Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

ĐẺ !?

 
* VŨ ĐỨC SAO BIỂN 
Đài truyền hình trung ương vừa đưa một phóng sự
rất ngộ nghĩnh.
Ấy là ở thôn C.(xã Q. huyện Q. tỉnh Quảng Bình),
năng suất... sinh đẻ của bà con khá cao cường,
có thể nói xưa nay hiếm thấy.
Một chị nọ mới 39 tuổi đã sinh sơ sơ được 9 đứa con; cháu lớn nhất 19 tuổi, cháu nhỏ nhất 10 tháng tuổi. Sở dĩ có tình trạng năng suất vượt chỉ tiêu này là vì thôn ta chuyên làm nghề chài lưới, suốt đời lênh đênh trên mặt nước ít khi lên bờ. Họ cứ sinh hoạt trên thuyền, ít nghe chuyện tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình nên ham vui, mặc tình... sản xuất con trẻ!
Năm chục năm trước đây, tác phẩm tuyển tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam có một truyện khá vui là Cô Út về rừng. Cô Út người xứ Cần Thơ, được gả về làm vợ cậu Quỳnh người làng Cạnh Đền xứ Bạc Liêu. Ca dao Bạc Liêu có câu: “Gả con về xứ Cạnh Đền/Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tợ bánh canh” để khái quát tình hình thiên nhiên của vùng sông nước này. Theo câu ca dao ấy, Cạnh Đền có hai “đặc sản” là muỗi và đỉa.
Cạnh Đền của 50 năm trước không có điện, sông rạch trắc trở, nhà dân thưa thớt. Cứ khoảng 5 giờ chiều là muỗi từ đâu không biết bay ra hàng đàn, kêu vo ve như... sáo diều. Bà con ta một mặt un khói xơ dừa đuổi muỗi, một mặt buông mùng sớm. Hai vợ chồng trẻ vào trong mùng không có ti vi để xem, không có radio để nghe thì còn biết làm gì nữa. Họ bèn “giải trí lành mạnh” theo phong cách tình thương mến thương. Vậy là bọn trẻ con thi nhau ra đời, làm khai sinh hổng kịp.
Sơn Nam viết vài năm đầu, cô Út còn bồng con về Cần Thơ thăm ông bà ngoại. Mấy năm tiếp theo, cô hổng về thăm được nữa, bèn phải nhờ một chủ ghe thương hồ tìm đến nhà cha mẹ ở Cần Thơ nhắn giùm rằng mình vẫn mạnh khỏe.
Sơn Nam viết bằng giọng văn tưng tửng, khá vui. Cả xóm xúm lại nghe tin hai vợ chồng cậu Quỳnh, cô Út. Tay thương hồ trả lời: “Dạ, vợ chồng cậu Quỳnh mạnh khỏe. Nhờ trời, sanh được sáu đứa con. Bốn đứa sau đều là con trai”. “Sao vậy cà? Sao vậy cà? Ở dưới cỡ này ra sao mà thiên hạ đẻ nhiều quá vậy?”. Tay thương hồ mắc cỡ: “Dạ ở miệt dưới muỗi dữ lắm. Chạng vạng là cả nhà con cái rúc vô mùng... nói chuyện. Ít ai đi đâu”. Cả xóm nghe tay thương hồ nói, cười khà khà.
Đến bây giờ, cha mẹ cô Út mới hay con gái mình... đẻ giỏi. Muỗi làm cho người ta vô mùng sớm thiệt nhưng chúng cũng kết nối thâm tình lứa đôi miệt Cạnh Đền.
Tôi mới làm chuyến đi Bạc Liêu về, ghé qua làng Cạnh Đền. Cạnh Đền thuộc xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, hôm nay đã trở thành một vùng nông thôn văn minh, trù phú và phát triển. Những cặp vợ chồng trẻ đã có kiến thức về kế hoạch hóa gia đình nên không còn cô Út nào sinh ra một hơi sáu đứa con lại mang thai một đứa trong bụng như văn chương của Sơn Nam tường thuật.
Nhà mẫu giáo, trường tiểu học dành cho các cháu đầy đủ. Phong trào chủng ngừa các loại thuốc đề phòng các bệnh trẻ con là khá tốt. Cơ bản, bà con đã tự giác “Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”. Và việc dừng lại đó đã xóa đi cái ám tượng vừa buồn cười, vừa ngộ nghĩnh từ hàm ý hai câu ca dao trên.
Muỗi đã bớt, duy chỉ còn cái món đỉa thì lai rai. Ấy bởi vì Hồng Dân thuộc vùng nước ngọt của tỉnh Bạc Liêu. Ngày gặt lúa, bà con thường tháo nước cho chảy ra sông rạch nên đỉa theo đó mà xuống sông rạch. Hổng sao hết, đỉa bu thì mình xức chút vôi là nó nhả ra hà!
Từ ngàn xưa, nước ta là một nước nông nghiệp. Trong nền nông nghiệp lạc hậu đó, cái mà dân ta cần là sức lao động của con người. Chỉ có người đàn ông mới có sức mạnh để lao động hơn phụ nữ. Trong Hán văn, chữ Nam (con trai, đàn ông) được viết một cách vừa tượng hình, vừa hội ý; gồm chữ Điền (ruộng) đứng trên chữ Lực (sức khỏe) phía dưới. Chữ Nam hàm ý sâu xa là con người có sức để làm ruộng.
Quan điểm trọng nông đó đi vào trong sách vở, tư duy của các chế độ phong kiến, góp phần biến tướng thành chủ trương trọng nam khinh nữ - coi trọng con trai, coi nhẹ con gái. Chế độ phong kiến nói “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” - Một trai có đủ, mười gái như không. Chủ trương tai hại đó khiến người ta phải cố sinh cho được con trai để nối dõi tông đường, để lao động và nếu có thể, để làm vẻ vang dòng giống. Cho nên dẫu đã sinh được cả chục đứa con gái rồi, người vợ cũng phải... sinh tiếp để có con trai. Từ đó mà phát sinh thêm tục đa thê lộn xộn.
Trong xã hội văn minh ngày nay, chúng ta nêu cao quan điểm bình đẳng giới, trong đó có việc coi bé trai và bé gái đều quan trọng như nhau. Thậm chí nếu so sánh về tỷ lệ giới tính thì 113 bé trai mới có được 100 bé gái. Như vậy có nghĩa là sau này các cháu ấy lớn lên, nếu được dựng vợ gả chồng nghiêm túc, ắt phải có 13 anh... không cưới được vợ! Cho nên, sinh ra được bé gái trở thành nguồn hạnh phúc đích thực của gia đình bởi lẽ cái gì hiếm thì quý.
Khác hơn một vài nước lân cận, nước chúng ta không bắt buộc giới hạn mức sinh con mà chỉ động viên, khuyến khích nhân dân nên sinh đẻ có kế hoạch. Đó là một chủ trương rất nhân văn, thể hiện sự tôn trọng quyền sống của con người. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bà con ta vẫn... quên, sinh một hơi rẹt rẹt cả năm bảy đứa. Mà đừng nói gì bà con, ngay anh chị em cán bộ, công chức cũng... hổng nhớ; cho nên mới bị cơ quan cắt thưởng, cắt thi đua, nhắc nhở.
Tăng dân số, kể cả tăng cơ học, đang là mối lo cho toàn thể các quốc gia trên thế giới. Dân số tăng mà diện tích sản xuất lương thực không tăng, lại gặp phải nguy cơ về biến đổi khí hậu, môi trường trái đất nên loài người nói chung đang phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo, lạc hậu. Ông bà ta ngày xưa lạc quan, nói: “Trời sanh voi, sanh cỏ”. Đó đơn thuần chỉ là một cách nói ẩn dụ, bởi chúng ta là người, chúng ta không thể “ăn cỏ” theo kiểu voi được.
Dân số thế giới có 7 tỉ người, trong đó hằng năm có gần 2 tỉ người đói, phần lớn tập trung ở một số quốc gia châu Phi và một số quốc gia khác đang có chiến tranh. Do vậy, việc sinh đẻ có kế hoạch, kìm giữ đà tăng dân số đột biến đang là nhiệm vụ lớn của các quốc gia, của từng gia đình.
Khẩu hiệu của các cặp vợ chồng đang độ sinh nở hôm nay là “Ham vui nhưng không quên kế hoạch hóa”. Mà phương tiện và các biện pháp khoa học nhằm kế hoạch hóa gia đình thì quá đỗi phong phú, tiện lợi và đơn giản. Nên dừng lại ở hai con; con trai hay con gái đều quý như nhau, là đẹp nhất.
Đêm thứ sáu và thứ bảy ở các thành phố phía nam thật dễ thương. Từng cặp vợ chồng trẻ chở nhau trên chiếc xe gắn máy, ở giữa là một hoặc hai cháu bé, cùng dạo chơi hóng mát hoặc vào hàng quán ăn một cái gì đó. Trông họ thật ấm áp, thật tràn trề niềm vui, hạnh phúc gia đình. Sống như vậy thì chất lượng sống mới cao. Còn nếu cứ thoải mái “ham vui”, sinh một lèo sáu bảy cháu thì bao giờ mới hưởng được những phút giây ngọt ngào như vậy?
V.Đ.S.B

---------------

1 nhận xét:

  1. Mỗi gia đình có hai con vợ, (thì thằng) chồng hạnh phúc!
    Hè hè... Mấy bố bây giờ cũng dám nói thẳng nói thật đấy nhẩy? Thực ra là tầm bậy hết sức! Anh Ba tôi có ba con vợ, bị ba mẹ này giành hết của cải, bây giờ bệnh tật đầy mình, phải thuê phòng sống lây lất.

    Trả lờiXóa