* VŨ QUANG VIỆT
Lời nói đầu: Bài này đã được trình bày tại Hội thảo Hè
2013 tại Singapore *.
Nhìn lại, tình hình vẫn không khác gì những điều được viết ở đây. Hiến pháp sửa
đổi năm 2013 vẫn nguyên như cũ. Sắp tới lại bàn về cải cách ở Đại hội Đảng lần
thứ 12. Liệu Đảng Cộng sản VN có thể tự đổi mới được không hay phải đợi ngày bị
nhân dân cho về hưu?
Bài này nêu ra một số thể hiện cụ thể về sự lạm quyền
nhà nước ở Việt Nam
hiện nay và các cải cách cần thiết để ngăn chặn đồng thời thiết lập cơ sở cho
thời quá độ đi từ thể chế hiện nay lên một thể chế dân chủ hoàn chỉnh hơn trong
tương lai.
Quyền điều
hành doanh nghiệp, ngân hàng nhà nước và chi tiêu ngân sách quá tập trung vào
người đứng đầu chính phủ tất đưa đến lạm quyền và tranh giành quyền lực.
Một nhà báo Mỹ khi viết về Việt Nam đã cho rằng để
hiểu Việt Nam thì cứ hình dung thử về nước Mỹ khi mà Tổng thống Obama được
quyền bổ nhiệm chủ tịch, tổng giám đốc của tất cả các công ty lớn ở Mỹ về điện
thoại và nối mạng thông tin như ATT, Verison, Sprint Warner; về truyền thông
như CBS, ABC, NBC về sản xuất xe hơi như General Motor, Ford; về khai thác dầu
hỏa như ExxonMobil và Chevron; các ngân hàng như ChaseMorgan, Bank of America,
v.v. Nếu Tổng thống Obama chỉ được thế thì quyền của ông ta còn kém xa Thủ
tướng Việt Nam. Bởi vì quyền chi tiêu ngân sách của Tổng thống ở Mỹ bị hạn chế
bởi ngân sách do Quốc hội biểu quyết thành Luật ngân sách. Tổng thống Mỹ phải
tuân thủ luật, không được phép vi phạm. Ở Việt Nam thì khác hẳn, nghị quyết của
Quốc hội chỉ nhằm biểu diễn rằng nước Việt Nam có bầu cử nhưng thực chất là các
quan chức được cử ra để dân bầu (tất nhiên đó là quan chủ chứ không phải dân
chủ), do đó mà Thủ tướng có thể chi vượt ngân sách đã được Quốc hội thông qua
mà không bị coi là vi phạm luật, thậm chí chưa thấy bị Quốc hội phê phán. Và
điều thực tế này đã xảy ra hàng năm, tỷ lệ chi ngân sách vượt mức Quốc hội
quyết đã rất cao và còn đang tăng, từ 31% lên 42% trong khoảng thời gian
2007-2011. (Có thể dễ dàng lấy thông tin trên mạng và so sánh, thí dụ dự toán
và quyết toán 20111).
Luật Ngân sách Việt Nam (Điều 23) còn viết rõ là Ngân
hàng Nhà nước có nhiệm vụ phải “Tạm ứng cho ngân sách nhà nước để xử lý thiếu
hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.”
Chưa kể, như mới đây, thủ tướng còn đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho ngân sách
“vay” cả dự trữ ngoại tệ, thực chất là đề nghị NHNN in tiền mua ngoại tệ và
giao cho chính phủ tiêu. (Xem bài Về việc dùng “dự trữ ngoại tệ” của NHNN trên
mặt báo này). Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như thế đã được sử dụng như một máy in
tiền cho ngân sách; việc phải trả lại trong cùng năm là điều có thể dễ dàng
lách. Ở các nước phương Tây, chính phủ phải phát hành trái phiếu để có tiền
chi. Bán được hay không và ở giá nào là tùy thị trường quyết định. NHNN cũng có
toàn quyền quyết định mua hay không, tùy thuộc vào đánh giá khả năng gây lạm
phát của chúng.
Quyền điều hành ngân sách lại tỏa rộng trên các địa
phương vì ở Việt Nam như năm 2013, có đến 22% ngân sách địa phương là do ngân
sách trung ương cấp. Và có nhiều tỉnh có đến trên 50% ngân sách địa phương là
từ trung ương. Tất nhiên quyền điều hành này có thể bị hạn chế nếu như tỷ lệ
ngân sách rót từ trung ương xuống địa phương điều chỉnh tự động dựa vào các
tiêu chí được lượng hóa một cách khách quan thay vì dựa vào quyền phân bố xin
cho của cấp cao.
Khi quyền điều hành kinh tế bao gồm rộng lớn như vậy
từ việc ký cho phép mở công ty, chỉ định người quản lý, đến phân chia ngân sách
lớn, thì quyền của Obama trở nên quá bé so với quyền của Thủ tướng Việt Nam,
vừa là lãnh đạo chính trị quan trọng, vừa là chủ tịch một công ty có tên là tập
đoàn doanh nghiệp nhà nước. Nhưng ở đâu cũng vậy, quyền hành lớn và bao trùm
như thế tất nhiên sẽ dẫn đến việc các nhóm quyền lợi chạy theo áp lực, tìm cách
mua bán quyền lực hoặc đánh đổi giữa quyền lợi chính trị và quyền lợi kinh tế.
Tưởng tượng như thế để thấy rằng quyền của ông Thủ tướng Việt Nam là như thế đấy và tiềm năng lạm
quyền là lớn, bất kể ai ngồi ở ghế đó.
Có thể có người coi nhận xét trên là khập khiễng vì
đối với họ Việt Nam
là nước xã hội chủ nghĩa được tập thể, chứ không phải cá nhân, lãnh đạo. Nhưng
thực tế là, lạm dụng quyền lực chính trị để trở thành độc tài cá nhân đã xảy ra
khi kinh tế tư bản chủ nghĩa chưa được chấp nhận và phát triển ở những nước
này. Ở nơi mà độc tài cá nhân bị ngăn cản thì lãnh đạo tập thể lại chính là
nguyên do dẫn đến trì trệ, vì dựa dẫm nhau và chẳng ai chịu trách nhiệm. Nhưng
ở một nước như Việt Nam, khi xã hội chủ nghĩa chỉ còn là cái vỏ vì về bản chất
nó đã là một nước tư bản chủ nghĩa với đầy đủ ma lực của lợi ích kinh tế, thì
tiềm năng lạm dụng quyền về cả chính trị và kinh tế là điều tất nhiên, và hơn
nữa sai lầm lại có thể đổ tội cho tập thể. Khi thiếu vắng sự minh bạch của pháp
luật về phân quyền và cân bằng quyền lực, thì việc tập trung quyền lực kinh tế
vào bất cứ ai có quyền phân phát lợi ích kinh tế sẽ đưa tiềm năng lạm quyền
thành hiện thực lạm quyền. Các cơ quan tư pháp vì không độc lập cũng sẽ dễ dàng
bị sử dụng để truy bức những người muốn đòi công lý. Ngay Đảng cũng sẽ trở
thành cái vỏ. Tranh giành quyền lực, có thể vì muốn chống lạm quyền, có thể vì
muốn giành phần về phe mình, có thể vì lý tưởng trong sáng đã trở thành bản
chất cốt lõi của chế độ; tập thể lãnh đạo chỉ còn là khẩu hiệu nhằm trốn tránh
trách nhiệm cá nhân. Thực tế ở Việt Nam dù chỉ có một Đảng nhưng đã có
ít nhất ba phe đánh nhau dưới gầm bàn. Nếu không có đánh nhau ngầm mới là
chuyện lạ.
Việc không
có quyền lãnh đạo thống nhất đối với quân đội và công an có thể làm suy yếu an
ninh quốc gia.
Việc chia chác quyền dưới gầm bàn (đúng hơn là trong
chăn vì không ai biết ai tranh quyền ai) thể hiện khá rõ trong cách bổ nhiệm
tướng lãnh quân đội và công an. Hiến pháp theo điều 103 nói rõ là Chủ tịch nước
là người “Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức vụ Chủ tịch
Hội đồng quốc phòng và an ninh” và “Quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao
trong các lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp
Nhà nước khác; quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương và danh hiệu vinh
dự Nhà nước.” Nói tổng quát, Chủ tịch nước theo Hiến pháp không nằm trong chính
phủ lại là người đứng đầu chịu trách nhiệm về quốc phòng, an ninh và ngoại
giao. Chính phủ đứng đầu là Thủ tướng chỉ là người thực hiện. Nhưng thực tế có
vẻ không phải vậy vì một số hàm tướng do Thủ tướng (không phải nhân danh Chủ
tịch nước) phong, một số do Chủ tịch nước phong. Thông tin mới đây cho thấy Thủ
tướng phong hàm tướng công an cho đến cấp trung tướng cho rất nhiều cán bộ công
an, và sau đó là Chủ tịch nước phong hàm Thượng tướng công an. Thông tin trong
quá khứ cũng cho thấy thấy là ngay từ năm 2004 (thời Phan Văn Khải làm Thủ tướng)
Thủ tướng đã phong hàm tướng cho cả công an lẫn quân đội, và lại còn bổ nhiệm
các chức vụ quan trọng như tư lệnh, phó tư lệnh quân khu. Nhưng ở chức vụ từ
thượng tướng trở lên trong công an và quân đội thì được chủ tịch nước phong.
Điều nay Chủ tịch nước Trường Tấn Sang làm mới đây và Chủ tịch nước Nguyễn Minh
Triết cũng làm trước đây.
Khó có thể thống lãnh quân đội và an ninh quốc gia khi
mà có hai người đều có quyền phong tướng và bổ nhiệm chỉ huy như thế, và chính
việc thực hiện như thế đi ngược với Hiến Pháp. Cơ quan nào có quyền đánh giá
xem những hành động cụ thể đã xảy ra như trên là đúng hay là trật so với Hiến
pháp hiện nay? Đấy là mới nói tới hai phe, còn phe lãnh đạo Đảng có quyền đến
đâu đang là dấu hỏi. Phải chăng tình trạng một Đảng ba phe đã tạo ra các cuộc
bắt bớ do từng phe thực hiện riêng để dằn mặt nhau thời gian qua?
Lạm quyền
nhân danh “sở hữu toàn dân” đang đưa đến tình trạnh suy tàn của công lý và bất
ổn xã hội.
Người nắm quyền hành pháp hiện nay vừa nắm túi tiền
ngân sách, vừa có thể trực tiếp điều hành doanh nghiệp quốc doanh, lại vừa có
thể thu hồi đất của dân nhằm ăn chênh lệch giá. Nhà nước qua Luật Đất đai tự
giao cho mình quyền tước hữu đất của dân dựa trên nguyên lý của Hiến pháp là
“đất đai thuộc sở hữu toàn dân.” Theo Luật Đất đai, nhà nước ở mọi cấp có quyền
“quyết định mục đích sử dụng đất..., định giá đất”(điều 5) và thu hồi “với mục
đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh
tế” (điều 38). Nghị định số 17/2006 viết thêm: "giá đất để tính bồi thường
là giá đất theo mục đích đang sử dụng đã được ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương quy định và công bố; không bồi thường theo giá đất sẽ
được chuyển mục đích sử dụng". Như thế, nhà nước ở mọi cấp có thể nhân
danh bất cứ mục đích gì để lấy đất của một hay nhiều nông dân giao cho người
làm kinh doanh với giá do chính họ quyết, người được nhận đất sẽ được hưởng giá
cao trên thị trường. Lấy đất của người này giao cho người khác theo điều kiện
mà người cầm quyền quyết định rõ ràng phản ánh sự phân biệt đối xử có lợi cho
giai cấp tư bản và bất lợi cho nông dân và người cô thế. Đối với hầu hết người
Việt Nam, đất đai là tài sản sở hữu duy nhất và lớn nhất nhưng chưa được sử
dụng hiệu quả, do đó việc chiếm hữu sẽ nhanh chóng đưa đến giầu có cho những
người được chiếm hữu và làm bần cùng hóa người mất đất. Phát triển là thành thị
hóa do đó với Hiến Pháp hiện nay, 70% dân chúng là nông dân sẽ là người chịu
thiệt thòi nhất, nếu như việc trưng thu đất đai không được đền bù xứng đáng. Điều
này đang tạo ra bất công, bất mãn và bất ổn trong xã hội. 90% khiếu kiện hiện
nay liên quan đến đất đai. Thế nhưng hệ thống tòa án hiện nay chỉ hành động
theo chỉ thị và Hiến pháp có tính phân biệt đối xử bằng hành động lấy của người
này giao cho người khác.
Yêu cầu sửa
đổi luật pháp có tam quyền phân lập nhằm chống lạm quyền.
Vấn đề lạm quyền không chỉ dừng lại việc tạo ra trao
đổi, buôn bán giữa quyền lực chính trị và lợi ích kinh tế mà còn dẫn đến suy
tàn của công lý nếu không có quyền lực cản nhằm cân bằng lại như tính độc lập
của tòa án.
Sự thiếu sót về tam quyền phân lập đưa đến yếu kém về
cả tính dân chủ và tính pháp trị; nó cũng lộ rõ khi các cơ quan tư pháp vì
không độc lập dễ dàng bị người có quyền sử dụng để truy bức những người dân
muốn đòi công lý, nhất là khi họ đòi hưởng các quyền công dân, quyền bình đẳng
về quyền sở hữu và cơ hội kinh tế chẳng hạn, và can đảm tố cáo tham nhũng.
Năm cải cách
đột phá mà tình hình đòi hỏi
Tình hình Việt Nam đòi hỏi năm cải tổ cơ bản sau,
bảo đảm có cơ chế phân quyền và cân bằng quyền lực dù rằng một đảng độc quyền
vẫn tiếp tục tồn tại:
1. Mở rộng quyền bầu cử thực sự và quyền ứng cử của
dân chúng;
2. Phân quyền và cân bằng quyền lực giữa các định chế
nhà nước;
3. Thiết lập tòa án Hiến pháp độc lập do Quốc hội bầu
với nhiệm kỳ vĩnh viễn nhằm giải thích Hiến pháp và xem xét luật có phù hợp với
Hiến pháp không;
4. Luật hóa bảo đảm tính độc lập của tòa án nhằm bảo
vệ công lý, bằng cách cho các thẩm phán nhiệm kỳ dài hạn hay cả đời ,trừ khi có
lỗi nặng thì có thể bị truất bãi (impeach như ở Mỹ).
5. Công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai là một
trong nhiều loại sở hữu từ sở hữu nhà nước (trung ương và địa phương) đến sở
hữu tập thế, không có cái gọi là sở hữu toàn dân, bởi vì mọi sở hữu phải có sở
hữu chủ, người có quyền cũng như trách nhiệm xã hội đối với việc sử dụng sở hữu.
Việc bàn thảo sửa đổi Hiến pháp cho đến nay cho thấy
là các cấp lãnh đạo cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam đã nói “không” với
tất cả năm yêu cầu cải cách cơ bản trên. Vậy thì làm sao có thể lãnh đạo cải
cách? Hay nói cách khác, cải cách kể cả cải cách kinh tế ở Việt Nam đã bị khai
tử. Chiêu bài “tái cơ cấu” rõ ràng không có nội dung và cái gọi là cải cách đã
trở nên vô nghĩa. Việc lạm dụng quyền lực dùng ngân sách và quyền in tiền,
quyền vay mượn để mở rộng khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ làm nền kinh tế Việt
Nam
ngày càng thiếu hiệu quả, nợ nần cao và sẽ đưa tới phá sản. Ngoài ra, việc Luật
Tín dụng cho phép ngân hàng đầu tư vào chứng khoán, làm chủ doanh nghiệp và
ngược lại doanh nghiệp mở ngân hàng đã tạo thành một hệ thống chằng chịt không
thể kiểm soát, cho phép các nhóm lợi ích vây quanh lãnh đạo nhà nước và đảng,
lấy đất của dân, mở công ty bằng tiền của nhân dân và nhà nước và khi phá sản
thì nhà nước và nhân dân cùng chịu.2 Việc giải công cũng dễ dàng bị lạm dụng để
làm giầu cho một thiểu số, nếu tư pháp tiếp tục bị chỉ đạo như hiện nay và hệ
thống ngân hàng tài chính bị thâu tóm như hiện nay.
Lạm quyền chỉ có thể chống lại bằng quyền lực cản
ngược cân bằng lại, được pháp luật chính thức công nhận. Hiện nay đã có một
Đảng ba phe đấm bốc dưới gầm bàn. Thế thì tại sao không chính thống hóa việc
đấm bốc cạnh tranh quyền lực bằng các qui luật minh bạch và công bằng?
Những ý kiến cụ thể dưới đây về tổ chức chính quyền
dựa trên 5 điều cải cách đột phá nói đến ở trên vừa nhằm thiết lập một cơ chế
phân quyền và kiểm soát quyền lực, vừa nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo thống
nhất quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia của Chủ tịch nước, đồng thời cho
phép mở ra cơ chế cạnh tranh giữa các ý kiến xây dựng đất nước một cách minh
bạch. Hệ thống chỉ cần có sự nhất trí trong đảng lãnh đạo và nhân dân về việc
xây dựng và thực hiện chính sách trong an ninh quốc phòng. Nơi cần có sự cọ xát
ý kiến và chính sách một cách công khai chính là về chính sách liên quan đến
kinh tế xã hội. Sự khác nhau về chủ trương của nhiều phái trong đảng là hoàn
toàn bình thường, không những cần được chấp nhận mà cần được chính thức hóa
trong đảng và trước công luận. Người dân, thông qua đại biểu quốc hội, là người
quyết định chọn lựa chính sách bằng cách bầu Thủ tướng. Trong một đảng sẽ có ít
nhất hai phe, phe đa số nắm quyền tổ chức chính phủ. Phe thiểu số trở thành phe
đối lập. Tất cả sự chọn lựa phải được thể hiện thông qua lá phiếu của dân..
Như thế cơ chế này được tổ chức như sau:
1. Nhân dân tự do ứng cử vào Quốc hội.
2. Đảng bầu Tổng bí thư Đảng rồi giới thiệu ứng cử vào
chức vụ Chủ tịch nước để nhân dân bầu trực tiếp, nhưng dù là ứng cử viên duy
nhất cũng phải được ít nhất 51% phiếu bầu hợp lệ. Nếu không đủ phiếu, Đảng phải
bầu Tổng bí thư mới để giới thiệu ứng cử. Điều này tạo tính chính danh cho chức
Chủ tịch nước. Nhiệm vụ và quyền của chủ tịch nước phải được thực hiện đúng như
Hiến pháp hiện nay, tức là tổng tư lệnh quân đội và trách nhiệm an ninh quốc
gia (như Hiến pháp hiện nay) nhưng phải làm việc trong khuôn khổ luật pháp, và
lại có hội đồng hiến pháp xem xét những quyết định hay luật lệ được đưa ra.
3. Thủ tướng do Quốc hội bầu. Mọi đại biểu Quốc hội
đều có quyền ra ứng cử. Đảng viên có thể tổ chức thành hai phe nhằm ứng cử vào
chức Thủ tướng với chính sách và chương trình hành động cụ thể liên quan đến
kinh tế xã hội. Thủ tướng có nhiệm vụ và quyền về kinh tế xã hội đúng như Hiến
pháp hiện nay. Thủ tướng có thể bị Chủ tịch nước đề nghị miễn nhiệm bằng cách
yêu cầu Quốc hội bầu lại hoặc quyết định bầu cử lại Quốc hội.
4. Đảng đề cử cho Quốc hội bầu người vào Toà án hiến
pháp. Tòa án hiến pháp độc lập và có nhiệm kỳ vĩnh viễn nếu hội đủ sức khỏe và
tuân thủ luật pháp. Thẩm phán cũng được Thủ tướng đề cử để Quốc hội bầu với
nhiệm kỳ dài hạn hay cả đời. Sự độc lập của tòa án là nhằm bảo vệ công lý. Nếu
không có tòa án độc lập thì có hy vọng gì công lý.
Có người sẽ phê bình đề nghị trên là con đường đưa đến
đa đảng. Nếu quả là thế thì đâu có gì sai nếu như đó là con đường quá độ đưa
đến đa đảng một cách hòa bình khi điều kiện chín muồi tức là khi các cơ quan
quyền lực đã được tổ chức và vận hành hoàn chỉnh và khi đảng không còn thu đủ
lá phiếu tín nhiệm của nhân dân.
V.Q.V/(Diễn Đàn)
-------------
Chú
thích:
1. Tìm trên mạng, số liệu quyết toán
theo báo cáo trước Quốc hội cao hơn nhiều so với số liệu do Tổng cục Thống kê
xuất bản ở đây. Như thế phải lấy báo cáo ở Bộ Tài chính và Quốc hội.
2. Tác giả đã phân tích những gì cần
thay đổi trong Luật Tín dụng hiện nay và lý do trong bài Khủng hoảng và hệ
thống tài chính tín dụng: Phân tích ứng dụng với kinh tế Mỹ và Việt Nam, Thời
Đại Mới, Tháng 3, 2013 .
(*) – “Cải cách ở Việt Nam đang đi về
đâu?” - Hội thảo đón chào các bài đóng góp đánh giá cải cách ở Việt Nam về kinh
tế, chính trị, giáo dục, văn hóa và các thách thức trước mắt (Thứ hai –
Thứ ba, 12-13 tháng 8, 2013; Singapore Management University Room 4.1
& 4.2, Administration Building - 81 Victoria Street - Singapore 188065
-----
Một bài viết đã giúp người dân " vỡ vạc " ra nhiều vấn đề liên quan tới hệ thống lãnh đạo đất nước cũng như vai trò " độc đảng - độc quyền " của đảng CSVN . Và vì sao tình trạng " trên bảo dưới không nghe " , " 12 sứ quân " lại tràn lan như hiện nay . Và vì sao dân chúng gọi cái " quốc hội nước CHXHCNVN " chỉ là cơ quan " bù nhìn , không thực quyền ! Câu khẩu hiệu " đoàn kết , đoàn kết đại đoàn kết - thành công , thành công đại thành công " có lẽ không ứng nghiệm với tình hình nội bộ ban lãnh đạo đảng - nhà nước Việt nam hiện nay ! Có thể coi đây là một THẢM HỌA đối với dân tộc Việt nam .
Trả lờiXóaĐơn đảng trong lâu dài tự nhiên sẽ thiếu nhân lực. Bởi vì anh muốn chơi một mình thì cứ tiếp tục chơi một mình miễn là tình hình chưa tệ tới mức người ta phải xắn quần lên để lôi anh xuống. Còn anh đã chơi một mình mà muốn mời tôi vào chơi, muốn cùng anh và tôi chúng ta đổi mới cuộc chơi thì xin lỗi. Tôi nghi ngờ động cơ những người đến với anh. Lại càng nghi ngờ cái cách anh đổi mới vì cuối cùng anh phải làm là đem về cái lợi lớn nhất cho "cái một mình" của anh. Vì lẽ tất yếu đó là lí do họ cho anh làm đại diện mời chào. Trước giờ vốn vậy thì điều gì khiến tôi tin rằng hiện tại và tương lai không?
Trả lờiXóaThu phi trên từng chiếc xe từ 2 bánh tới 4 bánh, trên từng lít xăng dầu mà không đủ để bảo dưỡng đường xá (xây một lần sửa 10 lần), lại còn thu phí bảo dưỡng trên đầu xe, thu phí từng đoạn đường, ?
Đó là vì sao người dân im lặng, thờ ơ. Họ đợi, họ chịu đựng để xem đến cuối cùng ai quá quắt, ai không chịu nổi phải sụp đổ. Còn cải cách với 1 đảng đứng trên hiến pháp thì làm sao cải cách?
Tôi thấy lời lẽ cũng "hùng hồn" . Xin nói đến gần 100% đại biểu quốc hội là người của đảng cs , thì xin nói có quốc hội cũng bằng thừa !!!!.
Trả lờiXóaLàm sao thì làm phải tam quyền phân lập với tinh thần thượng tôn pháp luật , chứ KHÔNG PHẢI THƯỢNG TÔN ĐẢNG !!!
Khi mà xã hội vẫn cứ hiện diện 100% "đồng chí" quan tòa , thì làm sao pháp luật còn thượng tôn , công bằng và nghiêm minh !!!
Chắc không bao giờ họ tự sửa - bởi,theo ho -,họ là toàn hảo,họ là tuyệt vời và trên cả tuyệt vời,họ là "đỉnh cao trí tuệ" cơ mà ! Cũng giống như Gadafi của Lybia,Adam Husein của Iraq vậy đó !
Trả lờiXóaKhông thê cải cách gì được nếu vẫn cứ độc đảng đơn ca. Muốn có dân chủ , fải đa đảng và thực hiện tam quyền phân lập thực sự không fải lòe bịp như hiện nay.
Trả lờiXóa