi và biết tôi thương cả làng bệnh phong.Bao giờ tới thăm anh tôi cũng ngủ lại đêm. Tôi cố làm cho anh hiểu rằng tôi không sợ lây để anh không mặc cảm, tủi thân. Anh tôi có một niềm tự hào nho nhỏ về cô em gái út. Mỗi khi nghe ai đó trong làng khen em gái anh "đẹp" thì anh sung sướng ra mặt. Anh vội vàng khoe ngay:" Nó tên Kim Chi, có nghĩa là "cành vàng".
Nhà này má tôi đẻ toàn con trai, đến khi đẻ nó, ba má tôi quí quá nên đặt là cành vàng.. Nó có bí danh khi đi chiến trường là Hồng Anh, đó là nó ghép tên tôi và chồng nó..." Tất cả những bài báo, những tạp chí điện ảnh có đăng về tôi, anh đều cất giữ như của báu. Tình yêu mà anh tôi dành cho tôi đã khiến cho những người ở làng phong cũng bị lây theo.
             Sau này anh tôi mất, tôi ít có dịp quay lại Quán Chim. Nhưng tôi luôn nghĩ về những con người bất hạnh đó.Vì lẽ đó khi nghe thầy Thích Thanh Phương tổ chức đi từ thiện ở Quán Chim là tôi tham gia liền.
            Lần đó chúng tôi góp tiền lại mua rất nhiều thực phẩm: gạo, mì tôm, đường, sữa, bánh kẹo,chăn, mền ...vv mang tới cho bà con bệnh phong.
            Thấy tôi và Lý Bạch Huệ là nghệ sĩ có mặt  trong đoàn đi từ thiện thì có nhiều người hào hứng tham gia.     
            Khi đoàn tới Quán Chim, nhìn thấy tôi, bà con mừng lắm. Các cháu bé reo    lên:
 - Có cô năm em bác hai Kiên Giang cũng tới...
Tôi đang rất vui được chuyện trò cùng bà con thì có ngươi gọi tôi:
- Mời cô Kim Chi tới gặp thầy ...Có chuyện rắc rối rồi, cô ơi.!..
Tôi vội vã đi đến chỗ xe hàng. Thầy Thanh Phương vẻ mặt lo lắng:
- Cô Kim Chi ơi, có mấy người tới không cho chúng ta đưa hàng vào chùa để phân phát trực tiếp cho bà con.
Tôi hỏi thầy:
- Thưa thầy họ là ai?
- Họ bảo họ là cán bộ xã...
- Họ muốn gì ạ?
Thầy lắc đầu:
- Mấy người đó biểu phải đưa đồ vào nhà của một cậu làm ở ủy ban xã. Ở đây tự họ sẽ lập danh sách rồi mới phân phát...
Tôi nói với thầy:
- Dạ, vậy là con rõ rồi ạ!
Thầy hỏi:
- Cô rõ sao?
- Rõ là họ muốn ăn dùm số đồ này.!
Thầy nhìn tôi lo lắng thật sự:
- Chết rồi! Không lẽ họ lại tệ vậy. Họ dám làm vậy thiệt hả cô?
Mọi người trong đoàn từ thiện vây lấy tôi với vẻ lo lắng thật sự.
Tôi đã nghĩ ra được một cách, tôi nói với thầy Phương và mọi người:
.- Xin thầy và mọi người yên lòng!
Rồi tôi nói nhỏ với thầy Phương kế hoạch của tôi. Nghe xong, thầy Phương gật gù, thầy nói lớn:
- Xin mọi người chịu khó chất hàng lại lên xe, ta chuẩn bị trở về Sài Gòn...
            Mọi người quá bất mãn, nhiều người nói lớn:
- Vậy là mang hàng về hả thầy?
- Trời ơi, đem về thì số hàng này cất vào đâu?
Tôi cố ý nói to cho mấy "cán bộ xã" nghe:
- Chúng ta đem  quà cho bà con bệnh phong, quyền cho ai là của chúng ta. Nhưng chính quyền xã đòi nộp cho xã để xã phân phát thì các vị có tin sẽ đến tay bà con không?
Mọi người buồn bực đưa hàng lên xe.
            Tôi lẽn vào sau sân chùa, vẫy mấy người bệnh đi theo:
- Khi xe nổ máy thì bà con mình gào khóc thật to vào. La lớn rằng" Trời ơi, chúng tôi nghèo khổ vầy mà có người cho quà lại không được nhận...".
  Tôi đi nhanh trở ra tìm mấy "cán bộ xã". Tôi hỏi họ:
- Xin làm ơn cho tôi biết  ai là cán bộ xã đã ra lệnh cấm đoàn từ thiện của thầy Thông Phương không được phép cho quà trực tiếp bệnh nhân phong? Xin cho biết lí do vì sao lại thế?
Một người trong số đó :
- Là lãnh đạo xã đã ra lịnh ...
Tôi mở túi móc ra cuốn sổ tay, xé một tờ đưa cho người vừa trả lời:
- Anh làm ơn ghi rõ tên ông lãnh đạo xã của anh, người đã ra cái lệnh không bình thường đó. Rồi anh ghi rõ họ tên các anh. Bên dưới kí tên đàng hoàng.
Một trong hai người đó hỏi lại:
- Chúng tôi không làm theo ý chị thì sao?
- Chúng tôi sẽ lập biên bản về việc các anh không cho chúng tôi trao quà cho bà con bệnh nhân phong mà lại đòi đưa hàng cho các anh. Xe hàng sẽ được mang trở về thành phố. Ngày mai tôi sẽ cùng thầy Thanh  Phương đến Ủy ban nhân dân huyện Long Thành báo cáo về việc này...
Hai người nhìn nhau hơi lúng túng. Tôi nhìn mấy anh chị bệnh nhân đang theo dõi câu chuyện và nháy mắt ra hiệu cho họ làm theo điều tôi dặn.
Bên ngoài có tiếng gọi của ai đó:
- Nói chuyện xong chưa cô Kim Chi ơi, về không sắp tối rồi...
 Tiếng xe nổ máy.Bỗng tiếng khóc cất lên từ phía bà con bệnh phong:
- Trời đất ơi, chúng con đói khổ vầy mà người ta lại không cho đoàn từ thiện
 cứu trợ...
 Những người bệnh phong lao tới bên chiếc xe kêu khóc. Họ khóc thật sự vì họ nghĩ chúng tôi sẽ về thật.
 Hai vị " cán bộ xã " bỗng cuống quít chạy ra xe:
- Thôi, mấy người cho xe vào chùa đưa quà cho bà con đi. Chúng tôi sẽ báo cáo lại với lãnh đạo xã sau ...
Chúng tôi chỉ chờ đợi có thế.
 Xe chạy đến cửa chùa. Ngôi chùa làng bé tí như một căn nhà cấp 4. Số quà được chuyển xuống. Tôi nói lớn:
- Mời bà con vào tất cả trong chùa, ngồi xuống nền gạch. Chúng ta sẽ lần lượt nhận quà. Ai lên nhận thì nói rõ tên họ cho tôi được ghi lại trong cuốn sổ này. Số hàng còn lại, chúng tôi sẽ bổ sung cho những gia đình đông người. 
            Mọi người mừng mừng tủi tủi lên nhận quà. Mỗi túi quà chỉ có 5kg gạo, 10 gói mì tôm. 1 chai nước mắm, 1kg đường tán, 1gói mì chính ( bột ngọt) và một tấm đắp bằng bông đệt loại rẻ tiền.
            Khi chúng tôi trao quà bổ sung xong thì còn mấy túi, tôi nói lớn:
- Mấy túi quà này là phần của anh em UBND xã mình. Chúng tôi xin gửi bà con chuyển tới những cán bộ xã ở đây. Chúng tôi biết anh em ở đây cũng là bệnh nhân phong, cũng nghèo và vất vả lắm... Mong anh em hãy yêu thương bà con cùng cảnh và hết lòng giúp đỡ bà con ở đây...
            Thầy Thanh Phương và anh em trong đoàn từ thiện  gật đầu, tán đồng.
   Người cho cũng như người nhận đều ngập tràn hạnh phúc được sẻ chia.
Những người ngăn chúng tôi cho quà trong giờ phút chia tay với đoàn họ cũng có mặt... Hai cậu " cán bộ xã" hơi ngượng nhưng rồi cũng vui vẻ ôm quà...đi theo tiễn chúng tôi ra xe.      
            Khi xe nổ máy chạy một đoạn thì một người trong đòan hỏi thầy:
- Thưa thầy, tại sao lúc nãy thầy lại ra lịnh cho chúng con gom hàng lên xe  chuẩn bị trở về  ?
Thầy Thanh Phương gọi tôi tới ngồi gần thầy:
- Thầy xin nói rõ với các anh chị trong đoàn chuyện đó là do cô Kim Chi xui thầy... Bây giờ cô kể lại cho mọi người nghe đi..
            Tôi đã thuật lại kế hoạch đấu tranh với mấy vị "cán bộ" dởm. Moi người cười ồ thích thú .
Thầy Phương nói :
- Chuyến đi này của chúng ta gặp quá nhiều rắc rối. Lúc sáng mới đi tới ngã tư hàng xanh thì ta bị công an thổi còi...
Một người nói chen:
- Họ hạch hỏi đủ chuyện. Cô Chi đã bàn phải chi tiền cho họ không thì còn giằng dai tới trưa ...
Thầy Thanh Phương nói:
-  Thầy rất cảm ơn cô Kim Chi ...đề nghị từ đây ta có đi từ thiện đâu  thì cô Kim Chi cố gắng thu xếp thời gian để đi cùng.
Tôi cảm động nói với thầy:
- Con sẵn sàng nếu lúc đó con rảnh.
Thầy nói :
- Thầy biết cô đang còn đi dạy ở trường nghệ thuật sân khấu. Thì mình sẽ đi
vào ngày chủ nhật.
Mọi người trên xe đều hoan hỉ, tán đồng khi nghe lời đề nghị của thầy dành cho tôi.. .
   Mãi tới bây giò,thỉnh thoảng nhớ lại những lần tiếp xúc với những người bệnh nhân phong, lòng tôi lại trào dâng niềm cảm thương . Cũng một kiếp người mà sao họ bất hạnh thiệt thòi đến vậy... Được đem tới cho họ những món quà dẫu rất đơn sơ, nhưng nặng nghĩa tình của cảnh lá lành đùm lá rách. Đó là thời bao cấp nên ngay cả chúng tôi là những người đi làm từ thịên cũng rất nghèo. Nhưng tôi vẫn nhớ câu "người được cho là người hạnh phúc..."
    Phước Thái, tháng 7.2013
K.C
(Bản gốc tác giả gửi đến BVB)
------------------

7 nhận xét:

  1. Những bài viết hay và cảm động như thế này, trên các báo chính thống của đảng (Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền phong... có tìm đến mỏi mắt run tay cũng không bao giờ thấy. Tấc giả có gửi bài đến họ cũng chẳng bao giờ đăng.
    Xin cảm ơn nghệ sĩ Kim Chi, bài viết của chị rất hay.

    Trả lờiXóa
  2. Đến phần quà nhỏ nhoi dành cho người bệnh phong mà cũng muốn liếm láp! Mấy kẻ đó khốn nạn thiệt! Ăn đi, ăn đi! Ăn cho tàn mạt đất nước này đi!!!

    Trả lờiXóa
  3. Chú Bồng ơi, đọc câu chuyện trên blog của chú, cháu lại nghĩ đến hai cái diễn văn của ông Chủ tịch Tổng Liên Đoàn LĐ trong chương trình Vinh Quang Việt Nam và ông Vũ Văn Ninh trong chương trình Ngân hàng Bò tối qua. Cháu thấy dị ứng kinh khủng với cái diễn văn ban ơn của họ với các điển hình tiên tiến (Vinh quang VN) và người nghèo (Ngân hàng bò). Quan chức chính quyền bây giờ họ luôn nghĩ họ ban ơn cho người dân. Trong khi cái sự nghèo của người dân là lỗi của họ. Xã hội mình giờ buồn nhỉ!
    Cháu rất thích đọc các bài trên blog của chú. Chúc chú luôn khỏe và kiên định với ngòi bút và tâm huyết của mình.
    Hoàng Hải Việt
    Sóc Sơn - HN

    Trả lờiXóa
  4. cảm ơn chị"Cành Vàng".Chúc chị luôn vui khoẻ, và trẻ mãi không già.

    Trả lờiXóa
  5. Ấy là vì mấy vị cán bộ kia muốn "lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện" mấy gói quà mà đoàn từ thiện của chị Kim Chi tặng mấy bệnh nhân phong ở Long Thành ấy mà. Họ cần phải biết có bao nhiêu gói quà, trong mỗi phần quà là những gì?Và họ đã sáng suốt nghĩ ra cách là mang về UBND xã để họ .....lãnh đạo. Đơn giản thế thôi.
    Quê tôi thuộc vũng lũ, có lẽ là lũ ngập nhất cả nước. Vào những năm 1978, sau những trận lũ lụt, mà có đến trên 50% số nhà trong làng bị trôi và bị sập. Mùa màng mắt trắng. Dân tình đói khổ. Nghe đâu cũng có quà cứu trợ của nhà nước và một số tổ chức từ thiện. Nhưng tất cả đều "ném" vao kho của UB xã. Sau này người dân mới được biết, số quà đó chỉ chia cho cán bộ, đảng viên mà thôi. Trong số cán bộ đảng viên được chia quà, có một số bị ngập. Nhưng phần lớn nhà họ ở vùng cao, không bị ngập, vẫn được chia quà.
    Sau này, như vào năm 2010, trận lụt lịch sử ở quê tôi, thì các đoàn cứu trợ họ gặp địa phương để xin danh sách các gia đình trong thôn. Và họ gọi theo danh sách, các hộ lên nhận quà trực tiếp. Vì vậy bà con rất phấn khởi, không bị thất thoát.

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn tấm lòng của Kim Chi và Chú Bồng! Bọn cán bộ khốn nạn, tham lam của Đảng như trong câu chuyện trên ở VN hiện nay quá nhiều.
    Quê tôi thuộc vũng lũ rất hay bị ngập. Vào năm 2007 lũ to nhà cửa, ruộng vườn chìm trong biển nước gần 20 ngày. Việc cứu trợ được nhà nước và nhiều tổ chức quan tâm, nhưng thất thoát cũng nhiều, đặc biệt là số hàng cứu trợ đã được đưa vào kho của UBND xã. Gạo phát cứu trợ nhìn đẹp, nhưng bỏ gạo vào nồi nấu phần bên trong hạt gạo không chín được. Phải chăng là "âm mưu diễn biến hòa bình"?!

    Trả lờiXóa
  7. Có một làng của bệnh nhân phong nay được dời vào đất liền đó là "Làng phong Hòa Vân" hay "làng Vân". Làng Vân thơ mộng nép mình nơi eo biển bên chân đèo Hải Vân sừng sững có tên gọi khác xót xa hơn là làng cùi, làng hủi…
    Làng phong Hòa Vân ngậm ngùi“nhường“ đất cho casino (Trích bài viết của Vũ Văn Anh).
    Làng Vân (tên gọi khác là “làng cùi”, Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng) cái tên gọi đẹp và thơ mộng, nhưng vốn từ xưa là nơi “tránh đời” của bao phận người mang trong mình căn bệnh phong bị người người xa lánh, kì thị….
    Nhưng nay, vùng đất sơn thuỷ đã có tên gọi mới: "Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp cao cấp Hoà Vân" (mức đầu tư 5 tỉ USD), đổi lại, ngày 25/8, hơn 350 nhân khẩu thuộc 127 hộ gia đình ở đây được chuyển vào đất liền (khu nhà liền kề Hòa Hiệp trên đường Nguyễn Tất Thành, quận Liên Chiểu). Sau nửa thế kỷ tồn tại, kể từ đây “làng cùi” chính thức rời xa ký ức người dân...
    Theo phân tích của ông Trịnh Khen (50 tuổi quê gốc Phú Yên) cũng như những hộ dân khác, họ đồng lòng với chủ trương của thành phố là ra đi nhường đất cho một dự án lớn. Nhưng, mức đền bù chưa thật sự tương xứng. Phần lớn, hộ dân sinh sống ở đây đều có diện tích đất ở, ruộng vườn rất lớn. Nhiều hộ có từ vài trăm đến cả chục ngàn mét vuông đất.
    Thế nhưng, vì chưa được Nhà nước cấp “sổ đỏ”, thành ra giá đền bù rẻ mạt. Trong khi đó, nơi ở mới chỉ là gian nhà cấp bốn, liền kề, chung tường chỉ với 75m2. Không ruộng vườn, không đất đai sản xuất, chúng tôi sẽ sống bằng cách gì với 240.000 đồng/tháng trợ cấp xã hội như hiện nay?”. “Mấy anh chị xem, lúc ở làng Vân, ngoài trồng lúa với đất đai rộng mênh mông, chúng tôi còn nuôi được con heo, gà... để bán kiếm tiền. Chừ vô đây rồi thì chịu chết thôi?”, bà Mai Thị Thối (46 tuổi, quê gốc Huế) nói.
    “Làng Vân rõ ràng tương lai sẽ là nơi lý tưởng khi không chỉ có bến du thuyền, có đường giao thông, mà còn có cả... cáp treo nối từ thành phố... Nhưng ngược lại, người làng Vân phải đánh đổi để tìm những giấc mơ khác, gần gũi, thiết thực hơn và cũng ẩn chứa nhiều rủi ro khi đối mặt với cuộc sống: cơm, áo, gạo tiền …

    Trả lờiXóa