* NGUYỄN
TRUNG
(tiếp theo - Phần 13)
... Hiện tượng mới này có thể đặt Việt Nam trước 2 tình huống:
(1) Có thể khai thác yếu tố Nga để giảm bớt sự căng thẳng cho ta
trong việc giữ cân bằng giữa hai đối trọng Mỹ - Trung? và
(2) Phải chăng việc ta thực hiện cân bằng giữa 2 đối trọng Mỹ -
Trung sẽ có thêm những khó khăn mới, nếu Nga cùng đi với Trung Quốc như đang
làm trong vấn đề Syrie?
(Chú ý: Kịch bản Nga đi với Mỹ trong chiến lược “trục xoay” của Mỹ
hoàn toàn loại trừ trong bối cảnh quốc tế hiện nay).
Suy cho cùng, cả 2 tình huống (1, 2) này chẳng lợi lộc gì cho nước
ta. Hơn nữa, nước ta hầu như không thể có ảnh hưởng gì trong trò chơi tay ba
này, kể cả trường hợp ta lựa chọn đối sách đi với một bên nào đó (dù là Nga).
Cũng không thể loại trừ trò chơi tay ba này mang đến cho nước ta những vấn đề
nhạy cảm và khó khăn mới. “Đi” với ai, trong trò chơi này, thân phận nước bên
thứ ba đối với nước ta vẫn là một ác mộng.> Phần 1 ; Phần 2; Phần 3; Phần 4; Phần 5; Phần 6; Phần 7; Phần 8 ;
Có thể tình huống 1 ở chừng mực nhất định có lợi cho Việt Nam – ví
dụ như hiện nay Nga đang là người bán cho Việt Nam nhiều vũ khí quan trọng,
quan hệ với Việt Nam có một bề dầy lịch sử được nhân dân cả hai bên trân trọng,
vân vân… Song hiển nhiên những mối quan hệ Việt - Nga có quá khứ tốt đẹp này
làm sao có thể so sánh được với tầm quan trọng của việc Nga đang muốn phục hồi
vị thế cường quốc trước đây của mình. Nếu hình thành một trục Nga – Trung trong
những vấn đề ở Bắc Phi (hiện nay đang manh nha trong vấn đề Syrie), liệu việc
Việt Nam đi với Nga như thế sẽ có những hệ lụy gì? Hiện nay Nga đã đồng ý bán
những vũ khí tối tân cho Trung Quốc như tên lửa S400, máy bay chiến đấu SU –
35… Vũ khí Nga bán cho Việt Nam
kém hiện đại hơn (vì ta ít tiền hay không cần đến?)
Trong tình hình có một kịch bản Syrie ở Biển Đông (Nga đi với
Trung Quốc), giả thử Việt Nam lựa chọn đi với một bên kép là Nga - Trung Quốc
trong trò chơi tay ba này, hầu như chắc chắn Việt Nam đứng trước một hiểm họa
mới khôn lường (là tiền đồn, là khu đệm cho liên kết Nga – Trung trong trò chơi
tay ba đầy nguy hiểm này? V… v…). Chẳng lẽ bài học nóng hổi “7 cuộc chiến tranh
trong 1 cuộc chiến tranh” hôm qua không nói lên điều gì với nước ta hôm nay?
Có một điều có thể thấy trước: Mối quan hệ giữa các nước lớn càng
rối rắm và nhạy cảm, chắc chắn Nga sẽ càng bận bịu hơn nữa chăm lo đến vị thế
quốc tế của mình. Và như thế, quan hệ Nga – Việt sẽ chỉ còn nằm lại trong danh
mục phụ lục của chính sách đối ngoại Nga mà thôi.
Kịch bản Việt Nam
đi với Mỹ trong vấn đề Biển Đông nói riêng và trong vấn đề “chiến lược trục
xoay” nói chung – dù là có hay không có sự xuất hiện của Nga trong khu vực ĐNA
này – cũng không hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Vì “đi” như thế, ta sẽ lĩnh đủ đạn từ
phía Trung Quốc, lại vẫn là rơi vào cái bẫy đi với một bên chống một bên. Nếu
có cả Nga tham gia vào trò chơi này, thì màn kịch sẽ càng rối rắm và không bớt
mùi máu trộn thuốc súng dành cho Việt Nam .
Kịch bản đi với Trung Quốc?
Đi với Trung Quốc như đã đi gần 70 năm qua? Đi với Trung Quốc như
đã và đang đi từ Thành Đô cho đến hôm nay? “Đi” như thế chắc là đủ lắm rồi! Trở
thành tiền đồn cho Trung Quốc thì nhân dân ta chắc chắn sẽ bác bỏ quyết liệt,
và thế giới cũng sẽ tảy chay. Bây giờ rất cần mối quan hệ láng giềng bình đẳng,
tôn trọng độc lập chủ quyền, tốt đẹp, tự trọng, bền vững đời đời với Trung
Quốc, chứ không phải sự mầu mè 4 tốt và 16 chữ...
Muốn được như thế, phải chăng cái dĩ bất biến của Việt Nam
là: Nhất thiết phải có bản lĩnh không trở thành nước bên thứ ba trong bất kỳ
loại games nào của các ông lớn?
Kịch bản là nước trung lập đứng ngoài cuộc chơi tay ba của Mỹ,
Trung, Nga, hoặc đứng ngoài cuộc chơi tay đôi (trong đó có một bên kép Nga -
Trung) không đặt ra cho Việt Nam .
Đơn giản vì sẽ chẳng ai chịu để nước ta thoát khỏi thân phận nước bên thứ ba.
Nghĩa là ta có quỳ gối xin được trung lập, chắc thiên hạ cũng không ban
cho!
Tóm lại, “đi” như nói trên với ai cũng không được!
Trung lập cũng không được!
Nghĩa là không còn ngả đường nào khác ngoài con đường nước ta đã
lựa chọn nhưng chưa làm sao dấn thân bước vào được, đó là: Chính ta cũng phải
trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của các đối tác. Đơn giản là
làm gì có chuyện bắt tay nhau hay hân hoan vỗ tay bằng một bàn tay!
Xin nói huỵch toẹt ra thế này:
Hiện nay có lẽ Mỹ cũng chưa tin ta, mặc dù ta có vị trí và vị thế
chiến lược quan trọng lắm. Thế thì làm sao ta là đối tác hợp tác toàn diện
được?.. Vậy ta làm sao thực hiện được vỗ tay hay bắt tay nhau bằng hai bàn tay
được – nghĩa là trong đó phải có một bàn tay là của phía Việt Nam ?
Hiện nay Trung Quốc cũng ngờ vực ta. Trung Quốc thừa biết 4 tốt và
16 chữ là của rởm. Nhưng nội bộ Trung Quốc đặt câu hỏi: Việt Nam chập chờn? Bắt cá hai tay? Lật
lọng? Việt Nam
có bản lĩnh, hay khiếp nhược hay vật vờ?.. Báo chí Trung Quốc không dưới một
lần nói “Việt Nam
ăn cháo đá bát!”… Nghĩa là Trung Quốc không tin ta, coi thường ta, cũng chẳng
sợ ta, cũng chẳng nể nang gì ta, có cơ hội thì còn làm cho ta ê chề nữa…
Vậy có cách gì làm cho cả Mỹ và Trung Quốc phải thay đổi cách suy
nghĩ của họ về ta? Phải làm thế nào cho họ hiểu: Có một Việt Nam khác – một Việt Nam tự nó, cho nó, vì nó và vì lẽ
phải, vì những giá trị toàn cầu… Đã đến lúc họ phải ứng xử đúng mực với một
Việt Nam
bản lĩnh như thế!..
Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật:
Việt nam có một vị trí chiến lược địa chính trị và địa kinh tế rất
đặc biệt tại Đông Nam Á.
Nhưng trong con mắt của hầu hết những diễn viên chính tại sân khấu
CA - TBD, Việt Nam
mới chỉ được coi là một vị thế công cụ quan trọng.
Bây giờ Việt Nam
nhất thiết phải chủ đông chiếm được cho mình vị thế đối tác quan trọng và được
tôn trọng. Không có sự lựa chọn nào khác.
Vâng, để chiếm được chỗ đứng là đối tác quan trọng trong chính
sách đối ngoại của họ, nhất thiết ta phải là một Việt Nam của phẩm giá – được đo bằng
những giá trị của dân tộc mình, những giá trị toàn cầu và được thể hiện thành
hành động; mọi xảo ngôn chẳng giúp được gì[88].
Một Việt Nam
biết tự trọng và muốn tạo ra lòng tin chiến lược (“diễn văn Shengri La”), nước
ta nhất thiết phải là như thế, phải làm được như thế.
Cùng nhau vỗ tay hân hoan bạn bè, hay là bắt tay nhau hợp tác, đều
phải có đủ hai bàn tay như thế, trong đó Việt Nam phải là một bàn tay như thế.
Ta còn thua kém các đối tác của ta về nhiều phương diện, nhưng vì
thế địa kinh tế và địa chính trị của nước ta cho phép ta tham gia và có những
đóng góp vào các mối quan hệ chung song phương / đa phương trong khu vực và
toàn cầu đủ quan trọng, để ta cũng được thừa nhận là đối tác chiến lược, đối
tác toàn diện.
Nhưng sự thật là hiện nay nước ta đang thiếu trầm trọng bản lĩnh,
phẩm chất và trí tuệ để dấn thân trở thành một đối tác như thế, chứ không phải
vì nước ta nghèo và lạc hậu. Nói nghiêm khắc, nước ta vẫn chưa ra khỏi cái tâm
lý đối phó, chập chờn, ỷ lại, cầu xin, tâm lý mong được giúp, được chi viện![89]
Như vậy hiển nhiên, cái dĩ bất biến là: Phải trở thành một quốc
gia có bản lĩnh, phẩm chất và trí tuệ - từ đó sẽ có thực lực để dứt khoát không
cam chịu thân phận nước bên thứ ba. Nhưng làm sao Việt Nam trở thành một quốc gia như thế
với chế độ chính trị toàn trị hiện hành?[90] Xin
mỗi người Việt Nam ,
trước hết là các đảng viên ĐCSVN, hãy trả lời câu hỏi này.
Một khía cạnh khác: Ngày nay, trên ngôn từ, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến
lược, quan hệ đối tác toàn diện với tất cả các diễn viên chính trên sân khấu
thế giới. Nhưng phải nói ngay, quan hệ thực chất của nước ta với tất cả những
đối tác quan trọng này, kể cả với Trung Quốc có “16 chữ và 4 tốt”.., nước ta
đều ở vị trí rất thấp trong chính sách đối ngoại của họ, đơn giản vì:
- Về mọi phương diện thế và lực của nước ta đều yếu, đường lối đối ngoại chập chờn của ta vì phải đi dây, nên khiến các
đối tác quan trọng này của ta cũng đáp lại chập chờn theo (vì không có chuyện
“free lunch” ở đây), đi dây như thế không thể dấn thân được; điều này có nghĩa mãi mãi
cam chịu giữ vị trí thấp trong mọi vấn đề, trong mọi cuộc chơi của các đối tác
/ đối thủ và của cả thế giới, chẳng bao giờ có thể bình đẳng.
Một đường lối ngoại giao phải gánh chịu 3 nhược điểm lớn như thế,
chung cuộc làm suy yếu đất nước, đặt đất nước trước nhiều hiểm họa.
Đến đây có thể kết luận: Bằng mọi giá, nước ta phải là chính mình,
để thiết lập được các mối quan hệ đối ngoại mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất
nước đòi hỏi. Đấy là: Bằng ngọn cờ dân tộc và dân chủ phát huy sức mạnh dân
tộc, đi với cả thế giới.
Việt Nam nhất thiết phải đứng trên đôi chân của mình, quyết định
những bước đi của mình, bởi vì lợi ích của mình đòi hỏi như vậy, bởi vì hòa
bình và xu thế tiến bộ trên thế giới muốn có một Việt Nam như vậy. Đòi hỏi
không thể thoái thác này xác quyết: Việt Nam phải trở thành một quốc gia của
dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc và hòa bình.
Xin hỏi: Có con đường nào đổi đời đất nước, đổi đời mỗi công dân
để xây dựng nên một Việt Nam như thế, nếu không phải là con đường cải cách thể
chế chính trị để tạo điều kiện thay đổi tất cả? Xin mỗi người Việt chúng ta –
dù là ai, chính kiến nào, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, đảng viên ĐCSVN
hay không phải đảng viên ĐCSVN, sống ở trong nước hay nước ngoài – với tất cả
tình thần trách nhiệm “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!”[91], với tất cả tinh thần đoàn kết hòa hợp
và hòa giải dân tộc, hãy suy nghĩ về điều này.
Còn một sự thật nữa: Nước ta có một vị thế rất quan trọng trong
chính sách đối ngoại của tất cả các đối tác quan trọng, lớn cũng như nhỏ, các
nước thành viên ASEAN…, nhìn theo phương diện tiêu cực, cũng như theo phương
diện tích cực.
Nhìn theo phương diện tiêu cực: Nếu thống soái được Việt Nam ,
sẽ làm được nhiều chuyện. Ví dụ, nếu biến được Việt Nam
thành một bàn đạp cho Trung Quốc tiến xuống phía Nam và ra Biển Đông!..
Nêu lên như vậy là để bàn cho hết nhẽ. Cứ cho là Trung Quốc rất
muốn, nhưng có thể phương án này trong thực tế sẽ không khả thi hay rất khó khả
thi. Vì hầu như chắc chắn nhân dân Việt Nam sẽ từ chối đến cùng một phương
án như vậy, và chắc cũng sẽ nhân dịp này quét sạch luôn mọi ảo tưởng, phản bội,
hay đầu hàng ăn theo phương án này.
Xin nhắc lại, Trung Quốc trước đây đã đôi ba lần đề nghị với Mỹ
phương án chia đôi Thái Bình Dương. Cách đây ít lâu bộ trưởng quốc phòng Trung
Quốc Thường Vạn Toàn tuyên bố Thái Bình Dương đủ chỗ cho cả Trung Quốc và Mỹ…
Bây giờ xin lưu ý: Việt Nam
có một vị trí chiến lược khá quan trọng, nên từ sau chiến tranh thế giới II đến
hôm nay không dưới một lần người ta đã bàn với nhau các phương án “chia đôi”
như thế dành cho Việt Nam .
Trong tiếp đón Chủ tịch Trương Tấn Sang vừa qua, phía Mỹ tuy cởi
mở, tiến xa hơn so với ta một chút lên phía trước, song vẫn bầy tỏ một thái độ
“wait and see!” khá rõ rệt với Việt Nam, (ví dụ: không thể tách việc bán vũ khí
sát thương cho Việt Nam với vấn đề thực hiện dân chủ và quyền con người ở Việt
Nam, nội dung “đối tác toàn diện” hàm ý có những điều chờ đợi nhất định…). Mỹ
không thể làm khác, mặc dù ai cũng biết phía Mỹ rất muốn triển khai mạnh mẽ
chiến lược “trục xoay”. Thái độ “wait and see!” như vậy phải chăng cho thấy: Mỹ
không mơ hồ, cũng không sốt ruột trước tình trạng “chập chờn” và “ngoại giao
leo dây” khó tránh hiện nay của Việt Nam !?
Chưa nói đến việc là siêu cường, ắt Mỹ còn nghĩ đến nhiều tính
toán khác, nhiều phương án khác, cho những tình huống khác.[92].
Trên phương diện tích cực: Việt Nam sẽ rất quan trọng đối với nhiều
nước nếu là một thành trì bất khả xâm phạm của hòa bình trong khu vực, là cầu
nối rất cần thiết giữa các khu vực và cho những players trong nhiều vấn đề nan
giải khác…
Sự thật là trên thế giới ngày nay rất nhiều quốc gia muốn có một
Việt Nam
có đủ khả năng giữ vai trò tích cực nêu trên. Trong tất cả các đối tác
chiến lược, có lẽ duy nhất chỉ có Trung Quốc muốn có một Việt Nam suy yếu. Việt Nam thực sự đang có tiềm năng giành lấy một vị
thế quốc tế xứng đáng mà rất nhiều nước trên thế giới mong muốn cho Việt Nam !
Cơ hội này thực sự chưa từng có cho Việt Nam kể từ khi lập quốc, do xu thế
phát triển của thế giới hôm nay tạo ra.
Đã thế, bàn cờ thế giới thay đổi như chong chóng. Vì lợi ích nào
đó các cường quốc hôm nay đi với nhau; vì lợi ích nào đó ngày mai có thể chống
lại nhau. Việt Nam
không thể dựa dẫm hay ăn theo nói leo được. Nếu không đủ trí tuệ và bản
lĩnh để luôn luôn giữ được mình là chính mình và đi cùng với cả thế giới tiến
bộ, để có khả năng bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia của mình và biết dấn
thân ủng hộ lợi ích của cộng đồng, xin hỏi làm sao Việt Nam có thể có những
quyết định đúng đắn?...
(còn tiếp)
------------------
+ Chú thich:
[88] Một trong những ví dụ gần đây nhất là phía
Việt Nam bào chữa cho nghị định 72, phản bác ý kiến phê phán của Mỹ; trong khi
đó nhiều trí thức Việt Nam
đã công khai đòi hủy bỏ nghị định này.
[89] Một doanh nhân là bạn của tôi kể cho tôi
nghe mẩu đối thoại của anh ta với một doanh nhân Israel , đại ý: Các bạn Việt nam thường nói nhiều về áp
lực từ Trung Quốc; điều này đúng. Nhưng dù sao áp lực như thế nhìn về mặt
dân số thì khó khăn ở Việt Nam cũng mới chỉ là tỷ lệ 1 / 13, còn Israel chúng
tôi tỷ lệ áp lực này là 1 / 35, lại còn thêm Đạo Hồi nữa. Hai nước chúng
ta chẳng có quyền chọn hay không chọn vị trí địa lý chúa ban cho như thế,
mà chỉ có mỗi con đường phải sống!..
[90] Lịch sử quan hệ quốc tế cận đại và hiện
nay có không ít quốc gia ở vào thế bị các quyền lực bên ngoài o ép, co
kéo, giằng xé tứ phương. Thành công điển hình trong bảo vệ chính mình trước
tình huống này có lẽ là Thụy Sỹ từ trước đến nay, và hiện nay là Israel, ngoài
ra cũng phải kể đến một số nước vùng Scandinavie (BẮc Âu).
[91] Khẩu hiệu của Cách mạng Tháng Tám làm nên
nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
[92] Trong giới nghiên cứu Mỹ có ý kiến đại ý:
Kinh nghiệm với Iraq, Afghanistan, các nước Bắc Phi… cho thấy Mỹ không thể gửi
trứng cho đối tượng mình không chắc chắn hợp tác được, chờ cho Việt Nam qua
giai đoạn chập chờn Mỹ sẽ quyết định cũng không muộn.
---------------
Mỹ,Trung coi dân Vịệt Nam,nhất là tầng lớp lãnh đạo chẳng là cái gì cả.Xưa nay đều thế.Ngược lại,nhân dân Việt Nam,kể cả Việt Kiều coi Mỹ,Trung cũng chẳng ra gì.
Trả lờiXóaMỹ bỏ ra đúng 10 đồng mua chai bia BGI,uống nửa chai,còn nửa chai cầm về.Còn Trung quốc ư,nó mua cái móng trâu,vào nhà trong lấy tiền để thối lại,khi ra thì nó dắt con trâu đi mất.Một thằng thì lỗ cái chai,đền cho hảng,còn thằng kia,kêu trời không thấu.
Còn nói,Việt Nam ăn cháo đá bát.Trung quốc cho mượn gạo bọc thép,nấu ba ngày không chín,sau giải phóng trả bằng thóc tươi.Súng đạn đưa qua chỉ lấy thuốc nổ.Cố vấn qua chỉ xúi dại đun đầu cho bom nó xé thịt,may chả ai dại...Toàn cái lũ đâm sau lưng,nhất là sau ngày thống nhất nước nhà. Xúi gây ra bao cảnh chia rẻ dân tộc mà đến nay khó hàn gắn.
Phải thấy thực tế,những người trong bộ máy VNCH ( Trừ một số mấy vị làm CIA),ai cũng ghét MỸ thậm tệ,họ có công lớn trong đánh Mỹ đấy,họ chả thèm nhận công đâu,HỌ rút ruột Mỹ đến mức có thể,đẩy quân MỸ chuyên đi đạp mìn,sập hầm chông,thử gan với bẩy "thò" của đồng bào dân tộc.Chán ngấy phải chuồn,chứ đâu dễ gì.Nhưng với công sản thì không thích,nge chuyện CCRĐ,đến như TÔI,Việt cộng xịn còn ngán.Ai dè,vừa thống nhất y chang với cách mềm và từ từ,nên vượt biên thôi,Việt cộng mà không thẳng tay giúp cho bà con đi cho an toàn thì chia rẽ còn khiếp,Những người Việt cộng giúp bà con vượt biên,họ bị trừng trị đến khủng khiếp,Nay ông Mai Lương,nguyên thường vụ tỉnh ủy,bí thư Thị Xã quảng Ngãi,hiện còn sống tại TP Quảng Ngãi đấy.
Nên con đường của VIệt Nam là đoàn kết dân tộc thật sự,sai sửa và xin lỏi.
Khi dân tộc Việt Nam đoàn kết thì chả đu dây,ngoại giao dưới cơ nào cả.Nguyên tắc sống là ông đưa bánh tôi trả tiền,chưa thằng nào dại mà cho không,Dân Việt cũng chả dại mà bán thân chết trận để lấy tiền,lấy thì lấy nếu đưa chứ chả dại chết thay cho Mỹ.
một tật xấu phá hoại đoàn kết đân tộc và phá hoại sức mạnh nhân dân là ghim guốc,bè nhóm kiếm chác...Miền Bắc thế nào tôi không rõ,còn Miền Nam tôi rõ là ai cũng coi làm công chức chỉ khi bất tài,không ai quan tâm đảng trị toàn trị gì cả,vì ai cũng biết thằng nào cũng thế,lên là ăn bất kể.
Lẽ đời ai chả biết phải cho nó ăn,nhưng ăn thế nào cho đúng,còn để cho người ta làm ăn.Đằng này triệt gần như hết lối,lại còn bảo nộp thuế,làm không ra,bán không chạy hàng,tiền nợ không thu được....áp vô thu đồ đạc là cái gì.
Anh Trung có công ngiên cứu,nhưng cái mà dân rất cần,và nước cũng quá cần...Nó mới chính là sự tồn tại hay không tồn tại của đất nước.
Chưa thấy thằng nào quan tâm và biết chuyện này,toàn đại họp đề ra chuyện mây gió,chỉ cho vui với nhau.
Tôi từng là người ngồi viết "dưới ánh sáng..." trong rừng mà không thấy mặt trời.Cặm cụi ngiên cứu vẻ biện pháp đánh sao cho " gà con mắc tóc" cho nó què,khi mà nó tống cả đống Tank M18.Khi Tank M41,M48 vô thì gà con nó lớn thành chim ưng.
Cái giá quá dữ dội,THiên hạ ngoài nước họ khiếp,Ta tỉnh bơ tiếp tục phá,làm sao mà lấy mấy cái thang bằng tre mà bắt lên lầu cao xã hội chủ nghĩa,lại chính quyền chủ nhĩa xã hội.
Chúng ta là một đảng xứng đáng,nhân dân rất tôn trọng dù khác chính kiến,nhưng vài chục năm qua đã đẩy cả đảng giành nghề của các ông thầy bói.
Không dẹp được thì chỉ từ chức cho lớp khác lên,khi trên 60 tuổi chỉ còn nhớ kĩ niệm.
công sơn,nha trang
Phần này Bác Nguyễn Trung dã phân tích rất sâu về thế , lực và mối tương quan trong các " Trục " liên quan đến Việt Nam , những điểm tiên quyết mà chúng ta phải đối mặt , đó là các mối quan hệ đan xen giữa các cường quốc với nhau và với chúng ta .
Trả lờiXóaChính phủ Việt Nam phải hết sức dũng cảm và kiên quyết thay đổi theo thể chế dân chủ , nếu không " Chiếc sừng trâu " đang chờ chúng ta chui vào .Đó là điều rất khó tránh .
Cảm ơn bác đã có một bài viết hay vá rất công phu ,
Để gió cuốn đi