Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Thiếu 'Văn hóa -chính trị' (!?)


Đối với người Việt, ngoài những chuẩn mực chung, một cá nhân hay một tổ chức muốn có uy tín chính trị phải thể hiện được lòng yêu nước cao độ, phải hòa đồng gần gũi với dân chúng.
Với riêng cá nhân thì phải biết hy sinh cá nhân và đem tài năng phụng sự dân tộc.
Nhân kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, GS. TSKH, Chuyên gia cao cấp Vũ Minh Giang đã dành cho Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi về văn hóa chính trị và cách tiếp cận nghiên cứu Đảng Cộng sản Việt Nam từ góc độ văn hóa chính trị.
- Chính trị là một lĩnh vực hoạt động rộng lớn và hết sức quan trọng, nó quyết định vận mệnh của đất nước và sự phát triển của xã hội và con người. Văn hóa chính trị được hiểu thế nào, thưa ông?
- Chuyên gia cao cấp Vũ Minh Giang: “Từ trước tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được sự quan tâm đặc biệt của giới học giả trong các công trình nghiên cứu của mình. Đã có khá nhiều ấn phẩm về chủ đề này được công bố. Tuy nhiên, điểm lại các công trình ấy có thể dễ dàng nhận thấy cho đến nay, việc nghiên cứu Đảng Cộng sản Việt Nam chủ yếu được tiếp cận dưới góc độ lịch sử, chính trị. Nghiên cứu Đảng Cộng sản Việt Nam dưới góc độ văn hóa dường như còn tương đối mới mẻ ở nước ta.
“Trong những năm gần đây, văn hóa được nói tới nhiều nhưng lại là một khái niệm thường hay gây tranh cãi. Nếu liệt kê đầy đủ thì có tới hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa, nhưng tựu trung có thể quy về hai nhóm chính. Quan niệm theo nghĩa hẹp coi văn hóa chỉ là những hoạt động liên quan đến đời sống tinh thần, những quan hệ xã hội và những sáng tạo giá trị nghệ thuật. Quan niệm theo nghĩa rộng coi văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và tuyên ngôn của UNESCO gần đây có thể xếp vào nhóm quan niệm thứ hai. Văn hóa là tất cả những sáng tạo hữu thức của một cộng đồng người vì mục đích tồn tại và phát triển, nghĩa là văn hóa cũng được quan niệm theo nghĩa rộng.
“Văn hóa là sản phẩm sáng tạo của con người nên luôn in đậm dấu ấn của chủ nhân. Chính vì vậy mà người ta thường nói văn hóa là căn cước để nhận diện một cộng đồng, một dân tộc. Nhưng, chính con người cũng là sản phẩm của môi trường và hoàn cảnh, của những tác động khách quan. Do đó, để tìm ra những đặc trưng văn hóa cần tìm hiểu những tác nhân này.
“Một đặc trưng nổi trội của văn hóa là giao lưu và tiếp biến, theo đó tác động qua lại và chịu ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hóa, tiếp nhận các giá trị văn hóa ngoại lai, biến đổi nó cho phù hợp và dần trở thành cái của mình, làm phong phú thêm vốn văn hóa của mình là hiện tượng có tính quy luật.
“Trong bốn thành tố đã nêu ở trên, toàn bộ những sáng tạo của một cộng đồng tạo nên thiết chế quyền lực, phương thức vận hành, những giá trị chi phối hoạt động chính trị, những mối quan hệ và ứng xử giữa con người với nhau trong quá trình chính trị có thể quy khái niệm văn hóa chính trị thuộc văn hóa quy phạm. Cũng như các sáng tạo văn hóa khác, văn hóa chính trị cũng chịu những tác động khách quan và chịu sự chi phối bởi những đặc trưng chung của văn hóa.
“Văn hóa chính trị như một thuật ngữ trong khoa học chính trị xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng giữa thế kỷ XX, gắn với tên tuổi hai học giả Hoa Kỳ là Gabriel Almond và Sidney Verba. Theo hai ông, văn hóa chính trị được hiểu như thái độ, cách thức ứng xử của một cộng đồng dân tộc (bao gồm cả chính giới và người dân) với quyền lực chính trị. Từ đó đến nay, cùng với sự phát triển đa dạng của khoa học chính trị, nội hàm của khái niệm văn hóa chính trị cũng được hiểu rất khác nhau, nên khó có thể dựa hẳn vào một định nghĩa nào. Hơn nữa, mặc dù các học giả phương Tây là những người đi tiên phong trong việc đưa ra khái niệm, nhưng xét về thực chất, văn hóa chính trị đã hình thành từ rất sớm và không phải chỉ có ở châu Âu.
“Cũng giống như quá trình sáng tạo văn hóa nói chung, một đặc điểm quan trọng của văn hóa chính trị là cùng với những yếu tố nội sinh - những yếu tố có cội nguồn bản địa, sinh ra từ cơ tầng văn hóa truyền thống, tạo nên tính đồng nhất cao trong văn hóa chính trị, luôn có những yếu tố ngoại lai nhưng được tiếp biến và có sức sống trong văn hóa bản địa hoặc những giá trị văn hóa bản địa bị biến đổi dưới tác động của chúng, được gọi là yếu tố ngoại sinh.
“Văn hóa chính trị Việt Nam không nằm ngoài những quy luật chung này của nhân loại”.
- Tuy nhiên, văn hóa chính trị Việt Nam chắc chắn có những yếu tố làm nên nét đặc sắc rất riêng biệt, thưa Giáo sư?
- Chuyên gia cao cấp Vũ Minh Giang: “Đúng vậy, ngoài những điểm chung, văn hóa chính trị chịu tác động của đặc trưng văn hóa riêng của từng dân tộc.  Chủ nhân của văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa đa dạng, phong phú - là một cộng đồng phức hợp về mặt nhân chủng bao gồm 54 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc Kinh (Việt) chiếm trên 91%. Nếu như các dân tộc trên đất Việt Nam là bức tranh thu nhỏ của bản đồ tộc người đa sắc mầu trên toàn khu vực Đông Nam Á và nam Trung Hoa thì người Kinh lại là sản phẩm kết tinh của sự giao hòa suốt mấy nghìn năm của các cộng đồng tộc người đó. Do đặc điểm này mà người Việt có một số ưu thế như sức sống bền bỉ dẻo dai, mẫn cảm với cái mới, năng lực sáng tạo rất dồi dào. Địa bàn sinh tụ của người Việt ở vào vùng nhiệt đới, gió mùa, nắng lắm, mưa nhiều lại tập trung theo mùa nên bão lũ thường xuyên xảy ra và đi kèm với nó là ẩm thấp, dịch bệnh... Môi trường sống là vùng đất giao thoa với những biến động thường xuyên đã đặt ra cho con người những thử thách hiểm nghèo. Khắc phục và thích ứng với hoàn cảnh đó, người Việt trải qua nhiều thế hệ đã được tôi rèn bản lĩnh và nhiều truyền thống đã hình thành. Những chuẩn mực xã hội và quy phạm đạo lý truyền thống đã có ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa chính trị Việt Nam.
“Đây là những yếu tố được hình thành trong một quá trình rất lâu dài của lịch sử. Những chuẩn mực hay quy phạm ngưng đọng lại, đã trở thành những giá trị được cả cộng đồng thừa nhận thì rất khó biến đổi, rất khó bị mất đi, thậm chí được coi là “trường tồn”. Vì vậy, nó có tác dụng rất lớn trong việc kiểm soát và điều chỉnh các hành vi của mỗi thành viên trong cộng đồng.
“Đối với người Việt, do đặc điểm của lịch sử, luôn luôn phải đối chọi với các thế lực ngoại bang để bảo tồn giống nòi. Những cuộc chiến tranh để giành và giữ độc lập dân tộc diễn ra khá thường xuyên nên thái độ đối với quyền lợi dân tộc là một chuẩn mực, một thước đo quan trọng của người Việt Nam. Trước đây, dưới thời phong kiến, trong dân chúng đã hình thành một nguyên tắc ứng xử rất tự nhiên: "Sinh vi danh tướng, tử vi thần". Có nghĩa là tất cả những ai có công lao đánh giặc giữ nước, lúc qua đời được nhân dân tôn thờ là thần linh.
“Kế thừa những chuẩn mực xã hội mang tính truyền thống, trong giai đoạn cách mạng hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu khẩu hiệu nổi tiếng: "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Khẩu hiệu đó đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân Việt Nam nên đã có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn. Vì đây là một giá trị tinh thần được cả xã hội đề cao, nên qua năm tháng nó trở thành một quy phạm đạo lý chính trị của người Việt Nam.
“Sống trong môi trường của quan hệ làng xã suốt mấy nghìn năm, người Việt Nam ưa trợ giúp nhau. Dần dần những tập quán ứng xử đó cũng trở thành đạo lý, thành chuẩn mực để xét đoán. Để tồn tại và phát triển đến ngày nay, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua những thử thách vô cùng hiểm nghèo. Vũ khí mạnh mẽ nhất giúp dân tộc Việt Nam thành công trước những thử thách đó là đoàn kết dân tộc. Do đó, đoàn kết thống nhất là một chuẩn mực của đạo lý Việt Nam. Để duy trì khối đoàn kết thống nhất, người Việt Nam có một chuẩn mực xã hội truyền thống là quyền lợi cá nhân phải phục tùng quyền lợi của cộng đồng, quyền lợi của các cộng đồng nhỏ phải phục tùng quyền lợi của cộng đồng lớn, quyền lợi của cả dân tộc.
“Nói đến văn hóa chính trị không thể không kể đến tập quán chính trị của cư dân. Đây là một nội dung quan trọng của truyền thống chính trị. Nó phản ánh lối ứng xử truyền thống của cư dân với chính quyền.
“Qua tổng kết của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, có thể nêu một số biểu hiện về tập quán chính trị của người Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam là một dân tộc không sùng tín. Do đó trong lịch sử không có hệ tư tưởng tôn giáo nào hoặc những học thuyết cai trị nào khiến cho người Việt sùng bái đến mức cực đoan hoặc làm mê muội họ.
“Thứ hai, người Việt Nam có mẫn cảm về chính trị và dễ can dự các công việc chính trị.
“Thứ ba, Việt Nam là một dân tộc không cam chịu, bất khuất.
“Do hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt, người Việt đã từng bị cai trị trong thời gian quá dài bởi các chính quyền đô hộ ngoại bang nên có một tập quán lấy tiêu chí dân tộc (vì lợi ích dân tộc hay phản lại lợi ích đó) để phân biệt chính quyền. Nếu là chính quyền vì lợi ích của dân tộc thì đây là quan hệ hòa đồng. Nhưng khi chính quyền là của ngoại bang thì dân hoàn toàn đối lập lại chính quyền.
“Trong văn hóa chính trị, uy tín chính trị là một nhân tố quan trọng. Đó là một trong những hình thức biểu hiện của quyền lực, nhưng mặt khác nó lại là ảnh hưởng được thừa nhận rộng rãi bởi quần chúng của cá nhân hay tổ chức trên phương diện chính trị. Cho nên vấn đề uy tín chính trị phụ thuộc rất nhiều vào quan niệm truyền thống của cộng đồng cư dân. Thông thường ở bất cứ đâu, uy tín đều được xây dựng trên cơ sở của các giá trị tri thức-kinh nghiệm, đạo đức-phẩm chất, tài năng và mức độ cống hiến nó.
“Tính cách dân tộc, hay nói cách khác là quan niệm truyền thống thường chi phối cách nhìn nhận về đạo đức phẩm chất và tính chất của sự cống hiến.
“Đối với người Việt, ngoài những chuẩn mực chung, một cá nhân hay một tổ chức muốn có uy tín chính trị phải thể hiện được lòng yêu nước cao độ, phải hòa đồng gần gũi với dân chúng. Với riêng cá nhân thì phải biết hy sinh cá nhân và đem tài năng phụng sự dân tộc. Do đặc điểm của một nước nông nghiệp, vốn có truyền thống trọng kinh nghiệm hơn trọng tài năng, nên tuổi tác cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên uy tín.
“Bên cạnh những yếu tố nội sinh, trong văn hóa chính trị còn phải kể đến tư tưởng chính trị, các học thuyết cai trị và các giáo lý tôn giáo được du nhập vào nước ta qua các thời kỳ lịch sử, đã từng có vai trò thống trị trong quá khứ. Những yếu tố này thậm chí còn tiếp tục tác động đến thiết chế chính trị hiện đại.
“Ở nước ta, bệ đỡ tư tưởng cho các hệ thống chính trị đã từng tồn tại trong lịch sử bao gồm những học thuyết, những tư tưởng chính trị-tôn giáo có nguồn gốc ngoại lai như Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo.
“Tuy nhiên, một đặc điểm rất nổi bật trong văn hóa chính trị Việt Nam là những tư tưởng và học thuyết ngoại lai chỉ có sức sống khi nhập thân vào dân tộc, hòa đồng với những tư tưởng, đạo lý chính trị bản địa, tuy không được hình thức hóa bằng các học thuyết, chủ nghĩa nhưng luôn là cốt lõi cho bệ đỡ tư tưởng chính trị. Thậm chí, nó còn là nhân tố chi phối buộc các học thuyết và hệ tư tưởng ngoại lai phải thay hình đổi dạng để phù hợp với đặc điểm dân tộc. Đó là chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc và truyền thống nhân ái, hòa đồng mang tính chất làng xã.
“Mặt khác, trải qua một thời gian dài, thích nghi, biến đổi, Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo và các giá trị văn hóa tiếp nhận khác cũng đã trở thành một bộ phận của văn hóanói chung và văn hóa chính trị Việt Nam nói riêng”.
- Thưa Giáo sư, đề nghị ông cho biết văn hóa chính trị thể hiện trong sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào?
- Chuyên gia cao cấp Vũ Minh Giang: “Chủ nghĩa cộng sản và những chính đảng hoạt động vì lý tưởng cộng sản xuất hiện trước tiên ở châu Âu, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lại là một sản phẩm của văn hóa chính trị Việt Nam.
“Trước hết, tính chất dân tộc, thái độ đối với vận mệnh dân tộc là một đặc điểm quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất của văn hóa chính trị. Cuối thế kỷ 19, độc lập, chủ quyền của Việt Nam rơi vào tay thực dân Pháp. Nhiều thế hệ các nhà yêu nước đã tìm đường cứu nước, nhiều phương sách chính trị đã được áp dụng để đất nước thoát khỏi ách thực dân. Nhưng chỉ có Đảng Cộng sản là tổ chức chính trị duy nhất làm được điều đó. Sự ra đời của Đảng Cộng sản gắn liền với tài năng, công lao và phong cách của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
“Có thể nói rằng, vào cuối thế kỷ 19, truyền thống Việt Nam, văn hóa Việt Nam, bao gồm cả văn hóa chính trị kết tinh trong một con người. Đó là Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Năm 1911, Người quyết định xuất dương với một một mục tiêu duy nhất: tìm đường cứu nước. Nhân tố quyết định đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lê nin là học thuyết này đứng về phía các dân tộc thuộc địa, bị áp bức bởi các thế lực đế quốc, thực dân.
“Trong tác phẩm xuất bản gần đây, W.S.Turley, Giáo sư khoa học chính trị của Đại học Harvard đã nhận xét: "So với các chế độ cộng sản cũng đang cải cách khác, Việt Nam có được những lợi thế chính trị quan trọng. Lên nắm quyền qua chiến tranh và cách mạng... Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu một hệ thống chính trị nhất thể, với một quyền lực và tính hợp pháp không bị ai thách thức... Ban lãnh đạo của Đảng nằm trong số ổn định và thật sự nhất trí nhất trong thế giới cộng sản, và đảng viên của Đảng bao gồm một phần lớn những người tận tụy và yêu nước nhất ở Việt Nam”. Kết luận của Giáo sư W.S.Turley được rút ra từ sự nghiên cứu một cách khách quan lịch sử hệ thống chính trị Việt Nam.
“Ngay từ khi mới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy tụ xung quanh mình tất cả các lực lượng yêu nước và nhanh chóng giành quyền lãnh đạo toàn bộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa Đảng Cộng sản Việt Nam lên vị trí của một Đảng cầm quyền như một tất yếu lịch sử. Chính quyền cách mạng mới được xây dựng là thành quả của cả dân tộc và phải đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ các chiến sĩ cách mạng, trong đó phần lớn là các đảng viên cộng sản.
“Mục tiêu cách mạng của Đảng Cộng sản không chỉ dừng lại ở việc giành và nắm chính quyền, mà là bằng chính quyền đó sẽ xây dựng thành công một nước Việt Nam giàu mạnh với một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, nhân dân được sống trong ấm no và hạnh phúc. Lý tưởng đó phù hợp với nguyện vọng của tuyệt đại bộ phận dân tộc. Vì vậy, vị trí lãnh đạo của Đảng là phù hợp với quy luật vận động của lịch sử Việt Nam không chỉ trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc mà trong cả thời kỳ xây dựng đất nước.
“Tuy nhiên, là sản phẩm của văn hóa chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải khắc phục những mặt hạn chế vốn có của căn tính nông dân ở một nền văn hóa nông nghiệp với ảnh hưởng khá sâu nặng của văn hóa làng xã... và cần liên tục được hoàn thiện. Nhưng dù thế nào thì điều quan trọng nhất có thể thấy từ tiếp cận văn hóa là tính bền vững của Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Nhập thân vào dân tộc, khai thác tối đa những mặt ưu trội của văn hóa chính trị Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ trường tồn cùng dân tộc”.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Phương Liênthực hiện/chinhphu.vn/Infonet 
                                       (Đầu đề của BVB)
---------------

21 nhận xét:

  1. Ai muốn đảm nhiệm lãnh đạo các nước văn minh, 1 trong các kỹ năng là phải biết hùng biện, phát biểu không cần đọc giấy. Nếu không, bị loại ngay từ vòng gửi xe!
    Phái đoàn CSVN qua Áo, được mời dự buổi hòa nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Vienna. Trong một bản nhạc của Mozart, có một khoảng lặng khá dài, nhưng không phải là kết thúc. Đến lúc đó, đoàn VN vỗ tay nhặng xị! Làm các ông Tây bà Đầm trố mắt!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một ông Quan cộng sản trúng quả , lên voi trong thời kỳ đổi mới , quyết định ăn chơi cho giống các đồng nghiệp để đỡ bị chê là " quê " . Ông phi lên tỉnh , vào cửa hàng thời trang sắm đồ ăn diện , nhân viên cửa hàng thấy ông đứng rất lâu trước các mẫu thời trang bèn tiến tới chào và chỉ vào Manơcanh : Kiểu này bác có thích không ? ông lắc đầu , thế kiểu này ? ông lắc đầu , nhân viên bèn quảng cáo : Cửa hàng này No 1 Thành phố mà không có kiểu nào vừa ý bác , xin bác cho ý kiến ? quần áo thì được nhưng mấy kiểu này đều . . . chân đất nên không hợp ý tôi .

      Xóa
    2. Một bố quan Cộng xem xong buổi hòa nhạc giao hưởng ở London, được hỏi nhận xét. Bố ta lắc đầu: "Chả hiểu gì cả. Nghe không giống mấy bài thôi thúc ra chiến trường của ta. À, bọn nhạc công tư bản không có tinh thần tự giác cách mạng. Đấy, cái thằng đánh cái trống to tổ bố, khi nào lão nhạc trưởng dùng đũa chỉ vào mặt nó, nó mới chịu đánh. Lười thế!"?

      Xóa
  2. Những kẻ mà nói năng còn không ra hồn ra dáng (nói hươu nói vuợn; nói nhăng nói cuội - talk through one's hat; tell fish stories), làm sao làm được việc nhỏ nào chứ?!

    Trả lờiXóa
  3. Sáo rỗng và chung chung! Vậy thử hỏi GS lợi ích cá nhân phải phục vụ lợi ích cộng đồng hiện có đúng không?GS hãy đọc trên trang "Chân dung quyền lực"thì rõ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quá đúng!
      Bác Bồng ơi ? Hai Dê viết quá đúng về bài của Vũ Minh Giang rõ ràng là "Sáo rỗng và chung chung". Đúng là "ní nẽ" (lí lẽ) minh họa và trang trí cho có màu mè, gán gép "đầu ngô, mình sở". Chẳng khác chi, thêm đuôi "văn hóa" vào "chính trị".
      Nhác đọc, thấy tiêu đề bài viết rất kêu "Thiếu Văn hóa-chính trị' (!?) nhưng đọc hết bài mới ngộ ra,GS. TSKH, Chuyên gia cao cấp Vũ Minh Giang đưa ra một số khái niệm hổ lốn văn hóa không ra văn hóa và chính trị cũng không rõ chính trị. Xã hội Việt Nam hiện tại vui thiệt, không chấp nhận đa nguyên và đa đảng, nhưng tự nhận là mình sáng tạo về kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN, về văn hóa dân tộc có thêm văn hóa phong bì, văn hóa tham nhũng, văn hóa tấm cám, văn hóa đảng, văn hóa chính trị, văn hóa bia hơi.....Dân tôi thật hết biết nói, văn hóa là cái chi chi đây (!)?. Thiệt lòng, xin vái lạy các nhà "ní nuận" và GS. TSKH, Chuyên gia cao cấp Vũ Minh Giang hãy trả lại đúng ngôn, đúng nghĩa văn hóa là văn hóa, chính trị là chính trị, chuyên môn là chuyên môn; đừng gắn chính trị áp đảo và thống trị văn hóa và chuyên môn.
      Chỉ như thế, Việt Nam mới có những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp tài giỏi và các nhà chuyên môn chuyên sâu và sáng tạo.
      Thế nhé. Bác Hai Dê và bác Bồng...!

      Xóa
    2. Với HoangGia: Văn hóa đối ngoại, Văn hóa chính khách, Van hóa chối tội, Văn hóa tham nhũng, Văn hóa dự án, Văn hóa nhóm lợi ích, Văn hóa khai khống, Văn hóa bớt xén, văn hóa chụp giật, Văn hóa chạy chức, Văn hóa từ chức, Văn hóa hách dịch, Văn hóa Mắc-ke-nô, Văn hóa thê thiếp...

      Xóa
    3. Chà !
      Quan bác Mạnh Hùng quá siêu. Rút thẻ một cái Quan Bác lôi ra từ trong xã hội (XHCN) thêm vào cụm từ "văn hóa" hơn 14 cái đuôi khai niệm mới.
      Bái phục Quan Bác. HoangGia tôi sẽ "nối thêm" vào khái niệm văn hóa 14 thứ có hơn đó cho "xôm trò" chữ nghĩa Việt Nam thời CNH & HĐH mới vận dụng "ní nuận" tối kiến ra.
      Lý thú quá ta ?????

      Xóa
  4. Vũ Minh Giang,chứ không phải Vũ Minh Khương.
    Mới đầu tôi đọc vì tưởng lầm nhưng đọc xong thì
    biết ông này chỉ biết VUỐT ĐUÔI,tức xu nịnh !

    Trả lờiXóa
  5. Văn hóa chính trị là phải chấp nhận trò chơi đa nguyên, đa phương.

    Thích cái tiêu đề đầu bài còn ông chuyên gia cao cấp Vũ Minh Giang nói cũng giống như ĐCSVN nói thôi. Cuối cùng cũng chỉ là độc tài lãnh đạo.

    Trả lờiXóa
  6. “Sống trong môi trường của quan hệ làng xã suốt mấy nghìn năm, người Việt Nam ưa trợ giúp nhau. Dần dần những tập quán ứng xử đó cũng trở thành đạo lý, thành chuẩn mực để xét đoán. Để tồn tại và phát triển đến ngày nay, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua những thử thách vô cùng hiểm nghèo."
    Ấy thế mà trong cuộc "cải cách ruộng đất", người ta đã can tâm phá tan cái truyền thống tốt đẹp ấy, con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng, trò đấu tố thầy, tớ đấu tố chủ, hàng xóm đấu tố lẫn nhau. Sau cơn giông bảo " trời long đất lở" ấy, cái gọi là nền "văn hoá chính trị" ở những vùng thôn quê đã bị đấu tố chỉ còn là một nền văn hoá nghi kị và rình rập, đến độ muốn ăn một con gà cũng phải rúc vào trong buồng, vì sợ người khác báo cáo.
    70 năm "đời ta có đảng" dân đã sợ chết mẹ rồi, " trường tồn cùng dân tộc" thì dân tộc nầy có nước húp cháo !
    Thôi chúng tôi lạy ông !

    Trả lờiXóa
  7. Đọc xong mình càng thấy mình ngu trước những ý nghĩa của Văn hoá chính trị . Nguỵ biện , gán ghép bừa . Chẳng khác nào lấy râu ông nọ , cắm cầm bà kia .

    Văn hoá chẳng thể kết hợp cùng chính trị để gọi là văn hoá chính trị . Văn hoá có xấu , có tốt . Xấu thì phải bỏ , tốt thì phát huy truyền tụng .

    Văn hoá chính trị , thị trường văn hoá , công nghệ văn hoá , những từ này mới được sáng chế . Nghe mà ngứa lỗ tai , gọi chung là nền văn hoá sáng chế của cs vn 2015 . Mình nghỉ chắc do ông TBT Trọng mới phát minh , nên được bầy tôi như Chuyên gia cao Vũ minh Giang trát thêm chút vàng cho dể ngưởi .

    Gọi văn hoá thời csvn cho dể hiểu , đương nhiên nó thể hiện từ năm 1930 cho tới hôm nay . Nó từng phỉ nhổ mọi tôn giáo , phỉ nhổ chôn vùi Khổng Mạnh . Hôm nay lại nói , nó là bệ đỡ cho chế độ xa xưa , nhưng trước mắt nó là gì ? Nó có bằng được Đảng giáo ? Văn hoá chính trị được Vũ minh Giang trát vàng chính là Đảng Giáo . Văn hoá chính trị chẳng khác chi giáo lý của Đảng mà các Đảng viên phải tâm niệm nằm lòng . Nó thiên hình vạn trạng , thay đổi như ma quỷ . Hôm nay đốt chùa , ngày mai cần thiết thì dựng chùa . Hôm nay đốt sách Khổng mạnh , giết học trò Khổng Mạnh , ngày mai lại dựng tượng tôn thờ Khổng Mạnh ?

    Như vậy cái Đảng giáo hôm nay nhằm mục đích gì ? Căn bản giáo lý là gì ? Văn hoá như thế nào ? Chính trị ra làm sao ?

    Tất cả chỉ tóm gọn trong từ BỊp Bợm của kẻ cờ bạc . Đảng làm cái và nhân dân vn là con bạc .

    Những Đảng viên cs 1930 của thời Việt Minh yêu nước còn biết sợ nhà cái Đảng giáo cho dù đã gia nhập . Phải biết tung hô theo Đảng , phải biết bịp cùng Đảng trong chiêu dụ Yêu nước và Dân Tộc . Ván bài đánh đuổi Thực Dân với những bộ mặt Việt Minh , Giải phóng Quân , Thống nhất đất nước chỉ là những con bài gian lận . Mặt chính là chiến thắng thuộc về Đảng , tài nguyên nhân lực con người , tài sản đất nước , tất cả đều thuộc về Đảng .

    Hôm nay Đảng trên hết , văn hoá Đảng duy ngã độc tôn chẳng cần cs ( vì cs đã lỗi thời ) , cúng chẳng cần Tư bản ( vì tư bản là tự do , dân chủ sẽ tiêu diệt độc tài Đảng trị ) . Đảng muốn nói gì cũng được và Đảng viên bịp cùng nhau tung hô , dân biết lừa đành chịu chết .

    Canh bạc bịp hôm nay của Đảng bày ra là Nền kinh tế thị trường Định hướng XHCN ! Chẳng khác gì chơi bài ba lá , chính ĐẢNG viên cs đứng chung nhà cái Đảng giáo cũng chẳng hiểu gì , còn nhân dân việt thì phải đặt vào đây tất cả tài sản kể cả sinh mệnh ?

    Đây chính là văn hoá chính trị mà Đảng đề xướng , ông TBT Trọng đẻ ra ngôn từ mới cho canh bạc , cho dân đen mờ mắt , đọc xong nghỉ nát óc chẳng hiểu gì .

    Tóm lại chính văn hoá Đảng là văn hoá chính trị ngu dân , ngu dân cho dễ trị , dể bịp , dể làm cái , dể lãnh đạo .

    Viết xong những suy nghỉ trên mà nghe đâu đây có tiếng kẻng , tiềng loa phóng thanh , thúc dục gọi đi họp xóm , họp phường , họp hợp tác xã , họp phê bình kiểm điểm ..còn vang vọng của một thời . Giật mình thấy cả một tập thể lãnh đạo nhà lầu , xe hơi , áo quần bảnh bao sang trọng , tiền bạc rủng rỉnh như nước , lực lượng bảo vệ hùng dũng , thì ra Đảng giáo đã gặp thời vận tốt . Nhìn lại mình , khác chi kẻ tật nguyện câm điếc , thua bạc trắng tay .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lời của bác cũng là tâm sự của phần lớn người dân và lớp cán bộ đảng viên từng bị đảng lừa mấy chục năm nay, bây giờ nhận ra thì đã quá muộn.
      đau xót thay cho dân tộc VN bị cái đảng lưu manh lừa bịp thống trị.

      Xóa
  8. Bài viết rất lan man, lắp ghép tri thức , xa rời thực tế , né tránh sự thật và chỉ để người viết được an toàn trong vỏ bọc văn hóa tùng quyền phong kiến của đạo Khổng giáo. Nhưng tác giả vẫn chưa nêu được hoặc khái quát được đặc trưng Văn hóa chính trị của VN hiện na, do ĐCSVN cầm quyền. Nếu khái niệm VH chính trị là : " thái độ, cách thức ứng xử của một cộng đồng dân tộc (bao gồm cả chính giới và người dân) với quyền lực chính trị. "thì VH chính trị VN là sự xuống cấp , đánh mất phần lớn truyền thống VH tốt đẹp của dân tộc.ĐCSVN nắm quyền lực , không thế lực chính trị nào chi phối nên trở thành độc đoán chuyên quyền, tồn tại trên HP và ngoài LP. Quyền lực mà giới chính trị VN nắm quyền lâu ngày , nay đã biến thành những kẻ ngạo mạn, coi thường PL, công lý và coi thường Nhân dân. Quyền lực của chính quyền nhân dân đã biến thành quyền lực của nhóm người cầm quyền, bọn này ngày càng tha hóa, tham lam, tàn bạo và sống cuộc đời truy lạc, hưởng thụ , vô đạo đức và đạo đức giả, dối trá, lừa mỵ nhân dân hiền lành cả tin . Tổ chức ĐCSN , đường lối chính trị và tầng lớp quan chức của nó đã thành vật cản, trì kéo sự phát triển, văn minh của dân tộc. Dù ngụy biện , biến báo, tráo trở man trá kiểu gì, mức nào, nhưng sự thật đó sẽ phá bỏ tất cả lớp ngụy trang như kiểu tư duy và lý kluaanj của ông GS Giang này.

    Trả lờiXóa
  9. Đọc ông Gíao Sư Tiến Sĩ Khoa Học, Chuyên gia cao cấp Vũ Minh Giang mới thấy nể dư lợn viên . Nếu Giáo Sư Tiến Sĩ, Chuyên gia cao cấp mà nói năng kiểu này, dư lợn viên giá chót cũng thuộc loại hàn lâm viện sĩ khoa học, 5-7 bằng Tiến Sĩ dắt lưng .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều ông Giáo sư , Tiến sĩ có ăn có học , vậy mà các ông lại chuyển sang làm nghề bóp méo lịch sử để kiếm cơm , thật tội nghiệp và đáng thương ! Chính vì thế mà chúng ta gọi là thời " đổi mới " .

      Xóa
  10. Mao đẻ ra đcsvn và dùng nó làm công cụ xâm chiếm vn.Đvcs chỉ là công cụ cam tâm làm tay sai cho Tầu ,hoặc bị lừa ,tất nhiên cũng đượchuwowngr chút lộc

    Trả lờiXóa
  11. "Chuyên gia cao cấp"? - Giống "keo bẫy chuột công nghệ hiện đại"?

    Trả lờiXóa
  12. Côn an Thái bình đã giở thói côn đồ để chống người đấu tranh cho tự do dân chủ ở VN như thế nào: ĐÀN ÁP NHỮNG NGƯỜI NỔI TIẾNG ĐẾN THĂM NGƯỜI MỚI RA TÙ CỰU TRUNG TẤ TRẦN ANH KIM
    http://danlambaovn.blogspot.com/2015/01/thai-binh-ca-cong-san-ien-cuong-anh-ap.html

    Trả lờiXóa
  13. Dài dòng , lan man , nói như chưa bao giờ được nói ……. Là cảm nhận chung về bài trả lời của ông Vũ Minh Giang . Nếu chấm điểm , bài này sẽ có điểm rất thấp .Vì nó không sát thực tế . Các câu trả lời đều không đúng trọng tâm , ê a .

    Có thể ông VMG được phong GS vì ông ấy biết cách làm rối mọi vấn đề . Biến không thành có , đơn giản thành cực kỳ phức tạp , sau đó khuấy tung cho bụi mù lên . Chắc chắn người bình thường không thể biết tới thứ “ Nghệ Thuật “ cao siêu này - Đó là việc của các GS như ông Giang .

    Không biết người trả lời đã nhận được bao nhiêu tiền thù lao cho bài phỏng vấn , nhưng quả thật ông ta đã đưa người đọc ( kể cả người phỏng vấn ) vào một thứ ma trận cực kỳ rối rắm , với những lý luận đối nghịch , bất chấp đúng sai , bất chấp vấn đề có tồn tại hay không tồn tại : “văn hóa chính trị “ , “ tập quán chính trị “ , “truyền thống chính trị “ , “ bệ đỡ tư tưởng chính trị “ ………..

    Lại còn hô khẩu hiệu đanh thép nữa chứ : “ Nhập thân vào dân tộc, khai thác tối đa những mặt ưu trội của văn hóa chính trị Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ trường tồn cùng dân tộc ”.

    Nhiều chữ lắm , “ Quan điểm “ lắm , nói “ Tài “ lắm , nhưng đất nước chưa làm nổi con ốc vít cho ra hồn , người mẹ phải thắt cổ chết vì không có tiền đóng học phí cho con , trẻ con phải đu dây qua sông , bắt nhái để ăn ……..thì cũng đáng suy nghĩ lắm thưa ông GS , TSKH , chuyên gia cao cấp . Lý luận dài dòng nào có ích gì , khi trái ngược với thực tế
    .

    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
  14. Chuyên gia dở hơi như Vũ Minh Giang ở VN hiện nay nhiều vô kể.
    Chúng chỉ ăn theo, nói leo chẳng giúp ích được gì cho dân cho nước cả

    Trả lờiXóa