Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

COI THƯỜNG PHẢN BIỆN LÀ TỰ CHUI VÀO VỎ ỐC

* TÔ VĂN TRƯỜNG
Sự kiện Quốc hội khóa trước, bác bỏ dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam và mới đây là Ủy ban nhân dân Thừa Thiên-Huế quyết định cho dừng việc triển khai dự án du lịch ở núi Hải Vân và Đà Nẵng tạm dừng dự án hải đăng sông Hàn là những ví dụ điển hình đáng mừng khi những người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước biết lắng nghe ý kiến phản biện của các vị lão thành cách mạng, tướng lĩnh, trí thức và nhân dân. Hay nói cách khác, ý kiến của người dân, những người đóng thuế đã có tác dụng để ngăn chặn, khắc phục kịp thời một số quyết định sai lầm của chính quyền địa phương và kể cả ở cấp quốc gia!
Theo PGS.TS. Russell Brooker (Mỹ), Học giả chương trình Fulbright: Bộ khung triết học của tư duy phản biện có cội nguồn từ triết lý phân tích và chủ nghĩa kiến tạo dược vận dụng từ 2.500 năm trước, như trong kinh Phật, chủ yếu là kinh Vệ đà và A-tì-đạt-ma; cũng như trong truyền thống Socrat của Hy Lạp, là những chất vấn nhằm tìm kiếm sự thật, được dùng để xác định xem những kiến thức dựa trên thẩm quyền liệu có thể được đánh giá lại một cách có lý lẽ với sự rõ ràng và nhất quán về logic hay không?.
Tư duy phản biện là một quá trình tư duy nhằm chất vấn các giả định hay giả thiết. Đó là cách để khẳng định rằng một nhận định nào đó là đúng hay sai, đôi khi đúng, hay có phần đúng. Tư duy phản biện là thành tố quan trọng của mọi nghề nghiệp chuyên môn, đặc biệt với giới lãnh đạo càng rất cần thường xuyên tiếp nhận nhiều kênh thông tin phản biện.
            Phản biện xã hội và phản biện khoa học có đặc tính riêng nhưng về bản chất không khác nhau. Chất lượng phản biện, trước hết phụ thuộc vào quan điểm, ý thức và khả năng chuyên môn của người phản biện. Nền tảng tự nhiên của sự cần thiết cho hoạt động phản biện đó là đặc tính vô minh, không thể nắm bắt và nhìn thấu hết cả hiện tượng lẫn bản chất nhiều sự việc trong cuộc sống. Vì lẽ đó,  người ra quyết định khôn ngoan bao giờ cũng cần nghe ý kiến phản biện nhiều chiều và để có phản biện chất lượng, trung thực, khách quan thì phải có môi trường thông thoáng, dân chủ cho tư duy độc lập, sáng tạo và truyền thông trách nhiệm.
Thực tiễn cuộc sống là bức tranh rất sinh động của phản biện xã hội. Các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, dân chủ dân sinh, công bằng xã hội, kỷ cương phép nước minh bạch của những người quản lý điều hành đất nước trong quá trình thực thi luôn cần có quá trình điều chỉnh và hoàn thiện thông qua tiếng nói chính trực của đông đảo quần chúng nhân dân. 
Nhân dân chính là tác nhân sản sinh ra những luận điểm có tính chân lý. Mặt khác, chúng ta đều biết sức mạnh và tác động to lớn của các phương tiện truyền thông , báo chí đến với xã hội và người dân. Vì vậy, thông tin càng  đầy đủ, chính xác, kịp thời khách quan và khoa học thì giá trị và hiệu quả của định hướng dư luận càng có giá trị lớn. Quan trọng hơn ở thời đại kỹ thuật số và tốc độ truyền tin nhanh như tốc độ ánh sáng hiện nay thì bưng bít thông tin hay có suy nghĩ là không cho biết thì người dân sẽ cũng không biết, càng nguy hiểm và phản tác dụng.
Đối với tình hình thực tế ở nước ta, muốn ổn định và phát triển bền vững nhà cầm quyền đừng bao giờ thực hiện phản biện bằng cách cho phép “vỗ tay bằng một bàn tay”. Thật là sáng suốt cho người lãnh đạo vào lúc khó khăn, nguy nan biết đặt câu hỏi ta nên làm gì? và lắng nghe các lời tham mưu có tâm, có tầm của các bậc trí giả. Ngày xưa, các bậc vua chúa cũng nhờ biết nghe lời can gián, dùng người tài để được đời sau gọi là minh quân.
Nên đặt trọng tâm vào các giải pháp của công tác phản biện xã hội, hoàn toàn có thể thực hiện triển khai ngay bằng thu thập thông tin rộng rãi từ các thành phần xã hội, sau đó tập hợp phân loại các nhóm ý kiến chủ yếu, bức xúc để đưa ra giải pháp thiết thực bổ sung, điều chỉnh, hoàn chỉnh các chủ trương chính sách hay quá trình thực hiện. Với trình độ công nghệ thông tin hiện đại, ý kiến phản biện ngày nay hoàn toàn có thể thu thập nhanh chóng từ mọi tầng lớp từ nhân dân đến các chuyên gia trong và ngoài biên chế hành chính ở mọi lĩnh vực, không tốn kém. Sau đó, chỉ cần thuê một số chuyên gia trình độ cao trong lĩnh vực cụ thể (có thể dễ dàng lập một thư viện chuyên gia trong các lĩnh vực) để tổng hợp phân tích thông tin sẽ chọn được những ý kiến, giải pháp đúng đắn, đồng thời loại bỏ được những ý kiến thiếu thiện chí, chỉ vì lợi ích cục bộ.
Người chuyên gia tư vấn không nhận lệnh, không báo cáo, không kiến nghị, không đệ trình. Người chuyên gia tư vấn cho lời khuyên và lời can. Khuyên làm việc tốt cho dân, cho nước. Can làm việc hại cho dân, cho nước còn việc quyết định phụ thuộc vào  thẩm quyền, tư chất của lãnh đạo và quy định của pháp luật.  
Ông Võ Văn Kiệt đã làm việc đó từ lâu, nhưng ông mới sử dụng một nhóm chuyên gia nhỏ nhưng qua thời gian kiểm nghiệm cho thấy vẫn có giá trị cao được ghi nhận.  Những giây phút cảm động nhất, kính trọng nhất, khâm phục nhất là khi được nghe ông Kiệt tâm sự rất chân thành về một vài quyết định của mình “chưa được trúng”! Trong bối cảnh ra quyết định đó, ông là nhà chính trị trong hệ thống tổ chức, khó làm khác đi được nhưng thật sáng suốt và dũng cảm là qua kiểm nghiệm thực tế, biết lắng nghe ý kiến phản biện đa chiều, ông tự nhìn ra những khiếm khuyết, biết sửa và biết rút ra bài học cho chính mình và  các thế hệ đi sau.
Chúng ta đều biết trên thế giới này không có nhà nước nào tránh được sai lầm khi đưa ra các chủ trương, chính sách. Nếu lãnh đạo biết lắng nghe ý kiến của người dân, phân tích, sàng lọc các ý kiến tư vấn của các tổ chức độc lập thì chắc chắn mức độ sai lầm và hậu quả của nó  sẽ giảm đi đáng kể!
Một ví dụ điển hình của lối "vỗ tay bằng một bàn tay" là việc lấy ý kiến đóng góp vào sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Khi có kiến nghị sửa một số điều cơ bản  về thể chế chính trị thì lập tức người có vị trí lãnh đạo cao nhất liền phê phán nặng nề là "thoái hóa, biến chất" nhưng không cho công bố những ý kiến phản biện để có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan của nhiều người. 
Nhiều  thư của trí thức, tướng lĩnh, sĩ quan, nhà hoạt động tôn giáo...gửi các nhà lãnh đạo dưới hình thức ý kiến đóng góp của tập thể một số người hoặc của từng cá nhân đều không nhận được trả lời, thậm chí còn bị nhiều cách đối phó bằng quyền lực, kể cả biện pháp thô bạo, phi đạo lý.  
Thực tế cho thấy, hiện nay nhân dân, trước hết là các kẻ sĩ, đang có nhiều suy nghĩ, trăn trở về vận mệnh đất nước, sẵn sàng đóng góp ý kiến với lãnh đạo, phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách đối nội và đối ngoại. Chỉ cần lãnh đạo thật tâm lắng nghe, tôn trọng các ý kiến đóng góp; nếu không đồng tình với ý kiến nào mà mình cho là không đúng hoặc có dụng ý không lành mạnh thì đưa ra tranh luận công khai, phản bác một cách minh bạch, bỏ lối quy kết tùy tiện, một chiều và nhất là không dùng bạo lực vô văn hóa để đối phó. Như vậy, chắc chắn tinh thần phản biện xã hội sẽ được phát huy, lòng tin của dân đối với chế độ sẽ được khôi phục, dân và lãnh đạo như hai bàn tay cùng vỗ, cùng kéo để đưa đất nước vượt qua thách thức đang uy hiếp độc lập, chủ quyền và kìm hãm sự phát triển.
Cuộc sống là quá trình vận động và luôn đòi hỏi có sự đóng góp của phản biện xã hội. Đất nước ta đang  bước vào đầu xuân mới, nhiều thời cơ và thách thức, nguồn trí tuệ đang dâng lên, dòng nhân ái đang chảy mạnh, nhiều tấm gương biết làm, biết viết, biết nói, để thúc giục nhân tâm, kiên nhẫn từng giờ, từng phút “vắt óc” nghĩ suy tạo ra năng lượng tích cực trong nhân gian. Đó cũng là nguồn lực sâu xa đang âm vang, cộng hưởng, sẽ tác động tới những nơi cần lắng nghe, nếu được tiếp thu sẽ là hồng phúc cho đất nước.
T.V.T (Tác giả gửi BVB)
--------------

10 nhận xét:

  1. Trương Minh Tịnhlúc 04:34 9 tháng 1, 2015

    Bài viết hay.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu không có người bạn tốt thì ta khó biết được những sai lầm của bản thân!

    Trả lờiXóa
  3. GS cứ YÊN TÂM đi, Việt nam ta có ĐẢNG LÃNH ĐẠO TÀI TÌNH, có BCT SÁNG SUỐT đề ra các NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG không bao giờ SAI , Đảng và nhân dân ta chỉ việc CHẤP HÀNH NGHIÊM CHỈNH các nghị quyết của ĐẢNG mà thực hiện . CẤM CÃI.....

    Trả lờiXóa
  4. Óc phán đoán là nền tảng của óc phê bình. Thiếu nó, chúng ta không thể có những ý kiến riêng về người và sự vật. Nói một cách khác, có những người trí tuệ kém hoặc tầm thường nên dễ chấp nhận những tín điều mà không cần suy xét.
    Những người có óc phê bình già dặn bao giờ cũng hiếm, Người ta thường bảo: “Con người là một con vật bị định hướng tín ngưỡng”.
    Giờ là lúc chúng ta thoát khỏi việc không biết chủ động tư duy.

    Trả lờiXóa
  5. Vì cable quang đang bị đứt (nghe nói 23/1/2015 mới sửa xong) nên việc đọc blog rất chậm. Nhấn F5 - MỘT lần - nếu chậm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. bao giờ mọi việc an bài xong (hội nghị TW họp xong, ồn ào bá thanh xong) thì mới "nối cáp" để cấm khẩu dân bàn tán.

      Xóa
  6. Tôi một bà già tối ngày lo nấu cơm ,rửa bát,thỉnh thoảng lên mạng,gởi email cho ông Obama bàn về những vấn đề tạo công ăn việc làm cho dân chúng,làm sao tạo dựng nền hòa bình cho toàn dân trên thế giới: Khuyên ông hãy bắt tay giao hảo với các nước nhỏ Cộng Sản như Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn, vì người Mỹ có hai đối thủ đáng ngại là Nga và Trung Hoa,đa số những ý kiến đềù được ông tổng thống vui vẻ đón nhận.Ðây là một bằng chứng: Nhân tài nằm trong đầu của nhân gian.Nhưng cũng là cái thú được sống trong một nước tự do dân chủ, trong thời đại internet.

    Trả lờiXóa
  7. Sự phản biện hay phê phán được người CS."xử lý"
    kiểu 2 mặt một cách đểu giả như sau :
    -ngoài mặt thì họ hô to là không có VÙNG CẤM,bất
    đồng chính kiến là BÌNH THƯỜNG nhưng trong nội
    bộ thì họ nói thẳng với nhau như sau để TRÂN ÁP :
    -phản biện là PHẢN ĐỘNG,phản cách mạng CS.

    Trả lờiXóa
  8. Mấy hôm nay gửi nhiều ý kiến mà không thấy được đưa lên? Không biết có trục trặc kỹ thuật gì không? Nếu Bác đưa TEST này lên, là không bị, mà do ý kiến không chuẩn mực. Rút kinh nghiệm. Xin cám ơn.

    Trả lờiXóa
  9. Tôi cũng gặp hiện tượng như Nặc danh 09:12 Ngày 09 tháng 01 năm 2015

    Trả lờiXóa