Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Tái bản cuốn kỷ yếu quy mô nhất về Hoàng Sa

IPN - Đây là cuốn kỷ yếu quy mô nhất về Hoàng Sa giới thiệu cho người đọc về vị trí địa lý, quá trình xác lập chủ quyền... nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Cuốn sách “Kỷ yếu Hoàng Sa” (tái bản có bổ sung, chỉnh sửa) dày 260 trang là sự tái bản bổ sung trên nền cuốn sách đã gây tiếng vang rất lớn cách đây chưa lâu. Điểm nổi bật của cuốn kỷ yếu này so với các tài liệu đã viết về Hoàng Sa là phần giới thiệu của các nhân chứng từng đến sống, làm việc tại quần đảo này trong những thập niên 50-70 của thế kỷ XX cùng cảm nhận của họ về vùng đảo và những ngày tháng sống và làm việc ở đây. Qua đó tiếp tục khẳng định sự hiện diện của người Việt Nam và sự chiếm hữu lâu đời, liên tục của nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đối với quần đảo Hoàng Sa đang bị nước ngoài chiếm giữ.

Bìa cuốn sách Kỷ yếu Hoàng Sa được tái bản
Trong cuốn kỷ yếu này, bạn đọc có thể tìm thấy những mốc lịch sử của Hoàng Sa một cách chi tiết nhất về quần đảo này.
Cuốn sách gồm các phần: Hoàng Sa chủ quyền Việt Nam; Công tác quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa; Huyện Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử; Cảm nghĩ của người Đà Nẵng về Hoàng Sa. Qua đó giới thiệu cho người đọc về vị trí địa lý, tầm quan trọng cùng những nội dung cơ bản của quá trình xác lập, khai thác, quản lý và bảo vệ chủ quyền của nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ trong lịch sử. 
Theo lãnh đạo UBND huyện đảo Hoàng Sa, việc xây dựng và xuất bản cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa” nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của nhân dân. Đây là một kênh trong công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về biển đảo, về Hoàng Sa và góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc.
Mặt khác cuốn sách còn nhằm bảo đảm tính khoa học, chuẩn xác và tính pháp lý để tạo lập niềm tin cho người đọc và đấu tranh chống các luận điểm xuyên tạc của một số sách, báo nước ngoài.
Trong phần cảm nhận của ông Nguyễn Văn Cúc, một chứng nhân của Hoàng Sa có đoạn: "Tôi thấy mình may mắn được làm việc, được cống hiến sức trẻ tại mảnh đất thiêng liêng ấy và tôi muốn chia sẻ để mọi người biết, để con cháu thế hệ mai sau biết rằng Hoàng Sa vô cùng tươi đẹp là một phần của Tổ quốc Việt Nam, hãy ghi nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam".
Đặc biệt, cuốn sách còn ghi nhận cảm nghĩ của “sói biển” Mai Phụng Lưu, một ngư dân sống ở huyện đảo Lý Sơn đã gắn bó mấy chục năm nay trên vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt cá: “Dù khó khăn đến mấy, cha con tôi cũng quyết không rời ngư trường của tổ tiên ông bà mình, dù có bị đánh đập, tịch thu tài sản hoặc thiên tai rủi ro luôn rình rập. Cầu cho trời yên biển lặng để cha con tôi tiếp tục đạp sóng ra khơi. Ra biển Hoàng Sa”.
Còn rất nhiều nhân chứng lịch sử khác đã kể nhiều câu chuyện về Hoàng Sa mà cuộc đời họ đã gắn bó trước đây mà bạn đọc có thể tìm thấy trong cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa” để thêm tin yêu vào mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tất cả điều đó đều khẳng định: Hoàng Sa là của Việt Nam.
Kỷ yếu Hoàng Sa tái bản lần 1 được cập nhật, chỉnh sửa nhiều nội dung, bổ sung nhiều hình ảnh hoạt động của Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa cùng một số tư liệu Hán Nôm và bản đồ có giá trị minh chứng cho chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Cuốn sách được tái bản với sự quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ của Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao; Viện Lịch sử Quân sự - Bộ Quốc phòng; Cục An ninh Thông tin truyền thông - Bộ Công An; Cục Xuất bản và Cục thông tin đối ngoại thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; Viện Hán Nôm; Ban Tuyên giáo; Sở Khoa học Công nghệ; Sở Thông tin truyền thông thành phố Đà Nẵng; Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Tiến sỹ Sử học Nguyễn Nhã; Tiến sỹ Trần Công Trục - Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ; Ông Nguyễn Quang Trung Tiến - Trưởng Khoa Lịch sử Đại học Khoa học Huế; Phó Giáo sư - Tiến sỹ Vũ Thanh Ca - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, quản lý Biển và Hải Đảo Việt Nam; Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng; Tiễn sỹ Ngô Văn Minh - Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III; Tiến sỹ Lê Quý Quỳnh, Cử nhân Hồ Quốc Thắng - Vụ Biển, Ủy Ban Biên giới Quốc Gia cùng nhiều tổ chức và cá nhân khác.
Hồng Chuyên

3 nhận xét:

  1. Quan điểm rõ ràng: không đối đầu, chỉ đối sách-đối sưu tầm.

    Trả lờiXóa
  2. TCB- Tao ra lênh cho các ĐC lãnh đạo VN bắt hết nhốt hết những ngươi VN biểu tình chống TQ xâm lược va hò hét TS HS là của VN???
    BCT-Bẩm bắt rồi nhốt rồi cả đánh đấm vỡ mặt NGƯỜI YÊU NƯỚC VIỆT và nhiều tro bân như bọn XHĐ nhưng vân k ổn?
    TCB-Làm tới đi...sẽ có thêm nhiều USD nữa???
    NGLUY

    Trả lờiXóa
  3. Nhân dân toàn thế giới họ không đọc được sách tiếng Việt , chỉ cần một cuộc biểu tình phản đối TQ xâm chiếm Hoàng Sa của VN là chỉ vài phút sau cả thế giới biết ! quyển sách này được bao nhiêu là Bộ , Ban , Cục , Viện , Sở , Ciáo sư , Tiến Sĩ giúp đỡ , giá mà các vị tổ chức và đi đầu trong các cuộc biểu tình phản đối quân TQ xâm lược thì hiệu quả biết bao nhiêu , biểu tình là biện pháp mang tính toàn cầu , còn sách chỉ có tính chất đơn phương , ít người biết .

    Trả lờiXóa