Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

LÁ THƯ KỶ VẬT – Hơi ấm của lòng dân xứ bưng biền


* LÊ XUÂN
Cảm xúc trữ tình của tác giả đã hòa nhập vào Lá thư kỷ vật để rồi thao thức cùng trăng ở chốn rừng già U Minh, nơi tận cùng Tổ quốc ở phương Nam. Bài thơ kẻ lại câu chuyện một ông già”râu cước như tiên” là người dân Nam bộ, đã mai táng liệt sĩ quê ở miền Bắc rất chu đáo. Khi đào kênh, ông đã dời ngôi mộ về vườn của mình, ngày đêm khói nhang chân tình.
Cùng viết về đề tài thương binh- liệt sĩ, tôi thấy Đại tá Bùi Văn Bồng còn có bài Lời ru ngọn cỏ rất hay, và tôi xin được mượn hai câu kết của bài thơ ấy làm nén tâm nhang dâng lên hương hồn các liệt sĩ vô danh và hữu danh ở khắp mọi miền của Tổ quốc ta:
"Người hy sinh, đất hồi sinh
Trái tim hoá ngọc lung linh đất trời"
                                                  (Trích)
Với tâm khảm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì dân vì nước qua các cuộc chiến tranh, một trong những bài thơ viết về đề tài TB-LS mà tôi thường đọc lại nhiêu flần là bài thơ sau đây của nhà thơ Bùi Văn Bồng:
LÁ THƯ KỶ VẬT
Lá thư nóng hổi tay tôi
Hay là nắng rớt chiều vơi cuối rừng
Nhạt nhòa nét chữ rưng rưng
Trang thư làm tím một vùng heo may.

Nhớ đêm mây úa trăng gầy
Đáy ba lô lá thư này mở ra
      Bạn khoe : Thư của "người ta"...
Chữ nghiêng con gái sao mà dễ thương.

       Rồi hai đứa hai chiến trường
                      Để bây giờ thắp nén hương bồi hồi                   
   Tôi đi tìm mộ bạn tôi
    Đã qua mấy chục năm rồi dễ đâu.
Bưng biền lúa biếc một màu
Sơ đồ mộ chí nát nhàu khó xem
Lão nông râu cước như tiên
Mắt nhòe ngấn lệ soi trên sơ đồ ...

Đào kinh lấy đất đắp bờ
Mộ anh bây giờ yên giữa vườn xanh
Lão nông với tấm lòng thành
Ngày đêm nhang khói cầu lành tâm linh.
Chỉ riêng một lá thư tình
Lão đem giữ kín trong mình làm tin

Bắc –Nam thuở ấy hai miền
Lá thư tình vẫn vẹn nguyên đến giờ.
Tôi cầm kỷ vật ngẩn ngơ
 U Minh đầu tháng bất ngờ trăng lên
                                               BVB
Người chiến sĩ hy sinh khi tuổi còn xanh. Nhà thơ Lê Anh Xuân đã khắc họa: “Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường / Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ”. Còn Trần Mạnh Hảo viết: “Thế hệ chúng tôi đi như gió thổi / Quân phục xanh đồng sắc với chân trời / Chưa kịp yêu một người con gái / Khi ngã vào lòng đất vẫn con trai” 
Người chiến sĩ với một trái tim hồng, một khẩu súng trường, một đôi dép cao su và chiếc ba lô, là có thể xuôi ngược tung hoành Bước dài như gió lay thành chuyển non. Họ đi theo tiếng gọi non sông.sức mạnh của lòng yêu nước nồng nàn.  Và khi Anh ngã xuống, trở về với đất mẹ yêu quý thì có biết bà mẹ, người vợ đã lặng khóc đêm đêm: “Nước mắt mẹ không còn vì khóc những đứa con, lần lượt ra đi, đi mãi mãi (Xuân Hồng).
Lại còn những bà mẹ: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các Anh không về, mình mẹ lặng im” (Tạ Hữu Yên). Các mẹ, các chị cứ ngày đêm khấn vái, thỉnh cầu, mong nhận lại được dù chỉ là một nắm tro hay một kỷ vật nào đó của các Anh để nguôi lòng. Nhà thơ - đại tá Bùi Văn Bồng trong một lần trở lại chiến khu xưa, nơi rừng già U Minh để tìm mộ bạn tôi đã xúc động khi cầm trên tay lá thư của bạn do một lão nông râu cước như tiên trao lại. Với tâm trạng cảm động đến ngẩn ngơ, và trong giây phút thăng hoa xuất thần, bài thơ "Lá thư kỷ vật" đã ra đời như một lời tâm tình với bạn ở cõi tâm linh.
Lá thư là kỷ vật cuối cùng của người lính trước khi ngã xuống, đã trải qua mấy chục năm, kể từ ngày nguôi tắt ngọn lửa chiến tranh chống Mỹ. Đó cũng là cái tứ xuyên suốt bài thơ để tác giả bộc lộ tâm trạng. Bốn câu đầu của bài thơ là một bức tranh tâm cảnh vẽ ra một không gian rộng lớn trong buổi chiều tà nơi cánh rừng U Minh ở phía trời Tây Nam đất nước:
"Lá thư nóng hổi tay tôi
Hay là nắng rớt chiều vơi cuối rừng
Nhạt nhòa nét chữ rưng rưng
Trang thư làm tím một vùng heo may"


Cầm lá thư đã qua hơn một phần tư thế kỷ mà nhà thơ vẫn thấy nóng hổi hơi thở của cuộc chiến ngày nào. Các từ láy nhạt nhòa, rưng rưng vừa tái hiện khoảng thời gian xa vắng lại vừa diễn tả được nỗi đau nghẹn ngào của tác gỉa, và nước mắt đang chảy vào trong. Cả rừng chiều cũng tím màu thương nhớ. Từ đó làm tái hiện một quá khứ rất đẹp của tình đồng đội:
"Nhớ đêm mây uá, trăng gầy
Đáy ba lô lá thư này mở ra
Bạn khoe: Thư của: "người ta"
Chữ nghiêng con gái sao mà dễ thương"
Trong hoàn cảnh chiến tranh nóng bỏng, một điếu thuốc lá, một lá thư tình cũng trở thành tài sản chung của mọi chiến sĩ. Nó làm vơi đi sự ác liệt, thiếu thốn, nó tiếp thêm sức mạnh cho người lính, và khi Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy (Phạm Tiến Duật). Tuy rất dài và rất xa là những ngày thương nhớ, nhưng hai đứa hai chiến trường xa thẳm, giờ đây vẫn tìm đến nhau:
"Tôi đi tìm mộ bạn tôi
Đã qua mấy chục năm rồi dễ đâu"
Như có một sự "thần giao cách cảm" chăng mà hôm nay Anh được gặp lại lá thư "xưa - kỷ vật của bạn mình, khi được lão nông trao lại sau nhiều năm gìn giữ. Lời kể của lão thật chân tình, làm xúc động lòng ta:

"Đào kinh lấy đất đắp bờ
Mộ Anh bây giờ yên giữa vườn xanh
Lão nông với tấm lòng thành
Ngày đêm nhang khói cầu lành tâm linh"
Hóa ra ở đâu cũng vậy, người chiến sĩ vô danh không đơn độc. Anh luôn nhận được sự an ủi vỗ về, kính phục, chăm lo của mọi người, mọi nhà, bất kể Anh là người ở một miền quê nào. Bởi vì đạo lý uống nước nhớ nguồn là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta. Bởi vì ai cũng phải biết rằng Anh đã hy sinh cho Tổ quốc ta nở hoa độc lập, kết quả tự do (Bác Hồ). Lá thư "của Anh đã là một niềm tin, là vật quý thiêng liêng mà bao năm nay "lão nông" cất giữ, để giờ đây trao lại cho "bạn anh" - nhà thơ:
"Chỉ riêng một lá thư tình
Lão đem giữ kín trong mình làm tin"
Cầm lá thư của người quá cố mà nhà thơ cứ ngẩn ngơ hoài. Ước mơ tìm mộ bạn tôi đã trở thành hiện thực như có sự linh ứng dẫn đường:
"Tôi cầm kỷ vật ngẩn ngơ
U Minh đầu tháng bất ngờ trăng lên"
Bài thơ khép lại trong cảnh chiều tắt và trăng non đầu tháng đang lên thật đẹp. Trăng hay là bóng hình liệt sĩ đang tỏa sáng ở chốn bồng lai?  Nhưng, khi viết những dòng này, tôi cũng thấy lòng rưng rưng, mắt ngấn lệ. Người chiến sĩ đã hy sinh có biết bao người thương nhớ? Và đời sau, ý thức tri ân được mấy người. hay là người ta chi chăm chắm băng bật và say sưa lo làm giàu, hưởng lạc; họ không cần biết cuộc sống yên lành cho họ ‘phất nhanh’ đời lên hương là do ai đã đem lại; họ quên đi hết quá khứ đau thương, hào hùng của dân tộc. Chắc vì suy cảm đó, ngay đầu bài thơ, tác giả đã viết: “Lá thư nóng hổi tay tôi / Hay là nắng rớt chiều vơi cuối rừng?”.
Trong các thế hệ hôm nay và mai sau, ít nhất ai đó đã có tấm lòng dành cho các liệt sĩ qua biết bao cuộc chiến giữ nước, chỉ cần ấm áp một chút như “nắng rớt chiều vơi” đã là quý lắm rồi! Câu thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng, một lời nhắn nhủ muốn đánh thức lương tâm con người. 
L.X
 
--------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét