Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Thay đổi tư duy cho thu và chi


Phá vỡ “quy luật ngầm” trong ngân sách, tiêu cho kỳ hết để năm sau được tăng phân bổ.
Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng là đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, ông Trương Trọng Nghĩa, nêu lên quy luật ngầm trong ngân sách cùng nhận định: Chúng ta đang cố gắng siết kỷ luật ngân sách. Nhưng thực tế, có nhiều cách làm tăng nhu cầu ngân sách mà Quốc hội khó kiểm soát được.
“Ví dụ, hàng năm số lượng các đơn vị hành chính tăng lên. Có cử tri cung cấp cho tôi thông tin là chúng ta tăng lên mấy chục huyện, từ mấy chục huyện chúng ta sẽ tăng lên mấy chục phường, xã. Tăng số lượng đơn vị hành chính như vậy, ngân sách bắt buộc phải đáp ứng nhu cầu tăng. Hay có các bộ, ngành, địa phương cứ xây dựng các dự án đến năm 2020, 2030 cần đến 50 tỷ USD, 70 tỷ USD... mà chúng ta cũng không kiểm soát được”, ông Nghĩa dẫn chứng.
Cố tiêu tiền bằng hết
Phân tích về quy luật ngầm trong ngân sách, Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam nói: Hiện nay, có một tâm lý là năm sau phải chi tiêu cao hơn năm trước, tức là nếu năm nay anh tiêu 100 đồng thì năm sau anh xin 110 đồng, tăng 10% là hợp lý. Bởi vì, nếu chỉ tiêu có 80 đồng, thì năm sau chỉ được cấp phát 88 đồng thôi. Do đó, người ta phải tiêu cho hết 100 đồng để năm sau tăng lên 110 đồng. “Tôi không biết nên gọi đây là quy luật ngầm hay là thói quen về ngân sách, phải tiêu cho bằng hết ngân sách được giao, từ đó lãng phí rất nhiều”, ông nói.
Theo ông Nghĩa, nếu phá vỡ được quy luật ngầm này tức là siết được một cách có hiệu quả về kỷ luật ngân sách. Không có một Nhà nước nào, kể cả những nước phát triển có thể nói rằng ngân sách luôn luôn đủ nhu cầu. Cho nên, nhu cầu quá cao, ngân sách quá thấp không phải là một lý do chính đáng để hàng năm có thể tăng việc cấp phát ngân sách.
Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) sau nhiều lần lỡ hẹn đã lần đầu tiên đưa ra xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm ngoái. Đây là dự luật hứa hẹn sẽ tạo được bước chuyển biến đáng kể trong kỷ luật ngân sách. Tuy nhiên, khi tiếp cận dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn tỏ ra khá tâm tư về tính đột phá của nó, khi còn khá nhiều điểm quy định còn quá mơ hồ.
Như phân tích của Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ông Trần Đình Long, về phạm vi thu, chi ngân sách. Ông Long cho rằng, phải xác định rõ các khoản phí nào được thu từ hoạt động dịch vụ của cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công là nguồn thu ngân sách và phải nộp ngân sách; hay các khoản phí nào không thuộc nguồn thu của ngân sách. Bởi vì, theo Hiến pháp thì việc thu, chi ngân sách phải được dự toán và phải tuân thủ theo luật định. Với việc phân bổ, việc khoán chi như các quy định trong dự thảo Luật có thể được hiểu là phân bổ trước khi Quốc hội phê chuẩn. Như vậy là chưa chặt chẽ, vì thực tế hiện nay có nhiều khoản ghi thu, ghi chi và quản lý qua ngân sách chưa kiểm soát được.
Hay trong nhiệm vụ chi, ông Long nhấn mạnh: “Chúng ta thường nghe báo cáo là tất cả đều đưa vào nhóm quy định chung là chi thường xuyên. Quy định như vậy là không rõ ràng, chi cho phát triển kinh tế - xã hội như thế nào, chi an ninh quốc phòng ra sao, chi cho sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục cụ thể thế nào... phải nói rõ. Nếu không, chúng ta cứ cho rằng 70% tổng chi ngân sách là chi thường xuyên và không biết chi thường xuyên đó là những vấn đề gì”.
Cần thu hẹp các quỹ
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, ông Trần Văn Tấn, thì thấy không ổn khi dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) vẫn mang tính lồng ghép giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách địa phương lại bao gồm ngân sách của đơn vị hành chính các cấp. Tức là, Quốc hội quyết định ngân sách Nhà nước bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Sau đó, HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lại quyết định ngân sách địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách do Quốc hội quyết định và Thủ tướng Chính phủ quyết định giao ngân sách Nhà nước. Việc lồng ghép ngân sách Nhà nước dễ dẫn đến sự trùng lắp về thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cấp.
Chỉ ra điểm chưa hợp lý trong thu, chi ngân sách là phần thu ngân sách Nhà nước chỉ đề cập đến các khoản thuế, phí, lệ phí, không đề cập đến khoản thu vay mà ngân sách vẫn phải chi trả nợ, ông Lê Văn Tân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội thể hiện nỗi lo trước thực tế, một số DN không trả được nợ nên Chính phủ phải trả nợ thay. Khoản vay trong nước như trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội kiểm soát. Còn lại, các khoản vay của nước ngoài, khoản Chính phủ vay để cho vay lại, khoản Chính phủ bảo lãnh vay chưa được Quốc hội kiểm soát ngay từ đầu. Điều đó cho thấy, Quốc hội chưa kiểm soát một cách tổng thể toàn bộ các khoản thu của Nhà nước.
Mặt khác, theo ông Tân, Quốc hội cần tăng cường giám sát đối với phần thu ngân sách được đưa vào các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước. Hiện nay, có nhiều khoản thu ngân sách được tách ra để đưa vào các quỹ tài chính này, khiến nguồn lực ngân sách bị phân tán. Trong khi đó, các quỹ này lại chủ yếu hoạt động theo điều lệ, không chịu sự kiểm soát của Nhà nước; một số trường hợp còn sử dụng quỹ không đúng mục tiêu, không có hiệu quả. Cần phải có quy định để thu hẹp dần các quỹ này và hàng năm, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động của các quỹ này.
                Đoàn Trần/Thời báo ngân hàng
------------

3 nhận xét:

  1. "theo Hiến pháp thì việc thu, chi ngân sách phải được dự toán và phải tuân thủ theo luật định."

    Làm lại luật và sửa/bổ xung Hiến pháp . Thay vì cứ vài năm mới làm Hiến pháp 1 lần, ta có thể vài tháng bổ xung Hiến pháp 1 lần, và sửa Hiến pháp hàng năm . Luật thì cứ vài tuần lại đem ra xào xáo . Nhanh thôi mà . Quyền lực trong tay ta, làm gì mà chả được .

    Trả lờiXóa
  2. Cố tiêu tiền bằng hết?!
    Nhưng là tiền vay bạc mượn đấy các đồng chí ạ!
    Đừng khôn lỏi, ngu lớn nữa!

    Trả lờiXóa
  3. Thu nhu the la du roi cac bo a. Ti le thu tu thue chiem hon 38% ngan sach thuoc loai cao nhat the gioi roi. Cac bo ma tu duy nua thi chet me thang dan vi ngoai thue con du loai phi cong khai va phi ngam dang de len cuoc song hang ngay cua nguoi dan. Chi co chi la tac dong den quyen loi cua lanh dao nen cac bo se cha tu duy duoc cai gi hay ho dau

    Trả lờiXóa