Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Cần hướng tới nền dân chủ và minh bạch hơn

Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã bế mạc được 10 ngày, nhưng dư âm của kỳ họp mà giới quan sát cho là ‘đặc biệt’ này vẫn còn.
Một điểm gây nhiều đồn đoán nhất, đó là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên đối với các lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Việt Nam, gồm 16 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 thành viên Ban Bí thư, nhưng kết quả lại không được công bố.
VOA Việt Ngữ đã hỏi chuyện các nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam ở cả trong lẫn ngoài nước, nhưng đa phần đều từ chối đưa ra nhận định vì “không có đủ thông tin”.
Tuy nhiên, cuối tuần qua, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về chính sự Việt Nam, đã công bố một bản phân tích và đánh giá cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này, dựa trên các nguồn tin của ông cũng như kết quả (chưa được nhà nước xác nhận) đăng trên trang blog 'Chân dung Quyền lực'.
Theo trang blog được hơn 15 triệu người truy cập này, 197 ủy viên trung ương (3 người dự khuyết) đã được yêu cầu đánh giá các vị lãnh đạo theo các mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.
Giáo sư Thayer cho biết, có hai danh sách kết quả chưa hoàn chỉnh đã được lan truyền trong giới quan sát ở Hà Nội trước cả khi được trang blog “bí hiểm” công bố.
Trong cả ba danh sách không chính thống, những cái tên như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Thị Kim Ngân và Phùng Quang Thanh đều ở top đầu.
           Chuyên gia về chính trị Việt Nam viết rằng vì thiếu thông tin từ những người bỏ phiếu nên không thể biết được lý do vì sao các thành viên Bộ Chính trị, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhận được số phiếu ‘tín nhiệm cao’ nhiều nhất.
           Theo ông Thayer, hiện có nhiều đồn đoán ở trong nước về người nhắm vào ghế Tổng bí thư.
           Ông viết: "Các tin đồn ở Hà Nội cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng có tham vọng trở thành Tổng bí thư kế tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và nhiều khả năng, ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Phú Trọng sẽ phản đối điều này".
Giáo sư Carl Thayer viết thêm: "Trong khi đó, cũng có tin đồn về việc ông  Trọng đang vận động cho ông Phạm Quang Nghị hoặc Trần Đại Quang lên thay thế ông. Còn các trang blog chính trị thì lại gợi ý đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh".
Còn trong một bài viết mới có tên gọi “Những bất ngờ trên đường lựa chọn lãnh đạo kế vị”, Tiến sỹ Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam, tại Đại học Thành thị Hong Kong, cho rằng việc lựa chọn nhân sự kế vị ở Việt Nam “được che giấu một cách có hệ thống”.
Ông London cũng nói thêm rằng “diễn biến của các sự kiện hiện nay đang vén bức màn phơi bày hoạt động chính trị chóp bu ở Việt Nam mà xưa nay chưa có tiền lệ”.
Ông viết: “Kết cuộc đáng chú ý và có phần oái ăm cuối cùng của Hội nghị Trung ương 10 chính là những kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Được biết chẳng ai khác hơn chính Nguyễn Tấn Dũng nhận được số phiếu cao nhất. Ngược lại, nhiều ứng cử viên khác, trong đó có hai người được đề cập trên trang 'Chân dung Quyền lực' trước cuộc lấy phiếu tín nhiệm, xếp gần chót bảng”.
Nhà quan sát này từng nói với VOA Việt Ngữ rằng nhiều người Việt, cả ở trong lẫn ngoài nước, “đều muốn Việt Nam hướng tới một chế độ chính trị minh bạch hơn”.
Ông London nói:  "Việc Bộ Chính trị Việt Nam có một quá trình lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá sự hài lòng đối với việc lãnh đạo đảng cũng có thể được xem là một phát triển hứa hẹn cho nền chính trị của Việt Nam nếu ý nghĩa của quá trình này là cố gắng nâng cao hiệu quả của lãnh đạo chính trị Việt Nam".
Nhà quan sát này nói thêm: "Việc đảng cộng sản Việt Nam chưa sẵn sàng công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một hạn chế. Và nếu đảng cộng sản Việt Nam thực sự muốn nâng cao lòng tin của dân thì họ phải phấn đấu để làm cho quá trình này hết sức minh bạch".
Tờ Nikkei Asian Review, thuộc quyền sở hữu của một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản, nhận định rằng “các trang mạng xã hội như Facebook và các trang blog bí hiểm sẽ được dùng làm công cụ tranh giành quyền lực trước khi một bộ chính trị mới được lựa chọn”.
“Các trang này sẽ rò rỉ các thông tin về một số cá nhân nhất định, làm sao nhãng công chúng trước các vấn đề quốc gia cấp bách khác”, tờ báo viết.
Ban biên tập trang blog Chân dung Quyền lực mới thông báo sẽ ‘dọn dẹp bất cứ lúc nào’ các thông tin mà họ cho là ‘thóa mạ Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh’, dẫn tới các đồn đoán về những người đứng sau trang này.
(VOA)
------------

2 nhận xét:

  1. Thẩm phán (thật):
    - Tất cả đứng lên nghe tuyên án vụ "Cho và nhận hối lộ".
    - Vì người nhận hối lộ chính là người đóng vai trò chủ động trong sự chuyển động của vụ việc. Vì rằng, người đưa hối lộ không thể quyết định bản chất của vụ việc - người đưa hối lộ đưa hay không đưa vụ việc vẫn vậy.
    - Vì rằng, người nhận hối lộ nếu không nhận hối lộ thì vẫn có thể giải quyết được vụ việc. Người đó vẫn không bị cản trở trong công việc nếu không nhận hối lộ.
    - Nay tuyên án: người đưa hối lộ không phạm bất cứ tội gì. Và không ai có thể đe dọa anh ta rằng đưa hối lộ là có tội, vì anh ta không thể đe dọa tinh mạng hay gây ra nguy hiểm cho người anh ta định hối lộ.
    - Tòa tuyên án: người nhận hối lộ luôn là kẻ có tội!!!

    Trả lờiXóa
  2. Đảng có 3 triệu người, về nguyên tắc bỏ phiếu tín nhiệm là chuyện riêng của họ. Nhưng do VN độc đảng, bỏ phiếu tín nhiệm nội bộ lại không thể là chuyện riêng của một đảng. Thiết chế một đảng ngày càng nảy ra nhiều vấn đề tự bản thân nó mâu thuẫn giữa lý tưởng, tuyên truyền và thực tế. Như triết học đã định nghĩa, mâu thuẫn chỉ có thể giải quyết bằng sự đấu tranh giữa các mặt đối lập.
    Và chúng ta đang xem đây chính là đấu tranh. Vấn đề là tư pháp hiệu quả và công tâm như thế nào. Nếu tư pháp không có biểu hiện thay đổi thì mối quan hệ giữa 3 triệu người và phần còn lại vẫn là 0. Kẻ nào đi được sẽ đi, kẻ nào cống hiến cũng chỉ đứng ở biên cương làm tướng, con vua thì tiếp tục làm vua. Sự thật là Việt Nam được xây dựng trên nền tảng phong kiến pha tạp những công cụ của phong kiến và tư bản trên ước vọng xa vời của xã hội chủ nghĩa không tưởng. Karl Marx chưa bao giờ có lý thuyến này, Lenin cũng chỉ dùng nó trong quá trình chống thù trong giặc ngoài, giải phóng giai cấp. Còn hiện tại vẫn là triều đình trị, gia đình trị.

    Trả lờiXóa