Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

QUYỀN LỰC của KHÔNG QUYỀN LỰC - Phần 14


* VÁCLAV HAVEL 
(tiếp theo - Phần 14)
... Thích nghi là chiều hướng tích cực trong sự phản ứng của chính quyền, và nó có thể, và thường là, bao gồm một một dải quang phổ rộng với nhiều hình thức các giai đoạn khác nhau. Một số nhóm có thể cố gắng tích hợp các giá trị hay con người từ "thế giới song song" vào các cấu trúc chính thức để tận dụng và để trở thành giống như họ, và do đó để điều chỉnh sự mất cân bằng hiển nhiên và không bao biện được. 
Trong những năm 60, những người cộng sản tiến bộ bắt đầu "khám phá" các giá trị và hiện tượng văn hóa chưa được nhận diện. Đây là một bước tiến tích cực, mặt dù không phải không nguy hiểm, vì các giá trị khi bị "tích hợp" hay "phù hợp hóa" sẽ mất đi phần nào sự độc lập và tính nguyên bản của nó, và khi được phủ lên một lớp áo choàng về tính hợp pháp và phục tùng, thì độ tin cậy của nó cũng suy yếu đi ít nhiều. 
Trong giai đoạn tiếp theo, sự thích nghi này có thể dẫn tới vô số nỗ lực về phía cấu trúc chính thức nhằm thực hiện các cải cách, trong cả tính mục đích và cấu trúc của nó. Những cải cách như vậy thường là nửa vời; chúng là những cố gắng tích hợp và phối hợp một cách thực tế giữa phục vụ cuộc sống và phục vụ sự tự vận hành hậu toàn trị. Nhưng chúng không thể khác hơn được. Chúng đánh lộn sòng cái trước đây vốn là ranh giới rõ ràng giữa sống trong sự thật và sống trong dối trá. Chúng phủ lên một màn sương khói lên hoàn cảnh, thần bí hóa xã hội và gây khó khăn cho con người trong việc duy trì phương hướng cá nhân của họ. Tất nhiên, điều này không thay đổi được sự thật rằng sự thích nghi này về cơ bản là tích cực vì nó mở đường vào những không gian mới. Nhưng nó cũng làm cho việc phân biệt giữa những nhượng bộ "chấp nhận được" và “không chấp nhận được" trở nên khó khăn hơn. 
Một giai đoạn khác, cao hơn của thích nghi là một quá trình phân biệt hóa nội tại xảy ra trong các cấu trúc chính thức. Những cấu trúc này tự mở ra cho những hình thức đa nguyên ít nhiều được thể chế hóa, bởi vì các mục tiêu đích thực của cuộc sống đòi hỏi như vậy. (Một ví dụ: nếu thiếu sự thay đổi cái nền tảng vốn bị tập trung hóa và thể chế hóa của đời sống văn hóa, các nhà xuất bản, tập san nội bộ, các nhóm nghệ sỹ, các viện nghiên cứu song song, và v.v., có thể xuất hiện dưới sức ép từ "bên dưới". Hay một ví dụ khác: một đoàn thanh niên duy nhất và đồng nhất vốn do chính quyền điều khiển như là một "dây chuyền chuyển động" điển hình của nhà nước hậu toàn trị, dưới sức ép của các nhu cầu đích thực, đã bị phân rã thành một loạt các tổ chức ít nhiều độc lập như Hội Sinh viên, Hội Học sinh Trung học, Hội Công nhân Trẻ v.v.). Có một mối liên hệ trực tiếp giữa sự đa dạng hóa, cái cho phép những đề xướng từ bên dưới được cảm nhận, và sự xuất hiện và thể chế hóa các cấu trúc mới vốn đã tồn tại song song, hay ít nhất là được các thiết chế chính thức tôn trọng hoặc ít ra là khoan nhượng ở các mức độ khác nhau. Những thiết chế mới này không chỉ gồm các cấu trúc chính thức đã được tự do hóa để thích ứng với những đòi hỏi chân chính của cuộc sống; chúng là sự thể hiện trực tiếp của các nhu cầu ấy, đòi hỏi một vị trí trong bối cảnh những gì hiện đã tồn tại. Nói cách khác, chúng là những biểu hiện chân chính của xu hướng tự tổ chức của xã hội. (Ở Czechoslovak, năm 1968, các tổ chức nổi tiếng nhất theo kiểu này là KAN, Câu lạc bộ những người không cộng sản nhiệt tâm, và K123, một tổ chức của các cựu tù chính trị). 

Giai đoạn tột cùng của quá trình này là tình huống trong đó các cấu trúc chính thức - như là các đại diện của hệ thống, tồn tại chỉ để phục vụ sự tự vận hành của nó, và được kiến trúc trên tinh thần ấy - đơn giản là bắt đầu suy tàn và chết dần, để bị thay thể bởi những cấu trúc mới đã tiến hóa từ "bên dưới" và được sắp đặt với nhau theo cách hoàn toàn khác. 
Tất nhiên, có thể hình dung ra nhiều con đường khác trong đó những mục tiêu của cuộc sống có thể đem lại những chuyển biến về chính trị trong cách tổ chức chung của sự vật và làm suy yếu trên mọi tầng mức sức ảnh hưởng của các kĩ xảo giật dây [của nhà nước hậu toàn trị] lên xã hội. Ở đây, tôi mới chỉ nói đến con đường mà cách tổ chức chung của sự vật đã thay đổi trên thực tế, như chính chúng ta đã trải nghiệm ở Czechoslovak vào khoảng 1968. Phải nói thêm là tất cả những ví dụ cụ thể trên là một phần của một quá trình lịch sử đặc thù, và không nên coi đó là con đường duy nhất, hay nhất thiết phải lặp lại (đặc biệt là không ở nước ta), một thực tế mà, tất nhiên, không làm giảm sút tầm quan trọng của những bài học chung, cái vẫn đang được tìm kiếm và rút ra từ quá trình ấy cho đến tận ngày nay. 
Trong khi bàn về chủ đề 1968 ở Czechoslovak, có thể sẽ thích hợp nếu chỉ ra một số các lĩnh vực phát triển điển hình trong giai đoạn này. Mọi sự chuyển dạng, trước hết là ở "tâm trạng" chung, sau đó là nhận thức, và cuối cùng là cấu trúc, không xảy ra dưới sức ép từ các kiểu cấu trúc song song vốn đang định hình ngày nay. Những cấu trúc ấy - vốn xác lập một phản đề sắc nét cho các cấu trúc chính thức - đơn giản là không tồn tại trong thời gian ấy, mà cũng chẳng có "nhà bất đồng chính kiến" nào tồn tại theo nghĩa hiện nay của từ này. Những thay đổi diễn ra chỉ đơn giản là hậu quả của các sức ép đủ loại, cái triệt để, cái nửa vời. Đã có những cố gắng nhất thời hướng vào các hình thức tư duy, sáng tạo độc lập và biểu đạt chính trị dự do hơn. Đã có những nỗ lực ngay lập tức, dài hạn và kín đáo nhằm làm cho đời sống xã hội độc lập thẩm thấu được vào các cấu trúc đang tồn tại, thường bắt đầu bằng sự thể chế hóa âm thầm của đời sống này trong và xung quanh ngoại vi của các cấu trúc cấu trúc. Nói cách khác, nó là một quá trình tiệm tiến của sự thức tỉnh xã hội, một kiểu quá trình "xâm thực", theo đó các không gian bí mật dần dần hé lộ ra. (Có một phần sự thật trong tuyên truyền chính thức về một cuộc "phản cách mạng xâm thực" ở Czechoslovakia, là khái niệm được họ dùng để nói về cách mà các mục tiêu của cuộc sống đã tiến lên). Động lực đằng sau sự thức tỉnh này không phải đến trực tiếp từ đời sống độc lập của xã hội, cái được coi như là một môi trường xã hội được định rõ (mặc dù đương nhiên nó cũng xuất phát từ đây -một thực tế vẫn còn chưa được coi trọng đúng mức). Nó cũng có thể đơn giản đã xuất phát từ thực tế rằng con người làm việc trong những cấu trúc chính thức, vốn ít nhiều đồng hóa họ với ý thức hệ chính thống, [bỗng thức tỉnh] và nhận ra hiện thực như nó vốn có, và sự thức tỉnh ấy dần dần trở nên rõ ràng với họ, qua những cuộc khủng hoảng xã hội ngấm ngầm và những kinh nghiệm cay đắng của chính bản thân họ về bản chất thực sự và sự vận hành của hệ thống. (Tôi đang nghĩ đến chủ yếu là những người cộng sản cải cách "chống giáo điều", những người, qua năm tháng, đã trở thành một lực lượng bên trong các cấu trúc chính thức). Các điều kiện thích hợp và raison d'être [lí do tồn tại] cho những đề xướng độc lập "tự cấu trúc" vốn quen thuộc với chúng ta trong thời đại của các "phong trào bất đồng chính kiến" - những phong trào hoàn toàn biệt lập với các cấu trúc chính thức và bị các cấu trúc ấy phủ nhận en bloc [hoàn toàn]. Vào thời gian đó, hệ thống hậu toàn trị ở Czechoslovakia chưa bị xơ cứng hóa đến mức thành các dạng thức cố định, cằn cỗi và trì đọng như ngày nay, các dạng thức đã buộc con người phải quay lại tìm về khả năng tổ chức của chính họ. Vì nhiều lí do xã hội và lịch sử, chính quyền 1968 cởi mở hơn. Cấu trúc quyền lực, bị kiệt quệ bởi chủ nghĩa chuyên chế Stalin và sự tìm kiếm tuyệt vọng một cuộc cải cách không đau đớn, đã không thể tránh khỏi thối rữa từ bên trong, hầu như bất lực trong việc đưa ra một sự chống đối thông minh nào để phản lại sự thay đổi trong tâm trạng, phản lại cách mà những thành viên trẻ tuổi nhìn sự vật, và để chống lại hàng nghìn biểu hiện chân chính của cuộc sống trên bình diện "tiền chính trị" bừng nở trong vùng đất chính trị bao la nằm giữa chính thức và không chính thức. 
Từ góc nhìn tổng quát hơn, một tình huống điển hình nữa lại tỏ ra quan trọng: sự sôi sục trong xã hội đã lên tới đỉnh điểm vào năm 1968 chưa bao giờ - theo nghĩa những thay đổi cấu trúc thực sự - đi xa hơn là cải cách, hoặc đa dạng hóa hay thay thế các cấu trúc, vốn chỉ đóng vai trò thứ yếu. Nó không động đến cái cơ bản của cấu trúc quyền lực trong hệ thống hậu toàn trị, những nguyên tắc nền tảng về tổ chức xã hội, thậm chí không chạm đến cái mô hình kinh tế mà trong đó mọi quyền lực kinh tế đều phục tùng quyền lực chính trị. Cũng không có sự thay đổi cấu trúc cơ bản nào trong những công cụ trực tiếp của quyền lực (quân đội, cảnh sát, tư pháp, v.v.). Ở tầng mức này, vấn đề chưa bao giờ vượt quá một sự thay đổi trong tâm trạng, nhân sự, đường lối chính trị và hơn hết, thay đổi trong cách mà quyền lực được thực thi. Mọi thứ khác đều còn ở bước thảo luận và lên kế hoạch. Hai cương lĩnh được chấp nhận chính thức đã tiến xa nhất về mặt này là Cương lĩnh Hành động Tháng Tư 1968 của Đảng Cộng sản Czechoslovakia, và một đề xuất các cải cách kinh tế. Cương lĩnh Hành động không thể khác hơn là đầy những mâu thuẫn và giải pháp nửa vời, để mặc cho các khía cạnh vật lý của quyền lực không được động chạm tới. Và các đề xuất kinh tế, trong khi đi một đoạn đường dài nhằm đáp ứng các mục tiêu của cuộc sống trong lĩnh vực kinh tế (chúng chấp nhận những ý tưởng như là sự đa dạng về lợi ích và sáng kiến, các động lực động, các hạn chế của hệ thống kinh tế chỉ huy), cũng không động tới trụ cột chính của quyền lực kinh tế, tức là nguyên tắc sở hữu nhà nước, thay vì sở hữu xã hội thực sự đối với các công cụ sản xuất. Vì thế, có một khoảng trống ở đây mà không một phong trào xã hội nào trong hệ thống hậu toàn trị có thể làm cầu nối, với một ngoại lệ khả dĩ của những ngày ít ỏi trong cuộc nổi dậy ở Hungary
Những phương án phát triển nào khác có thể xuất hiện trong tương lai? Đáp lại câu hỏi này sẽ có nghĩa là bước vào địa hạt của phỏng đoán thuần túy. Hiện tại, có thể nói được rằng cuộc khủng hoảng xã hội âm ỉ trong hệ thống sẽ luôn luôn gây ra (và không có lý do gì để tin rằng nó sẽ ngừng lại) các rối loạn xã hội và chính trị (Đức năm 1953, Hungary, Liên Xô và Ba Lan năm 1956, Czechoslovakia và Ba Lan 1968, Ba Lan năm 1970 và 1976), tất cả đều rất khác biệt về bối cảnh, con đường tiến hóa và hậu quả cuối cùng. Nếu ta nhìn vào phức hợp to lớn của các yếu tố khác nhau đã dẫn đến những rối loạn như vậy, và vào sự bất khả thi trong dự đoán sự tích tụ ngẫu nhiên nào của các sự kiện sẽ gây ra sự sôi sục đó trong không gian bí mật để rồi lộ ra dưới ánh sáng ban ngày (vấn đề của "giọt nước cuối cùng"); và nếu ta xem xét liệu việc đoán trước cái mà tương lai đang che giấu từ những xu hướng đối nghịch nhau: một mặt là sự hội nhập ngày càng sâu sắc của "khối" và sự mở rộng quyền lực trong nó, và mặt khác là nhận thức dân tộc đang thức tỉnh trong các khu vực ngoài Nga (về mặt này Liên Xô không thể hi vọng sẽ vĩnh viễn ở ngoài cuộc đấu tranh toàn cầu cho giải phóng dân tộc), thì ta phải thấy sự vô vọng của việc cố gắng đưa ra các phỏng đoán dài hạn. 
Dù sao đi nữa, tôi không tin rằng kiểu tiên tri này có một ý nghĩa trực tiếp nào cho các "phong trào bất đồng chính kiến" vì những phong trào này, rốt cuộc, không phát sinh từ những tư tưởng tiên tri, và do đó, nếu chúng tự đặt mình vào cái nền ấy có nghĩa là đang xa lạ hóa chính mình với cái nguồn cội bản sắc. 
Như thế, về các triển vọng của các "phong trào bất đồng chính kiến", dường như rất ít khả năng là sự phát triển trong tương lai sẽ dẫn đến sự cùng tồn tại lâu bền giữa hai cơ thể tách biệt, không tương tác và khác nhau - polis chính thống và polis song song. Chừng nào mà nó vẫn còn là nó, thực hành sống trong sự thật không thể không đe dọa hệ thống. Thật không thể tưởng tượng được nó có thể tiếp tục cùng tồn tại với sống trong dối trá mà không có những mâu thuẫn đầy kịch tính. Quan hệ của hệ thống hậu toàn trị - chừng nào mà nó vẫn còn là nó - và đời sống độc lập của xã hội - chừng nào mà nó còn là nơi dành cho tinh thần trách nhiệm vì mọi người và cho mọi người - sẽ luôn luôn hoặc là xung đột ngấm ngầm, hoặc xung đột công khai. 
Trong tình huống này, chỉ có hai khả năng: hoặc là hệ thống hậu toàn trị sẽ tiếp tục phát triển (tức là, sẽ có khả năng để tiếp tục sự phát triển), và do đó mà không thể tránh khỏi sẽ tiến gần hơn đến viễn cảnh đáng sợ của Orwell về một thế giới của sự giật dây triệt để, trong khi mọi biểu hiện của sống trong sự thật sẽ bị hút kiệt khỏi hệ thống; hoặc là đời sống độc lập của xã hội (polis song song), bao gồm các "phong trào bất đồng chính kiến", sẽ từ từ nhưng chắc chắn trở thành một hiện tượng xã hội ngày càng quan trọng, đóng vai trò thực tế trong đời sống xã hội, sự tồn tại và bản chất của nó ngày càng trở nên rõ ràng và nó ngày càng có ảnh hưởng tới hoàn cảnh chung. Tất nhiên, điều này luôn chỉ là một trong nhiều yếu tố tác động đến hoàn cảnh và nó chỉ vận hành trên phông nền, trong sự hòa quyện với những yếu tố khác và theo cách phù hợp với cái nền ấy. 
Liệu nó có thể tập trung vào cải cách các cấu trúc chính thức hay khuyến khích [các cấu trúc này] phân hóa, hoặc thay thế chúng với những cấu trúc mới; liệu chủ đích là "cải thiện" hệ thống hay, ngược lại, đạp đổ nó: những câu hỏi đại loại như thế này, trong chừng mực mà chúng không phải các giả-vấn đề, có thể được nêu ra bởi các "phong trào đối lập" chỉ trong những hoàn cảnh cụ thể, khi phong trào ấy đối mặt với một nhiệm vụ cụ thể. Nói cách khác, nó phải đặt ra các câu hỏi, cũng như chính sự xuất hiện của bản thân nó, ad hoc [mang tính sự vụ], từ việc cân nhắc cụ thể những nhu cầu đích thực của cuộc sống. Tôi tin rằng, trả lời những câu hỏi như vậy một cách trừu tượng, và vẽ ra cương lĩnh chính trị theo một tương lai giả định nào đó có nghĩa là trở lại tinh thần và các phương pháp của chính trị truyền thống, và nó sẽ hạn chế và tha hóa thành quả của "bất đồng chính kiến" ở nơi mà nó là chính nó, và có triển vọng đích thực nhất cho tương lai.Tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng những "phong trào đối lập" này không xuất phát từ việc sáng tạo ra những thay đổi hệ thống, mà từ một cuộc đấu tranh thực, hàng ngày hàng giờ, cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, "ở đây và lúc này". Các hệ thống cấu trúc và chính trị mà cuộc sống khám phá ra cho chính mình sẽ luôn là - ít nhất trong thời gian sắp tới - hạn chế, nửa vời, không thỏa đáng và bị ô nhiễm bởi những tiểu xảo gây suy yếu. Nó tất yếu phải thế, và chúng ta phải lường trước điều này và không bị nó làm nhụt chí. Điều vô cùng quan trọng là cái nội dung chính - cuộc đấu tranh hàng ngày, tẻ nhạt và không bao giờ dứt của nhân loại để sống tự do hơn, trung thực hơn và trong danh dự thầm lặng - không áp đặt bất cứ một giới hạn nào lên nó, không bao giờ thiếu nhiệt tình, không nhất quán, không bao giờ bẫy mình vào những thủ thuật chính trị, đầu cơ trên những kết quả của hành động của mình, hay thỏa mãn những mơ ước hão huyền về tương lai. Sự thuần khiết của cuộc đấu tranh này sẽ là sự đảm bảo tốt nhất cho những kết quả tối ưu khi nó đi đến những tương tác thực sự với các cấu trúc hậu toàn trị...
(còn tiếp)
---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét