Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Nạn đói lịch sử năm Ất Dậu

        Cách đây 70 năm: Có thể nói nạn đói năm Át Dậu là một cảnh tượng khủng khiếp nhất trong lịch sử! Những tháng đầu năm đó, trên các nẻo đường chính ở những đô thị lớn, hàng đoàn người già trẻ, lớn bé thất thểu dắt nhau đi cầu thực, tất cả chỉ còn da bọc xương... Ở một vài nơi có Hội từ thiện tổ chức phát cháo cứu trợ, nhưng có người nhận cháo rồi vẫn lăn ra chết vì quá kiệt sức! Thật là một cảnh tượng thương tâm... 
Trong ký ức người Việt Nam, "nạn đói năm Ất Dậu" vẫn là một cơn ác mộng, nỗi nhức nhối khó quên. Thảm họa ấy bắt đầu từ tháng 10/1944 kéo dài đến giữa năm 1945.
Nạn đói diễn ra ở 32 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, từ Quảng Trị trở ra. Trọng điểm là các tỉnh đồng bằng, nơi dân số tập trung đông, có nhiều ruộng, như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa. Nặng nhất là Thái Bình, có xã chết đói 2/3 dân số. Các làng nông nghiệp trù phú, làng nghề thủ công, xóm câu, làng chài ven biển... đều ngập xác người chết đói.
Công trình nghiên cứu về nạn đói năm 1945 của GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam và GS Furuta Moto (người Nhật) chỉ rõ: chính sách vơ vét thóc gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp lúc bấy giờ cùng với thiên tai, mất mùa xảy ra ở nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm cảnh trên.
Tháng 10/1940, khi đặt chân đến Đông Dương, Nhật thi hành hàng loạt chính sách đánh vào nền kinh tế: buộc thực dân Pháp phải ký kết nhiều hiệp ước kinh tế yêu cầu cung cấp lương thực, giao nộp lúa, gạo cho Nhật hàng năm; cấm vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc, hạn chế chuyên chở tự do, chỉ cho chở dưới 50 cân gạo trong một tỉnh; bắt người dân nhổ lúa trồng đay, dành ruộng trồng lạc. Trong khi Nhật vơ vét cho chiến tranh thì Pháp dự trữ lương thực phòng khi quân Đồng minh chưa tới, phải đánh Nhật hoặc dùng cho cuộc tái xâm lược Việt Nam. Thuế đinh, thuế điền, tô tức trở thành những chiếc thòng lọng buộc vào cổ nông dân.
Sống ngắc ngoải trong nạn đói 1945.  Ảnh tư liệu.
Năm 1944, Việt Nam bị mất mùa nhưng Pháp và chính quyền phong kiến vẫn phải cung cấp cho Nhật hơn 900.000 tấn gạo để đáp ứng cho chiến tranh phát xít và làm nguyên liệu để người Pháp nấu rượu, dùng đốt lò thay cho than đá. Hàng chục nghìn mẫu ngô bị phá, hàng triệu tấn thóc bị thu nộp. Theo thống kê, năm 1940, diện tích trồng đay là 5.000 ha nhưng đến năm 1944 đã tăng lên 45.000 ha.
Chiến tranh phá hủy các trục đường sắt từ Huế trở ra khiến giao thông thủy, bộ tắc nghẽn, hàng hóa không lưu thông. Ông Yuuji Sato, một nhân chứng kể lại: "Từ năm 1943 đến năm 1946, tôi làm hạ sĩ quan ở sở chỉ huy Nhật ở Sài Gòn. Khi ra Huế, thấy nhiều đoạn đường sắt bị đánh phá. Khi về Sài Gòn thì không đi được tàu hỏa".
Nhật cấm vận chuyển lúa từ miền Nam ra, vơ vét thóc ở miền Bắc khiến giá thóc, gạo tăng vọt. Năm 1943, một tạ gạo giá chính thức là 31 đồng, giá chợ đen là 57 đồng; năm 1944 tăng lên 40 đồng, giá chợ đen là 350 đồng, nhưng đến đầu năm 1945 thì giá chính thức vọt lên 53 đồng còn giá chợ đen từ 700-800 đồng. Giá gạo "phi nước đại" khiến người dân không đủ sức mua, phải chịu cảnh chết đói.
Tháng 9/1944, lụt vỡ đê La Giang (Hà Tĩnh), đê sông Cả (Nghệ An) cùng tình trạng mất mùa ở các tỉnh Bắc Bộ cuối năm 1944 làm cho nạn đói diễn ra trầm trọng hơn. Theo những người dân trải qua nạn đói khủng khiếp ở Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình) thì vụ mùa năm 1944, lúa trên các cánh đồng rộng hàng trăm mẫu đều bị "rù" (rầy phá hoại), chết trắng, chết vàng. Cả mẫu ruộng không thu nổi vài chục cân thóc mẩy.
Nạn đói tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội, trọng tâm là những người dân nghèo, người lao động, đặc biệt là nông dân không có ruộng đất chuyên đi làm thuê và nông dân ít ruộng đất. Cuộc sống của hàng triệu người bị hủy diệt, chết đói nhiều nhất là người già, phụ nữ và trẻ em.
Để chống lại cái đói, cái chết cận kề, người dân ăn từ rau dại, đến củ chuối, vỏ cây, giết cả trâu bò, chó mèo; dân chài thì ăn bả nâu, cá chết. Khi không còn gì ăn thì họ ngồi chờ chết, để người nhà mang đi chôn hoặc chết ở bờ bụi khi đi kiếm ăn. Cái chết đến từ từ, thảm khốc, dày vò cả thể xác lẫn tinh thần. Cái đói khiến cha bỏ con, chồng bỏ vợ, tình người đứt đoạn, đi xin ăn không được thì cướp giật, thậm chí ăn cả xác người mới chết. Ở các vùng quê, hàng nghìn hộ gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chỉ một vài người sống sót.
Tháng 3/1945, nạn đói lên đến đỉnh điểm. Lũ lượt người ngược, kẻ xuôi chạy đói đến các thành phố lớn, họ bán cơ nghiệp để lấy tiền đi đường. Hà Nội trở thành điểm hẹn của những đoàn quân ma đói. Để cứu đói, người dân Hà Nội khi ấy đã phát động Ngày cứu đói, lập trại tế bần phát cháo. Người sắp chết thì được đưa về trại Giáp Bát, còn người chết đói thì xác chất đầy xe bò đem đi "hất xuống hố như hất rác" tại nghĩa trang Hợp Thiện (Hai Bà Trưng).

Trại Giáp Bát, Hà Nội, nơi tập trung những nạn nhân đói năm 1945. Ảnh tư liệu.

Mục sư Lê Văn Thái, nguyên Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam thời kỳ 1942-1960 viết lại: "Tôi thường nghe tiếng rên xiết của những người sắp chết, thấy những đống thịt quằn quại gần những xác chết, nơi này 5-3 xác chết, chỗ khác từng đống người sống nằm lẫn với người chết. Trên những đoàn xe bò đầy những xác chết, mỗi xe chỉ phủ một chiếc chiếu, trong những cái hầm mấy trăm xác chết mới lấp một lần. Một vài lá cải thối trong đống rác, một vài hột cơm đổ bên cạnh vò nước gạo thì họ kéo nhau từng lũ đến tranh cướp".
Tại Viện Sử học Việt Nam còn lưu một bức thư của tác giả Vespy tháng 4/1945 nói về thảm trạng chết đói: "Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người nấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc, giơ xương ra và run rẩy. Ngay cả đến những thiếu nữ tuổi dậy thì, đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế. Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đó".
Giữa lúc nạn đói lên đến đỉnh điểm thì ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngay lập tức, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Mặt trận Việt Minh phát động nhân dân phá hàng trăm kho thóc của Nhật để cứu đói. Phong trào diễn ra sôi nổi khắp nơi khiến nạn đói phần nào được đẩy lui. Nông dân bắt đầu trở về quê tiếp tục sản xuất. Đến vụ chiêm (tháng 6) có gạo mới, mức sống thay đổi đột ngột lại khiến nhiều người chết vì ăn quá no. Môi trường bị ô nhiễm nặng bởi xác chết không được xử lý và trải qua cơn đói lâu dài kéo theo dịch tả và dịch sốt vàng da lại giết thêm nhiều người ở Bắc Giang, Cao Bằng.
Lịch sử Đảng bộ các địa phương thống kê nhiều làng xã chết 50-80% dân số, nhiều gia đình, dòng họ chết không còn ai.. Làng Sơn Thọ, xã Thụy Anh (Thái Thụy, Thái Bình) có 1.025 người thì chết đói mất 956 người. Chỉ trong 5 tháng, số người chết đói toàn tỉnh lên đến 280.000 người, chiếm 25% dân số Thái Bình khi đó. Lịch sử đảng bộ Hà Sơn Bình cũ sau này ghi rõ: "Trong nạn đói năm 1945, khoảng 8 vạn người (gần 10% dân số trong tỉnh) chết đói, nhiều nơi xóm làng xơ xác tiêu điều, nhất là ở những nơi nghề thủ công bị đình đốn. Làng La Cả (Hoài Đức) số người chết đói hơn 2.000/4.800 dân, có 147 gia đình chết không còn một ai. Làng La Khê (Hoài Đức) có 2.100 người thì 1.200 người chết đói, bằng 57% số dân".
Tháng 5/1945, bảy tháng sau khi nạn đói bùng nổ tại miền Bắc, tòa khâm sai tại Hà Nội lệnh cho các tỉnh miền Bắc phúc trình về tổn thất. Có 20 tỉnh báo cáo số người chết vì đói và chết bệnh là 400.000, chỉ tính miền Bắc. Số liệu nghiên cứu trong cuốn Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử của GS Văn Tạo thống kê: "Riêng tỉnh Thái Bình, nơi nạn đói diễn ra trầm trọng nhất, đã được Ban lịch sử tỉnh điều tra, con số tương đối sát thực tế là cả tỉnh chết đói mất 280.000 người. Chỉ tính số người chết đói ở Thái Bình cùng với Nam Định hơn 210.000 người, Ninh Bình 38.000, Hà Nam chết 50.000 thì số người chết đói đã lên đến hơn 580.000. Như vậy, con số 2 triệu người Việt Nam chết đói trong 32 tỉnh cũ tính từ Quảng Trị trở ra và hai thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng là gần với sự thực".
So sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của các cuộc chiến tranh Pháp - Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Nạn đói nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chết một triệu người, nước Đức chết chừng 3 triệu. Thế mà nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ, ta đã chết hơn 2 triệu người".
70 năm trôi qua, những chứng tích lịch sử về nạn đói năm xưa không còn nhiều, ngoài những nấm mồ tập thể sâu dưới lòng đất lạnh. Những nhân chứng từng đi qua tai họa lịch sử ấy thì ghi nhớ nỗi đau thương sâu trong tâm, mỗi lần nhắc đến chỉ biết rưng rưng nước mắt.
Hoàng Phương/VnN
----------------

8 nhận xét:

  1. Đây là bài học cho mọi người Việt,nhất là hôm nay,tiếc rằng học mãi mà chả thuộc.
    Thế đấy,vậy mà đi đâu cũng tự xưng tiến sĩ.Đất nước có ngề đúc đồng nỗi tiếng thế giới,vậy mà không cho đúc bình đồng,đúc 300 cái bình có bao nhiêu tiền đâu.Cứ mua ba cái bình tàu,giá rẻ,nhưng chưa đập trúng bình đã bể rồi.Chân dung quyền lực nó mới đạp bể ba cái bình,bể rồi có sao đâu.
    Một Dân tộc anh hùng,Một đảng Cộng Sản kiên trung bất khuất thì vứt vài ba chục cái bình tàu hoa hèo cho lắm càng tốt ra.
    Xưa dân chết đói,vì Pháp Nhật và tay sai.Nay dân đứng nhìn họ làm giàu trên đất nước tại ai ???
    Công Sơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những người chết đói không tiêu thụ những lời vấp váp ("Một đảng Cộng Sản kiên trung bất khuất") của ông đâu! Giá như không có cái đcs Đông Dương của ông, có thể họ không chết vì đói!

      Xóa
    2. Trải có mấy mươi năm mà dân Âu Lạc chết hàng hà sa số. Nước Việt ta từ thời lập quốc tới giờ có như vậy không nhỉ. Anh công Sơn này nói ít thôi, nói nhiều thấy anh sàm quá đi keke.
      Mấy cái bình quý của anh tôi thấy ớn quá trời, thà tôi làm cục đất sét vô tư còn hơn làm cái bình ấy, nói thật với anh vậy nhé, đừng khoe ra nữa

      Xóa
  2. Xin thông tin mong mọi người dịp tết Ất Mùi 2015 đến Hợp Thiện Linh Đài (Ngôi mộ tập thể nạn đói năm 1945)- [Từ ngõ 349 đường Minh Khai phường Vĩnh Tuy - đi sâu vào chừng 100m] thắp nén hương tưởng niệm những Lĩnh hồn xấu số, những số phận bi thảm cùng nòi giống dòng máu Bách Việt. Xin háy làm điều thiện đó để xoa dịu nỗi đau dân tộc, Cầu cho họ yên nghỉ nơi chín suối. Còn Cõi Trần hôm nay xin đừng để số phận ai đó "ra đi" trong cảnh năm xưa!

    Trả lờiXóa
  3. Người nghèo chết đói năm 1945 thì chưa đến mười năm sau đến lượt người giàu chết vì những chính sách của người nghèo vô sản . CCRĐ 1954 .

    Trả lờiXóa
  4. Truy mò Lừa Ât dậu của An Hoàng Trung Tướng

    Trả lờiXóa
  5. Phải sống vào thời ấy mới hiểu rõ. Ngày nay ai cũng nghĩ đây là tội ác của Nhật. Trong khi việc chính quyền Trần Trọng Kim cô gắng vượt khó để chở gạo từ miền Nam ra cứu đói cho miền Bắc đã bị giấu nhẹm.

    Trả lờiXóa
  6. Cộng sản ác ghê. nhưng chúng hay đổ lỗi cho đế quốc phong kiến
    Trong 85 năm có ĐCSVN lãnh đạo 14 triệu người VN chết vì đói và vì chiến tranh

    Năm 1960 đến 1967 huyện tôi hầu hết phải ăn cơm trộn gốc rau muống hoặc chuối xanh cầm hơi
    1978 đến 1989 dân tỉnh tôi vẫn đói xanh mắt. đói mờ mắt

    Lao động kiệt sức, Mẹ tôi bị ốm liệt trong 3 năm
    1988 chết trong sự đau đớn trong nạn đói và thiếu thuốc điều trị

    Trả lờiXóa