Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

ĐẮNG LÒNG MIẾNG BÁNH SÊU

 * Ghi chép MINH DIỆN
              - Mời bác ăn  bánh sêu cháu Kim Hoa!
(Ảnh minh họa)
               Chị Hợi vừa cắt bánh vừa đon đả mời tôi. Khuôn mặt chị tươi   rói lên. Có điều chị đánh khá đậm son phấn, nên nhìn như mặt giả. Mới cuối năm ngoái tôi về quê, sang thăm chị, thấy chị vẫn giữ nét chân quê. Vậy mà năm nay đã khác hẳn. Cái áo ấm cổ lông chồn giả bó lấy thân hình đẫy đà, chiếc vòng  ngọc thạch giả ôm lấy cổ tay và cái mặt trát dày son phấn. Nhìn chị hệt như chiếc bánh chưng gói bằng lá dong nhựa, buộc  lạt ni lông xanh đỏ. Chị cắt bánh mời tôi, và khoe:
             - Cháu nó đi hẳn hai chục bánh bác ạ! Em biếu khắp làng! Ai cũng khen ngon…
            “Cháu nó” tức con rể chị Hợi họ Hứa, người Trung Quốc, sang Việt Nam làm ăn, có trại chăn nuôi gia súc và chế biến thực phẩm ở  khu kinh tế mở của tỉnh. Nghe nói vợ Hứa đã  già, lại không sinh được cho Hứa  đứa con trai nối dõi  nên hắn ly dị,  lấy vợ khác. Cháu Kim Hoa con chị  Hợi  làm nhân viên văn phòng  công ty của Hứa , được Hứa  chọn  làm vợ mới.  Lúc đầu chị  Hợi chối đây đẩy,  vì Kim Hoa mới hai mươi tuổi trong khi  Hứa đã ngoài sáu mươi .  Nhưng sau khi Hứa  cho chiếc  áo lông chồn, mấy hộp phấn son và hứa cho Kim Hoa làm chủ trại chăn nuôi,  thì chị Hợi  cười tít mắt gật đầu lia lịa.
           Chị Hợi khen con rể:
           - Tuy lớn  tuổi nhưng cháu nó trẻ như mới ngoài ba mươi ! Đứng bên Kim Hoa xứng đôi  lắm!
            Như để chứng minh cho sự xứng đôi vừa lứa ấy,chị Hợi đưa mấy  tấm hình  chụp hôm đi sêu cho tôi xem.  Chú rể  mặc áo véc trắng,quần tây xanh,  thắt cà vạt  tím,  cô dâu mặc áo sườn xám vàng, choàng khăn hồng, chân đi hài  như cặp hình nhân cúng cô hồn.  Nhìn khuôn mặt tú hụ của Hứa,  nghèo trí tưởng tượng như tôi cũng  nghĩ ngay đến một trái bí ngô già .   Hai gò má  Hứa nhô lên   tranh vị trí cao thấp với cái mũi và cái trán dô, hai mu mắt  hùm hụp , cặp môi dày vêu ra  và cái cằm bạnh như chiếc thớt.  Tương phản với trái bí ngô già lồi lõm  ấy là  khuôn mặt nhỏ nhắn  như trái táo  của Kim Hoa. Con bé đứng chưa đến nách Hứa  nên nó phải cố ngển chân lên cho Hứa  cúi gằm xuống hôn vào cái má có lúm đồng tiền nhẵn nhụi.  
             Tôi  trả chị Hợi những tấm hình chị Hợi và khen lấy lệ:
             - Sang trọng nhỉ!
             Chị Hợi  vênh mặt lên:
             - Cháu nó là chủ  hai nhà máy mà lại!
             Chị Hợi  tỏ ra mình có quyền sai khiến con rể:
             - Giàu sang thế nhưng em bảo gì cháu  cũng  nghe. Em bảo gói  hai chục bánh sêu , nó đi đúng hai chục  bác ạ!
              Chị Hợi quên khuấy họ Hứa hơn mình ba bốn tuổi, cứ một điều cháu nó hai điều cháu nó mà không hề biết ngượng. Chị đưa miếng bánh mời tôi và cười khanh khách:
              - Mấy chục năm trước bác không được ăn bánh sêu của em , bây giờ mời bác ăn bánh sêu con em!
               Nghe chị Hợi nhắc lại chuyện cũ và cất tiếng cười gòn khanh khách, tôi bỗng thấy chạnh lòng.  Hình ảnh  thím Nông và Phùng bỗng hiện lên trước mắt tôi .
              Đó là vào đầu tháng Ba âm lịch năm 1978,  tôi về  quê dự hội làng  tình cờ gặp Phùng  cũng được nghỉ phép.  Phùng  là con thím Nông có họ xa với nhà  tôi, đang  tại ngũ  mang quân hàm trung úy.  Buổi sáng hôm ấy tôi sang  rủ Phùng  ra đình xem hội ,  thím Nông bảo:
             - Nó đang mải đánh gốc tre ngoài vườn kia!
              Thím Nông nói nhỏ vào tai tôi:
              - Đánh gốc tre làm củi cuối năm nấu bánh chưng đi sêu vợ  đấy cháu ạ!
              Thím Nông ngoắc tôi ra chỗ Phùng  đánh gốc tre.   Một tay thím  xách ấm nước chè xanh , một tay cắp chiếc rá mấy củ khoai lang luộc,  miệng nhai trầu. Tới nơi thím  vừa cười vừa  nói với con trai :
              -Nghỉ tay ăn khoai đã con. Khoai lim cái Hợi   nó mang sang  bu luộc bở ơi là bở!
              Phùng buông tay búa đánh gốc tre, cười nói với mẹ:
              - Khoai cô Hợi  thì hà rím cũng bở u nhỉ?
              Thím Nông mắng :
             - Cha bố  anh! Bu nói sai à?
               Phùng  ngồi xuống gốc tre ,  chùi tay vào áo may ô ướt đẫm mồ hôi , cầm củ khoai lang mẹ bóc vỏ đưa cho ngốn ngấu nghiến. Thím  Nông chửi:
              - Cha bố anh ! Ăn từ từ kèo chết nghẹn!
              Thím Nông  rót cho con trai bát nước chè xanh  vừa mới nấu vàng tươi . Đôi mắt thím  sáng hẳn lên,  khuôn mặt đen đủi đầy những nếp nhăn.  Chồng thím Nông  đi dân công chết ở mặt trận Điện Biên Phủ  khi thím  ngoài hai mươi,mới sinh  Phùng  vài tháng , thím ở vậy nuôi con.  Năm 1972 , Phùng đang học lớp mười phải nhập ngũ . Đã có lệnh tổng động viên,không miễn trừ con một . Thím Nông  lo thắt ruột , chỉ sợ con hy sinh  không có người nối rõi . Nhờ trời  suốt ba năm ở chiến trường  Phùng không vướng mảnh bom đạn nào. Kết thúc  cuộc  chiến tranh chống Mỹ , Phùng  được đi học sỹ quan , và bây giờ là một  đại đội trưởng  trẻ khỏe đẹp trai , đang đóng quân trên biên giới phía Bắc.
              Phùng ăn hết ba củ khoai , uống  ực  bát nước  chè rồi đứng lên tiếp tục  đaò gốc tre. Tôi hỏi:
              - Không ra đình à ?
                Phùng nói:
              - Phải dứt điểm bụi tre này đã ! Mai em trả phép rồi!
               Đám gốc tre lưu cữu chồng chất lên nhau, rễ chằng rễ chịt.  Phùng  quai  búa  tách ra từng mảng, rồi chẻ đôi chẻ ba từng củ  tre xù xì  đặc quắn .  Phùng làm hùng hục như đánh vật, mồ hôi nhanh nhánh trên khuôn mặt  nâu bóng.
              - Cháu chào cô! Em chào hai anh!
               Hợi  xuất hiện như nấp sẵn ở đâu đó. Chiếc áo gụ thẫm , chiếc quần vải phíp đen giản dị ,  khuôn mặt trái soan hơi gầy nhưng tươi tắn. Hợi nhanh tay nhặt củi xếp thành một đống. Thím Nông nhìn Hợi vui ra mặt.  Cái dáng mỏng mày hay hạt lam làm  của Hợi rất vừa thím Nông .  Thím   đã nhắm Hợi cho Phùng  từ khi Hợi mới  tốt nghiệp cấp hai , và Phùng vừa ở chiến trường về.  Gần ba năm nay tuy chưa cưới hỏi nhưng  thím đã coi Hợi như con dâu tương lai.Tôi  hỏi thím Nông:
             - Năm nay Phùng được  nghỉ phép , sao không cưới phắt đi?
              Thím Nông cười gượng:
              - Thím  muốn lắm nhưng…Thôi để  đi sêu tết rồi ra giêng làm đám cưới cháu ạ!
             Tiếng trống  ngoài đình  vọng vào. Đám gốc tre cũng vừa đánh xong. Chúng tôi vội vã đi xem hội.
             Hôm ấy là mùng mười tháng Ba, ngày rước Đức Thành Hoàng từ miếu ra đình cúng cầu an. Mọi năm  tưng bừng náo nhiệt  nhưng năm ấy   không khí rất buồn tẻ.  Không dựng  sân khấu  chèo, cây đu, không  bơi trải, múa rối nước.  Mâm cỗ cúng Thành Hoàng vẻn vẹn nải chuối xanh,đĩa cơm nếp độn khoai lang và ba quả trứng gà. Ông thủ từ  nói với tôi:
            - Chả dấu gì anh! Năm nay  chỉ làm lấy lệ.  Hợp tác xã  làm ăn  xuống dốc. Vụ tháng năm  một công điểm chưa được năm lạng thóc. Vụ tháng mười  vừa qua lại  bị hạn hán, mất trắng nên đói cả làng.
              Bây giờ tôi mới hiểu vì sao thím Nông cười gượng khi tôi hỏi sao Phùng nghỉ phép không cưới vợ. Đang đói kém lấy đâu ra gạo thịt mà cưới vợ?  Sáng hôm sau , khi Phùng  lên đường trả phép tôi càng hiểu thêm tình cảnh quê nhà . Hợi xách một giỏ khoai lang từ nhà mình sang cho Phùng mang lên đơn vị làm quà cho anh em. Tính Phùng hồn nhiên, hay đùa mà lúc đó tôi thấy giọt nước mắt lăn trên má Phùng.
            Phùng vừa trả phép là thím Nông  lo chuẩn bị nồi bánh chưng sêu vợ  cho Phùng.  Thím giành trọn 5 thước ruộng phần trăm cấy lúa nếp cái hoa vàng.  Mảnh vườn hơn thước đất sau nhà thím trồng  đậu xanh . Thím khuân  đống  gốc tre Phùng đánh ngâm  xuống góc ao một tháng cho chết mầm rồi vớt lên phơi khô.  Tiêu chuẩn mỗi tháng được một lạng rưỡi thịt thím không dám ăn,  dồn phiếu cuối năm mua trọn một lần . Thím bán lá trầu , quả cau kiếm tiền  mua chui được hai lạng hạt tiêu bỏ vào lọ cất kỹ. Phùng gửi về cho  vài lạng đường, thím Nông không ăn gói gém để dành. Thím  ki cóp từng li từng tí cho chiếc  bánh chưng đi sêu vợ cho con. Cuối năm ấy tôi về , thím Nông khoe:  
         -Gạo,thịt, đường , đỗ, củi  đủ cả rồi cháu ạ! Chỉ còn thiếu  lá dong, lạt giang  cái Hợi nó sang Vĩnh Bảo mua .
         Tôi hỏi:
         - Thím gói mấy chục ?
         - Ba chục cháu ạ!
         - Sao nhiều thế  thím?
         Thím Nông bấm đốt ngón tay , nói rành rọt như đã tính toán chi li rồi:
          -Đi sêu bên nhà gái 20 chiếc, 4 chiếc thờ ông bà và chú , 4 chiếc đi tết bên ngoại,  2 chiếc bánh dính nồi. Vị chi hai ba chục bánh cháu ạ!
           Làng tôi ngày ấy cái nồi nấu bánh chưng cũng quý hiếm. Cả làng  chỉ  độ chục  nhà có nồi to  nấu được mười chiếc bánh trở lên. Chủ  nồi  phải xếp lịch cho mượn ngay từ đầu năm . Và đã thành lệ, người  mượn  bao giờ cũng  đề lại  một “chiếc bánh dính nồi”  khi mang trả. Thím Nông mượn hai chiếc nồi phài để lại hai cái bánh dính nồi.
              Hai mươi tháng Chạp năm ấy Phùng đánh điện về , bảo sớm muộn ngày  28 tết sẽ có mặt ở nhà. Hợi đọc đi đọc lại bức điện cho thím Nông nghe . Thím Nông bảo:
             - Tối hăm  bảy  luộc bánh là vừa!
             Sáng hôm ấy thím Nông nhờ hai người hàng xóm khéo tay nhất sang gói bánh giúp. Những chiếc bánh chưng  vuông vức tám cạnh đều chằn chặn , gói gém   niềm vui, niềm hạnh phúc  của một người mẹ đã  hy sinh cả   đời cho con. Suốt đêm thím Nông thức canh hai nồi bánh.  Ánh lửa hồng từ bếp than củi  Phùng đánh hồi đầu năm  hắt lên khuôn mặt nhẫn nại của thím. Hai nồi bánh chưng sôi rền như  reo vui. Mùi thơm nếp cái hoa vàng quyện với mùi lá dong tươi theo hơi nước bay lên, lan tỏa khắp sân .  Thím Nông cảm thấy ấm áp lạ thường,  bao  nhiêu  lo toan vất vả suốt  một năm trời như tan biến đi. Chung quanh hàng xóm đêm ấy  nhiều người cũng không ngủ bên nồi  bánh chưng , nhưng có lẽ thím Nông là người vui nhất, hồi hộp nhất, bởi  lần đầu tiên thím được nấu nồi bánh chưng đi sêu vợ cho con. Năm chục tuổi đời, hai mươi sáu năm chịu cảnh góa bụa cô đơn, thím sắp được nhìn thấy hạnh phúc trước khi bước vào tuổi già…
              Vừa canh nồi bánh chưng thím Nông vừa đợi Phùng về. Hễ  nghe tiếng chó sủa hoặc tiếng bước chân ngoài đường là thím  lại chạy ra ngõ đứng nhìn.
            Nhưng suốt đêm 27 và cả ngày 28 chưa thấy Phùng về như  điện báo.  Thím Nông vớt bánh, ép lại vuông vức,  chọn hai  chục bánh đẹp nhất   xếp vào đôi quang thúng , chờ Phùng về đi sêu. Nhưng Phùng vẫn bặt vô âm tín. Thím Nông hết  ra sân lại vào nhà, đứng ngồi không yên,  ruột gan như lửa đốt. Hợi cũng mong Phùng về  như thím Nông, cô đạp xe ra bưu điện đánh liên tục ba bức điện khẩn lên đơn vị Phùng.  Nhưng  không có điện trả lời. Chiều Ba mươi tết nhà gái nhắn tin sang , bảo  nghe đồn  Phùng đã yêu một cô ở chỗ đơn vị đóng quân nên không về đi sêu Hợi.
             Ba ngày tết Phùng vẫn bặt vô âm tín.  Tiếng đồn Phùng bỏ cô Hợi đã loang  khắp làng , vang hơn cả  tiếng pháo.  Thím Nông  vừa hoang mang vừa buồn nẫu ruột gan. Thím thắp nhang trên bàn thờ  khấn tổ tiên, khấn chồng  linh thiêng dẫn dắt con về. 
             Ba ngày tết thím Nông không ra khỏi nhà . Vài người trong họ đến chúc tết thấy thím ngồi khóc bên chồng bánh chưng .
            Bên nhà gái bao nhiêu lới đay nghiến trách móc trút lên đầu Hợi. Cô khóc xưng cả mắt và cũng như thím Nông suốt ba ngày tết không bước chân ra khỏi ngõ.
           Sáng mùng bốn tết Hợi mới sang nhà thím Nông. Căn nhà khuất nẻo cuối xóm cửa mở toang nhưng vắng tanh,lạnh buốt. Hợi nhìn thấy thím Nông gục trên thúng bánh. Cô gọi hàng xóm sang . Nhưng thím Nông đã chết trong đêm, người thím đã nguội lạnh như những chiếc bánh chưng sêu.
          Thím Nông chết vì  cảm lạnh, ví đau buồn. Thím chết mang theo lời trách oan thím và con trai thím xuống mồ. Phùng không yêu người con gái khác như lời đồn đến tai nhà gái. Ngược lại Phùng  mong từng ngày đến kỳ  phép  để về quê,  mang những chiếc bánh chưng đi sêu vợ  như đã hứa với mẹ. Lẽ ra  28 tháng Chạp, Phùng  đã có mặt ở nhà như  bức điện Phùng gửi về.  Nhưng  tình hình chiến sự đột ngột , đơn vị Phùng phài hành quân gấp lên bản Sa,  sát biên giới Việt Trung, không kịp báo tin về nhà. Và ngày 17-2-1979,  quân Trung Quốc tràn sang, đơn vị Phùng đã chiến đấu liên tục bày ngày đêm  trong vòng vây của  chúng.  Đại đội hy sinh gần hết, trong đó có Phùng…
             Chị Hợi đưa miếng bánh nài  tôi :
             - Anh ăn đi! Gớm cháu nó gói nhân gì mà ngon ơi là ngon!
             Nể chị Hợi tôi cắn một miếng bánh. Nhưng tôi cảm thấy rợn người. Tôi có cảm giác như cắn vào da thịt Phùng. Cái nhân bánh gã họ Hứa từng là một tên lính Trung quốc kia làm bằng gì mà “ngon ơi là ngon”?  Phải chăng từ xương thịt em tôi, đồng đội tôi? Ruột gan tôi quặn thắt . Máu trong tim tôi như sôi lên. Tôi thấy đắng lòng khi nghĩ tới những  kẻ vì quyền cao chức trọng, vì vàng khối gái tơ rắp tâm bán đất đai mồ mà cha cho Tàu.  Chả nhẽ một người dân quê chân chất như chị Hợi lại ‘theo gương’ mà quên nghĩa tình mang bán đứa con gái con, lấy chiếc áo lông chồn giả, cục son bôi môi, và lời hứa hão ư?
M D
----------------    

18 nhận xét:

  1. bác Bồng ơi,anh Minh Diện ơi,từng là người lính có mặt ở biên giới phía Bắc năm79/80 em bật khóc khi đọc những dòng "cái nhân bánh gã họ Hứa từng là một tên lính TQ" chua chát quá,lãnh đạo đất nươc ta đã ngậm phải cục"4đểu 16 bip bợm "rồi,nên để đất nươc này có những hoàn cảnh thật trớ trêu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tât cả những người VN chân chính đều khóc khi đọc những dòng này... Chỉ có bọn chó phản quốc là vui thôi! Vì, Trung + là bạn của chúng mà!

      Xóa
    2. sống theo điều 4 hiến pháp nhé!. "lực lượng LÃNH ĐẠO nhà nước và xã hội", chỉ tay nói gì, dân chỉ có QUYỀN LÀM theo, không tranh luận!

      Bầu cái "cuốc hội", để rồi ít nhất, 91% thành viên, là thành viên của "lực lượng LÃNH ĐẠO nhà nước và xã hội", thông qua cái điều 4 hiến pháp, còn cãi gì nữa!

      Xóa
  2. Bác Diện viết bài nào cũng hay và thới sự quá. Chúc Bác và Chú Bồng sức khỏe để viết và đăng lên những sự thật mà ai biết được cũng phải đau lòng

    Trả lờiXóa
  3. Minh Diện Ơi doc thấy mà đau quá. Mười năm ở biên giới Việt - trung từ 79 đến 89. Càng nghĩ cang đau , càng căm thù bọn bán nước và bọn bành trướng.

    Trả lờiXóa
  4. Vì đâu nên nỗi? Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao!

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn nhà văn Minh Diện đã viết nên nỗi đau của người lính.

    Trả lờiXóa
  6. "Máu trong tim tôi như sôi lên. Tôi thấy đắng lòng khi nghĩ tới những kẻ vì quyền cao chức trọng, vì vàng khối gái tơ rắp tâm bán đất đai mồ mà cha cho Tàu. Chả nhẽ một người dân quê chân chất như chi Hợi mà cũng quên nghĩa tình mang bán con lấy chiếc áo lông chồn giả, mấy thỏi son và lời hứa xuông" Đau quá! Lời đau đớn từ miệng người lính chân chính.

    Trả lờiXóa
  7. Nể chị Hợi tôi cắn một miếng bánh. Nhưng tôi cảm thấy rợn người. Tôi có cảm giác như cắn vào da thịt Phùng. Cái nhân bánh gã họ Hứa từng là một tên lính Trung quốc kia làm bằng gì mà “ngon ơi là ngon”? Phải chăng từ xương thịt em tôi, đồng đội tôi? Ruột gan tôi quặn thắt . Máu trong tim tôi như sôi lên. Tôi thấy đắng lòng khi nghĩ tới những kẻ vì quyền cao chức trọng, vì vàng khối gái tơ rắp tâm bán đất đai mồ mà cha cho Tàu. Chả nhẽ một người dân quê chân chất như chị Hợi lại ‘theo gương’ mà quên nghĩa tình mang bán đứa con gái con, lấy chiếc áo lông chồn giả, cục son bôi môi, và lời hứa hão ư?
    Nỗi đau này không của riêng anh MD mà của chung những người lính chúng tôi. Cảm ơn anh đã nói giúp. (Nguyễn Thân, thượng tá CCB Thái Bình)

    Trả lờiXóa
  8. Thành quả điều hành nền kinh tế suốt mấy chục năm của đảng thật vĩ đại.
    Thanh niên thì tìm mọi cách để đi làm cu li cho các nước tư bản giãy chết,thanh nữ thì đi làm nô lệ tình dục,ôsin,trẻ em vùng cao thì bắt nòng nọc,chuột để cải thiện bữa ăn...và bà Hợi thì phải cắn mấy cái bánh của thằng lính Tàu,mà cũng có thể chính hắn đã giết ông Phùng
    Trong khi đó,cái lũ lãnh đạo và đám con cháu bất tài thì sống như đế vương
    Thật xót xa và căm hận quá!

    Trả lờiXóa
  9. Đọc truyện ngắn ( có thể gọi như vậy ) của Minh Diện tôi thực sự thấy đắng lòng và buồn ! Đó không phải là nỗi buồn đau của tác giả Minh Diện mà là nỗi đau của cả một dân tộc . Không buồn đau sao được , những năm tháng khốn khó của thập niên 70 - 80 , cả đất nước cuồng lên vì đói khát , rách rưới vì chế độ bao cấp ...và cuộc chiến biên giới do bè lũ bành trướng Bắc Kinh gây ra cho dân tộc Việt nam ! Và giờ đây chúng ta không ai không thấy buồn tủi cho thân phận của những cô gái Việt nam đang ùn ùn đi " làm dâu " xứ người để mong một ngày nào đó sẽ đổi đời cho chính mình và cha mẹ mình ! Có một quốc gia nào trên thế giới lại có số " đàn bà , con gái " lấy chồng Trung quốc , Hàn quốc nhiều như ở Việt Nam ??? Phải chăng họ không biết những " tai ương " đang chực chờ họ ở nơi xứ người ? những cái chết thương tâm , kiếp trâu ngựa khi " làm dâu " xứ người loan tải trên các phương tiện truyền thông nhà nước không làm họ run sợ ? Họ biết , nhưng họ vẫn phải " đua nhau " lấy chồng " ngoại quốc " vì cái phận NGÈO , THẤT NGHIỆP đang bủa vây họ ! Thế thôi . Đã có biết bao thông tin về cái gọi là " cuộc xem mặt , tuyển vợ " đầy ô nhục của các cô gái Việt bị phanh phui , và gần đây là vụ tuyển gái làm vợ của 3 thằng đàn ông Trung quốc tại một chòi canh rấy ở Đắc Nông ( Vietnamnet ) ... Chúng ta nghĩ gì về điều này ? có đau buồn và nhục nhã lắm không ? Một đất nước TƯƠI ĐẸP và ĐÁNG SỐNG lại như thế này sao ??? Không , không thể như thế được !

    Trả lờiXóa
  10. "Chả nhẽ một người dân quê chân chất như chị Hợi lại ‘theo gương’ mà quên nghĩa tình mang bán đứa con gái con, lấy chiếc áo lông chồn giả, cục son bôi môi, và lời hứa hão ư?"

    Thế là chị Hợi đã quán triệt các đường lối và chủ trương của Đảng gòi . Đây là điều đáng khen, không phải đáng trách .

    Trả lờiXóa
  11. Hy vọng anh MD không kỳ vọng vào anh Ba Nổ nhỉ. Dạo này tay chân của "ảnh" đi thổi kèn đinh tai nhức óc, làm nhân dân quên mất những người như CHHV...

    Trả lờiXóa
  12. dc tâm tư lo quá đúng
    ghét bạn lạ thế này thì các dc hết cửa ăn

    Trả lờiXóa
  13. Những chuyện về nông thôn và người nông dân Việt Nam ông MD viết rất sâu sắc. Xim cảm ơn

    Trả lờiXóa
  14. Chị Hợi lấy chồng tên Trư người TQ cho con gái của mình tên là Lợn. Trư là kẻ đã bỏ vợ đầu của mình tên là Heo.
    Đó là đám cưới mà lũ trẻ trong làng kêu là "Đám Cưới Ụt Ịt"!

    Trả lờiXóa
  15. Nhà chị Hợi mới được ăn bánh sêu của hứa năm nay, nhưng dân tộc Vn đã được đảng cho ăn bánh Hứa vẽ từ 70 năm nay rồi, có gì mà khoe cơ chứ?
    dân tộc này còn thích ăn bánh hứa của đảng thì còn chết.

    Trả lờiXóa