Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

BAO CHỬNG GIẢI NGHỆ


 * LÊ VÂN
Để có thể chống lại nạn tham quan ô lại mọc ra khắp nơi như cỏ dại thời Tống, vua Tống trao cho người mới được bổ nhiệm về cai quản phủ Khai Phong một thanh 'Thượng phương bảo kiếm'. Phần lưỡi thanh kiếm khắc bốn chữ: ”Tiên đả hôn quân”, phần đốc kiếm khắc bốn chữ: ”Hậu đã loạn thần”. Khi trao kiếm quý cho người bề tôi được mình sủng ái, vua dặn:
- Ta cho khanh thanh kiếm này để khanh thay mặt trẫm duy trì kỉ cương của triều đình, giúp trẫm chống cái nạn tham quan ô lại, góp phần gìn giữ giang sơn gấm vóc của các bậc tiền nhân để lại cho trẫm.
Bao Chửng mừng lắm, quỳ xuống nhận kiếm lệnh và tạ ơn vua. Hầu hết quan lại trong buổi chầu thấy vua ban cho Bao Hắc Tử thanh kiếm lệnh, không khỏi giật mình, lo sợ. Chỉ có Bát Hiền Vương và Vương Thừa tướng thì tủm tỉm cười.
Có được kiếm lệnh, Bao Chửng muốn tỏ rõ quyền uy của triều đình, ông đem treo nó trước cổng phủ. Theo ông, nhìn thấy kiếm lệnh, mọi người từ quan đến dân trong thiên hạ đều biết thiên uy mà thực thi nghiêm chỉnh luật pháp.
Những ngày đầu, dân có điều gì oan ức, họ hay đến phủ đánh trống kêu oan, bằng hữu cũng năng đến thăm ông. Từ khi nhìn thấy kiếm lệnh treo trang trọng trước cổng phủ, dân ít đến đánh trống hơn, về sau thì bặt hẳn. Bằng hữu của Bao Chửng cũng ngại đến thăm ông, cuối cùng chả ai dám đến phủ Khai Phong  nữa.
Thấy dân không còn đánh trống kêu oan, Bao Chửng cho rằng thiên hạ đã thái bình, nạn tham nhũng cơ bản đã được giải quyết xong. Ông viết tấu trình tình hình khả quan hiện tại lên vua. Sau khi xem tấu trình của Bao Chửng, vua đưa cho Vương Thừa tướng và Bát Hiền Vương cùng đọc. Đọc xong, hai vị cùng tâu:
- Muôn tâu! Theo ngu ý của lũ chúng thần, bệ hạ nên sai Bao Chửng đi tuần sát vùng Giang, Hoài một thời gian rồi viết lại tấu trình cho chuẩn xác hơn.
            Vua Tống chuẩn phê theo ý của Thừa tướng. Bao Chửng được điều đi tuần sát các vùng Giang, Hoài. Đến Giang, Hoài, ông thấy trong cảnh lụt lội, dân tình vẫn đói khổ, nạn tham quan ô lại vẫn hoành hành chẳng kém trước đây. Một số vụ quá lớn, khiến ông không dám tự quyết. Khi trở lại triều, Bao Chửng đến vấn an và cũng thỉnh ý Vương Thừa tướng:
- Bẩm Thừa tướng! Bản Phủ có mắt như mù. May đội ơn Thừa tướng đại nhân và Vương gia chỉ dạy. Nay bản Phủ có dự thảo bản tấu trình lên Hoàng Thượng, mong được Thừa tướng đại nhân chỉ bảo thêm.
            Xem xong bản thảo tấu, Vương Thừa tướng nhẹ nhàng nói:
- Bản tấu khá đầy đủ rồi, buổi chầu ngày mai Bao đại nhân cứ tấu. Các quan lại mà Bao đại nhân định xử lí ở các vùng Giang, Hoài chắc sẽ được Thánh thượng chuẩn y thôi.
- Bẩm Thừa tướng! Từ khi bản phủ nhậm chức đến nay, bạn bè cứ xa lánh dần, dân lành cũng không muốn đến phủ. Phải chăng bản phủ có gì sai sót, kính mong được Thừa tướng chỉ bảo.
- Ồ! Không có gì, không có gì! Chỉ có điều cổng phủ Khai Phong lúc nào cũng có thanh kiếm lệnh treo lơ lửng trên đó như chuẩn bị chém ai, đến lão phu cũng còn sợ không dám vào, huống chi dân thường! Theo ngu ý của lão phu, kiếm chỉ nên rút khỏi vỏ khi không còn có cách nào khác được.
- Bẩm Thừa tướng! Bản phủ ít học, không hiểu lẽ đời. Bản phủ cứ tưởng treo kiếm lệnh thị uy là mọi người phải tuân theo quốc pháp, nhưng không phải thế. Quả là có lỗi, có lỗi, bản phủ xin sửa ngay.
            Từ khi sửa lỗi, công việc của Bao Chửng thuận lợi hẳn lên, ông được Vương gia, Thừa tướng tin cẩn, giúp đỡ rất nhiều trong các vụ án lớn. Ông nổi tiếng là người thanh liêm, chính trực, hết lòng vì dân, vì nước, cả nước tôn ông là Bao Thanh Thiên. Ông đã dùng uy của kiếm lệnh xử các tội nhân là hoàng thân, quốc thích như Trần Thế Mĩ, An Lạc Hầu, Quách Hoè...
            Cho đến một ngày, Bàng Quý phi mắc tội. Với tội trạng rất nặng của Bàng Quý phi, Bao Chửng quyết khép nàng vào tội chết. Chết nỗi, mĩ nhân họ Bàng, lại là con gái của Bàng Thái sư, có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, lại đang là quý phi của đương kim Hoàng thượng. Bao Chửng nhiều lần dâng tấu đề nghị vua cho chém Bàng Quý phi, nhưng chưa lần nào vua chuẩn tấu cho. Sau nhiều lần tranh luận trong triều, Bao Chửng được cả Bát Vương gia và Vương Thừa tướng ủng hộ, nhưng vua vẫn không nghe, vụ án vẫn xếp lại đấy.
            Một hôm Bao Chửng nghĩ đến thanh kiếm lệnh, ông làm một bản tấu mới. Trong bản tấu, Bao Chửng kiên quyết xin dùng kiếm lệnh vua ban để xử Bàng Quý phi, nếu vua không chuẩn tấu thì ông xin nộp lại mũ áo, kiếm lệnh, từ quan về làm dân thường. Trong phiên chầu, thấy lời lẽ rất kiên quyết của Bao Chửng, lại có sự phân tích, ủng hộ của Bát Vương gia và Vương Thừa tướng, nhà vua không còn cách nào để bác lại, suy ngẫm một lúc, vua Tống buồn rầu nói:
- Từ khi trẫm trao cho khanh kiếm lệnh, khanh đã giúp trẫm được rất nhiều việc lớn. Trẫm hết sức cảm ơn lòng tận tuỵ của khanh. Trẫm ban cho khanh thanh kiếm này, phần lưỡi thì khắc bốn chữ ”Tiên đả hôn quân”, phần đốc kiếm thì khắc bốn chữ ”Hậu đả loạn thần” Nếu khanh lí giải được tám chữ ấy thì trẫm sẻ chuẩn y bản tấu của khanh. Cho khanh về suy nghĩ thêm ba ngày, buổi chầu ngày thứ tư trẫm sẽ xem xét lại việc đó.
            Sau hai ngày suy nghĩ, vẫn chưa có lời lí giải. Ngày thứ ba, Bao Chửng đành vào hỏi Thừa tướng, rất may trong phủ lúc đó có cả Bát Hiền vương. Sau một hồi lâu đàm luận, Vương Thừa tướng chậm rãi nói:
- Theo ngu ý của lão phu, Hoàng thượng nói vậy phải chăng là muốn Bao đại nhân tay cầm đằng lưỡi kiếm để chém Bàng Quý phi? Liệu có phải ý ấy không nhỉ?
            Sau một hồi suy nghĩ, Bát Vương gia cũng nói:
- Có lẽ thâm ý của Hoàng Thượng là vậy chăng? Ý Bao khanh thế nào?
            Bao Chửng sau một thoáng suy nghĩ, ông đáp:
- Dù bằng cách nào thì hạ quan cũng phải xử vụ này, dù rằng có phải mất cái mạng này đi nữa!
            Buổi chầu hôm sau, khi nghe Bao Chửng lí giải mấy chữ khắc trên kiếm lệnh, vua Tống càng buồn rầu, ông nói:
- Khanh đã lí giải đúng đấy. Trẫm ban cho khanh thanh gươm, để giúp trẫm  thanh trừ các tham quan ô lại. Khanh có quyền trảm từ hoàng thân quốc thích trở xuống nếu họ phạm luật, trừ trẫm. Ai muốn động đến trẫm bằng thanh gươm này thì phải cầm đằng lưỡi của nó. Thanh gươm cực sắc, để sợi tóc lên lưỡi nó, sợi tóc lập tức đứt làm đôi, nó chém sắt như bùn, quả là gươm quý. Khanh đã lí giải được ý trẫm, trẫm đành chuẩn tấu cho khanh thôi. Cũng đành phải vậy thôi. Để chính ngọ trưa mai khanh hãy thi hành bản án.
            Lúc sắp thi hành bản án, Bao Chửng lấy kiếm ra, ông nhớ lại lời vua: Mình xử Bàng quý phi, tức là động đến vua. Động đến hoàng đế, tất phải cầm dằng lưỡi kiếm mà xử. Ông thận trọng lấy kiếm ra, vừa sờ vào lưỡi của nó, tay ông đã chảy máu. Bao Chửng dùng hai tay cố thận trọng đỡ gọng thanh kiếm lên để đưa cho quan giám trảm. Than ôi! thanh kiếm quá sắc, giám trảm vừa đỡ vào lưỡi đã đứt mất nửa bàn tay. Thấy vậy, người đao phủ có trách nhiệm chém yêu nữ họ Bàng thất thần, quỳ gục xuống, nhất định không dám tuân lệnh. Khi Bao Chửng cho anh đứng lên, anh ta liền bỏ chạy mất tăm. Không còn ai giúp mình, Bao Chửng đành dùng hết sức nắm lấy lưỡi kiếm để thực thi bản án. Than ôi! Chưa đụng được đến yêu nữ họ Bàng, lưỡi kiếm quý đã tiện ngọt các ngón tay của ông. Hỏng cả hai bàn tay, Bao Chửng đành ôm hậngiải nghệ. Sau khi sai gia nhân nộp trả mũ, áo và thanh kiếm lệnh, Bao Chửng bỏ đi đâu không ai được biết, điều đó đến nay vẫn còn là bí mật.
L.V  
-----------------

3 nhận xét:

  1. LV còn tải một số truyện trong cuốn Tản mạn chuyện đời, mời Bùi Văn Bồng sang đọc, Blog của bạn, LV đã đặt chế độ theo dõi, vào nhà bạn luôn. Lão giáo già BG viết cho vui, song cũng đã in được một số sách. Rieng cuốn này chưa xin phép XB được . Các bài của LV, bạn có thể tải về.

    Trả lờiXóa
  2. LV đã kết blog và vào nhà bạn luôn. LV đang tải cuốn Tản mạn chuyện đời(có bài này) lên blog, Sách chưa xin phép XB được. Bạn có thể đọc và cóp sang. Chào!

    Trả lờiXóa
  3. May cho Bao Chẩn . Bao Chửng mà sống ở nước Việt thời nay thì chắc chắn đắc tội với muôn quan.Mạng sống của ông còn khó giử nói chi đến xứ án.

    Trả lờiXóa