Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

DƯ ÂM BUỒN

                   
    *  MINH DIỆN
               Tôi dừng xe trước căn nhà nhỏ bé số 94/19 trong con hẻm đường Trần Khắc Chân, quận 1, thành phố Hổ Chí Minh. Nhìn qua cửa sổ tôi đã  thấy mái  đầu trắng phơ mờ ảo. Đó chính là nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, một cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam, nổi tiếng với các tác phẩm như Dư âm, Mẹ yêu con, Bài ca năm tấn, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre...
Một phụ nữ  bồng đứa trẻ bước ra, hỏi tôi:
               - Chú tới thăm nhạc sỹ hả?
               - Vâng!
               - Mời chú vào!
               Tôi bước qua manh chiếu, tránh mấy thứ đồ lộn xộn, vào căn phòng nhỏ xíu. Chiếc giường cá nhân thấp gần sát đất trải tấm đệm rách, có chiếc gối và chiếc mền chăn nhàu nát. Trên tường treo chiếc đàn tì bà cũ kỹ đứt dây cạnh tấm ảnh chủ nhân thời hoàng kim. Cạnh cửa sổ một chiếc bàn con, vài quyển sách và bản nhạc phủ đẩy bụi bặm. Bên trái một chiếc đàn Organ có lẽ ra đời từ những năm tám mươi, đã rệu rã với những phím đàn đen xỉn, mốc meo. Chiếc máy Cassete cũng cũ kỹ như chiếc đàn Organ đặt trên đầu giường, băng ghi âm đang nhả bài Dư âm,  giọng ca buồn của Ánh Tuyết  như cô đặc trong bầu không khí  ẩm mốc, cô quạnh.
               Nhạc sỹ đang chuẩn bị ăn cơm chiều. Chiếc khay nhựa đặt trên chiếc ghế gỗ, có chén cơm, chén canh, vài miếng đậu phụ. Tôi lên tiếng:
               - Em chào anh ạ!
               Ông già ngẩng nhìn tôi. Khuôn mặt vuông vức, vầng trán cao, tóc râu trắng toát lòa xòa.
                - Em là ai nhỉ? Anh quên mất rồi!
                -  Minh Diện đây anh !
                -  À, anh nhớ ra rồi! Khỏe không em?
                Ông chìa bàn tay xương xẩu, khô héo, teo tóp cho tôi , rồi bào :
                - Đưa giúp anh chiếc gậy , anh em mình ra kia uống trà!
                Tôi nói:
                - Thôi, ngoài đó đang sắp mưa, lạnh lắm!
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
                - Ừ, thế thì ngồi đây nói chuyện!
                Ông nói thế, và cười. Vẫn ánh lên nét hồn nhiên  trên đôi mắt đa tình của  một thời từng làm rạo rực trái tim  bao cô gái trẻ. Ánh mắt của một mối tình ngang trái đẹp như mơ , tạo lên một “dư âm” hơn nửa thế kỷ trước.
                Nguyễn Văn Tý năm nay đã 89 tuổi. Ông kể, hồi ấy ông ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, có người mai mối cho một người con gái và dẫn đến nhà cô chơi. Cô ấy đẹp nhưng nói nhiều,  cái duyên lộ ra hết ra ngoài. Bỗng một cô bé có đôi mắt to tròn, gương mặt thánh thiện, đẹp như vầng trăng mười sáu, thấp thoáng sau chị gái. Nguyễn Văn Tý nhìn đắm đuối và cô bé đáp lại bằng nụ cười e ấp. Thế là cảnh “Tình chị duyên em” xảy ra và người nhạc sỹ chiến sỹ phải nén lòng, lặng lẽ ra đi, bởi ngày ấy kỷ luật vệ quốc quân vô cùng khe khắt.
              Rồi một lần Nguyễn Văn Tý tình cờ gặp lại người con gái ở Vinh Yên. Cô đẹp hơn, là một diễn viên văn công, và đã có người yêu. Cô hỏi Nguyễn Văn Tý : “Sao ngày ấy anh bỏ đi biệt ?”.  Nguyễn Văn Tý  không trả lời, trao cho cô gái bản nhạc Dư âm mà ông đã sáng tác trong một đêm thầm nhớ người con gái ấy:
                 “ Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng thơ.../ Đê mê lòng nhớ giấc mơ,  môi em hé rung /  Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió...”
                 Sau cuộc chia tay , Nguyễn Văn Tý không gặp lại người con gái ấy. Ông bị cuốn theo  bước chân hối hả của bạn bè, đồng đội trong cuộc kháng chiến chống   Pháp.   Ông  có mặt trong đoàn văn hóa của Cục quân huấn, rồi nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn văn công Sư đoàn 304, làm trưởng đoàn , vừa hát vừa sáng tác  trên các mặt trẫn Cao Bằng, Lạng Sơn, Điên Biên Phủ.  Tuy nhiên bài  “Dư âm” của ông chỉ được hát vài lần rồi bị cấm và ông  bị kiểm điểm vì người ta nói bài hát ấy ủy mỵ, thiếu lập trường tư tưởng cách mạng.
                 Trong khi  miền Bắc cấm thì miền Nam lại  hát. Bài hát Dư âm bay bổng trên đài phát thanh Sài Gòn . Và  đó là  tai họa dáng xuống đầu Nguyễn Văn Tý. Người ta ghép ông vào nhóm “Nhân văn giai phẩm”.
                 Tôi hỏi :
                 - Có một bài báo viết , ngày ấy , theo lời khuyên của Lưu Hữu Phước, anh về  Hưng Yên . Có đúng không anh?
                  Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý nói:
                 - Đó là một lý do. Còn một lý do nữa, là mình đã sửa cà nhạc và lời một bài hát cho một nhạc sỹ. Bài hát nổi tiếng và ông ta trở thành một cán bộ lãnh đạo Hội âm nhạc. Ông ta muốn nhân cơ hội đẩy anh đi cho khuất mắt, để khỏi lộ chuyện nhờ sửa nhạc...
                  - Anh ở Hưng Yên cũng lâu nhỉ?
                - Tám năm. Đúng tám năm!
                - Ngày đó nhờ  ông Lê Qúy Quỳnh và nhà thơ Trần Doanh,anh mới được trở lại Hà Nội?
                 - Em nhớ dai nhỉ! Đúng  vậy đấy. Anh Quỳnh   tốt và quý  anh lắm.  Một hôm anh Trần Doanh xuống chơi, anh nói:
                 - Cho tôi về Hà Nội đi đây đi đó , may ra  viết  được cái gì,  chứ ở đây mãi  làm con chim chết khô  trên đồng đay mất thôi!
                 Trần Doanh đưa tờ giấy bào:
                 - Viết đơn đi!
                 Anh viết ,Trần Doanh ký liền và đưa anh Lê Qúy Quỳnh. Anh Quỳnh nói:
                 - Mình rất quý cậu,  bà con Hưng Yên không quên bài “Tiếng chim hót trên đồng đay” của cậu. Đi đâu cũng đừng quên Hưng Yên.
                 Nguyễn Văn Tý như con chim sải cánh bay khắp mọi miền đất nước. Ông thâm nhập thực tế, chắt lọc chất thơ, chất nhạc từ trong cuộc sống lao động, chiến đấu cùa quân dân ta , tạo nên tác phẩm. Ông sáng tác không nhiều, không có những khúc tráng ca. Những tác phẩm của  ông mang đậm chất dân ca, được chắt lọc từ những làng quê ông  đã đi qua. Những tác phẩm ấy đi vào lòng người và ngân mãi qua nhiều giọng hát cùa các  thế hệ ca sỹ: Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre...
                  Bây giờ, khi đêm đêm những bài hát ấy vang lên ở một tụ điềm ca nhạc, một phòng trà,và những ca sỹ lộng lẫy trong ánh đèn mầu,  nhận những tràng pháo tay và sau đó nhận những phong bao tiền cát xê vài triệu đồng , thì trong căn phòng vài mét vuông này,  người nhạc sỹ già Nguyễn Văn Tý vò võ trong cô đơn, bệnh tật và nghèo túng.
                  Ông nói với tôi:
                  - Từ ngày vợ anh chết, anh sống một mình.Anh có hai người con gái, một ở Hà Nội, một ở Sài Gòn , nhưng cả hai đều nghèo , anh không muốn làm gánh nặng thêm cho con cháu. Tất cà các khoản lương hưu và tiền bản quyền của anh mỗi tháng bây giờ được gần sáu triệu. Phần lớn dùng để uống thuốc vì về già nhiều bệnh lắm. Một phần trả lương cho người cháu vợ chăm sóc mình. Mỗi tháng chỉ còn vài trăm ngàn rau dưa thôi em ạ...
               - Có cơ quan đơn vị nào quan tâm giúp đỡ anh không? Như Hưng Yên, Thái Bình, Bến Tre, Hà Tĩnh...Những địa phương nổi tiếng nhờ bài hát của anh!
                 Người nhạc sỹ già khẽ lắc đầu. Và ông nhớ lại một chuyện buồn:
               - Một lần,  Hội nhạc sỹ tổ chức sinh nhật anh, ông Phó giám đốc sở Văn hóa thông tin tỉnh Bến Tre mang lên cho mười triệu. Ông ấy không đưa cho anh mà đưa cho ban tổ chức. Sau lễ sinh nhật , ban  tổ chức mới cho anh biết và bảo số tiền đó  đã chi vào lễ sinh nhật hết rồi!
             Dừng một lát, nhạc sỹ cười , rướm nước mắt:
             - Gìá mà họ chia đôi số tiền đó, cho anh năm triệu em nhỉ?
             Tôi động viên ông quên chuyện cũ đi. Ông đã không tiếc tuổi trẻ dấn thân vào con đường cách mạng thì nhớ làm chi những chuyện buồn ấy.
             Tôi đặt vào tay nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý chút tiền và ghi vào mảnh giấy trên bàn số điện thoai, và dặn ông: “ Khi nào cần  anh bảo cô người làm gọi điện cho em!”
               Tôi chào ông ra về.
               Cơn mưa chiều sắp ập xuống.
              Dắt xe ra về, tôi ngoái lại nhìn qua cửa sổ, vẫn thấy mái tóc bạc phơ nghiêng ngả như đung đưa . Và  giọng ca Ánh Tuyết  hát bài Dư âm buồn  thăm thẳm !
Chiều 04-07-2013
        M. D
---------------                                                                                         

37 nhận xét:

  1. Ôi, đời sao quá bất công với một nhạc sĩ tài hoa và có nhiều cống hiến như vậy ?

    Trả lờiXóa
  2. Mai Thục từ Hà Nội xin kính chúc sức khỏe nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và mong có nhiều bạn đến thăm ông như nhà báo Minh Diện.
    Dư Âm không buồn. MT mỗi khi buồn lại tự hát Dư Âm.
    Dư Âm hiện đang vang vọng khắp địa cầu, nối Tâm hồn Việt, nhân lên sức mạnh Người Việt.
    Xuân 2010. MT có cơ may được tham quan nước Mỹ. Ngày Lễ Tình Yêu tại Washington D.C, bạn Mỹ mời chúng tôi ăn sáng tại hàng Phở Hà Nội trong phố cổ Thủ đô nước Mỹ.
    Chủ hiệu người Sài Gòn, thấy chúng tôi nói giọng Hà Nội,liền mở máy hát vang lên nhè nhẹ bài hát Dư Âm. MT bỗng thấy Washington D.C gần gũi thân thương. Nỗi mặc cảm biến mất.
    Cảm ơn MD và BVB Blog đã cho chúng tôi được gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với những tâm tình nghệ thuật, cuộc đời và ngày thường hôm nay của ông.
    Mong có Mạnh Thường Quân nào yêu Dư Âm, mua đấu giá Dư Âm để giúp nhạc sĩ thêm niềm an lạc.

    Trả lờiXóa
  3. Bài Dư Âm nghe lúc nào cũng hay. Như đúng tên của nó.

    Trả lờiXóa
  4. Những gì là của quý hôm nay sẽ trở thành đồ phế thải mai sau.
    Anh hùng thời natf sẽ thành phế nhân thời sau.
    Một con ngựa quý, một con trây cày hay...khi già sẽ trở thành mồi nhậu.
    Không có gì là ngạc nhiên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghe ra thấy thật chua cay ! Nhưng hình như đời là vậy , quy luật không thể cưỡng lại - Chẳng nên buồn nhiều !

      Xóa
  5. Cảm ơn Minh Diện đã chia sẻ tấm lòng với nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Thật đáng tiêc luật bản quyền cho những người có tâm, có tài như nạc sỹ Nguyễn Văn Tý quá ít ỏi! trong khi đem lại cho các ca sỹ các bầu sô được nhiều hơn. Một sự không công bằng cần phải được điều chỉnh!

    Trả lờiXóa
  6. Cam on nha bao Minh Dien, cam on bloger Bui Van Bong da cho chung toi biet duoc goc khuat doi thuong cua nhac sy Nguyen Van Ty. Toi cung nhu bao nguoi doc khac khong nghi rang voi nguoi nhac sy tai hoa nhu Nguyen van Ty lai qua vat va luc tuoi cao nhu the nay! Trong boi canh hien nay nguoi ta thuong hay noi:"Uong nuoc nho nguon". Tuy nhien vao nhung truong hop cu the thi ho ko lam! That chua sot,ho chi ho khau hieu thoi. Khong biet tren dat nuoc Viet Nam nay con bao nhieu nhung van nghe sy dang quy cua chung ta co cuoc song vat va nhu vay ko?
    Loi cuoi cung cau chuc nhac sy Nguyen Van Ty manh khoe!
    Cam on cac anh Dien, anh Bong. Chuc cac anh luon manh khoe, luon co cac bai viet hay cho doc gia! Hy vong mot ngay nao do mon an tinh than cua cac anh cho moi nguoi duoc cong khai, luc do la luc moi nguoi dan nuoc Viet ta se duoc huong tu do, tu do thong tin. Thu tu do tren tat ca moi thu tu do khac ma con nguoi co duoc! Chuc cac anh viet nhieu hon nua nhe!
    Mot doc gia thuong xuyen cua cac Anh!
    Tran trong!

    Trả lờiXóa
  7. Mai THục xin đính chính là Xuân 2000 MT sang Mỹ, chứ không phải 2010. Những kỷ niêm đẹp thường luôn tươi mới trong ký ức. Đã mười ba năm trôi qua rồi mà MT tưởng như mới hôm nào.
    MT vủa mở lại cuốn sách Tinh Hoa Hà Nội của mình, xin chép lại mấy dòng về Washington D.C Ngày tình yêu năm 2000 ấy, tặng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý:
    "Ngày Tình Yêu, có năm triệu bông hồng được chở đến Washington D.C. Người ta tấp nập mua hoa tặng nhau dưới băng tuyết, cầu chúc cho tình yêu thắp lửa. Riêng tôi, Ngày Tình Yêu tại Washington D.C, trong quán ăn Sài Gòn, tôi bỗng nghe tiếng hát Dư Âm từ máy thu thanh:
    "Không gian trầm lắng như muôn tiếng tơ...
    Muốn nói cùng em bao lời trìu mến"
    Xa cách nửa vòng trái đất, ngày Tình yêu, tôi vẫn nghe được trái tim Việt Nam thao thức".
    Tôi mê cái sự ngập ngừng trong nhịp tơ lòng của người con trai tuổi biết yêu.

    Trả lờiXóa
  8. Một bài báo ngắn gọn mà nói lên tất cả. Cám ơn Minh Diện - Bùi Văn Bồng. Mình tin rằng sau khi đọc bài này sẽ có nhiều người tới thăm nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.

    Trả lờiXóa
  9. Bất công quá, hội Nhạc sĩ Việt Nam đâu rồi, thưa ông chủ tịch Đỗ Hồng Quân?
    Rất tiếc cháu ko ở Sài Gòn và ít khi có dịp vào đó để cso thể ghé thăm bác. Mong bác khoẻ và mong mọi người gần đó có điều kiện qua thăm và quan tâm đến bác.
    Thưa anh Diện: Chúng tôi ở xa, nếu muốn gửi chút quà hoặc tiền cho nhạc sĩ thì gửi thế nào để đến tay nhạc sĩ ạ?
    Cảm ơn anh Diện và anh Bồng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa anh Phạm Lâm. Tôi là Minh Diện xin trả lời anh như sau: Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý hiện nay đang ở số nhà 94/19 đường Trần Khắc Chân , Quận 1, với người cháu bên vợ. Nhạc sỹ bị bệnh không đi lại được. Nếu cố gắng thì chống gậy đi được vài mét thôi. Nhưng trí tuệ vẫn khá minh mẫn.Nếu các anh có lòng thương nhạc sỹ ,gửi quà cho ông,cứ gửi bưu điện địa chỉ trên, chắc chắn ông nhận được. Càm ơn anh đã đọc bài báo tôi viết và chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.

      Xóa
    2. Xin phép các bác, cho em hỏi lại cho kỹ vì ở Sài Gòn hay viết khác tên nhân vật trên các đường: Trần Khắc Chân hay Trần Khát Chân, ở Hà Nội thì là Trần Khát Chân.

      Xóa
    3. Cảm ơn anh Minh Diện đã cho biết thông tin.

      Xóa
  10. Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây...

    Trả lờiXóa
  11. Đem mà bỏ vạc dầu mấy đứa ca sỹ chó chết hát những bài của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý mà không tự giác đem biếu ông ấy được ít đồng gọi à. Mới đây, nghe nói có đứa hát một bài catxe những 3 tòa biệt thự, ngay cả đó là tin thất thiệt thì cũng phải hàng chục triệu đồng/bài. Thằng Trọng Tấn, con Anh Thơ, con Mỹ Linh, nhất là thằng Đàm Vĩnh Hưng... đâu, chúng mày chạy xô như chó vào nhà đám ấy, có còn là giống người thì hãy mở lòng ra, đừng sống kiểu bất nhân bạc nghĩa như thế. Thằng bố chúng mày sáng tác cho chúng mày hát mà ung dung thu tiền hay sao?!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác này chửi còn hay hơn cả mấy con mẹ ở chợ Đồng Xuân! Bái phục!

      Xóa
    2. Ông Nguyễn Văn Tý già rồi. Tớ chỉ "kết" mấy chàng trai trẻ thôi.

      Xóa
    3. Đúng là bác "Nặc danh18:15 Ngày 05 tháng 7 năm 2013" chửi hơi... bị hay. Mình chả phải ca sỹ mà nghe cũng thấy xấu hổ...

      Xóa
  12. cam on MD , chuc suc khoe nhac si NGUYEN VAN TY .

    Trả lờiXóa
  13. bài DƯ ÂM rất hay bài báo viết cũng rất hay,càng hay hơn nữa câu "Khi nào cần anh bảo co người làm gọi điện cho em"
    Cảm ơn ANH DIỆN ANH BỒNG chúc hai anh luôn khoẻ viết nhiều bài hay cho độc giả

    Trả lờiXóa
  14. Chỉ một tuyệt phẩm "Dư âm" của Nguyễn Văn Tý, cũng giá trị gấp vài triệu lần những bài diễn văn khai mạc hội nghị khô khốc, giả dối, công thức và vô hồn... của bọn cộng sản.
    Cảm ơn nhà báo Minh Diện, vợ chồng tôi phải khóc khi đọc bài báo này, nhất là đoạn cuối. Cảm ơn anh Bùi Văn Bồng đã cho đăng tải bài viết. Không biết đám ca sỹ văn hóa không cao hơn ngọn cỏ may, có đứa nào suy nghĩ gì không?...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có nghĩa là "năng suất lao động" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cao hơn cả HĐLLTƯ?
      Cuộc đời ...bạc làm sao
      Dù đạn bom man rợ thét gào ...

      Xóa
  15. Không biết ca sĩ Elvis Phương, người cũng hát khá hay Dư Âm, có biết hoàn cảnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bây giờ?

    Trả lờiXóa
  16. Người Yêu Nhạclúc 07:53 6 tháng 7, 2013

    Thời đại thế nào, âm nhạc thế ấy.

    Trả lờiXóa
  17. Vị "cây cao bóng cả" nào bóc lột sức lao động của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rồi còn đẩy ông về Hưng Yên gần chục năm trời nữa, tôi rất tò mò bác Diện ạ. Bác có thể tiết lộ để tôi "ngưỡng mộ" được không bác ?

    Trả lờiXóa
  18. Thế quái nào mà sáng nay ta cứ lẩm bẩm "may áo cũng phải xem tà...".
    Cụ Tý thiêng thật.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và Cụ Tý ạ, đừng buồn:
      Vì sao?
      - Vì Humankind sở dĩ Tiến hóa đc là tự nhg cái mà ta gọi là "buồn" đó.

      Ta trả nửa Đời - Ta cho một phút

      Để sẻ chia cho vạn kiếp Không - Đời

      Để nói với triệu hồn Vô – Thiên - Địa:

      gẩy miệng cười ,

      giũ áo,

      Đạp – Trùng - Khơi

      Xóa
    2. Mafiovi đúng là thằng khùng, nói năng sàm bậy, mafiovi ko có kiến thức, hãy về chăn bò đi đừng ở đây nói năng sàm bậy, bị thiên hạ cười chê đó.

      Xóa
    3. đừng có ngu quá thế, ta mất hứng, ko comment nữa >>> ko "còm" đc đâu.

      Xóa
    4. Bạn Mafiovi cứ còm cho vui. Net là mênh mông, không lo chật "đất".

      Xóa
  19. Kính thưa bác Minh Diện.
    Em, Tuti, ngày 12/8/2012 cũng đã đến tận nhà (cái căn nhà xập xệ mà bác vừa đến thăm đấy) thăm lão nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Em cũng xử sự y như bác vậy, thăm hỏi, tâm sự, nghe nhạc sĩ nói chuyện... Rồi cũng nhét vào tay cụ chút tiền (vì thực tình không có nhiều hơn). Nhưng trước đó, ngày 20/9/2010, em đã cùng một số bạn bè của trang mạng nhaccachmang.net (http://nhaccachmang.net/forum/index.php?) đến thăm cụ rồi. Dịp đó, ngoài quà tặng của trang mạng (cái đầu đọc thẻ, cái USB 1G có gần đủ các ca khúc cụ Tý sáng tác), em tặng cụ bài thơ sau:

    KÍNH TẶNG LÃO NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN TÝ
    (Kỷ niệm họp mặt lần thứ nhất các thành viên nhaccachmang.net Tp. Hồ Chí Minh 5/9/2010).

    Cả đời lấy nhạc làm thơ
    Thân tằm rút ruột nhả tơ ân tình.
    -o-o-o-o-o-o-o-o-
    Đẹp như Một khúc tâm tình
    Của người Hà Tĩnh quê mình sắt son.
    Lắng lời ru Mẹ yêu con
    Cô nuôi dạy trẻ vẫn còn say sưa.
    Tấm áo mẹ vá năm xưa
    Người xây hồ Kẻ Gỗ giờ vẫn vui.
    Trúng rồi các cụ ta ơi
    Bài ca năm tấn quê tôi Thái Bình.
    Ra khơi nhìn lại quê mình
    Em làm tín dụng Tiễn anh lên đường.
    Cùng nhau ta Vượt trùng dương
    Vào thăm Gương mặt Kiên Giang rạng ngời.
    Đồng ta mở rộng chân trời
    Thăm nhà Người giỏi chăn nuôi khó về.
    Nên duyên Dáng đứng Bến Tre
    Tóc dài Huyền diệu còn nghe mơ màng.
    Bài ca phụ nữ Việt Nam...
    Chép thơ lắng chút Dư âm tặng Người.

    Mời bác tham khảo thêm bài viết của em về chuyến thăm đó tại đây: http://nhatchimai.forumvi.net/t2408-topic

    Thực tình, thấy hoàn cảnh của cụ thương tâm quá, ai cũng muốn giúp đỡ cụ thật nhiều nhưng lực bất tòng tâm, biết làm sao được.
    Từ sau 12/8/2012 đến nay do bận nhiều việc, em chưa trở lại thăm cụ được.

    Đôi dòng chia sẻ bài viết của bác, đồng thời cầu mong lão nhạc sĩ bình an.

    Trả lờiXóa
  20. Tôi còn nhớ, trước đây, một anh trong cơ quan, đi đám tang Nhà Văn Nguyên Hồng, về có nói: Nhà văn Nguyễn Tuân nói: "Tao đố hôm nay, thằng Lành (Tố Hữu) đến".

    Tiếc cho những người THỰC TÀI, trong cái nhà nước mà dưới sự lãnh đạo của "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" (định nghĩa theo điều 4 hiến pháp)

    Trả lờiXóa
  21. Đơn vị bộ đội chúng tôi đang đói, nghe bài chiếc áo mẹ vá năm xưa , Cụ ví chiếc áo quý hơn cơm gạo, có anh em chê ,áo "quý như" cơm gạo đã quá ông này sau này chắc khổ.Thời chúng tôi :Ý Đảng lòng dân -áo Đảng gạo dân (Áo Tô châu hẳn hoi) . Hôm nay đọc bài này thấy buồn cho Cụ. Nói vậy , phong trào trấn áp nhân văn giai phẩm biết bao thực tài văn học Văn Cao ,Hữu Loan , Hoàng Cầm .... và cả Cụ bị tù đầy , khống chế .....Đọc bài thương các Cụ ,đau chúng Tôi và lo cho con cháu mai sau.

    Trả lờiXóa
  22. Đúng nhìn nhân tình thế thái mà thương các cụ , đau cho mình và lo cho con cháu . CHUÂN KHÔNG CẦN CHỈNH .

    Trả lờiXóa
  23. Người sông Tiềnlúc 09:15 8 tháng 7, 2013

    Cám ơn nhà báo Minh Diện và cám ơn blogger Bùi Văn Bồng cho tôi đọc bài viết mà không thể cầm nước mắt. Ôi cuộc đời sao tệ bạc dưới chế độ XHCN, trong khi chế độ đó dân chủ gấp triệu lần XHTB. Láo toét!

    Trả lờiXóa
  24. Xã hội VN đang rất cần những người có trí tuệ, biết yêu thương chia sẻ như anh Bồng và Minh Diện.
    Cũng dễ hiểu tại sao sau thống nhất VN thi tuyển quốc ca mãi không được.
    Điều 4 hiến pháp chắc không phải là nguyên nhân chính làm cho Nguyễn Văn Tý và nhiều Văn nghệ sĩ VN cô đơn, nghèo khổ. Phải chăng là do Mỹ gây nên?

    Trả lờiXóa
  25. Tôi là người Hưng yên, quê hương "trên cánh đồng đay" mà Ông sáng tác. Ngày còn bé( 1968-69) tôi là cây sáo trúc làng Xuân Điểm tối nào cũng thổi sáo bài hát của ông cả làng nghe sao mà vui mà hồn nhiên thế, chắc chỉ có tình yêu trong lao động mới có cảm giác ấy. Gian khổ lắm các bác ạ, trồng đay, suốt đay, ngâm đay, giũ đay, nước thối đỉa củng phải chết, chị em giũ đay ngâm nước thối cả ngày ngang rốn (mắc bệnh phụ..) Rồi nhổ gốc đay nát cả bàn tay, bàn chân...về làm củi đun bếp.... mà vẫn vui cười vì bài hát đó. Rồi tôi vào bộ đội, cũng cây sáo trúc ấy và bài hát ấy tôi đã mang cây đay Hưng yên đi khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam, gặp ai hỏi tôi cũng nói Nhạc sĩ quê ở Hưng yên của tôi, đến giờ mới biết không phải càng phục tài của Ông nơi đâu cũng là nhà, Ông đã nhập hồn ông vào hồn quê mà ông sáng tác, hồn quê Việt Nam, hồn Hưng Yên, Nghệ tĩnh, Bến tre....Tại sao vậy? Đến bây giời tôi vẫn tự hỏi và không thể trả lời được vì sao? Nay tôi đã về hưu tại Sài Gòn biết được địa chỉ của Ông tôi có 2 việc mong muốn.
    1- Đề nghị Tỉnh Hưng yên (Ông chủ tịch Doãn Thế Cường ) có quà thăm và cảm ơn Ông.
    2- Cá nhân tôi sẽ đến thăm Ông vào thời gian sớm nhất để tri ơn Ông và bài hát của Ông đã theo tôi đi cùng năm tháng. Xin cảm ơn!

    Trả lờiXóa