Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Đồng bằng sông Cửu Long – 40 NĂM NHÌN LẠI - Kỳ 14


* LÊ PHÚ KHẢI
(tiếp theo)
 “CHỦ ĐỘNG SỐNG CHUNG VỚI LŨ”
Về thủy lợi, chúng tôi mời Tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia hàng đầu, Nguyên Viện trưởng Viện Qui hoạch Thủy lợi Nam bộ phát biểu. Ông đã từ chối và chuyển đến chúng tôi bài viết của GS – Tiến sĩ Đào Xuân Học, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN PTNT. Nhận thấy bài viết của GS Đào Xuân Học có những đề xuất rất mới và thiết thực trong chiến lược quản lý lũ lụt, “chung sống với lũ một cách chủ động” ở ĐBSCL trong tương lai nên chung tôi giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài viết này…
Tóm tắt:
Chiến lược “sống chung với lũ” ở ĐBSCL là một chiến lược phù hợp, đẩy nhanh sự phát triển kinh tế đặc biệt là sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua. Để bảo vệ nhân dân vùng ngập sâu chúng ta xây dựng các cụm, tuyến dân cư, những tuyến đê bảo vệ làng, thị trấn; để bảo vệ mùa màng nhân dân đã làm hơn 14.000km đê để bảo vệ 3.000 ô ruộng. Trước những thách thức do những tác động từ phía biển, từ thượng nguồn, từ BĐKH, từ việc quản lý nước, quản lý lưu vực, từ  gia tăng dân số, đô thị hóa và đặc biệt từ vấn đề lún sụt đất; Trước tình hình ngập úng ngày càng gia tăng do lũ, triều và mưa lớn ở tất cả 13 đô thị lớn và toàn đồng bằng, chúng ta lại tiếp tục lên đê bao bảo vệ các thành phố, nhưng sau khi bảo vệ các thành phố ở vùng giữa đồng bằng thì các làng ấp ở xung quanh thành phố đã ngập, nay lại ngập sâu hơn thì sao? Hiện tượng lan truyền (domino) chắc chắn sẽ xảy ra và tiếp diễn theo thời gian như một vòng luẩn quẩn và không ngừng. Để đáp ứng những yêu cầu trước mắt, nhưng phù hợp với chiến lược dài hạn, phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL tác giả đề xuất một chiến lược mới trong quản lý lũ lụt “sống chung với lũ một cách chủ động”. “Sống chung với lũ một cách chủ động” là vẫn đưa lũ vào ruộng vườn để khai thác tất cả những lợi ích từ lũ mang lại. Nhưng với những trận lũ lớn cực đoan, đỉnh lũ trong đồng sẽ được kiểm soát để không gây ngập các cụm tuyến dân cư, các khu dân cư, các thành phố, phá hoại các cơ sở hạ tầng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Như vậy ĐBSCL sẽ không cần phải  xây dựng thêm đê để bảo vệ các thành phố, các làng, ấp; Không cần đê để chống lũ vụ Hè thu; Không cần kinh phí để nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê trong nội đồng và các hệ thống cơ sở hạ tầng sau mỗi năm lũ lớn; Không cần xây dựng các hệ thống trạm bơm tiêu cho các làng, ấp và đô thị; Không cần bơm tiêu nước lũ cuối mùa lũ vào những năm lũ rút muộn. 
Nội dung:
 Với những nỗ lực to lớn của Chính phủ thể hiện trong các chính sách ưu tiên và mục tiêu đầu tư để kiểm soát lũ, kiểm soát mặn; sự cần cù lao động và sáng tạo của người dân trong việc lựa chọn các mô hình sản xuất thích nghi với những đặc điểm tự nhiên của từng vùng, đồng bằng Sông Cửu Long đã trở thành nơi dẫn đầu về sản xuất lúa, gạo, nuôi trồng thủy sản phục vụ cho nhu cầu trong nước và quốc tế. Hàng năm Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất ra 21 triệu tấn lúa, chiếm 54% tổng sản lượng của cả nước và 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu, đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành Quốc gia xuất khẩu gạo thứ nhất trên thế giới; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 1,5 triệu tấn tôm, cá, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2012 đạt gần 6,5 tỷ USD. Giá trị công nghiệp cũng đang tăng dần, năm 2012 đã đạt tỷ trọng 25% tổng GDP trong vùng.
Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ có ý nghĩa sống còn đối với 17,5 triệu người đang sinh sống ở đó mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Tuy nhiên ĐBSCL đang chịu những thách thức lớn do những tác động từ phía biển, từ  thượng lưu, từ BĐKH, từ việc quản lý nước, quản lý lưu vực, từ gia tăng dân số và đô thị hóa.
Hiện tại, 15 thành phố và toàn đồng bằng đều có những vấn đề về ngập úng do triều, do lũ, do cả lũ cả triều và do mưa lớn; vấn đề thiếu hụt nguồn nước do xâm nhập mặn; Ô nhiễm rác thải, nước thải, ô nhiễm do nước thải từ các khu nuôi trồng thủy sản và ô nhiễm không khí; Những tác nhân trên đã dẫn đến việc khai thác nước ngầm quá mức phục vụ nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt; Vấn đề gia tăng dân số và đô thị hóa dẫn đến sự quá tải về cơ sở hạ tầng, thiếu công ăn việc làm và tất yếu sẽ phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp; Trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng vấn đề ngập úng xảy ra ngày càng gay gắt và với tần suất ngày càng gia tăng; Do thiếu hụt lượng phù sa từ thượng nguồn về, cùng với việc gia tăng động năng dòng triều nên vấn đề xói lở ở cửa sông, ven biển, ven sông và trong hệ thống kênh rạch xảy ra ngày càng nghiêm trọng; Vấn đề thiên tai bất thường, không tuân theo quy luật luôn luôn là mối đe dọa đối với nhân dân vùng đồng bằng. Điều mới nhất và quan trong nhất cần phải quan tâm là vấn đề lún sụt đất, đặc biệt là ở các đô thị vùng ĐBSCL.
Theo kết quả nghiên cứu, đo đạc mực nước ngầm ở Tp. Cần Thơ trong 8 năm từ 2000-2007, các chuyên gia Đức đến từ hai trường ĐH Bochum và Bonn đã công bố: Mực nước ngầm ở Tp. Cần Thơ mỗi năm giảm thấp 70cm (xem hình)
Nguyên nhân sâu xa về những vấn đề của ĐBSCL là do chưa có quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, chưa có quy hoạch toàn vùng với sự tham gia của hầu hết các ngành kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Chủ yếu chúng ta quy hoạch theo các ngành riêng rẽ, với thời đoạn ngắn và điều quan trọng nữa là tư duy trong công tác quy hoạch và đầu tư.
Năm 2000, lũ lớn ở ĐBSCL làm 539 người chết và thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản của dân, Chính phủ quan tâm cho phép thực hiện chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư. Hiệu quả của chương trình đem lại rất lớn, đã làm giảm số người chết xuống còn 69 người trong đợt lũ năm 2011(tương đương với mức lũ năm 2000). Tuy nhiên các cụm tuyến dân cư được xây dựng từ năm 2001 đến nay với tiêu chuẩn chống được mức nước lũ như năm 2000 đã bị lún sụt, cùng với việc mực nước trong đồng dâng cao hơn năm 2000 khoảng 20cm, nên gần như tất cả các cụm tuyến dân cư đã bị tràn nước và xấp xỉ tràn nước trong trận lũ năm 2011 (đỉnh lũ ở Tân Châu năm 2011 thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 là 20 cm). Như vậy, việc bảo vệ các cụm tuyến dân cư khi mức nước lũ tại Tân Châu bằng năm 2000 trở nên khó khả thi, đó là chưa kể đến thân đê và nền đê còn tiếp tục lún sụt.
Để bảo vệ dân cư sống tập trung và các đô thị ở vùng ngập lũ sâu, trong những năm qua Nhà nước đã cho xây dựng nhiều hệ thống đê như: hệ thống đê Sa Rài, Hồng Ngự, Tân Hưng…
Để bảo vệ sản xuất, trong những năm qua nhân dân ở các địa phương đã xây dựng khoảng 23.000 km đê (để bảo vệ 3.000 ô ruộng với diện tích một ô từ 100-3.000ha);
Do việc xây dựng các cụm tuyến dân cư, hệ thống đê bảo vệ các làng, các đô thị ở vùng ngập sâu, do hệ thống đê bảo vệ sản xuất, đã gây cản trở dòng chảy, giảm diện tích trữ lũ và cộng thêm tác động của biến đổi khí hậu làm cho mực nước ở khu giữa ĐBSCL dâng cao gây ngập úng tất cả các đô thị như Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Sa Đéc, Đồng Tháp, Long Xuyên. Để chống ngập úng cho các thành phố ven biển và trung tâm ĐBSCL, Bộ NN&PTNT đã lập và phê duyệt quy hoạch bảo vệ cho Tp. Cần Thơ với 11 tuyến đê và 16 trạm bơm tiêu; Tp. Vĩnh Long với 5 tuyến đê và 5 trạm bơm tiêu; Tp. Cà Mau với 6 tuyến đê và 4 trạm bơm tiêu, trong thời gian tới sẽ xây dựng QH cho Tp. Tiền Giang, Long An, Long Xuyên và Châu Đốc.
Nông dân lấy đất từ xa về đắp bờ ngăn lũ
Sau khi xây dựng đê để bảo vệ các thành phố ở giữa đồng bằng, vùng trữ nước tiếp tục giảm, mực nước xung quanh sẽ tiếp tục dâng cao, các xã, ấp đông dân cư ở gần các thành phố đã ngập và sẽ ngập cao hơn. Một câu hỏi đặt ra là chúng ta có bao đê để bảo vệ các vùng dân cư này không? Hiện tượng lan truyền (domino) chắc chắn sẽ xảy ra và tiếp diễn theo thời gian như một vòng luẩn quẩn và không ngừng (hình).
Như vậy trong thời gian tới ước tính chúng ta sẽ có khoảng 30.000 km đê chống lũ ở ĐBSCL. Ngoài việc chúng ta đã mất và sẽ mất rất nhiều kinh phí đầu tư, mất rất nhiều diện tích chiếm đất (trên 60.000ha), mà hệ thống đê này chủ yếu do dân tự làm trên nền đất yếu, thân đê không được đầm nén, rất sát với bờ sông, bờ kênh, nên sẽ tiếp tục sụt lún và bị xói lở trong những năm tới.
Hệ thống đê và chống lũ hiện tại và tương lai ở ĐBDCL
Cách lên đê hiện nay ở ĐBSCL, đúng như cách lên đê của loài người cách đây hàng nghìn năm được tổng kết trong cuốn lịch sử thủy lợi thế giới và ở nước ta. Đó là đê bảo vệ dân, bảo vệ mùa màng do một nhóm nhỏ người thực hiện, từ đê bảo vệ lũ cho một thời kỳ trong năm, đến đê bảo vệ lũ cả năm. Từ đê được xây dựng bởi một nhóm người nhỏ, đến đê được xây dựng bởi một cộng đồng lớn hơn (vì số km đê trên một đơn vị diện tích được bảo vệ ít hơn). Từ đê với mức đảm bảo thấp lên đê có mức đảm bảo cao hơn tùy thuộc vào nền kinh tế và giá trị vùng mà đê có nhiệm vụ bảo vệ. Đặc điểm của hệ thống đê do dân tự làm là không được thiết kế bởi các cơ quan chuyên nghiệp, nền đê không được khảo sát, tuyên đê không được lựa chọn, so sánh nên thường rất yếu, thân đê được củng cố nâng cấp dần dần và có thể ổn định sau vài trăm năm. (Lịch sử đê sông Hồng cũng hoàn toàn tương tự: “Dưới thời nhà Lý, vào tháng 3 năm Mậu Tý (1108), con đê đầu tiên được đắp ở phường Cơ Xá có nhiệm vụ bảo vệ kinh thành Thăng Long. Dưới đời nhà Trần, những con đê được đắp chỉ cốt giữ cho nước không tràn vào đồng ruộng để kịp làm vụ chiêm, sau khi mùa màng thu hoạch xong thì nước được tự do tràn vào đồng ruộng. Dưới triều Lê sơ những con đê lớn hơn được đắp mới và tôn tạo trên hai bờ sông Nhị Hà được xem là sự can thiệp vào tự nhiên quá giới hạn cho phép, kết quả là sông Hồng trở nên hung dữ, đã vỡ và gây ngập lụt triền miên trong thời nhà Nguyễn, và lúc đó đã có nhiều ý kiến đề nghị xem xét vấn đề bỏ hay giữ đê” (Wikipedia)).
Đã đến lúc chúng ta cần đánh giá lại, xem xét một cách nghiêm túc cách chúng ta lên đê như hiện nay ở ĐBSCL, cần có sự nhìn nhận dài hạn hơn về tương lai của đồng bằng trên cơ sở những thách thức về BĐKH, NBD, phát triển ở thượng nguồn, phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là vấn đề lún sụt đất do tác động từ đất trầm tích mới và từ việc khai thác quá mức nước ngầm, để đề xuất một phương án tổng thể và dài hạn.
Chiến lược “sống chung với lũ” ở ĐBSCL là một chiến lược đúng trong giai đoạn vừa qua, nhằm khai thác tất cả những lợi ích từ lũ và thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Trước những thách thức mới, để giải quyết những yêu cầu trước mắt và phù hợp với chiến lược dài hạn phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL chúng ta cần nâng tầm cao hơn, dài hạn hơn với chiến lược mới “sống chung với lũ một cách chủ động”.
“Sống chung với lũ một cách chủ động” là đưa lũ vào ruộng vườn để khai thác tất cả những lợi ích từ lũ mang lại như: Vệ sinh đồng ruộng và cải đạo đất, lấy phù sa để bồi bổ đất và nâng cao mặt đất của vùng đất trũng, lấy nước ngọt, bổ cập nước ngầm, giữ gìn sự đa dạng sinh học và khai thác nguồn lợi thủy sản... Nhưng với những trận lũ lớn cực đoan, đỉnh lũ trong đồng sẽ được kiểm soát để không gây ngập các cụm tuyến dân cư, các khu dân cư, các thành phố, phá hoại các cơ sở hạ tầng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Để kiểm soát đỉnh lũ chúng ta chỉ cần một hệ thống đê (đường giao thông hiện có) dọc hai sông lớn, các nhánh sông và một hệ thống cống bao gồm cống và âu thuyền. Cống được thiết kế rộng bằng mặt cắt kênh, được mở thường xuyên để nước chảy và phục vụ giao thông thủy. Cống chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát đỉnh lũ với những trận lũ cực lớn, hạn chế những trận lũ sớm để bảo vệ vụ lúa hè thu và đóng cống cuối vụ để tiêu nước trong đồng đối với những năm lũ muộn. Âu thuyền phục vụ giao thông thủy khi cống làm nhiệm vụ kiểm soát lũ. Chúng ta không cần tiếp tục xây dựng thêm đê để bảo vệ các thành phố, các làng, ấp, không cần đê chống lũ hai vụ, không cần kinh phí để nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê trong nội đồng và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật sau mỗi năm lũ lớn. Chúng ta không cần xây dựng các hệ thống trạm bơm tiêu cho các đô thị, các làng ấp, không cần bơm tiêu nước lũ vào những năm lũ rút muộn. 
Kết quả tính toán sơ bộ mô hình với lũ năm 2000, với địa hình được bao đê chống lũ triệt để theo cách như hiện nay thì mực nước lũ sẽ dâng lên thêm 18 cm so với địa hình năm 2011. Theo phương châm “sống chung với lũ một cách chủ dộng” và nếu chúng ta đưa lũ vào đồng ruộng một cách chủ động và đúng thời điểm thì mực nước lũ lớn nhất giảm khoảng 10-50 cm so với trường hợp trên. Đồng bộ với các giải pháp tăng cường phân lũ về biển Tây về sông Vàm Cỏ nhằm sống chung với lũ một cách chủ động, chúng ta thực hiện các giải pháp hạn chế lũ về và tăng cường thoát lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười đã nêu ở trên thì mực nước ở dọc biên giới chỉ gia tăng thêm 3-5 cm.
 Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai bất thường, chúng ta cần đẩy mạnh chương trình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng ở tất cả các làng xã ĐBSCL, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thiên tai, về biến đổi khí hậu, để chủ động trong phòng tránh đảm bảo tính mạng, tài sản, mùa màng khi có thiên tai xảy ra, chủ động trong sản xuất nhằm thích ứng với các trạng thái thời tiết cực đoan. Quan tâm đào tạo kỹ năng sống cho học sinh, tổ chức đưa đón học sinh trong mùa lũ, xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh sau mùa mưa lũ.
ĐBSCL của Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn từ phía biển, thượng lưu, biến đổi khí hậu và đặc biệt là sự lún sụt đất. Giải quyết những thách thức đối với ĐBSCL là công việc cấp bách nhưng lại cần có một chiến lược với tầm nhìn dài hạn, và cách tiếp cận tổng hợp, tổng thể và liên ngành. Việc “sống chung với lũ một cách chủ động” là giải pháp đáp ứng được các nhu cầu trước mắt, phù hợp với các giải pháp lâu dài tao nên hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật ổn định, phục vụ phát triển bền vững cho ĐBSCL…
(còn tiếp)
--------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét