Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Con đường đưa Việt Nam đến văn minh

Con đường phát triển đi đến văn minh của dân tộc không cách nào khác. Chỉ có bước tới chứ đừng bước lui.
LTS: Góp phần bàn luận tiếp câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã đặt ra dịp đầu năm mới “Con đường phát triển đi đến văn minh của dân tộc”, Tuần Việt Nam xin đăng bài viết của GS Cao Huy Thuần để bạn đọc cùng tham khảo.
Lẫn lộn giữa “văn minh” và “văn hóa”
"Thế nào là một dân tộc văn minh?", muốn trả lời câu hỏi ấy phải trả lời câu hỏi: "Thế nào là văn minh? Văn minh là gì?". Riêng định nghĩa này thôi, bao nhiêu là phức tạp. Có ai đồng ý với ai đâu? Mỗi tác giả lớn có một giải đáp riêng, lắm khi trái ngược từ căn bản.
Điểm căn bản đầu tiên là sự dùng lẫn lộn giữa "văn minh" và "văn hóa" - "civilisation" và "culture" - mà "văn hóa" lại cũng gây bất đồng trong định nghĩa.
Lịch sử của hai từ "văn minh" và "văn hóa" rất dài, rất xưa ở Âu châu. Lúc đầu, "văn minh" bao hàm hai lĩnh vực: vật chất và tinh thần. Rồi từ "văn hóa" xuất hiện, và nhiều tác giả có khuynh hướng phân biệt, trao phần tinh thần cho văn hóa, phần vật chất cho văn minh.
Văn minh là gì? Có người nói: "đó là đường sá, hải cảng, bờ sông". Nhưng người khác bác bỏ: "văn minh là phải có một tối thiểu khoa học, nghệ thuật, trật tự, đạo đức..." Nghĩa là tất cả những gì mà con người thu thập được như vốn liếng đã tạo ra. Vậy điểm đầu tiên phải ghi là biên giới giữa tinh thần và vật chất không rõ ràng: văn minh là tinh thần hay vật chất, hay lẫn lộn cả hai?
Điểm thứ hai là việc sử dụng từ "văn minh" cho cá nhân hay tập thể. Ta có thể nói: "một người văn minh"? Hay chỉ nên dùng từ ấy cho một xã hội, một nước, một vùng?
Thông thường, ta vẫn nói: "Đừng nhổ nước miếng bừa bãi, hãy cư xử như một người văn minh". Ấy là nói về cá nhân. Và ta lại nói: "Văn minh Trung Hoa khác với văn minh Nhật Bản", "văn minh Tây phương không giống văn minh Đông phương".
Ấy là nói về tập thể. Bây giờ, từ "văn minh" hay dùng cho tập thể. Chẳng hạn quyển sách danh tiếng một thời và hứng chịu chỉ trích cũng lắm của Samuel Huntington mang nhan đề là "Va chạm giữa các nền văn minh". Câu hỏi đặt ra - một "dân tộc văn minh" - nằm trong nghĩa tập thể này.
dân chủ, văn minh, văn hóa, dân tộc, Việt Nam, Cao Huy Thuần
Con đường phát triển đi đến văn minh của dân tộc không cách nào khác dân chủ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thế nhưng nó lại gợi ra một vấn đề lý thuyết sôi nổi, và đây là điểm phải ghi thứ ba: Nói rằng một "dân tộc văn minh", thế chẳng phải hàm ý rằng có những dân tộc không văn minh sao? Vậy thì thế nào là một dân tộc không văn minh? Lấy tiêu chuẩn gì chính xác để phân biệt? Nói như thế cũng hàm ý rằng có nấc thang giá trị để phê phán: dân tộc này văn minh cao hơn dân tộc kia. Thế nào là cao, thế nào là thấp, dựa trên tiêu chuẩn gì?
Tôi đọc ba tác giả được xem là bậc thầy, không phải chỉ ở Pháp mà cả trên quốc tế. Trước hết là nhà sử học Jacques Le Goff. Về thắc mắc thứ nhất, tinh thần hay vật chất, ông trả lời: "Cái đẹp, công lý, trật tự...". Nghĩa là những yếu tố tinh thần. Xin trích nguyên văn: "Văn minh dựa trên sự tìm tòi và thể hiện của một giá trị cao hơn, trái với văn hóa được xem như là toàn thể những tập tục và những thái độ. Văn hóa nói chuyện dưới đất, văn minh siêu việt trên cao. Cái đẹp, công lý, trật tự....Các nền văn minh được xây dựng trên những yếu tố đó. Ví dụ việc sử dụng đất: văn hóa sản xuất ra lợi ích, gạo, trong khi văn minh sản sinh ra cái đẹp bằng cách tạo vườn".
Ông nói: vườn Nhật khác với vườn Tàu, và cái khác ấy chịu ảnh hưởng của tôn giáo và tâm linh. Vườn Anh cũng khác với vườn Pháp. Một bên tôn trọng vẽ thiên nhiên, dễ gợi lên tình cảm lãng mạn, mơ mộng; một bên bài trí có hệ thống, ngay hàng thẳng lối, biểu lộ tinh thần duy lý của con cháu Descartes. "Văn hóa đặt ưu tiên cho ý nghĩ về thực dụng, về an ninh, về giàu có, khác với văn minh đặt giá trị trên tâm linh và thẩm mỹ" (Le Monde 23-1-2014).
Đặt văn minh trên tiêu chuẩn tinh thần như vậy, không thể nói văn minh nào cao hơn văn minh nào. Ai dám nói vườn Anh đẹp hơn vườn Pháp, vườn Tàu cao cấp hơn vườn Nhật? Thế nhưng phần đông định nghĩa ngày nay không đặt văn minh ở trên cao, văn hóa ở dưới thấp như vậy. Văn minh, theo phần đông, liên quan đến những yếu tố vật chất hơn là tinh thần, tuy rằng không phải gạt bỏ hoàn toàn yếu tố tinh thần. Chỉ định nghĩa như vậy mới bảo vệ được quan điểm cho rằng có văn minh cao, văn minh thấp.
Nhưng đó là nói về Âu châu từ thế kỷ 17, 18. Nếu đặt vấn đề tiến bộ trên bình diện lịch sử cả nhân loại thì tiến bộ là gì? Tôi tìm đến ông thầy thứ hai, Claude Lévi-Strauss. Nhà nhân chủng học này phân biệt hai loại xã hội: "xã hội lạnh" và "xã hội nóng". "Xã hội lạnh" hoạt động như đồng hồ, "xã hội nóng" hoạt động như động cơ hơi nước.
Các "xã hội lạnh" (xã hội tiền sử chẳng hạn) có văn hóa nhưng không có lịch sử vì chỉ lặp đi lặp lại y hệt, từ thế hệ này qua thế hệ khác, tránh mọi thay đổi về kỹ thuật, cách sống, thân tộc hay cách tổ chức quyền lực. Các "xã hội lạnh" có khuynh hướng sẽ biến mất, bị nuốt, bị phá hủy bởi các "xã hội nóng". Ngày nay, ai cũng biết "xã hội nóng" là các xã hội nào. Ai cũng biết xã hội nào năng động, sáng tạo trong mọi lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế, mỹ thuật, giáo dục, tổ chức xã hội... Và ai chắc cũng lo, không biết xã hội ta có đang nguội dần không? Hôm nay cái đồng hồ đều đặn gõ 12 tiếng, ngày mai cũng đều đặn leng keng 12 tiếng y hệt, và ngày kỉa, ngày kia, ngày kìa cũng vẫn 12 tiếng ấy, biết rồi khổ lắm nói mãi.
Làm tổng hợp trên các điều vừa nói - vật chất và tinh thần, cá nhân và tập thể, tiến bộ và trì trệ - tôi đi đến kết luận của một ông thầy thứ ba, nhà xã hội học Edgar Morin: "Văn hóa là toàn thể những niềm tin, những giá trị đặc thù của một tập thể riêng biệt. Văn minh là những gì có thể thuyên chuyển từ tập thể này qua tập thể khác: kỹ thuật, kiến thức, khoa học…Chẳng hạn văn minh Tây phương mà ngày nay đã lan ra toàn cầu hóa, là một văn minh được định nghĩa là toàn thể những phát triển về khoa học, về kỹ thuật, về kinh tế".
Nhưng ông nói thêm một điều quan trọng: "Và chính văn minh Tây phương ấy ngày nay đang mang đến nhiều hậu quả tiêu cực hơn là tích cực. Đây là điều cần phải cải tổ, nghĩa là cần phải có một chính sách văn minh".
Đoạn sau trùng ý với Lévi-Strauss. Nhà nhân chủng học này mượn từ "entropie" trong nhiệt động học để nói rằng văn minh có khuynh hướng tiến đến tình trạng xáo trộn của hệ thống: gia tốc dân số, tranh chấp xã hội, cạnh tranh kinh tế, đụng độ vũ trang, chạy đua khí giới, chiến tranh, vắt kiệt tài nguyên, phá hủy thiên nhiên, tiêu thụ phung phí... Làm sao chữa lại những hậu quả "tiêu cực" ấy? Lévi-Struss cậy đến văn hóa, và văn hóa theo ông là tâm linh, đạo đức, triết lý, nghệ thuật và chính trị.
Chính trị theo nghĩa nguyên thủy của Hy Lạp ngày xưa: là cách tổ chức nhà nước thế nào để đạt được phúc lợi chung. Ta thấy đó, ta trở lại với những gì ta nói từ đầu: sự lẫn lộn giữa văn hóa và văn minh.
Văn minh và dân chủ
Vậy thì tôi cũng đành lẫn lộn thôi. Suy nghĩ như một người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, tôi trả lời rằng một dân tộc văn minh là một dân tộc có văn hóa cao, nghĩa là năng động, nghĩa là không trì trệ, trên mọi phương diện, vật chất cũng như tinh thần, đầu óc cá nhân cũng như tổ chức xã hội, quyền lực, tiến bộ cùng với xu hướng của thế giới, nhưng không quên rằng mỗi người đều là con cháu thừa tự.
Tôi xin cắt nghĩa mấy chữ sau cùng. Mỗi sáng tạo, hủy diệt, hay mỗi biến chuyển của một nền văn minh đòi hỏi phải có thời gian.
dân chủ, văn minh, văn hóa, dân tộc, Việt Nam, Cao Huy Thuần
Ảnh: Tuấn Kiệt
Vì vậy, trong lịch sử các văn minh, cũng như trong nếp suy nghĩ về văn minh, ý nghĩa thừa tự là căn bản. Một nền văn minh được xây dựng lần hồi, làn sóng này tiếp theo làn sóng khác, về giá trị, về tập tục, về niềm tin. Phải có thời gian để biến chuyển và để củng cố. Để thâu nhận từ bên ngoài và để bảo tồn tận bên trong. Hiện nay, cách mạng tin học và tình trạng toàn cầu hóa có khuynh hướng đồng hóa hết thảy mọi nền văn minh. Nếu chạy theo "văn minh kỹ nghệ", tiến bộ vật chất một cách mù quáng, không chừng ta thắp một cây hương cho tổ tiên nào không phải là của ta.
Riêng về mối tương quan giữa tập thể và cá nhân, phải nhấn mạnh rằng một tập thể không thể văn minh nếu con người trong đó không văn minh. Giáo dục, chính là để đào tạo nên những con người văn minh. Và thế nào là con người văn minh? Là biết yêu chân, thiện, mỹ. Yêu sự thật, yêu cái tốt, cái đẹp. Chỉ nói sự thật mà thôi, thế nào là yêu sự thật? Là ghét giả dối. Giáo dục là không dạy con trẻ đưa nói láo lên thành hệ thống cai trị.
Nhưng muốn có một nền giáo dục như vậy, tất nhiên phải đặt chính trị lên hàng đầu. Bởi vì chính trị chỉ huy giáo dục. Xưa nay nhà trường chỉ có hai loại: nhà trường dạy phán đoán và nhà trường không dạy phán đoán. Loại nhà trường sau là để minh họa.
Cho nên, cuối cùng, con đường phát triển đi đến văn minh của dân tộc không cách nào khác dân chủ. Bắt đầu bằng thực tâm muốn thực hiện dân chủ. Rồi có thể không vội. Dân chủ hóa lần hồi. Nhưng làm đừng khác nói. Và người dân cứ lấy sáng kiến mà làm. Bước tới chứ đừng bước lui.
Và thấy rằng xu hướng dân chủ là không tránh được, không trước thì sau thôi, bánh xe lịch sử sẽ nghiền nát mọi chướng ngại.
GS. Cao Huy Thuần (từ Pháp)/Tuần VN

11 nhận xét:

  1. Bai viet hay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỗi lần phê ngắn gọn, thầy Tịnh nên cho điểm luôn.

      Xóa
  2. Một dân tộc dù ở bất kỳ trình độ nào, tiên tiến hay lạc hậu, đều có nền văn hóa đặc thù của nó và không ai đem văn hóa của dân tộc này so sánh với văn hóa của dân tộc khác. Nhưng các quốc gia khác nhau ở thế kỷ 21 này có nền văn minh khác nhau ! Hiện nay có nhiều tiêu chí để đánh giá nền văn minh của một quốc gia, nhưng nổi bật hơn cả là chỉ số phát triển con người HDI. Kinh tế- khoa học kỹ thuật chỉ là một trong những yếu tố CẦN chứ chưa phải là yếu tố ĐỦ cho một nền văn minh. Vậy thì cái gì quyết định chính yếu cho một nền văn minh? Đó là Hệ Tư Tưởng làm cơ sở nền móng cho điều kiện phát triển con người: Ở xã hội đó con nguoì có đươc giải phóng hoàn toàn không cả về mặt thể chất và tinh thần, hay nói cách khác ở xã hội văn minh con người phải được tự do phát triển. Cụ thể là tự do làm việc, tự do học tập, tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận để biểu đạt những suy nghĩ của mình.v.v.. Muốn thế xã hội văn minh phải là một xã hội thực sự dân chủ, để quyền con người thực sự được tôn trọng. Một xã hội văn minh là động lực để xã hội ấy phát triển. Còn ngược lại, một xã hội chưa đạt được điều kiện văn minh thì xã hội ấy không thể phát triển được. Trong thời đại ngày nay (thế kỷ 21) xã hội nào văn minh thì nó hội đủ điều kiện để phát triển, ngược lại thì ngày càng tụt hậu !

    Trả lờiXóa
  3. Thích Nói Thậtlúc 23:26 5 tháng 1, 2015

    Hãy khơi dạy lòng tự trọng cho mỗi công dân VN !!!. Đầu tiên là các quan chức , đảng viên , các thầy cô. Họ phải biết xấu hổ khi tham nhũng , làm việc xấu xa có hại cho đất nước và xã hội. Sau đó nhân dân và các em học sinh lấy hình ảnh của họ học tập noi theo . Có vậy đất nước sẽ hùng mạnh và xã hội sẽ văn minh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. quá muộn rồi, năm 2020 không còn VN nữa đâu, dù cái xác vẫn mang danh, nhưng cái hồn 100% là của tàu cộng.
      chúng ta đang là những tù nhân của đảng csVN, đảng csVN đang là con tin trong tay cs tàu.

      Xóa
  4. Một chiến hạm hiện đại của quốc gia tân tiến thả neo gần hòn đảo hoang vu trên đại dương , hạm trưởng lệnh cho thủy thủ chuẩn bị một ít dụng cụ thô sơ gồm dao , rìu , xẻng , cuốc để làm quà tặng dân trên đảo . Cuộc viếng thăm đảo kết thúc , dân trên đảo cũng tặng thủy thủ đoàn ít quà trước lúc chia tay , về đến tàu , hạm trưởng hỏi sĩ quan phụ trách chính trị :
    - Thổ dân trên đảo họ tặng ta cái gì vậy ?
    - Báo cáo hạm trưởng , 5 giàn máy vi tính ạ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thái tử du học ở Mẽo dzìa. Tía nó hỏi:
      - Ở Mỹ có gì hay, mậy?
      - Tía ơi, nó cực kỳ hay luôn. Nó có dây chuyền giết heo hiện đại. Tía bỏ con heo dzô 1 đầu, đầu kia lập tức nó cho ra cây xúc xích!
      - Tưỡng gì! Tao làm ngược lại, còn hay hơn nó, hổng cần dây chuyền gì ráo chọi. Con heo là mầy đó!

      Xóa
  5. Theo tôi thì văn minh là tinh hoa của nhận thức và những đỉnh cao của công nghệ .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn không thể đặt ra một định nghĩa được? Đừng nhầm với những ý kiến khôi hài vui vui nhé

      Xóa
  6. Có một giống người mù sống ở một chốn xa xôi. Chứng bệnh mù cứ hoành hành nơi như bị tách rời và quên lãng với phần còn lại của thế giới. Những người già trở thành sờ soạng, những người trẻ chỉ nhìn thấy lờ mờ. Vì thị lực của họ chỉ suy yếu từ từ nên họ hầu như không đau khổ mấy về sự mất mát này. Thành thử đến lúc họ trở thành mù hẳn thì họ nghĩ mình vẫn tồn tại?
    Thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, họ đã quên mất nhiều điều mà con người phải được hưởng...

    Trả lờiXóa
  7. Một cách mau nhất và hữu hiệu nhất là chính trị
    độc đảng độc tài không thò bàn tay "lông lá" vào
    mọi lãnh vực để định hướng nhân dân...kiểu trời
    ơi đất hỡi :đảng ta là đạo đức là văn minh !

    Trả lờiXóa