Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

CỎ XANH - HỒN CÁC ANH XANH

  
       ... Lời ru làm hiện lên hình ảnh người chiến sĩ năm nào xuyên rừng lội suối, reo vui với mỗi bước quân hành. Ở nơi nhiều cỏ ít hoa này, hồn thiêng của liệt sĩ vẫn khát khao hơi ấm của đồng đội, khát khao khói nhang giữa rừng già hoang vắng. Ta như thấy đâu đây các anh vẫn đang đi “rung lá ngụy trang” với gió đèo. Các anh vẫn nằm ngủ giữa bạt ngàn rừng xanh Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên hay bên kia biên giới nước bạn Lào, Campuchia?...
LỜI RU NGỌN CỎ
                            * Bùi Văn Bồng
       Cỏ xanh bên mộ khẽ ru
 À ơi! Rừng đã vào thu lá vàng
      Dấu chân quy tập muộn màng
Mộ còn nằm với cỏ hoang rừng già

       Nơi đây nhiều cỏ ít hoa
 Hãy say giấc ngủ như là tuổi xanh.
     Bao năm vững bước quân hành
 Lá rừng vẫy gió rung cành ngụy trang

     Giờ đây giữa cánh rừng hoang
Hồn thiêng khao khát khói nhang trong chiều
     Nắng xiên xiên, gió xiêu xiêu
Để cho lá cỏ xanh theo hồn người.

       Mùa thu đầy lá vàng rơi
 Mùa đông trắng xóa chân trời sương giăng
      Hồn thiêng gọi lá thắm rừng
Giọt sương mai cũng đọng ngưng nỗi niềm

       Đọng ngưng từng hạt sương rơi
Là khi lá cỏ gọi đời lên xanh
      Người hy sinh, đất hồi sinh
Trái tim hoá ngọc lung linh đất trời.

        Lời ru ấm nắng.  Người ơi!
  Dù là ngọn cỏ tận nơi cuối trời
       Thương đau ru đến muôn đời
  Và xanh, xanh mãi để lời ru êm

        Cho dù ai đó lãng quên
   Thì đây cỏ biếc vẫn bên mộ người.

 
Nụ cười chiến sĩ dưới chân thành cổ Quảng Trị
-------------------         
Lời bình của Lê Xuân:   
CỎ XANH – HỒN CÁC ANH XANH
* LÊ XUÂN
        Ngày thương binh-liệt sĩ lại đến, tôi nghĩ về biết bao chiến sĩ đã ngã xuống cho Độc lập- Tự do mà nay vẫn còn nằm lại với cỏ cây rừng già nơi chiến trường năm xưa dãi dầu mưa nắng. Hình như có một nhịp cầu nối linh cảm của tôi với các anh khi bắt gặp bài thơ Lời ru ngọn cỏ của nhà thơ quân đội Bùi Văn Bồng. Và tôi muốn mượn bài thơ này làm một nén tâm nhang tưởng nhớ người thân, bạn bè và các anh đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
       Cùng với Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh,  Huy Trụ,Trịnh Anh Đạt..  thì Bùi Văn Bồng là một trong những người con của xứ Thanh viết lục bát nhuần nhụy và tự nhiên như hương đồng gió nội. Là một người lính đã từng gắn bó nhiều với rừng với cỏ, nên hình tượng “cỏ” cứ ám ảnh, cứ trăn trở ở nhiều bài thơ của Bùi Văn Bồng. Nào là “Cỏ tràn xanh thương nhớ với đời”, “Cỏ níu lại ấm nồng giọt nắng”, “Cỏ xanh da diết chiều mây trắng”, “Hoa cỏ ánh lên bảy sắc cầu vồng” (Bảy sắc cầu vồng). Nào là “Lòng nhớ quê rối bời rau cỏ” (Hoa muống làng quê), “Khói hương trong gió cỏ rưng rưng” (Thiếu phụ ngõ vắng), hay “Bâng khuâng đồi cỏ héo hon” (Cánh rừng năm ấy đâu rồi)... Nhưng hồn cỏ lung linh nhất, máu thịt nhất, vẫy gọi và hát ca nồng thắm nhất kết tinh lại ở Lời ru ngọn cỏ – một bài thơ có tứ độc đáo. 

Cỏ được nhân hóa làm lời ru vỗ yên giấc ngủ ngàn năm của người lính dưới mộ:
                                                 Cỏ xanh bên mộ khẽ ru
                                           À ơi! Rừng đã vào thu lá vàng
                                                 Dấu chân quy tập muộn màng
                                          Mộ còn nằm với cỏ hoang rừng già.
      Hai câu lục bát mở đầu được ngắt theo nhịp  4/2, 4/4 như lời thầm thì, khe khẽ của cỏ theo bước chân nhẹ nhàng của những động đội đi tìm mộ các anh. Không gian mở ra ở cánh rừng già biên giới, thời gian khép lại trong ánh chiều thu gợi buồn. “cỏ hoang” và “rừng già” đã bao năm chở che anh trong lòng đất Mẹ. Cỏ đã hát lời ru :
                                                Nơi đây nhiều cỏ ít hoa
                                        Hãy say giấc ngủ như là tuổi xanh
                                                Bao năm vững bước quân hành
                                         Lá rừng vẫy gió rung cành ngụy trang
                                              Giờ đây giữa cánh rừng hoang
                                      Hồn thiêng khao khát khói nhang trong chiều.

       Lời ru làm hiện lên hình ảnh người chiến sĩ năm nào xuyên rừng lội suối, reo vui với mỗi bước quân hành. Ở nơi nhiều cỏ ít hoa này, hồn thiêng tử sĩ vẫn khát khao hơi ấm của đồng đội, khát khao khói nhang giữa rừng già hoang vắng. Ta như thấy đâu đây các anh vẫn đang đi “rung lá ngụy trang” với gió đèo. Các anh vẫn nằm ngủ giữa bạt ngàn rừng xanh Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên hay bên kia biên giới nước bạn Lào, Campuchia? Tác giả đã tạo được mối giao cảm giữa những người đang sống và hồn các anh đã khuất trong cảnh chiều thu:
                                             Nắng xiên xiên, gió xiêu xiêu
                                        Để cho lá cỏ xanh theo hồn người.
      Các từ láy “xiên xiên”, “xiêu xiêu” làm cho câu thơ nên họa, nên nhạc và mang được điểm sáng thẩm mỹ của cả bài, làm thấp thoáng trước mắt ta hồn thiêng các chiến sĩ đang phiêu diêu nơi trần thế. Cái ánh vàng “xiên xiên” khi chiều sắp tắt và ngọn gió “xiêu xiêu” mở ra một cõi mộng giữa cõi thực, như có sự thần giao cách cảm giữa hai cõi âm dương. Dưới cảm quan nghệ thuật của nhà thơ, cỏ vẫn xanh theo hồn người, chứ không “Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” như cỏ trên mộ Đạm Tiên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cỏ xanh, hồn các anh xanh? Đó là sự bất tử. Màu xanh của cỏ làm ta gợi nhớ đến màu xanh áo lính, một màu xanh chắc khỏe, bền đẹp. Trong nắng chiều sắp tắt, sương đang rơi, nhưng người đọc lại cảm thấy ánh lên sự kỳ diệu của con tim phát sáng :
                                              Đọng ngưng từng hạt sương rơi
                                       Là khi lá cỏ gọi đời lên xanh
                                             Người hy sinh đất hồi sinh
                                        Trái tim hóa ngọc lung linh đất trời.
        Lối tiểu đối bằng lặp từ “người hy sinh/ đất hồi sinh” một lần nữa khẳng định sự bất tử của hồn thiêng người lính. Sự hy sinh của các anh là một sự bồi đắp, hồi sinh cho dân tộc. Chất ngọc đáng quý được kết tinh từ máu của người chiến sĩ như ánh sáng mặt trời, như trăng sao không bao giờ tắt. Nhà thơ Bùi Văn Bồng cùng “đồng điệu” với nhà thơ Tố Hữu khi viết về sự bất tử của con người qua hình ảnh “trái tim”. Trong bài “Mẹ Tơm”, Tố Hữu viết: “Sống trong cát chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời”.
       Lời ru là nắng ấm,  là tiếng lòng thương yêu, thổn thức, ngậm ngùi đến muôn đời của những người đang sống gửi tới các anh.
                                             Lời ru ấm nắng.  Người ơi!
                                     Dù là ngọn cỏ tận nơi cuối trời
                                           Thương đau ru đến muôn đời
                                       Và xanh, xanh mãi để lời ru êm.
    Kết thúc bài thơ là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu sắc đối với những ai chưa làm tròn bổn phận đối với các liệt sĩ:
                                             Cho dù ai đó lãng quên
                                    Thì đây cỏ biếc vẫn bên mộ người.
       Ngọn cỏ làng quê ngày đêm ru hồn các liệt sĩ trong các cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Bài thơ gợi trong ta một nỗi buồn man mác nhưng không bi lụy. Hồn thơ đi vào lòng người, làm toát lên niềm thương cảm và biết ơn của mỗi chúng ta với các liệt sĩ. Âm hưởng lạc quan và bi tráng là nét nhạc chủ đạo toát lên ở mỗi vần thơ của anh. Cỏ trong thơ Bùi Văn Bồng là màu xanh bất tận, là sự chở che, là tiếng ru vỗ về các liệt sĩ, là màu xanh bất tử của Việt Nam “Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển/ Xanh trời, xanh cả những ước mơ” (Tố Hữu). Cỏ xanh – hồn các anh xanh, đang bừng lên màu xanh của sự sống trên đất nước ta . 
L.X  
---------------
 
Xem VIDI0
Bài hát: "Lời ru ngọn cỏ"
Thơ: Bùi Văn Bồng
Phổ nhạc: Nguyễn Việt Bình
Ca sĩ: Lê Anh Dũng
-------------------------------------------------------------
                                                           

21 nhận xét:

  1. Đánh thắng M. Nam cho bác và đảng! Người lính cộng sản và gia đình đã được bác và đảng trả ơn cho những gì ngoài một quê hương thối nát; đảng hết tình người.

    Trả lờiXóa
  2. Nhà phê bình Văn Học Lê Xuân đã bình rất sâu sắc, làm cho người đọc rưng rưng khi nghĩ về các Liệt sĩ. Nhunwg họ hy sinh để hôm nay "Bộ phận lớn có chức có quyền trong đảng" thành tỉ phú, kể cả không từ một thủ đoạn nào cướp đất của dân!

    Trả lờiXóa
  3. "Giờ đây giữa cánh rừng hoang
    Hồn thiêng khao khát khói nhang trong chiều
    Nắng xiên xiên, gió xiêu xiêu
    Để cho lá cỏ xanh theo hồn người."
    - Đọc thơ của bác Bồng rất nhiều hình tượng đẹp, sâu lắng!

    Trả lờiXóa
  4. Một bài viết bình thơ hay nhân 27-7. Tôi được biết bài thơ này nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng thấy khoái, đọc nhiều nơi, xưng là "thơ của mình" cảm động viết khi đi tìm mộ liệt sĩ...nhưng vì 'yêu thơ' quá nên Bích Hằng đã 'đạo' bài này đăng báo QĐND dịp 22-12-2009. Nhưng bác Bồng đừng buồn, thơ hay người ta mới ăn cắp!

    Trả lờiXóa
  5. "Ngọn cỏ làng quê ngày đêm ru hồn các liệt sĩ trong các cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Bài thơ gợi trong ta một nỗi buồn man mác nhưng không bi lụy. Hồn thơ đi vào lòng người, làm toát lên niềm thương cảm và biết ơn của mỗi chúng ta với các liệt sĩ. ".
    - Tôi thích cách nhìn nhận này.

    Trả lờiXóa
  6. bác Lê Xuân viết khỏe, tuy tuổi cao...Có điều, viết hay, cười giòn, nhiều em mê lắm đấy! Cảnh giác, đừng vội ký Tuyên bố chung nhé!

    Trả lờiXóa
  7. Mọi sự diễn biến xã hội đầy phức tạp không ai lường tính được. Nếu biết lao vào cuộc chiến giành độc lập- tự do để lũ sâu mọt khoác áo đảng CS jiện nay đục khoét thế này thì các chiến sĩ ta ngày đó có xả hân không nhỉ?

    Trả lờiXóa
  8. Lính chiến đấu 81 ngày đêm chịu bom đạn khốc liệt và hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị hơn 80% là sinh viên các trường Đại học ở Hà Nội được tổng dộng viên, huấn luyện vội vàng rồi đưa vào chiến trường. Người có học, người tài, tương lai đát nước bị hy sinh, nay lũ dốt nát, cơ hội, con ông cháu cha lên nắm quyền, tham nhũng tột độ. Người hy sinh, cho lũ sâu hiện nay tàn phá nền độc lập-tự do!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thành phần của một thế hệ ,nhân tài đầy hứa hẹn, nam nữ của cả dân tộc từ Nam chí Bắc bị hy sinh, đưa vào khói lửa chết chóc tật nguyền. Ta nhìn nước Đức , Nam & Bắc Hàn hôm nay và tự hỏi những hy sinh này có đáng không, ai hưởng lợi ?

      Xóa
  9. Ở đây không cỏ không hoa
    Xi măng sắt thép đổ lên đè người
    Mấy nghìn hồn Việt chơi vơi
    Trên đỉnh "Núi Lão" cổng Trời Hà giang
    Gió mùa Đông Bắc thổi tràn
    Có mang tiếng nói vạn ngàn sinh linh
    Hòa cùng hoa cỏ khắp miền
    Hay lại phũ phàng "quên phắt" nó đi
    Dù ai đục bỏ bia ghi
    Trong lòng dân tộc muôn đời còn lưu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Dấu chân quy tập muộn màng..."
      Chỉ vì cái lũ quan tham bất tài
      Chúng đâu có nghĩ đến ai
      Chỉ lo vơ vét giữ ngai hại đời
      Hồn hoang liệt sĩ khắp nơi
      Còn lũ chúng nó chơi bời ...cũng khắp nơi!

      Xóa
  10. Cảm ơn bạn đọc đã có lời động viên chia sẻ cùng tôi và nhà thơ Bùi Văn Bồng.Sự hy sinh của các anh hùng liẹt sĩ cho Tổ quốc.... Còn biết bao điều trăn trở trong cuộc sống hôm nay,tôi tin rằng hồn thiêng các liệt sĩ se thấu hiểu và thong cảm cho mỗi chúng ta...

    Trả lờiXóa
  11. Mai Thục phê bình tác giả, nhà thơ Bùi Văn Bồng có bài thơ hay, bị nhà ngoại cảm "có tiếng" Phan Thị Bich Hằng ăn cướp đăng báo QĐND Ngày 22- 12- 2009 ( Tờ Báo của đại tá BVB từng làm việc với chức vụ cao) mà Đại tá BVB lại im lặng lâu như thế. Để mọi người nhầm lẫn, không nhận ra bộ mặt giả của cô Hằng. MT cũng nhầm, cứ tưởng cô này vẫn tôt. Hiện nay nhiều người vẫn tin cô Hằng tốt, Tốn nhiều tiền của và thời gian hầu đón cô ta. Có cụ cứ đeo đuổi cô này đi tìm thủ cấp của cụ Nguyễn Trãi. Về đời trần mà suy thì MT nghĩ không bao giờ Cụ Nguyễn Trãi muốn con cháu nhìn thấy nỗi đau của Cụ. Cụ đã hóa Sao Khuê, tìm mộ làm gì? Nhất là lại bắm vào cô lừa như thế thì thật tại hại.
    Không thể ngờ là cô Hằng lại dại dột như vậy. Hay là "Ma đưa lối Quỷ dẫn đường" hay là các liệt sĩ linh thiêng cảnh báo cô Hằng vì tội lừa đảo mua thần bán thánh, mua bán cả liệt sĩ nữa? Hết đường rồi. Đấy là Nhân Quả nhãn tiền.
    Thật là khủng khiếp khi mọi người im lặng đẻ cho cái Ác hoành hành. Nhiều khi cái ác tháng cái Thiện. Hãy cảnh báo Cái Ác để cái Thiện tỏa sáng trong đời sống của chúng ta.

    Trả lờiXóa
  12. "Âm hưởng lạc quan và bi tráng là nét nhạc chủ đạo toát lên ở mỗi vần thơ..."
    - Bài thơ rất hay, tác giả binh thơ lại càng sâu sắc.Tôi thích hai câu kết: "Cho dù ai đó lãng quên / Thì đây cỏ biếc vẫn bên mộ người". Rõ ràng ngon cỏ nơi hoang dã tận rừng xa vẫn có tầm cao hơn những vị chức trọng quyền cao mà lãng quên quá khứ đau thương đầy máu và nước mắt của dân tộc để giành lại cuộc sông yên bình hôm nay. Họ chỉ biết có tiền, chỉ biết 'gia tăng tham nhũng' ngày càng vơ vét cho đầy túi tham, hưởng lạc, sống trên xương máu đồng bào, hủy hoại gía trị truyền của dân tộc. Cái tầm của họ không cao hơn ngọn cỏ!

    Trả lờiXóa
  13. Đời người ngắn ngủi, kiếp người hạn định, nhưng cỏ thì cứ xanh mãi trên đời. Người chién sĩ ngã xuông cho đất quê hương mãi tươi màu cỏ. Màu cỏ, nó gần gũi, thân thiết như lá cỏ, và cũng có một sức sống mạnh mẽ, bất diệt như Lá cỏ trên mảnh đất tâm hồn nhân loại. Nhà thơ Walt Whitman (Mỹ) đã viết trong tập thơ lá cỏ:
    “Những giáo điều và những trường học sẽ trống không
    Cứ để cho quay lại một thời gian, chúng tốt đẹp ở nơi cần, nhưng ta sẽ không quên
    Tôi tiếp nhận Tự nhiên như vốn có, thừa nhận mọi nơi, mọi lúc
    Đấy là cỏ, cỏ mọc khắp nơi, ở nơi nào có đất và nước
    Đấy là không khí cho tất cả mọi người trên mặt đất…
    Mọi cuộc sống, cái chết, tất cả đều ở trong quá khứ, hiện tại, tương lai…”
    - Đọc bài thơ ‘Lời ru ngọn cỏ’ của Đại tá Bùi Văn Bồng, tôi lắng đọng ở chỗ: “Nắng xiên xiên, gió xiêu xiêu / Để cho lá cỏ xanh theo hồn người”. Cỏ xanh mãi, bất kỳ đâu cũng xanh mãi, và hồn người chiến sĩ mãi mãi xanh màu ciỏ quê hương. Bất kỳ nơi đâu, ai nhìn thấy cỏ, đều không thể quên được họ.

    Trả lờiXóa
  14. Dương Thị Ngọc Lanlúc 18:25 21 tháng 7, 2013

    Bác Lê Xuân đã cảm và bình rất chí lý và lắng đọng như: "Các từ láy “xiên xiên”, “xiêu xiêu” làm cho câu thơ nên họa, nên nhạc và mang được điểm sáng thẩm mỹ của cả bài, làm thấp thoáng trước mắt ta hồn thiêng các chiến sĩ đang phiêu diêu nơi trần thế. Cái ánh vàng “xiên xiên” khi chiều sắp tắt và ngọn gió “xiêu xiêu” mở ra một cõi mộng giữa cõi thực, như có sự thần giao cách cảm giữa hai cõi âm dương..."
    Hay là đoạn: "Ngọn cỏ làng quê ngày đêm ru hồn các liệt sĩ trong các cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Bài thơ gợi trong ta một nỗi buồn man mác nhưng không bi lụy. Hồn thơ đi vào lòng người, làm toát lên niềm thương cảm và biết ơn của mỗi chúng ta với các liệt sĩ. Âm hưởng lạc quan và bi tráng là nét nhạc chủ đạo toát lên ở mỗi vần thơ..."
    - Cảm ơn nhà thơ Bùi Văn Bồng và nhà PB Lê Xuân!

    Trả lờiXóa
  15. Người chiến sĩ nằm lại nơi rừng xa heo hút, chỉ một chút khói nhang cũng không có, đọc câu thơ mà rưng rưng: "Hồn thiêng khao khát khói nhang trong chiều"

    Trả lờiXóa
  16. Nhất tướng công thành , vạn cốt khô ...! Liệt sĩ ư ! Tử sĩ ư ! Tất cả chỉ là bọt bèo , ảo danh , mây nước . Ích gì cho tre phải khóc măng , cho trẻ Thơ cam phận mồ côi , cho vợ trẻ hoá thành goá phụ .

    Trả lờiXóa
  17. Khi có quá nhiều oan hồn, đã là điềm không tốt cho một xã hội.

    Trả lờiXóa
  18. Xin chào các chúc các bác..cho cháu được hỏi là cháu có 1 người bác ở huế năm 197...đó cháu ko nhớ rỏ vì lúc đó cháu chưa sinh ra ,và sau này được các người xưa kể lại là bạn của bác cháu được đưa ra bắc ( lào cai hay đâu đó) còn bác của cháu đi qua lào hay campuchia gì đó và đóng quân tại 1 cái đình hay chùa gì mà được cất giấu vàng rất nhiều vì thời đó rất khó khăn nên các bộ đội VN trong đó có bác của cháu đả chạm tay vào và lấy cổ vật đó thì sau nay giải phóng về VN thì bác cháu ko được bình thường ko nhớ gì cả .khi được hỏi thì người bạn của bác nói ai đụng vào cổ vật bên đó thì 10 người bị hết 8 người ,ko biết có đúng ko nửa và các bác các chú ở đây có ai biết về chuyện này ko ạ.và còn nhớ trận chiến đó ko ,cháu muốn biết về câu chuyện đó để có thể tìm hiểu thêm .xin cảm ơn rất nhiều ...

    Trả lờiXóa
  19. Xin chào các chú các bác... con thấy bài thơ của Bác Bồng : http://giaovn.blogspot.com/2014/02/phat-hien-cua-bui-thao-vao-thang-8-nam.html#comment-form

    Trả lờiXóa