Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

SUY NGẪM VỀ THỜI CUỘC - Phần cuối

 
* NGUYỄN TRUNG
(tiếptheo và hết -  Phần cuối)
… Một khi phải có một đường lối đối ngoại như thế, sẽ có nhiều điều vô cùng nhạy cảm và vô cùng gian khổ, sẽ đụng chạm với nhiều nơi và sẽ chịu sức ép mới từ nhiều nơi… Thử hỏi, nếu không có hậu thuẫn của  một nền nội trị vững mạnh, làm sao dám có một đường lối đối ngoại như thế? làm sao dám thực hiện? Vấn đề Biển Đông của đất nước đang là một vấn đề như thế. Vấn đề quan hệ Việt – Trung, quan hệ Việt – Mỹ trong bối cảnh chính trị mới của khu vực và trên thế giới đang là những vấn đề vô cùng nhạy cảm và gian khổ như thế… (Xin nói một sự thật trong quá khứ: Trong những thập kỷ trước đây, ngoại giao Việt Nam không hiếm khi phải chiến đấu trên 2 mặt trận: mặt trận đối ngoại, và phia sau lưng là mặt trận đối nội!)
Một lần nữa lại càng rõ: Thách thức lớn nhất khiến Việt Nam có thể tuột mất cơ hội lớn cũng như dễ dàng rơi vào các bẫy mới lại chính là yếu kém của Việt Nam. Mà trong cuộc sống không có một yếu kém nào được buông tha! Một lần nữa lại càng rõ, cuộc cải cách thể chế chính trị phía trước của đất nước là bắt buộc. Cải cách chỉ được phép phải thành công, điều này cũng là bắt buộc, để đất nước có một bản lĩnh mới, một năng lực mới. Đấy cũng là tiền đề hàng đầu để giành thắng lợi. 
Có lần, một người bạn muốn ở tôi lời khuyên, nếu được gặp lãnh đạo Việt Nam, ông ta nên nói gì?
Đáp: Lãnh đạo Việt Nam cần biết: (1)Vấn đề nóng bỏng nhất Việt Nam phải giải quyết ngay là cải cách thể chế chính trị. (2)Sự bê bết lớn nhất của Việt Nam hiện nay là bất lực trong cải cách thể chế chính trị. (3)Chỗ mạnh nhất của Việt Nam là quyết tâm thực hiện bằng được cải cách thể chế chính trị.
Cái bóng không làm khác được cái hình
Một số bạn lão thành khác chia sẻ với tôi: Trung Quốc không cải cách thì Việt Nam đừng có hòng! Họ cải thì mình mới cải được!
Thật ra không ít người trong giới quan sát nước ngoài cũng nghĩ như vậy, và điều này có những lý do xác đáng nhất định.
Có quá nhiều dẫn chứng lấy ra từ cuộc sống lập luận cho cách nghĩ nêu trên. Tôi không phản bác được, nhưng cũng không chấp nhận. Tôi tìm cách đặt vấn đề theo cách khác: Giả định, vì lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc, vì lựa chọn con đường dấn thân đi với cả thế giới, Việt nam quyết tiến hành cải cách thể chế chính trị của mình thì sao? Trung Quốc sẽ có thể làm gì?
            Sẽ dùng quyền lực mềm can thiệp sâu vào nội bộ nước ta? Tiếp tay cho mọi nỗ lực bóp chết từ trong trứng cải cách của ta? Lũng đoạn kinh tế, chính trị? O ép hay can thiệp bằng quân sự - công khai hoặc trá hình? Chia rẽ? Ly gián? Gây bạo loạn, phá hoại? Xui khiến một lực lượng nào đó gây hấn thọc vào sườn ta? Trung Quốc trực tiếp can thiệp bằng chiến tranh?  Vân vân…
Tất cả những giả thiết như vậy đều có thể[93].
Xin nhắc lại: Bỗng dưng ngạo mạn lấy cớ dậy cho Việt Nam bài học, giữa lúc Việt Nam không hề đụng đến một sợi tóc của Trung Quốc, để tiến hành cuộc chiến tranh 17-02-1979, kéo dài đến tận 1989.., thử hỏi còn việc gì khác Trung Quốc không dám làm khi cần? Nghĩa là không đánh ta, hay muốn đánh ta, Trung Quốc đâu cần đợi đến lúc Việt Nam tiến hành cải cách!
Hoàn toàn có thể suy luận: Trung Quốc chắc chắn không thích sau Myanmar bây giờ lại có thêm một Việt Nam dân chủ cạnh nách mình. Hiển nhiên Việt Nam không quyết định được “khẩu vị” và sự lựa chọn như vậy của Trung Quốc.  
Song chẳng lẽ vì Trung Quốc không thích, nên nước ta không dám làm cái việc nước ta phải làm? Trung Quốc rất muốn duy trì một nước Việt Nam èo uột và lệ thuộc như hiện nay, chẳng lẽ chỉ vì trung thành với 16 chữ và 4 tốt nên nước ta phải chiều lòng họ? Thực tế từ hội nghị Thành Đô đến nay nước ta đã làm quá mức, quá mức rất nhiều những gì có thể, chỉ để mong xây dựng được quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Thế nhưng Trung Quốc không để nước ta yên. Cuộc sống đang cho thấy: phía ta càng nhân nhượng, phía Trung Quốc càng lấn tới.
Bây giờ Trung Quốc ngang nhiên đòi đường lưỡi bò, leo thang tiếp đòi phải thừa nhận cái gọi là chủ quyền thuộc Trung Quốc trên Biển Đông trước đã, rồi mới tính đến chuyện cùng hợp tác khai thác – với nghĩa chỉ hợp tác những vùng trên Biển Đông Trung Quốc có yêu sách nhưng chưa chiếm được, chứ đừng hòng cùng hợp tác khai thác những vùng Trung Quốc đã phi pháp chiếm giữ như Hoàng Sa, một số nơi ở Trường Sa…[94]
Tất cả chỉ cho thấy, việc của nước ta, nước ta phải lo, không thể chiều lòng hay sợ mất lòng bất kỳ ai.
Việt Nam đến nay chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ điên dại đi khiêu khích Trung Quốc. Việt Nam cũng không thể chấp nhận việc Trung Quốc cho phép mình làm gì và bắt mình không được làm gì. Với bất kể lý do gì, một khi nhà cầm quyền Trung Quốc rắp tâm cản phá con đường sống của nước ta là cải cách thể chế chính trị, nước ta không có sự lựa chọn nào khác: Sống hay chết, nước ta phải làm việc nước ta phải làm.
Xin cứ bàn luận rộng rãi, công khai trong cả nước để có quyết tâm: Cải cách thể chế chính trị là con đường sống của đất nước ta, kể cả trong quan hệ với Trung Quốc. Thậm chí đấy là con đường tạo dựng ra mối quan hệ đúng đắn, láng giềng tốt và bền vững với Trung Quốc. Câu chuyện này chẳng có gì phải giữ bí mật!
            Như đã nói ở trên, xin được dành câu hỏi “tiến hành cải cách thể chế chính trị như thế nào?” cho một chuyên đề khác. Dưới đây chỉ xin nêu một số nhận định khái quát.
Con đường bạo loạn, lật đổ sẽ chỉ dẫn đất nước đến đổ vỡ, thậm chí có thể đổ vỡ rất đẫm máu, không loại trừ sự can thiệp từ bên ngoài... Tiếp theo đó, đến lúc tình hình cho phép, vẫn phải tiến hành nhiệm vụ cải cách không thể tránh né được, nhưng quá trình này sẽ có thêm nhiều trở ngại mới nguy hiểm
Nhưng nếu ngoan cố trấn áp nhân dân, dứt khoát cưỡng lại cải cách, sớm muộn cũng sẽ dẫn đến chế độ bị lật đổ. Song vì quá trình này thiếu hẳn việc nâng cao dân trí và xây dựng các giá trị cần thiết cho thực hiện cải cách, nên con đường cải cách tiếp theo bắt buộc phải đi qua sẽ gian truân hơn nhiều và không loại trừ vấp phải nhiều tổn thất, thất bại. Thực tiễn các nước Bắc Phi hiện nay đang diễn ra như vậy.
Trong khi đó chủ động cải cách từ trên xuống ở Myanmar đang vạch ra một triển vọng sáng sủa hơn, không tốn một sinh mạng, kinh tế có được sinh lực mới, thể chế chính trị đi vào con đường dân chủ, vị thế đối ngoại của đất nước được nâng cao đáng kể, kết quả tổng hợp là độc lập và chủ quyền của Myanmar vững chắc hơn trước.
Dứt khoát không nên dẫn giải các câu chuyện ở Bắc Phi hiện nay, hù dọa “nguy cơ Ai-cập”.., tất cả với ý định lẩn tránh cải cách.
Câu chuyện Ram Sainry sau bầu cử tháng 7 vừa qua ở Campuchia cũng đáng được phân tích, để tránh cho sự nghiệp cải cách ở nước ta những bước đi quanh co không cần thiết.
Chúng ta có nhiều thông tin về nền dân chủ hoàng gia ở Thái Lan, một nước tiếp cận với dân chủ sớm nhất Đông Nam Á, nhưng đến nay vẫn chưa sao tránh được cứ dăm ba năm lại đảo chính một lần.
Chúng ta cũng có những kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc về xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ như một khâu quyết định trong việc đưa đất nước đi lên thành NIC. Giữa thập niên 1950, lúc khởi sự con đường dẫn tới Hàn Quốc hôm nay, GDP p.c. Hàn Quốc chỉ đạt có 80 USD (tương đương với GDP p.c. gần 200 USD của Việt Nam năm 1986 khi tiến hành đổi mới), trong một thể chế chính trị quân phiệt gần như là tàn dư của chiến tranh, nhưng có tinh thần gìn giữ các giá trị của dân tộc mình, quyết học hỏi, có ý chí đuổi và vượt hàng của Nhật, làm việc cật lực và có trách nhiệm – nhất là trong cơ quan nhà nước (ở Việt Nam không thể nói như vậy), trong đời sống kinh tế - chính trị - xã hội  rất hiếm không gian cho “làm giả, ăn thật”… Có nhiều lý do để xem việc xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ ở Hàn Quốc vừa đặt nền móng, vừa tạo ra cú hích cho Hàn Quốc bước lên con đường trở thành NIC hôm nay.
Chúng ta có không biết bao nhiêu thông tin về quá trình cải cách liên tục, cải cách không ngừng của các nước phát triển từ giữa thế kỷ 20 cho đến nay; rồi đến những bài học cải cách của các nước LXĐA cũ…
Lợi thế nước đi sau cho phép nước ta học hỏi được rất nhiều từ các nước đi trước, để dựng lên cả một chiến lược cải cách, thiết kế một chế độ xã hội phát triển và lộ trình của con đường cải cách để đi tới cái đích ấy.
Để bảo tồn mọi thành quả đã giành được trên chặng đường 38 năm qua, nhờ đó có lực ra khỏi khủng hoảng hiện nay, chống đỡ mọi biến động bất thường bên trong hoặc bên ngoài, và mở đường cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước, có con đường nào hơn là cải cách thể chế chính trị? 
Cái khó là sự ngoan cố của quyền lực, chứ không phải là đất nước ta không đủ trình độ cải cách[95]. Tình trạng lạc hậu và bối cảnh chính trị nhạy cảm hiện nay của đất nước ta càng không phải là lý do để trì hoãn cải cách, mà là sự thôi thúc sống còn phải cải cách. Với tính cách là đảng duy nhất cầm quyền và là lực lượng chính trị mạnh nhất, nếu ĐCSVN đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và chủ động đề xướng cải cách, Việt Nam sẽ thuận lợi hơn Myanmar rất nhiều. Trước hết các đảng viên ĐCSVN yêu nước phải nhận thức ra điều này. Rất nên có các diễn đàn trong cả nước, trong nội bộ ĐCSVN.., thảo luận công khai và dân chủ về sự bức thiết của cải cách, tìm kiếm mọi khả năng tiến hành cải cách thành công ở nước ta. Đừng bắt nhân dân ta và đất nước sẽ phải một lần nữa đau khổ vì những hiểm họa đang đến phía trước!
Tôi thực sự tin rằng kho tàng trí tuệ của thế giới sẽ trợ giúp chúng ta thỏa đáng trong sự nghiệp đổi đời đất nước lần này, cũng là đổi đời chính mỗi người Việt Nam chúng ta. Có sự đồng thuận dân tộc trên cơ sở của trí tuệ có học hỏi như thế, sẽ làm nên tất cả.
Một cơ may hay là một cơ hội, đúng vào thời điểm này đang tiến hành việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. ĐCSVN nên  nhân dịp này thực hiện dân chủ và công khai minh bạch trong việc huy động trí tuệ cả nước xây dựng một Hiến pháp mới, đặt nền móng đầu tiên cho việc tiến hành cuộc cải cách quyết định vận mệnh và tiền đồ của đất nước.  
Làm như vậy là lãnh đạo.
Không làm như vậy, thậm chí xuyên tạc và tìm cách bóp chết mọi ý kiến đúng đắn của nhân dân về xây dựng Hiến pháp, có nghĩa là ĐCSVN tự tay vứt bỏ vai trò lãnh đạo mà ĐCSVN giành lấy cho mình, để tiếp tục duy trì vị thế đảng cai trị. Không có cách gì có thể bào chữa được.
Việc sửa đổi Hiến pháp như hệ thống chính trị hiện nay đang làm không khác bao nhiêu việc “dắt trâu qua rào”, chỉ để bảo toàn một hệ thống quyền lực cai trị đang tiếp tục đẩy đất nước đi sâu vào bế tắc và khủng hoảng. Làm như thế, phải chăng ĐCSVN đang  muốn bảo toàn quyền lực thống trị của mình bằng cách tiếp tục làm thui chột đất nước?
Tại đây xin nêu một câu hỏi có thể nhiều người không thích nghe:
Tại sao một ĐCSVN vì nước vì dân với tính cách là người nắm trọn mọi quyền lực trong tay không dựa vào trí tuệ và nguyện vọng của nhân dân để tiến hành một cuộc cải cách chính trị từ trên xuống, mở đầu bằng việc phát huy dân chủ, thực hiện công khai minh bạch, tổ chức cho nhân dân xây xựng thành công một Hiến pháp mới?
Bất kể một cuộc cải cách nào, có khả năng thành công nhất, với cái giá phải trả thấp nhất, bao giờ cũng vẫn là một cuộc cải cách chủ động (cả từ phía dân và phía nhà nước) và từ trên xuống, trong hòa bình, hòa giải, không bạo lực. Lịch sử, và khắp thế giới đều có kinh nghiệm như vậy. Song kinh nghiệm cũng cho thấy chẳng có cuộc cải cách nào là dễ, là không phải trả giá; vấn đề quyết định chỉ là ở chỗ cái giá phải trả sao cho thúc đẩy được, chứ không làm đổ vỡ cải cách.
Không phải nói đâu xa, đổi mới 1986 chính là một cuộc cải cách kinh tế từ trên xuống, do ĐCSVN tiến hành, được thực hiện trên cơ sở dựa vào những đòi hỏi của cuộc sống, của nhân dân và cuối cùng là chế độ chính trị chịu chấp nhận nhìn thẳng vào sự thật. Đấy là một cuộc cải cách hòa bình. Nhờ thành công của đổi mới đất nước mới được như hôm nay.
Cái giá lớn nhất ĐCSVN sẽ phải trả cho cải cách và cho Hiến pháp mới là phải rút lại cái quyền tự ban cho mình là đứng trên và đứng ngoài Hiến pháp (Điều 4), chịu mất đi mọi đặc quyền đặc lợi vốn là cái nôi sinh sản những quyết sách sai lầm và nuôi dưỡng sự tha hóa cũng như mọi tệ nạn quan liêu tham nhũng của Đảng, của toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước. Tất cả những đặc quyền đặc lợi này đã và đang làm hỏng toàn bộ xã hội và đời sống mọi mặt của đất nước. Vứt bỏ những thứ xấu xa ấy là không đáng hay sao? 
Song đổi lại, cái được lớn nhất là ĐCSVN có những điều kiện tốt nhất trong cả nước để từ đảng cai trị phấn đấu trở thành đảng lãnh đạo. Và nhờ có vai trò lãnh đạo có thực chất như vậy, ĐCSVN sẽ có điều kiện tốt nhất tranh thủ lá phiếu của nhân dân thông qua bầu cử trung thực, qua đó trở thành đảng cầm quyền một cách chính danh và chính đáng. Nền tảng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự được xây dựng nên như thế trong cải cách chẳng những là cần thiết cho phát triển kinh tế nói riêng (kinh tế thị trường) và cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, mà còn là không gian đáng mong muốn duy nhất cho rèn giũa lý tưởng và phẩm chất chính trị của ĐCSVN. Một sự lựa chọn như thế là sự lựa chọn đi với dân tộc, phục vụ sự nghiệp của đất nước[96]. 
Chỉ có cải cách chủ động và từ trên xuống như thế, mới có thể chắc chắn thực hiện được cải cách trong hòa bình, không bạo lực và thành công sớm nhất: dân tộc hòa giải, đất nước phát triển hài hòa, bạn bè thế giới hậu thuẫn. Đây chính là thế vững như bàn thạch của đất nước, có thể làm thất bại mọi can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào và dù từ đâu tới. Cải cách chủ động và từ trên xuống như thế là con đường lý tưởng nhất của nước ta lúc này. Lý tưởng cho cả ĐCSVN trong quá trình lột xác thành một đảng mới của dân tộc.
Không có cải cách chủ động và từ trên xuống như thế, áp lực của cải cách thường dễ biến thành sự bùng nổ, khó kiểm soát, rất dễ dẫn tới bạo lực.
Xin nhấn mạnh: Với tư cách là đảng duy nhất cầm quyền và là lực lượng chính trị lớn nhất của đất nước, ĐCSVN là người có trách nhiệm đầu tiên và trước hết đề xướng và phát huy trí tuệ, tâm huyết cả nước thực hiện thắng lợi cuộc cải cách chính trị trọng đại này. Làm như vậy, chắc chắn ĐCSVN sẽ nhận được từ nhân dân sự hậu thuẫn để làm nên lịch sử: Một Việt Nam từ nay và mãi mãi là chính mình, dấn thân cùng với cả thế giới tiến bộ.  
Bác bỏ cải cách, đấy sẽ là sự lựa chọn đối kháng với nguyện vọng chính đáng của nhân dân và phản lại lợi ích quốc gia.
Sự thật là đất nước ta hiện nay đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội  toàn diện. Xin lưu ý, Liên Xô cũ tuy có nhiều yếu kém dai dẳng, nhưng vẫn là một siêu cường, nhiều thập kỷ đối mặt ngang ngửa với Mỹ. Song một khi diễn tiến của tha hóa dẫn tới sụp đổ các thang giá trị trong lòng xã hội xô-viết và trong lòng dân, Liên Xô hùng cường tự sập đổ không ai biết trước, không ai có thể cứu vãn được.
Sự thật là con giun xéo mãi cũng oằn. Đất nước đã có những tiếng nói trực diện và quyết liệt chống lại. Đó là những tiếng nói của Nguyễn Phương Uyên, Lê Hiếu Đằng, của những người trong thế hệ trẻ đòi hủy bỏ Điều 258 của Bộ Luật Hình Sự, của những người hiên ngang đeo giữa ngực biểu tượng “No U!” (Nói không với “đường lưỡi bò”) bất chấp bị bắt bớ, của những người đòi hủy bỏ Nghị định 72, là tiếng súng Đoàn Văn Vươn, là những tiếng nói của trí tuệ, của chính nghĩa và của đoàn kết hòa giải dân tộc đóng góp vào việc sửa đổi Hiến pháp mà hiện nay ĐCSVN đang cố tình bỏ ngoài tai…
Hơn lúc nào hết, đã đến lúc ĐCSVN phải nhìn thẳng vào sự thật, như một lần Đảng đã từng nhìn thằng vào sự thật năm 1986, và nhờ đó Đại hội VI đã đi tới các quyết định đảo ngược tình thế.
Thế giới ngày nay đang thay đổi với biết bao nhiêu vấn đề nóng bỏng liên quan đến mọi quốc gia; trong đó ASEAN trở thành một trọng tâm của những vấn đề nhạy cảm ở CA-TBD, Việt Nam rơi vào vị trí nhạy cảm nhất; vấn đề Trung Quốc là vấn đề của cả thế giới – nhưng Việt Nam bị uy hiếp trực tiếp nhất. Trong bối cảnh như thế, nước ta lại đang bế tắc đứng trước ngã ba đường: Giai đoạn phát triển đầu tiên của đất nước đã kết thúc trong khủng hoảng, hầu như chưa chuẩn bị được bao nhiêu cho giai đoạn sau; chẳng lẽ bây giờ chịu khuất phục quán tính để nhắm mắt bước tiếp vào đường cụt? hay là phải cải cách để khai phá một con đường phát triển mới cho đất nước? 
Những thách thức trong và ngoài rất quyết liệt đang đặt ra cho đất nước tại ngã ba đường này, đồng thời cuộc sống đòi hỏi bức xúc đất nước phải trở thành một Việt Nam của dân chủ - độc lập – tự do – hạnh phúc và đáp ứng sự tin yêu của bạn bè, phải chăng tất cả những yếu tố này đang tạo ra cho nước ta một cơ hội lịch sử cần nắm lấy? Một cơ hội trở thành một Việt Nam của phẩm giá mà sau 30-04-1975 nước ta đã bỏ lỡ!
Ở ngã ba đường này, đã đến lúc mỗi người Việt Nam chúng ta phải lựa chọn quyết định cho đất nước và cho chính bản thân mình!
Hay là trong góc tối vẫn đang lấp ló con đường trở lại Thành Đô?
Hết
Võng Thị, Hà Nội, Tháng Tám 2013
Nguyễn Trung
-------------------
 + Chú thích:
[93] Tham khảo: Nguyễn Trung, tiểu thuyết “Lũ”, tập II –  tr. 642…, tr. 695…
http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/Lu_T2_Final.pdf
[94] Cho đến thời Hồ Cẩm Đào, phía Trung Quốc chỉ nêu “gác tranh chấp, cùng khai thác”.  Từ cuối nhiệm kỳ Hồ Cẩm Đào và đặc biệt là sau Đại hội 18 của ĐCSTQ, lập trường của Trung Quốc bây giờ là “chủ quyền thuộc Trung Quốc, cùng khai thác”.
[95] Nếu so nước ta bây giờ với lúc Liên Xô tiến hành Glasnos và Perestroika thời Gorbachov / Yeltsin, Việt Nam ngày nay có nhiều hiểu biết và thông tin cần thiết cho cải cách chính trị hơn Liên Xô thời ấy rất nhiều, chưa nói đến kinh nghiệm trên thế giới bây giờ về thắng / bại của cải cách chính trị vô cùng phong phú.
[96] Tham khảo: (1) thư của luật sư Trần Vũ Hải ngày 22-08-2013 gửi UB Thường vụ Quốc hội Việt Nam về “THÀNH LẬP VÀ THAM GIA MỘT ĐẢNG NGOÀI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM DƯỚI GÓC ĐỘ PHÁP LUẬT VIỆT NAM
(2)Hoàng Xuân Phú, “Uẩn khúc trong Điều 4 của Hiến pháp” http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=UanKhuatTrongDieu4HienPhap-20130829

-----------------------
Tài liệu tham khảo:
Các sách và bài đã được dẫn, trích dẫn và đã được nêu trong các chú thích.
Nguyễn Trung, tiểu thuyết “Lũ”, tập I, tập II
Nguyễn Trung, “Việt Nam trong thế giới của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21”
Nguyễn Trung, “Hiến pháp - và những bất cập của Dự thảo sửa đổi”
Nguyễn Trung, “Đảng – Nhà nước – Hiến pháp, Vài suy nghĩ về sửa đổi Hiến pháp 1992” http://www.viet-  studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_Dang_NhaNuoc_HienPhap.htm
Nguyễn Trung, “Đừng xuyên tạc lịch sử để đưa những điều sai trái vào Dự thảo Hiến pháp sửa đổi” http://viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_DungXuyenTacLichSu.htm
Nguyễn Trung, “Phải chặn đứng nguy cơ tái diễn kịch bản Thành Đô 1990” http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_ChanDungThanhDo.htm
Nguyễn Trung, “Diễn văn của Tổng thống CHLB Đức, Joachim Gauck” http://viet-studies.info/NguyenTrung/MguyenTrung_DienVanTongThongDuc.htm
Nguyễn Trung, “Câu chuyện Myanmar”, http://viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_CauChuyenMyanmar.htm
Nguyễn Trung, Thư ngỏ ngày 19-02-2013, http://viet- studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_ThuNgoGuiLanhDao.htm.
-----------------

5 nhận xét:

  1. Bác Bồng vẫn còn niềm tin vào nhà cầm quyền này,bác nghĩ rằng dễ mà bọn chóp bu gặp bác?trong khi muốn gặp tên cầm quyền bé nhất là chủ tịch phường đã là điều khó;còn nếu gặp để bày tỏ tâm tư,thì thưa với bác,chúng nó đều biết,thậm chí còn biết nhiều hơn bác(xin lỗi!),nếu không tin bác cứ tổng hợp lại những cuộc gặp gỡ của bọn chúng,hoặc bác tìm những bài nói nội bộ sẽ rõ.Vấn dề là bản chất,do ít học,lại được ngồi trên thiên hạ,không dễ mà bỏ miếng mồi ngon,chưa nói chúng đã mất bao tâm lực,tài lực để có cái chỗ ngồi như vậy,bảo bỏ không dễ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là loạt bài của nhà nghiên cứu Nguyễn Trung, thể hiện quan điểm, phân tích, của tác giả. Cam rơn sự chia sẻ!

      Xóa
    2. Xin lỗi bác khi chưa đọc kỹ tác giả

      Xóa
  2. Không họ được như Thêinsen, và càng không làm được như Nelson Mandela.Những lãnh đạo VN làm sao có đủ dũng cảm và tầm để làm việc đó. Nó sẽ tự mục và đổ nhưng lâu đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi đó sẽ là một khung cảnh hoang tàn. Người ta đi dật dờ, moi rác để ăn. Chẳng khác gì một bộ phim kinh dị!

      Xóa