Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

HOÀNG SA - KÝ ỨC CỦA MỘT TRƯỞNG ĐẢO

           

* MINH DIỆN
           Năm kia, vào đúng ngày 19-1, tôi cùng người bạn đồng nghiệp báo Tiền Phong, vào thăm phòng truyền thống của huyện đảo Hoàng Sa trên đường Yên Bái, thành phố Đà Nẵng. Hai chúng tôi đang chăm xem tập Atlat “Trung hoa dân quốc dư đồ” do Tổng cục Bưu chính Trung hoa dân quốc phát hành năm 1919-1933, thì một người đàn ông nói với chúng tôi:
         - Trong cuốn Atlat ấy không hề thể hiện địa danh Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ lãnh thổ Trung quốc. Hai quần đảo thiêng liêng ấy là của chúng ta, của Việt Nam...
Giọng nói của người đàn ông không nén được xúc động. Tôi chào ông và nắm bàn tay gầy guộc của ông tỏ thái độ đồng tình. Ông nói với chúng tôi:
         -  Tôi là Nguyễn Văn Đức, từng làm Trưởng đảo Hoàng Sa!
         Qủa thật tôi không thể tin vào mắt, vào tai mình vì cuộc hội ngộ quá bất ngờ. Tôi nhìn kỹ người đàn ông trạc ngoài sáu chục tuổi, cao gầy, khuôn mặt khắc khổ sạm đen , mái tóc muối tiêu , và hỏi:
         - Anh làm Trưởng đảo Hoàng Sa năm nào ạ ?
         - Hơn bốn chục năm trước,1969 !
         Chúng tôi ra bến Tiên Sa, ngồi nhâm nhi ngụm cafe đắng  nhìn ra biển. Chiều hoàng hôn, những con sóng chập trùng đỏ rực ánh mặt trời như có vết máu loang.  Hình ảnh đó gợi lên trong lòng người đảo Trưởng đảo Hoàng Sa những ký ức xa xăm, và ông xúc động chia xẻ cùng chúng tôi:
         - Cuối tháng 10 năm 1969, từ bến cảng này, tôi và 34 chiến sỹ cùng 4 nhân viên khí tượng lên tàu ra Hoàng Sa. Nhiệm vụ của chúng tôi là canh giữ đảo và biển trời của Tổ quốc. Ngoài ra chúng tôi còn đo đạc thủy triều, quan trắc hiện tượng thời tiết, ghi chép diễn biến khí hậu trên đảo, báo về đất liền hàng ngày, phục vụ ngư dân đánh cá, và  tàu bè lưu thông trong vùng. Ngày ấy tôi mới 22 tuổi, một chuẩn úy vừa ra trường, được cử làm Trưởng đảo thứ 38 của quần đảo Hoàng Sa, trực thuộc Bộ chỉ huy biệt khu Quảng Đà...
Ông Nguyễn Văn Đức
kể lại Hải chiến Hoàng Sa
             Ông Nguyễn Văn Đức kể, lúc mới rời cảng Tiên Sa trời yên biển lặng, nhưng càng xa bờ sóng gió lớn dần. Cách đất liền khoảng  sáu mươi hải lý thì con tàu chao đảo trên sóng  gió dữ dội . Phải vật lộn với sóng gió hơn  24 tiếng đồng hồ trung đội cùa ông  mới tới Hoàng Sa. Nổi lên giữa đại dương, Hoàng Sa  được bao quanh bởi những  rặng san hô. Hôm ấy tàu không cập cảng được, trung đội của ông Nguyễn Văn Đức phải dùng xuồng máy chuyển quân  và vũ khí , khí tài.
             Ông Đức nói tiếp:
             - Trên đảo Hoàng Sa có ngôi nhà Trưởng đảo, xây từ thời Pháp thuộc, cao khoảng 8 mét, tường dày gần 2 mét. Trên bức tường ấy ghi tên tất cả những người lính đã từng ra giữ đảo. Tên tôi cùng các chiến hữu trong trung đội  và 4 nhân viên khí tượng cũng được ghi trên đó. Trước tôi đã có 37 Trưởng đảo và hơn 1.000 chiến hữu được ghi tên trên tường. Chúng tôi coi đó là niềm vinh dự vì  được đứng trên mảnh đất đầu sóng ngọn gió bảo vệ Tổ Quốc.
              Giữa đảo có tấm bia chủ quyền của Việt Nam, lập từ đầu thế kỷ 17.  Cách  không xa là một nghĩa trang có 30 ngôi mộ. Đó là mộ của các chiến sỹ giữ đảo hy sinh vì bệnh tật, và những lần đụng độ với bọn ngoại bang toan cướp đảo. Cũng có mộ của những ngư dân nước ta gặp nạn khi đánh cá trên vùng biển Hoàng Sa.
             Cạnh nghĩa trang có ngôi miếu rất linh thiêng. Mỗi khi thấy lòng bất an, chúng  tôi  thường vào miếu thắp nhang. Khi khói nhang tỏa hương thơm , sóng gió như dịu bớt, và  mọi người cảm thấy rất gần gũi đất liền, quê hương, bạn bè, người thân như ở bên mình.
            - Các anh biết không, ông Đức xúc động, Hoàng Sa giàu và đẹp vô cùng. Ngư dân đánh bắt ở  vùng biển  Hoàng Sa thu được  nhiều cá hơn các vùng biển khác. Những hàng cây trên Hoàng Sa tỏa bóng mát quanh năm. Và mỗi khi triều xuống, những  rặng san hô hiện lên, lộng lẫy đủ màu dưới ánh mặt trời,  như một rừng hoa . Chúng tôi thường ngắt một cụm san hô để trong chậu nước và bắt mấy con cá nhỏ bỏ vào cho nó bơi...
           Ngày ấy, ông Đức nhớ lại, tàu bè quốc tế thường xuyên qua lại vùng biển Hoàng Sa, họ rất tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ông và những người lính giữ đảo sẵn sàng giúp đỡ tàu bè qua lại, vả thường xuyên tới đảo Cát, đảo Chim, đảo Elbe, đảo Dunmon, đảo Duncan ...để cắm  cờ chủ quyền trên mảnh đất của ông cha đề lại...
           Ông Đức xúc động, trầm giọng xuống nhưng rành rẽ từng lời:
           - Tôi về đất liền nhưng vẫn thường liên lạc với anh em ngoài đảo. Khi nghe tin ngày 19-1-1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa và hầu hết các chiến hữu hy sinh, tôi đã khóc. Quần đảo Hoàng Sa  giàu đẹp của Tổ Quốc, thấm bao mồ hôi xương máu cha ông, của chiến hữu và bản thân tôi từng gắn bó đã bị ngoại bang chiếm mất rồi!  Liệu chúng  có để yên những nấm mồ anh em bà con mình, hay đập phá đi như tấm bia chủ quyền của Việt Nam? Chúng cũng đâu có để yên cho các vùng đảo khác của Tổ quốc ta.
             Chúng tôi đứng lặng nhìn ra biển. Ngoài khơi kia, chỉ 24 giờ tàu chạy, Trung Quốc đã xây dựng lên cái gọi là thành phố Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đang lăm le chiếm luôn Trường Sa. Trên vùng biền đảo của Tổ quốc, ngư dân ta đang  bị uy hiếp, bị cướp, vì những cái gọi là “tàu lạ”...
             Tôi lặng lẽ chia tay ông Đức, mang theo ký ức vể Hoàng Sa của một người Trưởng đảo.

             Hôm nay nghe tin ngoải Hà Nội tổ chức triển lãm trưng bày rất nhiều hiện vật và tài liệu quý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam, tôi ghi lại mẩu ký ức đó. Hy vọng ký ức của một người Trưởng đảo giúp bạn đọc hiểu thêm về Hoàng Sa mảnh đất thân yêu của Việt Nam.  
M.D
--------------

11 nhận xét:

  1. Bài này bác Bổng nên gửi cho 16 vị trong BCT đọc, xem các vị nghĩ gì?
    Chẳng lẽ cứ vì hoà hiếu, sợ chiến tranh với Tàu mà VNam không dám làm gì à?
    Tại sao không xem lại lịch sử Việt nam, xem ông cha ta đã làm gì để chống lại bọn Tàu.
    Gần nhất là có Vua Quang Trung, chỉ với quân số ít hơn 20 vạn quân Thanh mà đã đánh cho Tôn Sĩ Nghị không còn manh giáp, hồn xiêu phách lạc, về đến đất Tàu vẫn còn sợ.
    Bây giờ mặc dù giặc Tàu mạnh, nhưng so sánh tương quan lực lượng thì ta còn hơn Vua Quang Trung ngày xưa nhiều. Ngày đó Vua Quang Trung còn bị Nguyễn Ánh đánh ở phía Nam.
    Chỉ sợ là hiện nay còn có khá nhiều bọn Lê Chiêu Thống cản trở thôi.
    Tại sao ta không dám đánh một trận nhỏ, có tính đặc công, làm cho bọn tàu ở Hoàng Sa sợ mất vía, ở đó ngày đềm không yên?
    Đặc công nước của Việt Nam giỏi nhất thế giới kia mà? Nếu ta đánh được một trận tiêu diệt nhanh gọn, bất ngờ thì tụi Tàu sẽ chùn tay ngay.
    Mềm nắn rắn buông mà, mặc dù không chiếm lại được Hoàng Sa nhưng sẽ dằn mặt bọn tàu hải giám, để ngư dân ta yên ổn làm ăn.
    Tôi nghĩ là với trận đánh thần tốc như vậy, bọn Tàu sẽ không giám phản ứng, vì nó phản ứng là sẽ dây với lửa Thăng Long. Và nếu chiến tranh nổ ra, bọn Tàu sẽ bị thiệt trước và thiệt nhiều hơn Việt Nam, chúng nó sẽ phải cân nhắc và sẽ không dám manh động trả thù đâu. Phải thử một lẩn, nắn gân tụi Tàu mới biết được. Tụi nó chỉ là con hổ giấy thôi!

    Trả lờiXóa
  2. Câu chuyện buồn nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Cam on nha bao va blog da cho toi hieu them ve Hoang Sa va mot nguoi Truong dao.Thi ra nguoi linh Viet nam cong hoa cung yeu To quoc chu khong phai ban nuoc hai dan nhu dang ta tuyen truyen nhi.Bay gio TQ chiem Hoang Sa roi ma dang noi giu nguyen hien trang thi nghia la ban nuoc xong roi nhi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người lính dù ở chiến tuyến khác nhau nhưng họ chiến đấu cho những điều họ tin tưởng cho tổ quốc và dân tộc.Tôi có nhớ một câu trong một bài thơ..''.anh không thể là ngụy vì anh đã hy sinh cho tổ quốc....'' Không ai yêu nước hơn ai cả chỉ có những bọn người tuyên truyền láo khoét và gian manh, lợi dụng lòng yêu nước của người dân để thực hiện những ý đồ riêng của đảng mình.

      Xóa
  4. Đánh bọn tàu hải giám này thì nên dùng kiểu "Yết Kiệu", có nghĩa là bí mật, không cho tụi Tàu biết là ai đánh.
    Ta đang có tàu ngầm Kilos mà, dùng tàu này đánh một quả đạn khoan thủng tàu hải giám rồi rút êm và nhanh, vì từ Hoàng Sa vào cảng Đà nẵng rất gần, bọn Tàu dù biết ta đánh nhưng khộng bắt được ai thì sẽ sợ mất vía vì không dám la to lên. Vì nếu la to lên thì chỉ làm trò cười cho các nước Asean. Nếu tay Tập điện thoại nóng hỏi bác Sang thì bác cứ hỏi lại" bằng chứng đâu?"
    Đánh chìm vài tàu theo kiểu như vậy thì bọn tàu hải giám hết hung hăng.
    Ngư dân ta ra khơi sẽ không còn sợ chúng nữa.

    Trả lờiXóa
  5. Anh Diện soa không chụp ảnh bác Nguyễn Văn Đức trưởng đảo nhỉ?
    Giá có ảnh bác Đức thì bài báo tuyệt hơn nhiều.
    Cảm ơn Anh Diện Anh Bồng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc ông Nguyễn Văn Đức không muốn. Nếu VN thắng trận Hoàng Sa thì khác.

      Xóa
  6. Ngày CQ M. Nam mất Hoàng Sa vào tay tầu cộng với những người con dám hy sinh và đánh trả quân thù. Khi đó M. Bắc, lãnh đạo CSVN đã ăn mừng vì họ vẫn tin ông bạn "16 vàng, 4 tốt" đánh là đánh cho họ. Rồi chiến trận 1979 đến 1984 tại 6 Tỉnh M. Bắc và Trường Sa, cũng ông bạn vàng đó. Họ đã đánh VN cho chính họ. Những bài học đau thương đó, CSVN không biết giữ nó như là 1 bài học kinh nghiệm xương máu. CSVN vẫn ngu xuẩn, vẫn ôm "16 VÀNG, 4 TỐT" để bảo vệ tình hữu nghị đó! Chuyện ngư dân VN bị tầu cộng BẮT, ĐÁNH, GIẾT ở B. Đông, chưa có lãnh đạo VN dám đứng ra PHẢN ĐỐI tầu cộng, chưa có 1 tầu cảnh sát biển VN dám chung vai, sát cánh với ngư dân VN trên B. Đông. Khi tầu cộng ra tay tàn sát ngư dân Việt, lãnh đạo CSVN vẫn tiếp tục NHỊN trong tủi nhục. Ôi VN quê hương ta! Đến bao giờ mới có 1 đấng ANH HÙNG làm nên lịch sử! Đến bao giờ dân tộc VN mới rạng danh trên Thế Giới.

    Trả lờiXóa
  7. dua may anh thich danh nhau vao hai quan cu ra hoanh sa, truong sa xem co muon danh nhau nua khong

    Trả lờiXóa
  8. Tôi thích những câu chuyện chân thực giàu tính nhân văn của nhà báo Minh Diện. Tôi không thích những nhận xét hằn học, bôi bác nhau hoặc cố tình lái câu chuyện sang một hướng khác.Mỗi người đặt bút viết, dù chỉ một chữ thì đã là VĂN. Mà văn là NGƯỜI.Do đó không phải vì nặc danh mà mình viết ẩu được các bạn ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn ơi, phải chấp nhận thôi. Đó là dân chủ. Bạn thấy "hằn học", nhưng người khác thì cho là "gay gắt". Tôi thích những thái độ đó ở đây. Nếu thái độ đó là có thể sai, nó chỉ người ta buồn một chút (tôi cũng hay bị "hằn học"); nếu thái độ đó là đúng, người phạm lỗi chắc phải cảm thấy xấu hổ mà thay đổi.
      Ta thích hay không, cuộc sống vẫn tự nhiên tiếp diễn. Đừng quá cầu toàn mà mong mọi sự phải theo ý mình.

      Xóa