Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

'Thủy điện VN là món nợ lớn với dân'

Giải quyết hậu quả của các dự án thủy điện với nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang là 'món nợ' của nhà nước với dân, theo chuyên gia chính sách từ Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 09/01/2015, nhà nghiên cứu chính sách công Phạm Quý Thọ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Việt Nam hiện đang phải 'trả giá' trong lĩnh vực năng lượng do việc 'tăng trưởng nóng' từ phát triển 'tùy tiện' các dự án thủy điện, thủy lợi trong cả nước nhiều năm qua.
"Đây là một vấn đề rất là lớn, thậm chí Quốc hội đã nhiều lần chất vấn Chính phủ về vấn đề này," ông Thọ nói.
"Đây là một món nợ lớn của Chính phủ đối với Quốc hội và đối với nhân dân về thủy lợi và thủy điện.
"Vì người ta đã thấy rất nhiều công trình thủy lợi, thủy điện đang có những ảnh hưởng rất xấu về môi trường, dân sinh, rồi về sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp.
"Vì sao lại có vấn đề này? Theo chúng tôi là đã có một thời gian chúng ta tăng trưởng nóng. Tức là tất cả nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện.
"Cho nên ai chạy được các dự án cấp trung ương thì chạy ra trung ương, còn ai mà làm dự án cấp địa phương thì làm cấp địa phương mà không có những tính toán kỹ lưỡng về môi trường, rồi về nhân sinh cũng như rất nhiều vấn đề khác.
"Cho đến nay rất nhiều công trình vẫn còn bỏ hoang và có những cái đương xây dở dang thì xuống cấp nghiêm trọng. Đây là một vấn đề rất lớn mà có lẽ nó để lại hậu quả không chỉ trong độ mấy năm, mà có lẽ là một thời kỳ dài nữa, kinh tế cũng như xã hội Việt Nam là phải chịu hậu quả này."
Phó Giáo sư Thọ cho rằng có ba cơ quan phải chịu trách nhiệm chính đối với các dự án vốn gây xáo trộn dân sinh, phá hoại môi trường và để lại nhiều hậu quả kinh tế, xã hội nghiêm trọng.
"Thế còn trách nhiệm là ai thì hiện nay có mấy cơ quan chịu trách nhiệm, mà người ta đương đưa ra. Trước hết là người ta nói đến Bộ Công thương, mà trực tiếp ông Bộ trưởng đấy phải giải trình.
"Thứ hai là Bộ Nông nghiệp, bởi vì trong đền bù thì nó liên quan đến đất lâm nghiệp rồi đất rừng, tái tạo lại nhưng rồi cũng không làm.
"Thứ ba nữa là các Ủy ban Nhân dân các cấp có lẽ là vì quyền lợi của địa phương mà người ta cũng cấp phép rất nhiều, đặc biệt là những nơi có những độ dốc lớn thí dụ như là miền Trung, thí dụ như là miền Bắc Việt Nam, hoặc thậm chí là vùng Tây Nguyên.
"Rồi người ta nói đến những vấn đề xã hội, cái tác động vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề dân sinh, các dự án này không làm thỏa đáng cái đền bù cho người dân... như cơ sở vật chất.
"Thậm chí những dự án lớn như Thủy điện Lai Châu của nhà nước tập trung như thế nhưng cũng không làm cho người dân yên tâm, mà đến nay rất nhiều dự án vẫn chưa hoàn chỉnh," chuyên gia về hoạch định chính sách công nói với BBC.
Nhà nghiên cứu cho rằng nạn phát triển tràn lan thủy điện 'bằng mọi giá' xuất phát một phần từ bệnh thành tích, từ cơn đua xin dự án mà trong đó có nhiều liên hệ tới các lợi ích nhóm.
Trong cuộc trao đổi với BBC hôm 09/01/2015, PGS. TS. Phạm Quý Thọ cũng bình luận về các bài học về hoạch định, thực hiện chính sách mà trước mắt để giải quyết hậu quả và về lâu dài là để tránh lặp lại các cách làm không tốt.
'Giải quyết hậu quả'
Hôm thứ Sáu, một nhà nghiên cứu khác từ Liên hiệp các Hội Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) nói với BBC về việc cần làm gì để khắc phục hậu quả và ngăn ngừa lặp lại những 'sai lầm' trong các dự án thủy điện, thủy lợi như vừa qua.

 Có ý kiến nói thủy điện làm nông dân
mất nước tưới tiêu trong mùa khô
Nhấn mạnh với BBC hôm 09/1 về vai trò đi liền với trách nhiệm của nhà nước ở trung ương và các chính quyền địa phương trong giải quyết hậu quả các dự án năng lượng, thủy điện, thủy lợi, Tiến sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo về Phát triển Cộng đồng (RTCCD), nói: "Đã có chữ nhà nước tham gia vào thì vấn đề an sinh xã hội phải được đặt ra, để về sau này chúng tôi cho rằng phải tiến đến một vấn đề về luật, để đảm bảo đưa vào một cách chặt chẽ.
"Nhưng rõ ràng rằng khi người dân bị ảnh hưởng, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng trong dự án như thế thì dự án đó phải có trách nhiệm đóng góp cho quỹ An sinh Xã hội để đảm bảo cho người dân khi sinh kế sau này bị ảnh hưởng, thì Nhà nước phải lấy nguồn đã đóng của dự án (chi) cho vấn đề an sinh xã hội đó để đảm bảo vấn đề đời sống của người dân.
"Như thế là có thể là về mặt chính sách trong thời gian tới đây là bắt buộc các dự án phải có một khoản kinh phí ban đầu đóng vào quỹ An sinh Xã hội, để đảm bảo cho các đối tượng người dân bị mất đất đai. Và tôi nghĩ rằng nếu mà làm được như thế thì có thể giảm thiểu được cái phần gọi là ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân khi mà các dự án triển khai, đặc biệt là các dự án tư nhân."
Về trách nhiệm của các nhà đầu tư với các địa phương nếu và khi gây ra, để lại các hậu quả từ các dự án năng lượng, thủy điện, thủy lợi v.v..., nhà nghiên cứu chính sách cộng đồng nêu quan điểm:
"Khi họ dừng dự án, thậm chí khi họ phá sản đi nữa, thì cái để lại hậu quả là vấn đề môi trường... Và cái môi trường ảnh hưởng trực tiếp ngay là các địa phương mà nơi có dự án.
"Thế thì đây là một vấn đề thể hiện rằng trong thời gian vừa qua, các dự án đã làm, chúng ta không có được một cái đánh giá tiền khả thi đúng nghĩa, tức là một cách khách quan và khoa học.
"Đồng thời giữa các bên tham gia, trong đó kể cả chính quyền địa phương, một là có thể thiếu hiểu biết, do thiếu hiểu biết, hai là không được thông tin một cách đầy đủ, về tính trước những rủi ro có thể xảy ra đối với dự án trong trường hợp đó."
Theo nhà nghiên cứu chính sách cộng đồng này, hiện Việt Nam cần phải đồng thời giải hai bài toán. Đó là làm gì với những dự án tương lai và giải quyết hậu quả những dự án đã có.
Ông Tuấn nói: "Thế thì những cái trong tương lai, chúng ta chắc chắn phải khép chặt vào những quy định khi đánh giá tiền khả thi và vấn đề minh bạch và giải trình các trách nhiệm giữa các bên, tất cả các bên tham gia.
"Thì đó là một vấn đề, nhưng còn những dự án đã xảy ra rồi và để lại hậu quả hiện nay, vấn đề giải quyết nó như thế nào? Thì tôi nghĩ rằng đây thực ra là một vấn đề không ai mong muốn.
"Nhưng để giải quyết nó bây giờ quả thực rằng là khi mà nhà đầu tư rút đi rồi và trước đó không có những các chế tài để buộc họ phải giải quyết những vấn đề môi trường, thì bây giờ bài toán còn lại rõ ràng là chính quyền phải chịu trách nhiệm.
"Tức là chính quyền ở đây là bản thân chính quyền địa phương và chính quyền trung ương, đây chúng tôi nghĩ thực ra là vấn đề không mong muốn nhưng nó phải được xem xét, phân tích và nó là bài học cay đắng," Tiến sỹ Trần Tuấn nói với BBC.
'Cái nhìn hạn hẹp'
'Tạp chí The Economist của Anh vào hôm 9/01 có bài bàn về thủy điện ở Việt Nam. Bài báo cho hay vào năm 2013 Quốc hội nói có 268 dự án thủy điện đang được vận hành với 205 dự án nữa dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2017.
"Tuy nhiên cơn sốt thủy điện có cái giá phải trả. Sông và rừng già đã bị tàn phá, và hàng chục ngàn dân làng, thường là người dân tộc thiểu số phải di dời. Nhiều người đã được tái định cư trên đất nghèo. Những người ở lại có nguy cơ lũ quét gây ra bởi công nghệ đập yếu kém và giám sát không đầy đủ. Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, một nhóm môi trường tại Hà Nội, cho biết việc xây dựng đập kém chất lượng không phải là hiếm và các nhà thi công xây dựng không đếm xỉa gì tới câu hỏi liệu dự án của họ có thể gây tác động dẫn tới động đất hay không."
Bài báo cho biết nhiều công ty thủy điện này được sở hữu bởi hoặc liên kết với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nhưng làm ăn độc quyền.
"Bởi vì thủy điện là nguồn điện rẻ nhất của Việt Nam, EVN quả quyết rằng đầu tư vào việc đánh giá các biện pháp an toàn cho đập sẽ tiếp tục làm yếu vị thế tài chính của mình. Thực tế là, mặc dù đánh giá ảnh hưởng môi trường có tác động đối với các dự án thủy điện là việc bắt buộc, việc đánh giá này không bao giờ được công bố, theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
"Một vấn đề là khi các quan chức có quyền lợi trong các dự án thủy điện là họ đặt công suất phát điện lên trên nhu cầu quản lý nước vì lợi ích và sự an toàn của người dân địa phương. Các công ty thủy điện muốn giữ hồ trữ nước của họ càng đầy càng tốt để tạo ra càng nhiều điện trong bối cảnh sông ngòi của Việt Nam cho phép.
"Nhưng cái nhìn hạn hẹp đó có thể làm nông dân mất nước tưới tiêu trong mùa khô. Và khi mưa lớn vào mùa hè và mùa thu, nước lũ tràn tường đập mà không hề có cảnh báo hoặc cảnh báo rất ít. Khi đập bị vỡ vào tháng Tám ở tỉnh Gia Lai, một dân làng nói với báo Thanh Niên rằng tiếng ồn và sự hoảng loạn chẳng khác gì những đợt ném bom từ thời chiến tranh", báo The Economist cho hay.(BBC)
--------------- 

4 nhận xét:

  1. Nói như thế này thì không đúng đâu.
    Phần lớn các công trình thủy điện đều làm chưa đúng với kĩ thuật,Do vậy khi mưa thì xã lũ mà không thể tích nước,tích thì vỡ.Khi hạn thì nước đâu còn mà xã xuống sông....
    Hiện nay nước ta không nên làm thủy điện nữa,nhất là cái thứ kĩ thuật cao này mà cứ vẻ ra vừa và nhỏ cho chết,dù các vị nhét túi đầy tiền,sinh hư ra.
    Chúng ta cũng lãng phí rất lớn trong phát triển sử dụng hồ thủy điện và thủy lợi đấy.
    Ví dụ hồ Đá Bàn ở Khánh Hòa có đủ tưới cho 1 vạn ha,nhưng họ chỉ sử dụng hơn 3000 ha mà thôi,lãng phí quá nhưng họ chả cần.Nhiều hồ nhỏ như cái cối xay tiền ngân sách.
    Suy cho cùng đất nước ta thừa người làm và dư người chỉ tay năm ngón nên cả nước tính đi buôn ở nước ngoài,chứ làm sao được,thò ra đầu tư sáng kiến gì là chết đứng.
    Toàn cái thứ đồ mi phá,và mi phá đồ nên đến cái phố nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm Nha Trang,sống chưa yên kia mà.Con các quan tụ tập nhau đi ăn cướp,công an cũng thua.
    Võ Hòa tôi thật lòng tâm tình thôi.THủy điện là việc lớn nói sao cho đủ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một quốc gia Châu Âu cũng có kế hoạch xây dựng điện hạt nhân , sau nhiều tranh cãi và không có sự thống nhất , cuối cùng thì cũng tìm ra được giải pháp : Ý kiến của nhân dân ! Tất cả đều cho rằng , điện hạt nhân không phải là việc của Tổng thống , không phải của chính phủ và Quốc hội , hãy để việc này cho các nhà khoa học đánh giá !!! Thủy điện không có lỗi , lỗi tại những người ra quyết định , họ chỉ nhìn thấy dự án hoành tráng trên giấy nhưng họ không nhìn thấy hậu quả vĩ ̣đại của nó . ( Đây là căn bệnh thích vỗ ngực của các vị lãnh đạo ) . Khi các công trình lớn hoàn thành , những người cắt băng khánh thàng là những công nhân bình thường chứ không phải đ/c này đ/c nọ được mời về cắt băng và. . . . chụp ảnh như ở VN , thói quen này của người VN có phần hơi Lý Thông ! Hãy để cho công nhân có vài phút tận hưởng thành quả của chính họ sau nhiều năm vất vả , mưa nắng , đêm hôm ! Công Sơn đại ca có nhiều chiến hữu là lãnh đạo cao cấp , vậy xin được hỏi nhỏ một câu , chỉ tôi với Công Sơn biết thôi : Bao nhiêu vị trong Bộ Chính trị có bằng Giáo sư , Tiến sĩ về năng lượng ???

      Xóa
    2. "Nói như thế này thì không đúng đâu."
      Kẻ dốt bao giờ cũng cố nói rằng những người khác anh ta là dốt!

      Xóa
  2. Xin trả lời là ngay cấp bộ còn chưa có mà,BCT không cần tiến sĩ năng lượng.
    Cụ Kiệt có tiến sĩ đâu,nhưng có anh Thái Phụng Nê thì cụ quyết thôi.
    Xin thưa là không có công trình kinh tế nào mà không có vấn đề về hậu quả tiêu cực của nó cả....Nhưng khắc phục và hạn chế nó để không xảy ra hậu quả lớn mà thôi.
    Các hồ chứa nước lớn của ta đều xây bằng đất đắp cả,lại đất đắp không thể đồng chất,nên có nguy cơ cao vỡ.Tương lai sẽ tiến hành xây bê tông và xây nhiều hồ chứa phụ để phân tán năng lượng tập trung gây vỡ đập và tăng năng lực chứa nước khi diểm cao mưa trong lưu vực.
    Các nhà khoa học của chúng ta biết khắc phục và chọn tối ưu,nhưng còn về tài chính thì chúng tôi lại không thể quyết được.
    Hiện nay thì chính phủ đã nhận thức được và hạn chế rồi.
    Nói hại dân là không đúng là vậy.
    Công Sơn

    Trả lờiXóa