Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Việt Nam – Hoa Kỳ CẦN HỢP TÁC TOÀN DIỆN VÌ MỤC TIÊU CHUNG


* Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG
LTS- Tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, ngày 26-7 (theo giờ Việt Nam), Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG đã đến thăm Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) và có bài phát biểu quan trọng tại đây. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu.
Thưa Tiến sĩ Giôn Ham-rơ, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ
Thưa các quý vị và các bạn,
Tôi vui mừng tới thăm và phát biểu ý kiến với các quý vị tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS). Trong khán phòng hôm nay, tôi được biết nhiều học giả có tên tuổi, nhiều vị đã có mối quan tâm lâu dài với Việt Nam. Nhiều vị đã và đang có những đóng góp rất quan trọng cho mối bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Xin gửi tới các quý vị lời chào trân trọng và lời cảm ơn chân thành nhất.
Tôi đánh giá cao vai trò của CSIS, với tư cách là một trung tâm học thuật, nghiên cứu chiến lược hàng đầu ở Hoa Kỳ và trên thế giới, trong việc tăng cường đối thoại, hiểu biết giữa chính giới, học giả và nhân dân các nước, cũng như đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến an ninh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới. Ðó là những quan tâm và lợi ích mà tất cả các nước đều chia sẻ. Ðây chính là nhân tố quan trọng và rất cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển của quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn tới.
Tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ về khung cảnh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong khung cảnh đó.
Những chuyển dịch sâu sắc, chưa từng có trên toàn cầu trong hơn một thập kỷ qua khẳng định, trong thế kỷ 21, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất và đóng vai trò đầu tàu trong liên kết kinh tế thế giới. Ðây là khu vực tập trung 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất, với tỷ trọng thương mại xuyên Thái Bình Dương hiện đã chiếm 2/3 thương mại toàn cầu, đóng góp gần 40% tăng trưởng toàn cầu.
Châu Á - Thái Bình Dương ngày nay đang đem lại cơ hội cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Hoa Kỳ cùng chia sẻ bờ biển Thái Bình Dương, châu Âu với những mối liên hệ lịch sử, các nước ven bờ Ấn Ðộ Dương gắn chặt với Thái Bình Dương qua eo biển Ma-lắc-ca. Sự thịnh vượng kinh tế của mỗi nước tại khu vực - dù đó là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Ấn Ðộ và các nước ASEAN - đều đóng góp cho sự thịnh vượng chung của cả khu vực. Và ngược lại, một châu Á phồn vinh cũng tạo đà mạnh mẽ cho sự phát triển của mỗi nước trong khu vực. Sự phát triển của khu vực gắn liền với phần còn lại của thế giới. Do đó, việc các nước lớn đặt châu Á - Thái Bình Dương ở vị trí ưu tiên trong chính sách của mình là điều tất yếu.
Những cơ hội to lớn mà châu Á - Thái Bình Dương đem lại đang thúc đẩy xu hướng hợp tác, liên kết năng động. Các diễn đàn khu vực và liên khu vực như APEC, ASEM tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong liên kết giữa các nước ven bờ Thái Bình Dương với châu Á, giữa châu Âu với châu Á. Trong vài năm gần đây, bên cạnh việc triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã ký kết, các nước cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ các liên kết kinh tế mới sâu rộng hơn rất nhiều về cấp độ, quy mô và không gian kinh tế như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Khu vực thương mại tự do Ðông Bắc Á. Tất cả các kênh liên kết này sẽ chiếm tỷ trọng lớn và sẽ đem đến những thay đổi đáng kể trong nền kinh tế toàn cầu, góp phần tạo động lực phát triển mới, đồng thời mở ra triển vọng hướng tới một khu vực thương mại tự do chung cho toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Có thể nói, việc thực hiện thành công các liên kết này có tầm quan trọng chiến lược với tất cả chúng ta.
Thưa các quý vị,
Những tiềm năng của khu vực là hết sức to lớn. Thế nhưng những tiềm năng đó có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc vào môi trường hòa bình, an ninh khu vực. Bảo đảm một môi trường hòa bình, ổn định, ngăn chặn và kiểm soát các xung đột là trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực.
Việc xây dựng và củng cố một cấu trúc khu vực nhằm tăng cường hợp tác, kết nối giữa các nước về kinh tế, thương mại, chính trị, an ninh, văn hóa, xã hội chính là sự bảo đảm hữu hiệu nhất cho hòa bình và thịnh vượng. Nằm ở trung tâm của khu vực trải rộng từ Thái Bình Dương tới Ấn Ðộ Dương và là cầu nối giữa các cường quốc, các nước vừa và nhỏ, ASEAN có vị trí hết sức quan trọng trong các tiến trình hợp tác ở châu Á. Chính vì vậy mà các nước đều thừa nhận vai trò trung tâm của Hiệp hội ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Ðể bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và phát triển, ASEAN sẽ tăng cường hoạt động của cơ chế, diễn đàn, thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các công cụ, chuẩn mực, quy tắc. Trong vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải, ASEAN kiên trì thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, thực hiện đầy đủ DOC, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Việc ASEAN và Trung Quốc mới đây đạt được nhất trí về khởi động tham vấn chính thức nhằm hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) là dấu hiệu tích cực ban đầu và cần tiếp tục được thúc đẩy.
Về kinh tế, ASEAN là giao điểm của nhiều mạng kết nối kinh tế - thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm gắn kết các hiệp định thương mại tự do song phương cũng như đa phương, thúc đẩy việc hướng tới một khu vực thương mại tự do chung cho toàn khu vực. Xu thế hướng tới liên kết khu vực chặt chẽ sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho các mối quan hệ kinh tế và lợi ích đan xen giữa các nước, một bảo đảm cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng lâu dài.
Các nước lớn luôn có vai trò quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế, trong các cơ chế đa phương và tại châu Á - Thái Bình Dương. Tăng cường quan hệ với các nước đối tác quan trọng luôn là một ưu tiên của ASEAN cũng như Việt Nam. Trong việc xử lý các vấn đề an ninh, điều mà ASEAN mong muốn là hòa bình, ổn định được duy trì, các cơ chế khu vực phát huy vai trò, luật pháp quốc tế được tôn trọng. Chúng tôi mong muốn tất cả các cường quốc đóng góp một cách có trách nhiệm vào nỗ lực chung này. Hiệp hội sẽ không trở thành công cụ cho bất cứ sự đối đầu và chia rẽ nào, một điều sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN tự cường vào năm 2015 đã trở thành ưu tiên số một của các nước thành viên Hiệp hội. Ðối với Việt Nam, đây là một nội hàm hết sức quan trọng trong đường lối đối ngoại của chúng tôi. Chúng tôi đã và sẽ tham gia vào các hoạt động của ASEAN một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm, gắn lợi ích quốc gia của mình với lợi ích chung của Hiệp hội nhằm củng cố vai trò, vị thế của ASEAN, duy trì và tăng cường đoàn kết, đồng thuận nội khối. Có như vậy, ASEAN mới có đủ sức mạnh, tự cường để xây dựng thành công Cộng đồng. Chúng tôi cũng sẽ cùng các nước phấn đấu đưa Hiệp hội trở thành hạt nhân trung tâm trong tiến trình hợp tác khu vực, tăng cường mối quan hệ tương tác sâu rộng với các nước đối tác nhằm phục vụ các mục tiêu và lợi ích chung.
Thưa các quý vị,
Trong lòng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động và giàu tiềm năng, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã thực sự được mở rộng và nâng tầm trên nhiều lĩnh vực, cả bề rộng, bề sâu cũng như hiệu quả của các lĩnh vực đó. Nếu nhìn lại cả chặng đường dài lịch sử, chúng ta mới thấy được những bước tiến, những thành tựu trong quan hệ hai nước ngày nay là rất có ý nghĩa.
Như các quý vị có thể đã biết, cách đây 100 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân lên đất nước Hoa Kỳ trên con đường đi tìm tự do và độc lập cho dân tộc mình. Người đã chia sẻ những khát vọng chung của loài người, được Tổng thống Hoa Kỳ Thô-mát Gie-phơ-xơn nêu trong Tuyên ngôn 1776 khai sinh ra nước Hợp chúng quốc Hoa Kỳ: Ðó là khát vọng được sống, bình đẳng, tự do và hạnh phúc. Tháng 2-1946, không lâu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Tru-man bày tỏ mong muốn hai dân tộc cùng dựng xây mối quan hệ "hợp tác đầy đủ". Trải qua những thăng trầm của lịch sử, năm 1995, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Ðối với Việt Nam, việc tăng cường quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nằm trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đưa các mối quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định. Sáng hôm nay, tôi đã có cuộc hội đàm với Ngài Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Tôi vui mừng thông báo với các bạn, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Ðối tác toàn diện. Theo đó, hợp tác giữa hai nước sẽ gồm tất cả các lĩnh vực: chính trị - đối ngoại, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc phòng-an ninh. Chúng ta sẽ tiếp tục hình thành những cơ chế đối thoại và hợp tác với những chương trình cụ thể nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và phát triển thực chất.
Một nội dung quan trọng nữa là Việt Nam và Hoa Kỳ đã tái khẳng định quyết tâm và cam kết cùng các nước thành viên kết thúc đàm phán TPP theo lộ trình đã đề ra, hướng tới một hiệp định cân bằng vì phát triển. Với việc hướng tới tham gia vào liên kết kinh tế quan trọng hàng đầu này, Việt Nam tiến một bước lớn trên con đường hội nhập quốc tế toàn diện, đồng thời đóng góp vào sự năng động, phồn vinh của khu vực. Chúng tôi mong muốn hiện thực hóa những lợi ích về thương mại, đầu tư, công nghệ, tiếp cận các công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị và cung ứng ở khu vực và trên toàn cầu, tạo việc làm và góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người dân. Việc tham gia TPP cũng góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Cố nhiên, quá trình này không hề đơn giản với một nước đang phát triển như Việt Nam. Bên cạnh cố gắng cao độ của chúng tôi thì sự linh hoạt và hợp tác của Hoa Kỳ cũng là yếu tố rất quan trọng.
Chúng tôi nhận thức rõ rằng mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển ổn định, lâu dài, thực chất không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi nước mà còn có tầm quan trọng đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Chúng tôi hoan nghênh cam kết của Tổng thống Ô-ba-ma tiếp tục chính sách tăng cường hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực; coi ASEAN là trụ cột chính trong chính sách này, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Ðông. Bên cạnh khuôn khổ TPP, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trên nhiều diễn đàn khác nhau, trong đó có các cơ chế của ASEAN, hợp tác Tiểu vùng Mê Công, Cấp cao Ðông Á và APEC.
Ðương nhiên, hai nước sẽ tiếp tục phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Là một dân tộc có truyền thống hòa hiếu, Việt Nam chủ trương "gác lại quá khứ và hướng tới tương lai". Trong bất cứ mối quan hệ quốc tế nào, việc tồn tại các bất đồng và khác biệt là điều bình thường. Việc chúng ta cần làm là xây dựng lòng tin, xây dựng quan hệ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, thể chế chính trị và cùng có lợi.
Nhìn lại lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, việc xác lập quan hệ Ðối tác toàn diện hôm nay là kết quả của một quá trình hợp tác hướng tới tương lai của cả hai bên. Bắt đầu từ những nỗ lực nối lại quan hệ sau chiến tranh, đến tháng 7-1995, bang giao Việt Nam-Hoa Kỳ đã chính thức được thiết lập, mở ra một chương hoàn toàn mới trong quan hệ giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước. Trong 18 năm qua, mối bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước phát triển nhanh chóng. Năm 2005, hai nước đã xác lập khuôn khổ "Quan hệ đối tác ổn định và bền vững".
Cùng với các bước phát triển của quan hệ, phương cách quan hệ giữa hai bên đang dần thay đổi. Mô thức quan hệ giữa hai cựu thù mà đặc trưng là những chính sách bao vây, cấm vận, trừng phạt trước đây đã nhường chỗ cho các chính sách hòa giải và hợp tác nhiều mặt, đối tác xây dựng mà đặc trưng là tôn trọng thể chế chính trị của nhau, cùng có lợi, đối thoại, gia tăng giao lưu để thu hẹp khác biệt... Ðến nay quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển nhanh chóng. Từ năm 2005, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng gấp 54 lần trong 18 năm. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Hoa Kỳ vào Việt Nam tính đến cuối tháng 5-2013 đạt 10,5 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Hợp tác về khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, quốc phòng - an ninh cũng đang phát triển sâu rộng. Các hoạt động hợp tác về y tế và nhân đạo như rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, vấn đề di chứng và chất độc da cam đi-ô-xin, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh... đã có sự hợp tác tốt và hiệu quả cao, có sức lan tỏa lớn từ cả hai phía.
Thưa các quý vị,
Thông điệp mà tôi muốn nhấn mạnh với quý vị là Việt Nam mong muốn hai nước sẽ tăng cường hợp tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước, cùng chung tay đóng góp và vun đắp cho một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và thịnh vượng. Và chúng ta cần nỗ lực, hết sức nỗ lực hợp tác với nhau trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng và cùng có lợi vì mục tiêu chung đó.
Tôi cảm ơn Tiến sĩ Giôn Ham-rơ và quý vị về buổi đón tiếp trọng thể này. Mong rằng CSIS sẽ tiếp tục có nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm trao đổi những ý tưởng về các tiến trình hợp tác tại châu Á - Thái Bình Dương, về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Mong rằng mỗi quý vị có mặt tại đây sẽ tiếp tục những đóng góp tích cực và có ý nghĩa cho những tiến trình đó, như quý vị đã và đang làm.
Xin trân trọng cảm ơn.
(Theo ND)
---------------

21 nhận xét:

  1. Hoa Kỳ cần ? Có lẽ Việt Nam cần hơn. Nhưng Hoa Kỳ là một nước từng là thuộc địa của thực dân Anh, và họ biết thế nào là dân chủ, là độc lập, là tự do. Còn Việt Nam ? Cứ mãi bám theo cái đuôi chủ nghĩa xã hội cộng sản, độc tài, thì làm sao có thể có tự do và độc lập ? Mỹ sẽ không bao giờ có thể làm cho Việt Nam đẹp nếu Việt Nam không biết tự thay đổi chính mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỹ đã chìa tay muốn hợp tác lâu rồi, rõ nhất là sau ĐH 6 - 1986, nhưng sau khi bị bỏ bùa mê thuốc lú tại hội nghị Thành Đô, VN coi Mỹ là 'trung tâm diễn biến hòa bình" nguy hiểm, VN chạy theo TQ, ôm chặt '16 chữ vàng, 4 tốt', ngủng noẳng không chịu, nay còn đi 'cầu cạnh' gì nữa? Nhưng, thà muộn mà nhận ra đường hướng đúng còn hơn không!

      Xóa
  2. Tuyên bố chung VN-TQ thấy chỉ có lợi cho TQ, không những nhiều chỗ bất lợi mà còn rất nguy hiểm cho VN. Còn qua Hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ, VN có lợi cả trước mắt và lâu dài. Xáp dzô, còn chần chừ gì nữa?

    Trả lờiXóa
  3. ..." Cùng với các bước phát triển của quan hệ, phương cách quan hệ giữa hai bên đang dần thay đổi. Mô thức quan hệ giữa hai cựu thù mà đặc trưng là những chính sách bao vây, cấm vận, trừng phạt trước đây đã nhường chỗ cho các chính sách hòa giải và hợp tác nhiều mặt, đối tác xây dựng mà đặc trưng là tôn trọng thể chế chính trị của nhau, cùng có lợi, đối thoại, gia tăng giao lưu để thu hẹp khác biệt..."
    >> He ..he..vẫn cứ phải, nèo thêm, lồng cái 'thể chế chính trị' vào phát biểu. Yêu cầu hợp tác, quan hệ, nhưng vẫn sợ mất đảng!

    Trả lờiXóa
  4. Xin lỗi, vừa Đ...vừa run!

    Trả lờiXóa
  5. Bám theo cái thằng giẫy điên, giẫy nẩy, giẫy cẩng biết bao năm, tung hô nó 16+4 tưởng vớ bở, nay lại phải đi 'nhờ vả' kẻ giấy chết?

    Trả lờiXóa
  6. Ta...ta ...ấy thời về...Ta..tắm cái mà Ao Ta...Dù trong dù đục..cho dù là nó rất vẩn đục...ối ...a..cái ao nhà vẫn hơn...Tình tang ấy mà dô ta...( Nguyễn Văn Linh - 1991)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ta tắm ...cái mà... ao ta, chẳng cần chơi với thằng cha Mỹ xấu. Bây giờ TQ nó quậy ao nhà đục thêm, ta mới phải rên, rên...khổ lắm ông Mỹ ơi! Ao tôi mà tôi xuống tắm nó bảo ao của nó, nó đè đầu dìm tôi, chết mất thôi!

      Xóa
  7. Tham ca nam hay o do ca doi nguoi cung the! Phai biet nhin tu moi goc do cua nguoi dan va xa hoi thi moi dua ra dc nhung chinh sach hop li. Con cu di nhin nguoi ta roi dua ve ap dung cho minh cung ko dc! Moi quoc gia, moi vung mien co moi net dac sac rieng nen chi tham khao va hoc hoi la chu yeu. Nhung theo quan diem cua toi thi lanh dao vn con qua kem, bao che, bao thu, quan lieu va tham lam qua do nen nguoi dan se con kho nhieu hon nua!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 23 năm, mất 4 nhiệm kỳ đại hội, Việt Nam sa vũng lầy lặn lội, từ Hội nghị Thành Đô nay mới lò dò sang Hội nghị tại Thành phố Đô - la.

      Xóa
    2. Bình luận thế nào là quyền của mọi người.Tôi chỉ suy nghĩ: nếu năm 1990 Nguyễn Văn Linh cùng với đảng THIÊN TÀI làm như hôm nay thì tốt biết bao nhiêu, chỉ phân vân nỗi là thiên tài chui vào bụi loai hoay mãi không ra được nay thấy ánh sáng cuối đường hầm lại bắt đầu hô THIÊN TÀI..Việc này còn lâu còn dài không đơn giản đâu.Cuối những năm 1970 mỗi năm việt nam chi cho công tác đối ngoại khoảng 300 triệu đô la. Đó là thời đó các vị lãnh đạo không thi nhau đi công cán nhiều như bây giờ và đông US lúc này và lúc đó rất khác nhau.Một nước văn minh và đầy tham vọng cũng như trách nhiệm như Mỹ sao tổng thống rất ít công cán, chủ yếu bộ trưởng ngoại giao và các sứ quán họ lo chứ ( tất nhiên tôi không nói ông Sang đi lần này là không cần thiết , nhưng có tin trong đoàn có cả bà nội trợ nợ tiền rau , tiền thịt ở chợ quê thì bạn nghĩ gì?).Hàng ngày các phương tiện truyền thông nêu biết bao nhiêu khó khăn của nhân dân đất nước rồi huy động ,kêu gọi lòng hảo tâm...Tôi nghĩ VIỆT NAM NÊN TÁI CẤU TRÚC VỀ CÔNG TÁC NGOẠI GIAO CHĂNG?

      Xóa
    3. Biết khôn ra, Ta dzô Tây rồi Tây dzô ta, đừng lú lẫn rầy rà mà ôm mãi cái Thành Đô.

      Xóa
  8. Dạ..thưa! Tôi có một đề xuất: Tôi hứa với bạn Hoa Kỳ là tôi sẽ hợp tác chặt chẽ, toàn diện... Nhưng mà, khi T.Quốc giậm chân đe dọa thì bạn hãy cho tôi "được sợ" một tý. Hi ..hi..Hu...hu.. Bạn cho tôi mếu máo chút đã rồi tôi ký!

    Trả lờiXóa
  9. Hoa Kỳ tổ chức lễ đón nguyên thủ của VN vừa qua rất "Long trọng"
    Hoa kỳ không dại gì bỏ mất thị trường TQ hơn 1 tỉ dân.
    Hoa kỳ không thừa nhận và không ủng hộ chế độ độc tài, độc đảng đâu.
    Đừng có ngồi mà mơ!

    Trả lờiXóa
  10. Minh hồi nay hay ăn hải sản. vì sợ sau này chả có mà ăn....

    Trả lờiXóa
  11. mỹ sợ trung quốc teo cả mu ri, nhờ việt nam ủng hộ cho đở lạnh vậy thôi,

    Trả lờiXóa
  12. Bằng việc ký với Việt Nam “ Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện “ , người Mỹ đã đi một nước cờ cao , một nét quan trọng thể hiện dấu ấn cá nhân của Tổng Thống Obama .Được thể hiện qua các điểm sau :

    - Gửi một thông điệp tới chính phủ và nhân dân Việt Nam rằng nước Mỹ sẵn sàng giúp đỡ bạn bè trong khó khăn ( Việt Nam đang chịu sức ép mạnh mẽ từ Trung Quốc ).- Một cử chỉ hào hiệp .
    - Đặt Việt Nam vào thế phải có lựa chọn ( Không thể đu dây mãi ) :
    + hoặc đi với Trung Quốc ( thì giữ yên được chính thể nhưng bị lấn át về mọi mặt , và lòng dân căm phẫn ).
    + nếu đồng hành với Mỹ thì tương lai sẽ “ Sáng “ hơn , biển đảo nhiều khả năng sẽ giữ được ( Mỹ có nhiều cách để làm điều này ; qua các diễn đàn quốc tế , đặt các dàn khoan dầu , tập trận quân sự ở Biển Đông , ủng hộ nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ..v…..v )
    - Gửi một thông điệp tới Trung Quốc rằng chớ đi quá đà , vì ngoài Nhật , nay đã có thêm Việt Nam – Những “ Khắc Tinh “ của Trung Quốc trong quá khứ , cũng qua đó đặt nước này ở vào thế bị động khi đang tìm cách qua mặt Mỹ .
    - Đặt Việt nam vào quỹ đạo có kiểm soát và có chế tài thông qua các hiệp định đã và sẽ ký trong tương lai , qua đó thúc đẩy kinh tế và cải cách dân chủ trong nước .
    - Thử thách mối quan hệ trước khi có niềm tin bền vững trong tương lai .

    Hiệp định “ Hợp Tác toàn Diện “ Việt - Mỹ là điểm sáng hiếm hoi của nền ngoại giao Việt Nam thời gian gần đây , qua nội dung của nó chúng ta có thể thấy rất nhiều thuận lợi đã được mở ra nếu chúng ta biết cách tận dụng hết “ Công xuất “ của nó , nó “ Sáng sủa “ hơn hẳn nếu so với bản hiệp định vừa ký với Trung Quốc .

    Sức ép mạnh mẽ hơn sẽ đến từ Trung Quốc sau bản hiệp định này , Chính Phủ Việt Nam cần hết sức quyết đoán để đáp trả nó , với sự ủng hộ và đoàn kết của toàn dân , thay vì nhu nhược và sợ hãi .

    Một bản hiệp định không thể là chiếc “ đũa thần “ có thể giải quyết mọi chuyện trong nháy mắt , nhưng nó sẽ là tiền đề để có thể mở ra tương lai cho đất nước , đó chính là thách thức và sự thử thách khắt khe trong các mối quan hệ , bang giao quốc tế mà nhiều quốc gia phải trải qua trước khi có “ Lòng tin chiến lược “

    Cơ hội nay đã đến , hãy biết tận dụng một cách có lợi nhất , đừng để nó trôi qua vô ích .

    Xin chúc Bác Bùi Văn Bồng cùng các quý vị mạnh khỏe , bình an


    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
  13. Trả lời câu hỏi của phóng viên một tờ nhật báo ở thủ đô Hoa Kỳ, rằng: “Sao đoàn các ngài sang Mỹ đông thế?”, một cán bộ của ta nói: “Việc gì đến anh mà chõ mũi vào? Đoàn chúng tôi chỉ có ba trăm người chứ ba nghìn người đếch đâu mà đông? Lắm chuyện!”. Nghe thế, tay phóng viên nói: “Xin ngài đừng nóng tính”. Ông cán bộ Việt Nam giơ nắm đấm về phía trước: “Nóng gì mà nóng, nếu mà ở bên Việt Nam thì chúng tao cho bắt mày vào giam chung với thằng Điếu Cày rồi. Biết chưa?”. Tay phóng viên toát mồ hôi háng, lặng lẽ bỏ đi, thế là cuộc phỏng vấn không thành và dĩ nhiên, anh ta kinh Việt Nam đến chết luôn...

    Trả lờiXóa
  14. Như thế là chuyến công du Hoa Kỳ của CTN đã được đánh giá là "thành công tốt đẹp".
    Nhưng xem nghi thức ngoại giao và kết quả là không thấy TBC giữa 2 nguyên thủ QG thấy kỳ kỳ sao đó.
    Bác nào thông hiểu chỉ dùm tôi với, cảm ơn nhiều!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất đơn giản. Không có Tuyên bố chung tức là chỉ có Tuyên bố riêng. Thế giới tự do (khối tư bản tự gọi họ như vậy) trong thâm tâm không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa công sản. Thật uổng công khi nhiều người hy vọng vào chuyến đi. Cứ đi đâu một lúc là mọi việc trở nên sáng láng? Một buổi họp mặt đồng hương (phần lớn là mất thời gian) còn có ý nghĩa hơn.

      Xóa
  15. Em là con nông dân một cục, cả nhà em chưa ai được đi Mỹ bao giờ, bản thân em cũng thế. Các anh các chị cho em hỏi: Vé máy bay từ Hà Nội đi Mỹ (cả lượt về), hết bao nhiêu tiền. Đoàn của bác Sang nghe nói 300 người, đi Mỹ một chuyến như thế tính các loại chi phí cộng vào, hết khoảng mấy tỷ tiền Việt các anh, các chị ơi? Thông cảm cho em, em nghèo kiết xác, nên chỉ cần nói đến tiền triệu là em đã hoa cả mắt...

    Trả lờiXóa