Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Về bài thơ “RẮN ĐẦU BIẾNG HỌC” của LÊ QUÝ ĐÔN

* PHẠM QUỐC HÒA
Theo sử sách ghi lại, Lê Quý Đôn (1726 - 1784) thuở nhỏ tên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường; làm quan thời Lê trung hưng, là nhà thơ, và là "bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến". Ngay từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng, trở thành giai thoại và truyền thuyết về trí mẫn tiệp và óc thông minh, xuất chúng của ông.
Giai thoại: Ở vùng Duyên Hà (Thái Bình), quê hương Lê Danh Phương có rất nhiều ao rộng, hồ sâu. Lê Danh Phương thường cùng bọn trẻ trong làng xuống ao trước cổng làng để tắm. Tuổi thơ tinh nghịch đang say sưa với trò nhảy trội, cậu nào cũng mình trần như nhộng, đứng xếp hàng ở bờ ao nghe "hiệu lệnh", tất cả nhảy tùm xuống nước, lặn ngụp thỏa thích rồi lên bờ xếp hàng, cứ thế nhảy trội cuốn hút bọn trẻ trong làng.
Một hôm giữa trưa hè nóng bức, Tiến sĩ Vũ Công Trấn đến thăm Tiến sĩ Lê Phú Thứ là người bạn cùng đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn 1724 (sau đổi là Lê Trọng Thứ), Lê Danh Phương cùng bọn trẻ đang chơi trò nhảy trội thì có viên quan đi qua, tất cả bọn trẻ không có áo quần sợ quá nhảy tùm xuống ao lặn ngụp. Riêng Lê Danh Phương vẫn đứng trên bờ, không hề thẹn thùng. Cậu bé kháu khỉnh này hai tay chắp ra đằng sau, mắt đau đáu nhìn quan Thượng thư tinh nghịch. Quan Thượng thư thấy Lê Danh Phương đứng đó liền hỏi thăm đường:
- Cháu cho bác hỏi nhà quan Thượng thư ở đâu?
Lê Danh Phương hỏi lại:
- Ở đây nhiều quan Thượng thư, ông hỏi vị quan nào?
Quan Thượng thư biết mình hỏi chưa rõ bị đứa trẻ vặn vẹo bực mình:
- Quan thượng thư Lê Trọng Thứ.
Thấy vị quan trịch thượng, Lê Danh Phương không những không chỉ ngay mà còn dang hai tay ra cản đường, khi trên mình cậu không áo cũng chẳng có quần:
- Đố ông biết chữ gì đây? Nếu biết cháu sẽ đưa ông vào nhà, nếu không thì đợi đấy.
Quan Thượng thư rất khó chịu, khi gặp "đứa trẻ" xấc xược, ông không thèm trả lời... Lê Danh Phương vừa mỉm cười vừa nói:
- Chữ "Thái", thế mà cũng không biết.
Quan Thượng thư rất bực tức vì đứa trẻ lếu láo này lại thông minh đến thế.
Cuối cùng, quan Thượng thư cũng hỏi thăm được đến nhà bạn. Ông rất ngạc nhiên khi thấy đứa bé lúc nãy đang ngồi vắt vẻo trên ghế đẩu ở góc vườn nhà quan Thượng thư Lê Trọng Thứ.
Thượng thư Lê Trọng Thứ niềm nở tiếp bạn và giới thiệu Lê Danh Phương - con trai ông với khách. Khi biết chắc là con bạn mình, quan Thượng thư mang chuyện ra phàn nàn và khuyên bạn dạy dỗ con cẩn thận hơn. Quan Thượng thư Lê Trọng Thứ rất đỗi bực mình và xấu hổ với bạn. Ông gọi Lê Danh Phương lên và mắng rằng:
- Cớ sao con lại dám vô lễ với người lớn, hơn nữa lại dám vô lễ với quan Thượng thư?
- Dạ thưa cha, con xin lỗi, từ nay trở đi con không dám như thế nữa ạ.
- Không được, Con là thằng rắn mày rắn mặt, chỉ xin lỗi cho qua, ngày mai lại quên mất. Con phải vịnh một bài thơ tự trách mình, nếu không làm được, cha sẽ đánh con no đòn đấy.
Lê Danh Phương biết lỗi, cậu khoanh tay trước ngực nói:
- Dạ thưa bác, dạ thưa cha, con xin lỗi và xin vịnh bài thơ như sau ạ.
Quan Thượng thư gắt:
- Viết ngay...
Lê Danh Phương suy nghĩ một lát rồi ghi một mạch 8 câu thơ:
                   Chẳng phải liu điu cũng giống nhà!
                   Rắn đầu biếng học, quyết không tha
                  Thẹn đèn hổ lửa, đau lòng mẹ,
                  Nay thét, mai gầm, rát cổ cha
                   Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo,
                   Lằn lưng chẳng khỏi vết roi da
                   Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học,
                   Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!
Bài thơ có 8 câu đúng vần, đúng luật. Mỗi câu có tên một loài rắn như: Liu điu, Rắn đầu, Rắn hổ lửa, Rắn mai gầm, Rắn ráo, Rắn thằn lằn, Rắn hổ trâu, Rắn hổ mang.
Vịnh xong bài thơ, Lê Danh Phương thưa:
- Con vịnh xong rồi ạ.
- Đọc.
Thấy cha chưa hả giận, Lê Danh Phương dõng dạc đọc bài thơ: “Rắn đầu biếng học’. Tiến sĩ Vũ Công Trấn đến thăm Tiến sĩ Lê Trọng Thứ nghe xong bài thơ, bao nhiêu bực tức đều tiêu tan hết. Trí thông minh, khiếu văn thơ và tính hóm hỉnh của Lê Danh Phương là vậy đó. Hiện nay, tên Lê Quý Đôn được dùng để đặt tên cho nhiều trường học, nhiều đường phố ở khắp cả nước.
P.Q.H

 
------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét