Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

SUY NGẪM VỀ THỜI CUỘC - Phần 8

* NGUYỄN TRUNG
(tiếp theo - Phần 8)
           Lối tư duy định hướng XHCN như vậy đã rũ bỏ trách nhiệm của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước trong việc tìm kiếm mọi khả năng thực hiện bước khởi đầu tích tụ ruộng đất có ý nghĩa chiến lược này một cách văn minh và hiệu quả nhất.
           Ai cũng biết: Mô hình hợp tác xã cũ sau cải cách ruộng đất để đi lên sản xuất lớn đã thất bại; mô hình hợp tác xã hiện hành đang thoi thóp biến tướng thành một thứ “tổ phục vụ” và chẳng giúp được gì việc nâng sản xuất nông nghiệp lên quy mô lớn. Trong các văn kiện chính thống hiện nay, mọi ngôn từ ca ngợi hình thái hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp, coi đấy là một thành tố tạo nên tính định hướng XHCN của nền kinh tế nước ta, v… v…, thật ra chỉ là sự tự đánh lừa chính mình.
Cũng phải nói sòng phẳng, giả định có nhìn được vấn đề và muốn  thực hiện bước khởi đầu chiến lược 3 ha /1 lao động nông nghiệp, thì hệ thống chính trị này và bộ máy nhà nước hiện có của nó cũng bất lực – vì  không có trí tuệ và phẩm chất để thực thi, đồng thời hệ thống luật pháp của nó cũng không kham nổi. Nhìn lại những gì đã xảy ra trong lĩnh vực đất đai hàng chục năm qua, có thể phán đoán: Dưới chính quyền này, thực hiện tích tụ ruộng đất chắc chắn sẽ biến thành cướp bóc ruộng đất, rồi sẽ có hàng triệu nông dân sẽ gia nhập đội quân vô sản thất nghiệp... Chú ý: Hàn Quốc và Đài Loan nhờ có lộ trình đúng gắn kết nông nghiệp với công nghiệp hóa và đô thị hóa nên đã tránh được tình trạng “ăn cướp” trong quá trình tích tụ ruộng đất để hiện đại hóa nông nghiệp.
Hiện nay, mặc dù vẫn là 1 ha ruộng đất / 3 lao động, thế nhưng cả nước có hàng vạn (hay hàng chục vạn?) người phải đi lao động kiếm sống ở nước ngoài – hợp pháp hoặc không hợp pháp, không ít người phải sống chui lủi không còn là người, họ bị bóc lột thậm tệ ở trong nước cũng như ở nơi họ đi làm thuê. Còn phải kể đến hàng vạn phụ nữ lấy chồng nước ngoài vì muốn thoát khỏi đói nghèo ở nông thôn. Không hiểu có ai có chức có quyền cảm thấy xấu hổ cho mình và cho đất nước mình về thực tế này hay không, mặc dù đây là chuyện không thể ngăn cản và cũng không nên ngăn cản trong thực trạng đất nước hiện nay. Cuộc sống xảy ra quá nhiều chuyện khiến tôi thầm lo: Hay là chúng ta đang thiếu hoặc đang mất đi cảm giác nhận biết thế nào là nhục (tôi lại phải xin lỗi vì dùng cụm từ chúng ta).
                  > Phần 1 ; Phần 2 ; Phần 3 ; Phần 4 ; Phần 5 ; Phần 6 ; Phần 7  
Nói theo lý luận về  quan điểm giai cấp và định hướng XHCN của ĐCSVN, có thể kết luận: Thể chế chính trị hiện thời và tư duy của nó đã kiến tạo nên một thứ quan hệ sản xuất đang kìm hãm sức phát triển của nông nghiệp nước nhà, mặc dù trong thời đại thông tin ngày nay nước ta có thể có bất kỳ know how nào và có thể huy động bất kỳ nguồn lực nào cho một nền nông nghiệp phát triển cao đáng mong muốn. Thể chế chính trị hiện thời hoàn toàn không thể làm khác, thậm chí nó bóp chết cách làm khác.
Nhìn lại, xin đừng quên, cho đến nay thể chế chính trị này đã 2 lần thực hiện đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn theo cách của nó dưới dạng các mô hình hợp tác xã, nhưng thất bại thảm hại. Thậm chí cả nước hiện nay có trên 75 triệu thửa ruộng, thuộc quyền sở hữu của 9 triệu 259 nghìn hộ nông dân – nghĩa là vô cùng manh mún, cho đến ngày hôm nay vẫn chưa làm xong việc dồn điền dồn thửa, vẫn với bình quân cả nước là 1 ha / 3 lao động nông nghiệp.
Hiện nay trong nông nghiệp đang tranh luận sôi nổi vấn đề giảm 2 triệu ha trồng lúa ở đồng bằng Nam Bộ để chuyển sang canh tác cây khác, nhằm tăng thu nhập cho nông dân đang thua lỗ. Lo nghĩ này đáng trân trọng, song chưa hẳn chủ trương này là đúng hoặc khả thi. Hiện nay vẫn chưa tìm ra được những giải pháp thuyết phục cho mọi khâu liên có quan trong quá trình thực hiện mong muốn này, cũng như cho toàn bộ các vấn đề có liên quan đến tiêu thụ đầu ra mới (các sản phẩm nông nghiệp khác không phải lúa). Nghĩa là còn thiếu rất nhiều giải pháp đồng bộ đi kèm, còn nợ rất nhiều câu trả lời thỏa đáng cho mọi vấn đề đặt ra, cần được khai phá tiếp.
Cứ giả thiết là trời giúp cho tìm được các giải pháp thỏa đáng cho mọi vấn đề đặt ra trong việc chuyển đổi 2 triệu ha thôi trồng lúa như thế, song tựu trung đấy cũng sẽ chỉ là giải pháp tình thế, mang tính chữa cháy mà thôi. Bởi vì, với diện tích canh tác bình quân nếu mãi mãi chỉ vỏn vẹn 1 ha /3 lao động  như hiện nay, cái nghèo và lạc hậu sẽ tiếp tục đeo đẳng nông dân nước ta đời đời kiếp kiếp, đồng thời giam hãm tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa kinh tế đất nước.
Nông nghiệp đã và đang hoàn thành xuất sắc việc bảo đảm an ninh lương thực, ngày nay chiếm được khoảng 1/5 – 1/4 kim ngạch xuất khẩu cả nước, đồng thời là yếu tố căn bản góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế, ổn định quốc gia. Phải nói đấy là những đóng góp vô giá của nông dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Những thành tựu này cho thấy tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam. Song tiếc rằng đường lối công nghiệp hóa – hiện đại hóa của ĐCSVN không thể nhìn nhận vấn đề hiện đại hóa nông nghiệp như một bộ phận hữu cơ của công nghiệp hóa, gắn kết hữu cơ với quá trình từng bước đưa lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực kinh tế khác (công nghiệp, dịch vụ…), do đó không đầu tư cho nông nghiệp công sức thỏa đáng. Hệ quả là toàn bộ quá trình CNH – HĐH đã phải trả giá đắt.  Nghị quyết  số 26 ngày 04.08-2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tuy có đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt chỉ còn tỷ lệ 30% lao động xã hội trong nông nghiệp – một mức còn xa với so với tiêu chí của một nước công nghiệp, song lại tránh né hoàn toàn vấn đề nan giải số 1 là giải quyết đòi hỏi “3ha / 1 lao động nông nghiệp” như thế nào? Vì sợ tránh né này, tuy còn 7 năm nữa, mục tiêu 30% lao động cả nước làm nông nghiệp chắc cũng sẽ chỉ là trên giấy mà thôi (hiện nay ước tính là 57%).
Sai lầm nói trên trong nông nghiệp đã tiêu phí mất 28 năm (kể từ khi đổi mới) và nhiều nguồn lực khác của đất nước. Trong khi đó tài nguyên quốc gia đã bán đến mức cạn kiệt. Kết quả đạt được là đến hôm nay là vẫn chưa thấy bóng dáng một nước Việt Nam công nghiệp; đồng thời quốc gia vẫn chỉ sở hữu một nền nông nghiệp cơ bắp.   
Bây giờ vấn đề đất đai đang rối bời. Hiện tượng nông dân mất ruộng và bỏ ruộng đang tích tụ những căng thẳng mới rất nóng bỏng trong xã hội. Thể chế điều hành đất nước còn rất nhiều yếu kém và đang bị nạn tham nhũng lũng đoạn nghiêm trọng. Sự cộng hưởng của quá nhiều bất cập trong mọi mặt phát triển đất nước tích tụ suốt 3 thập kỷ vừa đang đẩy đất nước đi vào ngõ cụt. Tất cả đang tạo nên một tình trạng đình đốn rất nguy hiểm trong phát triển nông nghiệp nói riêng, trong toàn bộ quá trình công nghiệp hóa nói chung.
Nói thêm về công nghiệp: Điều nguy hiểm không phải ở chỗ nền công nghiệp Việt Nam hiện nay còn non trẻ, mà ở chỗ: Sau 28 năm đổi mới, đất nước đang sở hữu một nền công nghiệp phụ thuộc[53], ô nhiễm, què quặt, trùng lặp, hoàn toàn thiếu tính quy hoạch cho sự phát triển đồng bộ và sự phát triển tiếp theo… Nói nghiêm túc là cho đến nay chưa có chiến lược công nghiệp hóa, chưa xác lập được lợi thế của nền công nghiệp nước ta là gì, không làm rõ được nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp như thế nào!
Lợi thế so sánh lớn nhất của Việt Nam là con người và đất đai (hiểu theo cả với nghĩa địa chính trị và địa kinh tế), song cả 2 yếu tố này đều bị chà đạp, hủy hoại và lãng phí một cách không thương tiếc.
Hiện nay, toàn bộ các yếu tố phát triển kinh tế nói chung và cho công nghiệp nói riêng theo phương thức phát triển theo chiều rộng (extensive development) đã được khai thác gần như hết mức, đó là các yếu tố: sức lao động rẻ, tài nguyên, đất đai, môi trường, tăng trưởng nhờ đầu tư mới… Kết quả đạt được là một nền công nghiệp gia công là chủ yếu, tiêu thụ nhiều nguyên liệu và năng lượng, hàm lượng khoa học và công nghệ thấp, giá trị gia tăng rất thấp, trong khi đó tỷ lệ mức tiêu thụ đầu vào trên một sản phẩm ngày càng cao[54]. Những lợi thế về lao động rẻ và địa lý tự nhiên (đất đai, các nguồn tài nguyên khác) đã bị khai thác tới mức cạn kiệt, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, càng phát triển càng phụ thuộc vào bên ngoài…
Đặc biệt nguy hiểm là hiện nay các yếu tố phát triển công nghiệp theo chiều rộng đã được khai thác tới mức trần, nhưng lại chưa tạo ra những tiền đề khả dĩ đưa nền công nghiệp nước nhà đi vào thời kỳ phát triển theo chiều sâu và thời kỳ của kinh tế tri thức. Trên tất cả các phương diện trọng yếu như (1)chất lượng nguồn nhân lực, (2)tiềm lực khoa học kỹ thuật, (3)sự phát triển của kết cấu hạ tầng vật chất và kỹ thuật, (4)tạo dựng và phát triển các giá trị, các yếu tố văn hóa và tinh thần phải có của một xã hội công nghiệp, (5)năng lực quản lý quốc gia… tất cả đều quá tải so với đòi hỏi của hiện tại và không thể đáp ứng những đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới của công nghiệp nói riêng và của cả nền kinh tế quốc dân nói chung.
Sau 3 thập kỷ, hiện nay kinh tế nước ta vẫn chưa ra khỏi thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản hoang dã.
Xin đặc biệt lưu ý, khi bắt tay vào quá trình CNH – HĐH, nhất là từ khi vấn đề thu hút FDI và hội nhập quốc tế được nhìn nhận đúng tầm quan trọng của nó, đã có không biết bao nhiêu cảnh báo của trong, ngoài nước – từ các nhà khoa học, đến các giới kinh tế, chính khách…: Việt Nam cần tận dụng lợi thế nước đi sau để không đi vào vết xe đổ của nhiều quốc gia trên con đường công nghiệp hóa – đó là phải tránh trở thành bãi thải công nghiệp của các nước phát triển, các nước đi trước.
Tiếc rằng, Việt Nam về nhiều mặt đã và đang trở thành một bãi thải công nghiệp như thế.
Tuy những xí nghiệp mía đường, xi-măng lò đứng… đã một thời là những truyện cổ tích đau lòng, nhưng hiện nay cả nước có hàng trăm công trình công nghiệp trọng yếu có trình độ công nghệ hạng 3, hạng 4 trở xuống (trong đó có rất nhiều công trình công nghiệp nhập từ Trung Quốc), với chi phí sản xuất và mức độ ô nhiễm môi trường đều rất cao. Sản phẩm của FDI chủ yếu là các mặt hàng gia công và các sản phẩm thô mang tính nguyên liệu, nguyên liệu sơ chế, sản phẩm trung gian là chính (như xi măng, thép, bột giấy, các loại khoáng sản khai thác trong nước, alumina Tây Nguyên…).
Hiện nay một số khu đất lớn ở các vùng trọng yếu trong cả nước đã được khoanh thành những khu công nghiệp khủng, diện tích mỗi khu là hàng nghìn, thậm chí hàng vạn ha; mỗi vùng hay khu công nghiệp như thế có tổng vốn đầu tư (dự kiến) của nước ngoài lên đến vài chục tỷ USD, chủ yếu để sản xuất các nguyên liệu như thép, các sản phẩm lọc dầu, các loại sản phẩm khác tiêu thụ nhiều nguyên liệu và năng lượng... để bán cho nước ngoài. Nói thô thiển, đấy là một dạng bán lao động rẻ, mặt bằng sản xuất, môi trường, nguyên liệu và năng lượng tại chỗ… Tiếp tục xu hướng đi sâu vào chức năng “sân sau”, chức năng “bải thải công nghiệp” cho các nước đi trước như thế, Việt Nam làm sao đi lên hiện đại được? làm sao tiến lên kinh tế trí thức?...
Ví dụ, đi thăm khu công nghiệp Vũng Áng rộng khoảng 40 km2 (4000 ha, khoảng 2/3 trên bộ và 1/3 trên mặt biển), tổng đầu tư dự kiến trên 9 tỷ USD… tôi không sao tránh khỏi lo lắng: Nước ngoài[55] thuê đất và biển của ta để bê vào nước ta toàn bộ một khâu sản xuất nào đó đã quá “bẩn” và lỗi thời đối với họ[56]– cụ thể ở đây là để sản xuất thép; giai đoạn I dự kiến là 7 triệu tấn / năm, giai đoạn  II dự kiến sẽ là 15 triệu tấn / năm… Quặng nhập và mỏ sắt Thạch Khê[57] đang được triển khai và là đầu vào cho dự án này. Hàng loạt công trình đi kèm là bến cảng, nhà máy điện…, trong đó có có công trình đưa 1 triệu m3 nước / ngày lấy từ thượng nguồn bằng đường ống để phục vụ khu công nghiệp - không hiểu sẽ lấy nước ở đâu, mà ai cũng biết miền Trung khan hiếm nước như thế nào, khí hậu rất nóng… Sắp tới khu này dự kiến sẽ mở rộng thêm 1000 ha nữa cho lọc dầu…  Tôi không sao hình dung nổi những hệ quả về mọi mặt sẽ xảy ra cho môi trường, cho nhân dân địa phương, cho cả nước…  Chân bước đi trên vùng đất này, nhưng trong đầu tôi ám ảnh một viễn tưởng thảm họa môi trường cho vùng này trong tương lai, hàng nghìn công nhân khai thác mỏ và luyện kim ở đây sẽ đưa nước ta lên nền kinh tế trí thức...
Đối với loại công trình khủng như thế, đất nước và người dân có quyền có tiếng nói gì? Hay là cứ quyết là xong. Quyết là thi hành! Phải chăng đất nước ta đang bị biến thành đất nước cho thuê, người dân ta trở thành kẻ làm thuê ngay trên đất nước mình. Mọi hậu quả về môi trường, về an ninh, về tiền đồ phát triển… nước ta gánh chịu hết – chỉ để phục vụ cho việc làm ra một khối lượng thép khổng lồ bán cho nước ngoài!? Trong những năm qua, đã nhiều lần tôi rãi bầy lo nghĩ này, gần đây nhất là việc khai thác titan miền Trung, khai thác bauxite trên Tây Nguyên, bây giờ lại đến mối lo Vũng Áng, nhiều nơi khác nữa!..  
Trước mắt đã có lời cảnh báo cho một nơi khác: Không được để khu công nghiệp Chu Lai trở thành bãi thải!  
Sắp tới sẽ có thể có khu lọc dầu khủng 27 tỷ USD đầu tư ở Bình Định của Thái lan – do công ty lọc dầu PPT thực hiện… Tôi thực sự rùng mình, trong lòng tự hỏi tại sao thiên hạ và phía ta cứ thích bê những thứ “khủng” đầy ô nhiễm như thế vào nước ta? Khủng như thế là thật đến đâu, giả đến đâu? Tiền này thực là của ai?.. Nước ta đến nay đã ăn phải không ít những quả lừa vỹ đại, vốn Đài Loan té ra là vốn Trung Quốc đại lục… … ... Vân vân…
Sắp tới, bên cạnh khu công nghiệp dầu khí khủng Bình Định nói trên, lại sẽ thêm khu công nghiệp Phú Yên chế biến 8 triệu tấn dầu / năm…
Xin lưu ý: Nước ta mật độ dân số cao nhất châu Á, nghĩa là đất hẹp người đông, vốn quý nhất của đất nước là con người và đất đai (bao gồm cả vị trí địa lý), song đem dùng như thế trong thời toàn cầu hóa hiện đại ngày nay có đáng không? Đất nước ta có thể mở mày mở mặt với nền công nghiệp “high carbon”, bán lao động cơ bắp, bán không gian sinh tồn và bán môi trường là chính như vậy không? Là nước đi sau, nước ta có nhất thiết phải ôm lấy những thứ “khủng” thiên hạ thải ra như thế không? Vân vân… Trong khi đó khoảng 1/3 đến ½ diện tích các khu công nghiệp đã xây dựng chưa có người thuê… Chẳng lẽ tôi chỉ là một kẻ yếu bóng vía mù quáng!?
Trí tuệ cả nước và trên thế giới không thiếu lời giải để ngay từ đầu có thể tránh cho Việt Nam nguy cơ trở thành bãi thải công nghiệp cho thiên hạ.  Đã có rất nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng từ khi tiến hành đổi mới 1986 cho hướng đi này. Tất cả chỉ là nước đổ lá khoai.
Song thực tiễn của thể chế chính trị nước ta gần ba thập kỷ vừa qua cho thấy: (1)quyền lực chính trị, (2)lợi ích nhóm các loại và (3)sự chi phối của tham nhũng mới là những yếu tố quyết định, chứ không phải lẽ phải, càng không phải lợi ích tối thượng của quốc gia.
Nơi nơi thi nhau tranh thủ phát triển các dự án, chồng xéo lên nhau, “cheo” hay không “cheo” không thành vấn đề. Có lẽ càng nhiều dự án và càng “khủng” thì càng dủng dỉnh cho các túi tham[58]?… Chưa nói đến nhiều vấn đề rất nhạy cảm của an ninh quốc gia. Có thể thực hiện công nghiệp hóa quốc gia bằng cách tỉnh nào tranh thủ được cái gì thì làm cái đó như thế được không!? Dự án càng to càng tốt!..
Thêm vào đó, trong tư duy và văn hóa “nhiệm kỳ” cùng với nền kinh tế GDP tỉnh không có chỗ đứng cho tầm nhìn và những chiến lược dài hạn, không có khả năng lựa chọn những quyết định tối ưu chung cho cả nước, trên thực tế đã vô hiệu hóa không ít những điều đúng đắn, băm nát đất nước, xé nền kinh tế đất nước thành những mảng hay những vùng cát cứ… (Ví dụ: Cho đến ngày hôm nay, mọi kế hoạch hay chiến lược phát triển kinh tế vùng hoàn toàn thất bại, hay chỉ nằm trên giấy). Càng manh mún tranh giành nhau với tầm nhìn như thế, đất nước mình càng rẻ đi!
Hiện nay GDP p.c. của ta mới khoảng 1500 USD, thế nhưng  thể chế chính trị này và nhà nước của nó hầu như đã không kham nổi, để xảy ra quá nhiều bất cập, đổ vỡ, bất công và tổn thất; kinh tế hiện nay đang quá nhiều bế tắc.
Xin thử hình dung: Con đường từ  GDP p.c. 1500 USD hiện nay của nước ta đi tới cái mốc là nước công nghiệp thấp  – ví dụ GDP p.c. là 12.000 USD (nghĩa là rất thấp, chỉ bằng ½ GDP p.c. của Hàn Quốc hiện nay) sẽ là chặng đường vô cùng khó khăn. Bao nhiêu năm nữa mới đạt được? Hệ thống chính trị này và nhà nước của nó dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của ĐCSVN như hiện nay liệu có khả năng tạo ra được sự phát triển như thế không? Có quản lý nổi một nền kinh tế có quy mô phát triển như thế không? Vân vân…
Đã đến lúc phải quan tâm đến nhiều hơn xây dựng một khía cạnh khác nữa quan trọng không kém: Một nước công nghiệp chỉ có thể ra đời trước hết nhờ có chế độ chính trị, con người và văn hóa của một nước công nghiệp.
Nói đến cùng: Với tầm nhìn và bản chất của nó, thể chế chính trị hiện nay không có khả năng đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp và văn minh, thậm chí đang cản trở đất nước trên con đường này. Các lập luận của một số học giả trong nước và ngoài nước cho rằng Việt Nam đang sa vào cái bẫy là nước có thu nhập trung bình thấp là xác đáng. Đây chính là điều cả nước ngay từ bây giờ  phải nhìn thấy – trước hết là các đảng viên ĐCSVN. 
             Có thể kết luận:
               Một nền công nghiệp đất nước hiện có như vậy đang trở thành cái bẫy giam cầm sự phát triển của đất nước. Nền công nghiệp này là sản phẩm tất yếu của một thể chế toàn trị, vì thiếu vắng hoàn toàn tiếng nói của xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền - qua đó trí tuệ và lẽ phải gần như bị loại trừ, chỉ còn lại tiếng nói của chủ nghĩa tư bản hoang dã và nhóm lợi ích giữ vai trò quyết định.
           Hoàn toàn không có cách gì để Việt Nam năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại dựa trên 3 trụ cột là kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự...
(còn tiếp)
--------------

1 nhận xét:

  1. Tình cờ xem được blog anh Bồng. Và đọc được những loi bâng khuâng của anh tui rất đồng tình.cảm ơn anh đã cho tôi tầm nhìn về đất nước ta trong tương lai.khi không thể thay doi duoc dieu j...ve kinh te.ve chinh tri.ban chat cua nhom loi ich ma anh da thuan lai trenbblog.....k biet long tin nhan dan co chổ cho chung ta k...hay da bi nhom loi ich danh mat r...rieng toi cung thay lo ve tuong lai...nuoc ta se tro thanh nuoc cong nghiep rac thai...day chat thai cong nghiep...luc do con cháu chúng ta sống ra sao...và phải sống như thế nào khi đất nước đầy ô nhiễm. có khi nào anh nghĩ đến lúc đó không?

    Trả lờiXóa