Hỏi: Dù là hân hạnh được T/S hứa là sẽ
trả lời những câu chuyện riêng tư nhất, nhưng xin bắt đầu bằng một đề tài thông
dụng của báo chí trong những ngày Tết. T/S nghĩ gì về triển vọng của 2014
so với các năm qua?
Đáp: Tôi vừa trả lời một quan chức
cao cấp Việt khi ông bày tỏ lạc quan cực điểm về việc ổn định của nền kinh tế
vĩ mô và việc hồi phục mạnh mẽ cácngành
ngân hàng, BDS, chứng khoán… Với tôi, nếu chúng ta cứ tiếp tục làm
những gì đang làm, thì chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái những kết quả tương tự trong
tương lai. Tôi nhìn lại và thấy ngoài những phát ngôn, chưa có một hành
động gì cụ thể để tác động tích cực hay tiêu cực trên thực tại. Hai yếu tố tăng
trưởng là khu vực FDI hay TPP phần lớn nhờ những yếu tố ngoài Việt Nam; tuy
nhiên, mọi thành quả tốt sẽ bị bù trừ bởi suy thoái và trì trệ tại lĩnh vực
“doanh nghiệp nội” và “thu nhập của đa số dân chúng”. Các yếu tố xấu như sự can
thiệp chủ đạo của chánh phủ, nợ xấu ngân hàng, vốn sở hữu các định chế tài
chánh và DNNN, bong bóng BDS, việc thao túng thị trường chứng khoán…chỉ gia
tăng chứ không giảm…
Hỏi: Có nghĩa là T/S rất bi
quan về triển vọng cho 2014?
Đáp: Không, nhưng cũng không lạc
quan. Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều thay đổi trong các khu vực và ngành nghề, nhưng
sẽ là một biểu đồ đi ngang về các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Hỏi: Nếu ông là một doanh nhân
năng động làm ăn tại xứ sở này. T/S sẽ làm gì trong những năm sắp đến?
Đáp: Tôi nghĩ đây là một bài toán
phức tạp và trước hết, cần nhận rõ mình có những lựa chọn gì, kỹ năng và trải
nghiệm của mình có thích ứng với môi trường kinh doanh và sau cùng, mình đang
có hoặc có thể nắm bắt những lợi thế cạnh tranh hay nguồn lực gì? Tóm lại, đây
là một nghiên cứu và tính toán thật chi tiết cho từng cá nhân, không thể “nói
chung chung” được.
Hỏi: Hiện tại, dự định cá nhân
của T/S là làm gì hay đầu tư vào đâu trong những năm tới?
Đáp: Hiện nay, vì phải chăm chú
vào sự hồi phục sức khoẻ sau 2 năm kém may mắn với bệnh hoạn, nên tôi gần như
làm việc rất ít. Ngoài chuyện viết lách cho Góc Nhìn Alan để chia sẻ với các bạn
trẻ (thực sự là một hobby) thì tôi chỉ làm tư vấn cho vài công ty lớn của Trung
Quốc và Philippines
về M&A và IPO. Còn các đầu tư cá nhân thì có các con cháu và đối tác lo
liệu, tôi chỉ cho ý kiến.
Hỏi: Nghe như T/S mô tả một
chương trình về hưu sớm? Còn các tài sản của T/S thì sẽ theo mô hình nào để
tăng trưởng?
Đáp: Tôi là người không tin vào
việc để lại di chúc. Tôi nhìn thấy quá nhiều trường hợp khi các đại gia chủ
soái “bỏ đi về thiên đường”, con cháu, bạn bè, nhân viên…quay mặt cắn xé nhau
và không từ bỏ thủ đoạn nào để chiếm hữu phần tài sản trội hơn số mình được
chia. Ngay cả khi còn sống, nhiều anh chị kế thừa vẫn sẵn sàng âm mưu giết hay
bố trí bắt cha mẹ vào nhà thương điên để hưởng thụ tài sản nhanh chóng hơn. Do
đó, tôi luôn đặt kế hoạch là phải phân chia hết mọi tài sản khi mình còn sáng
suốt, khoẻ mạnh…giữ lại vừa đủ cho bản thân sống đời giản dị trước khi chết.
Tôi tin là mọi người nên chết “trắng tay”, chỉ để lại một số tiền nhỏ cho con
cháu lo hậu sự. Nếu chi phiếu ma chay có bị hoàn trả vì “không tiền bảo chứng”
thì đó sẽ là trò đùa cuối cùng.
Hỏi: Trong việc viết “lách” cho
GNA, nhiều độc giả cho rằng ngoài các đề tài kinh tế, T/S Alan Phan rất chống
đối XHCN của các nước như Trung Quốc, VN, Bắc Triều Tiến hay Cuba , do những
“hận thù” còn vương vấn?
Đáp: Hoàn toàn sai. Hai lý do:
một, tôi luôn nghĩ mình là con người do khoa học đào tạo, tức là biết nhận thức
những góc nhìn đa chiều và không cố chấp, giáo điều. Thứ hai tôi rất may mắn là
không mất gì nhiều trong biến cố 1975, ngoài một số tài sản, khá lớn lúc đó,
nhưng nhìn lại từ hiện tại thì không đáng kể. Nếu tôi có những trải nghiệm về
đi tù cải tạo, hay có thân nhân bị hải tặc Thái cưỡng hiếp chẳng hạn thì có thể
lòng hận thù vẫn hiện diện? tôi không biết. Ngoài ra, tôi là một doanh nhân,
luôn nhìn về phía trước sau khi vấp ngã; không phải là một nghệ sĩ hay triết
gia chỉ biết đắm mình vào quá khứ.
Hỏi: Nhưng các bài viết của T/S
luôn nói đến cái “huy hoàng” của thời trước 1975?
Đáp: Đó là những hoài niệm về các
ký ức thật đẹp của một trai trẻ trong tuổi mới lớn, không pha một chút sắc màu
gì về chính trị. Bản thân tôi, hoàn toàn dị ứng với thế giới của các chính trị
gia. Qua tuổi 40, tôi có nhiều tiền, nên hay la cà theo nhiều chính trị gia
quyền lực nổi tiếng của Mỹ và các nước Á Châu. Sau vài năm, tôi học được một
điều quan trọng là nếu muốn sống chân thật và tử tế, không nên đu dây theo các
ông bà này.
Hỏi: Tuy nhiên, T/S có thực sự nghĩ rằng
chế độ cũ của miền Nam trước 1975 có thể đem lại cho đất nước một đời sống vật
chất hay văn hoá khả quan hơn cho phần lớn người dân?
Đáp: Tôi không biết. Muốn phán xét
thật công bằng, phải đem cân 2 chế độ theo rất nhiều chuẩn mực; rồi phải có sự
đồng thuận về giá trị của từng chuẩn mực. Nếu khả thi, thì đây phải là một
nghiên cứu sưu tầm rất công phu, khoa học, tốn nhiều thập kỷ và cần sự đóng góp
của cả ngàn chuyên gia tại khắp mọi lãnh vực.
Nhưng tôi nhìn nhận một
điều: tôi rất hạnh phúc với môi trường sống trước 1975. Thành phố
còn ít người, rác và ô nhiễm không tràn ngập, cảnh quan còn xanh đẹp với những
kiến trúc nửa Âu nửa Á, con người đối xử với nhau tình tự hơn, sự khoan thai và
thư giãn luôn hiện diện dù chiến tranh bao quanh…Nhiều yếu tố cấu thành có thể
không khách quan; nhưng Saigon hay Đà Lạt, Nha Trang ngày xưa nơi tôi
sống chứa đựng những vần thơ trong từng hơi thở; lênh láng những sắc màu đơn
giản hài hoà trong mỗi bước đi.
Bây giờ, tại những nơi đó, nhất là
Saigon và Hà Nội, toàn các hiện tượng văn hoá thật chướng tai gai mắt, thái độ
tham lam chụp giật chen lấn hiện diện trên từng khuôn mặt, từng hành xử…cảnh
quan thành phố thì lộn xộn không quy hoạch, vỉa hè bị chiếm, cây xanh bị
chặt…Mỹ có thành ngữ “it’s really ugly” (thật là xấu xí)…
Hỏi: Nhưng cái xấu xí vẫn không
ngăn ông sống và làm việc khá nhiều thời gian ờ Việt Nam ?
Đáp: Trong những năm gần đây, quả
tôi có hay về Việt Nam .
Nếu tôi chỉ thuần tuý là một người nước ngoài, tôi sẽ hưởng thụ rất tốt các thú
vui do đồng tiền mang lại như tiệm ăn ngon, bãi biển đẹp, nhiều chân dài sẵn
sàng, hay những chém gió hời hợt qua các tiệc rượu của những đại gia. Sau một,
hai năm, khi nhàm chán thì chỉ xách va li đến một xứ khác.
Nhưng vì tôi là người Việt, tôi
muốn tìm hiểu sâu hơn về quê hương và trong quá trình, tôi khám phá hai cái
hobby rất thú vị: một là Góc Nhìn Alan, nơi tôi chia sẻ hàng tuần với các trí
óc và tâm hồn trẻ đang khao khát đi tìm một dòng suối mát cho cuộc sống quá tệ
hại. Kế đến là những người bạn chỉ đợi tôi gọi là có mặt để cùng nhau chia vui
(khó tìm ở những nơi bận rộn như Hồng Kông hay Mỹ).
Hỏi: T/S nghĩ giải pháp “hoà
hợp hoà giải” có đem cho dân tộc Việt một sức mạnh mới và tạo một cú hích mới
cho xã hội?
Đáp: Chỉ nghe khẩu hiệu xong là
thấy mệt. Tại phần lớn các quốc gia phát triển, không ai buồn nói đến chuyện
hoà giải hay hoà hợp. Mọi cá nhân đều có những tư duy và phán xét rất khác biệt
nhau; không ai có thể bắt ai phải “hoà hợp” với lối sống hay “định hướng” của
mình. Điều quan trọng nhất phải là “tôn trọng”. Tôn trọng sự khác biệt,
tôn trọng cái tự do cá nhân, tôn trọng tài sản người khác từ vật chất đến trí
tuệ đến tâm linh. Có tôn trọng nhau thì sẽ có sự hiếu hoà và từ đó
tinh thần “hoà giải” phát sinh. Mà hoà giải không được thì cũng chẳng sao. Đưa
nhau ra toà hay nhờ các thành phần độc lập phân giải theo cơ chế pháp trị nếu
cần. Tốt hơn, thì “live and let live” (sống và để người khác sống).
Tôi dị ứng nhất là những người
ngoài thích xông mũi vào đời tư tôi để khuyên bảo. Tệ hơn nữa là bắt tôi phải
theo một giải pháp người khác đã định sẵn. Sau cùng, nếu người đó là một anh
chị ngu hơn mình thì chỉ biết khóc thầm.
Hỏi: T/S nghĩ thế nào về các thế hệ trẻ,
kế tiếp của Việt Nam
khi họ nắm quyền lực?
Đáp: Phần lớn các hoàng tử công
chúa, ngay cả những quản lý trung cấp, đã được đưa đi huấn luyện đào tạo khắp
nơi tại các nước phát triển. Như các bạn đồng trang lứa ở Âu Mỹ Nhật, họ thường
nắm bắt nhiều kỹ năng và sáng tạo, cùng khả năng dám ứng dụng những công nghệ,
cách quản lý mới hơn các bậc cha chú. Tôi đã kỳ vọng nhiều về những lãnh đạo
mới này.
Tuy nhiên, tôi khá thất vọng khi
tiếp xúc với họ vì ngoài các tài năng nói trên, tôi cũng nhận xét thấy lớp
người trẻ này không kém thế hệ trước về tinh thần vô cảm, lòng tham lam, sự
chụp giựt cơ hội…Họ giỏi hơn, nên cũng sâu hiểm và tàn nhẫn hơn. Kim Jong Un
của Bắc Triều Tiên là một ví dụ chính xác nhất.
Tôi chỉ hy vọng là mình sai trong
sự đánh giá này. Nếu không, đêm đông còn dài hơn là chúng ta mơ ước.
Hỏi: Nếu có quyền lực, T/S sẽ
tăng trưởng nền kinh tế này hay mức thu nhập người dân như thế nào?
Đáp: Chuyện tôi có quyền lực chắc
không bao giờ xẩy ra. Nhưng tôi tin vào sự năng động, sáng tạo và cần cù của
người dân Việt so với các quốc gia nhược tiểu khác. Tại Âu, Mỹ, Úc…họ bắt kịp
thu nhập chuẩn của các cộng đồng thiểu số trong thời gian kỷ lục.
Điều duy nhất họ cần là một môi
trường kinh doanh tự do và bình đẳng, không bị quấy phá bởi thành phần ăn hại.
Nếu là một lãnh đạo, tôi sẽ cùng các cộng sự đi nghỉ mát suốt ngày và để dân
tộc phát triển theo hưng phấn, động lực và kỹ năng tự tạo của họ. Hơi quá
khích, nhưng chắc chắn là sẽ tốt hơn cả ngàn lần bây giờ.
PV: Xin cám ơn T/S.
Trần
Lương thực hiện
----------------
Ôi.... cái ông ala phang này thì nói làm gì?
Trả lờiXóaHơn đứt các đỉnh cao trí tuệ 1 cái đầu về....trí tuệ....
Còn các mánh khóe, tiểu xảo (bẩn), mất dạy, côn đồ... thì xách dép theo hầu các đấng đỉnh cao muôn trượng không xong....